CVM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.1. Đôi nét về cuộc đời

Kim Man Chung  (Kim Vạn Trọng: 1637-1692) là một tiểu thuyết gia Hàn Quốc và là một nhà chính trị thời Joseon. Ông là cháu nội của Kim Jang-saeng và cháu trai của Kim Jip, học giả nổi tiếng Neo - Nho giáo của thời kỳ Joseon. Ông là một thành viên của gia tộc Kim Gwangsan .

Kim Man Chung tự Trọng Thúc, hiệu Tây Phố, thụy hiệu là Văn Hiếu. Ông thuộc  tầng lớp Yangban và ông là người đạt tới những vị trí cao nhất trong quan chức và học thuật ở triều đại Joseon. Ông bị lưu đày hai lần vì tham gia vào các hoạt động  của các bè đảng chính trị khác.

1.2. Sự nghiệp văn chương

Là một người đàn ông của ngôn từ, ông đã viết hai tiểu thuyết nổi tiếng, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Sassi Namjeonggi (“Ghi lại chuyến đi của  Lady Sa ở miền Nam” 谢氏南征记) và tiểu thuyết thứ hai là Guunmong (“Cửu vân mộng” 九云梦). Tác phẩm đầu tiên là một tiểu thuyết viết về vấn đề gia đình ở Trung Quốc, nhưng nó cũng là một sự mô tả trào phúng của thực tế chính trị trong thời đại của ông. Đồng thời ông cũng có ý khiển trách những việc làm của vua Sukjeong đối với phụ nữ. Sau đó là một trong các tiểu thuyết nổi bật nhất mang đậm truyền thống Hàn Quốc. Đó là tác phẩm Cửu vân mộng.

2. TÁC PHẨM “CỬU VÂN MỘNG”

2.1. Giới thiệu tác phẩm

“Cửu vân mộng” (Giấc mơ chín tầng mây) là một tiểu thuyết cổ điển Hàn Quốc tiêu biểu cho sáng tác của Kim Vạn Trọng.

Tác phẩm này có rất nhiều dị bản khác nhau như bản khắc gỗ chữ Hán, bản khắc gỗ chữ Hàn, bản chép tay chữ Hàn, bản in chữ Hàn…Hiện nay “Cửu vân mộng” truyền lại có hai bản song song là chữ Hán và chữ Hàn, bản nào xuất bản trước thì cho tới nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu Hàn Quốc.

Đọc “Cửu vân mộng”, ta có cảm giác như đi lại giữa chín tầng mây với thế giới hiện thực và chiêm nghiệm được thật nhiều điều. Lời chỉ bảo lớn nhất của “Cửu vân mộng” là tất cả những điều như vinh hoa phú quý, tình yêu và tước phẩm đều chỉ như một giấc mộng xuân. Cuộc sống giàu sang, vinh hoa tột bậc của Dương Thiếu Du (nhân vật trong tác phẩm) cũng chỉ là một giấc mộng ở chín tầng mây. Tuy nhiên không dừng lại ở đó tác phẩm còn mở ra những hy vọng ở kiếp sau theo thuyết luân hồi của đạo Phật.

“Cửu vân mộng” miêu tả cuộc đời anh hùng, song cốt truyện chứa đựng nhiều những cuộc gặp gỡ, tình tự giữa nam và nữ. Với phong cách miêu tả theo hình thức mộng du. “Cửu vân mộng” miêu tả cuộc đời anh hùng của nhân vật chính Dương Thiếu Du, cốt truyện được kết cấu theo hình thức phần dẫn nhập là phần trước khi có giấc mộng, phần kết là phần sau khi đã thức tỉnh, còn phần chính là câu chuyện xảy ra trong giấc mộng. Nhưng ở tác phẩm này có nét khác biệt đó là phần cuối truyện hướng tới một cuộc sống an lành.

Âm hưởng của toàn bộ tác phẩm mang đậm ba yếu tố Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo song đậm nét nhất là yếu tố Phật giáo.

2.2. Hoàn cảnh sáng tác

     Tương truyền đây là tác phẩm được sáng tác với mục đích đầu tiên là để giải buồn cho mẹ của tác giả Kim Vạn Trọng khi vào những năm cuối đời, ông bị đưa đi an trí có sự canh giữ ở Nam-He, mẫu thân của ông vì thương con, tuy già yếu nhưng cũng đi theo. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng khi Kim Vạn Trọng đi sứ Trung Quốc, mẫu thân dặn tác giả mua tặng bà một cuốn tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc nhưng vì lãng quên nên Kim Vạn Trọng vội sáng tác “Cửu vân mộng” để dâng lên mẹ.

2.3. Tóm tắt truyện

     Câu chuyện kể về nhân vật chính là Tính Chân, tu luyện ở pháp viện trên đỉnh núi Liên hoa của dãy Hoành Sơn. Là một người thông minh trí tuệ, dung mạo trắng như tuyết, thần sắc trong như nước mùa thu, vốn được nhắm để truyền y bát. Một hôm, Tính Chân nhận lệnh của sư phụ đi xuống Long cung thăm Long vương Động Đình hồ. Tính Chân vì bị ép uống rượu mặc dù giới nhà Phật cấm nhưng không thể từ chối. Trên đường về, lại gặp tám tiên nữ của Ngụy phu nhân vừa đến thăm hỏi sư phụ của Tính Chân trở về, ngồi chơi trên cầu cản đường không cho Tính Chân đi qua. Tính Chân bèn bẻ hoa hoa đào ném trước mặt tám tiên nữ, bốn cặp nụ hoa lập tức biến thành các viên ngọc, tám nàng tiên mỗi người nhận một viên, ngoảnh lại nhìn Tính Chân mỉm cười rồi cưỡi gió về trời làm cho Tính Chân ngây người, đêm về tự nhủ không nhớ nữa mà vẫn nhớ. Lòng phàm nổi dậy muốn làm người nhập thế. Sư phụ biết được bèn trách mắng và sai người đưa xuống địa ngục. Xuống địa ngục,  Diêm Vương cho sứ giả đưa lên trần gian. Tính chân được đầu thai vào gia đình nhà họ Dương ở Hoài Nam tên Thiếu Du, đồng thời tám tiên nữ cũng bị đày xuống trần gian trải qua cuộc đời ảo mộng.

            Thiếu Du sinh ra ở đất Sở, đến năm 14 tuổi dung mạo tuấn tú, rất thông minh. Nhân khoa thi bèn xin mẹ lên kinh ứng thi. Trên đường đi, gặp nhiều mỹ nữ tài hoa, xin đẹp. Đến huyện Hoa Âm thì gặp Tần Thái Phượng con Tần Ngự sử, hai người nảy sinh tình cảm và lấy bài “Dương liễu từ” làm đính ước. Vì đất nước loạn lạc không thể lên kinh ứng thi nên trở về quê. Đến năm sau, lại xin mẹ lên kinh ứng thi, khi đến thành Lạc Dương, vào tửu lầu, Thiếu Du làm thơ thi tài với các công tử trong thành và được Thiềm Nguyệt chọn xướng ca. Thiếu Du quen Thiềm Nguyệt từ đây. Qua nhiều ngày đi đường, Dương sinh đến kinh đô gặp Đỗ pháp sư bạn của mẹ chàng. Thông qua Đỗ pháp sư chàng biết được dung mạo, nhan sắc của Trịnh tiểu thư con quan tư đồ. Chàng tìm cách để được nhìn thấy dung nhan của nàng nên cải trang thành con gái vào phủ họ Trịnh đánh đàn cho Thôi phu nhân nghe. Chàng đã đánh nhiều khúc nhạc khác nhau để được Trịnh tiểu thư nhận xét. Sau khi thi xong, Thiếu Du đỗ Trạng nguyên và Trịnh tư đồ ngỏ lời cầu hôn cho con gái. Thiếu Du đồng ý và dọn đến ở nhà riêng của họ Trịnh với sự chăm sóc chân tình của Xuân Vân (người hầu của Trịnh tiểu thư cũng là thiếp của Thiếu Du). Trong thời gian này chàng đã giúp sức cho triều đình rất nhiều và cũng được thăng quan tiến chức. Với tài năng xuất chúng và vẻ đẹp hào hoa của chàng đã làm cho hoàng thượng và thái hậu yêu mến muốn gả công chúa Lan Dương cho, nhưng chàng ra sức từ chối vì đã hứa hôn và nhận lễ nạp thái. Vì thế mà bị giam cầm, nhưng vì nước có loạn không ai có thể đảm đương nổi nên hoàng thượng tha cho để đi chinh phạt Thổ Phiên. Trong lần đi chinh phạt này khi đi qua Lạc Dương thì gặp Địch Kinh Hồng. Cũng trong thời gian này chàng được sự giúp đỡ của Thẫm Niễu Yên và Lăng Ba mà thoát được nạn. Được thăng quan lên chức thừa tướng. Mà tám người này vốn là tám tiên nữ đầu thai xuống trần gian, đều là bậc giai nhân tuyệt sắc, sau này đều là vợ và thiếp của Thiếu Du. Dương Thiếu Du cùng tám mỹ nữ chung hưởng vinh hoa phú quý tột bực, chức cao, con đều thành đạt. Đến 60 tuổi, Thiếu Du xin từ quan cùng với những người vợ, người thiếp của mình về sống ở núi Chung Nam thêm nhiều năm nữa. Một ngày, nhân lễ mừng thọ, họ cùng ngắm cảnh thì có một sư phụ đến, Thiếu Du chợt giác ngộ ra về cuộc đời thật, bỗng mây trong thung lũng ùn ùn kéo tới bao phủ, cảm thấy như say trong giấc mộng. Khi định thần lại giác ngộ mình là nhà sư Tính Chân ở Đạo tràng Liên Hoa. Tính Chân nhớ lại những chuyện đã xảy ra đều chỉ là một giấc mộng xuân, phú quý hay ham muốn đều là hão huyền, đồng thời tám tiên nữ cũng đến tạ ơn giác ngộ, xuống tóc tu hành. Từ đó Tính Chân dẫn lối cho đệ tử ở Đạo tràng Liên Hoa, cũng là sư phụ của tám ni cô, tu thành chính quả.

2.4. Phân tích

2.4.1. Nhân vật Tính Chân - đạo và đời

     Xuyên suốt tác phẩm “Cửu vân mộng” là quá trình đạo hóa của nhân vật Tính Chân. Dù xuất hiện trong tư cách là một chú tiểu, nhưng Tính Chân phải trải qua một quá trình dài “đạo hóa” mới đạt thành chánh quả. Như nhận định: cà sa không làm nên nhà sư, Tính Chân tuy là đệ tử giỏi nhất của Lục Quán đại sư nhưng trần duyên chưa dứt, tâm thức vẫn vướng vào dục vọng nhân gian. Thân trong “đạo” nhưng tâm lại ở “đời”.

     Trên đường ngang qua Động Đình hồ, Tính Chân gặp và đem lòng lưu luyến tám vị tiên nữ. “Từ lúc gặp tám nàng tiên, giọng nói trong trẻo cứ văng vẳng bên tay, dáng điệu thướt tha cứ đong đưa trước mắt, muốn quên đi mà không quên được, tự nhủ không nhớ mà cứ nhớ, thần hồn thản thốt, mơ màng…”, rồi khi ngồi thiền để tịnh tâm nhưng Tính Chân lại nghĩ đến việc mong cầu danh vọng. Tuy giới hạnh đã đạt được thần thông nhưng Tính Chân vẫn vướng phải đại kỵ của nhà Phật. Điều này cho thấy, Tính Chân dù có thần thông biến hóa siêu phàm nhưng vẫn mang bản tính của con người trần tục. Thấy được điểm kẹt của đồ đệ, Lục Quán đại sư đuổi Tính Chân xuống địa ngục, chờ ngày đầu thai làm người.

     Tính Chân liền khóc lóc, xin tội bào chữa: “- Bạch thầy, xin hãy nghe Tính Chân nói. Xưa kia, A-Nan-Da đến nhà kỹ nữ, cùng với kỹ nữ vui thú chăn gối nhưng Phật Thích Ca không bắt tội, chỉ thuyết pháp dạy bảo. Đệ tử tuy có tội, có lẽ không nặng như A-Nan-Da, cớ sao lại bắt xuống địa ngục?”. Đến đây, Tính Chân lại mắc phải một điều kỵ của Phật môn, đó là tính so đo hơn thua. Là một tiểu đồng, ngày đêm trường thiền, niệm Phật, tu dưỡng thân tâm nhưng khi làm sai, Tính Chân không nhìn vào chỗ sai của mình mà sửa, lại bới móc cái sai, cái xấu của người khác để nói chứng tỏ tâm chưa “như không”. Tính Chân tuy đã là đệ tử của nhà Phật nhưng chẳng khác nào người trần.

     Lục Quán đại sư diễn giải cho đệ tử hiểu mà tâm phục: “A-Nan-Da không chế ngự được yêu thuật, gần gũi với kĩ nữ nhưng tâm không loạn; còn ngươi sinh lòng mong muốn phú quý nơi trần tục thì làm sao có thể tránh khỏi một kiếp luân hồi, khổ ải?”. Cốt lỗi của nhà Phật là cái “tâm”, “tâm” thanh tịnh u mê mới tiêu trừ. Tâm Tính Chân vẫn còn quẩn quanh trong bóng tối.

     Trần kiếp của Tính Chân là Dương Thiếu Du, toàn sắc, toàn tài: “Ngày tháng trôi mau như nước chảy, cậu bé đã 12 tuổi tên là Thiếu Du, tự là Thiên Lý, dung mạo đẹp như ngọc trau, mắt sáng như sao, văn chương tài giỏi, trí tuệ hơn người”. Ở Thiếu Du hội tựu đầy đủ những yếu tố để chàng thực hiện những ham muốn ở tiền kiếp: tình ái, danh vọng.

     Và quả thật như vậy, với dung mạo đẹp đẽ, hào nhoáng, Thiếu Du lần lược có những mối tình lãng mạn với tám cô gái. “Tám người tuy sinh ra khác nhà nhưng lớn lên thờ chung một người, tình hợp khí đồng, ví như hoa trên một cây theo làn gió thổi, hoặc rơi nơi cửu trùng cung khuyết, hoặc rơi xuống khuê môn, hoặc rơi nơi thôn xóm, hoặc rơi xuống bên đường, hoặc rơi nơi biên cương, hoặc rơi xuống Giang Nam” nhưng cô nào cũng xinh đẹp và tài năng phi phàm. Dương sinh là người đào hoa, không phải trăng hoa. Trái tim chàng chia sẻ cho tám cô gái nhưng tình yêu rất chân thật. Được làm phò mã của công chúa Lan Dương, nhưng chàng không bao giờ quên mối tình đầu Tần Thái Phượng với bài “Dương liễu từ” mà hai người đã cùng ngâm vận. Mỗi một hồng nhan tri kỷ, Thiếu Du đều có một tình yêu chân thật, không phải phường vắt chanh bỏ vỏ, không có mới nới cũ.

     Về danh vọng, với bản năng thiên bẩm, Thiếu Du thi đỗ rồi lần lần tiến lên đỉnh cao của danh vọng. Chàng đỗ trạng nguyên, được phong phò mã, làm Thượng thư, Thừa tường, đạt đến tột bật của uy quyền. Chàng là một người tài, yêu nước thương dân, từng nhiều lần xong pha trận mạc bảo vệ nước nhà.

     Những điều đó cho thấy về phần “đời” Dương Thiếu Du đã tròn. Có câu: “Đời tròn đạo hiện”, chính lúc Thiếu Du đạt được đỉnh cao của tình yêu và danh vọng: vợ đẹp, con ngoan, tương lai sáng lạn là lúc chàng tìm thấy ánh sáng Đạo vàng. Đây là vài dòng tâm tình của chàng với các nương tử: “Thiếu Du là kẻ sĩ áo vải đất Hoài Nam, đội ơn Thánh Thiên tử, quan đến Thừa tướng, các nương tử theo cùng, ân tình trăm năm như một ngày, nếu không phải có duyên từ kiếp trước thì làm sao được đến mức như thế? Đời người gặp gỡ là bởi có duyên, duyên hết thì ai về đường nấy, đó là lẽ thường của trời đất. Sau khi chúng ta trăm tuổi, Cao đài đổ nát, khúc trì bị lắp, chỗ ca múa biến thành nơi hoang vu… Vậy thì đời người há chẳng phải chỉ là tạm thời sao?”. Thiếu Du đã có sự giác ngộ, phú quý phồn hoa, tình dục nam nữ đều là hão huyền. Sau khi đã hưởng thụ những dục vọng mà kiếp trước ham muốn, chàng đã đạt được tâm thanh tịnh. Và rồi, mọi chuyện cứ như một giấc mơ, đời người là một giấc mơ, Tính Chân tỉnh mộng, quay về cõi an nhàn.

            Quãng đường đi đến thế giới cực lạc của Tính Chân nói dài không dài vì nó chỉ là giấc mơ trong một đêm, nhưng nói ngắn cũng không phải là ngắn vì giấc mơ ấy là cả một kiếp người. Tuy là “một tác phẩm viết vội” nhưng “Cửu vân mộng” thể hiện rõ đặc điểm tư tưởng của văn học trung đại Triều Tiên, là chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật – Nho - Lão. Tư tưởng ấy thể hiện qua nét kỳ ảo trong tác phẩm và quảng đường đời - đạo, đạo đời của nhà sư Tính Chân.

2.4.2. Hình ảnh người phụ nữ

     Những người phụ nữ trong tác phẩm Cửu vân mộng đều xuất hiện bởi một hoàn cảnh chung: họ đều là những tiên nữ “tô điểm mi xanh phấn hồng, đẹp rực rỡ như bức tranh mỹ nhân mới được Long Miên vẽ xong”, chỉ vì một thoáng nói cười mà phải trải qua kiếp người để tắt đi lòng dục.

Xuyên suốt trong tác phẩm là hình ảnh của người phụ nữ thông minh, sắc sảo và xinh đẹp không ai sánh kịp, được ví như người cõi tiên hay còn có thể gọi đó là những mỹ nữ lừng lẫy nhất trong thiên hạ: “Tần Thái Phượng được miêu tả là người ngọc có làn tóc mây, rủ xuống đôi tóc mai, trâm ngọc cài một nửa, dáng vẻ giấc xuân chưa đủ mà đẹp như tòa thiên nhiên, không thể tả bằng lời, tranh vẽ cũng khó mà phác họa nổi sao cho giống hay Quế Thiềm Nguyệt là người có dung nhan diễm lệ, thực đúng là quốc sắc, tựa như tiên nữ ở Dao Đài xuống hạ giới… không chỉ đứng đầu thiên hạ về ca múa và nhan sắc mà thơ văn không gì là không biết, có con mắt xem văn chương sáng suốt như thần”. Mỗi người đều có vẻ đẹp riêng không thể đem ra so sánh hơn thua được, họ hiện lên với tài năng tuyệt đỉnh mà trong thế gian khó kiếm được một người như vậy. 

Có thể nói những người phụ nữ trong “Cửu vân mộng” được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của người xưa: đó là những người phụ nữ công - dung - ngôn - hạnh. Sinh ra dù trong hoàn cảnh khó khăn hay khá giả thì hình ảnh người phụ nữ trong truyện vẫn có một điểm chung là sống trên đời đều thông hiểu cả đạo lý làm người và thấu đạt tình người: “Con gái Trịnh Tư Đồ là Trịnh Quỳnh Bối sinh ra bản tính thông minh, sắc sảo, mọi việc trong thiên hạ đều biết cả, hơn nữa, lại tinh thông âm luật, dẫu Sư Tương, Tử Kỳ thời xưa cũng không hơn được. Và đặc biệt, nàng không bao giờ giáp mặt với người lạ ngay cả với họ hàng thân thích, nàng xem việc mình bị Dương Thiếu Du giả gái lừa gạt để được xem mặt là một điều sỉ nhục đối với nàng”.

Bên cạnh vẻ đẹp thùy mị, nết na thì trong truyện hình ảnh người phụ nữ còn thể hiện đôi nét bạo dạn đến bất ngờ: Như việc Tần Thái Phượng tự mình bày tỏ tình cảm đối với Dương Thiếu Du khi nghe bài Dương liễu từ và thề hẹn việc hứa hôn mà không nhờ đến cha mẹ. Hay việc Thẩm Niễu Yên và Bạch Lăng Ba tự mình tìm đến Dương Thiếu Du để nhận mối duyên xưa trong bữa tiệc giữa Việt Vương và Dương Thiếu Du.

Trong truyện người phụ nữ hiện lên là những người mẫu mực, luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, xem trọng tình cảm: Trịnh Quỳnh Bối xem Giả Xuân Vân như là bạn bè, là chị em của nhau chứ không hề có sự phân biệt chủ tớ, trên dưới. Công chúa Lý Tiêu Hòa đối đãi với Tần Thái Phượng cũng như vậy. Đặc biệt, bản thân là công chúa - quyền cao chức trọng nhưng Lý Tiêu Hòa vẫn luôn nhường ngôi vị, thứ bậc cho Trịnh Quỳnh Bối. Là những người sống mà không hề có sự ganh đua, luôn tôn trọng, ngưỡng mộ tài năng của nhau, luôn nhường nhịn nhau: tất cả tám người đều một lòng, một dạ yêu thương Dương Thiếu Du, sống không hề ghen ghét hay đố kỵ lẫn nhau. Trên dưới đồng lòng, không hề có sự lừa gạt trong đó.

Ở đây là những người phụ nữ đức hạnh, sắc son và có một thứ tình cảm rất cao thượng: Giả Xuân Vân lúc nghe tin Hoàng thượng gả công chúa cho Dương Thiếu Du, biết việc giữa tiểu thư của mình không thành thì nguyện từ bỏ hạnh phúc, quay lại hầu hạ bên cạnh chủ nhân của mình. Quế Thiềm Nguyệt khi nguyện theo Dương Thiếu Du thì từ bỏ con đường kỹ nữ, từ chối múa hát cho bọn quan lại, từ bỏ cuộc sống no ấm để lẩn trốn nơi hoang vu để chờ ngày được đoàn tụ với người thương.

     Tóm lại, những người phụ nữ xuất hiện trong tác phẩm Cửu vân mộng của Kim Vạn Trọng được xem là những người tài sắc vẹn toàn, có phẩm hạnh đáng được đề cao và ca ngợi. Bên cạnh đó, những người phụ nữ trong tác phẩm này xứng đáng là hình mẫu lý tưởng để nhiều người mơ ước đạt đến

2.4.3. “Thực” và “Mộng” trong “Cửu vân mộng”

 “Cửu vân mộng” lấy bối cảnh huyền thoại với dãy núi Hoành Sơn phía Nam Trung Quốc, nơi Tiên nữ Ngụy phu nhân tu luyện cùng tiên đồng ngọc nữ, cũng là nơi các vị tăng từ đời nhà Đường bện cỏ lập am, thuyết pháp Đại thừa giáo hóa chúng sinh.

     “Cửu vân mộng” là câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Seong-Jin (Tính Chân) tu luyện ở pháp viện trên đỉnh núi Liên Hoa của dãy Hoành Sơn, thông minh trí tuệ, vốn được nhắm để truyền y bát. Nhưng vì có lòng phàm tục nên bị đày xuống trần thế trải qua cuộc đời mộng ảo.

Thế giới thực của Dương Thiếu Du lại chỉ là giấc mộng của Tính Chân. Tính Chân sau khi gặp tiên nữ, đêm về nhập định trong lòng không yên, có những suy nghĩ trần thế, rồi bỗng thấy thành chàng Thiếu Du giữa cõi hồng trần, Khi Thiếu Du tỉnh ngộ, lại thấy mình là Tính Chân, cả cõi đời chỉ diễn ra trong một đêm, thời gian được đánh dấu bằng một lời thông báo: các tiên nữ mới đến hôm qua, hôm nay lại xin gặp sư phụ. Vậy mấy mươi năm vinh hoa phú quý ở nhân gian - khoảng thời gian được mô tả trong phần lớn tác phẩm - với bao nhiêu sự kiện của đời thực - lại chỉ là một giấc mộng xuân.

     Dương Thiếu Du cũng một lần trở về núi Nam nhạc kiếp trước mình từng sống, thấy sư phụ giảng kinh, một lần đến long cung ở hồ Động Đình kiếp trước mình từng qua, gặp Long Vương khi xưa tiếp rượu.

Một ngày, nhân lễ mừng thọ, họ cùng ngoạn cảnh, gặp sư phụ khi xưa, Thiếu Du chợt giác ngộ về cuộc đời thật, bỗng từ bốn phía thấy mây bao phủ, cảm thấy như say trong giấc mộng, khi định thần lại thấy mình là nhà sư Tính Chân ở đạo tràng Liên Hoa. Tính Chân hồi tưởng lại, tất cả những chuyện sớm tối hành lạc đều chỉ là một giấc mộng xuân mà thôi, phú quý phồn hoa, tình dục nam nữ đều là hão huyền. Tính chân đến gặp sư phụ, lại thấy người báo tin với sư phụ: “Tám tiên nữ dưới trướng Vệ phu nhân đến ngày hôm qua lại xin yết kiến đại sư”. Tám nàng tiên đến tạ ơn giác ngộ, rồi cùng xuống tóc tu hành. Tính Chân và tám tiên nữ đã tu thành chính quả.

     “Cửu vân mộng” có kết cấu là một giấc mộng lớn ôm lấy nhiều giấc mộng nhỏ, tiêu biểu nhất là hai giấc mộng:

Ở chương thứ mười: Dương Thiếu Du trong mộng thấy mình cầm đầu binh sĩ đánh với các loài thủy tộc. Mộng đến đoạn thắng trận, đang thắp hương lễ vái, lúc xuống điện thì lỡ chân ngã xuống, kinh sợ rồi tỉnh giấc, thấy thân mình ở trong doanh trại, tựa vào ghế và trời đã sáng.

Khi ấy, Thiếu Du nghi ngờ về giấc mộng, bèn hỏi binh sĩ của mình:

Thượng thư hội các tướng sĩ lại hỏi:

- Các người đêm qua có mơ thấy gì không?

Chúng đáp:

Việc giao chiến của Dương Thiếu Du và binh sĩ chống lại thủy quân là chuyện xảy ra thực, do hồn họ đã làm, cho nên mới có xác cá chất đầy núi, máu chảy tràn đất sau một đêm ngủ say.”

Trong chương mười hai: Thiếu Du thắng giặc trên đường trở về, lòng thương nhớ cố nhân, đêm cũng gặp một giấc mộng lạ:

Thượng thư ngủ thiếp đi. Bỗng mơ thấy bay lên trời cao, mây ngũ sắc bao phủ cung khuyết thất bảo. “Phía bên này là Tinh quân Chức Nữ, bên kia là Ngọc nữ dâng hương, đều có nhân duyên với quân tử ở kiếp trước. Chàng đừng nhớ thiếp. Nếu nhân duyên với họ mà thành thì thiếp cũng được phần gửi gắm.

Thượng thư ngắm nhìn hai tiên nữ thì thấy tiên nữ ngồi chỗ cuối có khuôn mặt quen quen mà không thể nhớ ra được. Bỗng bất thình lình chàng tỉnh giấc bởi tiếng trống, tiếng kèn nổi lên ngoài hiên.”

“Cửu vân mộng” là giấc mộng lý tưởng, vinh hoa bậc nhất. Chàng Dương Thiếu Du tuy sinh ra trong gia đình không phải là vinh hoa tột bậc, nhưng bước đường công danh đã đem chàng đến đỉnh điểm giàu sang, phú quý chỉ trong vài năm ngắn ngủi từ mười sáu đến tuổi đôi mươi. Lầu son gác tía, ơn vua lộc nước, vợ đẹp con quý cùng những thú vui đàn ca hát xướng, không thiếu gì chưa trải qua.

     Trong giấc mộng dài ấy, nhờ làm chàng trai đa tình, đào hoa tột bậc, chung hưởng tình ái dồi dào với tám mỹ nữ tài sắc lừng lẫy nhất thiên hạ, mà kẻ mê ngộ sau cùng mới sực tỉnh, hiểu rằng ái tình chỉ là hư huyễn, giàu sang chỉ là giấc mộng không thực. Tính Chân trong “Cửu vân mộng”, sau khi trải qua cuộc đời mộng ảo của Dương Thiếu Du, đến cúi đầu trước sư phụ. Người dạy rằng: “Con cao hứng lên thì đi, hết hứng lại về, ta có can dự gì vào chuyện đó? Hơn nữa, con nói: “Đệ tử mơ chuyện luân hồi ở nhân gian”, đó là sự phân chia tách bạch làm hai giữa giấc mộng và thế giới nhân gian của con. Giấc mộng của con vẫn chưa tỉnh... Bây giờ, con cho rằng Tính Chân là thân con, giấc mộng là mộng của thân con thì nghĩ rằng thân con và giấc mộng không phải là một. Tính Chân và Thiếu Du thì ai là giấc mộng, ai không phải là giấc mộng?

 “Mộng chín tầng mây” có thể nói là một giấc mộng đẹp hoàn hảo. Chàng Dương Thiếu Du sinh trong một gia đình bình thường, nề nếp. Đường học lập công danh của chàng nhìn chung là suôn sẻ: mười bốn tuổi tài cao học rộng lên đường đi thi, dẫu phải lỡ một khoa thi vì đất nước có loạn, song đó không phải khoảng thời gian đợi chờ vô nghĩa, mà chàng được một đạo sĩ cưu mang, việc chỉ qua như trong một ngày, rồi lại vào kinh ứng thí khoa sau, đậu ngay trạng nguyên. Sau khi thi đỗ, lại lập được công lớn, hết dẹp giặc ngoại xâm đến trị yên nội loạn. Về đường tình duyên, chàng là người “đa tình” nhưng không “đa đoan”. Tám người vợ lần lượt đến với chàng một cách tự nguyện, yêu thương thuận hòa, những trắc trở đều được giải quyết êm thấm. Con người Dương Thiếu Du đa tài, đa tình, nhưng hoàn toàn nằm trong khuôn khổ phong kiến, là một “quân tử” lý tưởng theo chuẩn mực Nho gia. Trong chàng, tư tưởng Phật giáo và Lão Trang kết hợp hài hòa với tư tưởng Nho giáo, cho nên vừa có công danh phú quý, vừa an nhàn tự tại.

            Với “Giấc mơ chín tầng mây”, Kim Vạn Trọng dẫn dắt nhân vật Dương Thiếu Du từ cõi thực đi vào cõi mộng, lạc vào cõi tiên, đầm Bạch Long, hồ Động Đình, cung Thúy Vi và gặp các bậc vua chúa, đạo sĩ, thiền sư, tiên nữ. Trong cuộc ngao du khắp chốn Bồng Lai tiên cảnh, nhân vật chính có dịp trải nghiệm và chiêm nghiệm mọi buồn vui của kiếp con người, thấy rõ mọi sự giàu sang, quan cao lộc hậu cũng chỉ như đám mây nổi và giấc mơ hư ảo. Cho đến đoạn kết, Dương Thiếu Du trở lại thành tiểu hòa thượng Tính Chân ở đạo tràng Liên Hoa: "Tính Chân hồi tưởng lại, ban đầu bị sư phụ khiển trách, theo lực sĩ tới Phong Đô, hoàn sinh trần thế, làm con trai nhà họ Dương, sớm đỗ Trạng nguyên, làm quan Hàn lâm, thăng chức làmtướng thống lĩnh ba quân, tổng quản trăm quan, dâng sớ xin lui, từ quan về sống thư nhàn, cùng hai công chúa sáu nương tử hòa hợp sắt cầm, đàn ca vui múa, chung vui chén rượu. Tất cả những chuyện sớm tối hành lạc đều chỉ là một giấc mộng xuân mà thôi" ...

 2.4. Nghệ thuật

            Hình thức của “Cửu vân mộng” được xếp vào loại tiểu thuyết mộng du, tiểu thuyết về giấc mộng. Cửu ở đây là chín, Vân là mây, Mộng là giấc mơ.  Với cốt truyện được hiểu là “ Giấc mơ chín tầng mây” được tác giả Kim Vạn Trọng xây dựng theo lối tiểu thuyết chương hồi, mượn vỏ hình thức chương hồi để ghi lại từng câu chuyện với kết cấu vừa mộng vừa hư ảo, có ảo giác, lại đan xen giữa cái thực và hư. Toàn bộ tiểu thuyết được chia thành 16 chương và  mỗi chương được tác giả xây dựng thành một truyện ngắn kể về câu chuyện của Tính Chân sau khi đầu thai xuống trần gian vào nhà họ Dương rồi lần lượt gặp gỡ tám tiên nữ.

 Ở mỗi chương đoạn trong cuốn tiểu thuyết có xuất hiện những bài thơ trữ tình đối đáp qua lại của chàng trai khôi ngô tuấn tú giỏi làm thơ Dương Thiếu Du cùng với những cô gái đó là tám nàng tiên nữ hóa thân đều là bậc tuyệt thế giai nhân trong thiên hạ, đan xen cả những đoạn miêu tả khung cảnh rừng núi sông nước đến nơi kinh thành phồn hoa nhộn nhịp, cuộc sống cảnh vật nơi cõi trần và tiên giới tuyệt đẹp đầy thơ mộng, không gian hiện lên vừa thực vừa hư ảo, có cả tả sự trong truyện, tác giả còn xây dựng những lời đối thoại của các nhân vật.

Chút lòng báo hỷ riêng mình biết

Sân Thuấn may sao phượng đến chầu

Xuân sắc lầu Tần hoa ngàn gốc,

Lượn hoài chẳng mượn một cành nào.

3. TỔNG KẾT

“Cửu vân mộng” là một giấc mơ lớn tác giả viết truyện với kết cấu truyện mộng, thực, ảo đều là những người cõi tiên đầu thai xuống phàm trần như một kiếp luân hồi kẻ mê muội sẽ đầu thai sang kiếp khác rồi được giải thoát. Cuộc đời là mộng, là ảo, là bọt, là ảnh, là huyền. Những công danh phú quý, tình yêu, tước quyền cũng chỉ là hư ảo như là một giấc mộng xuân. Tiểu thuyết mang dáng vẻ của một câu chuyện cổ tích và mang âm hưởng thần tiên. Cửu Vân Mộng tạo cho ta cảm giác như ở giữa chín tầng mây với thế giới hiện thực là sản phẩm xã hội phong kiến thời thịnh trị. Qua đó ta có thể chiêm nghiệm được nhiều điều và hướng ta tới một cuộc sống tốt lành. Tác phẩm Cửu Vân Mộng mang đậm cả ba yếu tố Nho giáo - Phật giáo - Đạo giáo, song yếu tố Phật giáo trở thành dòng chủ lưu với những suy tưởng về cõi đời “sinh ký tử qui”, giả định đặt mình vào cõi hư để soi nhìn lại kiếp người và ước mơ về một cuộc sống an lành, bình dị. Đây chính là dòng văn học cổ điển nhất trong văn học Hàn Quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro