C59-2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngoại truyện

Edit: Như Bình

Beta: Vô Phương

Thật ra, học sinh thời An Hỷ Nghiên ngông cuồng hơn hẳn học sinh thời nay.

An Hỷ Nghiên chưa từng là học sinh hiếu học, cô không thích đọc sách, càng không thích học thuộc lòng. Nhưng vì lý do gia đình, An Hỷ Nghiên quậy phá mười mấy năm, cuối cùng vẫn phải hăng say thi vào học viện cảnh sát Thanh Hải.

Học viện quân sự, những nhà bình thường rất ít tiếp xúc, cũng có không ít các gia đình không biết rõ về nó, họ đều cho rằng đây là nơi để giáo dục lại các cô cậu không nên thân.

Bọn họ không biết rằng, nếu không phải do bối cảnh gia đình, tỷ lệ thi đậu vào nơi này là rất thấp.

An Hỷ Nghiên không giống vậy, từ lúc An Hỷ Nghiên bắt đầu có ký ức, khi đầu óc cô còn lơ ngơ, mẹ cô đã lặp lại vô số lần một câu ‘… lớn lên con phải thi vào trường cảnh sát, con phải làm cảnh sát’.

Dần dà An Hỷ Nghiên phát hiện, cô chỉ cần chiều theo mẹ chuyện này thì những chuyện khác mẹ cô sẽ lơi lỏng quản lý hơn. Vì thế từ lúc còn nhỏ, An Hỷ Nghiên rãnh rỗi thường dỗ dành mẹ, hứa với bà lớn lên cô nhất định sẽ thi vào trường cảnh sát.

Nói xong, chính bản thân cô cũng ghi khắc trong lòng.

An Hỷ Nghiên chưa từng gặp ba, sau này nghe người ta kể lại, lúc mẹ sinh cô, ba đã hy sinh vì nhiệm vụ.

Mẹ cô không tái hôn nữa, cô thường bắt gặp bà ngồi trong phòng khách giữa đêm khuya thanh vắng. Trên vách tường phòng khách có treo một khung ảnh, trên đó là ảnh chụp của ba cô. Mẹ cô thường trò chuyện với bức ảnh kia, cũng không biết bà đang nghĩ gì.

An Hỷ Nghiên cũng thường nhìn tấm ảnh đó, nhưng cảm nhận của cô hoàn toàn khác mẹ cô. An Hỷ Nghiên chủ yếu là tò mò và ngờ vực nhiều hơn.

Mỗi khi đến ngày giỗ ba, mẹ cô đều lặp lại một câu giống nhau… bà đặt tên cho cô là “Hỷ Nghiên” là muốn cô vĩnh viễn khắc ghi ngày này.

Vì thế một ngày nọ đã xảy ra một việc, tuy cô không nhớ rõ ràng cặn kẽ nữa, nhưng đã khiến An Hỷ Nghiên thật sự ghi nhớ trọn đời.

Gia đình cô không giàu có, lúc cô còn nhỏ, mẹ cô làm công nhân ở một xưởng dệt, bà rất vất vả. An Hỷ Nghiên hiểu chuyện rất sớm, từ thuở bé đã tự biết trông nhà, nấu cơm chờ mẹ về.

Cứ như thế, ngày qua tháng lại, cô dần trưởng thành, thân thể của cô cao lên nhiều, khuôn mặt càng ngày càng giống ba.

Mẹ cô vẫn thường nhìn cô mà ngơ ngẩn, sau đó bảo cô: “Con phải làm cảnh sát.”

Một việc nói một hai lần là nhắc nhở, ba lần bốn lượt là dặn dò, mà lặp đi lặp lại vô số lần lại biến thành tra tấn.

Khi đó An Hỷ Nghiên đang học trung học, đúng vào độ tuổi phản kháng, khi bị mẹ nói đến bực bội sẽ trốn học đi chơi.

Thời trung học cô không phải là học sinh hiếu học, ngang tàng phá phách, căn bản chẳng chăm chỉ học hành gì. An Hỷ Nghiên được xem như thủ lĩnh ở một nơi đơn giản như này, thì lý do để trở thành thủ lĩnh cũng rất đơn giản vì vóc dáng An Hỷ Nghiên cao nhất nhì trong đám, hơn nữa cậu có cá tính, gan lỳ, còn rất chịu chơi.

Các nhân tố như vậy tập trung đủ ở một cô học sinh trung học, chắc chắn là yếu tố hấp dẫn người khác.

An Hỷ Nghiên dẫn theo một đám ‘đàn em’ cùng trốn học, hút thuốc, cua gái.

Lúc đó còn nhỏ, chưa có cái nhìn về tương lai, An Hỷ Nghiên luôn cảm thấy cô sẽ sống như vậy cả đời.

Học viện cảnh sát, làm cảnh sát gì gì đó, cách cô rất xa xôi.

Khiến cô rời khỏi cuộc sống như vậy là do một sự kiện gần như khiến cô sụp đổ.

Vào lúc An Hỷ Nghiên năm lần bảy lượt cãi cọ với mẹ, hơn nữa cô còn gào lên với mẹ rằng nếu muốn thi vào trường cảnh sát thì mẹ tự thi đi mẹ cô tự sát.

Bà lấy tấm ảnh chụp ba An Hỷ Nghiên ra khỏi khung hình, đặt trên quần áo mình, rồi bà thắt một cái dây quàng trong phòng khách nhỏ. Lúc An Hỷ Nghiên đẩy cửa ra nhìn thấy cảnh tượng kia, trái tim cô suýt nữa ngừng đập.

May mà lần đó cô về sớm, gần như chỉ trong tích tắc, mới cứu được mẹ cô.

Ở bệnh viện, mẹ cậu tỉnh lại, An Hỷ Nghiên ngồi bên giường bà, chỉ nói một câu: “Mẹ, con nhất định sẽ thi vào học viện cảnh sát, nhất định sẽ trở thành cảnh sát, con lấy mạng mình cam đoan.”

Bà nhìn cô rồi quay đầu đi, ngơ ngác nhìn trần nhà.

Từ đó về sau, An Hỷ Nghiên chăm chỉ học, lúc đó cô học lớp mười một, chỉ còn cách kỳ thi đại học một năm. Cô ngày đêm làm bài tập, giải đề toán, đề ngữ văn, đề hóa… thậm chí cả đề kiểm tra tâm lý của học viện cảnh sát vài năm gần đây cô đều lôi ra làm đi làm lại.

Kỳ thi vào trường đại học năm đó, rất đông người thi vào học viện cảnh sát chuyên nghiệp Thanh Hải. Vào ngày kiểm tra tâm lý và thể lực, rất nhiều phụ huynh đi cùng con em, nhưng An Hỷ Nghiên chỉ đi một mình.

Đợt kiểm tra tâm lý lần đó kết thúc rất suôn sẻ, An Hỷ Nghiên đã yên tâm phần nào.

Kế tiếp là đợt kiểm tra thể chất, học viện cảnh sát kiểm tra thể chất không nhiều, tổng cộng có bốn hạng mục. Lúc trước An Hỷ Nghiên đã tìm hiểu rất kỹ, yêu cầu của từng hạng mục cô gần như thuộc làu làu.

Chạy nước rút năm mươi mét: thời gian tối đa là bảy giây; chạy một ngàn mét: thời gian quy định là ba phút năm mươi lăm giây; hít đất: trong vòng mười giây hít hơn sáu cái; bật xa tại chỗ: tối thiểu là hai mét ba.

An Hỷ Nghiên đã lén thử một lần, sau đó cô phát hiện mấy hạng mục kiểm tra này chỉ là việc cỏn con. Cô hoàn toàn không lo lắng.

Kết quả vì quá yên tâm nên cuộc thi thể chất ngày hôm đó cô ngủ dậy trễ.

Địa điểm thi cách nhà rất xa, cho nên lúc chuẩn bị thi, mẹ An Hỷ Nghiên cho cô tiền trọ lại nhà nghỉ gần trường thi.

Lúc đó cô không có di động, cũng không có ai gọi cô dậy, hoàn toàn dựa vào đồng hồ sinh học của bản thân.

Lúc ra khỏi nhà cô còn không kịp bắt xe buýt. An Hỷ Nghiên đi đường tắt, hớt ha hớt hải chạy gần hai km, rốt cuộc cô chạy đến địa điểm thi vào giây phút cuối cùng.

Chạy một đoạn đường, An Hỷ Nghiên mệt suýt hộc máu. Hạng mục thi đầu tiên là chạy nước rút năm mươi mét, kết quả là tiếng còi hiệu lệnh vừa vang, chân An Hỷ Nghiên lẩy bẩy, chân trước nhũn ra, suýt chút nữa quỳ xuống đất.

Cuối cùng cô vượt qua các mục thi khác, thành tích thì chỉ vừa đủ tiêu chuẩn đậu.

Trong đám học sinh thi vào, thành tích kiểm tra thể chất của An Hỷ Nghiên xếp gần chót, chỉ có điều đã qua rồi thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì.

An Hỷ Nghiên cảm thấy, sau này mình không thích đọc sách không thích học hành toàn bộ là vì thương tổn do kỳ thi đại học mang lại.

Cô mất ăn mất ngủ, học hành quần quật suốt một năm trời, cuối cùng đã đậu vào học viện cảnh sát chuyên nghiệp Thanh Hải, ngành trinh sát hình sự.

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển, mẹ An Hỷ Nghiên vui mừng bật khóc, nhưng An Hỷ Nghiên lại không hề vui vẻ. Cô cầm bì thư mỏng dính, cảm thấy trong lòng là lạ.

Lúc học ở trường An Hỷ Nghiên phá phách cùng lũ bạn, cô chưa từng nghĩ rằng mình sẽ học đại học, càng không ngờ cái nguyện vọng mình luôn phải hứa hẹn từ bé nhưng chưa bao giờ thật sự hiểu rõ nó, nay lại trở thành sự thật.

Cô thật sự phải trở thành cảnh sát.

Ngày hai mươi bốn tháng tám, An Hỷ Nghiên nhớ rất rõ ngày đó, ngày cô đến trường đăng ký nhập học.

Hôm đó, cô ăn mặc rất đơn giản, áo thun ngắn tay mỏng, quần dài, đầu đội một chiếc nón lưỡi trai che nắng, vác theo hai cái ba lô màu lam sẫm.

Cô mang rất ít đồ đạc, tất cả quần áo và đồ dùng đều bỏ trong ba lô.

Tốt nghiệp trung học, An Hỷ Nghiên đã cao tới một mét tám mươi hai, nhưng còn hơi non nớt.

Khi cô đặt chân tới trước cổng học viện cảnh sát là giữa trưa, vầng mặt trời nóng rát nướng chín vạn vật. Ngày đăng ký nhập học, trước cửa trường rất đông người, đa phần là phụ huynh đến đưa con em mình nhập học. An Hỷ Nghiên vác túi, đứng một mình trước cổng nhìn bảng tên trường, trên bảng là vài chữ to tướng viết tên trường.

Cô đứng một lúc lâu, cuối cùng nhét một viên kẹo cao su lấy trong túi quần vào miệng, nhai nhai rồi bước vào trường.

Ngày hai mươi bốn tháng tám, chính là cột mốc cuộc đời An Hỷ Nghiên

Vứt bỏ mù mờ, học kiên định.

Xa rời trốn chạy, tập đối mặt.

Từ một cô bé, lột xác thành một người phụ nữ chân chính.

Tại đây, cô đã gặp người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời mình.

Đó là Nghiêm Trịnh Đào.

Nghiêm Trịnh Đào là giáo viên chuyên ngành trinh sát, lần đầu tiên An Hỷ Nghiên gặp anh ta cũng không vui vẻ gì.

Đó là vào lúc huấn luyện quân sự.

Tất cả học sinh bị đẩy đến một dãy ký túc xá, xếp hàng đi cắt tóc, lãnh quần áo.

Tay nghề thợ cắt tóc khá thành thạo, có thể vì quá đông, mấy cái đầu đã không còn giống đầu nữa, trong mắt anh ta là một đống bắp non chờ tỉa râu.

Đến lượt An Hỷ Nghiên, cô ngồi xuống ghế, nghe tiếng tông đơ ù ù bên tai, sau đó từng mảnh tóc trên đầu rơi lả tả xuống vai. Sau khi cắt xong, thợ cắt tóc còn vỗ vỗ đầu cô vài cái dặn: “Vẫn còn dài và vụn tóc, cô ra ngoài xả nước đi.”

An Hỷ Nghiên bước ra, ở ngoài sàn nước có năm sáu cái vòi nằm song song, ở đó đã có vài người.

Bây giờ đang là mùa hè, trời nóng nực, hơn nữa đều là những con người mạnh mẽ nên cũng không để ý nhiều, cả đám xả nước ướt hết cả nửa người mà còn rất thích thú.

An Hỷ Nghiên xả nước xong, cô quay lại ký túc xá, đứng trước tấm gương trong ký túc xá.

Trước đây cô chưa từng cắt tóc ngắn như vậy, lần đầu tiên trông thấy An Hỷ Nghiên không thích lắm, cô cảm thấy kiểu đầu này ngô ngố.

Cô không hề biết, kiểu đầu thoạt nhìn hơi ngố này từ đó lại gần như theo cô cả đời.

Đồng phục bọn họ được phát không giống với các trường khác, không phải màu xanh rằn ri mà là màu đen. Áo ngắn tay thuần màu đen, quần tây, nón kết không hề có một hoa văn nào.

An Hỷ Nghiên rất vừa lòng với bộ đồng phục này, cô cảm thấy mình mặc vào trông thật đẹp, ngầu.

Nhưng không để cô đẹp được bao lâu, những chuỗi ngày huấn luyện với cường độ cao đã đến. Lúc đầu, cuối mỗi ngày huấn luyện, cả ký túc xá kêu gào, khóc la thảm thiết, sau đó đến cả sức lực kêu la cũng mất sạch, vừa về phòng cả đám đã lăn ra ngủ.

Huấn luyện quân sự được quản lý theo kiểu nội bất xuất ngoại bất nhập, hơn nữa An Hỷ Nghiên vốn không có di động; đến một cuốn tạp chí cũng không có; càng không thể mua đồ ăn vặt; lại còn không cho phép đến phòng ngủ của nhau, những trò như đánh bài, liên hoan tán nhảm đều cấm tất, ngày qua ngày không khác gì con chim bị nhốt trong lồng.

Cơ hội giải trí bắt nguồn vào một buổi trưa.

Lúc đó bọn họ vừa kết thúc đợt huấn luyện buổi sáng, ăn cơm trưa xong, vừa đúng thời gian nghỉ trưa, mọi người đều lên giường đánh một giấc. Thật ra cả đám đều là những đứa trẻ to xác, sức lực dư thừa, không nhiều người có thể ngủ được. Nhưng không ngủ được thì làm gì đây, cũng chả có chuyện gì khác để làm.

An Hỷ Nghiên nằm trên giường, nhìn tấm ván gỗ ở giường tầng trên mà ngơ ngẩn, cô bắt đầu cảm thấy học viện cảnh sát chán chết.

Vào lúc đó, cô bỗng nghe thấy tiếng rao hàng.

Tiếng rao rất nhỏ, chỉ cần hơi có tạp âm sẽ không nghe thấy được, An Hỷ Nghiên ngồi dậy bảo cả phòng yên lặng.

“Các cậu có nghe thấy không?” Cô hỏi.

Một cậu bạn cùng phòng trả lời: “Nghe gì chứ?”

An Hỷ Nghiên: “Suỵt, nghe kỹ đi.”

Cả đám người nín thở tập trung, một phòng tám người hệt như bị bệnh thần kinh, ngồi cả dậy, vểnh tai ra ngoài cửa sổ chăm chú lắng nghe.

Cuối cùng, bọn họ cũng nghe…

“Dưa hấu đây, dưa hấu vừa to vừa ngọt đây…!”

Bán dưa hấu, đây là chuyện lớn gì sao, chó má thật.

Nhưng bây giờ cả đám đang chán chết, dù là một người nông dân bán dưa cũng đủ khiến cả phòng bắt đầu hào hứng.

“Có người bán dưa hấu!”

“Dưa hấu đó!”

“Có người mua dưa hấu!”

“…”

An Hỷ Nghiên: “Các cậu có muốn ăn không?”

Vài người gật gật đầu, trong đó có một cậu nhắc: “Bây giờ không cho ra ngoài, có muốn ăn cũng vô dụng.”

An Hỷ Nghiên hỏi: “Muốn ăn thật không?”

Người nằm giường đối diện hơi nhíu mày: “An Hỷ Nghiên, không phải cô muốn ra ngoài mua chứ, bị bắt là xong đời đấy!”

An Hỷ Nghiên mất kiên nhẫn liếc cậu ta: “Lá gan có xíu như vậy, làm cảnh sát kiểng à!”

Cậu bạn đó bị mắng co đầu rụt cổ.

“An Hỷ Nghiên, mình nhớ khi xe buýt chở chúng ta đến trại huấn luyện có đi ngang qua ruộng dưa.”

An Hỷ Nghiên kích động hỏi: “Gì cơ? Có dưa?”

Cậu bạn kia gật đầu.

An Hỷ Nghiên trầm ngâm suy ngẫm.

Cuối cùng, mọi người bàn bạc cho đến đợt huấn luyện buổi chiều vẫn chưa ra kết quả gì, An Hỷ Nghiên ném lại một câu: “Các cậu cứ đợi đấy.”

Ban đêm, dưới ánh mắt nóng bỏng của bảy người còn lại, An Hỷ Nghiên giống như một anh hùng leo cửa sổ ra ngoài.

Bọn họ ở lầu một, trước cửa tầng trệt có một bác bảo vệ lớn tuổi, không thể để bị phát hiện, cho nên An Hỷ Nghiên leo cửa sổ.

Cô mặc đồng phục huấn luyện, đội mũ, che mặt mình lại. Leo cửa sổ ra, đi vòng đến sau vách tường, nhảy bật lên, tay tóm lấy bờ tường.

“Mẹ nó chứ!” An Hỷ Nghiên vừa bám lên đã phải buông ngay tay xuống, cô thấp giọng mắng một câu rồi mở bàn tay ra xem kỹ hai bàn tay đều rách da chảy máu.

Trên bờ tường cắm sẵn những mảnh thủy tinh vỡ, trời tối nên An Hỷ Nghiên không để ý.

Vừa bước chân ra đã xui xẻo. An Hỷ Nghiên cũng không nhụt chí, cô tìm dọc theo chân tường, bất ngờ phát hiện một lỗ chó. Cô ngó trái ngó phải, sau đó bò ra ngoài qua lỗ chó kia.

Lỗ hổng rất hẹp, suýt chút nữa An Hỷ Nghiên bị kẹt trong đó.

Sau khi cô thoát khỏi khe hở, trong phút chốc cảm giác tự do ùa tới, cô hít vào luồng không khí trong lành ban đêm, chợt cảm thấy tinh thần phơi phới.

An Hỷ Nghiên nắm bắt thời gian, trộm hai quả dưa hấu trong ruộng, cô nhất thời nổi lòng tham tìm trộm hai quả dưa to nhất, sau đó mỗi tay ôm một quả quay về.

Lúc quay lại lỗ chó, An Hỷ Nghiên nghiêng mình bò qua.

Kết quả, đã xảy ra chuyện.

Cô ôm dưa hấu trong tay và trước ngực, lúc đầu chui qua rất thuận lợi, nhưng sau đó thì xong đời, cậu tìm không đúng góc độ nên bị kẹt trong lỗ chó.

Lúc đó, cô muốn ném dưa đi cũng không được, trái dưa vừa chuyển động, mu bàn tay cọ vào tường đau buốt.

Họa vô đơn chí, ngay lúc đó Nghiêm Trịnh Đào đến.

* Nguyên văn là Ốc lậu thiên phùng liên dạ vũ, có nguồn gốc từ " Tỉnh thế hằng ngôn " của Phùng Mộng Long. Nghĩa đen là nhà dột còn gặp mưa cả đêm, ý nghĩa tương tự là họa vô đơn chí, xui xẻo.

Trên lý thuyết, trễ thế này anh sẽ không đến nơi hẻo lánh như này, nhưng vừa khéo sau khi anh kiểm tra phòng ngủ của đám sinh viên xong, lúc ra khỏi ký túc xá, đi được một lúc anh bỗng cảm thấy buồn tiểu.

Nhắc tới việc này cũng không lịch sự gì cho lắm, anh lười về toilet ở ký túc xá, nên mon men tìm một bụi cỏ cạnh chân tường.

Sau đó, không thể tránh khỏi, anh bắt gặp An Hỷ Nghiên.

Thời điểm gặp mặt của hai người không thể nói là không xấu hổ. Lúc Nghiêm Trịnh Đào bắt quả tang sinh viên lén trốn ra ngoài, phản ứng đầu tiên của anh không phải là nghiêm khắc dạy dỗ mà là kéo phẹc – mơ – tuya lại.

Anh khẽ ho, chậm chạp đi đến bên An Hỷ Nghiên, quan sát cô một lượt, sau đó hỏi: “Cô… đang làm gì đấy?”

Tình thế đã rồi, An Hỷ Nghiên lỡ rồi làm tới luôn: “Mắc kẹt.”

Nghiêm Trịnh Đào thích thú, anh chưa từng gặp kiểu sinh viên thế này bao giờ.

“Cô học lớp nào?”

An Hỷ Nghiên đáp: “Lớp ba.”

Nghiêm Trịnh Đào: “Ồ, hóa ra là sinh viên lớp tôi.”

An Hỷ Nghiên: “Dạ, thầy à, giúp em một chút, kéo em ra đi.”

Nghiêm Trịnh Đào quan sát tình hình một lúc, cảm thấy cô đang nhờ vả thật: “Cô chờ đó, để tôi tìm dụng cụ đã.”

Cuối cùng Nghiêm Trịnh Đào lấy một cái cuốc, đào lỗ cho An Hỷ Nghiên chui ra.

An Hỷ Nghiên sau khi bò ra lập tức cảm ơn Nghiêm Trịnh Đào, sau đó cô đứng thật nghiêm trang trước mặt anh.

Lúc Nghiêm Trịnh Đào đi lấy cái cuốc đã nhân cơ hội giải quyết nỗi buồn, sau đó ung dung đến dạy dỗ.

Anh nhìn An Hỷ Nghiên hỏi: “Đến lúc này, cô cũng không quên bỏ hai quả dưa xuống nhỉ.”

An Hỷ Nghiên đứng trước mặt Nghiêm Trịnh Đào, anh nhìn lên, thân hình cô thẳng tắp, nét mặt nghiêm trang. Nhìn xuống dưới là hai tay cô, mỗi bên ôm một quả dưa.

Nghiêm Trịnh Đào: “Cô thích hai trái dưa này đến vậy thì ôm nó chạy vài vòng đi.”

An Hỷ Nghiên không nói một câu, ôm dưa chạy tới sân thể dục.

“Quay lại!” Nghiêm Trịnh Đào không ngờ cô nhóc này chạy đi thật, anh gọi cô lại, bước đến trước mặt cô, anh hỏi: “Cô muốn chạy thật?”

An Hỷ Nghiên mắt vẫn nhìn thẳng, cô nghe câu hỏi bèn liếc mắt nhìn anh, sau đó lập tức lùi về: “Thầy, thầy muốn phạt em thế nào?”

Nghiêm Trịnh Đào thấy thú vị bèn hỏi lại: “Cô đoán xem tôi sẽ phạt cô thế nào?”

An Hỷ Nghiên trả lời: “Chỉ cần không báo với phụ huynh, thầy muốn phạt thế nào cũng được.” Cô dứt lời, hơi liếc nhìn Nghiêm Trịnh Đào: “Em đi chạy đây.”

Nghiêm Trịnh Đào: “Cô muốn chạy mấy vòng?”

An Hỷ Nghiên: “Thầy muốn em chạy bao nhiêu thì em chạy bấy nhiêu.”

Nghiêm Trịnh Đào gật gật đầu, lơ đãng: “Vậy cô chạy mười vòng trước đi.”

An Hỷ Nghiên ôm hai quả dưa, chạy mười vòng trên sân thể dục tối om.

Nghiêm Trịnh Đào đứng đó quan sát cậu sinh viên lặng lẽ chạy trên sân.

Sau khi chạy xong, An Hỷ Nghiên toát mồ hôi đầm đìa, tay vẫn ôm hai quả dưa.

Nghiêm Trịnh Đào bỗng phát hiện trên dưa có vết máu.

Nét mặt anh dần nghiêm túc: “Sao thế này?”

An Hỷ Nghiên kiên quyết khẳng định: “Không sao cả!”

Nghiêm Trịnh Đào: “Tay, tay, đưa tay ra!”

Cuối cùng An Hỷ Nghiên buông dưa xuống, xòe tay ra. Vết thương trên tay càng nặng hơn, da trên lòng bàn tay gần như toác ra.

Nghiêm Trịnh Đào vừa nhìn vết thương đó lập tức hiểu ngay, anh trợn mắt há mồm trừng An Hỷ Nghiên: “Con nhóc này!” Anh nhíu mày quát: “Đi theo tôi!”

Nghiêm Trịnh Đào dẫn An Hỷ Nghiên đến phòng y tế rửa sạch miệng vết thương cho cô.

Từ đầu tới cuối, An Hỷ Nghiên chỉ nói một câu với Nghiêm Trịnh Đào: “Thầy ơi, thầy đừng báo phụ huynh nhé?”

Nghiêm Trịnh Đào dí ngón tay vào đầu An Hỷ Nghiên: “Cô đi trộm dưa đúng không? Cô còn thi vào trường cảnh sát làm gì, không sợ người khác cười sao, cô đi làm lưu manh luôn đi.”

An Hỷ Nghiên không nói tiếng nào.

Nghiêm Trịnh Đào cúi đầu nhìn đôi tay băng bó của cô, lại thoáng lướt mắt qua cô sinh viên người đầm đìa mồ hôi này.

Anh bỗng bật cười.

Anh cảm thấy buổi tối hôm nay rất thú vị.

Anh như trông thấy tuổi trẻ, vẻ bất cần đời, và cả nhiệt huyết của mình qua cô sinh viên này.

Anh hỏi: “Cô tên gì?”

An Hỷ Nghiên nhìn anh đáp: “Em là An Hỷ Nghiên.”

Hôm đó, Nghiêm Trịnh Đào không kể lại chuyện này với ai, thậm chí để cô đem dưa về.

An Hỷ Nghiên bắt đầu cảm thấy, Nghiêm Trịnh Đào là một người lạ lùng.

Sau đó, cô dần dần cảm phục năng lực chuyên môn của Nghiêm Trịnh Đào. Trước đây cô không sợ trời không sợ đất, nhưng ở trước mặt Nghiêm Trịnh Đào cô trở thành con người khác hẳn.

Nghiêm Trịnh Đào dường như vô tình hoặc cố ý chiếu cố cô. Nghiêm Trịnh Đào là người địa phương, có đôi khi vào những ngày nghỉ còn bảo An Hỷ Nghiên về nhà anh ăn cơm.

Trong ba năm, Nghiêm Trịnh Đào dần không giống thầy giáo, không giống huấn luyện viên mà giống người thân hơn.

Giống như một người cha.

Lúc An Hỷ Nghiên bước vào năm thứ tư, Nghiêm Trịnh Đào tạm thời phải rời cương vị công tác.

Sau khi An Hỷ Nghiên biết, cô đến tìm anh. Nghiêm Trịnh Đào cho cô biết, anh phải đến nơi khác.

“Đến đâu ạ?”

“Đi đâu tôi cũng phải xin phép cô sao, nhóc à, cô có quan niệm lớn bé không vậy?” Nghiêm Trịnh Đào không quan tâm lời cô.

An Hỷ Nghiên: “Em đi cùng thầy.”

“Nói nhảm.” Nghiêm Trịnh Đào nghiêm nghị dạy: “Cô muốn bị đuổi à, nghiêm chỉnh học hành đi, bây giờ cô bỏ học thì ra ngoài có thể làm gì?”

An Hỷ Nghiên: “Thầy không cần quan tâm em có thể làm gì, thầy đi em cũng đi.”

Nghiêm Trịnh Đào nhìn An Hỷ Nghiên, qua ba năm cô đã thay đổi rất nhiều.

Thứ rõ ràng nhất là cơ thể và ánh mắt của cậu.

Dáng người cô không còn gầy gò mà đã cường tráng, đôi chân khỏe khoắn, cánh tay mạnh mẽ. Da cô vì những đợt huấn luyện hằng ngày đã đen đi nhiều, đường nét khuôn mặt cũng góc cạnh rõ nét hơn.

Cô đã không còn là cô bé trộm dưa bị bắt trong trường quân sự. Qua ba năm tôi luyện, cô đã trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ.

Nghiêm Trịnh Đào biết dù anh không cho phép, An Hỷ Nghiên vẫn nhất định đi theo.

Anh bảo An Hỷ Nghiên: “Cô về trước đi, vài hôm nữa tôi sẽ báo cho cô biết.”

Nghiêm Trịnh Đào suy ngẫm.

Có việc gì mà An Hỷ Nghiên nghĩ học giữa chừng vẫn có thể làm được hay không? Có, quả thật có một việc cô có thể làm.

Nhưng, anh thật sự để cô làm sao?

Ba ngày sau, Nghiêm Trịnh Đào gọi An Hỷ Nghiên lên văn phòng, nói rõ những chuyện lợi bất cập hại, để An Hỷ Nghiên tự quyết định tương lai bản thân mình.

An Hỷ Nghiên không nhiều lời, đồng ý ngay tại chỗ.

“Cô có biết, cô sẽ phải chịu rất nhiều áp lực?”

An Hỷ Nghiên: “Em biết.”

Nghiêm Trịnh Đào bảo cô quay về suy nghĩ thật kỹ.

Hôm sau, An Hỷ Nghiên mang đến câu trả lời hoàn toàn nằm trong dự kiến của anh.

Nghiêm Trịnh Đào: “Cô nghĩ kỹ đi, trước lúc quyết định, tôi có thể cho cô tự do, cho cô suy xét thật kỹ càng. Nhưng một khi đã quyết định, tôi tuyệt đối không cho phép cô đổi ý. Làm hay là không?”

An Hỷ Nghiên cười với anh, nụ cười hơi lưu manh, dường như trong phút chốc Nghiêm Trịnh Đào lại trông thấy cô bé năm xưa.

Một cô bé vừa to gan vừa chính trực.

“Được, ngày mai tôi sẽ làm thủ tục cho cô, cô phải tham gia một đợt huấn luyện đơn giản, sau đó…” Nghiêm Trịnh Đào đứng dậy nghiêm trang nói với An Hỷ Nghiên: “Tôi ở Vân Nam chờ cô.”

An Hỷ Nghiên đáp: “Yes, sir.”

Sau thời gian huấn luyện, cô đến trình diện Nghiêm Trịnh Đào. Nghiêm Trịnh Đào không để cô trực tiếp làm việc mà mang theo cô tích lũy kinh nghiệm một thời gian.

Khi đó đúng lúc đang cần người gấp, ông trời mở mắt, đội cảnh sát bèn sắp xếp để An Hỷ Nghiên làm việc bên cạnh Nghiêm Trịnh Đào. Ngay vào lúc cô sắp quên mất lời Nghiêm Trịnh Đào, thì nhiệm vụ đến.

Đó là vào khoảng hai năm sau.

Cô hai mươi ba tuổi.

An Hỷ Nghiên nhận được nhiệm vụ nằm vùng trong một nhóm buôn thuốc phiện, đại ca là Minh Khôn.

Lúc đầu, đội cảnh sát bố trí để An Hỷ Nghiên ngụy trang thành khách mua thuốc phiện, dụ gã mắc câu, từ đó bắt đầu điều tra nguồn gốc.

Nhưng kế hoạch này lại lệch hướng.

Vì một chuyến du lịch của An Hỷ Nghiên.

Đó là phần thưởng Nghiêm Trịnh Đào thưởng An Hỷ Nghiên trước khi chấp hành nhiệm vụ. Trước khi đi anh muốn để cô chơi một chuyến cho đã. Anh hỏi An Hỷ Nghiên muốn đi đâu chơi, lúc đó An Hỷ Nghiên đang nằm ngủ trưa trên giường, cô nghe Nghiêm Trịnh Đào hỏi bèn xoay đầu lại, chợt nhìn thấy bức tranh treo tường. Cô chỉ bức tranh: “Đó là ở đâu?”

Nghiêm Trịnh Đào: “Cô không biết đọc à, bên cạnh viết rõ đấy thôi.”

An Hỷ Nghiên liếc nhìn, bên góc bức tranh viết bốn chữ: “Núi tuyết Ngọc Long.”

Cô đáp: “Em đến đó.”

Vào lúc đó, du lịch Vân Nam không phát đạt như ngày nay, khách du lịch
cũng không đông như bây giờ. Một mình An Hỷ Nghiên vác ba lô, dạo chơi một vòng trên ngọn núi tuyết Ngọc Long hùng vĩ.

Kết quả dưới chân núi tuyết Ngọc Long, cô gặp một chuyện.

Lúc đó đang giữa trưa, cô ăn cơm trong nhà hàng dân tộc. Ở ngoài nhà hàng có dựng lều, bày biện như quán vỉa hè, lúc ăn cơm chỉ cần ngẩng đầu là trông thấy núi tuyết.

An Hỷ Nghiên đang ăn ngon lành, đột nhiên cô nghe thấy tiếng loảng xoảng, một chai bia vỡ nát.

An Hỷ Nghiên vừa nghe âm thanh đó đã biết, cái chai không tự vỡ, mà là có người đập. Cô quay đầu, thấy ngay bốn năm người khách đang đứng ngoài nhà hàng, người đi đầu cầm một chai bia bể chỉa vào một người khác.

An Hỷ Nghiên nhìn sang người bị chỉa chai bia, đó là một người đàn ông trung niên mặc đồ thể thao, xem ra vừa đi chơi về. Có một cô bé đứng ngay bên ông ta, hình như là con gái ông ta.

Người đàn ông có lẽ sợ con gái bị dọa, đẩy cô bé vào trong khách sạn, còn ông ta đứng chắn bên ngoài.

Mấy gã kia nhìn chằm chằm ông ta, cầm chai bia vỡ chuẩn bị đâm tới.

“Này!” An Hỷ Nghiên bỗng gọi lớn.

Mấy gã đó nhìn sang, quan sát cô một lát, người đứng đầu hỏi: “Mày là ai?”

An Hỷ Nghiên vẫn cầm đũa trộn mì, “Trẻ con còn đứng đó mà các người đã động thủ rồi.”

Người kia cười khẩy: “Mẹ kiếp, mày lảm nhảm gì đó? Muốn xen vào à?”

An Hỷ Nghiên: “Giữa ban ngày ban mặt, anh không sợ có người báo cảnh sát sao?”

“Báo cảnh sát?” Người kia không nói một lời, ném chai bia qua. An Hỷ Nghiên nghiêng người tránh đi, chai bia rơi xuống đất vỡ tan nát.

“Muốn báo cảnh sát?” Người kia chỉ vào mặt An Hỷ Nghiên, đe dọa: “Mày còn nói nhảm nữa, tao đập mày luôn.”

An Hỷ Nghiên chăm chú nhìn gã, bỗng nhiên cậu bật cười: “Anh nhất quyết?”

Người kia đáp: “Thì sao?”

An Hỷ Nghiên cúi đầu, im lặng. Cô nâng một tay gãi gãi gáy mình… vào lúc mọi người còn chưa kịp phản ứng, cô bỗng cầm cái chén trên bàn tạt thẳng vào mặt người kia.

Đó là một chén nước mì nóng vừa múc ra không lâu, người đó bị tạt vào mặt, thét thất thanh như heo bị chọc tiết, những gã còn lại chửi bậy một câu rồi cùng nhào tới.

An Hỷ Nghiên chạy đến góc đặt túi rác của nhà hàng, lôi một cây lau nhà ra, đạp mạnh một cái, cây lau nhà gãy thành hai khúc. An Hỷ Nghiên cầm một nửa xoay người lập tức ra tay…

“Aaaa, đánh nhau, có người đánh nhau.”

“Đằng trước có người đánh nhau!”

“Có đánh nhau ở cửa nhà hàng kìa!”

“…”

“…”

Ở cạnh một cái hồ nhỏ cách đó không xa có một nhóm người đang chụp ảnh lưu niệm, họ đang tụ lại vừa quan sát thứ gì đó vừa chỉ trỏ: “Không giống, không giống thật mà.”

Vừa lúc này nghe có người đánh nhau, có trò náo nhiệt để hóng hớt, đám người lập tức tản ra.

Chỉ còn lại một người.

Đó chính là người vừa bị chỉ trỏ.

Đó là một cô gái còn rất trẻ, cô đang hoàn thành bài tập trong kỳ nghỉ của mình.

Em ngồi trên một băng ghế nhỏ, trước mặt là một bức tranh sơn dầu, bên tay là một chiếc vali lớn.

Đối diện em là một dãy núi tuyết nguy nga, đồ sộ.

Hiện giờ rõ ràng là bầu trời xanh thẳm, mặt tuyết trắng tinh, hồ nước xanh biếc; nhưng bức tranh của em lại mang sắc lửa đỏ rực.

Vừa nhạt nhòa vừa đỏ đậm rực rỡ, tựa như đang bùng cháy.

Ngọn núi trong tranh và ngọn núi hiện thực tựa như hai thế giới đối lập.

Chẳng trách, có người bảo em vẽ không giống.

Nhưng mặc kệ người khác bảo sao, em vẫn ngồi im lặng tại chỗ. Em mặc một chiếc váy liền thân thật dài, tóc tết bím, tỉ mẩn xem bức tranh mình vẽ, từng nét từng nét tăng thêm sắc màu trên đó.

Cách đó không xa, tiếng đánh nhau nghe rõ mồn một.

Nhưng em không hề xoay người lại dù chỉ một lần.

Trong mắt em chỉ có ngọn núi tuyết kia.

Ngọn núi tuyết trong truyền thuyết thấp thoáng xa xôi, từng cụm mây trắng bồng bềnh trôi nổi. Nó tựa như một giấc mộng, làm cho người ta vừa như mơ màng vừa như bừng tỉnh.

Tuyết sơn, núi tuyết.

Nếu có thể trông thấy tuyết sơn, nếu có thể tiên đoán vận mệnh.

Nếu thời gian có thể quay ngược, nếu năm tháng có thể trở về.

Vị khách qua đường đó liệu có thể bước vào giấc mộng của bạn.

Mà bạn, có bằng lòng ngoảnh đầu lại…

Hết ngoại truyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro