Đac

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Đình Thi từng nhận xét về Nguyễn Tuân là nhà văn "suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật", tự nhận mình là người "sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa". Thật vậy, mỗi trang viết của nhà văn hiện lên là mỗi một tờ hoa với cái biến ảo kì diệu của ngôn từ. Nguyễn Tuân trong bất cứ đề tài nào đều lấy cái tài hoa làm phương diện khám phá con người và lấy tiêu chí thẩm mĩ đánh giá đối tượng.

Tác phẩm "Người lái đò sông Đà" - tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được in trong tập tùy bút "Sông Đà" (1960) là kết quả của nhiều dịp Nguyễn Tuân đến với Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế lên Tây Bắc vào năm 1960. Trong chuyến đi gian khổ mà hào hứng ở miền Tây Bắc xa xôi, văn nhân đã khám phá ra chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và thứ vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn người lao động nơi đây. Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc họa những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà.

Hình tượng sông Đà đã thể hiện sự độc đáo trong quan niệm mới về cái đẹp của Nguyễn Tuân sau Cách mạng. Nguyễn Tuân vẫn luôn là người say mê khao khát cái đẹp. Nhưng giờ đây trang văn của ông không chỉ thấy vẻ đẹp ở những nhân vật mang tính chất lý tưởng hóa của "Vang bóng một thời", mà Nguyễn Tuân đã tìm vẻ đẹp trong dáng hình sông núi, trong những con người đời thường bình dị. Người nghệ sĩ ấy không thích những sự vật nhàn nhạt bằng phẳng, mà thích những sự vật gây cảm giác mãnh liệt đập mạnh vào giác quan người đọc. Bởi thế, ông đã tìm lên Tây Bắc, tìm đến sông Đà. Bước vào xứ sở sông Đà, người đọc như choáng ngợp, hãi hùng bởi sự hung bạo của Đà giang qua đoạn văn: "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới...hơn cả cái mặt nước chỗ này."

Viết về Đà giang, ngòi bút của Nguyễn Tuân vô cùng phóng túng, thoải mái bởi "Người Lái Đò Sông Đà" được viết bằng thể loại tùy bút. Ông chẳng khác nào một nhà quay phim lão luyện. Có khi ống kính của nhà văn tiếp cận con sông Đà từ phía viễn cảnh. Có đôi lúc, ống kính của nhà văn lia vào để quay cận cảnh từng quãng sông hẹp để mô tả cái sự hung bạo với hình ảnh "đá bờ sông, dựng vách thành." Tác giả sử dụng những câu văn rất ngắn để miêu tả sức mạnh tổng hợp của sóng nước sông Đà tại quãng mặt ghềnh Hát Loóng: "dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió...". Hay sự hung bạo của Đà giang ở những hút nước với cách liên tưởng vô cùng táo bạo tại đoạn Tà Mường Vát: "Có những con thuyền đã bị cái hút nó hút xuống,...mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới." Nguyễn Tuân ví lúc này dòng sông Đà chẳng khác nào "kẻ thù số một" của người dân Tây Bắc. Khi hung bạo thì cực kì nguy hiểm, tâm địa độc ác đến tột cùng. Sự khéo léo kết hợp các kiến thức chuyên ngành của các lĩnh vực khác nhau làm người đọc liên tưởng rõ nét nhất sự hung bạo, dữ tợn của những vách đá, xoáy nước của con sông Tây Bắc. Và một lần nữa, người nghệ sĩ ấy lại thấy thêm được sự dữ dội của sông Đà khi ông đến đoạn thác nước và thạch trận đá trên sông.
Say mê khám phá con sông, Nguyễn Tuân dõi theo dòng thác hùng vĩ của sông Đà ngay từ khi nó chưa xuất hiện. Dòng thác báo hiệu sự có mặt của mình bằng âm thanh từ xa vọng lại: "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước nghe như là oán trách, lại như là van xin, rồi lại như khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo". Nguyễn Tuân đã miêu tả âm thanh của tiếng nước thác bằng một hệ thống từ ngữ phong phú, truyền cảm. Cùng với nghệ thuật nhân hóa được sử dụng một cách đắc địa, nhà văn đã truyền hồn sống cho dòng sông. Tiếng nước đổ nghe như tiếng người. Cũng oán trách, cũng kêu van rồi lại khiêu khích giọng gằn mà chế nhạo. Nguyễn Tuân tả âm thanh tiếng nước mà nghe như đang tả người vậy. Hay dòng sông kia chính là nỗi niềm của dân tộc, là lời của cha ông vọng về từ phía quá khứ, vọng về từ không biết bao nhiêu trận kịch chiến đã có trên sông?

Nhà văn đã đưa ra hàng loạt những ngôn từ sống động để miêu tả âm thanh thác nước theo những cung bậc tăng dần của cảm xúc giận dữ. Cả đoạn văn hầu như chỉ thấy Nguyễn Tuân sử dụng thủ pháp đối lập của văn học lãng mạn đó vừa là cách nhà văn nói đến khoảng cách rút ngắn dần khi tiếp cận con sông, vừa là cách để khơi gợi hết những hình dung về sự dữ dội của dòng sông cũng như cảm giác hồi hộp, sợ hãi trong tâm trí người đọc .

Đặc sắc nhất là những phép so sánh kỳ thú trong một câu văn dài đầy ắp những hình ảnh dữ dội: "Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng...". m thanh thác nước bất ngờ được phóng to hết cỡ, "rống lên" và được ví như tiếng hàng ngàn con trâu mộng. Gợi ấn tượng về khúc nhạc hùng tráng của thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của sự phấn khích man dại và cuồng loạn. Thật là một cảnh trí có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với người thưởng văn bởi cả nỗi sợ hãi và niềm say mê, khao khát chiêm ngưỡng.

Là một kẻ thích chơi ngông, nhà văn đã thể hiện sự tài hoa độc đáo của mình khi lấy hình ảnh, lấy lửa tả nước, lấy rừng tả sông, đặt những hình ảnh tương phản vốn rất "kị" nhau trong một trường liên tưởng độc đáo, thú vị. Vậy mà hiệu quả của nó thật bất ngờ, nhà văn đã khiến âm thanh của thác nước không chỉ được cảm nhận bằng thính giác, qua trí tưởng tượng mà còn hiện ra trong những ấn tượng đặc biệt sống động của xúc giác, thị giác. Những cách ví von mới lạ cùng ngôn ngữ giàu sức gợi kết hợp với cách ngắn nhịp gấp gáp đã tác động mạnh mẽ đến người đọc, để rồi một thoáng giật mình: ta hình như cũng căng thẳng, cũng nín thở, cũng hồi hộp theo từng dòng từng chữ mà Nguyễn Tuân mô tả, để thấy rằng qua những "dấu triện riêng" trên trang văn của người nghệ sĩ, người ta dễ dàng hình dung ra một tài năng lớn, một tầm vóc lớn.

Khi cái thác hiện ra trước mặt, nhà văn như reo lên đầy ngỡ ngàng, thích thú: "Tới cái thác rồi". Vẫn nhìn sông Đà với con mắt say mê, Nguyễn Tuân đưa sông Đà vào trang viết với vẻ đẹp kì vĩ: "Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá". Tính từ "trắng xóa" vừa chính xác vừa tạo hình gây ấn tượng về sự trào sôi dữ dội của dàn giao hưởng của sóng, gió, bọt nước...Đồng thời gợi tả điệp trùng của những con sóng trắng cuồn cuộn xô nhau trên mặt nước mênh mông. Cùng với hình ảnh "chân trời đá" - đá chất chồng lên đá, câu văn miêu tả của Nguyễn Tuân đã làm hiện ra sự hùng vĩ tới choáng ngợp của thác đá sông Đà.

Bút lực của Nguyễn Tuân đến đây kể như đã tài hoa, phóng túng tột đỉnh. Nhưng thật bất ngờ, càng dõi theo thiên tùy bút có một không hai này, ta càng thấy sự thăng hoa trong trí tưởng tượng của bậc kỳ tài ngôn ngữ Nguyễn Tuân. Trong trí tưởng tượng của Nguyễn Tuân, dòng sông Tây Bắc khủng khiếp nhất, gây ám ảnh nhất với con người là thạch trận đá sông Đà. Ở phương diện này, sông Đà thực sự mang "diện mạo và tâm địa của thứ kẻ thù số một".

Bút pháp nhân hóa đã trở thành bút pháp chủ đạo có tác dụng truyền hồn sống cho dòng sông. Qua sự cảm nhận của nhà văn, loài thủy quái hung tợn mang tên Đà giang mang tâm địa vô cùng nham hiểm và xảo quyệt. Nó bày ra cả một trận đồ bát quái với rất nhiều cửa tử: "Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc thuyền nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền"

Sử dụng thuật ngữ của quân sự, Nguyễn Tuân đã gợi dậy cái sự bí ẩn và vô cùng hiểm ác của đá trên lòng sông Đà. Đá ở đây được miêu tả trong thời gian vĩnh hằng của thiên nhiên "ngàn năm", khi thì chúng ẩn mình "mai phục", khi dữ dằn, đột ngột hiện ra sau cái dập dềnh của sóng để "nhổm cả dậy vồ lấy thuyền". Đến tận tả đá sông Đà, Nguyễn Tuân còn sử dụng rất nhiều biện pháp nhân hóa, nhờ đó, người đọc có thể hình dung ra từng diện mạo con người trong những hình thù đá vô tri. Tùy theo hình dạng, kích thước của đá và cách nhìn của nhà văn mà đá sông Đà được miêu tả trong những cảm nhận khác nhau, lúc thì "ngỗ ngược", khi thì "nhăn nhúm méo mó". Nguyễn Tuân đã dùng hết sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để tạo diện mạo và linh hồn cho từng hòn đá vô tri.

Sự uyên bác về kiến thức, sự cầu kì, tỉ mỉ trong từng câu chữ, sử dụng tối ưu "phép thuật" của nghệ thuật nhân hóa cùng những từ láy gợi hình đầy sức biểu cảm, những tính từ chỉ tính cách, thái độ, cảm xúc,...đã giúp Nguyễn Tuân làm hiện lên một trong những phần khủng khiếp nhất của sông Đà, đó là thác nước và thạch trận đá trên dòng sông. Kết hợp với sóng, gió và thác nước, đá sông Đà không im lìm như đặc tính vốn có tự ngàn năm mà sống động, dữ dằn, thét gào, ác hiểm khiến đá sông Đà không chỉ lộ "diện mạo" mà cả "tâm địa" của "thứ kẻ thù số một" của con người. Như vậy, với đoạn văn này nói riêng và bài tùy bút nói chung, làm cho sông Đà trở nên sống động khác thường, đó còn chính là chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc. Khám phá vẻ đẹp sông Đà trong trang văn Nguyễn Tuân, ta không chỉ thêm yêu mến Nguyễn Tuân ở tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước mà còn thêm thấm thía chân lý nghệ thuật: "Thế giới không phải được tạo lập một lần mà mỗi một lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới lại được tạo lập" thêm lần nữa.

Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và thẩm mỹ. Với cách nhìn này, sông Đà trong mắt hiện lên như một kì quan của tạo hóa. Ông đã để lại giữa trang văn một dòng sông hùng vĩ, dữ dội và vô cùng mĩ lệ. Nguyễn Tuân còn quan niệm cái đẹp phải gây ấn tượng mạnh. Vì vậy, "dưới ánh sáng nghệ thuật" của "Người lái đò sông Đà", vẻ đẹp hung bạo và kì vĩ của Đà giang được mở ra và ta thấy con sông mang một nét đẹp văn hóa vùng miền rất riêng, mang vẻ đẹp cốt cách của con người Tây Bắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#okay