Chương 14-16

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

14: Bị móc hầu bao


Lâm Y đang định nói thật, thím Nhâm lại giành lấy. “Còn hỏi làm gì, dĩ nhiên là cô ta truyền tin cho Ngân di nương, Ngân di nương trả thù lao chứ sao”.

Lâm Y cầm hộp gỗ giơ ra trước mặt Phương thị, bộc bạch. “Nhị phu nhân, ba trăm lẻ hai văn này có hai trăm văn là tiền bán gối sứ hoa sen Ngân di nương tặng, trước đó cháu đã nói cho Nhị phu nhân nghe, còn một trăm lẻ hai văn còn lại là tiền cháu bán nút thắt”.

Phương thị vươn hai ngón tay lật lật nút thắt, không hỏi chuyện tiền bạc nữa, nói. “Cô có tiền, sao không lấy ra trợ cấp gia dụng?”.

Lâm Y ngẩn ra, nàng ăn nhờ ở đậu nhà họ Trương, là phải bỏ tiền ra, nhưng xưa nay bao nhiêu dầu, kem, đôi khi cả cái khăn Phương thị và thím Nhâm cũng tìm cớ không cho nàng, nàng toàn phải bỏ tiền túi ra mua, chính vì thế cần dùng tiền rất nhiều chỗ, có điều lý do này không tiện nói trước mặt bọn họ, lỡ đâu sẩy miệng sẽ là thêm dầu vào lửa. Nàng nghĩ trái nghĩ phải, không có cách nào, đành mở miệng nói. “Không phải không lấy ra, là chờ dành đủ một xâu sẽ đưa Nhị phu nhân”.

Phương thị xem như vừa lòng câu ấy, tạm thời tin nàng, lệnh thím Nhâm gói hết số tiền trong bình đồng vào khăn tay. “Cô còn nhỏ, có tiền sẽ xài bậy bạ, tôi giữ dùm cô”.

Lâm Y chỉ có nước vén tay áo tạ ơn bà ta quản lý dùm tài sản cho nàng, trong lòng quá ư rõ ràng tiền này chỉ sợ đã ra đi không đường trở lại.

Phương thị sai thím Nhâm cầm tiền về phòng ngủ, chậm rãi uống chén trà, đột nhiên nói. “Thím Nhâm, tiền lương tháng này của bà không có đâu”.

Thím Nhâm kinh hãi nói. “Nhị phu nhân, là Lâm Tam nương nói lộ tin tức cho Ngân di nương, đâu có liên quan đến tôi. Nhị phu nhân không muốn Nhị thiếu gia lấy cô ta, lòng cô ta vẫn còn hận Nhị phu nhân lắm, là đang trả thù đó. Hơn nữa, tôi và cô ta, ai thân với Nhị phu nhân hơn, trong lòng Nhị phu nhân còn không hiểu sao?”.

Câu này đánh vào lòng Phương thị, khiến bà ta im lặng thật lâu.

Thím Nhâm tiến thêm một bước. “Tôi cũng có sai, không nên nghe lộn ý Nhị phu nhân, gọi người môi giới đến nhà, Nhị phu nhân phạt tôi tiền lương tháng này cũng được, tôi không có lời nào để nói, nhưng cái con nhỏ Lâm Tam nương kia, không thể giữ lại nữa, Nhị phu nhân phải sớm có ý tưởng đi”.

Lại một câu thấu tâm khảm Phương thị, bà ta trừng mắc liếc qua, mắng. “Lão thái gia còn sống kia kìa, bà đang xúi tôi bất hiếu đấy phải không?”.

Thím Nhâm rụt đầu không dám hé răng, nhất thời chẳng dám nhắc đến chuyện tiền lương tháng này nữa.


Lại nói đến Lâm Y chịu tai bay vạ gió, mất tiền, nàng ngồi bên giường khóc không ra nước mắt, thím Dương đứng ngoài cửa ngó tới ngó lui mấy lần mới trộm tiến vào, nhét ít tiền vô tay nàng, nói. “Vừa rồi thím không dám vào nói đỡ cho cháu, xin lỗi xin lỗi, tiền này cháu cứ cầm dùng tạm, không đủ lại nói thím”.

Lâm Y hiểu thím cũng giống thím Nhâm, đều nhận tiền thưởng từ Ngân Tỷ, sợ liên lụy bản thân, bởi vậy vừa rồi vẫn trốn tránh không dám đứng ra bênh vực kẻ yếu, chẳng qua là muốn bảo vệ mình. Là người ai cũng vậy, không có gì đáng trách. Nàng đẩy về, nói. “Nhà thím cũng đâu dư dả gì, đừng quan tâm cháu, mấy ngày nữa cháu bán mớ nút thắt này sẽ có tiền lại thôi”.

Thím Dương nghĩ nghĩ, có ý kiến. “Sao cháu không đi mách lão thái gia, lão thái gia chắc chắn làm chủ cho cháu”.

Lâm Y cụp mắt, thì thào. “Nói có khác gì không nói, lão thái gia đã gần tuổi thất thập cổ lai hy, có che chở cháu mấy đi nữa cũng che được bao năm? Tương lai cháu vẫn phải nhìn sắc mặt Nhị phu nhân nhiều hơn”.

Muốn sinh tồn khi bị hai bên đè ép chẳng hề dễ dàng, thím Dương có tâm giúp nàng một phen, mấy ngày sau xin Phương thị vào thành đưa cơm, định thừa dịp bán nút thắt cho nàng, không ngờ thím Nhâm trong lòng có quỷ, cảnh giác cực cao, nói thế nào cũng không buông. Thím Dương bó tay, đành nói Lâm Y nghĩ cách khác.

Trời về cuối thu, thời tiết chuyển lạnh, Lâm Y sốt ruột hết sức, nếu không bán nút thắt lấy tiền sẽ không mua được áo bông mùa đông, bị rét sinh bệnh chẳng có gì hấp dẫn. Nàng còn đang khổ não thì ngày thứ hai không khí liền thay đổi, nhiệt độ chuyển tiếp đột ngột, đúng là không hay ho, uống nước lạnh cũng ê răng, nàng vội vội vàng vàng mở rương quần áo, tìm quần áo của Trương Bát nương mặc chống lạnh.

Nằm phía trên cùng là một cái váy hoa vàng và một cái quần bông trắng, khi Trương Bát nương quay về thăm nhà đã giúp nàng lấy ra, nàng nhớ tới ân tình ngày xưa cùng Trương Bát nương, trong lòng cảm động, liền lấy bộ quần áo ra, nghĩ thầm quần bông này dày hơn quần của nàng, lại mặc thêm cái váy bên ngoài hẳn sẽ ấm hơn chút.

Nàng mặc quần, cột dây eo, đột nhiên nhận ra có gì đó không thích hợp, cúi đầu nhìn nhìn, thì ra quần này bên dưới không khâu hết vào, là một cái quần yếm. Mặc dù nàng có thấy Trương Bát nương mặc quần yếm, nhưng bản thân nàng lần đầu mặc, cả người cứ mất tự nhiên, đang do dự có nên thay ra không, bỗng nghe tiếng đập cửa, giọng Trương Trọng Vi vang lên. “Tam nương tử, có ở nhà không?”.

Tiếng đập cửa rất gấp gáp, Lâm Y không kịp đổi quần, đành mặc vội váy ra bên ngoài, đứng dậy mở cửa. Trương Trọng Vi thần sắc lo lắng, thấy nàng bình an vô sự đứng trước mặt mình mới thở dài nhẹ nhõm. “Nghe nói mẹ tôi làm khó em? Em không sao chứ?”.

Trương Trọng Vi đã cao hơn nhiều, chững chạc hơn, dù chưa tròn mười bảy tuổi nhìn đã tựa mười tám mười chín, Lâm Y liếc chàng một cái, nhớ tới bên dưới váy đang mặc quần yếm, mặt bất giác đỏ bừng, vội cúi thấp đầu lí nhí. “Em không sao, anh mau về đi, coi chừng Nhị phu nhân nhìn thấy”.

Trương Trọng Vi chỉ bên trái. “Bọn họ đang ở nhà chính bàn bạc, đừng lo lắng”. Nói xong lôi trong tay áo ra một xâu tiền kẽm, đưa cho nàng. “Ở đây có năm trăm văn, em cầm dùng tạm đi, giấu cẩn thận, đừng để mẹ tôi tìm ra”.

Lâm Y cực không quen xài tiền người khác, thói quen thế cũng không tốt, nàng rụt tay ra sau lưng, lắc đầu. “Em không thiếu tiền, nhưng có một chuyện cần anh giúp”. Nàng xin Trương Trọng Vi chờ bên ngoài một chút, bản thân vào nhà lấy hộp gỗ ra. “Đây là nút thắt khi rảnh rỗi em kết được, ngày nào anh cũng vào thành đi học, không biết có thể mang đi bán được không, cửa hàng nút thắt ngay trên đường đến thư viện thôi, sẽ không chậm trễ công việc của anh đâu”.


Trương Trọng Vi mở nắp hộp, cả một hộp đầy là nút thắt, ít nhất có chục cái, ngay ở trên cùng, đỏ bừng đến chói mắt là một nút thắt hoa mai y hệt như cái chàng vẫn mang bên hông, ánh mắt chàng buồn bã, thì ra nút thắt Lâm Y tặng chàng không phải là độc nhất. Tuy hiểu Lâm Y bị kế sinh nhai bức bách, chàng vẫn thấy cổ họng khô khốc khó chịu, muốn nói mà chẳng thành lời, một lúc lâu mới nói. “Ngày mai sẽ mang đi dùm em, buổi chiều về đưa tiền cho em”.

Lâm Y vốn là người thận trọng, nhưng hôm nay bị Phương thị móc hết túi đau buồn không thôi, không hề nhận ra chàng hơi khác thường, nghe chàng đồng ý, nàng mừng rỡ. “Một nút thắt bán thấp nhất được mười văn, cao nhất mười lăm văn, bên trong hộp tổng cộng năm mươi cái —- phiền anh vậy”.

Trương Trọng Vi gật đầu, im lặng, ôm hộp gỗ lặng lẽ đi. Lâm Y nhanh chạy về phòng, cởi quần yếm ra, đổi cái quần khác kín kẽ hơn, lại lấy kim chỉ khâu cái quần kia lại. Nàng hưng trí phừng phừng tha hết rương quần áo ra, tìm toàn bộ quần yếm khâu hết một lượt, kết quả lúc đi vệ sinh mới nhận ra, váy dài ở Bắc Tống không có dây thun quần, mặc toàn bộ đi nhà xí cực kỳ bất tiện, vì thế lại nhọc công tháo ra thành quần yếm lại, đây là nói sau.

Lại nói Trương Trọng Vi cầm hộp đầy nút thắt về phòng, ngồi bên bàn học thở dài, nghĩ đến ngày mai, khắp phố lớn ngõ nhỏ sẽ có người buộc nút thắt Lâm Y tự tay làm bên hông, tâm tình chàng liền trở nên nặng nề. Chàng vuốt vuốt hoa mai toàn tâm bên hông, thầm nghĩ, nút thắt Lâm Y kết chỉ có mình chàng có quyền sử dụng, người khác, không được. Ngẫm nghĩ, chàng đột nhiên đứng dậy, bỏ hộp vào tủ khóa lại, đến cách vách tìm Trương Bá Lâm hỏi. “Đại ca, có thể mượn anh hai trăm năm mươi văn được không, tháng sau em trả”.

Trương Bá Lâm đang đọc sách, tùy tay chỉ chỉ ngăn tủ ý bảo chàng tự lấy, Trương Trọng Vi mở tủ, đếm đủ hai trăm năm mươi văn, bỏ chung với năm trăm văn của mình cho đủ bảy trăm năm mươi văn, ngày hôm sau giao cho Lâm Y, nói nút thắt nàng kết đa dạng lại đẹp, cái nào cũng bán được mười lăm văn.

Lâm Y mừng rỡ cúi người đa tạ chàng, lại lấy ra năm mươi văn, ngượng ngùng nói. “Có thể phiền anh mua giúp em ít dây thừng màu về không?”.

Trương Trọng Vi âm thầm cười khổ, nhưng vẫn nhận tiền, thay đổi khuôn mặt tươi tắn. “Đâu có gì khó, tiện đường mà thôi, chiều mai sẽ đưa cho em”.

Lâm Y mắt cười cong thành trăng rằm, lại cảm tạ không dứt, tiễn chàng đi. Trương Trọng Vi quả nhiên giữ chữ tín, ngày thứ hai tan học, vừa về đến nhà đã đưa dây thừng màu đến cho Lâm Y, thậm chí tặng nàng mấy khối điểm tâm.

Nói cũng lạ, đã nhiều ngày hai người bọn họ qua lại thường xuyên, cũng không thấy Phương thị ngăn trở, Lâm Y đang nghi ngờ thì được tin từ thím Dương : hóa ra sang năm mở khoa thi, Trương Lương lại muốn đi thi lần nữa, Trương lão thái gia đã ừ rồi, tùy thời gian xuất phát. Lâm Y nghe được che miệng cười thầm, chữ nghĩa trong bụng Trương Lương chỉ sợ chưa nhiều bằng một góc hai anh em Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi, cố tình thích đi thi, chẳng hiểu tại sao. Thím Dương một câu chọt bể thiên cơ. “Đi du sơn ngoạn thủy lại có mỹ nhân bầu bạn, chẳng phải nhiều lạc thú hơn ở nhà ư?”.

Vì chuyện đó, Phương thị và Ngân Tỷ lại gây gổ, lý do rất đơn giản : Ngân Tỷ đi cùng Trương Lương, Phương thị không đi được, thê thiếp tranh đấu gay gắt suốt ngày, ầm ĩ túi bụi. Hai bà ồn ào náo nhiệt, Lâm Y nhân cơ hội, trốn trong phòng kết nút thắt, đợi cho dùng hết dây thừng màu, lại nhờ Trương Trọng Vi cầm vào thành bán.

Trương Trọng Vi cầm hộp nút thắt thứ hai về phòng, dở khóc dở cười, tiền tháng này chàng đã sớm tiêu hết, đành phải đi mượn Trương Bá Lâm tiếp.

Nhị tiểu tử xưa nay là con người tiết kiệm, tại sao nay cứ mượn tiền hoài? Trương Bá Lâm kinh ngạc vô cùng, truy hỏi, nói không cho anh biết anh sẽ không cho mượn. Trương Trọng Vi bí quá, đành chỉ cho anh trai đống nút thắt chất đầy trong ngăn tủ, kể hết tâm tư cho anh trai nghe. Trương Bá Lâm cười lăn lộn, giễu cợt chàng một trận, mới cho chàng mượn tiền. Trương Trọng Vi đoán Lâm Y nhất định sẽ kết hộp thứ tư thứ năm nữa, bởi vậy không dám nói cho Trương Bá Lâm “Tháng sau em trả”, chỉ đỏ mặt nói. “Khi nào có tiền em sẽ trả”.

15: Tìm cách kiếm tiền


Ngắn ngủi mấy ngày, Lâm Y đã dồn đủ một xâu tiền đổi sang tiền giấy và năm trăm văn lẻ, nàng gấp tiền giấy thật nhỏ giấu trong người, năm trăm văn kia chia làm hai phần, trong đó ba trăm văn chôn vào hố đào dưới giường, hai trăm văn còn lại giấu vào bình đồng để tiêu dùng hàng ngày.

Qua mấy ngày, chợ phiên lại mở, nàng cầm tiền giấy nhờ thím Dương đi chợ phiên xả vài thước vải làm áo bông. Thím Dương đồng ý luôn miệng, đi chợ phiên mua cho nàng một tấm vải bông đỏ và một bị bông, ngay ngày hôm đó liền cắt áo, ngồi trong băng ghế nhỏ phòng bếp khâu vá.

Đã nhiều ngày, Lâm Y sống thật sự thuận lợi, nút thắt bán chạy, lập tức sẽ có đồ mới mặc, nàng ngâm nga ngồi bên cạnh bàn kết nút thắt, đầy mặt tươi cười. Có lần Trương lão thái gia gọi nàng đi, hỏi chuyện Phương thị đòi tiền nàng. Lâm Y nghĩ lúc Phương thị đoạt tiền của nàng đã nói lý do hoàn toàn chính đáng, lúc này nếu cáo trạng thì có vẻ chính nàng mới là người nhỏ nhen, vì thế chỉ nói Phương thị là muốn tốt cho nàng, thay nàng bảo quản tiền. Trương lão thái gia tuổi tác đã cao, lười nhìn sâu vào sự việc, nghe nàng nói vậy cũng tin, không gặng hỏi nữa.

Nửa tháng sau, Trương Lương chuẩn bị xong hành lý vào kinh đi thi, lúc này ông ta nghe Phương thị, không mang theo Ngân Tỷ, lẻ loi lên đường. Phương thị có được cơ hội tốt, một khắc cũng không muốn Ngân Tỷ rời khỏi tầm mắt, nơi nơi chốn chốn bắt cô ta hầu hạ, thậm chí đặt luôn một tấm nệm dưới đất trong phòng ngủ, để buổi tối Ngân Tỷ ngủ dưới đất, hầu hạ bưng trà đưa nước ban đêm.

Trương Lương không ở, Ngân Tỷ ngay cả người để tố khổ cũng không có, đừng nói gì che chở cô ta, mọi việc phải nhẫn nhục chịu đựng, khổ thân không nói nổi. Từ lúc cô ta dời tới phòng Phương thị ở, thím Nhâm thím Dương thu nhập thiếu hẳn, rất là không quen, thừa dịp xuống bếp nấu cơm, oán giận không ngừng.

Thím Dương nhét củi vào bếp, nói. “Lần trước Nhị phu nhân suýt bán Ngân di nương, Nhị lão gia còn đang trách móc đây, sao lúc này lại nghe Nhị phu nhân không mang theo Ngân di nương?”.

Thím Nhâm hung hăng bằm dao, thớt gỗ nẩy đùng đùng. “Làm gì có chuyện nghe lời Nhị phu nhân, là sợ dẫn Ngân di nương theo, gây trở ngại việc tìm Kim di nương Đồng di nương kìa”.

Thím Dương lo lắng nói. “Nhị phu nhân sẽ không thừa dịp này bán Ngân di nương chứ? Trong nhà thiếu cô ta, làm sao chúng ta kiếm tiền?”.

Thím Nhâm nói. “Cái đó thì không, Nhị lão gia trước khi đi đã nói, nếu trở về không thấy Ngân di nương yên yên ổn ổn trong nhà, sẽ bỏ Nhị phu nhân”.

Thím Dương thoáng an tâm, phủi bụi hai tay, đứng dậy ra cửa nhìn, thở dài. “Cũng không biết Nhị phu nhân khi nào mới thả Ngân di nương đây, thả cô ta ra chúng ta mới có tiền mà kiếm chứ, mà bà thì lo gì nữa, lần trước mật báo cho Ngân di nương lời nhiều tiền lắm phải không?”.

Thím Nhâm bị chọc bể bí mật, sắc mặt lập tức biến đổi, cả giận nói. “Đừng có nói hưu nói vượn”. Nói đoạn quăng dao bằm lại, đẩy ra thím Dương, về phòng.

Lâm Y ngay tại phòng để dụng cụ làm nông cách vách, nghe lời hai bà nói rành mạch, thầm nghĩ, thím Dương nhưng thật ra có ý tốt muốn bao che cho thím Nhâm, nhưng chuyện này quan hệ trọng đại, thím Nhâm làm sao nói ra dễ dàng được, có hỏi cũng là hỏi không. Thói đời là thế, không thể đối xử thành thật với nhau được, nếu làm được thì thế gian đâu có ai ấm ức khổ não nữa.

Lâm Y thở dài, dọn xong cái cuộc cuối cùng, đóng cửa về phòng tiếp tục kết nút thắt, tương lai trước sau mịt mờ như nàng thì tiêu phí thời gian vạch trần thím Nhâm còn không bằng để dành kết thêm vài cái nút thắt bán lấy tiền. Mười ngày sau, lại một hộp nút thắt đã kết xong, nàng tìm đến Trương Trọng Vi như cũ, nhờ chàng bán dùm.

Trương Trọng Vi nhận hộp gỗ, không biết trên mặt là biểu tình gì, do dự luôn mãi mới đề nghị. “Tam nương, sao em cứ kết nút thắt mãi thế, đổi làm cái khác được không?”.

Lâm Y không hiểu ý chàng, ngạc nhiên nói. “Tay nghề của em, chỉ có thứ này kiếm được tiền nhất, nếu không thì bán cái gì?”.

Trương Trọng Vi rất muốn nói nút thắt trong phòng tôi đã chồng chất như núi, tuy tôi không ngại tiếp tục “thu mua”, nhưng có thể phiền em đổi thứ khác được không… Chàng vừa nghĩ, vừa thói quen vuốt bông hoa mai toàn tâm bên hông, trong đầu đột nhiên lóe sáng. “Vật có tốt mấy, đáng giá mấy thì làm mãi dần dần cũng bán không được giá nữa, không bằng làm túi đựng tiền, túi hương và đai lưng, chắc còn bán được nhiều tiền hơn”.

Lâm Y ngượng ngùng nói. “Anh nói có lý, nhưng em không biết thêu hoa”.

Trương Trọng Vi lúc này mới nhớ tới mẹ chàng không muốn nàng khéo tay, phàm là việc con gái phải học bà sẽ không dạy, cách kết nút thắt này vẫn là Trương Bát nương vụng trộm dạy nàng. Chàng biết mình lỡ miệng, cảm thấy áy náy vô cùng, im lặng một lúc lâu, đột nhiên nói. “Em yên tâm”.

Lâm Y còn đang cân nhắc ý tứ của chàng, chàng đã giấu hộp nút thắt vào ống tay áo, xoay người đi xa.

Trương Trọng Vi về phòng, Trương Bá Lâm tiết kiệm dầu thắp đèn, đang ở trong phòng chàng mượn đèn đọc sách, nhìn thấy chàng mặt mày ủ dột ôm hộp gỗ đi vào, giật mình hỏi. “Đừng nói lại là nút thắt đó nhé?”. Anh ta bỏ sách xuống, đoạt lấy hộp mở ra, cười đến gập bụng lăn ra. “Lão Nhị ơi là lão Nhị, chú em tính mở tiệm bán nút thắt sao, ngăn tủ sắp không nhét vào nổi nữa”.

Trương Trọng Vi bị anh trai cười đến đỏ mặt, nhưng lời nên nói vẫn không lọt nửa chữ. “Anh, có còn tiền không, cho em mượn”.

Trương Bá Lâm bật người lên, vội la. “Cậu tính vẫn nhận lấy đấy à?”.

Trương Trọng Vi mở tủ, bỏ nút thắt mới vào, nói. “Dù sao em không nỡ bán”.

Trương Bá Lâm khổ khuyên. “Lão Nhị, đúng là nên giúp Lâm Tam nương, nhưng không phải cách này, cậu cứ nhận lấy nữa, tiền ở đâu ra đây?”.

Trương Trọng Vi trầm tư một lát, đột nhiên ngẩng đầu nói. “Anh nói phải, muốn nhận nút thắt của Tam nương, trước phải tìm cách kiếm tiền đã, vừa hay hai ngày thư viện cho nghỉ, em đi trong thành dạo chợ, xem có cách nào kiếm tiền hay không”.

Trương Bá Lâm bị lời này làm nghẹn, trừng mắt nhìn chàng hồi lâu, vô cùng đau đớn nói. “Đường đường là người đọc sách, là học sinh châu học, không lo nghĩ viết văn sao cho hay, chỉ lo ra ngoài kiếm tiền, thật sự xấu hổ chết người”.

Xuất phát từ sự tôn trọng huynh trưởng, Trương Trọng Vi không tranh luận, nhưng chàng không hiểu văn chương và kiếm tiền xung đột mâu thuẫn chỗ nào, đợi thư viện cho nghỉ, liền đi nói Phương thị muốn vào thành dạo. Phương thị đang vội nghĩ cách chèn ép Ngân Tỷ đây, làm gì có thời gian quản chàng, hỏi cũng chưa hỏi liền gật đầu cho đi.

Thư viện Thọ Xương nằm ngay phố núi Mi Châu, ngày nào Trương Trọng Vi cũng vào thành, nhưng mỗi lần đều vùi đầu chạy đi học, chưa từng tản bộ dạo chơi, hôm nay có mục đích trong đầu, chàng thả chậm cước bộ, vừa đi vừa đánh giá chung quanh.

Hai bên ngã tư đường, kinh doanh nhiều nhất là trà tửu điếm, tức là chỗ vừa bán trà bán rượu vừa bán cả thức ăn, một đôi đũa – một phần rượu và đồ nhắm. Có chút dân chúng tầm thường, vì kiếm vài đồng tiền trinh, chỉ cần thấy có các công tử nhà giàu đến uống rượu mua vui, sẽ chạy lại xu nịnh, sau đó chắp tay đứng thẳng hầu hạ cẩn thận, xem có chuyện gì cần người chạy một chân, hoặc đi mua đồ, hoặc đi tìm kỹ nữ, đều được thưởng chút tiền, người đương thời gọi là “Nhàn hán”. Lại có người tiến lên giúp đổi nước sôi châm rượu, ca hát mua vui, đốt hương châm thuốc, gọi là “Tư ba”.

*Nhàn hán : nhàn – rảnh rỗi, hán – đàn ông. Tư ba : nam đầy tớ.

Trương Trọng Vi tốt xấu cũng là thiếu gia, lại là người đọc sách, làm sao chịu làm việc như vậy, lắc lắc đầu tiếp tục đi về phía trước.

Có vài đứa trẻ mặc áo sam trắng, cột khăn hoa văn, ôm bình sứ đựng đồ ăn, vừa đi vừa hét quảng cáo món rau củ muối dầm của nhà mình. Nông thôn Mi Châu, nhà nào cũng biết muối dầm rau củ, nhà họ Trương cũng không ngoại lệ, Trương Trọng Vi hơi động tâm, nhưng nghĩ tới bản thân hết năm nay đã tròn mười bảy tuổi, là người lớn, ôm bình sứ chạy khắp nơi cũng không thích hợp, lại đành thôi.

Đi thêm một đoạn, ven đường có mấy người bán dược liệu, hương liệu, trái cây, vân vân, gặp người liền cứng rắn dúi hàng hóa, xong thì đòi tiền, mặc kệ người ta có muốn mua hay không, Trương Trọng Vi sợ bị chèo kéo, vội đi nhanh qua phố khác dạo.

Phố này đa số là hộ gia đình, không có bao nhiêu cửa hàng, chàng đang chuẩn bị xoay người rời đi, đột nhiên nhìn thấy trong sân một nhà, mấy cô gái đang tụm năm tụm ba đá cầu, đá trong đá ngoài, đầu gối đá bụng tiếp cầu, đỉnh đầu đỡ cầu, lò cò đá,… thân thủ vô cùng linh hoạt, quả cầu tung bay từ chỗ này sang chỗ khác, chàng đang nhìn xem thú vị, một cô phát hiện ra, đi tới đuổi chàng. “Anh là ai, đừng đứng tần ngần trước cổng nhà người khác chứ”.

Trương Trọng Vi vội thở dài. “Nhà tôi có cô em gái cũng thích đá cầu, tôi định làm tặng một cái, nhưng không biết cách, tôi thấy quả cầu các cô đá đẹp quá, không biết làm thế nào vậy?”.

Cô gái thấy chàng hỏi thay em gái, liền hào phóng đưa cho chàng xem thử, cười. “Nhà trong thành phố, làm sao làm được cái này, chúng tôi đều mua trong tiệm cả”.

Trương Trọng Vi nhận quả cầu, nhìn cẩn thận, quả cầu phần đế là một vòng tròn sắt, mặt trên có trang trí lông gà, màu sắc sặc sỡ. Đúng rồi, người thành phố đâu có nuôi gà, làm sao có lông gà làm cầu, nhưng thật ra ở nông thôn có rất nhiều.

Lâm Y kết nút thắt là vật tư, chàng không thích người khác có, nhưng quả cầu là đồ chơi, có bán cho người khác cũng có gì đâu? Trương Trọng Vi bất tri bất giác mỉm cười, cầm khư khư quả cầu quên trả, cũng là cô gái kia mất kiên nhẫn thúc giục vài câu chàng mới phục hồi tinh thần trả lại quả cầu, nói cảm ơn, đi đến ngã tư đường nhộn nhịp, vào một cửa hàng bán đồ chơi, mua một quả cầu lông gà.

Chàng tìm được cách kiếm tiền, nhưng không về nhà ngay, thầm nghĩ : mình chuẩn bị đi kiếm tiền là để cho Lâm Y dùng, nếu nói cô ấy tự làm thì còn nói làm chi nữa. Vì thế chân không ngừng nghỉ, tiếp tục đi. Mùa thu ngày ngắn đêm dài, chàng vòng vo mấy vòng, sắc trời liền vào chiều, đang định về nhà ngày mai lại đến, ven đường có vị thư sinh chuyên viết thư thuê gợi ý cho chàng. “Tôi thấy cậu cũng giống tôi, đều là văn nhân, sao không tìm quán trà nào đó bán vài trang toan văn, cũng kiếm được vài đồng dưỡng gia sống tạm”.

Trương Trọng Vi nghe anh ta nói “dưỡng gia sống tạm”, nghĩ ở nhà có Lâm Y đang chờ đợi, đột nhiên hào hứng vạn trượng, lập tức nhắm thẳng quán trà đi tới.

Cái gọi là “bán toan văn”, một là chỉ những người biết chút chữ nghĩa, trí tuệ nhạy bén, châm biếm thế thời, chế tạo tràng cười, viết vài câu văn hoặc mấy câu thơ, kiếm tiền sống tạm; hai là kỹ nghệ nhân, chuyên viết chuyện buồn cười, châm chọc giải trí lấy lòng người ta, cũng gọi là “toan văn”. Trương Trọng Vi đường đường học sinh châu học, đương nhiên là loại người thứ nhất.

*Toan văn : chữ “Toan” có nghĩa lóng là “nghèo nàn”, ý chỉ những văn nhân vì quá nghèo mà đi bán văn kiếm tiền.

16: Bán toan văn.


Giờ này sắc trời đã tối muộn, nhưng vẫn còn rất nhiều quán trà mở cửa, bên trong vọng ra tiếng người đọc sách đang kể chuyện xưa, Trương Trọng Vi đi dọc phố, lần lượt thả bước, thật đúng là tìm được một anh tú tài đang bán toan văn, chàng tiến lên nghe ngóng, biết được hiện nay bán được giá nhất không phải văn trào phúng mà là thơ đề tại chỗ, tức là người mua tùy ý cho đề mục, người bán thơ ngay tại chỗ viết, nếu viết tốt, một bài được ba mươi văn.

Trương Trọng Vi không quá vừa lòng giá tiền, nói. “Một nút thắt đã bán được mười lăm văn rồi, cả bài thơ phí cân não mà chỉ ba mươi văn, vô lý quá”.

Anh tú tài bán toan văn cười. “Cậu cho là đang làm thơ trên học đường, cân nhắc kĩ từng chữ sao? Người đến mua thơ phần lớn cả chữ cũng không biết, cậu chỉ cần đọc ngân nga tí, viết vớ vẩn tí liền xong”.

Trương Trọng Vi có chút thông suốt, nghĩ đến tài hoa của mình, thơ làm ra cũng không tính vớ vẩn gạt người, dù sao tìm không ra nghề chi thích hợp hơn nữa, không bằng cứ chọn nó đi. Chàng tạ ơn anh tú tài kia, thừa dịp ánh chiều tà chưa tắt vội vã về nhà, lùa vài ngụm cơm, liền đi tìm Lâm Y.

Lâm Y vừa tắm xong, mặc áo bông mới màu đỏ, váy hoa nhỏ của Trương Bát nương tặng, bên trong vẫn là quần yếm, khiến khuôn mặt nàng đỏ bừng, không biết do áo đỏ ánh lên mặt, hay mặt đỏ che lấp màu áo. Trương Trọng Vi thấy nàng còn đẹp hơn tranh vẽ, bất tri bất giác nhìn si ngốc. Lâm Y định dắt tay áo chàng nhắc nhở, nhưng sợ hành vi không hợp quy củ, đành ho hai tiếng, gọi chàng phục hồi tinh thần.

Trương Trọng Vi bị nàng bắt gặp bản thân nhìn thẫn thờ cũng không đỏ mặt, nghĩ rất đúng lý hợp tình : mình đang nhìn nương tử tương lai nhà mình, có gì phải xấu hổ. Chàng lấy quả cầu lông gà trong tay áo ra, đưa cho Lâm Y. “Mới mua đồ chơi, tặng cho em”.

Lâm Y nói cảm tạ, tiếp nhận nhìn xem. “Thứ này làm thật đẹp, bán chắc được tiền lắm đây”.

Trương Trọng Vi mỉm cười, không hổ là vợ mình, liếc mắt một cái đã hiểu, chàng đắc ý trong lòng, ngoài miệng lại nói. “Không cần em làm như vậy”.

Lâm Y hỏi. “Sao vậy, không đáng tiền bằng nút thắt ư? Thôi em vẫn cứ kết nút thắt vậy”.

Trương Trọng Vi sợ quá nhảy dựng, cuống quýt xua tay. “Đừng kết nút thắt nữa, đừng kết nút thắt nữa”.

Lâm Y ngạc nhiên. “Anh sao thế, em đâu biết làm gì khác, không làm mấy thứ vặt vãnh đó biết lấy gì đổi tiền đây?”.

Trương Trọng Vi ưỡn ưỡn khuôn ngực chưa rắn chắc lắm, nói. “Không cần em kiếm tiền, anh sẽ nuôi em”.

Đây là hứa hẹn? Hay là thổ lộ? Lâm Y âm thầm cân nhắc. Trương Trọng Vi thấy nàng im lặng, đinh ninh rằng nàng đồng ý, hoan hô một tiếng, chuẩn bị về phòng đọc thi tập, Lâm Y gọi chàng lại, nói. “Ý tốt của anh em nhận trong lòng, tiền anh cho em và tiền em kiếm được ý nghĩa khác nhau, giúp đỡ như vậy không tốt. Em thấy quả cầu này không tồi, vừa hay kết nút thắt cũng ngán rồi, em đổi qua làm thứ này vậy”.

Trương Trọng Vi nghe nàng nói vậy, có chút thất vọng, nhưng dù gì làm quả cầu cũng tốt hơn kết nút thắt, chàng âm thầm an ủi bản thân một phen, nói. “Làm quả cầu cần tiền xu sắt, ngày mai anh mang một ít đến cho em”. Chàng sợ Lâm Y lại cự tuyệt tiếp, cố nói thật nhanh rồi bỏ chạy về phòng.

Trương Bá Lâm đang ở trong phòng chàng mượn đèn đọc sách, thấy chàng chạy như gió vào nhà, kinh hãi. “Cậu lại mang nút thắt về đó hả?”.

Trương Trọng Vi lắc đầu, kể chuyện bán toan văn cho anh trai nghe, nói rằng đó là một nghề kiếm tiền khá. Trương Bá Lâm vốn phản đối chàng đi kiếm tiền, nhưng nghe chàng kể xong còn hưng trí hơn cả chàng, gõ bút xuống bàn đánh ‘cách’, vui vẻ nói. “Kiếm tiền thật ra chỉ là phụ, mua bán như vậy là dịp tốt để thể hiện tài năng, ngày mai anh đi với cậu nữa”.

Trương Trọng Vi cũng cao hứng, cười. “Rất tốt, hai anh em chúng ta đi xem ai kiếm được nhiều tiền hơn”.

Trương Bá Lâm khinh thường bĩu môi. “Người đọc sách chớ suốt ngày ngậm chữ tiền bên miệng, coi chừng dính đầy hơi tiền trên người”.

Trương Trọng Vi cả giận. “Anh không thiếu tiền đương nhiên nói dễ dàng, có bản lĩnh ngày mai kiếm được bao nhiêu đều cho em hết đi”.

Trương Bá Lâm hào phóng phất tay. “Ngày mai anh viết thơ, cậu lấy tiền, được chưa?”.


Hai người đùa giỡn một trận, cùng ngồi xuống bàn, lấy thi tập ngày thường hay đọc lại đọc một lần, còn sửa sang mấy bài thơ từng viết cho đẹp đẽ, đến lúc đó mong là có thể bán được tiền.

Ngày hôm sau, hai anh em dậy thật sớm, thông báo Phương thị, ngay cả đồ ăn sáng cũng không ăn, tùy tiện cầm theo củ khoai luộc chạy đi. Lúc bọn họ vào thành vừa đẹp là khi các quán trà mở cửa buôn bán, vì Trương Trọng Vi đã tìm hiểu qua, nên rất nhanh bọn họ đã tìm được một nơi hay có các “toan tú tài” lui tới bán văn, đi vào chiếm chỗ, chuẩn bị rao hàng.

Không ngờ mới hô rao vài câu, người hầu trà liền lau mồ hôi tìm đến, thở dài. “Hai vị tiểu quan nhân, làm gì có ai bán toan văn như hai người”.

Hai người cùng hỏi. “Có quy định sao?”.

Người hầu trà cười. “Lúc tôi châm trà cho khách, tiện đường giúp hai vị hỏi một câu, chẳng phải tốt hơn rao ầm ĩ phá phong cảnh như hai vị đang làm ư?”.

Trương Trọng Vi thấy như vậy càng tốt, thương lượng với Trương Bá Lâm vài câu, đồng ý. Người hầu trà thấy có thể kiếm thêm khoản thu nhập, phá lệ cố gắng, không bao lâu đã mời chào cho bọn họ một mối làm ăn.

Hai anh em ngẩng đầu lên, vị khách là một người đàn ông trung niên, đầu đội khăn mạo cao và ngay ngắn, mặc áo sam dài, nhìn cũng là cách ăn mặc của văn nhân. Cả hai không dám chậm trễ, vội mời ông ấy ngồi đối diện, gọi người hầu trà dâng trà, hỏi. “Quan nhân họ chi? Mua văn hay mua thơ?”.

Ông ta đáp. “Tôi họ Lí, không biết hai vị có thể lấy chữ ‘lãng’ làm đầu, chữ ‘hồng’ làm cuối, viết một bài tuyệt cú được chăng?”.

Đề mục này có chút khó, Trương Trọng Vi sở trường là viết văn, thơ từ hơi kém chút, cúi đầu khổ nghĩ. Trương Bá Lâm ở ngâm thơ có năng lực hơn, trầm ngâm một lát liền đề bút, chấm mực, viết xuống một bài thơ, rằng :

Nhất giang thu thủy tẩm hàn không,

Ngư địch vô đoan lộng vãn phong.

Vạn lý ba tâm thùy chiết đắc?

Tịch dương ảnh lý toái tàn hồng.

Tạm dịch thơ :

Một bầu thu thủy lạnh trống không,

Tiếng địch ai thổi gió lồng sông.

Nỡ đan tâm bẻ ngàn dặm sóng?

Ảnh trời chiều nhuộm đỏ ráng hồng.

Người đàn ông họ Lí đọc bài thơ, vỗ tay lớn tiếng trầm trồ khen ngợi, dẫn tới vô số người vây xem, đều tán thưởng Trương Bá Lâm tài năng nhanh nhạy. Trương Bá Lâm có chút tự đắc, chắp hai tay đa tạ, khiêm tốn vài câu. Trương Trọng Vi cũng tự hào vì anh trai, nhưng không quên lấy tiền, khách khách khí khí đòi Lí quan nhân ba mươi văn tiền công.

Lí quan nhân cười. “Bài thơ hay như vậy, sao chỉ đáng ba mươi văn?”. Ông ta lật lật xấp thơ trên bàn, chọn những bài ngày thường Trương Bá Lâm hay làm, rung đùi đắc ý ngâm vài câu, gấp phẳng phiu bỏ vào ống tay áo, tiện đường lấy ra một tờ giấy đưa cho Trương Bá Lâm, nói. “Có rảnh đến tìm tôi”.

Trương Bá Lâm cúi đầu đọc, thì ra là tờ danh thiếp, trên viết : “Nhã Châu Lí Giản Phu”. Anh ta mờ mịt ngẩng đầu. “Lí Giản Phu là ai vậy?”.

Trương Trọng Vi lắc đầu, bực mình. “Không biết, nhưng hồi nãy ông ta chưa trả tiền”.

Trương Bá Lâm nghe chàng nói vậy, ngó trái ngó phải, hóa ra Lí Giản Phu đã đi rồi. Chung quanh có người xì xào. “Nghe nói vị quan nhân vừa rồi đã làm tới thái thú, ông ấy để lại danh thiếp, hai người có thể đi tìm ông ấy, nói không chừng lại mưu hoa được tiền đồ tốt đây”.

Về chuyện tiền đồ, hai anh em Trương Bá Lâm Trương Trọng Vi nhưng lại giống nhau, thật sự thanh cao, nghe nói Lí Giản Phu như vậy nên mất hứng, Trương Trọng Vi tùy tiện nhét danh thiếp vào tay áo, tiếp tục bán toan văn, thề muốn bù đắp ba mươi văn tổn thất ban nãy.

Bọn họ ngồi trong quán trà cho đến khi mặt trời xuống núi, tổng cộng làm hai bài thơ, bán một bài văn cũ, được tám mươi văn. Trương Trọng Vi đếm tiền, nhụt chí nói. “Còn không bằng Tam nương tử kết nút thắt”.

Trương Bá Lâm bất mãn chàng tâm tâm niệm niệm tiền, giáo huấn vài câu, lôi kéo chàng đi quán trà uống nước, tám mươi văn trôi mất hai mươi văn. Trương Trọng Vi về đến nhà, đưa số tiền còn lại cho Lâm Y, tiền ít, chàng ngượng không nói là tiền “dưỡng gia sống tạm”, chỉ nói cho nàng vốn làm quả cầu.

Lâm Y nghe nói đây là tiền chàng bán toan văn, vui sướng vô cùng, nhưng vẫn không nhận, nói. “Em vẫn còn nhiều tiền, đủ dùng, anh giỏi làm thơ, sao không ngâm một bài tặng em?”.

Trương Trọng Vi đỏ mặt. “Anh năng lực làm thơ hữu hạn, gạt người còn được, tặng em sợ không làm ra”. Nghĩ nghĩ, lại nói. “Anh tự thấy bản thân vẽ tranh không tồi, không bằng vẽ một bức tặng em?”.

Lâm Y hiểu người đọc sách như bọn họ đều biết hết cầm kỳ thi họa, cười nói. “Vậy đi”.

Trương Trọng Vi hưng phấn phi thường, đây là lần đầu Lâm Y đòi chàng tặng quà, lại là tranh vẽ, chàng cẩn thận hỏi Lâm Y muốn tranh như thế nào, xong nói câu “Anh về mài mực” liền chạy vội đi.

Lâm Y nhìn chàng về phòng, cũng vào trong nhà, nghiên cứu kĩ quả cầu lông gà, quả cầu cũng đơn giản thôi, thậm chí nàng không cần tháo nó ra cũng biết cách : dùng một miếng vải gói đồng xu sắt, cuốn vải dư lên, thêm vài cọng lông gà cột vào vải dư, là thành quả cầu lông gà. Cách làm thì không khó, nhưng lông gà kiếm đâu ra? Nếu muốn bán lấy tiền, dùng lông gà trống là đẹp nhất, nhà họ Trương thật ra có nuôi gà, nhưng cũng không thể vì làm quả cầu mà giết đi, huống chi Lâm Y không có cái quyền đó.

Nàng suy nghĩ một phen, đứng dậy đi phòng bếp phụ thím Dương, vừa thái rau vừa hỏi. “Thím Dương à, cháu muốn mấy cọng lông gà, đi chỗ nào tìm đây?”.

Thím Dương ngạc nhiên. “Lấy lông gà làm chi?”.

Lâm Y đáp. “Làm quả cầu đá đá”.

Thím Dương cười nói. “Nhưng kể ra cháu cũng chọn đúng lúc đấy”.

Thì ra mấy ngày nữa là đến ngày thu xã, tập tục Bắc Tống, tới ngày hôm đó con gái phải về nhà mẹ đẻ, Phương thị vì nghênh đón Trương Bát nương, sớm đã lên tiếng sai người làm thịt mấy con gà béo sau nhà, nấu một bàn tiệc ngon.

*Ngày thu xã : Ngày ngay sau tiết lập thu.

Lông gà có, lại được gặp Trương Bát nương, Lâm Y mừng thầm, giúp thím Dương nhóm lửa nấu cơm, bận đông bận tây, chỉ chờ ngày thu xã tới.

Trước ngày thu xã, Trương Trọng Vi tặng tranh đến, nói là quà tặng ngày thu xã, Lâm Y nhận nhìn xem, trong tranh là nàng, áo bông đỏ, váy hoa nhỏ, đứng bồi hồi trước rừng trúc, đầu vai gác hững hờ cây quạt vẽ hình chim phượng. Nàng mở to hai mắt nhìn vào rừng trúc, trong rừng dường như có ai đang ẩn nấp, chỉ lộ ra một góc ống tay áo, nàng vội hỏi. “Còn ai trong tranh vậy?”.

Trương Trọng Vi trộm liếc nàng một cái, không đáp. Lâm Y truy hỏi, chàng liền đỏ mặt, lại hỏi, chàng xoay người chạy đi. Lâm Y thấy chàng như thế cũng không ngạc nhiên, ngược lại cầm tranh cười trộm không thôi —- ống tay áo của người trong tranh, rõ ràng giống áo chàng mặc trên người như đúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro