Cuộc sống và bình yên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông lão mon men bên bờ sông, tay cầm chiếc vợt dài đã cũ cố gắng từng chút một vớt đám nilông đang bập bùng trôi giữa dòng. Ông cứ đi đến đâu là lũ trẻ con lại chạy tán loạn đến đấy. Một phần vì sợ cái hình dạng của ông, một phần vì tò mò cái công việc ông đang làm. Lũ trẻ sợ không dám lại gần ông nhưng đứa nào đứa ấy đều dõi mắt theo từng hành động của ông không bỏ xót lấy một chi tiết. Sáng sớm hôm nao cũng vậy, ông thường đi dọc bờ sông thu nhặt rác thải đến tận lúc mặt đất nhận tia nắng đầu tiên ông mới trở về. Có lẽ thế mà từ khi ông chuyển đến sống ở nơi đây, không khí xung quanh con sông trong lành hơn hẳn và mọi người cũng vì thế mà ngại nên ít vứt rác xuống đấy nữa. Từ đó mà ông còn có thêm một tên gọi mới: “Ông lão Rác”.

Ông lão đã chuyển đến đây được gần 3 tháng rồi nhưng không ai biết nhiều về ông cả. Thỉnh thoảng có vài người nói ông là cựu chiến sĩ từng tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận. Cũng không ai biết ông từ đâu chuyển đến, chỉ biết bây giờ ông đang thuê sống trong một ngôi nhà cũ, phía sâu trong một xóm nhỏ vắng người. Người ta bảo ông lạnh lùng và ít nói chuyện với mọi người. Phần lớn cũng là do khuôn mặt ông khiến bất cứ ai nhìn lần đầu cũng thấy sợ. Khuôn mặt ông chằng chịt những vết sẹo lớn nhỏ, ngang dọc trên trán, phía khóe mắt, ở hai gò má và ngay cả trên sống mũi cũng có. Những vết sẹo trắng càng hằn lên rõ hơn trên màu da sạm đi do nắng cháy. Ông lão còn khó khăn hơn với những bước đi khập khoạng được dồn hết lực lên bàn chân phải. Nhưng cũng  không vì thế mà ông ngại ra ngoài và tiếp xúc với mọi người. Ông thường mặc những chiếc áo lính cũ tuy bạc phếch nhưng phẳng nếp – chiếc áo của thời gian, của mưa gió, của một cuộc đời từng trải. Điều đặc biệt là ông lão có một đôi mắt sáng và nụ cười rất đẹp. Nhưng hiếm ai có thể bắt gặp được nụ cười đó của ông. Khi ông cười, những nếp nhăn chen lấn vết sẹo, xô đẩy nhau lan ra khắp khuôn mặt nhưng nụ cười đó hiền từ và phúc hậu vô cùng....

        Người ta dễ dàng bắt gặp ông hay đi dọc bờ sông lúc chiều tà, cũng có khi là đi khắp con đường làng vụn bở đất và sỏi đá như đang tìm kiếm một điều bất ngờ gì đó. Có lúc lại thấy ông cặm cụi bên luống rau và cái vườn hoa bé tẹo trồng toàn hướng dương 3 tháng nay ông chăm sóc. Thỉnh thoảng ai đó cũng nghe thấy tiếng cười, tiềng nói hiếm hoi của ông: “ Bác cao tay quá!” khi hạ ván cờ tướng cùng ông Sáu bán nước chè đầu làng. Nhưng dù thế nào đi nữa, đối với người dân nơi đây, ông vẫn là một người lạ, một người bí ẩn, thậm chí còn có người dặn con mình đề phòng, tránh xa ông. Nhưng An lại lại nghĩ khác. Là hàng xóm của ông, cô bé hiểu hơn ai hết ông tốt bụng, nhân hậu, hiền từ và đáng kính biết chừng nào – đó là sự cảm nhận bằng tâm hồn chứ không phải qua cái nhìn bề ngoài của đôi mắt.

.............

        Căn nhà lụp xụp chưa từng một lần sửa sang. Nhiều mảng vữa bên ngoài đã tách hẳn ra khỏi tường rơi xuống vỡ nát trên nền đất, để lại trên đó những cái hố loang nổ. Mấy vết nứt to, nhỏ đủ cả chạy dọc theo từng khe gạch, có khi đâm thẳng xuống tận chân tường. Bên trong nhà, cái nền đất bê bết, bám đầy bụi. Có những chỗ đất sủi lên, lồi lõm như nền đường làng. Sâu trong góc nhà, phía dưới cái cửa sổ không có song là hai cái giường nhỏ được kê gần nhau nghe rõ tiếng mọt kót két. Cái chiếu được chắp vá đến thảm hại. Ngay gần đó là chiếc bàn gỗ để giữa nhà bị méo sệch sang một bên, phải được chống bằng một thanh gỗ nhỏ để giữ thăng bằng. Phía dưới là mấy cái ghế làm bằng gỗ thừa xếp lộn xộn. Ở một bên phía cuối nhà có để một bát hương và vài bức ảnh thờ được đặt ngay ngắn trên cái tủ nhỏ nhưng lạnh lẽo và phủ đầy tàn nhang. Căn nhà được thắp sáng bằng ánh nến nhỏ đặt ở giữa nhà. Ánh nến chập chờn đưa theo từng cơn gió, khó khăn hắt lên từng tia sáng nhẹ len lỏi đến từng góc nhà. Ngoài trời, cây cối xào xạc, đưa từng thân cây gầy guộc đâm thẳng nên cao. Thỉnh thoảng, những chiếc lá loáng thoáng rụng nghe rõ tiếng tách nhẹ trên mặt đất cằn cỗi đầy vết chân chim như đã lâu lắm rồi chưa từng ai chăm sóc, đến cỏ cũng khó mọc lên nổi. Cái không khí nghèo bao chùm lên cả ngôi nhà nơi An sống... Mẹ An mất khi cô bé vừa trào đời. Tiếng khóc đầu tiên của An để đón chào cuộc sống mới cũng là tiếng khóc đưa tiễn mẹ. Lên 3 tuổi, sau 3 năm ngắn ngủi tận hưởng ánh sáng mặt trời, cuối cùng cuộc sống đã đẩy cô bé vào bóng tối vĩnh viễn vì căn bệnh sởi di căn lên mắt. Làm việc ngày đêm, từ bốc vác đến phụ vữa, bảo vệ rồi công nhân công trường,... bố An dốc hết sức, thậm chí cầm cố cả những đồ vật có thể bán được để chữa lành đôi mắt cho cô bé nhưng vô vọng. Một mình gà trống nuôi đứa con tàn tật, ngày làm gấp đôi, gấp ba lần người bình thường nhưng bố An chưa từng một lần than thân trách phận. Cuộc sống đã để lại cho cô bé một người cha tuyệt vời sau khi cướp đi gần như tất cả những gì quý giá nhất trong đôi bàn tay mỏng manh của cô bé. Nhưng như thế cũng đủ để cô bé sống vui vẻ, hạnh phúc qua từng ngày dài đến vô tận. Mọi người thương cô bé, nhưng ai cũng nghĩ An là sao chổi, là đứa trẻ xui xẻo. Có lẽ cũng vì lí do đó mà mấy nhà xung quanh chuyển dần đi hết. Căn nhà đã trống trải nay lại càng vắng tiếng người hơn.

       Và ông lão chuyển tới! Sự xuất hiện của ông lão như mang nắng đến cho cái bóng tối đã bao chùm kín tâm hồn cô bé gần 10 năm qua. Từ khi biết chuyện về cô bé, suốt 3 tháng qua, ngày nào ông cũng sang chơi nhà cô bé. Quà mà ông lão mang theo đơn giản chỉ là 1 cái kẹo mút nhỏ, 1 túm bỏng hay có khi là vài quả cam chua. Nhưng đối với An chúng ngọt ngào đến lạ và đặc biệt hơn, món quà quý giá nhất từ ông là những câu chuyện mà ông kể, những câu chuyện của thế giới xung quanh kia, nơi mà cô bé ước ao được bơi lội, vùng vẫy và tự mình chiêm nghiệm.

        Mỗi ngày trôi qua, cô bé được ông lão dẫn đi phiêu lưu qua từng vùng miền xa lạ. Trong những câu chuyện ông kể, An thấy mình đứng trên những ngọn núi cao vời vợi, nghe được tiếng gió hát bên tai và cả tiếng mây trôi nhẹ trên nền trời xanh biếc. Có hôm, cô bé được lên vùng cao nguyên rộng lớn, nô đùa cùng các bạn nhỏ dân tộc bên đống lửa bập bùng cháy, ngọn lửa rực rỡ cháy cả vào trong tim và tâm hồn cô bé. Rồi cô bé thấy mình đang lênh đênh trên sóng biển, bơi cùng cá đại dương, nằm ngủ trên đám san hô rực rỡ sắc màu và chạy trên mặt cát mềm như lụa. Có những hôm ông kể chuyện về Bác Hồ, chuyện về chiến khu, chuyện về chiến trường đầy bom đạn, sự hi sinh, nỗi đau, mất mát và cả niềm vui chiến thắng sau hàng chục năm chiến đấu trường kì. An còn thấy quê mình đang thay đổi, thấy cuộc sống những người dân quê chân lấm tay bùn, chuyện của bác Hoa bán thịt ở chợ, chuyện của ông Sáu bán nước đầu làng, bà Ba bán hàng dong khắp xóm và anh Phong vượt khó thi đỗ đại học,... Ngần ấy câu chuyện thôi vẫn chưa đủ để làm giảm hứng thú của cô bé khi nói chuyện với ông. Đôi lúc, An mường tượng lên trong suy nghĩ mình hình ảnh của ông. Chắc ông sẽ cao lớn, tóc bạc phơ, mặt hiền từ như ông Bụt nhưng ông sẽ không có râu và luôn luôn xuất hiện chứ không phải đợi đến khi cô bé khóc. Nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, giọng ông lại càng khàn đi, yếu dần mà An không biết lí do....

        Nhưng hôm nay ông không dẫn An đến những chân trời mới nữa, cũng không phải những câu chuyện về bác Hoa, ông Sáu hay bà Ba... mà ông kể câu chuyện của ông – một câu chuyện buồn! An không nhớ rõ từng câu ông nói nhưng cô bé biết ông cũng từng chịu những mất mát còn lớn hơn những gì cô bé đã từng trải qua. An thương ông mất gia đình chỉ trong một tiếng nổ. An thương những vết sẹo hằn in lên khuôn mặt ông do bọn giặc để lại khi ông bị bắt đày trong nhà tù Côn Đảo. An thương cả vết thương sâu hoắm nơi viên đạn đi qua bên bàn chân trái của ông. An khâm phục ông biết chừng nào. Câu chuyện của ông càng thôi thúc, là niềm tin của cô bé vào cuộc sống, tương lai và hạnh phúc…

        Trời đã về cuối thu, không khí lại man mác buồn. Gió thổi nhẹ, mặt đất se se lạnh. Gió mươn man chạy dọc thân cây gạo già phía cuối con sông làng rồi sà thẳng xuống mặt nước lác đác có vài cánh bèo trôi. Thấp thỏm trên sông là mấy chiếc túi nilông đang lững lờ trôi, có chiếc vắt vẻo trên một cành cây mềm gần bờ, xõa xuống mặt nước, có chiếc còn cố vương vấn vào bờ như chờ đợi một điều gì đó... Nhưng người ta ít thấy ông lão Rác mon men đi dọc bờ sông nữa. Hiếm nhìn thấy ông khập khoạng dạo bước trên con đường làng hay ngồi chơi cờ, đánh tổ tôm cùng ông Sáu, những lúc ấy, người ta chỉ thấy bước chân ông ngày một chậm chạp và yếu dần. Họa chăng cũng có người còn thấy ông vẫn hay ngồi cặm cụi bên cái vườn hoa hướng đang chớm ra những nụ non đầu tiên rất lạ.

        Trưa hôm ấy, khi bố An đi làm về, ông lão mệt nhọc nhấc từng bước vội vã chạy sang, tay cầm bức thư bác trưởng thôn gửi cho anh hồi sáng. Ông lão thều thào nói:

-         Bác ấy vừa mới đến nhưng anh chưa đi làm về nên sang gửi tôi. Bác ấy dặn anh đọc xong rồi sớm lên huyện làm thủ tục gì đó.

        Nhận lấy bức thư từ đôi bàn tay chai sạm, run rẩy của ông lão, anh ngậpngừng đáp lại lòng nhiệt tình của ông:

-         có việc gì thì ông cứ gọi cháu sang, chứ để ông mất công sang tận nhà cháu thế này, cháu ngại lắm...

        Anh cảm ơn ông lão, lúng túng bóc ngay bức thư ra đọc. Anh ngồi đọc đi đọc lại tờ giấy photo đó không biết bao nhiêu lần, rồi lặng đi suy nghĩ đến tận chiều. Tờ giấy báo của bệnh viện về việc phẫu thuật mắt miễn phí cho cô bé nhưng phải tìm được đôi mắt thay thế. Tia hi vọng mong manh mang lại ánh sáng cho đứa con tội nghiệp lại le lói lên trong trong lòng người cha tần tảo. Nghe xong tin đó, ông lão cũng vui lắm. Ông cười – một nụ cười hiếm hoi, rạng rỡ và phúc hậu vô cùng khiến anh phần nào bớt đi nỗi canh cánh trong lòng. Ngay chiều hôm ấy, bố An lại lóc cóc đạp chiếc xe đã tàn tạ hết mức lên tận viện huyện làm thủ tục đăng kí. Ca phẫu thuật sẽ được tiến hành ngay khi có người hiến tặng mắt. Nhưng chắc đó sẽ là cả một thời gian dài đợi chờ, và cũng có thể lại là vô vọng.

..................................

        Một tuần sau, bệnh viện gửi giấy báo về... ngay ngày hôm đó, An làm thủ tục nhập viện và bắt đầu vào phòng mổ. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ rất thành công. Như một giấc mơ vỡ òa trong cảm xúc, An lại nhìn được những sắc màu rạng rỡ của cuộc sống, của một cuộc đời tươi đẹp đang chờ đợi phía trước sau gần 10 năm quên đi mất mình từng có một đôi mắt để ngắm nhìn ánh nắng mặt trời. Đôi mắt mới của cô bé phát ra một thứ ánh sáng rất lạ, đầy niềm tin, nhiệt huyết nhưng lại rất quen thuộc.... Những ngày sau đó, cảm xúc trong mọi người lại đổ dồn về người hảo tâm hiến tặng đôi mắt cho con gái anh, nhưng các bác sĩ giấu tên người đã hiến đôi mắt theo yêu cầu. Họ chỉ nói rằng đó là một người đàn ông không có gia đình và đang mắc căn bệnh ung thư tim giai đoạn cuối. Có lẽ trong giây phút hạnh phúc của hai bố con An, người đàn ông đó có thể xa rời cuộc sống này bất cứ lúc nào mà không ai biết...

        Trở về cái ngôi nhà lụp xụp của mình nhưng lần này thì khác, An nhìn thấy rõ cánh cửa gỗ mục nát, thấy mái nhà đen ngòm màu nắng nhưng ngôi nhà thật đẹp và ấm áp biết chưng nào. Đó là nơi mang đến cả thế giới cho cuộc đời bé nhỏ của cô bé. Và An muốn chạy ngay sang nhìn ngắm thật kĩ hình dáng của ông lão hàng xóm chứ không phải tưởng tượng nữa. Nhưng ông lão cũng đã chuyển đi rồi. Chỉ thấy vườn hoa hướng dương của ông nở trái mùa rất đẹp, vươn mình mạnh mẽ trong gió, đâm thẳng lên mặt trời.....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#đqh