Một buổi tối của Hà Nguyên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hà Nguyên cột lại tóc, đã quá giờ đi làm hơn mười phút rồi mà cô vẫn đang loay hoay với đống tài liệu chuyên ngành, bài tập hôm nay thật sự quá khó rồi. Lúc trước cô có nghe các chị học cùng lớp Tư duy nói qua, học xong là đống tiền tiết kiệm cũng đi đời luôn. Khổ thân những con người hay bị stressed, mà đã tressed là phải tiêu tiền, tiêu không nhìn giá không suy nghĩ thì mới cảm thấy khá hơn được. Cô không bị cuồng mua sắm nhưng cũng có vài triệu chứng nhẹ. Ví dụ như mua đồ ăn không nhìn giá, ăn đến khi no căng bụng thì thôi. Cô lại là quỷ đói nữa, theo nhận xét của bạn bè, nên sức ăn có phần khủng (khiếp). Đây có thể xem là nguyên nhân khiến một cô gái trẻ trung năng động làm ba công việc một lúc lúc nào cũng trong tình trạng thắt lưng buộc bụng để duy trì cuộc sống.

Chuẩn bị xong cũng là 7 giờ tối, cô khóa cửa phòng bắt đầu đi làm. Hôm nay hơi bị xui thì phải, mưa tầm tã, nước chảy ngập hết lên cả vỉa hè, đen ngòm, thỉnh thoảng cuốn theo cả mấy túi rác của nhà dân đổ sai giờ quy định. Thật muốn nghỉ quách đi cho rồi. Mà không được, nếu nghỉ thì tiền nhà tháng này phải làm sao? Uimeoi thật khổ quá mà.

Trời mưa làm tâm trạng con người ta trùng đi hẳn. Cảm giác bần thần, mơ hồ bao trùm lấy Nguyên. Cô thích mưa, khi còn học cấp hai, còn từng ước muốn trở thành một đám mây mang mưa đến mọi vùng đất khô cằn trên thế giới này, đúng là trẻ con. Khi ấy cô đâu biết mưa rơi xuống thì đám mấy ấy cũng sẽ biến mất theo mưa. Giờ biết rồi suy nghĩ cũng không thay đổi nhiều lắm. Cuộc sống nhàm chán, tương lai mờ mịt hiện tại giống như bầu trời mưa vậy, thật không biết nên đi về đâu.

Đúng 7 giờ rưỡi Nguyên đến điểm bus, vừa hay chiếc xe bus cô cần cũng đến nơi. Xem ra hôm nay rốt cuộc cũng có chút may mắn.

Xe bus khá vắng khách, dịch dã thế này mọi người đều hạn chế ra đường đi chơi này nọ, ít người thoải mái hơn hẳn. Hà Nguyên chọn một ghế trống gần cửa sổ bên tay phải. Một là vì nó tiện xuống, hai là vì cô thích phong cảnh nơi đô thị xa lạ này phía bên phải hơn. Nhiều cây xanh, nhiều hàng quán nhộn nhịp sắc màu, nhiều kỷ niệm với đám bạn cùng lớp. Nhắc mới nhớ, từ lúc chia chuyên ngành là ít gặp hẳn, ai cũng bận rộn đi. Cô lại không hay nói chuyện, cũng không thích nói chuyện, mọi thứ đang rất ổn với những gì nó có.

Hết nhìn đường lại quay sang quan sát hành khách trên xe. Có tổng cộng ba hành khách. Một bà lão tầm 60 tuổi, mặc quần áo thể thao màu xanh dương khá rộng, vai đeo túi vải khổ lớn, hình như bà đang đi tham gia tập múa cho người già ở nhà văn hóa trung tâm. Từ ngày địa phương phát động phong trào thi đua thể dục thể thao cho người già, các cụ ông, cụ bà trong xóm trọ bị bắt buộc tham gia, ai cũng kêu phiền kêu mệt nhưng đi không thiếu một buổi nào, mỗi ngày còn thấp thỏm mong đến tối nhanh để còn đi tập. Bà chủ nhà Nguyên cũng là một trường hợp tương tự, nhưng bà bị mắc chứng lo lắng thái quá. Có lần bị cảm phải bỏ một buổi tập, mặt bà buồn như mất sổ gạo, quanh quẩn dọa đóng cửa không cho thuê nhà nữa hại Nguyên và các chị trọ cùng lo sốt vó. Nghĩ lại thấy quãng thời gian ấy nhiều chuyện hài hước ghê. Không biết giờ mọi người sao rồi nữa.

Người thứ hai là một ông chú chắc khoảng ngoài 30 tuổi. Ông ấy mặc một chiếc áo khoác rộng chắc phải gấp gần ba lần cơ thể. Mái tóc bù xù chen chúc dưới cái mũ len dày màu lông chuột. Làn da sáng màu nhưng hơi sạm do tàn nhang, lại có nhiều vệt đen chằng chịt như nhọ nồi, làm cô nhớ đến người cha làm nghề thợ mỏ của mình. Có lần khi còn bé, đêm hôm ấy trời cũng mưa, mẹ nói cố đợi một chút nữa, bố có quà mang về cho hai chị em. Kết quả chờ đến hơn 11 giờ, ngoài cổng lạch cạch, bố mặc bộ quần áo công nhân lấm lem đầy bụi than, bàn tay đen sì đưa túi bánh mì qua cửa sổ cho mẹ đón. Ban đầu chị em cô không nhận ra cha, vì mặt ông đen xì, chỉ có hay con mắt sáng dưới chiếc mũ bảo hộ đầy bám đầy bụi than. Đến lúc nhận ra thì bố đã quay lại làm việc mất rồi. Ngày đó cô thích ăn bánh mì công nhân bố mang về nhất, vừa mềm vừa thơm, ăn không cũng ngon, rán lên kẹp thịt rang mặn thì phải nói là tuyệt vời ông mặt trời. Ồ, nhắc mới nhớ cô chưa ăn cơm, chốc đến chỗ làm mua tạm cái bánh mì vậy.

Ông chú kia không chịu ngồi, cứ đứng lên đi qua đi lại, trông có vẻ đang suy nghĩ vấn đề gì đó nghiêm trọng lắm.

_"Chú không ngồi thì đứng im cho tôi nhờ, cứ đi qua đi lại tôi chóng mặt quá" - Bà lão không chịu được người cứ đi lại trước mặt liền lên tiếng.

Ông ta khựng lại rồi gật đậu như giã tỏi tỏ ý đã hiểu, miệng liên tục xin lỗi và ngó quanh tìm chỗ ngồi.

_"Xin lỗi, xin lỗi, phiền mọi người quá."

Chất giọng của người này nghe khá trẻ, nếu không thấy ngoài đời chắc Nguyên cũng chỉ nghĩ ông ta tầm trạc tuổi cô thôi. Dù ông ta có đeo khẩu trang kín mít đi chăng nữa thì cái phong thái, cái dáng đứng kia hoàn toàn không thuộc về thế giới của người trẻ tuổi hiện nay. Theo cái nhìn của Nguyên, ba mươi chưa phải là già nhưng hơn cô tầm mười tuổi thì sẽ được cô coi là già.

Ông ta nhìn quanh một lượt, tầm mắt rơi trúng Hà Nguyên và dừng lại một hồi làm cô mất tự nhiên. Ai chẳng vậy, bị người lạ nhìn chằm chặp ai mà tự nhiên cho nổi, đặc biệt còn từ một người "già" với vẻ ngoài kỳ cục nữa. Qua 15 giây, ông ta vẫn giữ nguyên cái nhìn đó, Nguyên đành hắng giọng nhắc nhở. Phụ xe cũng vì thế mà quay ra để ý, nửa đùa nửa thật bâng quơ:

_"Ông chú cảm nắng em gái kia rồi sao mà đơ cả ra thế!?"

Người đàn ông giật mình, nhanh chóng ngồi xuống ghế hàng bên cạnh đối diện với Hà Nguyên.

_"Nhận nhầm người quen, nhận nhầm thôi. Hờ hờ." - Ông chú huơ tay bào chữa.

Ra là nhận nhầm, cô cũng hay bị thế. Nhiều lúc ra đường thấy người kia trông quen quen, lại hỏi xong người ta kéo khẩu trang xuống rồi không phải, ngượng xỉu. Bị hớ mấy lần nên từ đấy về sau Nguyên không hỏi người lạ nữa, trừ khi người ta cũng nhận ra cô, không thì kể cả có thấy giống giống xong cũng tự nghi ngờ rồi đi qua. Vậy nên nhiều khi về nhà hay đi đâu tụ tập bạn bè là lại bị hỏi sao gặp không hỏi han nhau một câu, lại phải giải thích mệt nghỉ. Trường hợp này có thể thông cảm được. Còn hai điểm nữa là đến nơi, may ghê, hôm nay không bị muộn.

Bỗng nhiên ông chú kia nghiêng người sang phía Hà Nguyên, định nói gì đó xong lại ngập ngừng. Cứ như thế mấy lần cô đành mở lời trước:

_"Chú có việc gì ạ?"

Ông chú kia tỏ ra ngạc nhiên đến tròn cả mắt, như kiểu cô vừa làm một việc gì ghê gớm lắm vậy. Một lúc sau ông ta ngập ngừng:

_"Hê lô, nai xừ tu mít sừ diu"

Một loạt cảm xúc chạy qua, ngạc nhiên và buồn cười chiếm chủ đạo. Lâu rồi không nghe lại câu nói này, cô cứ tưởng chỉ có trẻ con mới nói như vậy thôi. Thật không ngờ. Coi như trải nghiệm mới đi, lát nữa về sẽ note lại vào sổ nhật ký. Ngơ mất hai giây, cô vui vẻ đáp:

_"Hello. Nice to meet you too."

Ông chú kia cũng nhanh nhảu đáp lại, có vẻ khá hồ hởi:

_"Hello. How are you?"

Xời, kiến thức sách giáo khoa đây mà.

_"I'm fine. Thank you. And you?"

_"Fine thanks."

Cuộc hội thoại cơ bản đã được hoàn thành xuất sắc. Phát âm của ông chú cũng chuẩn hơn hẳn. Đúng là mẫu câu huyền thoại có khác. Cô thầm cảm thán.

Có một cái gì đó kỳ lạ từ ông chú này khiến Nguyên không sao hiểu được. Ánh mắt và giọng nói, dường như đã gặp ở đâu rồi thì phải. Hay là khách hàng của quán nhỉ? Chắc không đâu. Ông chú vẫn đang loay hoay như muốn nói thêm gì đó. Nguyên cũng nghiêm túc chờ ông ấy nói thêm nhưng điểm bus tiêp theo vừa đến, cô phải xuống bến để kịp giờ làm. Cô gật đầu chào ông chú rồi xuống bus. Lúc cô vừa xuống, ông chú gọi với theo:

_"Hello my name is English."

Hà Nguyên bất ngờ với hành động của ông chú. Cô đứng hình mất 5 giây. Đùa thôi chắc tầm hai giây có lẻ. Có lẽ ông ấy muốn kết bạn với mình. "my name is English"? Vẫn còn có người như vậy nữa cơ à?

Con người thật kỳ lạ.

Trời đã tạnh hẳn, như trêu ngươi nhau vậy. May đường ống thoát nước ở gần chỗ làm được đầu tư lắp đặt khá tốt, Nguyên không phải đi sát nhà dân để tránh ướt quần áo nữa. Đường nhựa đen tuyền lấp lánh ánh vàng dưới ánh đèn đường, đèn các phương tiện giao thông và nhà cửa. Không khí cuối tháng Mười lành lạnh, ẩm ướt nhưng đem lại cảm giác sảng khoái, dễ chịu.

Nguyên làm ở một quán cafe mèo nhỏ xinh xinh, gần trung tâm nên khá đông khách. Cô vào bằng lối phụ, tích thẻ điểm danh rồi vào phòng thay đồ cho nhân viên. Chị My đang chuẩn bị về. Nguyên không thân với chị lắm, đúng hơn là chẳng thân với ai ngoài chị hướng dẫn Minh của Nguyên khi mới vào làm ở quán. Chị là người duy nhất đồng ý cho Nguyên vào làm, bất chấp anh quản lý phản đối vì lo Nguyên quá trầm, sẽ làm phật ý khách hàng. Nguyên chào chị My cho phải phép rồi nhanh chóng mở tủ đồ chuẩn bị vào ca. My cũng gật đầu chào lại, hỏi thăm mấy câu xã giao rồi ra về.

Quán nay vắng khách hơn mọi hôm, anh quản lý cũng nhàn nhã hẳn, ngồi thưởng thức ly kem dâu nói chuyện nhảm.

_"Nguyên ơi lấy anh tờ giấy."

_"Nguyên ơi ra bàn 5 hỏi khách cần gì đi em."

_"Nguyên ơi ..."

Vô vàn cái "Nguyên ơi" được ông quản lý gọi trong một buổi. Lý do ông đưa ra là do Nguyên hay ngơ ra, ông phải gọi hồn lại không khách vào nó lại không tỉnh kịp để làm việc. Đến 10 giờ, chị Minh vào gọi quản lý ra nói chuyện một lúc rồi cho cả đám nghỉ sớm. Nguyên nhận lệnh thì vui vẻ dọn dẹp rồi thay đồ đi về, không có ý định hỏi nguyên nhân vì căn bản có hỏi thì chị Minh cũng không nói đâu, gọi ông quản lý ra thì chắc là lệnh của bà chủ rồi.

_"Nguyên cứ để đó đi em, chị dọn nốt cho, lâu lâu bà chủ mới dễ tính thả cho một hôm, em về sớm đi cho đỡ mệt. Nay chạy như giặc rồi còn gì." - Chị Minh vỗ vai Nguyên, có vẻ như không muốn Nguyên ở đây lâu hơn nữa. Nguyên cũng hiểu ý, vâng dạ rồi chào mọi người. Cô bắt xe bus về khu nhà trọ, tắm rửa và tiếp tục chạy deadline trên lớp. Hơn hai giờ sáng, đèn tắt, việc xong, cô gái mắt gấu trúc leo lên giường đi ngủ, không biết cuộc sống của cô sắp có thêm nhiều màu sắc mới.

---------‐------------‐-------------‐--------

Một tối nọ, ...

- Lúc ấy anh nói với theo em, cứ ngỡ là em nhận ra anh rồi cơ. Thật không ngờ.

- Anh này, bao nhiêu năm rồi làm sao em nhớ được.

- Gớm, thế chắc đầu óc tôi có vấn đề nên vừa nhìn đã nhận ra cô ngay. Lại còn đang đeo khẩu trang nữa chứ.

- ...

- Cô thử tính xem lúc ấy tôi gặp cô là sau bao nhiêu năm rồi? Hứ.

- Ờ, ...

- ...

- Mình trao người ta tấm chân tình, mà người ta có thương, có nhớ gì mình đâu.

- ...

- Buồn. Tổn thương sâu sắc.

Trong phòng, có ông chồng nói nhảm xong lăn ra ngủ; có bà vợ vừa thay quần áo cho chồng vừa mắng mấy thằng em bợm rượu lôi kéo lão chồng tửu lượng tiểu thư nhà mình đi nhậu mãi đến khuya. Hôm sau sang bà mắng cho mỗi đứa một trận, láo toét.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro