Cucho

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


    Cucho Maluquer sống với bà ở Madrid, trong một căn gác áp mái trên đường Moon. Em đến trường cũng như bao trẻ em khác. Em không biết tại sao mình không có cha mẹ, nhưng bọn trẻ khác cũng có đứa đâu biết tại sao chúng không có bà, vậy cảnh ngộ của chúng giống nhau cả thôi.

Bà em vẫn kiếm sống bằng công việc làm vệ sinh nhà cửa, nhưng ngay sau ngày sinh nhật thứ sáu mươi của bà thì bà không may bị gãy chân. Dù đã được điều trị kỹ lưỡng, bà vẫn không thể nào tiếp tục xuống phố nữa vì ngôi nhà bà cháu họ rất cũ kỹ và không có thang máy, và vì bị khập khễnh sau tại nạn, bà hết lên xuống nổi bốn tầng của ngôi nhà.

Bà bảo Cucho: "Này, chớ có lo, bà có thể may vá được và bà sẽ kiếm tiền bằng cách vá." Dù nhà Cucho nằm sát ngay đường Gran Via là con phố chính của thành phố, những người sống trong đó rất bình dân. Dẫu khó khăn, họ vẫn cố giúp bà lão bằng cách giao áo quần cho bà khâu vá; nhưng dĩ nhiên họ chỉ đủ sức trả công bà ít thôi.

Vả lại, thực tình mà nói, bà lão đã may vá không được khéo lắm lại còn nhìn không rõ nên chỉ có thể vá víu được chút ít. Sự thể làchẳng mấy chốc hai bà cháu bắt đầu bị đói ăn. Với Cucho thì không đến nỗi nào vì ít ra trong giờ ra chơi ở trường, nó được ăn bánh mì kẹp nhân các bạn bỏ mứa. Có cả những bạn khôngmuốn ăn và cho Cucho nguyên cả ổ bánh mì kẹp nhân! Gần như Cucho đã giúp các bạn này, vì như vậy có nghĩa các bạn khỏi phải nhọc công đợi lúc không ai chú ý lén quẳng bánh mì đi. Những lúc ấy, Cucho mang bánh mì về cho bà; nhưng bà lão tội nghiệp lại còn nỗi khó khác: vì không còn răng nên bà khó mà nhai nổi bánh mì mà chỉ có thể nhấm nháp phần nhân bên trong. Khi biết được như vậy, Cucho chọn lựa kỹ hơn và chỉ nhận nhữngbánh có nhân mềm như pho mát, bơ và mứt, thạch xu xoa, và ngon nhất là trứng.

Kết quả là việc ăn uống của bà ngày càng khá thêm nhưng việc may vá thì tệ hại hơn vì mắt bà quá kém. Có một hôm bà mắc sai lầm thật nghiêm trọng; số là người ta giao cho bà một bộ com-plê đàn ông để sửa và thay vì gắn tay áo vào áo vét, bà lại kết ống quần vào. Khi hàng xóm trở lại than phiền về chuyện này thì bà xin lỗi và nói: "À, tôi cũng ngạc nhiên, nghĩ sao chồng bà lại có cánh tay dài thế..."

Đó chính là lý do hàng xóm thấy khó lòng giúp bà dù họ thực tâm muốn giúp đỡ; mắt bà kém đến nỗi không ai đoán trước đượcmón hàng giao cho bà sửa rồi sẽ ra sao! Bà lão khốn khổ thở dài than thở: "Chao ôi, ước gì mình có cặp kính mà đeo..."

Cucho trông có vẻ già dặn hơn cái tuổi lên mười của mình, liền đi ra tiệm dò giá kính. Người bán hàng hỏi: "Kính cho ai dùng vậy nhóc?"
"Cho bà cháu ạ,"
"Bà dùng để làm gì?"
"Để may vá ạ."
"Thế bà được bao nhiêu tuổi?"

Cucho không biết câu trả lời nên nó nói:"Dạ, bà cháu giống như các bà khác... nhưng có lẽ bà là người già nhất." Người bán hàng hiểu ngay ý của Cucho và đáp rằng: "Cháu có thể cho là giá vào khoảng bảy ngàn peseta."

Thằng bé kinh ngạc tột độ; nó không biết người nào lại có được số tiền lớn như vậy. Nó về nhà nói với bà rằng: "Bà ơi, bà bỏ việc khâu vá đi thì hơn. May vá chẳng bù được chi phí mua kính cho bà đâu."
"Bà lão khốn khổ thở dài, nói:
"Thế không may vá nữa thì suốt ngày ở nhà bà làm gì đây?"

Cucho nghĩ không ra cách giải quyết một vấn đề phức tạp đến như vậy?

Tuy nhiên nguồn thực phẩm thì càng lúc càng dễ dàng hơn vì nhiều bạn trai lẫn gái trong trường tìm cách mang theo được suất bánh mì kẹp nhiều gấp đôi thông thường để có thể chia sớt với Cucho. Tuyệt vời hơn là các bạn ganh đua với nhau, vì nếu như Cucho từ chối không nhận bánh của bạn nào thì bạn ấy thấy mất mặt lắm.

Một chú bé nói: "Nào, xem đây, Cucho, Cucho mình mang cho bạn bánh mì kẹp thịt nguội. Bạn xem có được không?"

"Xin lỗi, nhưng thịt nguội dai quá bà mình không ăn được."

"Nhưng đây là thứ giăm bông ngon nhất...", cậu bé giải thích.

"Ồ, nếu thế thì được", Cucho nói." Nhưng lần sau đừng dùng nhiều bánh mì quá nhé, nhất là nếu bánh có vỏ cứng."

Và thế là một số bạn bè dùng bánh mì lát như bánh bán trong tiệm.

Trường Cucho có cả học trò trai lẫn gái, và cha của cô bé tên Celia có một tiệm bánh ở góc đường bán đủ loại kẹo và bánh ngọt. Tất cả học sinh trong trường đều tìm cách làm thân với Celia vì ngoài việc cô bé rất xinh, túi áo của cô lúc nào cũng đầy nhóc kẹo. Việc này khiến cô bé hơi kiêu ngạo, thế nhưng cô bé đã nói với Cucho: "Bà của bạn có thích ăn bánh ngọt không?"

Cucho suy nghĩ một lúc rồi ra vẻ hạ cố, trả lời: "À, có, nhưng chỉ bánh kem thôi."

Nhưng rồi một ngày kia thầy Anselmo, hiệu trưởng trường Cucho học, phát hiện có chuyện trao tay bánh mì kẹp giữa Cucho và tất cả học trò trong lớp, thầy rất tức giận về chuyện đó. Thầy Anselmo hơi lác mắt, mang kính, để râu và lúc nào cũng phải ra vẻ dữ tợn một chút để cho học trò khỏi cười nhạo thầy. Như thế có nghĩa học trò mới thì sợ sệt khi mới gặp thầy, nhưng theo thời gian, khi dần dần quen thầy là chúng hết sợ bởi vì cùng lắm thì thầy cũng chỉ la hét chúng thôi. Khác hẳn với cô Adelaida, một cô giáo trong trường, luôn luôn ăn nói rất nhỏ nhẹ và lúc nào cũng khuyên nhủ đủ mọi điều vớ vẩnvà chán ngắt. Nếu một học sinh không nghe lời cô khuyên, cô sẽ không bao giờ lớn tiếng nhưng sẽ mời cha mẹ đứa trẻ cứng đầu đến và đứa trẻ sẽ gặp rắc rối to. Thầy Ánelmo quả thật tức giận về chuyện trao tay bánh mì – cả bánh mì ổ lẫn bánh mì lát – và bánh ngọt. Vì thầy cho rằng Cucho đã đoạt bánh của các học trò khác để đem bán. Thầy gọi Cucho vào văn phòng và hỏi:

"Tại sao em giành bánh mì của các bạn khác?"

Lý do khiến thầy nghĩ Cucho dùng sức mạnh giành bánh mì của các trẻ khác là vì dù mới mười tuổi, nhưng Cucho cao hơn đứa mười một tuổi hay thậm chí mười hai tuổi.

"Nhưng em có giành bánh của ai đâu ạ, các bạn cho em đấy chứ", Cucho giải thích.

"Thế chính xác thì tại sao các bạn cho em?", thầy hiệu trưởng hỏi gằn, vẫn đầy tức giận và nghi ngờ.

"Là vì để cho bà em và em có cái gì đó để ăn. Thầy biết không, bà em bây giờ không còn làm việc được nữa. Bà bị gãy chân rồi."

"Chà, chao ôi, em này...", thầy Anselmo bắt đầu lắp bắp vì sượng sùng.

Thầy sượng sùng đến nỗi nói lắp bắp vì thầy chợt nhìn thấy đôi giày thằng bé rách nát còn áo quần thì rất cũ kỹ. Đặc biệt là thầy thấy nút áo em đính bắt quàng không đúng vị trí nên khi cài lại thì áo em bị kéo giật ra đủ mọi hướng.

"Thế tạo sao nút áo em lại đính vào những chỗ kỳ quặc thế kia?"

"Đó là tại bà em đính vào đấy ạ, và vì bà không có kính mà mắt bà lại kém lắm nên đính trật chỗ đó thầy."

"Chà, chao ôi!" Thầy Anselmo thốt lên,giọng thông cảm. Sau đó thầy trầm ngâm mở ngăn kéo bàn viết lấy ra cặp kính kiểu xưa có một tròng bị nứt. Thầy trân trân nhìn kính một chập, dáng suy tư. 

"Đây là cặp kính cũ trước kia thầy dùng đọc sách nhưng thầy ít khi dùng lắm. Bà em chắc sử dụng được. Bà bao nhiêu tuổi rồi?"

Đây chính là điều người bán hàng ở tiệm kính đã hỏi – câu hỏi mà Cucho không đáp được. Thế nên vì vẫn không biết bà mình bao nhiêu tuổi, Cucho cũng đáp gần giống như lần trước:

"Bà là một bà ngoại khá lớn tuổi. Không chừng bà còn già hơn cả thầy đấy ạ."

Thầy Anselmo bực mình lắm."Dĩ nhiên là bà phải già hơn thầy rồi! Em nói thế là thế nào?"

Thầy bực mình vì thật ra thầy còn trẻ nhưng sự trẻ trung bị che lấp vì chòm râu và cặp mắt lác. Cucho đoán giờ thì nó sẽ không được cho kính nữa, nhưng nó vẫn được cho.

"Thôi, dù sao cũng hãy để bà em thử đeo xem nó giúp bà được chút nào không. "Cucho có thói quen xấu là không lên tiếng cảm ơn đàng hoàng. Nó chỉ cầm kính lên và đi ra khỏi phòng mà không nói tiếng nào. Thầy hiệu trưởng tưởng cu cậu giận dỗi vì bị kết tội giành bánh mì các bạn, nên thầy bèn kêu nó lại:   

"Cucho!"

Thằng bé đã ra tới cửa nhưng quay lại.

"Nghe này, thầy nghĩ việc các bạn cho em bánh là một ý tưởng rất tốt, phải không?"

"Thưa thầy, phải", chú bé đồng ý. "Thầy sẽ cho là không tốt nếu em đoạt bánh của bạn rồi đem bán ngoài đường."

Thầy cười khi nói như vậy, như thể là nói đùa, nhưng thực sự câu nói đó đã gợi một ý thật tuyệt vời cho Cucho.

Ý của em là đem các bánh còn dư bán trong khu chợ Espana, một quảng trường rất gần nhà hai bà cháu. Thầy hiệu trưởng sẽ không tán thành em đoạt bánh của bạn bè để đem bán, nhưng thầy không nói gì tới chuyện bán bánh do bạn làm quà. Nhưng để phòng xa, Cucho không hề nói cho ai biết nó sử dụng số bánh được cho hàng ngày trong trường như thế nào.

Cucho bắt đầu bán bánh không phải vì em thích ý ấy mà vì bà cháu em cần có tiền trong nhà ở đường Moon, để trả tiền mướn nhà. Tháng đầu, tất cả những người ở trọ khác chung tiền trả tiền nhà cho hai bà cháu,nhưng tiếc thay tòa nhà rất cũ kỹ và có nguy cơ bị đổ nát hoàn toàn nên một số người ở trọ dời qua nhà khác sống, thành thử họ không giúp hai bà cháu được nữa. Những người còn ở lại chỉ là người có trách nhiệm trông nhà – đó là một cụ bà già cỡ bà của Cucho, một ông nhạc sĩ già tên là Antonio, và bà Remedios là người có một quầy bán kim chỉ ngay bên cạnh tòa nhà em ở.

Vả lại, bà Cucho cần có sữa để giữ gìn sức khoẻ và thứ đó thì các bạn trong trườngkhông thể cung cấp được. Thế nên hai bà cháu cần tiền.

Có một hôm, bà Remedios làm cho Cucho sợ dựng hết cả tóc gáy khi bà bảo Cucho rằng:"Cháu hãy nghe lời bà đi, Cucho; đưa bà cháu vào nhà dưỡng lão là điều tốt nhất cho bà ấy. Bà cháu sẽ được chăm sóc rất tốt. "Lúc đó Cucho không nói tiếng nào, nhưng khi vào trường nó hỏi Celia, cô bạn có cha là chủ tiệm bánh, cô bạn không những đẹp mà còn là cô gái thông thạo nhất lớp, lúc nào cũng được điểm cao nhất lớp:

"Nghe này, Celia, nếu người ta đưa bà mình vào nhà dưỡng lão, thì chuyện gì sẽ xảy ra cho mình?"

"À, người ta sẽ đưa bạn vào một nhà khác."

"Bạn muốn nói là có nhà cho trẻ em nữa sao?"

"Có chứ, dĩ nhiên là có."

Cô bé lạnh lùng nói vậy, như thể không quan tâm đến chuyện gì đang xảy đến cho Cucho. Đó là lý do tại sao Cucho nén giận, cũng nói giọng bình thản y như vậy:

"Này, Celia, đừng mang bánh ngọt cho bà mình nữa. Bà nói kem trong bánh bị chua, không tốt cho bà."

Cô bé không hề giận dữ, nhưng rõ ràng cô bị tổn thương. Cô đứng đó nước mắt lưng tròng. Thế là Cucho ù té chạy, cảm thấy xốn xang vì mặc dù Celia kiêu căng và ta đây gì gì cũng biết nhưng cô bé lúc nào cũng tốt với Cucho.

Cucho bắt đầu bán bánh mì kẹp nhân trong khu chợ Espania vì đã có nhiều người bán hàng nơi đó. Có những ông bày xuống đất những món hàng kỳ lạ, không có công dụng gì cả. Có những bé trai như Cucho, có lẽ lớn hơn Cucho một chút, cổ đeo thúng bán bánh ngọt. Nhưng may mắn là chưa có ai bán bánh mì kẹp nhân. Thế là Cucho lấy cái rổ vốn đựng áo quần là ủi trông hãy còn mới, ráng sắp xếp bánh bì kẹp nhân vào đó sao cho thật dễ nhìn, đặt bánh lên trên một tấm vải trắng cho có vẻ sạch sẽ và bắt mắt hơn. Sau đó, Cucho phủ lên rổ một miếng vải nhựa.

Ngay ngày đầu tiên, Cucho khởi sự loanh quanh quảng trường có vẻ lạ lẫm, thực tình không biết làm sao để bắt đầu việc bán bánh. Trời lại lạnh nữa vì là tháng Mười Hai. Cứ như thế cho đến khi người đàn ông ngồi bên chỗ bán những món hàng kỳ quặc gọi: "Ê, thằng nhỏ, đến đây! "Ngoại hình ông ấy trông không có vẻ hy vọng được gì và Cucho gần như muốn phớt lờ lời ông ta gọi. Tóc ông ta rất dài và khá là dơ bẩn. Ông ta ngồi bệt dưới đất, giữ ấm người bằng cách kéo trùm cái áo gió cũ kỹ lên tận mặt và quấn chặt hai chân bằng cái mền đã tã. Nhưng mặc cho những chuyện đó, Cucho vẫn lại chỗ ông ta.

"Thế chú mày bán gì đấy?"
"Bánh mì kẹp nhân ạ."

Ông tóc dài nhìn giỏ bánh một cái, văng tục một tiếng, rồi nói: 

"Bánh mì kẹp gì mà lạ thế! Kích cỡ đều khácnhau cả thế này..."

Cucho đã lưu ý chuyện này nhưng khôngbiết phải tính sao. Chính xác hơn là nó đã chú ý thấy các món hàng khác bày bán trên hè phố đều có cùng kích cỡ. Thí dụ mấy cái bánh bột được bày bán đều cùng kích cỡ hay nhiều lắm thì cũng có hai cỡ mà thôi. Trái lại, mỗi một chiếc bánh trong giỏ của Cucho đều có hình dáng, kích cỡ khác nhau, làm bằng loại bánh mì khác nhau và nhân cũng khác nhau.

"Chú mày lấy mấy cái bánh này từ đâu ravậy?"

"Bà cháu làm đấy ạ", là lời đáp duy nhất mà Cucho có thể nghĩ ra.

"À ra thế!". Rồi không hỏi han gì thêm, ông ta cầm lấy một miếng có nhân pa-tê gan béo và bắt đầu ăn. Vẻ mặt ông ta không một nét hứa hẹn gì cả làm Cucho ngỡ ông sẽ không trả tiền.

"Bánh ngon đấy, giá bao nhiêu?", ông ta nhồm nhoàm hỏi. "Mười lắm đồng peseta ạ." Người đàn ông ngừng ăn, miệng há hốc để lộ hết cả thức ăn trông không lịch sự chút nào. Ông ta lại văng tục – lần này dùng nhữngtiếng tồi tệ nhất, rồi nói: "Mày ngu đần hay sao thế, nhóc con?"

Cucho muốn chạy thoát thân nhưng nỗi sợ hãi quá độ làm nó đứng chôn chân tại chỗ. Người đàn ông lấy một cái bánh nữa, lần này là bánh nhân pho mát, và lặp lại: "Còn cái này mày tính giá bao nhiêu?"

Vì lẽ nói mười lăm đồng làm ông ta nổi giận nên Cucho quyết định chỉ năm đồng thôi. Khi nghe giá tiền đó, người đàn ông đùng đùng nóng giận văng tục ngay một câu mà nhà trường tuyệt đối cấm kỵ vì thầy Anselmo nói, ngoài tính thô tục, tiếng đó còn có tính báng bổ nữa.

Cucho sợ mất vía. Trong khi đó, người đàn ông thọc tay vào túi để lấy dao giết thằng bé, nhưng thay vì con dao, ông lấy ra tờ giấy bạc một trăm đồng và nói:

"Nghe này, nhóc con, bảo với bà của mày rằng trong bất cứ quầy thức ăn nào bánh mì kẹp cỡ này ít nhất cũng giá bảy mươi lăm đồng một chiếc. Rõ chưa? Dù mày bán với giá năm mươi đồng cũng là rẻ mạt rồi, biết không? Đây, cầm lấy một trăm đồng cho hai cái: Và ngày mai trở lại nghe không."

Việc bán bánh mì kẹp thành công lạ thường. Ông tóc dài Cucho gặp ngày đầu mà ai cũng gọi là 'Tôm Hùm' hôm nào cũng mua của nó ít nhất là hai cái bánh và lại còn quảng cáo giúp nó với những người bán hàng khác. Có những ngày, Cucho bán chưa tới một giờ đồng hồ mà bánh đã hết vèo và nó đi về nhà với khoảng một ngàn đồng trong túi.

Vì tình hình mới như vậy nên Cucho nói với bạn bè trong là bà nó đã gắn răng giả và có thể ăn bất cứ loại bánh mì kẹp nào, kể cả bánh có nhân dai. Điều kỳ lạ là không học sinh nào thấy ngạc nhiên khi Cucho có hôm mang ba mươi bánh kẹp nhân về nhà. Phần tệ hại nhất trong tình thế là về Celia: cô bé vẫn còn giận vì Cucho đã nói kem trong bánh của cô bé bị chua; cô bé không thèm nói chuyện với Cucho còn Cucho thì không biết phải làm sao để chuộc lỗi.

Bà Cucho thoạt đầu rất kinh hãi vì cả đời bà chưa từng kiếm ra một ngàn đồng trong một ngày, bà lo lắng không biết cháu mình có ăn cắp tiền không. Nhưng khi Cucho giải thích về chuyện bán bánh mì thì bà cụ hết lo, thay vào đó còn bắt đầu thấy vui vui nữa. Đó là vì bây giờ bà đã có thể uống mỗi ngày một lít sữa, là món bà thích hơn các thứ khác. Thêm vào đó, vì giờ đây bà có thể nhìn thấy rõ hơn nhờ cặp kính mà thầy hiệu trưởng của Cucho cho, nên bà bèn bắt tay may một bộ đồ trình diễn cho Antonio – ông nhạc sĩ. Đến lúc nàythì ngoài hai bà cháu, ông là người thuê nhà duy nhất còn sót lại trong cả tòa nhà.

Cucho cảm thấy hết sức quen thuộc và được che chở trong khu chợ Espania. Một hôm khi Cucho sắp về nhà, có vài thằng bé lớn hơn định cướp tất cả tiền bán bánh mì của Cucho, nhưng ông Tôm Hùm thấy được sự việc liền chạy vội đến vung gậy giúp nó, đuổi được bọn con trai lớn đi mất.

Ông Tôm Hùm bán dây chuyền, vòng tay và đủ thứ các món trang sức được các cô gáiPhilippin ưa chuộng. Những cô gái này từ quần đảo Philippin xa xôi đến Tây Ban Nha, làm nghề giúp việc nhà kiếm sống, và họ thường gặp nhau trong khu chợ vào những ngày nghỉ. Họ hầu như không nói được tiếng Tây Ban Nha, nhưng với ông Tôm Hùm thì họ có thể làm ông hiểu họ được và họ thích cười đùa cùng ông. Các cô hẳn nhiên tin tưởng ông, thế nên khi ông khuyến khích các cômua bánh mì của Cucho, bảo với họ rằng 'ngon lắm đấy' thì các cô nghe theo và mua bánh cho Cucho.

Cả đến khi đã bán hết hàng, Cucho cũng nán lại khu phố chợ khá lâu vì điều nó thích nhất trên trên đời này là xem cách bán hàng của ông Tôm Hùm và những người bán hàng khác trên đường – thích đến nổi nó định bụng là khi lớn lên, sẽ tậu một gian hàng như gian hàng của họ.

Điều Cucho không bao giờ ngờ tới là khởi đầu kỳ nghỉ lễ Giáng sinh lại có thể gây thiệt hại cho việc làm ăn của nó đến như vậy. Các bạn trong trường, cả trai lẫn giá, đều háo hức mong đợi tới ngày nghỉ lễ. Cucho cũng không khác gì chúng bạn, vì mặc dù Giáng sinh của Cucho không giống với Giáng sinh mà các bạn khác được tận hưởng – thí dụ như Ba Ông Vua quả tình khó lòng mang quà lên tận căn hộ áp mái không có thang máy – điều đó không có nghĩa nó không thích thú thưởng thức bữa tối bà nó nấu cho hai bà cháu trong đêm Giáng sinh, đèn Giáng sinh trên đường phố, và bản thân kỳ nghỉ lễ. Lý do kỳ nghỉ lễ tệ hại là vì khi bọn trẻ ngưng đến trường, như bạn biết đấy, thì nguồn cung cấp bánh mì cũng chấm dứt. Đó là lý do khiến việc buôn bán của Cucho đột nhiên tan biến.

Tệ hại nhất là bà Cucho không bao giờ khỏe mạnh trong mùa đông cả. Phổi bà có vấn đề và trời lạnh làm bà khó thở. Có nhiều hôm bà không ra khỏi giường nổi, ráng lắm thì bà cũng chỉ ngồi dậy được để tiếp tục may bộ trang phục trình diễn cho ông nhạc sĩ Antonio. Thứ tốt nhất cho lá phổi vướng đầy đàm của bà là sữa nóng. Rủi thay hai bà cháu lại lập tức hết nhẵn tiền vì dù việc bán bánh mì thành công nhưng mới được có vài ngày thôi nên hai bà cháu đâu kịp dành dụm được gì.

Trước tình huống đó, Cucho quyết định ra khu chợ và nhờ ông Tôm Hùm giúp đỡ. Nhưng một cú sốc chờ Cucho nơi khu phố chợ vì ở đó vắng tanh không có lấy một gian hàng. Sự thể y như một giấc mơ kinh hoàng. Cucho đến chỗ ông bán báo, khu phố chợ chỉ còn mỗi ông vì ông có sạp báo thường trực ở đó. Ông đã mua bánh mì của Cucho đôi ba lần, như vậy có nghĩa ông biết Cucho. Cucho hỏi:

"Xin cho cháu biết ông Tôm Hùm và mọi người bán hàng khác đâu hết rồi ạ?"

"Trong thời điểm Giáng sinh, cảnh sát thành phố không cho phép họ bày hàng bán, bảo rằng vì họ làm cản trở đường đi lối lại," ông bán báo trả lời; sau đó ông ngừng nói, đăm chiêu nhìn Cucho một lúc rồi cảnh báo: "Họ cũng không cho phép bán bánh mì đâu. Nhưng nếu khôn khéo một chút cháu có thể tiếp tục bán nhưng đừng để họ thấy."

Ông ta nói vớt vát thêm điều đó để thằng bé vui lên nhưng dĩ nhiên lời khuyên không ứng dụng được, vì dẫu sao Cucho cũng đâu có bánh để mà bán.

"Còn ông Tôm Hùm thì sao hả ông? Ông ấysẽ không trở lại đây nữa ạ?"

"À, nếu anh ta là người cháu cần gặp thì chắc chắn cháu sẽ tìm thấy anh ta trong quánrượu ở góc đường." Và quả vậy, khi Cucho đến cái quán mà ông bán báo chỉ cho nó, thì có ông Tôm Hùm ngồi uống cà phê ăn bánh churro*. Thấy Cucho, ông ta rất mừng, và lập tức lên tiếng khích lệ giống như ông bán báo đã khích lệ nó.

"Cảnh sát có thể đuổi chúng mình ra khỏi khu phố chợ nhưng không có lý do gì chú mày không thể tiếp tục bán bánh mì kẹp. Thay vì bưng rổ bánh đi lòng vòng, chú mày cứ cho bánh vào một cái túi ấy."

Chú bé không có sự lựa chọn nào khác hơn là nói ra sự thật, và nó lo sợ ông bạn sẽ tứcgiận vì đã nói dối ông khi bảo rằng bà nó làm bánh mì kẹp. Nhưng ông Tôm Hùm chẳng những không giận dữ mà còn hào hứng khen ngợi. Ông bạn tóc dài của Cucho nói: "Như vậy chú mày đã nhận bánh mì của các bạn trongtrường phải không?"

"Dạ đúng vậy," Cucho thú nhận."Cháu tài tình lắm, chú bé ạ. Thay vì chỉ có sạp bán hàng khi lớn lên, chú em sẽ có hẳnmột cửa tiệm. Rồi chú em sẽ thấy! Hay biết đâu có nguyên cả một siêu thị không chừng."

Đây là viễn cảnh sung túc quá xa vời đối với Cucho, chú bé là kẻ hiện đang cần kiếm ra ít tiền để có miếng ăn trong dịp Giáng sinh, và cu cậu đã hy vọng là sẽ làm được như thế bằng cách giúp ông Tôm Hùm bán đồ trang sức. Nhưng rõ ràng chuyện ấy không thể được rồi, và điều tốt nhất ông tóc dài bán hàng ngoàichợ có thể làm được là mời Cucho cùng ăn bánh churro và cho nó mượn một trăm đồng.

Cucho không biết phải làm gì và khi đènGiáng sinh tỏa sáng trên đường phố vào đêm trước Giáng sinh, Cucho không thấy vui chút nào.

Mặc dù với những vấn đề như thế, bà Cucho đã xoay xở được, nhưng phải nói là rất khó khăn, để hoàn tất bộ trang phục trình diễn cho ông Antonio, nhạc sĩ chơi kèn clarinet.

Đó là một người đàn ông dáng vẻ u sầu, mặtdài và ốm như nhạc cụ ông chơi, nhưng lại hết sức lịch thiệp. Thế nên ông rất nhã nhặn bảo bà Cucho khi bà trao cho ông ấy bộ trang phục: "Xin thứ lỗi, thưa quý bà, nhưng ngay tại thời điểm này tôi không thể trả tiền công cho bà. Tôi hoàn toàn không có tiền." Bà Cucho thấy dù sao mình cũng chẳng còn sống được bao năm nữa, nên không đáng phải nổi giận với bất cứ người nào. Bà chỉ hỏi rằng: "Thế ông nghĩ khi nào có thể trả cho tôi?"  

Người đàn ông tội nghiệp phác một cử chỉtuyệt vọng. Dĩ nhiên đã có thời ông từng chơi trong ban nhạc thành phố. Thậm chí có một lần ông trình diễn trong khán phòng hoà nhặc; ông có cả ảnh chụp vào dịp ấy, cho thấyông ăn mặc như nhạc sĩ chánh hiệu. Nhưng dạo gần đây ông không may mắn gì cả và không có việc làm.

"Không sao," bà cụ thở dài, hoàn toàn camchịu, "nhưng ít ra cũng cứ mặc vào thử xem nó ra sao chứ." Thế là ông nhạc sĩ mặc thử, và bà hài lòng với kết quả: tay áo khâu vào đúng chỗ và nút áo cũng đúng chỗ. Cucho nghĩ bộ trang phục trông kỳ quặc thế nào ấy, nhưng nó không nói ra. Thình lình một nụ cười bừng sáng cả gương mặt ông nhạc sĩ, ông nói với bà cụ:

"Tôi vừa chợt nghĩ ra cách trả tiền bà, thưabà. Điều này có nghĩ là tôi có thể dạy cháu trai bà chơi kèm clarinet, cũng như trả được cho bà ít tiền."
Sau đó ông quay về phía Cucho, hỏi: "Cháu có thích làm nhạc sĩ không?"

Ý tưởng này không làm Cucho thấy hứng khởi ngay bởi vì bản thân ông Antonio cũng đâu khá giả gì với cái nghề của ông. Thế nên để khuyến khích chú nhóc, ông già liền kê kèn clarinet sát môi nó và nói: "Thử thổi xem."

Chú nhóc làm theo lời ông và một âm thanh thật ấn tượng phát ra bởi vì cùng với lúc nó thổi, ông Antonio bấm phím kèn clarinet. Cucho thấy loại sáo đặc biệt này cũng dễ chơi. Thế nên nó hứng chí và vì không có gì tốt hơn để làm, nó chấp nhận đề nghị của ông nhạc sĩ. Hôm sau, nó xuống căn hộ của ông thật sớm.

Ông Antonio đang đợi nó, đã mặc bộ trang phục trình diễn, ban ngày trông bộ trang phục này vẫn kỳ quặc thế nào ấy. Hẳn nhiên là hai tay áo may vào đúng chỗ rồi đấy, nhưngmột tay dài hơn tay kia. Nút áo cũng đính vào đúng chỗ đấy nhưng khuyết áo với viền chỉ vàng thì được bà kết tán loạn mọi nơi trên áo, trông cứ như những hành tinh. Ông Antonio không hề ngắm mình rõ vì ông chỉ có một mảnh gương nhỏ xíu. Tuy nhiên ông cũng nói với Cucho:

"Ông nghĩ là bà cháu đã may cho ông bộ trang phục kỳ lạ, cháu có nghĩ vậy không?" Cucho không trả lời vì nó không thể hiểutại sao lại phải mặc thật đẹp chỉ để dạy nó học kèn clarinet. Nhưng ông Antonio giải thích tình huống không như mong đợi này khi nói:"Được rồi, thôi ta đi."
"Ta đi đâu vậy ông?"

Mới đầu, ông Antonio không dám nói ông đưa nó đi đâu nên ông giải thích rất lộn xộn."Này cháu, khi cháu mới học chơi clarinet, cách học tốt nhất là xem ông chơi như thếnào."

Thực ra ông đưa Cucho tới chỗ Calle dePreciados, nhìn trước nhìn sau, làm dấu thánh giá và nói với Cucho: "Bây giờ cháu để ý canh chừng và hễ thấy cảnh sát thì báo cho ông biết." Và với vẻ mặt phần thì nhợt nhạt vì thẹn, phần thì tím ngắt vì lạnh, ông bắt đầu chơi kèn clarinet.

Cucho hơi ngạc nhiên, nhưng không nhiều lắm, vì nó đã quen nhìn thấy nhạc sĩ đường phố kiếm sống bằng cách gom tiền người đi đường thảy cho họ. Nhưng nó không ngờ ông Antonio là một trong những người đó. Thực ra, rõ ràng ông không phải giống như họ bởi ông luýnh quýnh và e thẹn khi chơi. Khởi đầu ông thổi rất nhẹ như thể ông muốn che giấu luôn cả việc mình thổi kèn và điều nàycó nghĩa là trong đám người vội vã đi qua, ai cũng rảo bước nhanh vì trời lạnh giá, không ai dừng lại cả. Nếu có người dừng lại thì là vì họ ngạc nhiên với bộ đồ của ông, nhưng rồi họ lại đi tiếp.

"Này ông Antonio", Cucho nói, "nếu mình đến đây để ngửa nón quyên tiền, ông phải chơi to hơn thế nhiều."

Cái mặt trắng xanh vì lạnh của ông nhạc sĩ chuyển sang đỏ lựng như trái cà chua."Cháu tha lỗi cho ta nhé", ông nói với Cucho. "Đây là lần đầu ta làm thế này. Ta chưa bao giờ dám một mình biểu diễn trên đường phố. Đó là lý do ta muốn cháu đi cùng với ta. Có thể là ta đã dụ dỗ cháu vào việc này."

Không cần phải nói, ông chẳng tìm đâu ra người bạn đồng sự tốt hơn Cucho. Vì rất ham kiếm được vài đồng, Cucho bèn lấy cái nón của ông Antonio, để cái đầu trọc tóc của ông trần trụi. Thấy chú nhóc quyết tâm đến vậy, ông Antonio thấy bạo lên và bắt đầu chơi hết sức; vì quả thực ông chơi rất hay, mọi người bắt đầu dừng lại và quăng tiền vào nón.

Cucho thấy cách kiếm tiền này chậm hơn là bán bánh mì kẹp; người ta chỉ quăng xuống xu một đồng hay nhiều nhất là năm đồng. Nhưng nó đành chấp nhận phải làm việc nhiều giờ hơn thôi. Nhưng người thấy không chấp nhận được, hay chính xác hơn là không thể đứng đó giờ này qua giờ khác mà sống sót nổi, lại là ôngAntonio. Khi Cucho gỡ nón ông xuống, cái đầu trọc của ông tím tái lại vì hôm ấy trời lạnh đến có thể đổ tuyết.

"Chúng ta phải đi bây giờ thôi," ông cảnh báo trước với Cucho, "vì óc của ta sắp đóng băng rồi."

"Ồ, mình không đi được đâu," Cucho trả lời, nó thấy rõ là dù chậm, nhưng cái nón thực ra bắt đầu có nhiều đồng xu. Thay vì nghe ông, nó gỡ khăn quàng của mình ra và quấn quanh đầu ông nhạc sĩ giống như khăn đội đầu của người Ma-rốc.

Kể từ lúc đó, họ thành công nhiều vì bấy giờ người ta dừng lại không chỉ để nghe nhạc, mà còn để ngắm ông Antonio. Và thật ra, trong bộ trang phục biểu diễn lạ kỳ mà bà Cucho đã làm và cái khăn quấn đầu bằng len do chính Cucho đệm thêm, ông Antonio trông ngộ nghĩnh hết sức – nhất là khi ông chơi các khúc nhạc buồn.

Một người đàn ông lớn tuổi, ăn mặc sang trọng gập người cười vang và trong một lần ông Antonio dừng lại để nghỉ giải lao, ông ấy hỏi: "Ông có thể cho tôi xin địa chỉ người thợ may của ông không?"

Một tràng cười rộ lên từ đám đông đứng quanh đáp lại câu hỏi của người đàn ông ăn mặc sang trọng, và đấy là lần đầu tiên Cucho cảm thấy nhục nhã vì hình ảnh tức cười của hai người. Dù vậy và dù nó phải cố nuốt lệ vào trong, nó vẫn quyết tâm làm tiếp, nhưng ngay lúc ấy, một viên cảnh sát xuất hiện và thẳng thừng bảo họ đi chỗ khác.

"Này," anh ta cảnh báo ông Antonio, "tôi có thể bắt hai người về đồn vì các người không được phép biểu diễn trên đường phố. Nhưng vì là ngày Giáng sinh, tôi để các người đi mà không phạt một đồng nào hết."

Và hai ông cháu phải bỏ đi.

Ông Antonio buồn lắm, như thể không sao buồn hơn được nữa. Cả hai đi ra về hướng đường Moon cũng gần đó thôi, và để trả tiền công Cucho đã giúp, ông bảo nó giữ tất cả tiền đã gom được. Chú bé phản đối vì nó biết ông cũng rất nghèo, nhưng ông Antonio đã quyết chí khăng khăng bắt nó phải lấy phần nhiều hơn.

"Ông Antonio ơi," Cucho đề nghị, "sao mình không đi chơi nhạc trong đường tàu điện ngầm? Cháu đã thấy mấy nhạc công khác ở đó, và dù gì đi nữa ở đó vẫn ấm hơn." Nhưng ông Antonio đã quá chán nản với những gì mới xảy ra và đau đớn vì lòng tự hào bị tổn thương nặng.

"Anh bạn trẻ ơi, ông không thể làm thế được", ông trả lời. "Cháu phải biết rằng ông đã từng chơi trong phòng hòa nhạc và ông sẽ không hạ mình chơi trong lối đi của hầm tàu điện ngầm đâu." Cucho không thấy có gì khác biệt giữa việc chơi trên đường phố và chơi trong hầm tàu điện ngầm, nhưng nó không muốn đôi co bởi vì chuyện người lớn bao giờ cũng phức tạp và nó không thể hiểu nổi.

Vậy là hai người chia tay nhau vì Cucho phải đi mua sữa cho bà và vài thứ cho bữa tiệc Giáng sinh tối mai của hai bà cháu.

Không chú tâm là mình đang đi đâu, Cucho đến và dừng lại trước cửa tiệm bánh ở góc phố, tiệm của cha Celia. Nó bắt đầu nhìn chằm chặp một cách lơ đễnh bảng giá kẹo sữa mềm, thứ kẹo duy nhất mà bà nó ăn được.

Đúng lúc đó, cô gái nhỏ cũng đến sau lưng nó và chào nó."Chúc một Giáng sinh vui vẻ", cô bé nói và Cucho thấy ngượng, nghĩ sao cô bé tự phụ quá vì trẻ con thường không chào nhau như thế.

Có thể cô bé tự phụ đấy, nhưng cô cũng rất xinh và ăn mặc rất lịch sự. Chiếc áo choàng cô đang khoác thật đẹp và mái tóc màu vàng nhạt của cô cũng rất dài. Cô mang bao tay da, hẳn chúng giữ cho đôi tay cô ấm thật là ấm.

Cucho chỉ nói: "Chào."

Cả hai đứng đó nhìn nhau, và Celia hẳn là vẫn còn cảm thấy bị xúc phạm vì điều Cucho đã nói về kem trong bánh của cô. Nhưng cô bé mỉm cười và không có vẻ gì là bực tức với Cucho. Có lẽ cô bé cũng có cùng cảm nghĩ như viên cảnh sát đã đuổi Cucho và ông nhạc sĩ đi.

Bởi lẽ đó là ngày Giáng sinh, Cucho quyết định tha lỗi cho cô. Vì vậy Cucho nghĩ là mình phải nói gì đó. Nó hỏi: "Bạn đến tiệm để giúp cha bạn phải không?"

"Ồ, ước gì mình được giúp!", cô bé đáp.
"Nhưng cha mình không cho mình làm trong tiệm đâu."
"Sao không?" , Cucho ngạc nhiên nói. "Vì ông muốn mình học một nghề và khi lớn lên mình sẽ là một luật sư hay bác sĩ." Nom cô rất buồn khi nói như vậy, nên Cucho hỏi: "Và bạn không muốn làm thế phải không?"
"Không. Điều mình thích nhất là làm việc trong cửa tiệm và gặp gỡ mọi người."

Cucho suy nghĩ một chặp, nhớ lại điều ông Tôm Hùm đã bảo, nó nói: "Ồ, khi lớn lên, mình sẽ có một cửa hàng của chính mình, hay biết đâu có cả một siêu thị không biết chừng."

"Ồ, bạn may mắn quá!" , cô bé nói đầy thán phục, nghe rất hào hứng và cả ganh tỵ nữa đến nỗi Cucho tha luôn cho cô cái chuyện vặt vãnh về sự tự phụ của cô. Cô bé không cao bằng Cucho. Cô mang vớ dài màu trắng và đi giày đen. Mớ tóc vàng của cô cột lại bằng dây nơ màu xanh lơ.
"Nghe này," cô nói tiếp, "nếu bạn đợi đây một lát mình có thể lấy một cái bánh cho bà bạn. Cha mình cho mình lấy. Bạn thích không?"
Cô bé nói tất cả những điều đó đầy phấn khích và nhìn Cucho thật tha thiết, nhưng Cucho thấy mắc cỡ và lời đáp duy nhất nó nghĩ ra được là: "Không, cảm ơn, bà mình không thích bánh nữa."

"Ồ, vậy sao...", Celia nói, cảm thấy rất ngượng, như thể cô cần phải xin lỗi Cucho vì đã đề nghị biếu bánh!
"Tạm biệt nhé."

Cô bé bèn xoay người đi vào trong tiệm. Cucho thấy mình thật không may mắn chút nào với cô gái đặc biệt này, kết cuộc thì bao giờ cũng thốt ra những gì nó không hề muốn nói. Lần này thì nó khổ sở quá mức vì chuyện đó đến nỗi thấy nghẹn ở cổ và suýt bật khóc.

Về đến nhà ở đường Moon, Cucho thấy cảnh nhà thật khác thường đến nỗi thoạt tiên nó nghĩ chắc đã có chuyện xảy đến cho bà nó rồi.

Vì ngôi nhà đã suy sụp quá nhiều và trong đó chỉ có hai bà cháu và ông Antonio ở, nênkhông bao giờ có ai khác trên cầu thang. Bà cụ sống ở đó để trông nhà đã được con cái bà mang đi nơi khác vì họ sợ ngôi nhà sập đè lên bà.

Đó là lý do tại sao Cucho ngạc nhiên khi nghe tiếng nói chuyện vọng ra từ căn gác của nó, nó nhảy bốn bậc một lên lầu – điều này cũng dễ thôi vì thang lầu mòn nhẵn nên bây giờ cạn sợt. Đi vào trong, Cucho khám phá người đang nói là cái ông ăn vận lịch sự đã cười giễu hai ông cháu trong khu Calle dePreciados khi ông Antonio chơi kèn clarinet, cái ông đã hỏi đùa ông nhạc sĩ: "Ông có thể cho tôi xin địa chỉ người thợ may của ông không?"

Thế nhưng hóa ra đó không phải câu nói đùa. Ông này, tên gọi là Coke, là ông bầu sô của một nhóm nhạc trẻ. Bộ trang phục biểu diễn gây cho ông ấn tượng là bởi nó vừa rất ngộ nghĩnh, vừa hoàn toàn thích hợp cho bốn chàng trai trong nhóm có tên là Moonlight rockers.

Ông Coke đi theo ông Antonio, tìm ra ai đã may bộ trang phục cho ông nhạc sĩ, rồi đi tìm mấy chàng rocker. Và tất cả đều có mặt tại nhà Cucho, đang thu xếp để bà nó may bốn bộ đồng phục cho họ.

Bà cụ đang ngồi bên lò sưởi còn ông Antoni đứng giữa phòng trong bộ trang phục củaông; đó là vì ông Coke đang dùng ông nhạc sĩnhư người mẫu trong lúc giải thích cho bà cụ biết những điều ông ta muốn ở bộ đồng phục cho các chàng trai của ông.

Bà Cucho nghĩ chắc ông này bị khùng, vì ông ta là người Anh và nói tiếng Tây Ban Nha rất tệ, bà không hiểu nổi một chữ ông ta nói. Hay đúng hơn là sự kết hợp giữa tiếng Tây Ban Nha tồi của ông Coke, tật điếc tai của bà và trạng thái bàng hoàng của ông Antonio biến toàn cảnh thành sự hỗn độn vô tả. Bốn chàng Moonlight Rockers miệng kín như bưng.

Nhưng Cucho hiểu rất rõ ông người Anh muốn gì.

"Bà ơi," nó giải thích, "điều quý ông này muốn là bà may cho mấy anh chàng này bộ đồng phục như ông Antonio ấy."

"Để đi học à?", bà hỏi, rất thích thú.

"Không, không đi học!" , ông người Anh hét lên. "Bọn con trai thành nhạc sĩ, ngu lắm và rất cứng đầu. Nhưng tôi dạy chúng."
"À, tôi hiểu rồi!" bà nói. "Ôi, với tôi chẳng thành vấn đề."

Ý bà muốn nói là với bà chẳng thành vấn đề cho dù bọn họ đi học hay không đi học, ngu và cứng đầu hay không ngu và không cứng đầu. Bà sẽ may đồng phục cho chúng và thế là hết."Tuyệt vời! Tuyệt vời!", ông người Anh hồ hởi nói. "Nhưng tôi muốn có thêm khuyết áo ngoài những khuyết có nút."

Khi nói như thế, ông nhìn bộ đồ ông Antonio đang mặc với bên hàng khuyết áo trông giống như các hành tinh đang lăn, vẻ đầy thán phuc.

"Thưa bà," ông nói với bà lão, "chi tiết thêm khuyết áo không có nút là một nét sáng tạo tuyệt vời! Nó đem lại cảm giác cực kỳ tự do! Đó là lý do tôi muốn có thật nhiều khuyết áo được giải phóng!"

"Ông ấy đang nói cái gì thế?", bà hỏi Cucho.

"Rằng ông ấy muốn bà làm thêm khuyết áo cho bộ trang phục ạ."

"Ông ấy muốn bao nhiêu bà sẽ làm bấy nhiêu. Nhưng ông ấy sẽ tốn tiền hơn đấy vì chỉ vàng mắc lắm."

"Tôi biết," ông Coke nói xen vào. "Tiền bạc không thành vấn đề."

Và để chứng minh điều đó, ông chìa ra một nắm tiền và đặt chúng lên bàn.

"Từng này tiền làm tiền cọc đưa trước đủ chưa?", ông hỏi. Cucho đoán ít nhất có tới hai mươi ngàn đồng và nói đủ rồi.

Điều ông Coke lấy làm kinh ngạc nhất là khi ông ta bảo bà Cucho đo ni tất các chàng trai để may đồng phục thì bà đáp rằng: "Chuyện đó không cần thiết lắm đâu vì tôi đã mường tượng được chúng ra sao rồi và tôi nghĩ là tôi sẽ may đúng ni tấc."

"Ồ, thưa bà, bà quả là thiên tài! Giống như ngài Petroski vĩ đại ở Paris, nhà thiết kế thời trang hàng đầu thế giới! Ông ấy không bao giờ cần đo ni tấc cả. Ông ta chỉ cần nhìn qua một cái thôi." Cucho hơi lo vì dù có cặp kính của thầy hiệu trưởng, mắt bà nó vẫn kém lắm.

Nhờ mấy bộ đồng phục cho nhóm MoonlightRockers, hai bà cháu có thể ăn mừng Giáng sinh mà họ chưa bao giờ có suốt bao nhiêu năm qua, theo trí nhớ của Cucho. Hai bà cháu mời ông Antonio tới với họ vì ông sống một mình. Ông liền lên lầu, mang theo cây kènclarinet và ba hộp lớn bằng gỗ.

"Tôi hy vọng đó không phải là quà tặng...",bà nghiêm trọng nói: "Ông biết là lúc nào ông cũng được chào đón mà."
"Ồ nhưng thưa bà, đây chính là quà tặng," ông nhạc sĩ đáp, "đó là món quà tốt nhất tôi có khả năng biếu bà. Nào Cucho, giúp ông cái này."

Những cái hộp đựng một máng chúa hài đồng tuy cũ nhưng đầy đủ mọi thứ. Như một nghệ sĩ chính cống, ông Antonio bắt đầu sắp xếp thật khéo léo với sự giúp đỡ của Cucho. Chỉ thiếu một thứ là rêu và chú bé chạy bay ra khu chợ Mayor mua một ít.

Ông Antonio khéo đến mức gắn được một ống cao su vào vòi nước nhà bếp và giấu nó vào các hòn núi quanh chuồng, cho nên khi ông mở vòi nước một chút, nước rỉ xuống như một dòng suối. Ông cũng gắn vài cái đèn làm chuồng sáng lên, và một bóng đèn đỏ nhỏ xíu làm cho giống như lửa của người chăn cừu.

Bà nấu cho mọi người món gà dồn táo và mận, ăn cùng khoai tây chiên, củ hành tí hon và nấm. Bà chỉ ăn một miếng thịt ức nhỏ, nhưng ông Antonio và Cucho xé trụi con gà tới tận xương.

"Bà thân mến," ông Antonio nói, ca tụng bà hết lời, "không những bà là một nghệ sĩ có tài may mặc mà bà còn là một đầu bếp tuyệt vời." Cucho cảm thấy khi lớn lên, nó muốn được cung cách lịch lãm như ông Antonio, nhưng không mang tâm tư ngượng ngập của một nhạc sĩ về việc kiếm tiền.

Họ ăn tráng miệng bằng đủ loại kẹo sữa. Bà chỉ ăn thứ mềm thôi; nhưng bà có dùng một ly rượu hạt hồi một cách thật thích thú.

Ăn xong, họ ngồi lại hát thánh kinh bên máng chúa hài đồng. Khởi đầu thì cả ba cùng hát, ngay cả bà cũng hát với giọng khàn khàn của bà, nhưng sau một lúc ông Antonio lấy cây kèn clarinet ra và bắt đầu chơi. Ông chơi với tất cả tâm tư và chơi thật tuyệt vời đến nỗi bà bắt đầu khóc.

Đến lúc họ nghe có tiếng động bên ngoài cầu thang. Cucho mở cửa ra thì gặp ông Coke. Ở một mình trong khách sạn Madrid, ông ta chợt nghĩ là mình có thể đến thăm người ở đường Moon và chúc mừng Giáng sinh. Nhưng khi đến cửa căn hộ áp mái và nghe tiếng kèn mầu nhiệm, ông ta không gõ cửa nổi vì cũng thấy xúc động vô cùng.

Khi họ mời ông Coke vào, ông ta đặt một tay lên vai ông Antonio và nói: "Ông quả thật biết cách chơi nhạc, không giống như mấy chàng rocker ngu ngốc của tôi! Nhưng tôi sẽ chỉ cho họ cách chơi và ông sẽ phải giúp tôi!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro