Cuộc chiến trên không thời chiến tranh lạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc chiến trên không thời chiến tranh lạnh Thứ bảy, 07/02/2009 11:52 AM Giữa những năm 50 của thế kỷ trước, Mỹ đã "tác oai tác quái" trong cuộc chiến tình báo trên không với Liên Xô nhờ sở hữu hai loại máy bay "siêu đẳng" là máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-52 (do Bô-ing nghiên cứu, chế tạo) và máy bay trinh sát trên không U-2 (do Công ty Lốc-khít chế tạo).

Từ tháng 7-1956 đến tháng 5-1960, máy bay trinh sát U-2 đã tiến hành 24 lượt thâm nhập và chụp ảnh trong lãnh thổ Liên Xô (hiện CIA vẫn đang lưu giữ một lượng phim dài khoảng 392km). Giai đoạn thứ hai trong cuộc chiến gián điệp trên không bắt đầu từ tháng 8-1960 đến tháng 5-1972. Thời gian này, Lầu Năm Góc đã sử dụng đến vệ tinh cải tiến để thu thập tin tức tình báo từ Liên Xô...

Máy bay trinh sát U2 của Mỹ.

"Sứ mệnh 2013"

Ngày 4-7-1956, nhà lãnh đạo Liên Xô Khơ-rút-sốp có chuyến viếng thăm tới Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô. Tại đây, ông đã có cuộc trò chuyện khá thân mật, cởi mở với Đại sứ Mỹ Chác-ly. Ông chúc mừng Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao đã trải qua ca phẫu thuật dạ dày thành công, đồng thời chúc nhân dân Mỹ nhân ngày quốc khánh. Cả Khơ-rút-sốp và Chác-ly đều không biết rằng, ngay trong ngày diễn ra cuộc trò chuyện này, một kế hoạch tình báo tuyệt mật của Mỹ lợi dụng máy bay trinh sát trên không và vệ tinh để theo dõi, giám sát trên toàn lãnh thổ Liên Xô chính thức bắt đầu. Những chiếc máy bay trinh sát U-2 được lệnh cất cánh từ khu căn cứ không quân Uy-ét-ba-den (Tây Đức), rồi qua Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan thâm nhập vào Bê-la-rút, sau đó bay thẳng tới vịnh Phần Lan, thực hiện chuyến bay đầu tiên trên không phận của Liên Xô. Khi Khơ-rút-sốp và Chác-ly chạm cốc, thì những máy bay trinh sát của Mỹ đang thoải mái chụp ảnh các sân bay quân sự và các nhà máy đóng tàu ở Lê-nin-grát của Liên Xô. Kế hoạch hành động này lúc đó được gọi với cái tên "Sứ mệnh 2013".

Sau khi rời khỏi tòa Đại sứ Mỹ, Khơ-rút-sốp mới nhận được thông tin này. Ông cho rằng, việc quân Mỹ chọn đúng ngày này để hành động là cố ý chọc giận ông. Thế nhưng trên thực tế, đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi hôm đó thời tiết phía tây Liên Xô rất đẹp, là điều kiện tốt cho các chuyến bay của U-2.

Khi đó, không quân Liên Xô vẫn chưa có máy bay chiến đấu đạt được độ cao trên 20km, cũng không có tên lửa có thể bắn trúng được máy bay U-2 của Mỹ. Ngày hôm sau, một nhân viên khác của CIA lái chiếc U-2 bay qua không phận của Mát-xcơ-va nhưng do thời tiết xấu, trời nhiều mây nên chiếc máy bay này đã không thu thập được thông tin giá trị nào.

Thất bại của U-2

Hành động trinh sát điện tử và chụp ảnh đối với lãnh thổ Liên Xô của Mỹ và phương Tây bắt đầu từ cuối năm 1946-thời gian mà cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu nổ ra. Khi đó, các cơ quan tình báo trong chiến tranh thế giới thứ 2 của Mỹ đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, còn CIA vẫn chưa được thành lập. Chính vì vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên không đều được tiến hành bởi máy bay trinh sát của không quân, đặc biệt là những máy bay hạng nặng cải tiến, được trang bị các máy chụp ảnh và các thiết bị cảm ứng điện tử có khả năng tìm kiếm, nhận biết tần suất hoạt động của các trạm ra-đa Liên Xô.

Đầu mùa xuân 1950, máy bay trinh sát của Mỹ bắt đầu thâm nhập sâu vào lãnh thổ Liên Xô để thu thập thông tin tình báo, nhưng hầu hết đều bị hệ thống phòng không của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác bắn rơi. Theo thống kê, đã có ít nhất 252 người tham gia kế hoạch trinh sát này, nhưng số người trở về không vượt quá 90. Đến nay 138 người vẫn mất tích.

Tháng 5-1954, phi công Hốt-xta-in lái chiếc máy bay ném bom chiến lược RB-47E xuất phát từ nước Anh, tiến hành thăm dò các hoạt động của hạm đội Phương Bắc Liên Xô. Chiếc máy bay này được cải tiến từ chiếc B-47E, có thể đạt được tốc độ lên đến 980 km/h, và bay được ở độ cao 12km. Phía Mỹ cho rằng, với chiếc máy bay trinh sát cải tiến này, thắng lợi đã nằm trong tầm tay, bởi máy bay chiến đấu chủ lực của lực lượng Phòng không Liên Xô là Mig-15 có tốc độ khiêm tốn hơn nhiều, duy nhất chỉ có Mig-17 mới được nghiên cứu thành công là có tốc độ ngang bằng với B-47E, nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Bằng chứng là trước đó 10 ngày, máy bay chiến đấu của Anh trong lần thâm nhập vào sâu trong không phận của Bê-la-rút và U-crai-na vẫn trở về an toàn.

Tuy nhiên, những tính toán của người Mỹ đã sai lầm. Sau khi để máy bay của Anh chạy thoát, toàn bộ hệ thống phòng không của Liên Xô đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Lầu Năm Góc không biết rằng, Mig-17 của Liên Xô đã được đưa đến các sân bay ở Ác-khan-gen sẵn sàng nhận lệnh... Khi chiếc máy bay của Hốt-xta-in vừa thâm nhập tới không phận của Ki-ép liền bị chiếc Mig-17 của Liên Xô bất ngờ xuất hiện và chặn lại khiến anh ta bay nhanh ra khỏi không phận Liên Xô, tới Phần Lan, rồi vượt qua biên giới Thụy Điển trước khi quay lại nước Anh. Vụ việc này gây xôn xao cộng đồng quốc tế. Đầu tiên là Bộ Quốc phòng Thụy Điển gửi đơn kháng nghị. Mấy ngày sau, báo chí Phần Lan cũng rầm rộ đưa tin và chỉ trích mạnh mẽ hành động này của Anh. Lúc này, Nhà Trắng đã khá "run tay" khi nhận thấy rằng, việc đưa máy bay trinh sát vào không phận Liên Xô là quá mạo hiểm nên quyết định ngừng lại mọi hành động trinh sát trên.

Thế nhưng, một vài nhân vật trong chính quyền Mỹ lúc đó lại có chủ trương nghiên cứu chế tạo ra một loại máy bay trinh sát hiện đại hơn máy bay chiến đấu của Liên Xô, nhằm giảm bớt sự nguy hiểm cho các chuyến bay, mà người nhiệt thành nhất là Ky-ri-an, cố vấn của Tổng thống Ai-xen-hao. Dưới sự nỗ lực của ông, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho CIA, chứ không phải Lầu Năm Góc, phụ trách việc này và CIA đã đặt hàng với công ty Lốc-khít.

Sự xuất hiện của U-2 thật sự là một kỳ tích về công nghệ. Đây là loại máy bay phản lực có thể bay ở độ cao trên 20km, nhưng không thể sử dụng nhiên liệu thông thường. Do vậy, một công ty khác đã được huy động để nghiên cứu riêng cho nó một hệ thống cung cấp nhiên liệu ổn định. Thành phần trong đó gồm có cả thuốc diệt côn trùng.

Ngày 15-7-1955, công ty Lốc-khít đã hình thành được hình dạng ban đầu của chiếc máy bay trinh sát thế hệ mới. Lần bay thử nghiệm được tiến hành trong trạng thái tuyệt mật và chớp nhoáng. Đến tháng 3-1956, chiếc máy bay này đã đạt được độ cao 22km. Ngày 1-5 năm đó, nó được tháo rời thành từng phần nhỏ và chuyển tới khu căn cứ không quân của Anh.

Trước khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát đối với các quốc gia thuộc khối Vác-sa-va, Mỹ đã tung hỏa mù để đánh lạc sự chú ý. Các quan chức Chính phủ Mỹ tuyên bố rằng, Công ty Lốc-khít đang bắt đầu cho kế hoạch sản xuất một loại máy bay thế hệ mới, mục đích thăm dò tầng đối lưu và bình lưu, và sẽ được chuyển sang cơ quan khí tượng của Anh.

Sau khi mọi việc được hoàn tất, CIA đệ đơn lên Tổng thống Ai-xen-hao phê chuẩn kế hoạch bay của U-2. Cục trưởng CIA đề nghị với ông rằng, với hệ thống phòng không như hiện nay, Liên Xô sẽ không thể phát hiện ra được máy bay U-2. Và nếu như không may máy bay bị bắn trúng, thì phi công trên máy bay sẽ không có cơ hội sống sót, và như vậy Liên Xô sẽ không khai thác được chứng cứ gì gây bất lợi cho Mỹ.

Ngày 11-6-1956, U-2 bắt đầu những chuyến bay trinh sát tới Đông Đức, Tiệp Khắc và Ba Lan để thu thập thông tin, và bước đầu có được thành công nhất định. Tổng thống Ai-xen-hao nở nụ cười mãn nguyện. Chuyến trinh sát cuối cùng của U-2 tại lãnh thổ Liên Xô là vào ngày 1-5-1960, đã bị lực lượng phòng không của Liên Xô bắn hạ tại Sơ-ve-đlốp, phi công nhảy dù đã bị bắt làm tù binh. Khơ-rút-sốp ngay sau đó thông báo về vụ việc này trên phạm vi toàn thế giới khiến cho quan hệ Xô - Mỹ lại một lần nữa rơi vào cuộc khủng hoảng.

Kế hoạch vệ tinh

Kế hoạch U-2 thất bại, trong khi đó kế hoạch vệ tinh trinh thám của Mỹ cũng chẳng thuận lợi gì: khi kế hoạch này bắt đầu được triển khai, Mỹ đã không có tên lửa đẩy có đủ khả năng phóng những vệ tinh này lên, cùng với đó làm sao để chuyển được những thông tin tình báo về được trung tâm cũng là một vấn đề nan giải. Ý tưởng ban đầu là lắp đặt máy chụp ảnh trên vệ tinh, rồi thông qua vô tuyến điện để truyền dữ liệu ảnh về. Sau khi suy tính, các nhà khoa học quyết định cần phải chế tạo được các máy ảnh và phim chuyên dụng trên vũ trụ. Địa điểm cuối cùng được chọn để phóng vệ tinh là căn cứ Van-den-béc.

Thực hiện nhiệm vụ phóng là tên lửa đẩy "Thần sấm" (Raytheon). Lần phóng đầu tiên được ấn định vào ngày 21-1-1959, thế nhưng tên lửa này đã bị nổ ngay trước khi bay lên khỏi mặt đất. Lần tiếp theo được tiến hành sau đó một tháng, nhưng kết quả lần này cũng không hơn lần trước. Lần thử thứ 3 tuy thành công, nhưng máy tính giờ lại gặp trục trặc, nên khoang cách nhiệt đã không rơi xuống địa điểm như dự định, mà mất tích trên không phận một hòn đảo của Na Uy. Hai vệ tinh "Khám phá" được phóng đi sau đó thì máy chụp ảnh trên đó lại trục trặc khi vệ tinh tiến hành bay quanh Trái Đất vòng đầu tiên. Những lần phóng tiếp sau đó, do tên lửa đẩy gặp sự cố nên nó đã không thể đưa được vệ tinh lên quỹ đạo như đã định. Chỉ đến lần thứ 13 phóng vệ tinh trinh sát "Khám phá" 13 thì Lầu Năm Góc và CIA mới thở phào nhẹ nhõm. Những bức ảnh tư liệu quý giá từ vệ tinh đã truyền được về trung tâm xử lý của Mỹ.

Sau đó, hệ thống vệ tinh trinh sát của Mỹ bắt đầu đi vào hoạt động. Trong 12 năm, có cả thảy 144 vệ tinh trinh sát chụp ảnh với kích cỡ khác nhau được phóng lên quỹ đạo, trong đó có 102 vệ tinh hoạt động bình thường. Chiếc cuối cùng mà mọi người được biết chính là vệ tinh "Khám phá" 38, được phóng đi vào tháng 2-1968. Từ đây, việc phóng vệ tinh trinh sát được liệt vào dạng cơ mật của quốc gia nên không được công khai nữa. Được biết, những vệ tinh có trang bị máy ảnh và máy quay sau đó của Mỹ đều mang tên KH, nhưng cụ thể có tất cả bao nhiêu vệ tinh đã được phóng đi thì đến nay vẫn là điều bí mật.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro