một

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuốn sổ màu xanh

Tôi được nghỉ ngơi. Bà Mamaki Briila rất hài lòng. Tôi đã làm việc cật lực suốt buổi sáng nên khi tôi nói với bà là tôi mệt quá, bà mỉm cười: “Nghỉ ngơi đi, bé con Batuk. Hôm nay sẽ là một ngày phát đạt”. Thật ra, tôi không mệt mỏi gì lắm.

Tôi tên là Batuk. Năm nay 15 tuổi, tôi có một cái ổ tại Đường Chung ở Mumbai. Tôi đã ở đây 6 năm và được ban tặng một nhan sắc xinh đẹp cùng một cây bút chì. Nhan sắc của tôi là do trời cho, còn cây bút chì thì trước kia bà Mamaki Briila, bà chủ của tôi, thường giắt trên tai.

Hai đêm trước, tôi thấy cây bút chì của bà Mamaki bị rơi xuống đất. Lúc đó tôi vừa mới “làm bánh” xong và bà ta lăng xăng đến cái ổ của tôi với một nụ cười rộng hoác. Bà cúi xuống, véo má tôi và hôn lên đầu tôi. Khi bà nghiêng người xuống, bộ ngực đồ sộ của bà như muốn đập vào mặt tôi và tôi có thể nhìn thấy những giọt mồ hôi lấp loáng trên đó. Bà cũng có mùi như chúng tôi, nhưng tệ hơn.

Bà phải đưa tay chống lưng và lảo đảo một chút thì mới đứng dậy được. Bộ ngực của bà đung đưa như những con thú con đang bám vào cổ bà nhảy múa. Bà rút cây bút chì sau tai và kéo ra một cuốn sổ tay nhỏ màu vàng từ nếp áo trong của bộ áo sari (hoặc có thể từ nếp da của bà không chừng). Khi mở cuốn sổ ra, bà nhìn xuống tôi và nở một nụ cười làm giãn rộng gương mặt đỏ như một cục gạch khô nhúng nước. Bà ghi chép gì đó vào cuốn sổ với những cái vẫy bay bướm của bàn tay múp míp. Bà ngọt ngào nói: “Bé con Batuk, ta rất mến con. Ta tưởng tối nay con sẽ làm cho ta thất vọng nhưng con đã khiến ta yêu mến con chỉ trong một giờ”. Tôi nghĩ hẳn bà sắp sửa nhắc nhở tôi về sự tử tế ngàn lần của bà, nhưng bà bị cắt ngang bởi một tiếng thét của Puneet.
Puneet là bạn thân nhất của tôi và có một cái ổ nằm cách tôi hai gian. Puneet hiếm khi kêu la, không như Công chúa Meera, cô nàng than khóc liên tục mỗi lần “làm bánh”. Puneet chỉ rên khi buộc phải rên và tiếng thét mà anh thốt ra vào lúc đó có thể khiến đá vỡ đôi. Đó là một tiếng thét chói tai và duy nhất, không phải của sự đau đớn thể xác, vì Puneet không cảm thấy đau đớn, mà là sự kinh hoàng. Bà Mamaki cũng biết điều đó. Puneet có giá trị hơn tất cả chúng tôi vì anh là con trai.

Tiếng thét của Puneet xé toang màn đêm yên tĩnh của con đường và nụ cười biến mất khỏi gương mặt bà Mamaki như một đồng xu rơi xuống đất. Bà quay đôi mông to như mông bò vào mặt tôi và chạy vụt ra khỏi cái ổ của tôi. Thật ấn tượng khi một sinh vật như bà có thể di chuyển với tốc độ nhanh đến thế. Khi bà chạy đi, chiếc đuôi áo sari bay phần phật khiến tôi nhớ đến những tấm nhựa mà người ta dùng để che chắn cây trồng dưới ánh nắng mặt trời mùa hè. Đó là lúc cây bút chì rớt khỏi tai bà Mamaki, vành tai bóng nhẫy bởi một nhãn hiệu kem xoa người đặc biệt.

Bà Mamaki không biết cây bút chì đã rớt xuống sàn cái ổ của tôi, nảy lên vài lần rồi nằm im. Tôi búng người khỏi giường và gieo mình lên nó. Cây bút chì là của tôi, trời ban cho tôi.
Tôi ngồi trên vật thể nhỏ bé đó, im lặng và bất động. Đầu óc tôi lan man nhớ về những ngày xưa khi còn là một cô bé nhỏ ở Dreepah-Jil, ngôi làng quê hương tôi. Tôi có thể ngồi trên một hòn đá hàng giờ dưới ánh mặt trời, giữa cái nóng ban trưa, và tưởng tượng mình đang tan chảy vào đá. Cuối cùng thì giữa những hòn đá hoặc qua những ngọn cỏ sẽ có một con thằn lằn nhỏ xuất hiện. Với những cử động nhanh thận trọng, nó sẽ nhìn quanh. Khi thấy không có gì động đậy, nó sẽ cảm thấy an toàn. Khi đó nó sẽ thoải mái nằm phơi nắng dưới hòn đá của tôi hoặc có khi ngay trên hòn đá mà tôi đang ngồi. Tôi cũng sẽ không cử động, ngay cả khi nó nằm sát bên tôi. Tôi sẽ kiểm soát hơi thở của mình và tan chảy sâu thẳm vào hòn đá cho đến khi tôi cũng trở thành một hòn đá. Tôi dùng suy nghĩ của mình để kiểm soát suy nghĩ của con thằn lằn. Tôi sẽ dịu dàng nói với con thằn lằn từ không trung: “Thoải mái nào, thằn lằn bé nhỏ, rồi mi sẽ là của ta”.

Bạn có thể nhìn lên trời và thấy một hạt mưa đang nhắm thẳng vào bạn. Bạn nhìn nó, bạn biết nó đang rơi nhanh hơn, và bạn biết nó sẽ trúng vào bạn, nhưng bạn không thể thoát khỏi nó. Con thằn lằn cũng vậy. Khi tôi búng người đến con thằn lằn, chúng tôi có thể nhìn vào mắt nhau trong một thoáng. Sau đó tôi sẽ ngồi lên nó, đôi khi mạnh đến mức có thể giết chết nó; nhưng nếu thế thì đó là số phận của con thằn lằn. Và bây giờ, khi ngồi trên sàn đá trong cái ổ của mình, tôi biết cây bút chì sẽ là của tôi, bởi vì đó là số phận của nó.
Tôi bò dậy, leo lên chiếc ngai vàng của mình, nằm sấp với cây bút chì dưới bụng, và chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy, cây bút chì vẫn còn đó nhưng nó đã ấm lên bởi những giấc mơ của tôi. Nhìn ra lối vào cái ổ của mình, đôi mắt tôi nhấp nháy trước ánh nắng đầu ngày. Tôi biết mẩu bút chì nhỏ này không đủ để viết lại cuộc đời mình, nhưng nó đủ để bắt đầu.

Khoảng thời gian nghỉ ngơi và cơn mệt giả tạo gần như đã trôi qua. Một lát nữa tôi sẽ giấu cây bút chì vào vết rách mà tôi đã xé trên cái nệm. Hôm nay khi tôi nằm “làm bánh”, tôi sẽ cảm nhận được nó hằn dưới lưng mình và biết rằng nó vẫn còn ở đó.
                            ****

Hẳn bạn cũng nghe được tiếng thét của bà Mamaki đêm đó khi bà chạy đến chỗPuneet với tốc độ của một viên đạn. Tiếng thét của bà gần như to bằng tiếng thét của Puneet. Tiếng thét của Puneet là do sự kinh hoàng, còn tiếng thét của bà Mamaki thì gây ra kinh hoàng. Có hai người hầu đang thể hiện lòng tôn kính với Hoàng tử Puneet khi cuộc bạo động nổ ra, một thông lệ hoàn toàn chấp nhận được đối với bà Mamaki, miễn là món quà cho hoàng tử phải tương xứng. Trong trường hợp này, món quà ít quan trọng hơn, bởi vì hai “người hầu” này là hai quan chức cảnh sát cấp cao. Mặc dù họ còn đang mới dạo đầu (tôi nghe bà Mamaki chúc phúc hai người khách khi họ đến), nhưng mọi việc đã vượt quá giới hạn. Puneet bị xé toạc bởi một cây gậy cảnh sát.

Bà Mamaki xô hai vị cảnh sát ra ngoài đường một cách thô bạo khiến họ té ngồi xuống đường. Từ cái ổ của mình nhìn ra, tôi thấy họ đứng dậy, phủi bụi trên bộ đồng phục nâu, cười to như những người anh em rồi thong thả đi vào màn đêm. Một trong hai người có một cây gậy cảnh sát đu đưa trên cổ tay. Puneet té nằm dưới đất, máu liên tục chảy nhỏ giọt - như thể mặt đất cũng muốn hút máu của anh.

Hãy tha lỗi cho tôi nếu bạn cảm thấy tôi quá kịch tính hóa sự việc. Đó không chỉ vì tôi rất yêu mến Puneet mà vì tôi còn có một thiên hướng kịch nghệ. Mẹ luôn la mắng tôi chuyện này, có lẽ vì những trò đóng kịch của tôi khiến cha thích thú. Mỗi khi gia đình quây quần là tôi bắt đầu diễn trò. Tôi bắt chước Navrang, một người điên trong làng, hay bắt chước chú Vishal (mà tôi thường gọi là “Chú V”), một ông chú mập ú hay ngủ gục vào chén súp. Mẹ thường lắc đầu cằn nhằn trong khi cha cười ngặt nghẽo đến chảy nước mắt. Tôi luôn có tài trong những trò đó.

Như một phần thưởng cho trò diễn của tôi, cha ôm tôi vào lòng, và nếu tôi năn nỉ thì cha sẽ kể cho tôi nghe câu chuyện về con báo có đôi mắt bạc. Mỗi lần kể là mỗi lần cha thêm thắt những chi tiết khác nhau và câu chuyện có thể kéo dài hàng giờ, tùy theo cha có mệt không hay tôi có buồn ngủ chưa.

Tôi thích câu chuyện đó. Mỗi buổi tối, tôi thường giả vờ ngủ khi mẹ bước qua căn phòng ngủ mà tôi và các anh em đang nằm chen chúc. Nếu tôi vẫn còn thức khi cha trở về từ cánh đồng hay từ người đàn bà có mùi oải hương, tôi chạy ra, lao vào lòng cha và năn nỉ cha kể chuyện. “Tối nay không được, Batuk”, cha nói thế khi tôi cuộn tròn trong lòng cha, cảm nhận sự rung động của bờ ngực khi cha cất tiếng. Nhưng khoảng hai mươi phút sau, khi đánh răng xong, chắc chắn cha sẽ nhượng bộ và bắt đầu kể chuyện trong tiếng reo hớn hở của tôi. Bạn thấy không, tôi luôn luôn là con báo có đôi mắt bạc của cha.

Puneet bị ốm nhưng bà Mamaki nói anh đang bình phục. Giữa hai lượt “làm bánh”, tôi gọi với sang cái ổ của anh và anh gọi lại trả lời. Ban đầu, bà Hà Mã (cái tên mà chúng tôi bí mật đặt cho bà Mamaki) cấm chúng tôi gọi qua gọi lại như thế trong giờ làm việc, nhưng sau đó bà nhận ra điều đó giúp Puneet lên tinh thần rất nhiều và giờ thì bà cho phép.

Puneet vẫn chưa sẵn sàng làm bánh với chúng tôi. Nếu Puneet bị thương nặng đến mức không thể làm việc, hoặc nếu anh chết, ai sẽ ở đó nói chuyện với tôi? Có lẽ đó là một suy nghĩ ích .
                              ****

Tôi chỉ được nghỉ một chút. Ông Tai Mềm chỉ làm một cái bánh nhỏ nhất với tôi. Tôi khó có thể nói mình đã mệt được.

Tôi viết bằng bút chì. Bạn sẽ hỏi tôi chuốt bút chì như thế nào? Tôi sẽ mỉm cười. Không phải một nụ cười tự hào kiêu hãnh mà là một nụ cười ranh mãnh. Tôi chuốt bút chì bằng những mưu kế của mình.

Cách cái ổ của tôi hai con đường là Đường Kẻ Trộm. Ở đây bạn có thể mua mọi thứ từ một chiếc máy bay cho đến một chiếc áo khoác tàng hình - đó là những gì người ta thường nói. Tôi biết một anh bạn đẩy xe cút kít vận chuyển hàng cho Đường Kẻ Trộm tên là Bandu. Bandu, anh bạn đẩy xe cút kít, đi qua cái ổ của tôi ít nhất hai lần một ngày. Tôi biết khi nào anh đến bởi vì bánh xe cút kít làm bằng thép và nó phát ra những tiếng động kinh khủng đến mức tôi có thể nghe được từ rất xa. Vào sáng sớm, khi anh đi qua, chiếc xe đầy ắp những thứ đồ linh tinh, và buổi chiều khi anh quay về, chiếc thùng gỗ gần như trống rỗng. Cũng có những lúc anh phải đi thêm vài chuyến hàng, có lẽ cho những lần giao hàng đặc biệt.

Bandu khoảng cùng độ tuổi với tôi và bề ngoài cũng khá điển trai. Càng ngày trông anh càng cao to và nam tính hơn. Đôi mắt to tròn của anh nhìn chằm chặp vào tôi mỗi ngày và trăm lần như một, ngó lơ chỗ khác khi tôi nhìn lại. Tôi nghĩ có lẽ anh muốn ngủ với tôi trong mỗi giấc mơ.

Khi cây bút chì bị cùn, tôi, một cô gái ranh mãnh, bắt đầu mỉm cười lả lơi với anh. Tôi nghiêng đầu và chu môi. Khi tôi gài bẫy anh - như với con thằn lằn - cái nhìn của anh nán lại lâu hơn và có khi anh còn dám nhìn vào mắt tôi vài giây. Thỉnh thoảng, tia nhìn của anh thập thò như chiếc lưỡi con thằn lằn, rơi xuống đùi hay xuống bộ ngực nhỏ của tôi. Tôi ngồi trong cái ổ của mình như tôi đã ngồi trên hòn đá nhiều năm về trước, chờ đợi anh bạn đẩy xe cút kít đến nằm dưới cái bóng của mình. Anh bắt đầu chậm lại khi đến gần cái ổ của tôi, và vài ngày sau, anh lí nhí với tôi điều gì đó theo một cách mà những người đàn ông nhút nhát thường làm.

Sau ba ngày thậm thụt và với sự bối rối giả tạo, tôi vẫy tay ra hiệu anh đến gần. Cửa phòng tôi bị khóa cho đến khi bà Hà Mã ăn sáng xong nên tôi chỉ có thể cúi xuống nhìn anh qua cánh cửa khóa và nói: “Tôi tên là Batuk. Tôi rất cần anh giúp đỡ”. Tôi ngừng lại một chút và mỉm cười: “Anh có thể cho tôi một cái chuốt bút chì được không?”

      Tôi hơi bực bội vì mãi hai ngày sau anh mới đem cái chuốt bút chì đến. Khi anh quay lại đã khá trễ, sau bữa trà thứ ba của bà Hà Mã, với cái chuốt bút chì trong bàn tay chai sạn, tôi mỉm cười sung sướng như thể vừa được tặng một viên hồng ngọc. Sau đó tôi hôn anh. Lúc đó giữa chúng tôi không có cái cửa nào cả. Tôi chỉ định hôn nhẹ lên má anh vì tôi nghĩ anh xứng đáng như vậy thôi, nhưng thay vì thế, tôi hôn thẳng lên môi anh. Tôi đưa lưỡi tìm kiếm cái lưỡi của anh, nhưng nó rụt lại như một con chó co rúm sợ bị đánh. Khi anh bắt đầu rụt rè chạm lưỡi vào lưỡi tôi, tôi xô anh ra bằng cả hai tay. Khoảng thời gian trao đổi lời cảm ơn chỉ diễn ra vài giây, nhưng tôi biết anh sẽ nhớ cái hôn của tôi suốt cả ngày. Tôi biết nỗi khao khát sẽ ám ảnh anh còn lâu hơn thế nữa.

Tôi không biết tại sao mình cư xử một cách đáng hổ thẹn như thế, nhưng tôi đã có cái chuốt bút chì, và tôi không bao giờ nói chuyện hay nhìn đến Bandu, anh bạn đẩy xe cút kít, một lần nào nữa.
                              ****

Hôm qua bác sĩ lại đến thăm Puneet rồi ra về chỉ sau 10 phút. Có lẽ đó là do mùi hôi của bà Mamaki và cũng có thể vì bà Mamaki chỉ trả cho ông 25 xu tiền khám. Dù vậy, vị bác sĩ này rất thường đến đây, Công chúa Meera là lựa chọn đầu tiên của ông mỗi khi bà Mamaki cần thanh toán hóa đơn.

Bác sĩ mang đến một tin tốt. Chỉ mới 4 ngày sau chuyến viếng thăm của hai viên cảnh sát và giờ thì anh đã không còn nguy hiểm nữa. Vào giờ nghỉ, tôi đứng tựa cửa gọi với qua Puneet như tôi vẫn thường làm, vì biết rằng anh không phải làm việc. Anh gọi lại, trả lời rằng mình đang hồi phục. Anh không nói là mình rất khỏe, vì tôi biết anh sợ bà Hà Mã nghe được trong khi anh đang muốn kéo dài thời gian nghỉ ngơi càng lâu càng tốt.

Không lâu nữa Puneet sẽ trưởng thành và tôi có thể nhìn thấy điều đó qua cơ thể anh. Đôi vai anh bắt đầu rộng ra với các cơ bắp hiện rõ hơn. Bắp đùi anh cũng lớn hơn và bờ ngực bắt đầu có vài sợi lông. Thỉnh thoảng giọng anh cũng vỡ khàn hơn. Dù chúng tôi hay đùa giỡn với nhau về chuyện này nhưng cả hai đều biết điều đó có nghĩa là gì. Không lâu nữa sẽ có quyết định về Puneet, mà anh không phải là người quyết định.

Nếu quyết định cắt cái đó của Puneet, họ sẽ tiến hành sớm thôi. (Tôi nghĩ khi nào có bác sĩ ở đây, họ sẽ làm rất nhanh). Nếu anh được phép trở thành đàn ông, họ sẽ cần phải huấn luyện anh theo một phong cách mới. Có thể khi trở thành đàn ông, anh sẽ trở nên đẹp trai hơn, nhưng cũng có khả năng anh sẽ trở nên xấu đi và khi đó anh sẽ bị đuổi. Tôi thích họ cắt cái đó của Puneet bây giờ hơn, như thế lúc nào anh cũng xinh trai và anh sẽ luôn ở đây với tôi. Không ai có thể khiến tôi cười ngặt nghẽo như Puneet.

Bất chấp những gì xảy ra, đôi mắt của Puneet vẫn không thay đổi. Nhìn vào mắt anh, tôi thấy một nụ cười ngạo nghễ và sự nhạo báng với cái ổ của chính mình, với bà Hà Mã và với cả Đường Chung. Nhìn sâu hơn, tôi thấy sự khinh bỉ với những người ngưỡng mộ anh và một thoáng tia lửa của quỷ dữ. Nhìn sâu hơn nữa, tôi thấy một giếng nước mát lạnh không đáy - tình yêu.
                        ****
Cái ổ của tôi là một ổ vàng.

Hãy tưởng tượng tôi rạng rỡ trong một ánh sáng trắng. Ánh sáng này, nếu có thể nhặt bỏ vào chai đem phân tích, bạn sẽ thấy nó bao gồm một hỗn hợp tất cả màu sắc cùng với tiếng cười và niềm vui. Khi cầm cái chai, nhìn vào nó, bạn sẽ thấy tay mình ấm lên và bạn sẽ cảm nhận được sự dịu dàng của tôi. Nếu bạn mở nút chai đổ nhanh vào miệng, bạn sẽ không bao giờ đói bụng nữa mà thay vì thế, bạn sẽ thấy mình bốc lửa và tỏa sáng. Gương mặt tôi hội tụ những tia sáng rực rỡ xua đuổi mọi bóng tối, đó là cách tôi thắp sáng cái ổ của mình. Cái ổ của tôi rực rỡ vì ánh sáng của tôi, và cũng bởi vì không có một ánh sáng nào khác cả.

Cái ổ của tôi, như tôi vẫn gọi, là căn phòng nơi tôi đặt ngai vàng. Với tất cả những kẽ nứt và những vết lồi lõm bên trong, hình dáng bên ngoài của nó rất đơn giản - một hình chữ nhật. Đá và một cánh cổng xanh, thế là hết.

Khi nhìn những tạo vật xung quanh mình, tôi không bao giờ có thể hiểu được vì sao cha lại cho phép tôi đến đây. Với tất cả những câu chuyện của cha, với tất cả những tràng cười hoang dại của cha (có khi tôi nghĩ cha cười đến mức té xuống đất), và với tất cả những sự bảo đảm của cha rằng một định mệnh tốt đẹp sẽ chào đón tôi, sao cha lại để con báo có đôi mắt bạc của cha hạ cánh xuống đây, nằm trên bệ đá hy sinh này?

Nhưng lúc này điều đó không còn quan trọng nữa. Hãy nhìn những bức tường trong căn phòng đặt ngai vàng của tôi, bạn sẽ thấy những lá vàng dát trên từng viên gạch. Ở mỗi viên gạch xám, lớp gạch nền của Đường Chung, bạn sẽ thấy những tia vàng lấp lánh trong ánh sáng của tôi. Nếu nhìn kỹ những lá vàng trên tường, bạn sẽ thấy những đường chạm trổ phức tạp nhất. Những người thợ thủ công đã mô tả cuộc đời tôi với từng chi tiết. Nhìn kìa! Bên phải tôi là bức chạm trổ hình những người anh em khỏe mạnh của tôi (ngoại trừ Navaj, người em kế lớn hơn tôi 1 tuổi, bị khuyết tật từ khi mới sinh). Bên trái tôi, phía gần trần nhà, bạn có thể nhìn thấy gia đình tôi đang ngồi, khoác những chiếc áo choàng trong Lễ hội Mùa xuân. Nhìn lên mái - chỗ này này, tôi đang bơi ở gần bờ sông khi còn là một đứa bé 6 tuổi chưa biết mắc cỡ. Còn đây là ông tôi - tôi không nhớ nhiều về ông, ngoại trừ ông khá ốm. Xung quanh tôi, những hình ảnh chạm khắc trên những lá vàng trên tường, là những bức chân dung. Những hình ảnh phức tạp ấy khắc họa trọn vẹn cuộc đời phức tạp của tôi, ngoại trừ sự nô lệ.

Ngai vàng của tôi được đặt phía trong cùng sát tường. Những kẻ ngớ ngẩn bảo rằng lẽ ra tôi nên có một chiếc ngai bằng vàng khảm ngọc trai với những chân giường bằng ngà, và họ hỏi tại sao tôi lại chọn một khúc gỗ Daruka đơn giản. Khúc gỗ này đã một ngàn năm tuổi, từng chứng kiến nhiều thành phố được xây dựng nguy nga rồi tàn lụi. Khúc gỗ này có thể thì thầm kể lại câu chuyện của những chiến binh, những bậc thầy vĩ đại và các hoàng tử khi bạn hỏi nó. Gỗ Daruka chắc và nặng, nhưng hãy nhớ rằng nó vẫn có thể bị hủy hoại chỉ trong một trận đấu, cũng như cuộc đời của hàng ngàn con người và hàng triệu ký ức có thể biến mất trong một giây.

Phía sau ngai vàng của tôi là một con báo có đôi mắt bạc, chạm khắc bằng ngà nguyên chất. Bộ lông trắng của nó lấp lánh bụi kim cương. Đôi mắt con báo long lanh như những đồng bạc sáng bóng.

Đàn ông từ khắp mọi vương quốc đến đây tôn thờ tôi, và từ ngai vàng của mình, tôi ban phát quyền lực cho họ. Bạn đi qua ngưỡng cửa, tôi chào đón bạn, nhưng cuối cùng thì chính ngai vàng của tôi mới là thứ mà bạn muốn leo lên.

Ngai vàng của tôi đơn giản nhưng được trang hoàng tráng lệ. Cái nệm dài được nhồi lông của một trăm con phượng hoàng, nâng cao đôi cánh trong trắng của tuổi trẻ. Những chiếc lông được gom về từ một vùng đất xa xôi mà thậm chí tôi không biết tên. Cái bao nệm được dệt tay bởi những em bé Kashmir nhỏ nhất, vừa dệt vừa vui cười, vì chúng biết rằng sản phẩm của chúng sẽ được tôi nằm lên. Khi dệt nệm dưới ánh sáng mặt trời, các em đã nhốt những tia nắng vào giữa các sợi vải khiến cái nệm rực rỡ màu cam vàng của ánh nắng cuối ngày. Trên nệm có những hoa văn được thêu bằng chỉ nhuộm màu máu xanh dương của một loài sinh vật bí ẩn dưới biển sâu; những hình họa cổ xưa mang những thông điệp toán học với những ý nghĩa bí mật dành cho những người am hiểu. Tôi không hiểu bởi vì đơn giản tôi chỉ là một người làm bánh.

Bạn thấy đó, tôi nằm trên giường với tuổi trẻ bất diệt, và những người nằm với tôi cũng sẽ được thưởng thức tuổi trẻ. Đó không phải là cái giường của cuộc sống vĩnh hằng, vì cuộc sống của tôi chỉ vĩnh hằng sau khi tôi chết.

Thỉnh thoảng tôi giả vờ loạn trí, nó đơn giản như một bản năng. Khi tôi còn bé, mẹ thường mắng tôi gay gắt vì những lỗi lầm nhỏ nhất: “Con lấy sữa của em phải không?”, “Tại sao con không lau sạch như mẹ bảo?”, “Cái khăn quàng mà con mượn của chị đâu rồi?”. Tôi chỉ nhìn chằm chằm vào mẹ mỗi khi bị mắng. Tôi nhìn vào mắt mẹ, nhìn xoáy vào mắt mẹ, và nhìn vào một khoảng trống mà tôi biết đã khiến cha cảm thấy cô đơn. Sự im lặng với đôi mắt chằm chằm của tôi khiến mẹ trở nên điên tiết. Khi đó mẹ sẽ hét to hơn, hơi thở gấp rút hơn, vã mồ hôi nhiều hơn, và trước mặt tôi, mẹ trở nên tồi tệ hơn. Tất cả là vì tôi đã nhìn mẹ với chính con người mẹ.

Thường thì mẹ sẽ đánh tôi vì tôi quá lì lợm. Bàn tay đỏ của mẹ tát vào mặt tôi với một sức mạnh gãy cổ. Trước khi rú lên vì đau, tôi sẽ cố gắng kìm lại tiếng khóc vì tôi muốn rèn luyện khả năng chịu đựng bên trong bản thân. Giờ thì những cú đánh không còn xuất phát từ bàn tay nhuộm đỏ lá móng của mẹ nữa, mà từ sức nặng của những chiếc hông đàn ông đập vào hông tôi. Mẹ đã huấn luyện tôi rất tốt, nên bây giờ tôi thực sự có thể sống với chính mình.

Không, tôi không bị loạn trí. Trong một giây, tôi thực sự tin rằng mình nằm mỗi ngày trên một ổ vàng với những người hầu và thức ăn béo kem. Căn phòng của tôi, với những chấn song bằng thép, có kích thước của một phòng vệ sinh. Đó cũng là ngôi nhà của tôi. Bê-tông xám ngày và đêm, những bức tường không bao giờ thay đổi. Bụi từ từ dày lên ở mỗi khe nứt. Khi đàn ông “làm bánh” trên người tôi, cái đệm mỏng đến mức tôi có thể cảm thấy những chiếc kẹp giấy của cuốn sổ cấn vào lưng mình. Lý do duy nhất tôi được cho ăn là để ngực tôi nở ra, mông tròn hơn và gây nhiều ham muốn hơn với những người đem đến cái ăn cho tôi.

Tôi không bị loạn trí, vì tôi biết đàn ông sẽ bỏ ra 100 rupee để cho cái của họ lên mặt hoặc lên chân tôi, hay 200 rupee để cho vào cái miệng thỏ của tôi.

Tôi không bị loạn trí. Tôi không thực sự thấy vàng trên trần nhà khi nhìn lên và cũng không ngửi thấy mùi nước hoa trong không khí. Tôi cũng không ngửi thấy mùi mỡ ôi trong căn phòng hay trên giường mình vì tôi đã quen với nó rồi. Tuy nhiên, tôi thực sự ngửi thấy mùi đàn ông. Không ai đến với tôi mà hoàn toàn sạch sẽ. Ở một số người, tôi ngửi thấy mùi nấu nướng của vợ họ, và ở một số người khác là mùi nước hoa. Ở một số người, tôi còn có thể nếm được vị son môi của ai đó đã đặt lên môi họ vài giờ hoặc vài phút trước tôi.

Tôi thường hay thắc mắc. Tôi không hiểu tại sao ngày luôn tiếp nối đêm trong khi mọi thứ khác có nhiều thay đổi, và cũng không hiểu tại sao vẻ đẹp lại rất đa dạng chứ không giống nhau. Tôi nghĩ hẳn phải có những quyền năng nào đó vượt quá sự hiểu biết của tôi. Nhưng đó không phải là ảo tưởng mà cũng không phải sự điên rồ.
Tôi không bị loạn trí, nhưng có rất nhiều ngày tháng mà tôi ước gì có thể quay trở lại.

                             ******

Tôi đến Mumbai với cha. Một tuần trước khi chúng tôi đi, trong nhà có một sự im lặng đáng sợ và tôi biết có điều gì đó xảy ra. Cha mẹ tôi không cãi nhau bao giờ, và không có mùi nước hoa trên bộ đồ làm việc đẫm mồ hôi của cha. Tôi cũng biết rằng mình có liên quan gì đó tới sự yên lặng này, vì mẹ tỏ ra ân cần với tôi hơn bình thường. Cha thì khác, có một cảm giác buồn lạ lùng giữa hai cha con mà sau này tôi mới nhận ra đó là nỗi ân hận.

Giờ thì tôi là một chuyên gia về nỗi ân hận của đàn ông. Sự ân hận không tuân theo quy luật của tiền bạc. Những người chồng, cha, con trai, linh mục, thầy giáo, bác sĩ, thương nhân, nhân viên ngân hàng, kẻ trộm, chính khách... tất cả đều có những nỗi ân hận. Kể từ ngày cha bộc lộ cho tôi thấy nỗi ân hận của ông, tôi có thể nhận ra nó ở tất cả những người đàn ông tôi gặp. Khi một nông dân trồng đậu cần bảo vệ mùa màng khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt, họ che chắn chúng bằng những tấm vải nhựa trắng; mặc dù hứng nắng gió và gần như trong suốt nhưng nó có độ bền rất cao. Toàn bộ cánh đồng được che phủ bằng loại vật liệu này, trông như những cánh buồm khổng lồ. Những cánh buồm trắng lất phất không ngăn cản ánh nắng chiếu vào cho cây trồng lớn lên nhưng có thể giảm bớt cường độ ánh sáng mặt trời. Điều đó cũng đúng đối với nỗi ân hận. Nó là một tấm màn làm giảm nhẹ những cảm giác ray rứt của con người trong thực tế. Chúng ta không thể hoàn toàn tránh được cái nóng của ánh sáng, nhưng chúng ta có thể giấu mình dưới tấm màn để cảm thấy được xoa dịu hơn.

Chúng ta khoác lên người hết lớp áo này đến lớp áo khác, nỗi ân hận, sự giả dối, sự độc ác, sự kiêu hãnh. Cha tôi, một tuần trước khi đưa tôi đến Mumbai, cha đã ẩn mình trong nỗi ân hận.

Tôi chỉ biết mình sẽ đến Mumbai khi tham dự bữa tiệc chia tay của chính mình. Không giống như một bữa tiệc sinh nhật, nó giống một buổi họp mặt của những người đầy ưu tư. Không ai biết phải làm gì hay nói gì, và tôi cũng không được tặng món quà nào. Mọi người ở đó, ngoại trừ tôi, đều biết rằng tôi sắp ra đi. Khi những chiếc bánh ngọt được chuyền tay và những chén súp đậu được húp cạn, chúng tôi không hề bị đốt cháy dưới ánh nắng buổi chiều, vì tất cả mọi người đều được che chắn bởi một lớp màn ân hận rất dày.

Mọi người đều nói tạm biệt với tôi. Các anh, các chị tôi đều khóc, và cậu em trai nhỏ Avijit bật lên nức nở. Khi cố gắng tìm hiểu chuyện gì xảy ra, tôi nghĩ có lẽ mình bị bệnh. Tôi tưởng mình sẽ chết vì một căn bệnh gì đó mà không ai dám nói với tôi.

Khi mẹ giải thích rằng cha sẽ đưa tôi đến Mumbai, tôi nghĩ có lẽ mình cần đến đó khám bệnh, dù bình thường chúng tôi hay đến Bhopal khi có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tôi kết luận rằng mình đang bị bệnh gì đó vào giai đoạn cuối. Khi đó thì mọi việc đều có lý: bữa tiệc, nước mắt, sự tử tế của mẹ và sự ảm đạm của cha. Tôi bắt đầu sợ, đó là một điều bất thường với tôi bởi vì tôi là con báo có đôi mắt bạc và chưa biết sợ bao giờ.

Chuyến đi đến Mumbai đòi hỏi một chặng đi bộ khá dài và sau đó là lần đầu tiên tôi được đi xe buýt - chỉ có hai cha con. Tôi nắm tay cha, tán gẫu với cha về bữa tiệc và cười khúc khích về Chú V lại một lần nữa ngủ gục khi đang ăn. Khi đi đến con đường chính, tóc tôi ướt đẫm mồ hôi và đầy bụi, tay tôi không còn nắm tay cha nữa. Trong khi chờ xe buýt, hai cha con chỉ nói với nhau vài câu. Chúng tôi ngồi dưới bóng mát của một cái cây lớn mà có lẽ cả đời nó đã bỏ ra để chờ xe buýt.

Cha ngồi tựa lưng vào gốc cây, hai bàn chân to xù xì choãi xuống lớp cát màu đỏ nâu. Cha nhìn xa xăm nơi những cánh đồng trải rộng với những chiếc áo khoác trắng bay phấp phới. Những cánh đồng điểm xuyết vài rặng cây, có khi chỉ là một cây to đứng lẻ loi và có khi là hai, ba cây nhỏ chụm lại thành một bụi. Trời nóng hừng hực và bầu trời màu xanh xám. Sau mười giây nhìn cha ngồi gập người im lặng, tôi bắt đầu mở bọc đồ ăn mà mẹ cho đem theo. Bên trong cái bọc được gói bằng vải màu xanh đỏ là những món đồ ăn đầy hấp dẫn. Mắt tôi mở to; trong bọc có bánh mì ngọt, bánh mì tròn, tương ớt và nước sốt (tất cả là những thứ còn thừa sau bữa tiệc). Ngon nhất là những cái bánh bột rắc đường, bánh ngọt trắng với những xoáy kem màu xanh lá bên trong, và những viên kẹo đỏ với lớp tinh thể đường lấp lánh bên ngoài. Mỗi món đều được gói cẩn thận và có thể dễ dàng mở ra.

“Batuk”, cha tôi lầm bầm, “nếu con ăn hết mọi thứ bây giờ thì con sẽ không còn gì cho cả chuyến đi nữa”.

“Mmm...”, tôi bắt đầu nhai. Chiếc bánh ngọt trắng với những xoáy kem màu xanh lá quả là ngon tuyệt. “Cha, tại sao mình phải đi Mumbai... con bị bệnh hay sao?”

“Không, Batuk”, cha nói bằng một giọng bực bội, “Tại sao con nghĩ vậy? Con không bị bệnh”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi ngồi im lặng vài phút nữa rồi tôi lại hỏi tiếp.

“Vậy tại sao mình phải đi đến đó? Mình sẽ ở đâu?”

“Batuk, rồi con sẽ biết”, cha trả lời cộc lốc và tỏ vẻ cáu kỉnh hơn, “Giờ thì im lặng đi và đừng ăn nữa. Xe buýt sắp tới rồi”.

Tôi im lặng không hỏi cha nữa.

Tôi quyết định đứng dậy nói chuyện với cái cây. Tôi hỏi cái cây:

“Cây ơi, tại sao cây lại ở đây chờ xe buýt suốt cả cuộc đời mà khi xe đến thì lại không lên xe?”

Ban đầu cái cây im lặng, sau đó nó thô lỗ đáp: “Cô không nghe cha cô nói à? Im lặng chờ xe buýt đi”. Ngừng một lúc, sau đó cái cây nhận ra tôi rút lui và để nó lại một mình. Nó hắng giọng: “Batuk, tôi có thể kể cho cô nghe cảm giác như thế nào khi chờ đợi xe buýt suốt đời... nhưng cô bé ạ, tôi khát nước lắm và không thể nói được”.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi reo lên: “Đợi đã!”. Tôi chạy đến gói đồ, chụp bịch nước, quay lại cái cây và tưới nước vào gốc cây.

“Batuk!”, cha tôi hét lên, “Con đang làm cái quái gì vậy! Dừng lại! Dừng lại!”.

“Nhưng cha ơi, cái cây khát nước lắm, giọng nó khàn cả rồi”, tôi trả lời.
Cha nhìn tôi trừng trừng và gương mặt ông bắt đầu đỏ lên. Dường như ông sắp mắng tôi một trận nhưng lại dằn xuống.

“Đến đây nào, con quỷ nhỏ!”, cha gọi tôi, giang rộng hai cánh tay. Tôi chạy ào đến nhảy vào lòng cha. Bộ quần áo đi làm của cha đã mỏng tanh sau hàng triệu lần giặt và tôi có thể ngửi thấy mùi nấu nướng của mẹ trên đó. Trong vòng tay cha, tôi cảm thấy mình tan ra và hòa vào người cha, vì tôi chính là của cha. Cha là cha tôi, cha đang đưa tôi, con báo có đôi mắt bạc của cha, trên đường đến Mumbai. Giữa không trung, dưới bóng cây, tôi nhắm mắt lại. Tôi nhận ra nỗi ưu tư của mọi người khi tôi ra đi chỉ vì họ muốn được như tôi lúc này, nằm trong vòng tay cha khi chờ xe buýt.

Cái cây nhìn cha con tôi ngồi ôm nhau. Cái cây nói: “Batuk, sao cô không đến đây với tôi? Tôi có thể dạy cô tất cả những điều bí ẩn trên thế giới. Những chiếc lá của tôi có thể nghe được những tiếng nói, tiếng cười, tiếng khóc của mọi sinh vật sống. Rễ cây của tôi uống nước trên cả trái đất này. Lớp vỏ cây của tôi vẽ bản đồ mở cửa tất cả mọi bí mật kiến thức. Hạt giống của tôi được gieo từ một cây mẹ trên Thiên đường và tôi biết cả tình yêu hoàn hảo. Đến đây, Batuk, hãy rời cha cô, đến đây và tan chảy vào tôi”.

“Nhưng cây ơi”, tôi nói với cái cây, “cây biết tất cả mọi thứ cần biết, thế nhưng cây vẫn đứng đây chờ xe buýt mà không bao giờ lên xe. Sứ mệnh của cây là gì?”

“Sứ mệnh của tôi”, cái cây đáp, “là đem lại bóng mát cho cô”.

Tôi suy nghĩ về câu trả lời này mãi một lúc lâu, đến khi cha ngủ gục. Tôi ngọ ngoậy rời khỏi vòng tay cha, chạy đến cái cây và mân mê lớp vỏ sần sùi của nó. Tất cả những gì tôi thấy được chỉ là những con côn trùng bé nhỏ đang bò trên những kẽ nứt. Một số con dường như đang bò có mục đích hẳn hoi, còn những con khác có vẻ chỉ lang thang đây đó, nhưng tất cả chỉ là những con côn trùng nhốn nháo quanh một cái cây lớn.

Tôi nói với cái cây: “Tôi không thể ở lại với cây được. Tôi phải theo cha lên xe buýt đi Mumbai”.

Tôi thấy một đám mây bụi từ chiếc xe buýt đang đến. “Cha ơi, cha ơi, xe buýt kìa!”. Cha tôi choàng dậy, vội vã thu dọn đồ đạc khi chiếc xe buýt đang từ từ đến gần.

“Tôi còn một điều nữa muốn nói với cô, Batuk”, cái cây bảo tôi, giọng không có gì ác ý.

“Điều gì thế?”, tôi hỏi.

Cái cây trả lời bằng một giọng nhẹ nhàng đến mức bạn phải tập trung cao độ mới có thể nghe được tiếng nói qua những tán lá: “Tất cả thế giới này, Batuk, được tạo ra để dành cho cô, không một ai khác”.

Khi quay lại cha, tôi thấy những giọt nước mà tôi tưới lên rễ cây nay đã bốc hơi lên mặt cha tôi, và đọng lại trên mi mắt của ông.

                             *****

Trước đó tôi chưa từng được đi xe buýt. Tài xế là một người đàn ông mập nhất thế giới, mập hơn cả Chú V. Ông mặc một chiếc áo sơmi xanh nhạt phanh ngực. Ngực ông lớn hơn cả ngực mẹ và có những mảng tàn nhang lốm đốm. Ông như bị chèn vào chiếc ghế tài xế và bạn có thể thấy những cái lò xo bị nén chặt đến mức không bật lên nổi. Chiếc ghế từng được bọc bằng nhựa vinyl đỏ nhưng giờ thì nó mòn vẹt vá víu đến mức những thứ nhồi bên trong lòi hẳn ra ngoài như mủ ứa ra từ một vết thương. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người tài xế có thể xoay cái bánh lái, vì cái bụng bự của ông đè lên cái bánh lái nhựa trắng chặt đến mức hằn cả da thịt.

Khi chúng tôi leo lên những bậc thang xe buýt, người tài xế quay cái đầu khổng lồ lại và quát lên: “Hai người đang làm cái gì thế hả? Nếu muốn lên thì lên nhanh, còn nếu muốn chết giẫm ở đó thì cút khỏi chiếc xe của tôi”. Khi ông nói, hai má ông rung lên, phập phồng như thể có hai cái bánh mì tròn dán dưới mi mắt. “À chúng ta có gì đây hả?”, ông hỏi khi nhìn thấy tôi đang líu ríu chạy theo cha. Tôi để ý thấy chỉ có mắt trái ông động đậy. Ông gầm gừ: “Nhóc chuột, mày tên gì?”. Ông đã không cạo râu nhiều ngày và tôi dám chắc có thể nhìn thấy nước sốt dính trên cái cằm lởm chởm của ông.

Tôi đáp: “Cháu tên là Batuk”.

“Batuk nhóc chuột, cái tên gì ngố thế hả? Cái đuôi của mày đâu?”, ông ta cười ha hả với câu đùa vô duyên. Ông quay sang cha tôi: “Mày trông như một kẻ bần tiện - Tao chắc mày muốn ngồi trên mui... nếu con nhóc chuột này té xuống khi xe quẹo thì sẽ đổ máu đấy, nhưng đừng có đến khóc với tao nhé”.

Cha đếm tiền trong khi người tài xế nhìn tôi từ trên xuống dưới. Sau đó ông ta cong đôi môi xám ngoét và hỏi: “Mày nghĩ mày có bám chặt được không, nhóc chuột Patook?”. Tôi nhìn xuống sàn và nói: “Chắc chắn ông không thể quăng cháu xuống đất nếu ông muốn. Cái xe nát này không chạy nhanh lắm đâu”. (Nếu mẹ ở đây hẳn bà đã tát tôi một cái). Người tài xế xoay ghế lại, đó hẳn là một kỳ công vì ông bị chèn rất chặt vào ghế. Thoáng qua đầu tôi một suy nghĩ lạ lùng, người tài xế hẳn không thể rời khỏi chiếc ghế này suốt một thời gian dài vì ông ta thực sự là một phần của chiếc xe buýt, cũng giống như cái ống khói cũ nát. Suy nghĩ đó bị cắt ngang khi ông ta gầm lên: “Mày nói cái quái gì thế hả?”.

Khi ông ta gầm lên, toàn bộ chiếc xe run lên bần bật. Ông nhìn quanh các hành khách đang ngồi rải rác, hầu hết mọi người đều tảng lờ nhìn nơi khác. “Thưa các quý bà và quý ông, những hành khách danh dự nhất của IBC, hôm nay, các ngài đang chứng kiến một tình huống thú vị. Nhóc chuột Patook không tin là tôi có thể đánh văng cô ta khỏi xe... Tất cả những gì tôi có thể nói là cô ta nên chuẩn bị tinh thần đi bộ đến Mumbai. Khi có một con chuột trong xe thì chắc chắn tôi sẽ tống nó ra ngoài”. Ông ta cười to, tôi có thể ngửi thấy mùi cà-ri mà ông ta đã ăn từ lâu lắm. Một vài hành khách nông dân huýt sáo và vỗ tay. Nhưng cha tôi lên tiếng, một người đàn ông thấp nhỏ, ốm yếu đứng trước một con trâu mộng khổng lồ. Cha nói bằng một giọng vừa đủ nghe với một tốc độ chậm rãi. “Thưa ông”, cha bắt đầu, và bạn có thể cảm thấy những cái cây cũng đang lắng nghe ngoài cửa sổ. Sau mỗi từ rời khỏi môi cha, tôi cảm thấy càng nghi ngờ hơn. Cha nói: “Ông hoàn toàn có thể lái chiếc xe buýt này một cách liều lĩnh đến mức gây nguy hiểm cho cuộc sống của một cô bé chín tuổi. Nhưng nếu ông gọi con gái tôi là nhóc chuột một lần nữa, tôi sẽ cắt lưỡi ông và bỏ nó vào hộp cơm trưa của ông”.

Nếu có ai báo trước với tôi những gì xảy ra tiếp theo, tôi sẽ không bao giờ tin được. Gần như ngay lập tức, cha rút ra một con dao khukri từ sau lưng, thậm chí tôi còn không biết cha có con dao đó. Đó là một con dao quắm mà cha dùng trên cánh đồng để cắt cây con, đào đất và chém rắn. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là sự kiên định của cha khi cha kê lưỡi dao dài hơn hai tấc vào cái cổ lún của người tài xế với vẻ sẵn sàng dùng đến nó. Tay ông không hề run và mắt ông không biểu lộ cảm xúc gì ngoại trừ sự bình thản lạnh lùng. Người tài xế xe buýt gần như nín thở cùng với sự im lặng tuyệt đối trên xe, ngay cả lá cây bên ngoài cũng ngưng xào xạc.

“Đến Mumbai đi”, cha nói nhỏ với người tài xế, và khi ông hạ dao xuống, người tài xế gục gặc đầu. Cha mua hai vé hạng ba, loại vé tốt nhất. Bạn có thể ngồi phía trước xe buýt và nhìn ngắm mọi thứ. Khi chiếc xe lăn bánh, tôi vẫy tay tạm biệt cái cây.

Chuyến đi dài đến Mumbai là một phép màu. Cha con tôi cùng ngắm Madhya Pradesh từ từ biến mất. Chúng tôi chỉ trỏ mọi thứ cho nhau xem: một con kền kền, một con ngựa chết, những con bò còm cõi, và những người trông rất ngộ nghĩnh. Chúng tôi uống nước quả ở các trạm nghỉ, thỉnh thoảng ngủ lơ mơ, và ăn hết tất cả những thứ mang theo. Cha cười nhiều. Tôi nghĩ mình đã không thực sự hiểu cha như một người đàn ông mà chỉ biết cha là một người cha mà thôi. Cha là một người bốc đồng và đam mê; rất nhiều cá tính của ông mà tôi không biết đến. Tình yêu vô biên, vô hình, vô điều kiện của ông dành cho tôi đã bộc phát thành một hành động bạo lực nhất thời. “Cảm ơn cha”, tôi nói khi cha cho tôi một miếng xoài mà ông đã cắt bằng con dao khukri.

                                 ***
Cha e rằng báo cáo của người tài xế bị đe dọa về con dao sẽ đến Mumbai trước chúng tôi. Khi chiếc xe dừng ở trạm xe buýt cuối cùng ở ngoại ô Mumbai, chúng tôi xuống xe và hòa vào dòng người.

Chúng tôi bước vào một khu vực đầy những túp lều tạm. Những túp lều này trông giống ở quê tôi đến mức tôi dám chắc nhiều người sống ở đây cũng đến từ những ngôi làng như làng tôi. Có những dòng suối và những con lạch nhỏ uốn quanh những túp lều này. Tại sao người ta lại rời bỏ cánh đồng đến đây? Chó, mèo và những con chuột xơ xác đào bới thức ăn cũng giống như những người chủ hai chân của chúng. Không khí nóng ẩm, đầy mùi rác thối và phân người. Một dàn hợp xướng tiếng chó sủa, tiếng gỗ mục răng rắc, tiếng nghiến bánh xe những chiếc xe bò, cùng với tiếng nói chuyện rì rầm của mọi người.

Không có chỗ ngủ, cha tìm một khoảng trống nhỏ giữa hai túp lều của hai gia đình và mở tấm chăn màu hạt dẻ mà cha mang theo. Cả hai gia đình im lặng ngồi nhìn và không ai phản đối sự chiếm đóng của chúng tôi. Cha bảo tôi đợi cha đi tìm thức ăn. Tôi đã ngồi trên xe buýt suốt ngày và tôi rất mệt. Tôi nằm trên tấm chăn, nhìn những hoa văn chữ chi màu trắng đâm ngang bầu trời màu hạt dẻ. Tôi không suy nghĩ gì cả. Mũi tôi đã quen với mùi hôi, và bầu trời tối dần.

Đột nhiên, trước mắt tôi xuất hiện hai cái mắt cá chân mảnh khảnh và tôi ngước lên. Một cậu bé trạc tuổi tôi đứng nhìn tôi chằm chằm như thể cậu ta vừa phát hiện một miếng kim loại lạ trên sàn. Tôi cảm thấy cậu ta đang suy nghĩ xem có thể sử dụng tôi vào việc gì. Quần áo của cậu ta là những mảnh giẻ rách, trong khi quần áo của tôi vương chút bụi đường nhưng vẫn sạch sẽ. Cậu ta nghiêng đầu qua phải, nhíu mày, lấy hơi định nói gì đó nhưng lại thôi. Sau đó cậu ta quay lưng biến mất vào biển lều mà không nhìn lại. Tôi ngồi dậy nhìn cậu ta chạy đi. Tôi có cảm giác hành động của cậu ta cũng giống như một con chó đánh hơi một đống rác, nhận ra không có gì để ăn nên bỏ đi chỗ khác. Đó là hành động của một người đói chứ không phải sắp chết đói. Người sắp chết đói sẽ nằm gục và chuẩn bị chết. Còn người đói thì lùng sục tìm kiếm thức ăn.
                              *****


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro