14. Ai đã mang hình nộm đi?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần tới mùa thu hoạch vụ chiêm nên xem ra cả xóm Đập Ông Canh ai ai cũng đều bận rộn, người nào người nấy cũng thi nhau bán mặt cho đất bán lưng cho trời đặng lo cho đám lúa được tốt tươi, do thời tiết từ Tết tới giờ cứ nắng mưa thất thường làm dân tình ai cũng rất hoang mang lo lắng. Ấy thế mà đàn ông xóm này làm như không phải lo cơm áo gạo tiền hay sao mà coi bộ vô tư lắm, dù đám ruộng đương ngập nước úng cây mà hễ gặp cô Mỹ Hoa đi ngang là mấy ổng bỏ dở liền việc đương làm mà liếc mắt lên ngắm cô, có bữa cô ngoắc lại dòm có ông còn sốc quá mà té cái đùng làm sình bùn văng tùm lum tứ phía. Tình trạng này cứ diễn ra suốt mấy tháng nay làm mấy bà đàn bà có chồng sốt ruột mấy phen, có vợ đứng kế bên mà có ông còn quảnh qua ngắm gái được, làm mấy bà tức ói máu, dù đánh mấy ổng bầm mình bầm mẩy rồi mà hình như mấy bà vẫn chưa thấy vừa cái nư. Ấy là bà nào bà nấy cứ tụm ba tụm bảy xù xì to nhỏ với nhau về cái cô tiểu thư mới về lại xóm hồi đầu năm, mà lời khen thì ít chứ dè bỉu là nhiều, cho dù nửa câu đầu có nói tốt thì nửa câu sau cũng liền đốp chát lại cho sướng miệng. Họ nói về cô Mỹ Hoa như một cô gái đỏng đảnh đỏm dáng khó ưa, dù rằng cô thực chất chưa làm thiệt ai, áng chừng đợt này cái danh con nhà gia giáo cũng không thể cứu nổi cô khỏi cái miệng đời quái ác.

Mỹ Hoa là con gái của ông Hương Chủ Chánh có căn biệt phủ ở gần mé mé đình làng, giàu nhất nhì ở xứ này, nghe đâu khi xưa tổ tiên còn làm quan trong triều đình thuở trước. Căn biệt phủ nhà Hương Chủ đang ở cũng được ông bà ngày xưa để lại cho con cháu giữ gìn, cái hương chức ông Chánh đang ngồi cũng một phần là nhờ ơn phước của tổ tiên truyền lại. Người đời kiêng dè ông Chánh ra mặt vì một phần ông là quan lớn trong làng, phần còn lại vì nể nang ông là người ngay thẳng chính trực, công tư phân minh, không bao giờ bênh kẻ có tiền mà ức hiếp kẻ yếu. Ông Chánh trước nay còn được biết đến là một phú ông hiền lương ôn hoà, hay làm từ thiện cho dân nghèo, còn ra tiền xây sửa đình chùa, không từ phiền hà mà luôn ra tay cứu giúp người hoạn nạn. Cái tình nghĩa ông cho dân làng ở xứ này sâu dày đến mức khiến ai cũng thương mến, nên từ bà Hương Chủ tới cô con gái rượu Mỹ Hoa cũng đều được người ta tôn trọng cảm quý y thinh. Gặp ngoài đường là lúc nào cũng mở lời khen ngợi râm ran, dù cũng thuộc tầng lớp nhà giàu nhưng ít khi nào thấy người ta đánh tiếng gièm pha như nhà Hai Tịnh.

Dù được hưởng cái tiếng thơm từ chồng nhưng bà Hương Chủ cũng sống rất từ tâm. Hai ông bà từ lúc cưới về đã thuận vợ thuận chồng, nên khi Mỹ Hoa ra đời cho tới khi lớn lên cô cũng lan cái tính hiền hoà của cha mẹ mà trở thành một cô nàng dịu dàng duyên dáng.

Một bước đi của cô là một cái đá chân nhẹ nhàng vào trái tim của biết bao chàng trai mới lớn, là cú gõ lên tâm hồn chai sạn của những người đàn ông có tuổi, dẫu đôi khi là những cú gạt giò vô tình làm quật ngã mấy cô phụ nữ dù chưa hay đã có chồng.

Dù từ nhỏ sống trong nhung gấm lụa là, lớn lên còn được cho đi học cao, ấy thế mà tính cô xưa nay vẫn y thinh, vẫn khiêm tốn nhu mì và nết na kiều diễm. Hầu như chẳng lúc nào thấy cô lớn tiếng với ai, dù rằng người ta có châm chọc ác mồm ác miệng cô cũng chỉ nhắm mắt cho qua, chưa bao giờ thấy cô nhíu mày dù chỉ một cái. Chẳng hạn như ngay lúc này đây dù đám đàn bà cứ chụm đầu to nhỏ líu ríu rồi lườm nguýt cô đến cháy cả mắt, Mỹ Hoa cũng chỉ cười trừ, vẫn điềm nhiên dạm bước trên triền đê thoai thoải, lòng không hề oán trách hay khó chịu gì. Dạ cô cũng hiểu rằng ghen tuông là cái thói xưa nay của đàn bà, chứ hồi cô còn nhỏ họ cũng yêu quý cô như con cái trong nhà chẳng khác chi mấy, lớn rồi cô trổ mã thì họ mới nói bóng gió vậy thôi. Đương rảo bước suy nghĩ thì bỗng Mỹ Hoa chợt hết hồn giật bắn lên, tay chân quơ quào tùm lum, xém chút là nhảy luôn xuống đìa. Mặt mày hốt hoảng trợn tròng, cô lẹ làng đảo mắt dòm người vừa mới nhảy xổ từ đâu ra đứng ngay bên hông mình. Vừa ngó thấy cái bản mặt lém lỉnh của Lang chần dần, Mỹ Hoa tức quá mới lên tiếng:

- Hết hồn à! Anh Lang ghẹo cái chi mà kì ghê!

- Haha... Hết hồn thì còn vía, có cái chi đâu mà cô lo!

- Trời! Anh trù tui khùng đó hen?

- Nè nè tui chưa có nói từ khùng nào nghen!

- Chớ còn cái gì nữa! Mất hồn còn vía là khùng khùng điên điên rồi chớ gì?

- Trời! Đúng người có ăn có học nói gì cũng hơn hết hen?

- Anh này! Ghẹo người ta quài!

Mỹ Hoa vả vô bắp tay Lang một cái chát, anh thốn quá suýt xoa, xong cũng cười khà khà rồi đi dạo kế bên cô, cô cũng che miệng vui vẻ cười khúc khích.

Nói về mối quan hệ của Lang và Mỹ Hoa thì nghe ra cũng giống thanh mai trúc mã lắm, vậy đó mà từ lúc hai người trổ mã cho tới nay, chẳng thấy ai gán ghép gì chuyện lứa đôi, âu cũng là do có lý do này kia hết ráo. Để nói về cốt lõi làm sao mà hai thân phận nghèo giàu này thân thiết được với nhau, chắc là phải quay ngược thời gian lại cái năm Mỹ Hoa mới chừng bảy, tám tuổi, lúc cô bị trượt chân té xuống sông, rồi được Lang vô tình đi ngang vớt lên, từ đó coi như Mỹ Hoa nợ ơn Lang nguyên một cái mạng. Xét lúc đó dù ông Chánh còn chưa lên chức Hương Chủ, nhưng ông cũng là con nhà nòi, của nả cũng dư xài, cũng trả công khá đặng cho nhà Lang, chính là ba mẫu đất ruộng mà hiện tại anh đang cày cấy. Từ đó là nhà Lang thân thiết hẳn luôn với nhà ông Chánh, biệt phủ nhà ông giống như cái chỗ cho Lang dạo chơi, Mỹ Hoa cũng tự nhiên thành bạn của Lang, vậy là hai người cứ thế thân với nhau từ nhỏ tới lớn.

Nói cái tiếng thân vậy đó chứ hai người cứ xáp vô là hè nhau ra đánh lộn liên miên, có bữa sứt đầu chảy máu, có bữa còn gãy luôn cái răng. Vợ ông Chánh có lần đi coi thầy bói cũng sẵn tiện hỏi luôn về Lang với Mỹ Hoa, nghe xong mới biết tuổi hai người khắc khẩu, gặp là chửi đụng là đánh, thảo nào cứ ở chung với nhau câu trước câu sau là om sòm ỏm tỏi. Mà dẫu có khắc thì khắc vậy đó, chứ thực tình ra thì trong lòng cả hai cũng thương mến nhau, chơi chung từ nhỏ tới lớn nên cứ mặc niệm coi nhau là anh em ruột rà, cho tới bây giờ đến tuổi cặp kê thì hầu như vẫn không có gì là thay đổi.

- Rồi bữa nay quởn nữa ha gì mà ra đây dạo vậy cô?

- Có đâu... Tui đi vầy là... có ý đó!

Lang bĩu cái môi rồi hi hí con mắt, tay vuốt vuốt lên cằm ra bề biết tuốt:

- Á à... Đừng nói cô có hẹn với anh nào ngoài đây à nghen?

- Trời! Đừng có nói bậy bạ coi anh Lang! Coi chừng người ta nghe được người ta về méc tía tui, tui no đòn tại cái miệng anh giờ đó!

- Chớ sao? Có ý là có ý gì? Bộ hồi trưa cô ăn khô cá lóc rồi mắc xương ha gì mà ấp ấp mở mở vậy?

- Lóc hả? Lóc da anh cho anh chừa nè!

Mỹ Hoa bặm môi, đưa tay nhéo Lang một cái. Anh điếng người chảy cả nước mắt, ôm bắp tay giãy đành đạch một hồi mới bình tĩnh lại mà quắc mắt ngó cô, trong lòng ấm ức nhưng cũng ráng mà nhiều chuyện cho đặng.

- Rồi sao? Có ý gì vậy cô hai? Cô hổng nói là tối nay tui mất ngủ, tui qua chọi đá lên nóc nhà cô đó!

- Thì... có ý là có ý đó.

Mỹ Hoa bẽn lẽn bấu bấu cái tà áo bà ba lãnh hường, mắt ngó qua ngôi nhà của điền chủ Hai Tịnh, ánh nhìn thoáng chốc mang nặng si tình.

Lang cũng ngẩn ngơ ngó theo cái hướng mắt của Mỹ Hoa, đoạn quảnh qua thì tình cờ thấy An đương lộc xộc kéo trâu đi vào cái cổng bên hông nhà, trên mặt anh liền nổi lên một biểu cảm kì cục.

Đêm hôm đó là một đêm không trăng, mà nói đúng hơn là trời kéo mây mù che lấp, giống như báo hiệu cho một trận mưa đêm sắp tới. Hai Huỳnh vẫn ngồi trầm tư trên bàn đọc sách, tay cứ đều đều di chuyển, thanh mực đen sắp bị mài cho tới mòn luôn. Tính đến ngày hôm nay thì đã gần tròn nửa tháng trời Bân rời khỏi gia cang, không biết có ai đã nhớ cậu chưa, chứ Huỳnh thì đương sốt ruột lắm rồi. Dù rằng Huỳnh biết Bân đang ở đâu, an toàn ra sao, nhưng Huỳnh vẫn thương nhớ Bân, trước giờ chưa có lần nào cậu xa nhà lâu như vậy. Ánh mắt đăm chiêu khẽ khàng dòm qua ô cửa sổ, Huỳnh lại thở dài thêm một hơi, lại nhớ về lời căn dặn lúc Bân rời đi, thoáng chốc cõi lòng cậu lại nôn nao lo lắng.

Ngoài chuồng trâu giờ đã vắng bóng người, là vì người canh trâu không có nằm bên trong chòi, vẫn theo lệ thường gần đây, vẫn ngồi như tượng trên con đò phủ sương đêm rét buốt. An vuốt nhẹ tay lên làn da lạnh mướt, khẽ khàng chạm cằm lên trên đầu gối, hốc mắt thâm sì của nó tức thời tối sầm đi. Tiếng gõ mõ cầu kinh của ai cứ văng vẳng bên kia sông, vọng vào không trung cùng tiếng côn trùng và tiếng gió, nghe như một bài ca thê lương, thoáng chốc làm dạ nó đương sầu thương càng rầu rĩ da diết.

Dạo đây gần như nó chẳng còn kéo đàn nữa. Cây đàn cò vẫn im lìm lạnh lẽo nằm trong chòi lá, vắng người ca đàn cũng chẳng buồn ngân nga.

Mấy hôm nay nó cũng chẳng còn uống rượu, vì có uống nó cũng chẳng thể yên giấc được, nó mất ngủ thêm hôm nay nữa là tròn một tuần. Làm sao nó có thể ngủ được, khi cứ hễ nhắm mắt lại là hình ảnh ấy lại tràn về trong không gian tối hù, ánh lên sáng hới chính là hai hàng nước mắt Bân chảy dài, dù đã cố lãng quên nhưng dường như càng muốn quên thì càng khắc sâu vào trong tâm trí.

An nhớ rằng nó chưa từng thấy Bân rơi lệ lần nào trước đó, từ nhỏ tới nay, trên gương mặt cậu lúc nào cũng treo một nụ cười rạng rỡ toả nắng. Một người luôn lạc quan vui vẻ như vậy lý nào lại dễ dàng rơi nước mắt vì một chuyện như thế, cớ nào mà cậu lại khóc vì An?

Sao lại nức nở vì nó?

Chỉ vì nó khước từ cậu thôi sao?

An bần thần rất lâu, vì nó dần nhận ra hình như nó đã quá coi nhẹ chuyện này rồi. Nó những tưởng mọi thứ chỉ là bồng bột của những trái tim non nớt, nhưng nếu thực là nhất thời thì sao cơn đau này cứ giày xéo tâm can nó ngày càng sâu hơn? Lòng dạ nó từ đó đến nay cứ xót xa não nề khôn siết, chỉ cần nghĩ đến tà áo lãnh đỏ là lồng ngực nó đã quặn thắt từng cơn. Nó đã nghĩ rằng nếu để cậu xa nó xét cho cùng thì vẫn tốt hơn, ấy vậy mà sao giờ đây nó lại thấy chán ghét những ngày không có cậu bên cạnh. Nó không còn đủ sức để làm gì, tới cả ăn nó cũng chả mấy đoái hoài tới. Tâm trạng lúc nào cũng héo úa, y như cái kén tằm rỗng ruột phơi sương phơi gió, cứ thế mà mục ruỗng dần theo tháng năm.

Có đôi khi nó đã dựng quyết tâm chạy đến tìm Hai Huỳnh để bày tỏ nỗi lòng, để mở lời hỏi han Bân đang ở đâu. Nếu may mắn hỏi được thì nó sẽ lập tức chạy đi đến chỗ Bân, gặp cậu rồi xin lỗi cậu, để cậu tha thứ cho nó mà quay về nhà, nơi mà nó có thể tha hồ ngắm cậu qua khung mắt to tròn lúng liếng ẩn tình riêng.

Nhưng suy cho cùng An làm sao có đủ can đảm để đến tìm gặp Huỳnh đây? Nó sẽ nói gì với Huỳnh, nó không thể nói rằng nó yêu em của cậu được. An rồi sẽ bị Huỳnh hô đánh đến nhừ xương nát thịt, rồi sẽ bị đuổi khỏi nhà, lang thang lứ thứ ở cái miệt nào đó, vĩnh viễn không thể nhìn mặt Bân thêm một lần nào nữa. Hoặc thể như nó được Huỳnh cảm thông cho đi, rồi thì nó sẽ nói gì tiếp theo, khi cái câu mà khiến người ta an tâm nhất là "sẽ lo cho đặng" nó còn không có tư cách nói ra, vì nó không có gì ngoài cái thân bần hàn và thân phận đầy tớ tôi đòi cả.

Giờ đây tận sâu trong tâm can nó ngàn lần muốn đi gặp cậu, muốn thổ lộ tâm tình với cậu, muốn nói rằng nó thương cậu, nhưng nó biết phải làm sao đây? Rồi tương lai cả hai sẽ đi về đâu, rồi ai sẽ minh chứng cho cuộc tình sai quấy này, rồi sau này ai chắc được nó sẽ cho cậu được yên ấm không lo toan? Tấm thân Bân từ nhỏ đến giờ đã sống trong sung sướng giàu sang, sao An nỡ mang cậu rời xa những điều tốt đẹp đó, theo nó rồi còn ai sẽ gọi cậu một tiếng "cậu Ba"?

Nơi này nào có vị tha cho cái tình cảm mà người ta hay gọi là trầm kha, nếu không trốn đi thì nói ra chỉ để thêm phiền lòng đau xót. An cắn răng ngậm ngùi, nó cố gồng thật cứng để nước mắt không phải trào ra. Sau gần một phần ba cuộc đời sống tự hào với thân phận là nam nhi, duy nhất lần này nó lại ước gì nó sinh ra là một cô gái.

Một cô gái không cần danh gia vọng tộc, chỉ cần là một cô gái có thể đường đường chính chính sóng bước bên Bân.

Chỉ cần có thể ở cạnh cậu, dù cho nó hoá thành cái hình gì, nó cũng đều chịu tất.

Tiếng gà gáy lại lần nữa báo hiệu một ngày mới lại tới, ngõ hồn An lại lần nữa bị đánh động. Ánh bình minh ló dạng như kéo về cho nó chút sinh lực, đôi mắt thâm quần đã chịu nhích mí mắt, vậy là một đêm mất ngủ lại trôi qua.

Bộ dạng An bây giờ được Huỳnh ví như một cái thây ma đang trong thời gian mục rữa, còn đâu một thanh niên lai giống Tây cường tráng nhanh lẹ, mới gần nửa tháng mà trông nó đã xác xơ y xì đúc cái tàu lá chuối chết khô. Đứng trong buồng ngó ra cánh cửa sổ hướng về phía vườn cảnh thênh thang, cái dáng lom khom lừ đừ tưới cây của An làm Huỳnh chán nản tặc lưỡi mấy cái. Đúng là cái ái tình thế gian mà quần ai rồi là người đó te tua tan tác, thoáng chốc Huỳnh lắc đầu nguầy nguậy khi vừa mường tượng tới bộ dáng của Bân.

Cậu ở bên kia hẳn là cũng đang bạc lòng cay đắng, đôi khi sự chờ đợi nó còn đáng sợ và ám ảnh hơn hết thảy những đau khổ trong tình yêu. Nhìn thấy tình cảnh éo le trắc trở đìu hiu, lòng dạ Huỳnh cũng xót xa, rồi mai đây chả biết sẽ còn những gì đày đoạ lên hai thân người ấy nữa. Phận làm anh, Huỳnh giờ chỉ có thể nương nhờ theo quyết định của cả hai mà tát nước đẩy thuyền chứ cũng chẳng thể mồi lửa thêm cho cái trạng huống khó xử thế này được nữa. Bản thân Huỳnh đang đứng giữa cái ranh giới gia đình và em trai, Huỳnh không thể bước qua bên này rồi bỏ bên kia, đối với cậu đây cũng chính là một vấn đề nan giải. Thế nên bây giờ Huỳnh cũng đành ngồi chờ động tĩnh tiếp theo, chờ cho An đánh tiếng tới mình hoặc Bân sẽ có báo hiệu đầu tiên, rồi cậu sẽ có nước đi riêng để bảo bọc cho em của cậu. Chỉ cần có quyết định của một trong hai người, Huỳnh sẵn lòng xuôi theo, cho dù sau này sẽ là những chuỗi ngày giông bão.

Căn buồng Bân nửa tháng nay vẫn có người dọn dẹp dù rằng vẫn chưa nghe thấy tin gì báo rằng cậu sẽ quay về. Gia đinh trong nhà bấy giờ đã bắt đầu bàn tá ra vô, đoán già đoán non đủ thứ chuyện linh tinh, nếu không có chú Tư Thìa dẹp loạn thì không chừng tin đồn đã đến tai Hai Tịnh. Ngày nào cũng có người tới hỏi dò Huỳnh chuyện cậu Ba đã đi đâu, dù nhận lại toàn những câu trả lời lan man ấy vậy mà cách dăm ba bữa là bọn họ cứ hỏi đi hỏi lại miết. Riết rồi Huỳnh cũng đâm ra thấy bực, nhưng thấy đầy tớ trong nhà vẫn còn biết quan tâm chủ cả nên cậu cũng bỏ lơ không xét nét, ai hỏi cũng đều trả lời mặc dầu chả dính đâu vô đâu. Chú Tư Thìa cũng có mấy lần hỏi An xem nó biết Bân đã đi đâu không, nhưng khi nhận được cái nhìn rầu rĩ của nó thì chú cũng đắng lưỡi, xong cũng thở dài một hơi, về sau không dám hỏi nữa. Chắc chú cũng biết cái sự có liên quan tới An, vì cái bộ dáng ảo não của nó chú chưa từng thấy qua trước đây, ấy là chắc cú rằng đây hẳn là một trong những chuyện không bao giờ nên tọc mạch.

- An! Bữa nay con Lan nó chạy lên xóm trên mần công chuyện cho bà lớn rồi, mày coi mày vô soạn chăn gối của cậu Ba ra bỏ giỏ, đặng mai thím đem giặt phơi nắng sớm cho nó thơm nghen An!

An đứng lặng lẽ trên bậc tam cấp trước buồng Bân, đầu nó chẳng biết đương nghĩ gì, cứ chần chừ lưỡng lự mãi chả thấy đẩy cửa bước vô. Ánh mắt trầm mặc của nó cứ dòm đăm đăm lên cánh cửa gỗ quen thuộc đã hơi lợt màu vì tháng năm, dường như nó đương chờ ai đó bên trong kéo cửa bước ra, kéo nó vô phòng, rồi ỉ ôi những câu nói van lơi nó ngủ lại cùng người vì đêm dài lạnh lẽo. Nó cứ đứng đó chờ chẳng thiết nghĩ thời giờ, mặc dầu nó biết rằng làm gì còn có ai bên trong. Dù đôi mắt vô hồn đã ngập tràn sự vô vọng, ấy thế mà dường như nó vẫn mong chờ vào một tia hy vọng mỏng manh nào đó.

Chẳng có một phép màu nào xảy ra dù rằng bên ngoài gió đã gào thét từng cơn rét buốt, An thở hắt một cái rồi nó cũng dạn bước đẩy cửa để bước vào bên trong. Căn buồng vẫn ấm áp như trước đây, vậy mà riêng nó lại thấy cô đơn lạnh giá vì chẳng còn hơi ấm ai kia tỏa ngập ôm lấy tâm hồn nó nữa. Thắp sáng cây đèn dầu đã gần như đóng bụi, ánh sáng le lói đem căn buồng của Bân phút chốc rõ ràng hơn.

Vẫn còn đó chiếc giường với mành che bốn phía đã được cột gọn lên, gối chăn nằm im lìm lặng lẽ như vẫn chờ người nào đó tung lên đặng cho nó sưởi ấm.

An chát lòng lê bước lại phía bên hông giường, tay nó khẽ khàng rờ lên chiếc gối bông nơi mà Bân tựa đầu yên giấc đi sâu vào những giấc mộng hoa. Rồi tay nó lại rờ sang chiếc mền chỉ đã được xếp gọn ghẽ đang nằm kế bên, từng mùi hương trên cơ thể Bân dường như vừa lùa qua hốc mũi An, dù chỉ là ảo ảnh những cũng đủ làm đầu óc nó tê dại se sắt. Ánh mắt cay xè lại lưng tròng ướt át, An dụi lẹ giọt lệ chực trào, vô tình nó lại nhìn lên phía trên đầu giường Bân.

Một vài giây chợt ngỡ ngàng, hình như nơi đó đã vắng đi một thứ. Cõi lòng nó tức thời nặng trịch, sâu trong dạ lập tức xốn xang. Nó bẽ bàng cứ nhìn lên trên đầu giường mãi, cơn quặn thắt cứ liên hồi nhào nặn khiến ruột gan nó như muốn vỡ tung.

Hình nộm thằng An đâu?

Ai đã mang hình nộm đi rồi?

Là ai?

Là cậu sao?


còn tiếp...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro