Phần III : Ở Men-lô Pác

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ở Men-lô Pác, Ê-đi-xơn đã dựng lên một phòng thí nghiệm nổi tiếng. Nhưng không phải chỉ riêng phòng thí nghiệm của ông nổi tiếng mà từ đây, Men-lô Pác cũng trở thành một nơi được hầu hết các lớp người biết đến: các nhà khoa học, các chủ xưởng máy, các nghệ sĩ, các nhà văn, các nhà thơ, họa sĩ... thường luôn lui tới đó. Nơi đó, bên cạnh Ê-đi-xơn, nhà phát minh nổi tiếng còn cả những người cộng tác mà tên tuổi cũng thường được nhắc đến luôn như Sác-lơ Bát-sơ-le, một thợ cơ khí hết sức thông minh; như Phơ-răng-xít, một nhà tóan học và nhiều người khác nữa. Thời gian này là lúc sức lao động sáng tạo khổng lồ của Ê-đi-xơn được phát triển hơn bao giờ hết và đã làm cho tên tuổi ông chỉ trong một thời gian ngắn đã vang dội trên tòan thế giới. Ông miệt mài làm việc ngày đêm, chỉ dành năm tiếng để ngủ, ngay cả những tiếng đồng hồ ấy, với ông cũng chỉ là một việc làm bó buộc mà thôi. Mọi người lúc nào cũng thấy ông chìm đắm trong suy tưởng. Việc ăn uống là nhu cầu hàng ngày, nhưng nếu không ai nhắc nhở, ông cũng lãng quên mất. Trong khi đang thực hiện một sáng kiến này thì óc ông đã bắt đầu nghĩ đến một sáng kiến khác. Đầu óc lúc nào cũng bận rộn như vậy nên có lần đã xảy ra một chuyện buồn cười như sau: Hôm đó, ông phải đi nộp thuế. Đến nơi, như mọi người, ông đứng vào chỗ xếp hàng. Người đông quá, họ chen lấn, xô đẩy nhau. Không thể làm gì hơn, Ê-đi-xơn cũng phải mất thì giờ mà đứng vày đấy. Tranh thủ lúc đợi, ông nghĩ tiếp một công việc chưa giải quyết xong. Đó là chiếc máy có thể phát một lúc mười sáu tín hiệu điện báo. Một chiếc máy thật hấp dẫn. Mải nghĩ, Ê-đi-xơn cũng không hay những người đứng sau đã đẩy mình lên đến cửa phòng giao dịch lúc nào. Chính lúc đó, chiếc máy điện báo mười sáu tín hiệu đang hình thành rõ rệt trong óc ông. Nhưng... một tiếng hỏi gay gắt bật lên ngay trước mặt ông:

– Tên ông là gì? Sao ông lại cứ đứng im mà nhìn thế? Tên ông là gì...Ông bừng tỉnh, thấy trước mặt mình một khung cửa tò vò và một khuôn mặt giận dữ. Ngơ ngác không hiểu mình đang ở đâu, ông lúng túng trả lời:

– Tôi... tôi không biết...Người viên chức nọ nói to, giọng bực bội:

– Ông điên à...! Thế thì lui ra cho người ta làm việc!

Ê-đi-xơn càng ngơ ngác không hiểu sao mình lại ở chốn này và ở đây làm gì. Ông ngượng ngùng lui ra. Mọi người xô đẩy ông và cười chế giễu. Thế là hôm ấy, ông không nộp được thuế.Về đến nhà, ông gặp một thanh niên đang đợi và xin được nói chuyện.

– Anh cần gì? – ông hỏi chàng trai.

– Thưa ông, tôi muốn được làm việc ở chỗ ông. Ê-đi-xơn nhìn người lạ mặt như cân nhắc điều gì rồi ông chỉ mấy bộ phần máy đang nằm lăn lóc trước sân:

– Anh có thể lắp một cái máy bằng những cục sắt này không? Anh thanh niên nhìn theo tay ông và biết đó chỉ là những bộ phận của một chiếc máy đã tháo rồi. Anh trả lời một cách tự tin:

– Thưa ông, được.

– Nếu anh không làm được thì sao?

– Thì tôi sẽ không nhận một xu công xá nào cả...

Ê-đi-xơn bằng lòng, để anh ta ở đấy rồi đi vào. Sau hai giờ đồng hồ, người thanh niên đã lắp những "cục sắt" ấy thành một chiếc máy. Đó là Sác-lơ Bát-sơ-le, người thợ cơ khí khéo léo, tài ba và sau này đã trở thành người bạn, người cộng tác rất đắc lực của Ê-đi-xơn. Ông không bao giờ hỏi những người cộng tác với mình là có một tấm bằng hay một giấy chứng nhận nào không, mà ông chỉ căn cứ vào khả năng khối óc và bàn tay lao động của họ mà thôi.Cũng như thế, một lần các kỹ sư ở phòng thiết kế vẽ cho ông ba mẫu máy. Ông xem xét các bản vẽ và thấy chúng đều không có giá trị:

– Các ông có thể vẽ cho tôi mấy mẫu khác được không?

– Thưa ông, không thể nào làm thêm những mẫu khác được nữa.

– Các ông tin chắc là như thế chứ?

– Dạ, rất chắc!

– Thôi được...Nói vậy, Ê-đi-xơn bỏ đi làm việc.

Hai ngày sau, ông trở lại phòng thiết kế và đưa cho các kỹ sư xem các bản vẽ của ông: bốn mươi tám mẫu khác nhau được xây dựng theo cùng một nguyên tắc kỹ thuật! Các kỹ sư, có người có bằng cấp và học hành giỏi giang ở nước ngoài về, đã há miệng kinh ngạc trước con người đã từng bị đuổi khỏi trường và thậm chí còn chưa học xong cả bốn năm tiểu học ấy.Tôm bàn với cha và những người cộng tác của mình về việc xây dựng một nhà máy mới rộng lớn trong đó sẽ có một phòng thí nghiệm và một hệ thống điện chiếu sáng. Đó là cái trung tâm phát điện kiểu mẫu đầu tiên của thế giới. Tất cả mọi khâu sản xuất bóng điện đều làm ở nhà máy này, như nấu thủy tinh, thổi bóng đèn v.v...Để khỏi lãng phí thì giờ trong thời gian nghỉ ngơi, Tôm xây dựng ở bờ biển bang Phơ-lo-ri-đa một biệt thự có phòng thí nghiệm để vừa làm việc, vừa nghỉ ngơi.

Hoàn thành máy điện thoại

Ê-đi-xơn ký hợp đồng với một liên đoàn sản xuất máy điện thoại sẽ cải tiến máy Gơ-ra-ham Ben. Hồi đó, máy điện thoại loại này tốt nhất, nhưng có một nhược điểm: hai máy chỉ có thể nói chuyện và nghe rõ trong khoảng cách gần. Ê-đi-xơn dùng than nguyên chất làm màng rung ở ống nói và thêm một cuộn cảm ứng vào trong máy. Nhờ màng than có độ nhạy cao và tiếp xúc tốt nên dòng điện ở ống nói biến đổi rất đúng với tiếng nói của con người. Nhờ cuộn cảm ứng mà dòng điện một chiều của ống nói được biến đổi thành dòng điện xoay chiều rồi đưa lên đường dây và truyền đi rất xa. Thế là vấn đề đã được giải quyết. Tuy vậy, Ê-đi-xơn vẫn chưa thỏa mãn với chiếc máy này. Liên đoàn ấy trả cho ông mười vạn đô-la. Ông xin lĩnh dần mỗi tuần một trăm năm mươi đô-la và lĩnh trong năm năm.

– Sao ông lại không lĩnh cả?

– Vì tôi hay tiêu quá.

– Sao, ông đánh bạc hay uống rượu à? – ông giám đốc liên đoàn đùa hỏi Ê-đi-xơn.

– Không, nhưng hễ có tiền là tôi lại mua hết mọi nguyên vật liệu cho thí nghiệm và thế là... hết vèo.

– Nếu vậy thì tốt chứ sao? Nhưng, thôi tùy ý thích của ông!

Nói vậy, ông ta mỉm cười ngẫm nghĩ "Những nhân tài đôi khi trẻ con là vậy!" Ít lâu sau, Ê-đi-xơn sáng chế ra một số kiểu máy điện thoại khác, như điện thoại dùng điện xoay chiều, điện thoại từ thạch, điện thoại cộng điện, điện thoại chạy bằng pin khô v.v... cũng vẫn liên đoàn ấy đã tranh phần mua những sáng kiến của ông.

– Ông đòi bao nhiêu cho sáng chế đó?

– Các ông cho giá đi xem nào!

– Ba mươi vạn đô-la nhé?

– Được thôi.

Lần này, Ê-đi-xơn cũng chỉ nhận mỗi bận sáu nghìn đô-la. Một máy nữa lại ra đời: Ống nói. Một nghiệp đoàn ở Anh vội đánh điện cho Ê-đi-xơn: "Mua phát minh ống nói. Trả: ba vạn". Ê-đi-xơn đồng ý bán. Nhưng khi nhận tiền, ông ngạc nhiên nhận thấy ngân phiếu là bảy mươi nhăm vạn đô-la. Hóa ra ba vạn trong ngân phiếu là ba vạn xi-téc-linh có nghĩa là bằng bảy mươi nhăm vạn đô-la. Phát minh nối tiếp phát minh và tiền cứ đổ về ông như nước chảy. Bây giờ, Ê-đi-xơn chẳng còn biết mình có bao nhiêu tiền nữa. Ông làm gì có thời gian để kiểm lại gia tài của mình! Ông phải đặt một văn phòng kế tóan ở Men-lô Pác gồm mười người để họ tính tóan thay ông... Cũng trong thời gian này, ông phát minh ra máy đo nhiệt của nước hoặc của bất cứ vật gì. Máy này tinh vi và có độ nhạy rất cao đến mức có thể đo được cả sức nóng của các tia nhiệt từ các vì sao phát ra. Người ta gắn máy này ở các xưởng máy để phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra cháy xưởng hoặc đặt ở các cửa sông để phát hiện và giải quyết kịp thời những vụ băng tan nguy hiểm.Trong nhà máy của Ê-đi-xơn, tất nhiên cũng có một cái máy như vậy. Một hôm, một công nhân trên miệng ngậm ngất ngưởng một chiếc tẩu đang tỏa khói thuốc đến gần máy đó. Anh ta hốt hoảng thấy máy báo "có đám cháy". Anh ta kêu ầm lên:

– Ông Ê-đi-xơn! Ông Ê-đi-xơn! Lại ngay mà xem, máy báo có đám cháy!

Ê-đi-xơn hoảng sợ. Ông chạy bổ lại máy và chăm chú xem xét. Nét mặt ông bỗng dịu lại và cười bảo anh công nhân:

– Uyn-ki, chú cứ bỏ cái tẩu của chú ra là hết "cháy" thôi vì chú đang ngậm "đám cháy" ở trên miệng đấy.

Uyn-ki vội bỏ chiếc tẩu ra. Quả nhiên máy trở lại bình thường. Anh ta lắc đầu, thán phục:

– Ông Ê-đi-xơn, ông thật như thầy phù thủy!

Từ đấy, dân quanh vùng thán phục và âu yếm gọi ông là "thầy phù thủy ở Men-lô Pác"

Câu chuyện máy ghi âmTừ năm 1877, khi nghiên cứu cải tiến chiếc máy điện thoại tự động,

Ê-đi-xơn cứ suy nghĩ mãi làm sao giữ được tiếng nói. Ông nhận xét thấy cứ mỗi lần để mũi kim trượt trên một băng kim loại có những rãnh, những lỗ khác nhau thì lại thấy những âm thanh khác nhau phát ra. Đến khi thực hiện cải tiến chiếc máy điện thoại, ông lại hiểu thêm rằng những rung nhẹ của âm thanh có thể truyền đi được bằng dòng điện. Như vậy tất phải ghi nó lại được. Và Ê-đi-xơn quyết định làm bằng được "Chiếc máy biết nói". Biết được quyết định này của Ê-đi-xơn, người thì bảo ông nuôi ảo tưởng, người bảo "ông ta suy nghĩ quá hóa rồ", kẻ lại nói Ê-đi-xơn ngông cuồng muốn chiếm cả quyền tạo hoá... Mặc, Ê-đi-xơn chỉ bảo họ rằng:

– Nếu như vậy bao giờ ta mới chế ngự được thiên nhiên? Sau hai tuần lễ miệt mài trong phòng thí nghiệm, một hôm, Ê-đi-xơn cho mời tất cả mọi người vào phòng thí nghiệm của mình.Một chiếc máy kỳ dị đặt trên bàn. Ê-đi-xơn mở đầu:

– Ai yếu tim thì xin mời ra ngoài kẻo tôi không chịu trách nhiệm về tính mạng của người đó đâu nhé...

Mọi người nhìn nhau. Ai cũng rờn rợn, lo sợ, tim đập gấp trong lồng ngực, nhưng ai cũng tò mò muốn biết cái gì sẽ xảy ra. Ê-đi-xơn mở máy và đột nhiên một bài hát quen thuộc của thời đó vang lên rõ ràng: "Cô Ma-ri-a có một con cừu bé..." Ai nấy kinh hãi sững người, ngơ ngác hết nhìn máy lại nhìn Ê-đi-xơn. Một người nào đó bảo: "Đức Chúa đã giáng thế!" Anh thợ máy Sác-lơ không kìm được mình, ôm chặt lấy Ê-đi-xơn nói:

– Đây là con người mà nếu cần phải hy sinh tính mạng cho ông, tôi cũng rất vui sướng!

– Không, nói nhảm nào! Sác-lơ, tôi mong anh sẽ không bao giờ làm thế...Úp-tơn và những người khác, những người đã cho Ê-đi-xơn là "hóa điên" đã thành thực kể cho ông nghe những ý nghĩ trước đây của mình về ông. Câu chuyện ấy chỉ làm vui thêm cho ngày ra đời "chiếc máy biết nói" đầu tiên. Suốt đêm ấy, Ê-đi-xơn và những người cộng tác của ông đã hát, nhảy theo các điệu dân ca máy đã ghi được. Tất cả vui chơi thoải mái như những người vô tư nhất.Khi Ê-đi-xơn thông báo cho thế giới biết phát minh mới của mình thì chẳng một ai tin cả. Thậm chí có người được trực tiếp nghe những lời nói của Ê-đi-xơn ghi trong máy cũng chẳng tin, họ cho rằng có ai đó bắt chước tiếng nói của Ê-đi-xơn. Ngay đến ông giám đốc nhật báo "Khoa học Mỹ" cũng khăng khăng đó không phải là sự thật. Ê-đi-xơn liền mang chiếc máy đó đến tận phòng ông ta và mở máy cho hát vang lên những bài ca do chính Ê-đi-xơn hát và máy đã ghi lại được. Ông này vội kêu lên:-Ngừng máy lại, trời sụp bây giờ đây này!Hôm sau, trên khắp các tờ báo của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều in trên trang nhất một vấn đề lớn về "chiếc hộp biết hát"...Tổng thống Hoa Kỳ, hồi ấy là Ru-dơ-pho Bớc-tra Hay-ơ đích thân mời Ê-đi-xơn đến Nhà Trắng để được nghe máy "hát" và được làm quen với nhà phát minh nổi tiếng. Đêm ấy, cả Nhà Trắng mọi người thao thức, họ đợi đến ba giờ sáng để nghe Tôm Ê-đi-xơn thuyết trình và nghe máy "hát:.Tổng thống hỏi Ê-đi-xơn:-Cho tôi được hỏi ông Ê-đi-xơn một câu: ông đã tốt nghiệp kỹ sư ở nước ta hay ở châu Âu?Nhà phát minh ra "máy hát" mỉm cười gượng gạo:-Nếu ngài muốn biết nơi tôi đã tốt nghiệp, thì đây, thưa ngài, đây là tấm bằng của tôi.Vừa nói ông vừa rút ví đưa ra một tờ giấy gập tư cho tổng thống. Cầm tờ giấy, vừa đọc những dòng chữ đầu tiên, nét mặt tổng thống bỗng lộ vẻ hết sức ngạc nhiên. Tổng thống hết nhìn ông rồi lại nhìn tờ giấy....Trò Tôm, con trai ông là một trò dốt, lười, hư và hỗn láo. Nếu còn giữ trò ấy lại trường e rằng tiếng thơm lâu nay nhà trường chúng tôi vẫn có vinh dự được mang sẽ bị tổn thương. Tốt nhất là ông nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng trò ấy có học nữa sau này cũng không nên trò trống gì.Hiệu trưởng trường tiểu học Po Hu-rôn.

Hô-uất

Tất cả các vị bộ trưởng, thứ trưởng cũng như những người đứng đấy đều bực dọc về bức thư lố bịch đó.Tổng thống Hay-ơ hỏi ông bộ trưởng Bộ giáo dục đứng gần đấy:

– Ông thấy thế nào?

– Thưa ngài tổng thống, tôi đề nghị tất cả các trường tiểu học ở Po Hu-rôn đều mang tên ông Ê-đi-xơn.

– Tôi chuẩn y lời đề nghị của ông. Mọi người nhiệt liệt hoan nghênh quyết định đó. Còn Ê-đi-xơn mắt nhòa lệ vì xúc động. Tổng thống Hay-ơ vừa ôm hôn Ê-đi-xơn vừa nói:

– Tất nhiên việc đó cũng chưa đủ để sửa chữa mà chúng ta còn nhiệm vụ phải xóa sạch lời nhục mạ đó... Tôi rất hãnh diện thấy nước Cộng hòa của chúng ta có một thiên tài như ông. Tôi nhiệt liệt chúc mừng ông và cầu chúc ông mãi mãi xứng đáng với vinh quang mà ông đã đạt được.

*

* *

Mùa hè năm 1878, khi ấy Ê-đi-xơn ba mươi mốt tuổi, trong một cuộc phỏng vấn của Tạp chí Bắc Mỹ, ông đã nói đến tác dụng của máy ghi âm, trong đó điều quan trọng nhất là:

a) – Ghi bài học để dạy cho người mù.

b) – Ghi tiếng nói và các buổi hòa nhạc nổi tiếng.

c) – Ghi tiếng nói của những người thân thích.

d) – Dùng học phát âm đúng một ngoại ngữ.

đ) – Dùng ghi các cuộc họp của các nhà bác học, các nghệ sĩ, các buổi thảo luận, các bài diễn văn của các nhà họat động chính trị lớn.

e) – Làm các hộp đồ chơi "biết hát" cho trẻ em.

Phát minh mới nhất ấy của Ê-đi-xơn chẳng bao lâu đã tràn sang châu Âu, làm cho những người sống trên cái lục địa già cả ấy phải ngạc nhiên. Nhiều giai thoại đã nảy sinh xung quanh chiếc máy hát đó. Chẳng hạn một vị quan già nua rất tin cậy của Sa-hòang bị chính Sa-hòang tống giam vì tội đã dùng cái hộp "ma quỷ" đó. Còn ở Anh, thủ tướng Anh, Gơ-lát-xtôn, đã nhận được lời chào của Ê-đi-xơn tới nhân dân Anh qua chiếc máy "biết nói". Sau đó, thủ tướng Anh cũng lại trả lời Ê-đi-xơn qua máy đó.Tiếng đồn cũng vang đến tai đức giáo chủ Vanh-xanh ở Niu I-oóc. Đức giáo chủ không sao tin được lời đồn ấy. Lập tức, giáo chủ lên đường đến tận nơi Ê-đi-xơn làm việc, đòi ông muốn cho đức giáo chủ tin thì phải ghi và phát lại chính tiếng nói của giáo chủ. Ê-đi-xơn vui lòng làm theo ý muốn đó. Ông dẫn giáo chủ lại gần chiếc máy, cho người xem xét rất kỹ lưỡng, nhìn vào trong máy, ngó dưới gầm bàn xem có kẻ nào ẩn nấp ở đó để lừa giáo chủ không. Cuối cùng, giáo chủ nói bằng một giọng không lấy gì làm tin tưởng lắm:-Nào, ta bắt đầu chứ?-Vâng, xin mời người, "máy" cũng rất sốt ruột chờ đức giáo chủ linh thiêng nói.

– Tôi dùng tiếng La-tinh có được không?

– Người dùng bất cứ ngôn ngữ nào cũng được. Máy của tôi biết nói mọi thứ tiếng trên quả đất. Kể cả các thứ tiếng đã có cách đây hàng trăm năm... (*)

– Được, ta thử xem...Đức giáo chủ e hèm dọn giọng, ho vài lần rồi tuôn ra hàng tràng tiếng La-tinh nhanh như gió mà một người tài giỏi mấy cũng không sao nhắc lại được. Xong xuôi, ngài xoa tay đắc ý, mỉa mai nói:

– Nào, bây giờ đến lượt "hắn". Ông bảo "hắn" thử nhắc lại xem...Ê-đi-xơn im lặng. Ông mời đấng bề trên ngồi xuống ghế rồi vặn máy. Cái hộp "biết nói" đầu tiên cũng e hèm dọn giọng, ho vài lần rồi nhắc lại hàng tràng tiếng La-tinh đó, cũng nhanh không kém và không sai một mảy may. Đức giáo chủ há miệng kinh hoàng và choáng váng không đứng lên nổi. Tuy vậy, giáo chủ cũng rất hả hê khi biết một sự thật. Ngài bảo:

– Cho đến nay ở nước Mỹ này, chưa ai nhắc lại được những câu mà cha vừa nói ấy đâu nhé!

Ê-đi-xơn mỉm cười:

– Nhưng lại có máy "biết nói" làm được.

– Đúng vậy... – nói rồi, giáo chủ bắt chặt tay "thầy phù thuỷ" ở Men-lô Pác, vui vẻ ra về.

A-đam lại xuất hiệnTrong lúc tiếng tăm Ê-đi-xơn đang nổi lên như sóng cồn thì Min-tơn A-đam, người bạn đã từng chia ngọt xẻ bùi với E-đi-xơn xưa kia đến Men-lô Pác kiếm việc làm. Nghe tin Ê-đi-xơn đã trở thành nhà phát minh nổi tiếng, A-đam mừng quá vội đến thăm bạn.Lúc ấy, Ê-đi-xơn đang ở trong phòng thí nghiệm. Bên noài, trời đã tối. Trong các hành lang, trên tường các phòng đều treo những cây đèn dầu. Ánh sáng lù mù, chập chờn của các ngọn đèn dầu làm cho Ê-đi-xơn khó phân biệt các thứ trong phòng thí nghiệm. Chính cái ánh sáng vàng vọt này đã khiến Ê-đi-xơn mất nhiều đêm suy nghĩ: ta cứ chịu làm việc mãi trong cái ánh sáng lù mù này giữa thế kỷ mười chín ư? Sao ta không biến được đêm thành ngày? Khi A-đam bước vào phòng thí nghiệm cũng chính là lúc Ê-đi-xơn sắp đi đến kết quả cuộc tìm ra đèn điện. Thấy bóng người, Ê-đi-xơn ngỡ đó là nhân viên phòng thí nghiệm đem kết quả về dây tóc đèn điện đến. Ông hỏi, vẻ ngạc nhiên:

– Sao, Uyn-ki, anh đã làm xong rồi kia à? A-đam tiến lại gần bạn:

– Tôm thân yêu, A-đam đây mà! Nhưng Tôm chẳng nghe thấy và vẫn mải miết làm việc.

– Gì thế, Uyn-ki, sao anh không nói gì thế?

– Tôm ơi, A-đam đây, bạn không nhận ra mình à?

Lúc ấy, Tôm mới ngẩng lên. Nhận ra A-đam, Tôm xúc động ông chầm lấy bạn, hỏi dồn dập:

– A-đam, cậu thật đấy sao?

– Mình đây, Tôm ạ. Chao ôi, mình nhớ cậu quá. Lâu rồi mình chẳng được gặp cậu...

Đôi bạn chuyện trò với nhau đến quá nửa đêm. A-đam kể cho Tôm nghe bước đường kiếm sống gian truân của mình. Bây giờ, anh đang đi tìm một việc khác vì anh không sao chịu đựng nổi viên giám đốc nơi anh đang làm. Cuối cùng, anh chân thật hỏi Ê-đi-xơn:

– Còn cậu? Cậu đã thành người nổi tiếng rồi. Cậu sáng chế ra nhiều thứ quá! Cậu còn nhớ cái máy đếm phiếu không?

Và đôi bạn cùng cười.Sau đêm ấy, A-đam nghe bạn ở lại Men-lô Pác. Để giúp đỡ Tôm, A-đam nhiệt tình và cương quyết đòi đi theo một đoàn công nhân và kỹ sư do Tôm lựa chọn và cử sang châu Phi tìm chất làm dây tóc bóng đèn điện. Theo Ê-đi-xơn, cây tre sẽ là thứ cho ông cái chất quý ấy.Sau khi tiễn A-đam lên đường, Ê-đi-xơn cũng theo một đoàn triển lãm sang Pa-rí dự hội chợ quốc tế. Tôm Ê-đi-xơn đem chiếc máy hát của mình sang trưng bày ở hội chợ. Mọi năm, gian hàng "bày" của những thổ dân da đen, da đỏ thường thu hút khách nhất, vậy mà lần này nơi đông nhất, thu hút đủ mọi loại khách nhất lại là gian hàng của Tôm Ê-đi-xơn: nơi đặt chiếc máy hát.Nếu như việc khám phá ra điện và việc sử dụng điện trong những lĩnh vực mà ta được biết ấy đã là một con đường dài, gian khổ ra sao, đã thu hút biết bao nhiêu trí lực con người thì vấn đề dùng điện thắp sáng thay đèn dầu cũng đã từng làm thao thức biết bao trí tuệ con người.Cách đây mấy chục năm, những bó đuốc nhựa và nến đã được đèn dầu thay thế. Rồi cuối thế kỷ mười tám thì đèn dầu được trang bị thêm bấc và bóng chụp bằng thủy tinh. Sau đó giữa thế kỷ mười chín, người ta bắt đầu dùng đèn khí trong các nhà hát và trong các nhà giầu có. Nhưng cũng chỉ mới có nước Anh, nước Pháp và nước Nga dùng. Nhiều nhà vật lý cũng đã thử thí nghiệm làm đèn điện như A-lếch-xăng-đơ-rơ Von-ta (1800), Pê-tơ-rốp (1802), Đê-vy (1808). Hoặc như Gơ-rô-vi đã làm một bóng đèn điện mà dây tóc là một sợi dây bạch kim xoắn ốc. Nhưng dùng bạch kim đã không bền mà lại quá đắt. Phải tìm ra một chất gì bền mà rẻ. Làm dây tóc bằng chất gì, đó là một vấn đề hóc búa đặt ra cho các nhà vật lý thời bấy giờ.

Nàng tiên ánh sáng

Ê-đi-xơn cũng vậy, ông đã nhiều đêm mất ngủ vì cái dây tóc bóng đèn điện. Cái khó đầu tiên là làm máy chân không để hút chất khí ra khỏi bóng đèn điện thì ông đã sáng chế ra từ lâu. Nhưng còn dây tóc, ôi, cái dây tóc bí hiểm, thì ông vẫn chưa tìm ra chất làm ra nó. Cũng vì cái dây tóc ấy mà A-đam (*) thân yêu đã lên đường đi châu Phi. Ê-đi-xơn cương quyết tìm được thứ dây tóc bền nhất. Ông cho rằng dây tóc làm bằng sợi bông sẽ bền hơn bạch kim. Ngày mười tám tháng mười năm 1879, ông đã thử thí nghiệm. Sau mười phút cháy sáng rất đẹp, dây bị cháy ngay. "Không sao, ta sẽ làm lại!" Ê-đi-xơn nói với cá nhân viên như thế. Sau vài ngày, một loại dây khác làm bằng than cũng được đem thí nghiệm, nhưng mới chỉ hong ra mặt trời phơi thôi, một cơn gió nhẹ thổi đã làm dây đứt... Ê-đi-xơn lại cặm cụi làm loại dây khác cũng với nhiệt tình như cũ: dây chỉ cháy sáng vẻn vẹn có ba phút đồng hồ. Không nản, Ê-đi-xơn lại vùi đầu vào làm thí nghiệm khác. Nản làm sao được! Chán nản chỉ là đức tính của những kẻ yếu hèn mà thôi! Hết sử dụng giấy, Ê-đi-xơn lại dùng sợi vải, dùng xen-luy-lô, sợi gai, sợi dừa, sợi gỗ, đay, bấc... và nhiều loại khác nữa làm thí nghiệm. Hàng tháng ròng, ông quên ăn, quên ngủ.... cuối cùng Ê-đi-xơn thấy chỉ có sợi bông là có vẻ bền hơn cả. Thế là bóng đèn điện về cơ bản coi như đã được thí nghiệm xong. Và ngày hai mươi mốt tháng mười năm 1879, đèn điện ra đời. Cả phòng thí nghiệm hồi hộp theo dõi đôi bàn tay quý giá của Ê-đi-xơn. Hai đầu dây điện vừa được chập lại với nhau thì một luồng sáng trắng, chói lòa như chớp bừng lên. Tất cả mọi con mắt đều nhắm lại vì lóa và vì cảm động.-Ôi, tuyệt diệu! Thật tuyệt diệu! Ê-đi-xơn đứng giữa mọi người vui mừng và xúc động trước thành công của mình. Một tiếng đồng hồ trôi qua, đèn điện vẫn cháy sáng. Mọi người hồi hộp theo dõi từng tiếng tích tắc của đồng hồ. Im lặng. Hoàn toàn im lặng. Năm tiếng trôi qua. Ai nấy đều quên là đêm đã tàn, ngày đã rạng. Không cặp mắt nào lộ vẻ mệt mỏi. Thành công này lớn quá, vượt mọi mong ước của mọi người. Ê-đi-xơn đúng là một Pơ-rô-mê-tê, vị thần đã mang lại ánh sáng chói lòa cho nhân loại, đem ban ngày thay thế cho ban đêm.Mười tiếng trôi qua, rồi mười lăm tiếng trôi qua. Cả phòng thí nghiệm, mọi người đều như những pho tượng, câm lặng, hân hoan nhìn bóng đèn điện sáng choang, vầng trán đẫm mồ hôi vì thần kinh căng thẳng. Hai mươi bốn tiếng trôi qua. Mặt mũi ai cũng nhợt nhạt như nặn bằng sáp "Mặt trời" vẫn chói chang trong phòng thí nghiệm. Rồi lại mười tiếng đồng hồ nữa trôi qua trong chờ đợi. Sau đấy mười ba tiếng nữa, bóng đèn điện mới tắt. Như vậy là bóng điện đã cháy sáng bốn mươi bảy tiếng liên tục.

*

* *

Tin ấy loan truyền mọi chốn. Khắp nơi người ta kéo về Men-lô Pác xem bóng đèn điện đông như hội. Từ xa, người ta đã thấy ánh sáng điện hắt lên như một vầng hào quang. Phòng thí nghiệm của Ê-đi-xơn chói sáng và chật người. Ê-đi-xơn khản tiếng vì giải thích, vì trả lời mọi câu hỏi của khách tham quan.Buổi sáng hôm đó, hai mươi mốt tháng mười hai năm 1879, các chú bé bán báo ở Niu I-oóc gào vang khắp phố phường: "Báo ơ...! Báo ơ...! Ê-đi-xơn đã phát minh ra bóng đèn điện!... Báo ơ!..." Người ta tranh cướp, giật lấy những tờ báo trên tay các cậu bé bán báo mà đọc ngấu nghiến. Thật kỳ lạ! Ánh sáng truyền qua dây! Đọc xong mà nhiều người còn bán tín bán nghi! Nhưng đến dịp tết thì mọi mối nghi ngờ đều tiêu tan: bảy trăm bóng đèn điện đã được thắp sáng khắp thành phố. Hàng ngàn người đứng chật ních trên các đường phố của cái tỉnh nhỏ ấy để ngắm nhìn ánh sáng lạ kỳ.Cùng với những người hiếu kỳ, trên các chuyến xe còn thấy mặt hầu hết các vị chính khách, các nhà bác học, nhà văn, nhà báo của nước Mỹ.Đến đầu năm 1880, nơi thứ hai được trang bị đèn điện là đại khách sạn Thanh Sơn của Hoa Kỳ, rồi đến nhà thờ chính của Luân Đôn. Sau hai năm thì tất cả Niu I-oóc đều dùng đèn điện.Dần dà các tàu thủy cỡ lớn, xuyên đại đương đều được Ê-đi-xơn chỉ đạo việc lắp điện thoại và đèn điện. Rồi các nhà hát, các kịch viện v.v... không ai chịu kém ai, đều mời bằng được Ê-đi-xơn mắc điện thoại và đèn điện.

Tàu điện

Nhìn những đoàn người từ khắp nơi trên châu Mỹ, có người ở tận châu Âu xa xôi, ùn ùn kéo đến, ngắm ánh sáng đèn điện, Ê-đi-xơn càng cảm ơn cụ già đã gợi cho ông cái ý định: làm xe chạy bằng điện. Ừ, tại sao lại không nhỉ? Thời bấy giờ người ta mới dùng tàu hỏa để đi xa, còn đi từ tỉnh này qua tỉnh khác hoặc gần hơn thì chỉ có một phương tiện duy nhất là xe ngựa. Mà xe ngựa thì vừa chậm, vừa xóc.Hồi ấy, khi Men-lô Pác mở hội "hoa đăng", số xe ngựa tuy đã nhiều mà không sao đủ cho mọi người, vì vậy nhiều người đành đi bộ... Trong số đó, có một bà cụ già. Cụ đã đi bộ mười hai cây số để đến xem cho được "điều kỳ diệu của Chúa rồi có chết cũng cam lòng". Đến Men-lô Pác, cụ mỏi quá ngồi xuống bên đường vừa nghỉ, vừa bóp chân, đấm lưng thùm thụp. Lúc đó Ê-đi-xơn chợt đi đến. Ông dừng lại hỏi cụ vì sao ngồi đó. Cụ trả lời:

– Ôi, già mỏi quá. Chỉ cốt được nhìn tận mắt cái đèn bằng điện kia mà già đã phải đi bộ gần ba tiếng đồng hồ đấy ông ạ... Nhưng dù có ở tận cùng trái đất này thì già cũng đi. Ôi, ôi... cái nhà ông Ê-đi-xơn ấy là thánh chứ chẳng phải chơi... Làm thế nào mà ông ta lại làm được những quả lê thủy tinh kia rồi bỏ ánh sáng vào đó nhỉ?-Cụ ơi, cụ hỏi ông ta thì ông ta sẽ bảo cụ ngay thôi...

– Ôi chao, ông ấy có bảo già thì cũng như bảo bức vách thôi, già làm sao hiểu được. Tốt nhất là việc ai nấy làm, già chỉ lo việc của già thôi... Cứ nghĩ đến đường về là già lại chóng cả mặt... Ông nhỉ, giá mà ông Ê-đi-xơn ấy nghĩ ra vài cái xe để chở người già đi nơi này nơi khác có phải là may mắn hơn cho già không nhỉ!

– Cụ ơi, tôi tưởng vẫn có xe ngựa chở khách đấy chứ?

– Thôi, thôi... ông đừng có nói đến cái xe ấy làm gì. Già mà đi xe ấy thì ốm mất. Nó xóc đến gãy xương lại còn kêu ầm ầm nhức cả đầu, long cả óc...

– Thế cụ cho xe ngựa phải như thế nào mới đúng?

– Theo ý già ấy à? Già chỉ muốn có thứ xe nào không cần ngựa kéo mà lại êm, thật êm... Nghe bà cụ nói xong, một ý nghĩ lóe lên trong đầu Ê-đi-xơn. Ông ngồi xuống cạnh cụ và hỏi dồn:

– Thế nào hở cụ? Xe tự đi à? Thế nghĩa là thế nào? Nó tự đi một mình được à?-Thì chắc ông Ê-đi-xơn ấy mới biết chứ, còn già thì... Vì ông ta cái gì cũng biết mà. Vả lại ông ta đã làm được ánh sáng bằng điện thì chắc cũng làm được cái xe biết đi một mình chứ? Ê-đi-xơn chợt reo lên: trong óc ông, một ý nghĩ mới vừa thành hình:

– Làm cho xe chạy bằng dòng điện à? Đúng, đúng, thế là xong đấy cụ ạ!

– Xong cái gì hả ông?-Cái xe mà cụ mong muốn ấy. Xe điện, xe điện, cụ ạ! Cụ già nhìn Ê-đi-xơn tỏ ý thương hại:

– Ông làm sao thế? – Cụ ơi, tôi là Ê-đi-xơn đây. Nhờ cụ mà tôi đã nảy ra ý định làm một cái xe chạy bằng dòng điện đấy.

– Thật ư? Ông là Ê-đi-xơn thật à? Thật là may mắn quá, già chỉ ao ước được thấy mặt ông... Ôi, thế ra ông cũng như mọi người khác thôi ư?

– Vâng, tôi cũng chỉ là người như mọi người thôi cụ ạ! Ê-đi-xơn cười lớn rồi rút ví đưa tận tay cụ già một trăm đô-la:

– Xin biếu cụ!

– Sao ông lại đưa tiền cho già làm gì? Già có giúp gì cho ông được đâu! Già không thích lấy tiền của ai. Nếu ông cho, già chỉ xin một đô-la thôi vì già đang cần...

– Không, không, đây là lao động của cụ đấy, cụ ạ. Cụ đã gợi cho tôi một ý nghĩ tuyệt diệu. Tôi sẽ được lời gấp nghìn lần số tiền biếu cụ. Ê-đi-xơn phải giảng giải mãi, nói mãi về giá trị của lao động trí óc so với lao động chân tay, rằng cái gợi ý của cụ chính là lao động trí óc, v.v... Cuối cùng cụ già nhận tiền nhưng vẫn chưa thật rõ vì sao. Cụ bảo:-Ông tốt quá. Già cảm ơn ông và chẳng bao giờ già quên ông đâu.

– Tôi sẽ mời cụ đi chuyến xe điện đầu tiên...

– Thế nào già cũng đến... Nhưng ông làm nhanh lên nhé, kẻo tuổi già chẳng được bao lâu đâu.Ngay hôm sau đó, Ê-đi-xơn báo cho liên đoàn xe ngựa chở khách là ông có ý định "tịch thu" tất cả ngựa nghẽo của họ và sẽ thay chúng bằng dòng điện. Ông dự định đường xe điện đầu tiên sẽ là đường từ Niu I-oóc đến Men-lô Pác. Nếu thí nghiệm thành công, ông sẽ nhường lại cho liên đoàn xe ngựa cái phát minh mới ấy. Nói là làm, Ê-đi-xơn cùng với các công nhân ngày đêm thay nhau làm việc. Ông sử dụng cuốc chim cũng thành thạo chẳng kém một công nhân nào. Công nhân làm đường xe điện ai cũng kính phục ông. Họ bảo nhau:-Thật là một con người chân chính! Không thấy ai giàu nghị lực và ham làm việc như vậy. Với con người này thì ăn không ngồi rồi là một cực hình đấy!Sau ba tuần làm việc khẩn trương, chuyến xe điện đầu tiên đã chạy. Người ta xếp hàng dài để mua vé. Ê-đi-xơn đã mời cụ già đi chuyến xe đầu tiên. Đến Men-lô Pác, Ê-đi-xơn đưa cụ vào nhà và bảo:

– Tôi giữ lời hứa với cụ rồi nhé! Thế nào, cụ có thích cái xe đó không? Cụ cười móm mém:

– Giờ thì già có thể đi chơi cả ngày bằng cái xe này được rồi, ông ạ. Nhưng già hỏi thật, sao nó không có ngựa kéo mà lại đi được? Hay là ông biết phù phép?

– Không đâu cụ ạ, phù phép chỉ là chuyện người ta bịa ra thôi...Sau đó, Ê-đi-xơn can thiệp với liên đoàn xe điện trả cho bà cụ một số tiền trợ cấp. Riêng Ê-đi-xơn đã tặng cụ một ngôi nhà có một khu vườn nhỏ để cụ an dưỡng tuổi già. Cụ đã sống ở đó chừng mươi năm sau mới mất.

*

* *

Từ xe điện đến xe lửa chạy bằng điện, Ê-đi-xơn chỉ thêm một bước. Ông làm một đoạn đường xe lửa điện thí nghiệm dài năm trăm mét. Đầu máy là một động cơ mười hai mã lực, kéo ba toa, có thể lên dốc, xuống dốc bình thường. Tất cả công nhân kéo lên ngồi chật cả ba toa. Ê-đi-xơn tự lái. Thí nghiệm thành công, Chủ tịch liên đoàn xe lửa Bắc – Thái Bình Dương yêu cầu kéo dài đường xe lửa điện đến tận các vùng miền Tây. Ê-đi-xơn nhận lời và cặm cụi nghiên cứu sáng chế ra một loại đầu máy nhiều mã lực để chạy đường dài.

*

* *

Trong việc giao dịch với các chủ thầu tư bản chuyên mua các phát minh, sáng kiến của mình để kiếm lời, Ê-đi-xơn đã nhiều phen bị họ lừa vì ông không nắm được và ít bận tâm đến hạch toán kinh tế. Nhưng rồi có lần họ cũng đã phải thua ông.Sau khi nhận bằng phát minh xong, "Công ty ánh sáng" Niu I-oóc đề nghị mua toàn bộ số bóng đèn điện mà xưởng Ê-đi-xơn sản xuất với giá bốn mươi xu một chiếc. Như vậy lúc đầu là lỗ cho ông vì giá vốn đã là một đô-la hai mươi nhăm xu một chiếc rồi. Nhưng Ê-đi-xơn vẫn cứ nhận và yêu cầu công ty ấy chỉ được mua của mình trong suốt thời gian ký hợp đồng. Ngay trong năm thứ hai, Ê-đi-xơn đã giảm giá thành một chiếc xuống còn bảy mươi xu, sang năm thứ ba, còn năm mươi xu, rồi năm thứ tư chỉ còn ba mươi bảy xu. Chỉ riêng năm này ông đã bù lỗ cho cả ba năm trước. Năm thứ năm, giá thành chỉ còn hăm hai xu một chiếc và cứ thế lãi chảy về ông như nước...

Ông tổ của máy chiếu bóng

Những thành quả trong các công trình nghiên cứu đã nâng cao lòng ước vọng của Ê-đi-xơn. Sau khi đã thành công trong việc "giữ lại tiếng nói", Ê-đi-xơn lại nảy những băn khoăn mới. Ông nghĩ mỗi khi ta nhắm mắt lại thì ta vẫn giữ được hình ảnh đã nhìn thấy trong một giây ngắn ngủi, vậy có cách gì giữ được hình ảnh đó lâu hơn không? Năm 1878, Mê-bơ-rít-giơ đã làm một thí nghiệm: ông đặt rất nhiều máy ảnh cạnh nhau rồi cho dắt một con ngựa đi qua trước những cái máy ảnh đó. Khi ngựa đi qua, các máy ảnh lần lượt chụp. Những chiếc phim đã được ghép liền với nhau rồi được chiếu liên tiếp lên một tấm màn. Kết quả ta được hình ảnh một con ngựa đang đi.Trên cơ sở kết quả ấy của Mê-bơ-rít-giơ, Ê-đi-xơn suy nghĩ, bàn tới việc chỉ cần dùng một máy, sau nhiều lần thất bại, cuối cùng Ê-đi-xơn đã thành công trong việc chụp được nhiều hình ảnh liên tiếp trên cùng một băng nhựa.Cũng như mọi lần, những người cộng tác của ông, những công nhân trong xưởng lại là những người đầu tiên được xem kết quả nghiên cứu của ông. Hôm ấy, ông tươi cười mời mọi người vào "phòng chiếu bóng". Sau khi mọi người đã vào hết, ông kéo các tấm màn đen che kín cửa sổ. Trong phòng tối mịt, chỉ lờ mờ tấm màn trắng căng cuối phòng trên tường. Ở đầu này, Ê-đi-xơn lúi húi bên một chiếc máy hình thù kỳ lạ đặt trên một chiếc bàn. Bỗng Ê-đi-xơn nói to:

– Xin chú ý! Mời các bạn hãy nhìn lên bức tường trước mặt!

Một luồng ánh sáng phát ra từ ống kính máy, chiếu lên tấm màn vải rồi loang rộng cả tấm. Một dòng chữ hiện lên: "Hỡi con người trên khắp năm châu, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có một phương tiện mới để truyền bá khoa học khắp thế giới: Máy chiếu bóng "Xi-nê-tô-gơ-ráp-phơ". Phát minh mới nhất này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu được những điều bí mật mà chúng ta chưa hiểu: nó sẽ phóng to lên tường hoặc lên một tấm vải trắng những hình ảnh của người hoặc những hình ảnh của vật nhỏ mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường". Tiếp đó hiện lên những hình ảnh quen thuộc hàng ngày mà ai cũng thấy như những hàng cây trong vườn nhà Ê-đi-xơn. Tuy chỉ là hình ảnh không phải cây thật mà chúng cũng lay động mỗi lần có gió thổi. Và kìa, một con chó đang vẫy đuôi. Cuối cùng mọi người ngạc nhiên đến kinh sợ, khi trông thấy chính Ê-đi-xơn đang đi đi lại lại trên màn ảnh với cái dáng đi mà ai cũng quen thuộc. Ông mỉm cười, ngả mũ chào, rút khăn tay lau trán. Rồi vợ con ông cũng xuất hiện. Bà đang chơi bóng cùng với các con, y như đó là những con người thực chứ không phải hình bóng, chỉ có không nói được mà thôi. Nếu những hình ảnh ấy mà lại còn nói được nữa thì chắc có người đến chết vì khiếp đảm.Đèn bật sáng, mọi người hoan hô Ê-đi-xơn và cùng xô lại chúc mừng thành công mới của ông.Sau lần chiếu bóng đầu tiên ấy, ông đã "thu hình" tất cả những người cộng sự, những công nhân của ông. Ai cũng xúc động khi thấy có mình trên màn ảnh.Giúp việc đặc lực nhất cho ông trong phát minh này phải nói đến Đích-xơn và Bát-sơ-le. Cũng chính hai người này, sau đã giúp ông xây dựng nên một trường quay phim mái thủy tinh, dùng để quay phim ban ngày có mặt trời. Nhiều phim câm do Ê-đi-xơn quay ngày nay còn giữ được như phim "Chú chó con Tét-đi và các chú mèo", "Các cô gái vui vẻ", "Giôn Uyn-xơn, kẻ lang thang" v.v... Mãi đến năm 1895, phim câm mới được anh em Lu-mi-e-rơ cải tiến thêm. Tuy nhiên Ê-đi-xơn đã không ngừng lại ở đó. Chính ông đã làm nên "cuốn phim nói" đầu tiên bằng cách cùng một lúc vừa mở máy ghi âm, vừa mở máy "thu hình". Trong cuốn phim đó, Đích-xơn, người cộng tác đắc lực của ông đã xuất hiện và chỉ nói có hai câu. Đó là cuốn phim nói đầu tiên của loài người chỉ dài vẻn vẹn có vài phút, nhưng là điểm mở đầu cho thành công hoàn toàn của những cuốn phim nói ba mươi năm sau.

Người mở đường

Triển lãm công nghiệp ở Phi-la-đen-phi đã làm tên tuổi của Ê-đi-xơn vang dội thêm. Ở đó những ngôi sao điện đã làm mọi người chú ý. Nhưng mọi người để ý nhất vẫn là những chiếc đèn điện ống. Các nhà báo tới tấp phỏng vấn về những thành công kỳ lạ ấy.Phát minh đèn ống, Ê-đi-xơn không ngờ đã đi bước đầu tiên trong việc khám phá ra điện tử. Nhưng điểm ông chú ý nhất vẫn là việc phá vỡ các hạt điện tử. Chiếc đèn ống đó đã trở thành chiếc đèn ống đầu tiên, "thủy tổ" của các loại đèn ống mà ngày nay ta thường dùng, nhân tố cơ bản của vô tuyến điện thoại. Sau ba năm, kể từ ngày triển lãm đó, dựa trên phát minh về đèn ống, Ê-đi-xơn đã nhận thêm một bằng phát minh về vô tuyến điện báo. Nhiều liên đoàn tư bản muốn mua lại phát minh đó nhưng ông không bán mà nhường lại cho Mác-cô-ni, một nhà vật lý người Ý mà Ê-đi-xơn rất kính trọng vì lẽ Mác-cô-ni không phải là người làm khoa học để làm giàu, ông ta là một con người đã vì con người mà toàn tâm, toàn ý hiến cả đời mình cho khoa học. Trên cơ sở phát minh đó của Ê-đi-xơn, Mác-cô-ni đã cải tiến thêm và đã hoàn chỉnh kỹ thuật vô tuyến điện báo.

*

* *

Nền công nghiệp nặng nước Mỹ bắt đầu phát triển mạnh. Các nhà máy, các xí nghiệp đòi hỏi những số lượng sắt ngày một nhiều. Và Ê-đi-xơn lại góp phần vào việc đẩy mạnh đà phát triển ấy.Ê-đi-xơn đã nghiên cứu thành công phương pháp lấy sắt ra khỏi quặng bằng từ trường.Ngày mồng sáu tháng năm năm 1889, ở Pa-ri mở một cuộc triển lãm quốc tế lớn lần thứ một trăm. Khi ấy Ê-đi-xơn bốn mươi hai tuổi.Hầu hết các nước trên thế giới đều gửi hàng hóa và cử những nhân tài thuộc mọi lĩnh vực khoa học, văn hóa v.v... tới dự triển lãm. Ngày đêm, những dòng người đổ về không dứt.Người ta trầm trồ khen ngợi bộ sưu tầm nghệ thuật về dân tộc học trưng bày ở các gian hàng lâu đài Tơ-rô-ca-đê-rô.Tất nhiên, Hoa Kỳ cũng có mặt ở triển lãm đó.

Người ta dành cho Hoa Kỳ một khu vực rộng. Trong đó trưng bày máy móc của nhiều nhà phát minh Hoa Kỳ nổi tiếng như Thôm-xơn, Hút-tôn, Gơ-ray, Rô-giơ. Nhưng ở gian hàng rộng nhất dành cho Bắc Mỹ, chỉ toàn thấy những bộ phận và máy móc do Ê-đi-xơn sáng chế. Ông đã được mời từ trước đó một năm để chuẩn bị vì ông là một nhà khoa học mà tên tuổi đã vượt ra khỏi đất nước mình. Thực tình, Ê-đi-xơn không thích gì cái việc "quảng cáo" mình ấy, nhưng mọi người đã cố gắng thuyết phục ông. Cuối cùng, ông phải nhận lời.Gian hàng của Ê-đi-xơn đã là trung tâm chú ý của khách bốn phương đến thăm triển lãm. Bắt đầu là máy điện báo, rồi cuối cùng là máy dùng từ trường tách sắt ra khỏi quặng.Ê-đi-xơn vừa đến Pa-rí là đã bị những người trong ban tổ chức triển lãm, các kỹ sư, những nhà khoa học, các nhà báo, những người hâm mộ ông.... xúm xít vâyquanh.Những câu hỏi tới tấp:-Thưa ngài Ê-đi-xơn kính mến, xin ngài cho biết công trình mới nhất mà ngài đang nghiên cứu là công trình gì?-Thưa ngài, có phải ngài đang làm một cái máy "tạo hình cử động" trên tường trắng phải không ạ? v.v...Nhiều người còn mở tiệc chiêu đãi long trọng và mời ông đến dự, trong đó có một bữa tiệc đặc biệt của các nhà báo và nhà xuất bản mời ông với tư cách trước kia ông đã từng là nhà xuất bản, nhà báo: Tôm! Kỹ sư Ép-phen và nhà bác học Pi-át-tơ cũng đã gặp gỡ và đàm luận hàng giờ với ông. Chính phủ Pháp đã làm một tấm huân chương vàng để tặng thưởng ông vì ông đã có những phát minh về kỹ thuật có giá trị.Người ta còn tặng ông cả chiếc băng đeo chéo ngang người đề chữ "Quân đoàn danh dự Pháp" với cấp bậc chỉ huy.Người ta bảo rằng ông đã được tiếp đón như một vị hoàng đế, quả cũng không ngoa. Ê-đi-xơn đã là "mặt trời" của triển lãm năm 1889. Câu này không hề quá đáng vì những chuỗi bóng điện và trạm phát điện Ê-đi-xơn đã làm cho khu vực triển lãm này ngày cũng như đêm chói lọi ánh sáng như mặt trời chính ngọ. Không những thế, sau những ngày triển lãm đó, nó còn chiếu sáng mãi trên khắp cả trái đất.

Những ngày cuối đời

Năm lại năm trôi qua... phát minh này nối tiếp phát minh khác, Ê-đi-xơn chẳng bao giờ chịu nghỉ. Hầu như lúc nào Ê-đi-xơn cũng bận rộn với các dụng cụ thí nghiệm, với các ý nghĩ nối tiếp nhau không dứt. Chú bé Tôm sống cuộc đời lang thang xưa kia giờ đây đã là một cụ già tám chục tuổi khỏe mạnh, nhanh nhẹn và vẫn rất nhiệt tình với mọi câu hỏi về các lĩnh vực khoa học.Nhà hóa học, nhà vật lý Ê-đi-xơn ấy không phải chỉ thiết tha nghiên cứu hóa, lý mà còn say mê cả những tác phẩm văn học. Mỗi khi đọc xong tác phẩm văn học nào, ông lại vui vẻ kể lại cho vợ con nghe vào một buổi chiều nghỉ ngơi nào đó:-Mình ạ, anh vừa "gặp" Sếch-xpia xong! Chao ôi, con người ấy thật tuyệt vời! Nếu không có những con người ấy, không biết cuộc sống của loài người sẽ như thế nào! Hoặc ông khuyến khích các con:

– Này, các con phải đọc Hô-me đi! Đọc cả Vích-to Huy-gô nữa... Các đại văn hào ấy sẽ giúp các con thêm nghị lực, nâng cao lòng ước vọng và tăng thêm sức sáng tạo cho các con đấy!...

Ngoài ra, Ê-đi-xơn còn đọc, nghiên cứu cả sinh vật học, thiên văn học, kinh tế chính trị học, địa chất học v.v...Trong khi Ê-đi-xơn đang vội vã với các loại thiết kế, thí nghiệm, đang cố gắng cống hiến những năm cuối đời mình nhiều chừng nào hay chừng ấy, thì A-đam cũng như bạn, ông lại tiếp tục lên đường sang châu Phi lần thứ ba với những nhiệm vụ trọng đại khác.Một năm trôi qua, nhiều chuyên gia ra đi đã về hoặc đã có tin về nhưng chỉ riêng A-đam là không có một tin tức gì. Ê-đi-xơn lo lắng phái Phi-rét-tôn, một chuyên gia chuyên tìm đất trồng cao su của mình sang châu phi tìm A-đam. Nhưng Phi-rét-tôn đã trở về một minh. Ê-đi-xơn lo ngại hỏi:

– A-đam đâu? Anh ấy ra sao rồi?

– Tôi và A-đam chia tay nhau ở Xê-nê-gan. Ông ấy đi Ni-giê-ri-a còn tôi đi Xu-đăng để tìm đất trồng cao su. Chúng tôi hẹn sau một năm sẽ gặp nhau ở Gi-bu-ti, nhưng đúng hẹn không thấy ông ấy đến!-Thế anh đã làm thế nào?

– Tôi đã chờ ông ấy hai tuần liền mà ông ấy vẫn biệt tăm. Thời hạn đã hết, tôi đành phải quay về nước một mình.

Ê-đi-xơn nhắm mắt lại, lặng người... tim thắt lại, ông rên lên trong tâm tưởng:

– Ôi, A-đam, A-đam thân yêu của tôi, người bạn cùng chịu đói, chịu nghèo năm xưa ở Lu-i-vin của tôi! Chúng ta đã cùng nhau chịu đựng tất cả đói rách, tủi hờn, nhục nhã. Chúng ta đã chẳng gắn bó cùng nhau đó sao? Những kỷ niệm ấy trong lòng chúng ta lúc nào mà chẳng chói ngời! Đã sáu chục năm rồi... Ngày nay đến lúc chúng ta được cùng nhau gần gũi, được cùng nhau làm việc thì ta lại mất bạn. Có thật bạn chẳng trở về không? Sao ta lại không biết một tin gì của bạn? Sao ta lại để bạn đi? Lo lắng cho số phận của A-đam, Ê-đi-xơn bỏ bẵng cả công việc. Lần đầu tiên, sau khi mẹ chết, người ta thấy ông đau thương bối rối đến thế. Gần như ngày nào ông cũng hỏi mọi người:

– Có tin gì không? Chẳng ai có thể trả lời câu hỏi đó của ông được. Sáng sớm, khi trở dậy ông hỏi vợ:

– Liệu đã có tin gì của A-đam không nhỉ? Rồi ông hấp tấp đến phòng thí nghiệm, nơi thường có sẵn những tin tức mới nhất hàng ngày đem đến cho ông:

– Có tin gì của A-đam chưa? Im lặng.Mỗi lần người thư ký đưa giấy tờ mới gửi đến cho ông là ông lại hỏi:

– Có tin của A-đam à? Chờ mãi, một hôm ông bảo:

– Chắc có chuyện không hay cho anh ấy rồi!Và ông thuê một đoàn người đi tìm A-đam. Sau vài tháng kiếm tìm, họ quay về. Hôm ấy Ê-đi-xơn đang ở trong vườn nhà ở Men-lô Pác. Người thư ký vào báo:

– Thưa ông, đoàn đi tìm ông A-đam đã về. Họ muốn được gặp ông. Ê-đi-xơn vội ra. Ông lo lắng chờ câu trả lời. Người đoàn trưởng kể qua cuộc đi tìm rồi kết luận:

– Ông ấy đã mất tích trong rừng rậm... Ê-đi-xơn tái mặt. Mọi người vội dìu ông về phòng.Sau hai tuần nữa, một tin buồn khác lại đến với ông: Chị Ta-ni-a đã mất. Số phận sao khắc nghiệt làm vậy. Dù đang đau yếu, ông cũng về Đi-tơ-roi đưa đám người chị thân yêu. Khi trở về, nom ông khác hẳn. Đau thương làm ông không còn là một ông già khỏe mạnh, nhanh nhẹn nữa. Ông thầm nghĩ: "Tội nghiệp chị Ta-ni-a. Cuộc đời làm chị thay đổi biết bao! Thế mà trong thâm tâm, lúc nào em cũng hình dung chị là một cô bé nhanh nhẹn, thông minh, tươi mát thủa nào..." Rồi ông bảo vợ:

– Mình ạ, quanh tôi giờ đây hoang vắng quá! Cha, mẹ, anh Bin, Ma-ri, chị Ta-ni-a, A-đam... Tất cả giờ chỉ là ảo ảnh.Từ lúc ấy, ông bắt đầu cảm thấy gánh nặng của tuổi già. Tuy vậy, ông không bớt làm việc chút nào. Ông càng làm việc nhiều hơn, hầu như suốt ngày ông ở trong phòn thí nghiệm, đấu tranh với năm tháng, đấu tranh với những ý nghĩ, những đau thương, giành thêm kết quả cho công việc.Mùa thu đến. Lá rụng đầy vườn, phủ kín các con đường, trải dài như những tấm thảm rực rỡ khắp mọi nơi. Mưa dăng đầy trời. Lạnh buốt...Hai năm nay, bệnh tim của Ê-đi-xơn ngày càng nặng. Biết thế, nhưng để giành lại chút thời gian từ tay thần chết, Ê-đi-xơn càng cố gắng làm việc nhiều hơn, có khi suốt đêm trong phòng làm việc. Thầy thuốc và mọi người cố bắt ông nghỉ. Một dạo, chiều chiều ông đã chịu nghỉ ngơi ngồi đọc sách. Nhưng một hôm, khi mọi người đã tạm yên tâm về ông thì ông lẻn xuống phòng làm thí nghiệm. Ông đi vội vã, hấp tấp như có một sức mạnh huyền bí nào đó lôi cuốn. Ông đã làm việc suốt đêm với một sức mạnh bất ngờ để hoàn thành nốt một thí nghiệm quan trọng. Ngày hôm sau là chủ nhật, như thường lệ, vợ con ông chờ ông ở phòng ăn sáng. Mãi không thấy ông vào. Mọi người sang phòng ngủ. Phòng trống, giường còn nguyên chăn gấp. Vợ ông bảo:

– Chắc ông lão lại làm việc suốt đêm ở phòng thí nghiệm rồi.

Bà xuống phòng thí nghiệm. Khi mở cửa, bà thấy chồng ngồi trên ghế, đàu tựa lên cánh tay phải, tay trái buông thõng. Bà khẽ thốt lên:

– Ông ấy mệt quá...Rón rén lại gần, băn khoăn, bà không biết có nên đánh thức ông dậy không. Cuối cùng, định bảo ông về phòng ngủ cho đỡ mệt, bà khẽ lay ông... Nhưng... Bà thét lên một tiếng rồi phục xuống cạnh chồng. Ê-đi-xơn đã là người thiên cổ. Thần chết đã đón ông đi ngay nơi bàn ông làm việc. Đó là ngày mười tám tháng mười năm 1931. Vợ, con và tất cả những ai từng cùng ông làm việc, từng quen biết ông đều đau xót, tiếc thương. Nước mắt chẳng làm dịu được đau buồn. Cả Vét O-ran-giơ để tang. Cả nước Mỹ đau thương. Chuông nhà thờ đổ hồi, tang tóc... Từng đoàn người nghẹn ngào diễu qua linh cữu Ê-đi-xơn đặt ngay trong phòng thí nghiệm, chào ông lần cuối. Báo chí mang dải băng tang. Những chiếc máy điện báo, phát minh của ông, đã loan báo tin buồn ra khắp thế giới: "Ê-đi-xơn đã từ trần! "Người ta chôn ông ở Gơ-len-mông, nơi ông có ý định và đang thí nghiệm trồng cây cao su.Thế là "Người phù thủy ở Men-lô Pác" biết bao yêu mến không còn nữa. Nhà phát minh không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn ấy đã buộc phải nghỉ ngơi vĩnh viễn, nhưng cái tên bất tử "Ê-đi-xơn" mãi mãi chói sáng như một vì sao.

29/12/2016

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro