Cương Tông Pháp Niệm Phật

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cương Tông Pháp Niệm Phật

Thích Trí Minh

Phật lịch 2547 (2003)

Thật vì sanh tử                                   

Phát tâm Bồ đề

Tin sâu nguyện thiết                          

Trì danh hiệu Phật

 Mười sáu chữ trên là đại cương tôn của pháp môn Niệm Phật do Liên-Tông Thập Nhị Tổ Triệt-Ngộ Đại-Sư trước tác

GIẢI THÍCH:

 Tại sao Tổ Triệt-Ngộ khẳng định đại cương cũng như tông chỉ của Pháp môn niệm Phật (Tịnh-độ-tông) chỉ nằm gọn trong 16 chữ? Vì pháp môn này nếu nói rộng ra thì vô cùng vô tận bởi ngoài năm bộ kinh (?) chuyên nói về pháp môn Tịnh-độ ra, các kinh điển Đại-thừa khác đều tán dương pháp môn này. Tuy nhiên, về phần đại cương cũng như tôn chỉ của pháp môn niệm Phật thì chỉ tóm tắt trong 3 món tư lương là Tín, Nguyện, Hạnh làm cương lãnh. Thế nên, Tổ chỉ dùng bài kệ 16 chữ để làm đại cương.

 Hai câu kệ sau: “Tin sâu nguyện thiết, Trì danh hiệu Phật” tức là chỉ cho 3 món tư lương của người tu pháp môn niệm Phật. Nơi đây, trước tiên xin nói qua ý nghĩa tại sao chúng ta tu pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây-phương Cực-Lạc.

 Người muốn về Tây-phương phải có lòng tin sâu chắc, chí nguyện thiết tha. Việc ấy cũng như lời của ngày Liên-Tông Thập Nhị Tổ Triệt-Ngộ Đại-Sư thuật lại như sau:

 Đầu mối quan hệ trong vòng sống chết của chúng ta duy có hai thứ là tâm lực và nghiệp lực.

 Tâm lực là tâm niệm, có nhiều mối. Khi lâm chung đi theo mối nặng nhất.

 Nghiệp lực ví như người mang nợ, chủ nợ mạnh sẽ lôi kéo trước tiên. Nghiệp lực tuy lớn nhưng tâm lực lại càng lớn hơn bởi nghiệp lực không tự tánh, hoàn toàn nương nơi tâm nên khi tâm chú trọng thì làm cho nghiệp thêm mạnh. Nếu ta dùng tâm chú trọng ấy mà tu Tịnh-độ, tất tịnh nghiệp sẽ mạnh khi lâm chung quyết định sanh về Tây-phương Cực-Lạc.

 Ví như cây to, tường cao nghiêng hướng về Tây, ngày kia khi ngã đổ tất sẽ đổ về Tây vậy.

 Và thế nào là trọng tâm? Chúng ta tu Tịnh-độ lòng tin quí ở nơi sâu. Chí nguyện quí ở nơi thiết. Do tín nguyện sâu thiết nên tất cả tà thuyết không thể lay động, tất cả cảnh duyên không thể lôi kéo. Giả sử khi ta đang niệm Phật bổng Tổ Đạt-Ma hiện ra và bảo phải bỏ tu Tịnh-độ tu thiền có thể liền giác ngộ thì ta cũng tạ từ không dám tuân lời hay dù đức Thích-Ca Mâu-Ni hiện thân bảo có pháp môn khác hơn Tịnh-độ bảo ta phải bỏ niệm Phật để tu môn kia thì ta cũng đảnh lễ mà từ khước. Giữ vững như vậy mới gọi là lòng tin sâu chắc.

 Về phần nguyện – Ví như có vòng sắt nóng đỏ xoay trên đầu ta cũng không vì sự khổ ấy mà thối thất chí nguyện vãng sanh. Lại như có cảnh dục lạc mầu nhiệm nhất của Chuyển-Luân-Vương hiện đến ta cũng không vì sự vui sướng đó mà quên tâm niệm cầu về Cực-Lạc. Gặp những cảnh duyên thuận nghịch cùng cực như thế mà vẫn không đổi lòng mới gọi là chí nguyện thiết tha.

 Như trên đã lược giải thích câu kệ thứ ba, tiếp theo xin giải thích câu thứ tư: “Trì danh hiệu Phật”. Trước khi giải thích câu kệ này, xin dẫn một đoạn kinh văn trong kinh A-Di-Đà để nương kim ngôn của đức Bổn-Sư Thích-Tôn dạy, nương theo đó mà giải thích cho được rõ và dễ hiểu.

 Đoạn kinh văn ấy như sau: “Xá-Lợi-Phất, không thể chỉ đem thiện căn nhỏ làm yếu tố để được sanh về Cực-Lạc. Xá-Lợi-Phất, thiện-nam hay thiện-nữ nào nghe nói đến Phật A-Di-Đà, chấp trì danh hiệu của Ngày hoặc một ngày hoặc hai ngày hoặc ba ngày hoặc bốn ngày hoặc năm ngày hoặc sáu ngày hoặc bảy ngày mà được nhất tâm bất loạn thì người ấy lúc sắp chết được đức A-Di-Đà Phật cùng với Thánh-chúng hiện ra trước mặt, người như thế tâm không thác loạn và tức khắc được sanh về cõi nước của đức A-Di-Đà Phật”.

 Trong câu kệ của Tổ chỉ có 4 chữ “Trì danh hiệu Phật” là vì thuộc về văn chỉnh cú nên Tổ chỉ dùng 4 chữ. Nhưng nên biết chữ Trì tức là chấp trì danh hiệu Phật. Chữ Phật là danh hiệu chung của chư Phật trong mười phương, danh hiệu tức là chỉ cho danh hiệu của Từ-Phụ A-Di-Đà Phật, giáo chủ cõi nước Cực-Lạc, đây thuộc về phần biệt hiệu.

 Như trong kinh văn đã dẫn trên, đức Phật gọi tôn-giả Xá-Lợi-Phất bảo rằng: “Nầy Xá-Lợi-Phất, thiện-nam hay thiện-nữ nào nghe nói đến đức A-Di-Đà Phật, chấp trì danh hiệu Ngài...”

 Vậy với ý nghĩa của từ “chấp trì” như thế nào? Việc ấy xin giải thích như ở dưới đây:

 Giải thích câu kệ thứ tư này, chia ra 5 phần:

I.              Chấp trì

II.            Phân biệt thiên căn phước đức

III.          Niệm Phật tức là đa thiện căn, đa phước đức

IV.         Chư Phật trong ba đời, mười phương, A-Di-Đà là bậc nhất

V.           Chánh hạnh, trợ hạnh

I.            Chấp trì:

Theo lời giải của đức Liên-Tông Thập Nhị Tổ Triệt-Ngộ Đại-Sư giải thích bốn chữ “Chấp trì danh hiệu” thì hành giả tu pháp môn Tịnh-độ khi niệm Phật trong tâm khư khư giữ lấy danh hiệu của đức A-Di-Đà Phật vào trong lòng một cách bền chắc không được tạm quên. Nếu có một niệm gián đoạn thì không phải chấp trì hay là có một vọng niệm khác xen tạp thì chẳng phải nghĩa chấp trì. Vì thế mỗi niệm, mỗi niệm tiếp nối với nhau không được gián đoạn, không được để cho vọng niệm xin tạp thì mới tương ưng với ý nghĩa chấp trì danh hiệu Phật.

Nam-mô A-Di-Đà Phật! Kính thưa quí vị, lời giải thích về từ chấp trì ở trên là tôi thành kính thuật lại lời của Tổ dạy mà chính bản thân của Tổ cũng thực hành đúng như vậy nên khi xả báo thân có Tây-phương Tam-Thánh hiện đến tiếp dẫn, hoa trời rưới, nhạn trời trổi, tràng phan bảo cái rời trời... (ở phần sau nói rõ hơn).

Riêng cá nhân tôi, xuất gia trong Phật Pháp đã gần sáu mươi năm và niệm Phật cũng trãi qua thời gian mấy chục năm nhưng đối với ý nghĩa chấp trì danh hiệu của Tổ dạy mà tôi đã kính thuật như trên vẫn chưa thấy tương ưng phần nào.

Vì lý do ấy nơi đây, tôi xin đem sự thực hành của tôi trong hàng ngày, kính cẩn nói lại để quí vị nương theo đó mà hành trì nghĩa là trong khi chúng ta niệm Phật, miệng niệm cho rành rẽ rõ ràng nghĩa là từng chữ từng câu cho rành rẽ rõ ràng, tức là tiếng niệm Phật không cho trại vì nhiều vị niệm Phật, chữ A đọc là Á, chữ Di đọc là , thế là âm vận không đúng. Âm vận đã không đúng thì nó huân vào trong tạng thức cũng không đúng. Nói một cách dễ hiểu hơn, niệm Nam-mô Á Dí... thâu vào máy cassette thì trong khi phát ra nó cũng vậy. Hơn thế nữa, trong lúc trợ niệm cho người bệnh nặng mà niệm như thế thì có 2 điều bất lợi:

a.      Người bệnh nghe Thánh hiệu của Phật không rõ.

b.           Họ có thể sanh tâm bực tức mà đã có niệm bực tức thì thuộc về phiền não chướng. Do đó, người sắp mãn phần không được vãng sanh mà lại bị đọa lạc.

Ở đây, tôi nói có phần dài dòng nhưng vì có sự quan trọng nên tôi cần phải nhấn mạnh, vậy xin quí vị chớ sanh tâm chán.

 Như trên là nói về việc miệng niệm, lệ theo đó thì tai nghe, tâm chuyên nhớ theo, nghĩa là phải nghe cho rành rẽ rõ ràng, tâm cũng nhớ cho rành rẽ rõ ràng. Hằng ngày gắng thực hành như thế thì lâu ngày chày tháng sẽ được thuần thục.

Trong khi chúng ta niệm Phật, theo Tiên đức dạy cần phải có đủ 4 điểm là:

1.     Tín

2.     Ức

3.     Xưng

4.     Kính

1.           “Tín” nghĩa là tin chắc rằng ta niệm Phật thì sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước đức, tin chắc rằng ta niệm Phật thì được Phật biết vì Ngài có tha tâm thông. Ta niệm Phật thì được Phật nghe vì Ngài có thiên-nhĩ-thông, ta niệm Phật thì chắc được vãng sanh, ta niệm Phật thì được Phật hộ niệm. Vì thế nên trong kinh nói người niệm Phật sẽ được mười món công đức lợi ích, ở đây tôi xin lược ba thứ như sau:

a.           Thường được chư Phật tức là 10 phương chư Phật ngày đêm hộ niệm, đức Di-Đà phóng quang nhiếp thọ.

b.           Thường được 25 vị Bồ-Tát như đức Quán-Âm, Thế-Chí thủ hộ.

c.            Ngày đêm thường được chư Thiên cùng đại lực thần tướng ẩn hình ủng hộ.

2.           “Ức” nghĩa là trong khi chúng ta niệm Phật phải chuyên tâm nhớ nghĩ theo Thánh hiệu của Từ-Phụ, đừng cho nó dong ruổi Đông, Tây. Khi vừa biết tâm dong ruổi lập tức kéo nó lại trụ nơi Thánh hiệu của Từ-Phụ A-Di-Đà.

3.           “Xưng” tức là xưng niệm Thánh hiệu của Từ-Phụ. Điểm thứ ba này xin xem lại đoạn “miệng niệm cho rành rẽ...” như đã nói trên.

4.           “Kính” nghĩa là khi chúng ta niệm Phật, không luận niệm lớn tiếng hay nhỏ tiếng hay niệm thầm, đều phải có tâm cung kính như trung thần đối trước minh quân đọc thánh chỉ, như học trò đối trước nghiêm sư trả bài, thực hành như thế mới được sự cảm thông và đối với việc niệm Phật này, trừ ngoài việc dụng tâm như xem sách, đọc kinh..., trong tất cả thời gian đều có thể niệm. Tuy nhiên, hành giả phải lưu ý trong thời khóa niệm Phật, đối trước hình tượng Phật thì niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng hay niệm thầm đều được nhưng ở những chỗ không sạch, khi làm công việc lặt vặt như quét dọn, tắm gội... hành giả chỉ nên niệm thầm trong tâm và chỉ niệm bốn chữ A-Di-Đà Phật tức là Thánh hiệu của Từ-Phụ là được vì sáu chữ khó nhiếp tâm. Nhân tiện, tôi cũng xin nói ý nghĩa của hai chữ “Nam-mô”.

   Nam-mô là thuộc về chữ Phạn, Trung văn dịch là quy mạng, nghĩa là hành giả thành kính đem hết thân mạng này nương về nơi Tư-Phụ. Chữ nam-mô còn có ý nghĩa là cung kính, lễ bái...

II.         Phân biệt Thiện căn phước đức:

Phần thứ hai này trong khi xem, xin quí vị nhớ lại đoạn Kinh văn dẫn trong kinh A-Di-Đà nói trên, nghĩa là Bổn-Sư Thích-Tôn ngày đã nhấn mạnh, tất cả thiện-nam tín-nữ muốn thoát khỏi luân hồi sanh về cõi Cực-Lạc của đức A-Di-ĐàPhật không thể nương nơi thiểu thiện căn, thiểu phước đức mà được! Tiếp theo đó, Bổn-Sư cũng nhấn mạnh nếu muốn chắc chắn được vãng sanh về cõi nước Cực-Lạc của đức A-Di-Đà Phật thì cần phải chấp trì danh hiệu của Ngài như trong kinh văn Bổn-Sư có nói rõ thời gian “hoặc một ngày hoặc hai ngày ...”

Như thế chúng ta thấy rõ dù trong kinh văn không nói niệm Phật là đa thiện căn, đa phước đức mà thâm ý đã ám chỉ chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật tức thuộc về đa thiện căn, đa phước đức.

Nơi đây tôi xin y trong kinh phân biệt thiện căn phước đức có 3 loại:

a.        Không thiện căn phước đức nghĩa là những người trong thế gian này đối với tất cả việc làm phước đức từ việc nhỏ cho đến việc lớn, họ đều không làm. Nói rõ hơn thì cho một người ăn mày một đồng bạc họ cũng không cho lại suốt đời chỉ chuyên tạo ác nghiệp. Hạng người này được liệt vào hạng không thiện căn phước đức.

b.       Thiểu thiện căn phước đức nghĩa là trên thế gian này có những người siêng làm việc phước thiện như bố thí, trì giới, lập chùa, tạo tượng, đúc chuông, trai Phạn cho chúng tăng, hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng... Nhưng tại sao những việc làm này lại xếp vào thiểu thiện căn, thiểu phước đức? Bởi sự kết quả của việc làm này chỉ hưởng lấy sự diệu lạc ở cõi nhân thiên. Nó thuộc về pháp hữu lậu. Hưởng phước hết rồi lại bị đọa lạc. Vì thế chư Tổ đã khẳng định tu hành phước đức ở trong đời hiện tại này chính là đào cái hố sâu cho sự đọa lạc đời thứ ba? Tại sao vậy?

Vì đời này tạo phước, đời sau đương nhiên được hưởng quả báo an vui là giàu sang phú quý. Đã có địa vị lại giàu sang thì tha hồ mà tạo ác. Sự việc này xin quý vị nghĩ kỹ một chút thì rõ, tôi xin miễn nói dài dòng. Tuy nhiên, tôi cũng xin nêu một việc làm điển hình là triều đại nhà Ngô. Nhà Ngô khi đã nắm quyền trong tay thì tha hồ mà tạo ác, thậm chí Phật Pháp là chỗ nương tựa của muôn loài, Thiên thượng Nhân gian, Địa phủ đều kính trọng nhưng anh em nhà Ngô lại thẳng tay tiêu diệt. Vì lý do ấy chư Tổ đã nhấn mạnh đời này tu hành phước đức mà không niệm Phật hồi hướng Tây-phương Cực-Lạc tức là nhân tố qua đời thứ ba bị đọa lạc trong tam đồ, chịu kịch khổ trong địa ngục, đói khát ở đường ngạ quỷ, ăn nuốn lẫn nhau và bị phân xẻ nơi đường súc sanh. Thế nên với việc thiện căn phước đức này không phải phủ nhận nó là không nhưng chỉ liệt vào thứ thiểu thiện căn, thiểu phước đức.

c.        Đa thiện căn đa phước đức: Loại thứ ba này đích xác chỉ cho người chấp trì Thánh hiệu A-Di-Đà Phật. Ở đây tôi xin gác qua, xin quí vị xem tiếp nơi phần 3 dưới đây sẽ giải thích rõ hơn.

III.       Niệm Phật tức là đa thiện căn, đa phước đức

Như trên đã nói, đa thiện căn, đa phước đức chính là chỉ cho việc chấp trì danh hiệu của A-Di-Đà Phật. Như thế trong kinh A-Di-Đà đã quả quyết khẳng định đa thiện căn, đa phước đức là chỉ cho việc niệm Phật không phải việc làm nào khác. Vậy thì ngoài kinh A-Di-Đà này ra còn có kinh luận nào khác để làm chứng cứ không?

Đáp: Rõ ràng có các kinh luận để làm chứng cứ. Xin tuần tự dẫn như sau:

1.       Trong kinh Đại-Bi thuyết minh: “Nếu có chúng sanh nào một phen thành tính xưng danh hiệu A-Di-ĐàPhật, do thiện căn ấy chắc chắn sẽ được vào cảnh giới Niết-Bàn”.

Cũng trong kinh Đại-Bi nói: “Sau khi Ta diệt độ, tại nước Bắc Thiên-Trúc, có vị Tỳ-kheo tên là Kỳ-Bà-Già, tu tập vô lượng thiện căn thù thắng, đến khi mạng chung vãng sanh về cõi nước của Vô-Lượng-Thọ Phật cách phương Tây thế giới Ta-Bà này trải qua 10 vạn ức cõi Phật. Về sau sẽ thành Phật tôn hiệu là Vô-Cấu-Quang Như-Lai”.

2.       Trong Đại-Trang-Nghiêm Kinh Luận thuyết minh: “Khi Bổn-Sư Thích-Tôn còn tại thế, có một ông già đến tinh xá của Phật để cầu xin xuất gia. Nhưng rủi cho ông, Phật đi vắng, ông liền đến các Tôn-giả như tôn-giả Xá-Lợi-Phất, tôn-giả Ca-Diếp, tôn-giả Ưu-Ba-Ly, tôn-giả A-Nậu-Lâu-Đà... cho đến 500 vị đại A-La-Hán đều không thâu nhận ông xuất gia vì quí tôn-giả quán sát thấy ông lão này trải qua nhiều kiếp không trồng thiện căn. Ông không chịu về nhà, ở lại nơi tinh xá Phật, tự hận tủi cho phận mình, buồn khóc một cách thảm thương. Cũng may cho ông, lúc ấy đức Phật vừa về tới, trông thấy tình cảnh ông, Phật hỏi lý do. Ông thành kính trình bày những việc đã qua, đức Phật an ủi ông rằng: “Ông chớ lo”. Đức Phật liền độ cho ông xuất gia, ông tu hành tinh tấn chứng quả A-La-Hán”. (Sự việc này muốn rõ, xin xem trong phẩm Xuất-Gia Công-Đức trong kinh Hiền-Ngu quyển thứ 4 thì rõ).

Trong đại chúng thấy như vậy đều lấy làm lạ bạch lên đức Phật muốn biết nhân duyên của ông lão. Đức Phật dạy rằng: “Quý Tôn-giả dù là bậc đại A-La-Hán nhưng không thể biết rõ thiện căn của ông lão này. Vậy quí vị hãy để tâm lóng nghe, Thế-Tôn sẽ nói qua cho rõ”.

Quý Tôn-giả kính cẩn thưa rằng: “Bạch Thế-Tôn, chúng con rất muốn nghe”.

Phật dạy: “Quý Tôn-giả nên biết, ông lão này trải qua vô lượng vô biên kiếp về trước làm một người tiều phu. Ngày kia, vào rừng đốn củi bị mãnh hổ bức bách, lúc ấy quá sợ hãi, leo lên một đại thọ, một lòng thành kính xưng niệm “Nam-mô Phật!” . Do thiện căn ấy huân vào tạng thức dù trải qua vô lượng vô biên kiếp, chủng tử niệm Phật ấy còn nguyên. (Trong kinh nói chủng tử niệm Phật huân vào tạng thức không tiêu mất cũng như một người nuốt ngọc kim cương vào bụng thì không bao giơ bị hư hoại). Do hạt giống Phật ấy mà ông lão đời này được gặp Ta độ cho xuất gia chứng đắc đạo quả.

3.       Phẩm Hồi-Hướng thứ 10 trong kinh Hoa-Nghiêm thuyết minh: “Thiện-nam, tín-nữ nào thường nghĩ nhớ đến tất cả chư Phật trong ba đời ở vô lượng vô biên thế giới... Tiếp theo đó lại nói, do thiện căn nhớ Phật, niệm Phật này...” Đại phàm trong kinh nói như vậy đều là chứng minh chấp trì danh hiệu Phật là đa thiện căn.

Kính dẫn 3 đoạn trong kinh văn nói trên là để chứng minh chấp trì danh hiện Phật thuộc về đa thiện căn. Tiếp theo đây, xin dẫn trong kinh luận chứng minh việc chấp trì danh hiệu Phật thuộc về đa phước đức.

a). Trong kinh Đại-Phẩm Bát-Nhã thuyết minh: “Nếu có thiện-nam, tín-nữ nào tán tâm niệm Phật, nhờ phước đức ấy xa lìa các sự khổ não, được phước không cùng tận”. Tán tâm niệm Phật còn như thế huống chi định tâm niệm Phật thì phước đức vô lượng vô biên, không cần nói cũng rõ.

b). Trong kinh Xưng-Dương Chư Phật Công-Đức thuyết minh: “Nếu có thiện-nam, tín-nữ nào nghe danh hiệu của đức Vô-Lượng-Thọ Như-Lai, một lòng tín kính hâm mộ, trì tụng xưng niệm, người này sẽ được vô lượng vô biên phước đức, thoát hẳn chốn tam đồ. Sau khi mạng chung liền vãng sanh về cõi nước của đức A-Di-Đà Phật”.

c). Trong luận Đại-Trí-Độ thuyết minh: “Thí như có người nào khi mới sanh ra vừa rớt dưới đất, lập tức có thể mỗi ngày đi được nghìn dặm, trải qua thời gian một nghìn năm, dùng thất bảo cúng dường chư Phật, sự vĩ đại của công đức ấy không cần nói ai cũng biết. Tuy nhiên nếu đem so sánh với những người ở trong đời ác trược này chí tâm thành kính xưng niệm một câu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Phước đức của những người này hoàn toàn thù thắng hơn người đem thất bảo để cúng dường chư Phật như đã nói trên”.

d). Trong kinh Tăng-Nhứt-A-Hàm thuyết minh: “Nếu có thiện-nam tín-nữ phát tâm đem bốn thứ nhu dụng là: 1- Thức ăn uống. 2- Y phục. 3- Đồ nằm, mùng nệm... 4- Thuốc thang để cúng dường cho tất cả chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề, công đức vĩ đại này không cần nói ai cũng biết. Vì phát thiện tâm bố thí cho người ăn xin một bữa ăn công đức ấy rất lớn, huống chi cúng dường cho tất cả chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề. Nhưng nếu trong thời mạt pháp này, có chúng sanh nào xưng danh hiệu của Từ-Phụ A-Di-Đà Phật trong thời gian ngắn như nặn sữa bò, công đức niệm Phật này sánh với công đức cúng dường chúng sanh toàn cõi Diem-phù-đề nói trên hơn gấp bội trăm nghìn lần và không thể nghĩ bàn được.

Như trên, tôi thành kính y trong Kinh Luận lược thuật chấp trì danh hiệu của A-Di-Đà Phật hay là của chư Phật đều thuộc về đa thiện căn, đa phước đức. Còn các Kinh Luận nói về việc chấp trì danh hiệu Phật, ở đây không thể dẫn hết được.

IV.       Chư Phật trong ba đời mười phương. A-Di-Đà Phật là bậc nhất:

Giải thích phần thứ tư này, xin thành kính y theo văn kệ phát nguyện của đức Đại-Từ Bồ-Tát.

Văn kệ của Bồ-Tát chỉ vắn tắt trong 5 bài kệ nhưng ý nghĩ vô cùng sâu xa. Nơi đây tôi xin nương bài kệ thứ nhất để giải thích như sau:

                   “Thập phương tam thế Phật

                   A-Di-Đà đệ nhứt

                   Cửu phẩm độ chúng sanh

                   Oai đức vô cùng cực”.

Nghĩa:

                   “Mười phương chư Phật ba đời

                   Di Đà bậc nhất chẳng rời quần sanh

                   Sen vàng chín phẩm sẳn dành

                   Oai linh đức cả đã đành vô biên”.

Bài kệ trên đây đặc biệt tán thán Từ-Phụ A-Di-Đà Phật, Giáo-chủ cõi nước Cực-Lạc, đối với chư Phật trong mười phương, ba đời là tối tôn tối thắng đệ nhất. Quí vị hằng ngày tụng kinh A-Di-Đà thì rõ vì lúc Bổn-Sư Thích-Tôn nói kinh A-Di-Đà ở cõi Ta-bà này thì chư Phật trong mười phương (nói mười phương là theo bản dịch đời Đường của Huyền-Trang Pháp-Sư, còn nếu theo bản dịch đời Tần của Cưu-Ma-La-Thập, thì Pháp-sư chỉ dịch có sáu phương là Đông, Tây, Nam, Bắc và Thượng, Hạ. Vì Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc nhiếp trong bốn phương nên không nói ra) đều hiện tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi đại thiên. Y cứ theo nghĩa này thì thấy rõ Từ-Phụ A-Di-Đà Phật là bậc tối tôn tối thắng bậc nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ điều này, công đức của chư Phật trong mười phương đều bình đẳng nhưng vì lý do đặc biệt là tâm đại bi đại nguyện của Từ-Phụ A-Di-Đà Phật đặc biệt chiếm lấy phần ưu thắng. Hơn nữa, Từ-Phụ A-Di-Đà Phật đối với tất cả chúng sanh trong mười phương có duyên đặc biệt hơn hết. Vì thế với Thánh hiệu của Ngài chẳng những già, trẻ, lớn, nhỏ, gái, trai đều biết xưng niệm, cho đến đứa trẻ bập bẹ mới biết nói, bảo nó niệm danh hiệu Từ-Phụ chỉ nói một lần là nó niệm liền cũng như bài đã học thuộc lòng.

Trái lại, đối với Thánh hiệu của chư Phật khác, chẳng hạn như Thánh hiệu của Ưu-Đàm-Bát-La-Hoa Thù-Thắng-Vương Phật, Chiên-Đàn-Quang Phật, Phổ-Quang Phật... Với Thánh hiệu dài nhiều chữ nó niệm không được đã đành mà với Thánh hiệu Phổ-Quang Phật chỉ có ba chữ nó cũng ngơ ngác. Như thế, chúng thấy rõ, trong kinh nói: “Từ-Phụ A-Di-Đà có duyên đặc biệt với chúng sanh trong mười phương” chính là lời nói chân thật với chúng sanh 3 căn: thượng, trung, hạ nương theo pháp trì danh mà tu chỉ trong một đời này được thành tựu cho nên nói là bậc nhất. Trí huệ của Từ-Phụ phá sự mê tối trong pháp giới, oai thần của Ngài trùm khắp chúng sanh trong mười phương nên nói đức của Ngài không tột.

Tiếp theo đây xin nói về bốn sự lợi ích chúng sanh của chư Phật trong mười phương sẽ càng thấy rõ nguyên nhân Từ-Phụ A-Di-Đà Phật đối với mười phương chư Phật là bậc nhất. Tất cả chư Phật trong mười phương xuất hiện trong thế gian tiếp độ chúng sanh đều có bốn việc lợi ích như sau:

1.       Hình ích: Nghĩa là thân hình của chư Phật. Vì thân Phật có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thân sắc vàng như núi Tu-Di, oai nghiêm như Thiên-Vương trên cung trời Đao-Lợi. Lại có chỗ tán thán đức Phật dung nhan như vầng nhật nguyệt, hào quang sáng chói tựa núi vàng, miệng Ngài luôn tươi cười như hoa nở. Vì thế, tất cả chúng sanh có duyên thấy Phật liền sanh tâm tín kính, mắt nhìn không biết chán, miệng tán thán không tiếc lời, do đó mà được tiêu trừ tội chướng, phước đức tăng trưởng nên gọi là hình ích.

Nơi đây xin lưu ý nghĩ là chúng ta vì nghiệp trọng, phước mỏng không được gặp Phật lại sanh vào thời mạt pháp, pháp trược ác quá nhiều nhưng vẫn còn được thấy Tôn dung của chư Phật trên các hình tượng bằng vàng, đồng, gỗ... Đối với các tôn tượng này, phải một lòng thành kính, chiêm bái thì cũng được tăng phước, tiêu tội...

2.       Quang ích: nghĩa là Phật phóng hào quang, chiếu khắp mười phương thế giới, chẳng những chúng sanh ở cõi người, cõi trời đưọc lợi ích cho đến chúng sanh trong địa ngục hắc ám khi được thấy hào quang của Phật  liền thoát kịch khổ, sanh lên thiên giới. Thế nên nói là quang ích (1)

(1)    Quang ích thứ hai này, ở đây thuộc về phạm vi hạn cuộc nên không nói nhiều. Vậy xin quí vị nên xem trong hai bộ kinh: 1- Địa-Tạng phẩm thứ 1 và 2- Pháp-Hoa phẩm thứ 1 thì càng rõ

3.       Thuyết ích: nghĩa là chư Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh nên tuyên thuyết vô lượng pháp môn để làm lợi ích cho chúng sanh nên nói là thuyết ích.

4.       Thông ích: nghĩa là chư Phật hiện thần túc thông để làm lợi ích cho chúng sanh vì chúng sanh khi được thấy Phật hiện các thứ thần thông liền sanh tâm vui mừng tín kính. Do đó mà tiêu trừ vô lượng nghiệp chướng tăng trưởng vô lượng phước đức nên gọi là thông ích. Sự việc này nếu nói rõ thì không thể đem bút giấy nào tả cho cùng. Vì thế, xin quí vị nên xem phẩm thứ 14 Hàng-Phục Lục-Sư (phái lục sư ngoại đạo) ở quyển hai kinh Hiền-Ngu thì rõ.

Bốn thứ lợi ích vừa kể trên, chư Phật trong mười phương đều đồng có nhưng với Từ-Phụ A-Di-Đà Phật, ngoài bốn điều lợi ích ấy, lại thêm một thứ lợi ích nữa là dùng danh hiệu mà tiếp độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi trong ba đường sáu nẻo (ba đường là tâm ác đạo, sáu nẻo chỉ chung cho lục đạo). Vì khi tu nhân, Từ-Phụ có phát thệ nguyện như trong kinh Vô-Lượng-Thọ, điều nguyện thứ 18 trong 48 đại nguyện nói rằng: “Tất cả chúng sanh trong mười phương, một lòng tín kính hâm mộ, mong mỏi được sanh về cõi nước của tôi, nhất tâm xưng niệm danh hiệu của tôi, ít nhất chỉ 10 niệm, nếu không được vãng sanh thì tôi nguyện không thành Phật”.

Điều nguyện thứ 17 nói: “Nếu khi tôi thành Phật, tất cả chư Phật trong 10 phương, các Ngài không cùng nhau tán thán danh hiệu của tôi thì tôi nguyện không thành Phật".

Dẫn hai lời thệ nguyện trên để thấy rõ danh hiệu của Từ-Phụ A-Di-Đà Phật chẳng những chúng sanh nương theo đó mà tu hành, thoát khỏi sanh tử luân hồi vãng sanh về cõi nước Cực-Lạc, tu hành mãi cho đến lúc bổ xứ thành Phật mà 10 phương chư Phật cũng đồng tán dương thánh hiệu của Ngài.

Vì thế, với 4 sự lợi ích trước dù có lợi ích cho chúng sanh nhưng rất hẹp vì chỉ trong lúc đương thời được thấy Phật, được nghe Phật thuyết pháp... ngoài ra thì không được lợi ích. Từ-Phụ A-Di-Đà dùng danh hiệu tiếp độ chúng sanh nhiếp lấy căn cơ rất rộng với sự tu hành ba căn thượng, trung, hạ đều trùm nhiếp với thời gian thì trong ba thời kỳ chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp chúng sanh nương theo đó tu hành đều được giải thoát. Vì thế, trong kình Vô-Lượng-Thọ Bổn-Sư Thích-Tôn có huyền ký: “Thời kỳ mạt pháp sau cùng của tất cả Kinh Pháp đều diệt hết, chỉ lưu lại bốn chữ danh hiệu của đức A-Di-Đà  Phật, chúng sanh nào được gặp, phát khởi tín tâm nương theo đó mà tu hành thì được thoát khỏi sanh tử luân hồi”. Vì danh hiệu của A-Di-Đà Phật là thuyền từ cứu vớt chúng sanh, thoát khỏi biển khổ sanh tử.

Từ-Phụ A-Di-Đà  Phật đã dùng danh hiệu mà tiếp độ chúng sanh nên chúng sanh nào nghe được danh hiệu của Ngài, tai nghe, miệng niệm tụng, một phen xưng Thánh hiệu của Ngài thì muôn đức đều hiện bày lại vô lượng vô biên công đức huân vào trong tạng thức vĩnh viễn làm hạt giống Phật, trừ tội chướng, chứng đạo quả. Công đức thiện căn ấy không thể nào nghĩ bàn, thế nên phải nhận chân việc chấp trì danh hiệu của A-Di-Đà Phật đâu phải là thiện căn, công đức nho nhỏ. Ý này phù hợp với phần 3: niệm Phật tức là đa thiện căn, đa phước đức đã nói trên.

V.          Chánh hạnh, trợ hạnh:

Hành trì theo pháp môn Tịnh-độ này có chia làm 2 hạnh môn:

1.     Chánh hạnh: bao gồm 2 hạnh môn.

A.      Trì danh

B.      Quán tưởng

2.     Trợ hạnh: bao gồm 2 hạnh môn.

A.       Hạnh thế gian

B.      Hạnh xuất thế gian

1.     Chánh hạnh: bao gồm 2 hạnh môn.

A.     Trì danh:

Trì danh tức là chấp trì danh hiệu của Từ-Phụ A-Di-Đà Phật.Về ý nghĩa, trì danh như trong phần 1 đã giải rõ nơi đây tôi chỉ nói về pháp trì danh thu nhiếp căn cơ. Pháp này rất rộng vì trong ba căn đều trùm khắp chẳng sót. Bậc thượng căn thượng trí trì danh được nhất tâm bất loạn, vãng sanh thượng phẩm. Còn hàng hạ căn trì danh thì dù không được nhất tâm nhưng trong khi niệm Phật một lòng tha thiết nhớ Phật như con thơ nhớ Mẹ, dù phiền não nghiệp chưa dứt nhưng vẫn được vãng sanh vì nương nhơ tha lực của Phật. Do đó trong kinh gọi là đới nghiệp vãng sanh, tức là mang nghiệp mà về Tây-phương Cực-Lạc thế giới, không bị trầm luân trong biển khổ sanh tử Ta-bà. Việc này trong kinh Na-Tiên Tỳ-Kheo có nói một thí dụ như tảng đá nặng đến nghìn tạ mà để nó vào chiếc thuyền lớn vẫn không bị chìm. Trái lại, dù một hạt cát nhỏ mà không nương ghe thuyền thì vẫn bị chìm dưới đáy biển. Cũng như thế, những bậc phước đức nhiều tu hành tinh tấn mà hoặc nghiệp chưa sạch cũng không hy vọng thoát khỏi luân hồi. Đây là nói qua về việc nương nhờ từ lực của Từ-Phụ A-Di-Đà Phật mà được thoát khỏi sanh tử luân hồi nhưng cũng xin lưu ý là xin đừng nghe nói như vậy mà không siêng niệm Phật thì 100% khó thoát ly sanh tử.

Như vậy, mặc dù tha lực là trọng đại và chính yếu nhưng với tự lực cũng không thể thiếu. Nói một thí dụ làm điển hình như có một đứa bé bị bệnh lưng gù, mờ mắt, cha mẹ lại nghèo thiếu. Người ấy có chút phước lành gặp một đại phú ông, phú ông này là một Phật tử giàu lòng từ bi, siêng làm việc thiện.

Ông nói với cha mẹ đứa bé rằng nếu ông bà cho tôi đứa bé, tôi sẽ đem nó đi chữa trị. Cha mẹ đứa bé ấy nghe nói hết sức vui mừng liền giao đứa bé cho ông. Ông liền chở nó về nhà lo bác sĩ giỏi để chữa trị cho lành bệnh. Đứa bé trở nên mạnh khỏe và xinh đẹp như những đứa trẻ nhà giàu khác. Cũng trường hợp trên nếu đứa trẻ khi nghe ông đại phú ông xin thì liền la khóc, ôm chặt lấy mẹ và nói rằng con không muốn đi đâu hết và vì thế nó vẫn bị cố tật gù và đui... Cũng như thế, Phật thương chúng sanh luôn sẳn sàng tiếp đón chúng sanh nhưng chúng sanh không niệm Phật, không nguyện vãng sanh thì Phật chẳng biết làm sao. Tôi dùng hai thí dụ trên xin quí vị lưu ý mà cố gắng tha thiết niệm Phật. Giờ đây tôi nói qua pháp niệm Phật thu nhiếp rộng lớn vô lượng vô biên vì đối với những vị xuất gia hay những người rảnh rỗi cố nhiên niệm Phật dễ dàng nhưng đối với những vị bận rộn, niệm Phật cũng không chướng ngại gì. Thế nên, Tiên đức có bài kệ sách tấn:

Dịch âm:

       Triêu dã A-Di-Đà

       Mộ dã A-Di-Đà

       Hành giả A-Di-Đà

       Trụ, tọa, ngọa A-Di-Đà

       Túng nhiêu mang tợ tiễn

       Bất ly A-Di-Đà

       Trúc mật bất phòng lưu thủy quá

       Sơn cao khởi ngại bạch vân phi.

Dịch nghĩa:

       Mai cũng A-Di-Đà

       Chiều cũng A-Di-Đà

       Đi cũng A-Di-Đà

       Đứng, nằm, ngồi cũng A-Di-Đà

       Dù bận như tên bắn

       Cũng không bỏ A-Di-Đà

       Trúc rậm không ngăn dòng nước biếc

       Núi cao chẳng chặn mây trắng bay.

Bài kệ của Tiên đức dạy trên, ý nghĩa rất thâm thúy và sự thật nó là như vậy. Nói đến đây tôi bỗng nhớ khi đọc kinh Lăng-Nghiêm - Thế-Chí Bồ-Tát niệm PhậtViên-Thông-Chương do Tịnh-Quyền Đại-Lão Pháp-Sư giảng, Ngài đã dùng hai thí dụ để nhắc người niệm Phật như sau:

1.Niệm Phật như hiếu tử đối với song thân.

2. Niệm Phật như nam tử hiếu sắc đối với mỹ nhân.

1. Hiếu tử đối với song thân: Song thân đã quá già yếu nay lại mang trọng bệnh nên hiếu tử này trong khi có việc phải đi phương xa, dù không được cận kề cha mẹ nhưng không có một giây phút lãng quên. Mỗi khi nghĩ đến song thân hai hàng lệ tuôn rơi, sợ cha mẹ ở nhà không ai chăm sóc phụng dưỡng mà dù có người đi nữa thì cũng không thể bằng mình. Thế nên, trong khi chưa về đến nhà thì ăn không biết ngon ngủ không yên giấc.

2Nam tử hiếu sắc đối với mỹ nhân: Nam tử một khi đã yêu người đẹp thời đêm hôm tăm tối, đường xá hiểm nguy đầy ác thú và trộm cướp, anh chàng vẫn bất kể dù mất mạng cũng cam lòng miễn là được đến gặp người đẹp.

Chúng ta trì niệm Thánh hiệu của Từ-Phụ A-Di-Đà, cố gắng rèn luyện tâm mình, nhớ Từ-Phụ, nhớ cảnh Tây-phương cũng như hai trường hợp trên vậy, thì vãng sanh về Cực-Lạc thế giới 100% bảo đảm.

Thế nên, đức Liên-Tông Cửu Tổ có dạy: “Muốn biết được vãng sanh hay không cứ xem tín nguyện có hay không?” Nếu lòng tin sâu, tâm nguyện thiết thì dù niệm Phật không được nhiều, nhưng với phần vãng sanh 100% có hy vọng.

Bài kệ của Tiên đức dạy trên, câu 3-4 nghĩa là dù bận rộn như tên bắc cũng không lìa A-Di-Đà. Nơi đây tôi xin dẫn một truyện vãng sanh:

Hoàng-Sanh người đời Tống, quê ở Đàm-Châu. Gia thế vốn nghèo, ông làm nghề thợ rèn để sanh sống. Một hôm, có vị tăng đến nhà khất thực, ông vội vã mời vào nhà ngồi uống nước và đem thức ăn ra cúng dường. Vị tăng thấy người hảo tâm khuyên ông niệm Phật tu hành. Ông thưa: “Con làm nghề rèn từ hừng sáng đã thức dậy, kéo lửa đập sắt đến tối mịt, gân cốt mỏi mòn còn thì giờ và năng lực đâu mà tu niệm”. Vị tăng bảo: “Không ngại chi, việc tu hành phải tùy phương tiện, trong mỗi cử động, khi kéo ống thổi lữa đập sắt, ông niệm một câu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Mỗi ngày cứ hành trì như thế cũng là một cách tu niệm và sẽ được Phật tiếp dẫn về Tây-phương”. Hoàng-Sanh nghe qua vui vẻ từ đó y theo lời dạy mà tu hành.

Một ngày nọ, ông mời người bạn quen ở nhà lân cận đến, đọc bài kệ sau bảo ghi chép:

“Cong cong cang cang

Luyện lâu thành gang

Thái bình kề cận

Ta về Tây-phương”

Người bạn biên xong, ông lại bảo: “Xin lưu bố bài kệ này, để khuyên mọi người tu hành”. Nói xong, ông chấp tay niệm Phật ít câu rồi nhắm mắt vãng sanh.

Như thế đối với việc niệm Phật, nếu trong lòng tin đã sâu, chí nguyện đã thiết thì trong tất cả các thời, tất cả các chỗ đều niệm Phật được như: cuốc đất, nhổ cỏ, quét nhà, xách nước, may vá... đều có thể niệm Phật vì những việc này không nặng nhọc như ông thợ rèn nói trên. Thế nên, Tiên đức có dạy: Nếu nguyện cho thiết thì dù bận rộn tiếp khách, đãi khách, đi tám phương bốn hướng đều có thể niệm Phật. Vì lý do này nên pháp trì danh rộng lớn vô cùng.

Lại còn một việc nữa quí vị nên lưu tâm là trong lúc an ổn khỏe mạnh với bạn đồng tu nên lui tới với nhau trong khi rãnh rổi để đến lúc bệnh nặng hay sắp mạng chu có trợ duyên để nương nhờ. Sự việc này, đức Liên-Tông thập tam Tổ Ấn-Quang Đại-Sư ngài có dạy: “Người trong lúc sắp chết, thân tứ đại phân ly, sự đau khổ ấy không thể nào nói được”. Trong kinh Chánh-Niệm-Xứ, Phật dạy: “Thí như có người bị nghìn mũi dao nhọn đâm trên thân sự đau ấy không thể tả xiết. Nhưng nếu đem so sánh với người sắp chết thì sự đau đớn trong lúc này sánh với người bị nghìn mũi dao đâm vào thân chỉ bằng một trong mười sáu phần”. Có chỗ lại nói sự đau khổ lúc sắp chết cũng như con rùa sống bị người ta lột da. Nếu những người có thiện nghiệp thì sự đau khổ ấy giảm thiểu. Theo lời Phật dạy trên, chúng ta thấy trong truyện vãng sanh, những vị sắp chết được biết trước ngày giờ cho đến viết kệ lưu lại cho đồ chúng như tôi xem trong truyện vãng sanh của đức Liên-Tông thập nhị Tổ Triệt-Ngộ Đại-Sư. Lúc Ngài sắp vãng sanh, trước vài tháng vẫn khỏe mạnh như thường, đi từ giã các Phật tử và khuyên nhắc gắng niệm Phật, đừng xao lãng. Khi trở về chùa sắp đặt việc chùa đâu đó xong đến giờ phút cuối cùng tràng-phang bảo-cái từ phương Tây đem đến.

Trước tiên, chư Đại Bồ-Tát Quán-Âm, Thế-Chí... đến tiếp theo đó Từ-Phụ A-Di-Đà đích thân đến tiếp dẫn. Thi thể của Tổ không liệm để trong 7 ngày, diện nhan như người sống. Tóc của Tổ lúc sanh tiền đều bạc trắng giờ phút ấy trở lại đen xanh. Theo thoại tướng này, chúng ta có thể thấy rõ rằng sự huân tập của Tổ là không thể nói được. Thế nên lời giải thích ý nghĩa chấp trì danh hiệu của Tổ là ngôn hạnh đi đôi. Tuy nhiên, chúng ta phải biết đây là trường hợp đặc biệt, muôn người mới có một, ngoài ra đa số người sắp qua đời đều bị khổ đau bức bách. Thế nên Tổ Ấn-Quang dạy: “Người sắp chết cần phải có nhiều người trợ duyên như người ốm yếu leo núi cao một mình không thể nào lên được. Lúc ấy có 6 người, hai người trước dắt hai tay, hai người sau đỡ nơi lưng, hai người hai bên đỡ nơi hông thì người ấy dù yếu vẫn lên đến nơi. Việc trợ duyên cho người sắp chết cũng tương tự như vậy”. Ở đây không phải là phần chính thức, xin quí vị xem kỹ phần Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung ở chương thứ X trong bộ Niệm-Phật Thập-Yếu của Cố Hòa-Thượng Thiền-Tâm thì sẽ rõ.

B.Quán tưởng:

Pháp quán tưởng này cũng là một trong bốn pháp niệm Phật. Pháp quán tưởng xuất xứ từ trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ. Trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ dạy về pháp môn tu quán có 16 thứ:

1.     Nhật quán

2.     Thủy quán....

...

16. Thọ hạ phẩm sanh quán

16 pháp quán này nhiếp cơ rất hẹp vì chỉ dành riêng cho bậc thượng trí thượng căn. Ở đây tôi xin nói pháp quán thư nhất là Nhật quán tức là quán mặt trời.

Hành giả tu pháp Nhật quán này trong khi thực hành phải lựa chỗ thanh vắng sạch sẽ, mát mẻ trải tọa cụ ngồi kiết già hay bán già, tư thế cho đúng với tư thế ngồi thiền, xoay mặt về hướng Tây, quán kỹ mặt trời khi mặt trời sắp lặn giống như một cái trống treo. Quán cho thật rõ ràng đến khi xuất định mở mắt nhắm mắt đều thấy mặt trời ở trước mặt. Quán như thế mới gọi là pháp quán thứ nhất được thành tựu. Pháp quán này đối với các pháp quán còn lại có thể nói là 100% dễ dàng nhưng với người tâm thô ý loạn hoàn toàn không thể làm được.

Nhân tiện, tôi xin nhắc trong 4 pháp niệm Phật, có một pháp gọi là quán tưởng niệm Phật. Về quán này nên kiêm thực hành với trì danh nghĩa là khi cảm thấy niệm Phật khó khăn, lúc ấy bất luận ngồi hay nằm thì nhắm mắt định tâm quán tưởng Từ-Phụ A-Di-Đà Phật đứng trên đầu mình hay quán tưởng Tây phương Tam Thánh cũng được. Pháp này gọi là pháp quán tưởng niệm Phật nghĩa là hành giả dùng ý thức tưởng tượng và pháp này khác với 16 pháp quán đã nói ở trên.

2.     Trợ hạnh: bao gồm 2 hạnh môn.

A.    Hạnh thế gian:

Bổn phận làm con đối với cha mẹ phải hết lòng hiếu thuận, sớm thăm tối viếng, ấp lạnh quạt nồng. Phải tận tâm tận lực cho cha mẹ, đừng sợ khó nhọc cũng như Từ-mẫu nuôi dưỡng ta lúc còn bé, nuốt đắng nhả ngọt, nhường chỗ khô cho con, tự mình nằm chỗ ướt.

Lại đối với tất cả việc từ thiện trong thế gian nên cố gắng thực hành như hiện tại tôi đang lúc soạn bài này nhớ quí Phật tử Diệu Phong, Tịnh Viên... ở Mỹ về Việt-Nam nhờ Sư-Cô Như-Thiện hướng dẫn đi ủy lạo các trại cùi, trại lao và những đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Đối với tất cả sinh vật nên sanh lòng từ tâm không sát hại, đối với giới luật của mình đã thọ phải nghiêm giữ, đừng tái phạm như qúi vị xuất gia thì giữ 250 giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thì giữ 348 giới, Phật tử tại gia thì giữ 5 giới. Ngoài những việc như trên đã nói, đối với tất cả việc lợi ích nên cố gắng mà làm và trong khi làm phải có từ tâm. Như các vị đi ủy lạo nói trên, khi cho phẩm vật những người bị bệnh hoạn tật nguyền hay hoạn nạn cần phải có lòng từ và thành kính chính tự tay mình trao, xem bệnh nhân như người quyến thuộc của chính mình. Gặp những việc phước thiện nhỏ như thấy tượng Phật chắp tay xá, cúng một cành hoa, một nén hương cho đến bố thí con vật một vắt cơm, thấy kiến trùng bị nạn cứu vớt... thì cũng cố gắng làm và đem việc phước thiện này hồi hướng phát nguyện cầu vãng sanh về Tây-phương Cực-Lạc thế giới thì những việc làm phước thiện thế gian này dù nói là trợ hạnh nhưng cũng thành chánh niệm Phật. Dụ như nước trăm sông chảy về biển cả đều thành nước biển.

Với việc phát nguyện hồi hướng này có người gạn rằng, làm phước thời hưởng quả báo an vui, tạo tội thì phải thọ quả báo đau khổ là lẽ tự nhiên cần chi phải phát nguyện hồi hướng rồi sau mới thành tựu. Thí như các nhà nông có cày cấy thì tự nhiên có lúa gặt, đâu cần gì phải phát nguyện?

Đáp: Gạn như vậy đúng mà không đúng vì làm phước mà không phát nguyện hồi hướng thì việc làm ấy không có mục đích. Nên biết nguyện là vị đạo-sư, nếu đi đường mà không có vị đạo-sư dẫn đường thì chẳng những lầm đường lạc lối lại còn bị nhiều nguy hiểm và cứ đi mãi mà không biết là mình đến chỗ nào. Lại cũng như người đánh xe, con trâu bò, con ngựa có sức kéo xe, nếu không có người đánh xe thì nnó kéo đi mãi biết đến chỗ nào mới tới đích? Lại ví như nấu vàng để làm nữ trang, cần phải có người thợ vàng thì vàng mới trở thành các món nữ trang chứ tự vàng không thể tự thành các món đồ ấy được.

Như đức Phật dạy: “Tu chút ít phước, trì chút ít giới nhưng không biết pháp môn thiền định, họ nghe nói ở trong nhân gian có những người giàu có an vui hay nghe cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, họ sanh tâm ưa thích mong muốn được sanh về cảnh giới ấy. Do đó, sau khi mạng chung đều được toại nguyện”. Chúng ta niệm Phật, tu phước cũng vậy phải tha thiết phát nguyện cầu vãng sanh Cực-Lạc mới được kết quả.

B.Hạnh xuất thế:

Thực hành theo hạnh Bồ-Tát, tu lục-độ vạn-hạnh và thực hành những công đức khác như tuyên dương Phật Pháp, hóa độ quần sanh, đọc tụng các kinh điển Đại-thừa, tu các Sám pháp như Lương-Hoàng-Sám, Thủy-Sám... đều đem hồi hướng phát nguyện cầu vãng sanh Tây-phương Cực-Lạc thế giới thì các việc làm công đức thuộc về trợ hạnh ấy cũng đều thuộc về hạnh Tịnh-độ.

Vì thế nên với người Phật tử bất luận xuất gia hay tại gia, tu theo pháp môn Tịnh-độ phải biết rõ hai hạnh nói trên nghĩa là lấy chánh hạnh làm căn bản, lấy trợ hạnh làm phụ giúp.

Nếu không nhận chân như vậy, nghe nói tư về Tịnh-độ chỉ chuyên tâm niệm Phật ngoài ra việc gì cũng bỏ qua như cha mẹ mình bị bịnh hoạn, đói thiếu cũng bỏ mặc kệ hay sao? Và trong lúc chính cá nhân mình, trong gia đình giàu có, vàng bạc đầy rương, lúa gạo đầy kho thì bên ngoài không biết bao nhiêu người bị tai trời ách nước, cơm không có ăn, áo không có mặc, không nơi ở, người Phật tử thản nhiên viện cớ tôi đang niệm Phật có được chăng? Niệm Phật mà lòng từ bi không có chẳng những trái với từ tâm của người Phật tử mà cũng trái với tâm đại từ của Phật thì làm sao được Từ-Phụ A-Di-Đà tiếp dẫn về Tây-phương Cực-Lạc thế giới??? Lại bị thế nhân chê cười, người tu theo đạp Phật là ích kỷ không lợi ích gì cho nhân quần xã hội.

Như trên đã giải thích phần sau của bài kệ, bây giờ xin nói về phần đầu: “Thật vì sanh tử - Phát Bồ đề tâm”.

“Thật vì sanh tử”.Chúng ta tu hành nếu không có tâm chơn thật mong cầu thoát ly sanh tử thì sự tu hành thiện căn phước đức ấy trở thành pháp hữu lậu, tạm hưởng diệu lạc trong cõi nhân thiên, khi phước hết rồi trở lại luân hồi đọa lạc ví như chàng tráng sĩ ném cục đá lên hư không, khi lực tác động vào cục đá hết rồi thì nó rơi xuống. Lại có điều nguy hiểm khác nữa là như trong phần thứ hai đã nói nghĩa là đời này tu thiện căn phước đức là nguyên nhân đọa lạc cho đời thứ ba. Vì thế chúng ta nên nhận chân những nỗi khổ đau cực trọng trong thế gian này không chi hơn là sanh tử. Tại sao vậy? Vì ngay trong dời hiện tại này mà sanh tủ không chấm dứt thì đời tương lai kế tiếp phải có sanh, đã có sanh thời phải có tử, tử rồi lại sanh nữa, cứ như thế tiếp tục sanh sanh tử tử, tử tử sanh sanh không biết bao giờ chấm dứt. Ra khỏi một bào thai này lại chui vào bào thai khác, bỏ một đãy da này để mang một đãy da khác. Những lời Tổ dạy xin quí vị nghĩ kỹ thời sẽ thấy rõ. Tuy nhiên, tôi xin nói lược nghĩa là chúng ta lúc thọ sanh vào bụng bà mẹ này một thời gian rồi được sanh ra, tùy theo nghiệp mà sự sống thì có yểu có thọ, yểu thì 1-2 tuổi hay 5-7 tuổi, đoạn trung bình xin lược, thọ thì bảy tám chục tuổi. Rốt cuộc rồi cũng đến ngày tử vong, thế là bỏ một cái đãy da rồi trở lại tùy nghiệp vào trong bụng bà mẹ khác. Khi đã đúng 10 tháng ra chào đời, rồi cũng tùy theo tuổi thọ yểu như trên, cuối cùng con quỷ vô thường bắt đem đi, tiếp lấy thọ thân khác nữa. Cho nên Tổ dạy bỏ một đãy da này mang lấy 1 đãy khác là như thế, thiết tưởng sự khổ thọ thân trong cõi người này đã không kham. Hơn thế nữa, trong vòng luân hồi chưa thoát ly thì sự đọa lạc ác đạo 100% khó tránh khỏi. Cho nên, vừa ra khỏi bào thai heo trở lại chui vào bào thai chó, vừa bỏ đãy da lừa này lại mang lấy đãy da ngựa khác bởi thân người khó được mà lại dễ mất nên Phật dạy rõ “được thân người như chút đất dính móng tay, mất thân người bị đọa vào tam đồ nhiều như đất miền đại địa”. Còn một nỗi khổ nữa, chỉ một niệm sai lầm liền đọa vào ác thú. Sự việc này trong kinh Phật dạy quá nhiều, ở đây tôi xin đơn cử một việc như vưa A-Kỳ-Đạt là một vị minh quân, đối với thế pháp, Ngài một lòng vì dân vì nước, đối với Phật Pháp, Ngài là một vị Phật tử thuần thành trọng Phật kính Tăng. Thế mà trong lúc bị trọng bệnh vì quan hầu săn sóc cho vua trả qua nhiều ngày mê mệt nên ông cầm quạt, quạt vua mà ngủ gật. Chiếc quạt đập mạnh vào mặt vua, trong giờ phút ấy vua nổi lên một niệm sân hận. Chỉ một niệm sân ấy mà vua mệt rồi chết đi. Xả báo thân quý báu của một vị Đại-Vương, vì niệm sân hận nên vua đọa làm độc xà ở hậu thân.

Thưa quí vị, khi đọc đoạn văn này nên thống thiết nghĩ đến sự kịch khổ sanh tử mà nhất tâm niệm Phật cầu về Tậy-phương vì trong thế gian này không ai cứu chúng ta được cho dù đó là cha mẹ, người thương chúng ta hết mực, quên hết tất cả sự cực nhọc, hy sinh cho con hay ở trên trời có chư Thiên cùng các vị thiện thần đồng có đại lực cũng không thể cứu chúng ta thoát khỏi vòng sanh tử vì chính quí vị ấy cũng như ta vẫn ở trong cảnh luân hồi. Tôi nói đến đây bỗng nhớ một truyện trong kinh Bách-Dụ. Có một gã thanh niên bị hói đầu, đi khắp mọi nơi tìm thầy điều trị nhưng không thuyên giảm chút nào. Cuối cùng, gã nghe người ta nói có một vị lương y đại tài chữa bệnh gì cũng khỏi bèn đến thuật lại bệnh tình và cầu khẩn lương y ấy điều trị.

Lúc ấy, vị lương y đang đội mũ bèn dở mũ ra mà nói: “Anh hãy xem đầy tôi đây bị hói không còn một cọng tóc. Nếu tôi chữa được thì tôi đâu đành bỏ qua để phải chịu khổ, mùa nắng thì nóng tới xương tủy, tiết lạnh thì buốt cả tim gan”. Thế là gã thanh niên kia đành thất vọng quay về.

Hơn thế nữa, chốn tam đồ rất dễ vào nhưng muốn thoát khỏi trăm ngàn vạn lần khó. Tại sao vậy? Vì thời gian thọ khổ tội nhân trong địa ngục quá lâu dài. Sự việc này, nếu không y cứ trong Kinh Luận dẫn ra để làm chứng cứ thì quí vị khó phát tín tâm thiết tha niệm Phật cầu về Tây-phương. Nơi đây, tôi xin y trong luận Câu-Xá lược dẫn để quí vị được biết rõ và để cho gọn tôi xin tóm lược đại khái như sau, trước hết là tóm lược ngày tháng của ba nơi: Nhân gian, cõi trời và dưới địa ngục.

Ở nhân gian chúng ta lấy 30 ngày làm một tháng, 12 tháng làm 1 năm. Trên 6 cõi trời ở dục-giới và 6 cảnh địa-ngục ở dưới minh-phủ cũng đồng như vậy. Xin quí vị nhớ điểm này làm gốc cho đoạn văn sau để thấy rõ sự dài ngắn của ba nơi khác nhau một trời một vực.

50 năm nơi cõi nhân gian bằng một ngày đêm nơi cõi trời Tứ-Thiên-Vương, thọ số nhất định ở cõi trời này là 500 năm. Thời gian dài đăng đẳng 500năm của cõi trời Tứ-Thiên-Vương như thế chỉ bằng 1 ngày đêm trong cảnh địa ngục Đẳng-Hoạt.

100 năm trong cõi nhân gian chỉ là 1 ngày đêm của cõi trời Đao-Lợi, thọ số nhất định của cõi trời này là 1000 năm. Thời gian dài dai dẳng 1000năm của cõi trời Đao-Lợi như thế mà đối với cõi địa ngục thứ hai cũng chỉ là một ngày đêm.

Như trên, tôi đã nói qua 2 cõi trời và 2 cảnh địa ngục, còn 3 cõi trời và 3 cõi địa ngục kia xin cũng lược. Chỉ xin nói rõ cõi trời Tha-Hóa Tự-Tại và cõi Cực-Viêm-Nhiệt Đại địa ngục.

16 000 năm ở nhân gian bằng 1 ngày đêm ở cõi trời Tha-Hóa Tự-Tại, thọ số nhất định ở cõi trời này là 1 vạn 600 năm, đối với Viêm-Nhiệt địa ngục chỉ là một ngày đêm. Như thế, chúng ta thấy rõ một ngày một đêm của cõi Viêm-Nhiệt Đại địa ngục là 160 thế kỷ của nhân gian.

Trên là nói sự lâu dài và kịch khổ trong chốn địa ngục, tiếp theo xin trích lời dạy của Tổ về sự thọ khổ và thời gian lâu dài của loài bàng sanh, nơi đây xin đơn cử về loài kiến, nương theo đó mà biết tất cả loài bàng sanh khác.

Từ đức Phật Tỳ-Bà-Thi cho đến Bổn-Sư Thích-Ca là trải qua 7 đức Phật, với thời gian lâu dài như vậy, chúng sanh vẫn chưa thoát được thân kiến. Sự việc ấy trong kinh Hiền-Ngu, phẩm thứ 43 quyển thứ 9 có nói về trưởng-giả Tu-Đạt làm tinh-xá.

Khi Cấp-Cô-Độc thấy ngài Xá-Lợi-Phất có vẻ buồn, bèn hỏi:

-“Tôn-giả, tại sao Ngài có vẻ buồn?”

-“Trưởng giả có nhìn thấy đàn kiến này không?”

-“Dạ thưa tôn-giả, có nhìn thấy”. Cấp-Cô-Độc trả lời.

-“Trưởng giả, vì chưa có đạo nhãn nên không biết nguyên ủy đám kiến này. Đời quá khứ cũng ở khu đất này, ông làm tinh-xá cúng dường đức Phật Tỳ-Bà-Thi thì đàn kiến này nó ở đây. Đến đức Phật Thi-Khí, ông cũng làm tinh-xá tại khu đất này để cúng dường Phật, đàn kiến này cũng sanh ở đây. Đến đời đức Phật Tỳ-Xá-Phù, ông cũng làm tinh-xá ở khu đất này cúng Phật, đàn kiến cũng ở đây. Đến đời đức Phật Câu-Lưu-Tôn, ông cũng làm tinh-xá ở khu đất này cúng Phật, đàn kiến này cũng sanh ở đây. Đến đời đức Phật Câu-Na-Hàm Mâu-Ni, ông cũng làm tinh-xá ở khu đất này cúng Phật, đàn kiến này cũng sanh ở đây. Đến đời đức Phật Ca-Diếp, ông cũng làm tinh-xá ở khu đất này cúng Phật, đàn kiến này cũng sanh ở đây. Cho đến nay là đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni, ông làm tinh xá cúng Phật đàn kiến này cũng ở đây. Như thế đã là 91 kiếp chưa thoát khỏi thân kiến thì biết ngày nào mới được giải thoát? Ông nên coi sanh tử đọa lạc lâu dài như thế, đã mấy ai biết sợ mà cầu giải thoát, cho nên con người có trí phải biết bỏ lòng tham dục, si mê mà tu đạo làm thiết yếu!”

Tu-Đạt nghe xong rơi lệ chứa chan, thương mình và thương chúng sanh mê lầm lạc nẻo, tham chút vinh lạc nhơ bẩn của thế gian đến độ phải bỏ thân này, thọ thân kia, lộn vòng xoay trong ác thú!

Theo trong kinh Hiền-Ngu nói trên, tôn-giả Xá-Lợi-Phất, Ngài dùng túc mạng thông để thấy rõ đàn kiến ở tại khu đất sắp xây cất tinh-xá cho Phật tức là Bổn-Sư Thích-Ca, từ đức Phật Tỳ-Bà-Thi đến Bổn-Sư Thích-Ca là 91 kiếp, thời gian ấy quá lâu xa. Ở đây xin gác qua không cần tính mà chỉ lấy một tiểu kiếp thứ 9 ở trong 20 tiểu kiếp, thời kỳ kiếp Trụ. Niên số tiểu kiếp này là 16 triệu 800 ngàn. Chỉ nói phớt qua niên số của 1 tiểu kiếp để quí vị đọc bài thấy rõ sự lâu dài của loài bàng sanh như con kiến. Niên số tiểu kiếp lâu dài dường ấy thì sự lâu dài của kiếp khác không cần nói cũng biết. Ở trong đây nói loài kiến sanh tử tử sanh trong 91 tiểu kiếp cũng chưa thoát khỏi thân kiến.

Chúng sanh ở trong vòng luân hồi sống chết, chết sống như trn vừa nói qua địa ngục và bàng sanh, thời kiếp lâu dài không thể tính kể, biết bao giờ chấm dứt, lại chịu muôn ngàn thống khổ, xúm nhau bức ngặt, đốt thiêu không nơi nương tựa, không ngươi cứu độ. Mỗi một khi nói đến, toàn thân nổi gai ốc, ruột gan như đứt đoạn, ngũ tạng tựa đốt thiêu. Thế nên, hôm nay, chúng ta được thân người lại được gặp Phật Pháp hơn nữa lại gặp pháp môn tối thắng có một không hai, thống thiết nghĩ đến sự sanh tử luân hồi như cha mẹ chết chưa chôn, như cứu lửa cháy đầu.

Phải nhất tâm niệm Phật, cầu mau thoát khỏi luân hồi. Nhưng chúng ta vì sợ sanh tử cầu thoát luân hồi thì tất cả nhân loại nói riêng và chúng sanh nói chung cũng đều bị sanh tử luân hồi đều cần phải tìm đường thoát ly. Vì những chúng sanh ấy với ta đồng một thể tánh, đều là cha mẹ chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp mà cũng là chư Phật ở thuở vị lai. Như thế, nếu chúng ta chỉ cầu tự lợi, không có tâm phổ độ chúng sanh, đối với lý có nhiều khuyết điểm, đối với tâm của người Phật tử đâu thể an được. Do đó, chúng ta cần phải biết phát Bồ-đề-tâm. (Thông thường trong kinh nói, phát Bồ-đề-tâm có nghĩa là phát đại tâm, trên cầu vô thượng quả, dưới cứu khổ chúng sanh). Tôi xin y cứ trong văn Đại sám hối dẫn một đoạn sau đây. Nguyên văn: “Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhân thiên phước báo, ... nhất thời đồng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề”. Ý nghĩa đoạn văn sám này là nói về phát Bồ-đề-tâm cũng gọi là phát tâm cầu vô thượng Phật quả nên trong văn sám mới nói: “Con hôm nay phát tâm, không chuyên vì tự mình mong cầu phước báo cõi nhân thiên để riêng hưởng vui ngũ dục lạc, chẳng những với sự diệu lạc trong cõi nhân thiên không mong cầu mà cái vui thanh tịnh tịch diệt Niết-Bàn của nhị-thừa, Thanh-văn, Duyên-giác cho đến các vị Bồ-Tát của Quyền-thừa cũng không mong cầu luôn. Chỉ y nơi tối thượng thừa, phát tâm Bồ-đề, nguyện cùng với tất cả chúng sanh trong pháp giới đồng thành quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”. Tại vì sao không cần phước báo nhân thiên? Vì phước báo cõi người vui ít khổ nhiều, hơn nữa lại là cái vui trong khổ. Sự việc này xin quí vị đến cách bệnh viện cùi hay lao thì rõ. Sự diệu lạc ở cõi trời với nhân gian 100% không bì kịp nhưng khi phước trời đã hết cũng có cái khổ ngũ suy tướng hiện rồi phải chịu luân hồi như trong kinh nói những bậc tu hành thiền định cao sanh lên cõi trời Phi-tưởng, Phi-phi-tưởng thọ số của hàng thiên nhân cõi này đến tám vạn đại kiếp. Một đại kiếp theo niên số của nhân gian là 1 344 000 000 năm (1 tỷ 344 triệu năm). Một đại kiếp niên số chừng ấy thì niên số của 8 vạn đại kiếp không cần nói, quí vị vẫn biết sự lâu dài. Khi phước trời đã hết vẫn bị đọa làm thân phi ly (chồn bay). Còn bật thánh Nhị thừa dù đã ra khỏi vòng luân hồi trong tam giới mà vẫn còn trầm trệ trong cảnh không tịch Niết-Bàn, không hoá độ chúng sanh. Hàng Quyền-thừa Bồ-Tát đã phát đại tâm phổ độ chúng sanh nhưng vô minh chưa phá hết, thế là chưa cứu cánh đến quả vị vô thượng giác.

Nam-mô A-Di-Đà Phật. Như trên tôi đã y theo bài kệ của Tổ giải thích đã xong. Bây giờ cần có điểm phải nói rõ, nghĩa là thông thường Tiên đức có dạy: Ngôn dị mà hành nan (nói lý thuyết rất dễ nhưng sự thật hành 100% khó khăn. Thế cho nên đại Bồ-đề-tâm đã phát thì cần phải tu hành đại hạnh nhưng đại hạnh đâu phải là việc dễ làm. Như Bổn-Sư Thích-Ca chúng ta tu hành Bồ-tát-đạo trong vô lượng kiếp ở trong thời quá khứ, làm một vị đại Quốc-vương muốn cầu Chánh-pháp của Phật, chỉ 1 bài kệ 4 câu mà phải khoét thân mình nghìn lổ để chế dầu làm tim đốt đèn. Lại có khi vì cầu một bài kệ, phải đóng trên thân nghìn cây đinh, lại có lúc nguyện thực hành xả thí bất nghịch nhơn ý (không trái ý người) nên ông Lao-Độ-Sai, dòng Bà-la-môn đến xin thủ cấp Ngài vẫn sẳn sàng hứa khả vì nếu không thuận ý người thì đại nguyện của mình không mãn.

Về việc cầu pháp của Bổn-Sư Thích-Tôn hành Bồ-tát-đạo trong vô lượng kiếp ở thời quá khứ xin xem trong phẩm 1 Phạm-Thiên Thỉnh Pháp ở quyển thứ 1 của kinh Hiền-Ngu thì rõ. Còn về việc bố thí đầu, nơi đây tôi xin y cứ theo kinh Hiền-Ngu, phẩm 26, quyển 5 nói sơ lược để quí vị thấy rõ việc hành Bồ-tát-đạo của Bổn-Sư chúng ta với hạnh khó làm đó. Tiền thân của Bổn-Sư là Đại-vương Nguyệt-Quang, thời ấy có một vị Tiểu-vương là Tỳ-Ma-Tư-Na nghe danh vua Nguyệt-Quang đồn khắp muôn phương, trên thì các vị tiểu quốc vương, dưới thì tất cả thần dân đều khác miệng đồng lời tán thán. Do đó, ông đem lòng ganh ghét cực độ đến mức ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Ông tự nghĩ phải tìm mưu kế gì để tiêu diệt ông Nguyệt-Quang này mới thỏa dạ, liền triệu tập các thầy Bà-la-môn đến. Sau khi các quý thầy Bà-la-môn vào tới nội cung, ông thưa với quý thầy rằng: “Tôi có một việc đáng lo đáng sợ đến nỗi ngày quên ăn, đêm mất ngủ. Quý thầy có phương tiện gì để giải quyết hộ, trẫm xin vạn tạ thâm ân”.

Quý thầy Bà-la-môn hỏi: “Tâu Bệ-hạ! Có việc chi xin nói chúng tôi rõ, nếu giúp được chúng tôi xin hết sức”. Vua nói: “Thưa quý Ngài! Hiện nay vua Nguyệt-Quang muôn phương mến phục, phúc đức lớn lao. Dĩ nhiên có sự lo lắng cho tôi sau này. Quý Ngài có phép thần gì tiêu diệt ông vua đó?”

-  “Tâu Bệ-hạ! Vua Nguyệt-Quang là người có đức lớn thương dân như con, dân coi vua như cha mẹ, chúng tôi đâu nỡ đem tâm gì để mưu hại, thà chết chơ không nỡ hại người hiền”.

Các giáo sĩ Bà-la-môn nói những lời trên xong, đứng dậy tỏ ý bất phục và khinh miệt vua Tỳ-Ma-Tư-Na, quay lưng trước mặt vua và bỏ đi. Nói về vua Tỳ-Ma-Tư-Na nơi tâm vừa bực tức lại buồn rầu hạ chiếu cho toàn dân trong nước biết, nếu ai lấy được đầu của vua Nguyệt-Quang, thì sẽ gả công chúa và chia nửa nước để cai trị. Khi đó có một người dòng Bà-la-môn tên là Lao-Độ-Sai ở núi Hiếp đến xin đi lấy đầu vua Nguyệt-Quang. Lao-Độ-Sai lãnh chiếu đi lấy đầu vua Nguyệt-Quang trải qua nhiều ngày mới đến. Khi vừa tới Ngọ môn liền xin quan giữ cửa cho vào yết kiến Đại-vuơng. Khi vào đến nội cung, vua Nguyệt-Quang niềm nở tiếp đón và hỏi rằng: “Ngài từ phương xa đến đây có mệt nhọc lắm không? Ngài có cần dùng gì thì tôi xin trân trọng kính biếu”.

-  “Muôn tâu Thánh thượng, tôi từ phương xa đến đây có một việc duy nhất là xin thủ cấp của Ngài vì nghe Đại-vương có tâm đại nhân từ thương dân như con một, lại nguyện bố thí không trái ý người”. Đại-vương Nguyệt-Quang nghe mấy lời ngỗ nghịch trên nhưng trong lòng không thấy gì làm buồn giận. Ngài đáp rằng: “Việc ấy Trẫm xin sẳn sàng làm mãn ý Ngài chỉ xin Ngài lưu lại đây thời gian tuần lễ để trẫm hạ sắc lệnh cho các tiểu quốc vương cùng muôn dân được biết”.

Tin đức vua Nguyệt-Quang hứa cho thủ cấp lan đi như tiếng sét trong khắp mười phương, bấy giờ có một vị đại thần tên Đại-Nguyệt nghe được tin ấy lòng đau như cắt, lập tức đi thuê người làm 500 thủ cấp bằng thất bảo đem dâng cho đạo sĩ Lao-Độ-Sai và hết lòng thành khẩn cầu ông nhận lấy, bỏ qua ý định xin thủ cấp của Đại-vương. Đại thần Đại-Nguyệt nói rõ sự hơn thua: “Đạo sĩ dùng 500 chiết thủ cấp này ăn suốt đời mình đến đời con cháu cũng không hết, đầu của Đại-vương tôi Ngài không dùng vào đâu được, chỉ vài ngày nó sẽ thúi rã...” nhưng ông ta nhất định không nghe theo lờ của đại thần Đại-Nguyệt. Thế là đến ngày thứ bảy, Đại-vương Nguyệt-Quang bảo Lao-Độ-Sai lấy thủ cấp. Trong giờ phút ấy, Nguyệt-Quang Đại-vương một lòng thành kính, chắp tay phát nguyện: “Nguyện mười phương chư Phật từ bi chứng giám cho con, con nguyện đem công đức bố thí đầu không cầu làm Phạm-vương, Ma-vương, Đế-Thích, Chuyển-Luân-Thánh-Vương để vui sướng ở ba cõi, con xin cầu thành Phật độ chúng sanh đưa dắt muôn loài đến cõi Niết-Bàn an lạc”.

Sau khi Đại-vuơng Nguyệt-Quang phát nguyện, Lao-Độ-Sai múa đao hạ thủ cấp. Thế là nguyện của ông đã mãn. Bấy giờ liền mang thủ cấp của Đại-vương Nguyệt-Quang về bổn quốc để hưởng sự vui sướng sắc tài danh vọng. Lúc bấy giờ ở bên ngoài tất cả các tiểu quốc vương và thần dân hay tin khác nào như cha mẹ mình thệ thế, trong nội cung các phu nhân thể nữ cùng các quan đại thần tiếng than khóc vang động đất trời, có người chết đứng, có người ngã nhào nằm thiếp dưới đất, có người bứt tóc bứt tai, có người cào cấu mặt mày đến độ chảy máy..., cảnh tượng thảm thương diễn ra không bút mực nào tả cho cùng, không lời nào nói cho hết.

Giờ đây lại nói về Lao-Độ-Sai mang chiếc thủ cấp của Đại-vương đi được vài ngày thì trở nên sình thúi, hôi hám không chịu nổi, bèn vất bỏ nơi vệ đường, dùng chân chà đạp. Dân chúng nhìn thấy biết là thủ cấp của vua mình, họ xúm nhau đánh đập Lao-Độ-Sai tơi bời và nguyền rủa một cách thậm tệ lại truyền với nhau rằng thằng độc ác này một hạt cơm cũng không cho, một giọt nước cũng không thí. Lại nghe tin vua của hắn là Tỳ-Ma-Nư-Na khi vừa được tin đã hạ thủ cấp của vua Nguyệt-Quang, quá vui mừng bể tim mà chết. Lao-Độ-Sai phần vì đi đường xa mệt mỏi, phần đói khát lại hay tin vua mình đã chết có về tới nước cũng mang danh ác độc không được hưởng quyền cao tước trọng, vợ đẹp hầu xinh nên buồn rầu đến cao độ bể tim mà chết giữa đường. Cả vua tôi khi xả báo thân do tội ác cực trọng tùy nghiệp mà bị đọa vào A-tỳ địa-ngục chịu muôn phần kịch khổ.

Còn không biết bao nhiêu việc khổ hạnh khó làm khác không thể kể xiết, chỉ nói sơ qua để quí vị thấy rõ ở cõi Ta-bà này thực hành Bồ-tát-đạo không phải là chuyện dễ. Nhưng không thể thực hành những công hạnh của Bổn-Sư Thích-Tôn mà nương theo các pháp môn khác tu tập cầu thoát sanh tử cũng là điều vạn nan vì tu các pháp môn tự lực, đối với hai món phiền não kiến tư chưa đoạn sạch vẫn bị luân hồi nên trong kinh thường lấy ví dụ con chim muốn bay mà còn bị sợi chỉ mành cột chân không thể bay được. Do vậy ở trong các hạnh môn tìm vào một môn, hạ thủ công phu dễ dàng mà thành công cao không chi hơn là dùng lòng tin sâu chí nguyện tha thiết mà nhất tâm niệm Thánh hiệu Từ-Phụ A-Di-Đà Phật.

Nam-mô A-Di-Đà Phật, tôi xin thành tâm theo lời Liên-Tông Thập tam Tổ chỉ dạy để kết thúc bài văn giải thích cho bài kệ này. Tổ dạy rằng: Ta-bà là cảnh xấu xa ô trược, lại đầy dẫy các thứ khổ đau. Thế thì chúng ta cần phải cầu mong thoát khổ nhưng mong cầu thoát khổ lẽ đương nhiên phải tu theo pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây-phương. Tại sao vậy? Vì Tây-phương Cực-Lạc thế giới là cảnh thuần thanh tịnh lại hoàn toàn an vui, với sự khổ danh từ còn không nghe huống chi là sự thật. Vậy chúng ta muốn thoát khỏi cảnh ô trược khổ não cõi Ta-bà thì không có chi hơn là một lòng thành kính tin theo Bổn-Sư Thích-Tôn chỉ dạy, phải tin sâu, phát nguyện thiết, phải chuyên tâm niệm Phật và tin theo lời khuyến tấn của chư Phật trong mười phương mà thực hành. Tại sao phần giải thích bài kệ tôi lại sắp thứ tự đảo lộn? Vì hai câu hệ sau là món tư lương để về Tây-phương Cực-Lạc, thế nên tôi nói trước để quí vị biết rõ pháp môn tu hành mau giải thoát sau đó mới giải thích hai câu trước để chỉ rõ sự tu hành là cốt mong thoát ly sanh tử. Nhưng riêng cầu sớm thoát ly sanh tử cho bản thân mình ấy là điều kiện không hợp lý, trái lời Phật dạy. Hơn nữa, trong kinh Vô-Lượng-Thọ dạy: Tam bói vãng sanh đêu phát Bồ-đề-tâm, đó là lý do trong khi giải thích tôi đã có sự đảo lộn: Đem sau để trước, đem trước để sau là như vậy.

Phần quyết nghi

Kính thưa quí vị, quí vị đọc hai đoạn văn trong Luận Đại-Trí-Độ và kinh Tăng-Nhứt A-Hàm so sánh về công đức bố thí và niệm Phật trong phần 3, lời giải thích câu kệ thứ tư chắc không khỏi có tâm thắc mắc mà vấn nạn rằng sự so sánh này dường như quá đáng. Vì một người trải qua thời gian nghìn năm đêm thất bảo cúng dường chư Phật mà không bằng có người chỉ niệm một câu “Nam-mô A-Di-Đà Phật" (1). Còn việc bố thí chúng sanh khắp cõi Diêm-phù-đề dẫn trong kinh Tăng-Nhứt-A-Hàm nói, chuyện ấy xin gác qua vì nói một thì biết được hai. Với việc so sánh này thật không thể làm cho người tin được, dù biết rằng đấy là kim khẩu của Phật.

(1)    Sự việc này quá dễ vì trẻ con 3 tuổi vẫn niệm được

Đáp: Kính thưa quí vị, tôi cũng như quí vị đều là phàm phu nhục nhãn, chỉ thấy việc hiện tiền... Tuy nhiên, thưa quí vị, người Phật tử tin Phật phải dùng tríy huệ suy đoán mà tin chớ không thể tin một cách mù quáng. Thế nên, nơi đây, tôi nêu lên hai việc để quyết nghi cho quí vị:

1.       Như trong kinh Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật có một đoạn như sau: “Như-Lai bất dị ngữ giả” nghĩa là các đức Như-Lai thị chơn ngữ giả, thật ngữ giả, bất cuống ngữ giả, nói lời chơn chánh, nói lời thành thật, nói lời đúng đắn, không dối gạt một ai, nói lời không sai ngoa. Thế nên, lời nói của Phật là một kim ngôn quyết định, dù trả qua hằng hà sa số kiếp cũng không có một Đấng thánh nhân nào thay đổi được. Vì thế, khi Bổn-Sư Thích-Tôn sắp Niết-Bàn, Ngài hỏi các thầy Tỳ-kheo rằng: “Chúng con đối với lý Tứ-Đế có điểm nào nghi nên hỏi mau đi, đừng hoài nghi trong tâm, một khi Thế-Tôn đã Niết-Bàn, không ai giải quyết cho chúng con”. Đức Thế-Tôn 3 phen gạn hỏi như vậy nhưng trong chúng vẫn im lặng. Trong giờ phút ấy, tôn-giả A-Na-Luật đã dùng thiên nhãn quán sát tâm đại chúng, thấy rõ toàn chúng không có tâm nghi. Đoạn Tôn-giả kính cẩn lễ Phật mà bạch rằng: “Kính lạ đức Thế-Tôn, mặt trăng có thể làm nóng được, mặt trời có thể làm cho lạnh được chứ với lý Tứ-Đế của Phật đã tuyên thuyết là một thiết án bất di, bất dịch... (xin lược bớt).

2.       Xin quí vị đọc lại đoạn giải thích câu kệ thứ nhất: “Thật vì sanh tử”. Trong đoạn giải thích này, tôi dẫn trong kinh Hiền-Ngu quyển thứ 9 một đoạn nói về việc tôn-giả Xá-Lợi-Phất cùng với trưởng giả Cấp-Cô-Độc xây cất tinh xá cho Phật. Tôn-giả Xá-Lợi-Phất quí vị ai cũng biết. Ngài là trí tuệ bậc nhất trong hàng đại Thanh-văn, túc-mạng-thông của Ngài biết suốt 91 tiểu kiếp nhưng đây là hạn cuộc đối với đàn kiến này chứ sự thật Ngài còn biết lâu xa hơn nữa. Thế mà đối với thiện căn niệm Phật của ông cụ 100 tuổi xin xuất gia, Ngài không thể biết rõ. Như thế, chúng ta là phàm phu, kiếp sông của một đời người còn nhớ không rõ mà trở lại hoài nghi với việc hằng hà sa số kiếp của Phật nói, khác nào con ếch nằm dưới đáy giếng xem trời.

Kết thúc đoạn văn quyết nghi này, xin quí vị nhớ lại trước tôi đã dẫn trong các kinh nói hạt giống niệm Phật một khi huân vào trong tạng thức, dù trải qua vô lượng vô biên số kiếp vẫn không tiêu mất, một khi gặp duyên liền phát sanh. Nói một cách dễ hiểu: Chúng ta đem hạt bắp, hạt đậu... bỏ dưới mặt đất, đến khi gặp duyên, sương mù, mưa... thì nó nẩy mầm cho đến thành cây, đơm hoa kết trái. Còn việc bố thí công đức vĩ đại kia thuộc về phước hữu lậu, dù trải qua nhiều kiếp hưởng diệu lạc cõi nhân thiên, cuối cùng cũng ở trong vòng luân hồi và bị đọa lạc, nếu không tiếp tục tu phước nghiệp.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro