Chương 41: Hán-Nôm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rốt cuộc Tạc Tổ đang làm thì bỏ về giữa chừng, không hiểu vì lý do gì. Gặng hỏi thì cậu chỉ đỏ mặt và lẩm bẩm, cái gì mà xưởng đủ nhân công rồi nên cậu trở nên thừa thãi, không biết làm gì nên mới chạy về phụ giúp việc nhà với bọn tôi. Tôi thì mừng húm vì có người làm hộ nên chỉ nhún vai cho qua. Mãi đến chiều tối Andrey mới kể cho tôi, rằng Tạc Tổ đúng là dạng công tử bột chân yếu tay mềm, đụng đâu hỏng đó nên mới bị bác Cả đuổi về và chính thức thành dân thất nghiệp.

Trêu cậu chàng thế thôi chứ cả buổi chiều cậu đã giúp tôi rất nhiều việc: đi chăn bò, tưới cây, mua bình rượu mạnh ủ tóc và vội vàng nấu bữa tối muộn cho cả nhà (dù chất lượng bữa ăn không được tốt cho lắm, nhưng thôi kệ, có cái bỏ bụng là may lắm rồi!).

Vừa ăn xong, trong khi Andrey (như thường lệ) xung phong đi rửa chén bát thì Nick lại quay vào góc nhà tiếp tục vẽ. Tôi đang chuẩn bị ra ngoài sân tập võ thì bị Tạc Tổ giữ tay lại. Cậu kéo tôi tới một gian phòng khác, và lại gần một cái bàn – nơi có chất một chồng sách, bên cạnh là xấp giấy dó, kèm theo đầy đủ các loại bút lông, mực Tàu pha sẵn trong nghiên, và đèn dầu.

Ra hiệu cho tôi ngồi xuống, cậu lấy từ trong túi vải ra một cuốn tập mới toanh và hắng giọng, "Hôm nay tôi sẽ dạy chữ cho cậu. Đây là một trăm chữ Hán cơ bản mà tôi đã soạn tối hôm qua."

"Cái gì?" Tôi trố mắt, nghệch mặt ra và vô thức lặp lại. "Cậu dạy chữ cho tôi?"

Có lộn không vậy? Sao tự dưng muốn tôi học chữ?

"Đúng vậy. Tôi muốn cậu biết chữ, để sau này thuận tiện hơn trong việc..." Đến đây Tạc Tổ bỗng khựng lại. Dưới ánh đèn leo lét của buổi khuya, ánh mắt cậu hiện lên vẻ mâu thuẫn, như thể nửa muốn nói tiếp, nửa muốn tịt ngòi.

Tôi chồm người lên, nhìn chòng chọc cậu bạn. "Việc gì thế?"

"Tôi chỉ muốn, sau này nhỡ như... cậu muốn thi làm võ uý[1]... thì phải biết chút chữ..."

À, có phải là do lời dặn dò của thầy Lê Đạt? Tôi đoán thầy chỉ nói đùa thôi, ai ngờ Tạc Tổ lại tưởng thật. Mà cậu bạn này cũng lạ thật. Có cần phải nghe thầy răm rắp đến như thế không?

Với lại, hôm nay tên lười biếng tôi đây cũng không có tâm trạng học, chỉ muốn luyện tập hít thở nội công rồi đi ngủ sớm.

Học thứ chữ viết mới ư? Thôi, cho tôi xin đi! Cái đó may ra chỉ có hai thằng kia mới chịu học.

"Nhưng tôi không muốn làm phiền cậu." Tôi lắc đầu, toan đứng dậy thì bị ấn vai xuống ghế. Đối diện tôi là một Tạc Tổ mặt mày nghiêm trọng, trông giống một ông thầy đạo mạo hơn là một cậu thư sinh trói gà không chặt. Cậu khoanh tay, đôi mắt nheo nheo nay híp lại thành hai đường chỉ. "Sao thế? Chẳng phải cậu cũng có bài vở để ôn sao?"

"Ban chiều tôi đã mang chúng theo, học thuộc cả rồi." Tạc Tổ hừ mũi, vẫn chưa chịu buông tha cho tôi. Tuy vậy, cứng rắn và nghiêm nghị không phải là bộ mặt thật của cậu, nên bỗng chốc cậu đã xìu xuống và hạ giọng thủ thỉ,"Duy An à, cậu biết không, từ khi cha mất, nhà tôi... phải nói là tán gia bại sản, thân thích phiêu dạt bốn phương tám hướng. Mẹ con tôi đi vào trấn Thanh Hoá, tứ cố vô thân, sống lay lắt qua ngày, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thì làm gì có tiền đóng học phí cho thầy đồ trong làng..."

Tạc Tổ lắc đầu, khoé môi nhếch lên thành nụ cười não nề. Vậy là tôi đã đoán đúng, rằng Tạc Tổ từng xuất thân danh giá, chỉ là không biết gia đình cậu đã bị sa cơ lỡ vận. Tôi càng không biết cậu phải sống một tuổi thơ cơ cực, phải trải qua những tháng ngày khó khăn thế này.

"Thế rồi năm mười ba tuổi[2], tôi may mắn được diện kiến cụ giáo Kha[3]. Cụ... từng đỗ Thái học sinh[4], cùng năm với cha tôi và có quen biết ông. Cụ rất coi trọng việc dạy học, tuyệt đối không nhận tiền của học trò nghèo, và mỗi tháng chỉ nhận của tôi hai bó rau cải. Hữu giáo vô loại[5], cụ bảo thế, nghĩa là tất cả trẻ con trong làng, không phân biệt giàu nghèo, đều phải nhận biết được mặt chữ..."

"Tiến bộ đến thế cơ à?" Thời xưa lắc xưa lơ mà cũng có bình dân giáo dục?

"Nhưng mà, Duy An à, mấy ai được như cụ Kha? Mấy ai muốn đem con chữ đến tay những cậu học trò nghèo như tôi?" Cậu trở nên đăm chiêu, tập trung vào ngọn đèn vàng trước mắt. "Tôi đã học hỏi được điều ấy ở tiên sinh, vốn chỉ muốn giúp cậu mau chóng thành danh, và thực hiện được ý nguyện của mình..."Rồi cậu nhìn thẳng vào mắt tôi. "Tôi cũng biết, cậu muốn..."

Và câu nói bị treo lơ lửng ở đó. Câu nói có sức nặng ngàn cân.

Khoan đã, ánh mắt đầy ẩn ý này là gì? Rốt cuộc cậu ta đã biết những gì?

Chẳng lẽ, Tạc Tổ đã phát giác ra mục đích và hành tung của bọn tôi? Rằng tôi đang có ý định thâm nhập chốn quan trường để minh oan cho Nguyễn Trãi? Và cách duy nhất để chứng minh bản thân là qua con đường thi cử, nghĩa là một đứa dốt đặc như tôi phải gấp rút học chữ cho bằng được?

Không khí giữa hai đứa bỗng yên ắng đến lạ, làm tôi nghe rõ được tiếng tim đập thình thịch trong ngực. Tôi thận trọng ngước lên nhìn Tạc Tổ, cảm thấy mồ hôi túa ra và gai ốc nổi lên từng mảng. Sự sợ hãi đang rình rập đâu đó trong tâm trí này, chỉ chực chờ thời cơ xâm chiếm lấy thân thể tôi.

Câu hỏi đã bị chính sự khiếp đảm nhấn chìm xuống đáy vực sâu. Tôi bất lực mở miệng, rồi đóng, rồi mở, cổ họng không tài nào phát ra âm thanh. Đến khi tôi chuẩn bị vùng dậy bỏ chạy thì Tạc Tổ đặt một tay lên vai tôi. Tôi vùng ra như bị điện giật, làm cậu sợ hãi rụt tay về.

"Cậu..."

"Khụ! Xin hãy thứ lỗi cho tôi đã tọc mạch. Đáng nhẽ tôi không nên ép cậu." Thay vì đáp lại ánh mắt dò hỏi của tôi, Tạc Tổ cụp mắt và quay đi chỗ khác, tay gấp cuốn tập lại. "Cậu không muốn học cũng không thành vấn đề..."

"Ấy, khoan đã!"

Nghĩ đi nghĩ lại thì việc biết chữ lợi nhiều hơn hại. Tạc Tổ nói đúng, thời đại phong kiến này dân chúng còn dốt nát, lạc hậu, tỉ lệ người không biết chữ cao ngất ngưỡng. Nếu biết chữ, không chừng tôi sẽ có lợi thế gấp hơn chục lần những người ngoài kia, và giai cấp xã hội được tăng lên mấy bậc. Chưa kể sự nghiệp công danh được rộng mở, và sẽ bước đến gần hơn với vụ án Lệ Chi Viên kia.

"Tạc Tổ, nếu cậu đã có lòng thì tôi không dám từ chối. Xin cậu hãy dạy tôi chữ Hán và chữ Nôm!"

***

Tôi còn nhớ mang máng, từ nhỏ đã được bà ngoại và mẹ dạy bảng chữ cái tiếng Việt tại nhà. Lúc đó tôi mới ba tuổi, chưa biết viết nên đã học chữ qua những tấm thẻ, một mặt viết chữ cái, mặt kia có từ vựng bắt đầu bằng chữ cái đó. Lớn lên một chút, khoảng bốn tuổi là tôi có thể đọc được sách truyện song ngữ thiếu nhi. Năm tuổi là tôi đọc được truyện tranh, truyện chữ ngắn và thơ. Vì thế nên tiếng Việt đến với tôi rất tự nhiên, giống như tiếng Nga của Andrey và tiếng Hy Lạp của Nick (dù tôi chưa nghe cậu nói tiếng Hy Lạp bao giờ, chỉ thấy e-mail cậu gửi cho gia đình họ nội). Học chữ tượng hình Hán-Nôm sẽ là trải nghiệm học ngoại ngữ đầu tiên của tôi (mà thật ra nó cũng không hẳn là ngoại ngữ, chỉ là hệ thống chữ viết khác thôi!).

Tạc Tổ nghe tôi đồng ý thì mừng lắm, tưởng cậu chàng muốn khóc đến nơi rồi. Cậu hào hứng chỉ vào một loạt mười chữ đầu tiên, cái mà tôi nhận ra là số đếm bằng tiếng Hán.

"Đây là chữ 'Nhất'." Cậu kéo ống tay áo lên, chấm mực và nắn nót kẻ một đường ngang trên trang giấy: []."Giống như một ngón tay vậy."

"Vậy nó đọc là gì?"

"Nó được đọc là 'Nhất'."

"Chứ không phải 'Một' hả?"

"Không phải thế. 'Nhất' và 'Một' đều chỉ số đếm đầu tiên, nhưng một chữ đọc theo âm Hán, một chữ là âm Nôm."

Ồ, thú vị!

"Cậu giỏi thật đấy! Biết được cả hai loại chữ!" Tôi xuýt xoa. "Thế chữ 'Một' được viết thế nào?"

Thấy tôi có vẻ ham học, Tạc Tổ kéo ghế ngồi xuống bên cạnh và cẩn thận viết từng nét ra giấy. Nét bút của cậu khi thì uyển chuyển, nhịp nhàng, khi thì mạnh mẽ, cứng cáp. Con chữ mực đen hiện lên một cách kì ảo trên tờ giấy dó.

Biết khi nào tôi mới có thể viết được như cậu đây?

"Cậu xem này, người ta viết chữ theo hàng dọc, từ phải sang trái, còn nét thì từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, thanh ngang trước thanh dọc. Sau này cậu sẽ quen dần, các nét sẽ nối liền với nhau, tốc độ viết cũng sẽ nhanh hơn. Tạm thời cậu chưa cầm bút được, nên chỉ cần ghi nhớ mặt chữ và nghĩa của chúng thôi. Đây, chữ này đọc là 'Một'."

Trước mặt tôi lúc này là chữ Nôm: []. Về hình thức, nó không khác mấy chữ Hán, và tôi thừa nhận mình không thể phân biệt hai kiểu chữ này.

"Trông có vẻ khó nhỉ?"Tôi bật hỏi."Vậy tại sao lại có chữ Nôm? Nó bắt nguồn từ khi nào? Ở đâu? Có khác gì chữ Hán không?"

Tạc Tổ có vẻ chẳng ngại gì trước những câu hỏi dồn dập của tôi. Cậu suy nghĩ một lúc rồi từ tốn trả lời, "Chữ Nôm vốn có gốc rễ từ chữ Hán, không rõ là có từ bao giờ, nhưng tôi mạo muội đoán rằng, chúng đã được sáng tạo vào thời kì Bắc thuộc, khi chữ Hán đã được truyền bá rộng rãi vào nước ta. Các văn kiện đều được ghi chép chủ yếu bằng chữ Hán, đến giờ vẫn vậy, nhưng chúng ta hằng ngày trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ riêng của người Đại Việt."

"Ồ!"

"Vì ngôn ngữ của chúng ta rất phong phú, lại có nhiều từ ngữ và âm tiết không tìm được ở chữ Hán, nên hệ thống chữ Nôm đã được hình thành và phát triển trong dân gian."

"Vậy nếu là người Trung Quốc, ấy nhầm, là người Ngô thì có đọc được chữ Nôm không?"

"Không, người Ngô không hề đọc được chữ Nôm, nhưng chúng ta có thể đọc được chữ Hán. Tuy vậy, chúng ta chủ yếu vẫn dùng âm Hán-Việt, nên không thể giao tiếp hoàn toàn bằng ngôn ngữ của họ."

Tôi cúi nhìn xuống hai loại chữ, nheo nheo mắt. Ánh sáng lờ mờ từ cây đèn khiến mắt tôi nhoè đi.

Tạc Tổ tiếp tục, "Thật ra thì tôi có thể giao tiếp chút ít, cụ Kha từng dạy tôi... Nhờ thế mà hôm qua tôi mới dám giải vây cho cậu đấy!"

"Vậy tiếng Nôm chính là tiếng thuần Việt. Hiểu rồi!"Dù chưa hiểu lắm, tôi vẫn giả vờ gật gù, ra vẻ ta đây đã thông suốt."À, có phải đó là lý do tôi nên học chữ Hán trước?"

"Đúng vậy! Cậu học chữ Hán nghĩa là bắt đầu từ gốc, sau này học chữ Nôm sẽ dễ dàng hơn..." Giữa chừng cậu dừng lại, không biết là đang nghĩ gì."A, còn nữa, nếu cậu học chữ Hán thì sẽ mau đọc được các văn tự như Tứ Thư[6], Ngũ Kinh[7], Tư Trị Thông Giám[8], Tiền Hán Thư[9], Hậu Hán Thư[10], cả Tôn Tử Binh Pháp[11] kia nữa... "

Nghe Tạc Tổ liệt kê mà tôi không khỏi đổ mồ hôi lạnh. Cậu ta làm như đọc mấy cuốn sách cổ dày cộm nhẹ nhàng như đi dạo giữa vườn hoa vậy. Tôi có ngó sơ qua sách binh pháp của cả Trịnh Viêm và thầy Lê Đạt, chỉ thấy trong đó toàn chữ là chữ, uốn éo như lũ giun bò trên trang giấy. Cứ như thế này không chừng tôi sẽ làm chuyên gia giải mã hơn là học sinh mất.

Chưa gì mà đã thấy tương lai u ám rồi!

"Vậy... vậy cậu có biết tổng cộng có bao nhiêu chữ Hán và chữ Nôm không?"

"Tôi... không biết." Tạc Tổ gãi đầu."Nếu là cả hai loại chữ thì có thể lên đến hơn một vạn."

Ối trời đất ơi!

"Vậy... có cách nào... có quy tắc nào để học hai loại chữ này dễ dàng hơn không?"

Tạc Tổ chớp mắt, sửng sốt trước câu hỏi của tôi.

"Tôi... không biết. Quả thật tôi chưa từng nghĩ đến chuyện này. Trước giờ tôi chỉ học thuộc chúng thôi, chứ cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều."

Vậy là xác định rồi! Một vạn chữ thì làm sao mà nhớ nổi đây?

Mày không làm được đâu! Đầu tôi vẽ nên viễn cảnh chính mình đang vò đầu bức tai đọc mấy cuốn sách chữ Hán. Càng đọc càng rối. Càng đọc càng chẳng hiểu gì. Pax, mày ngu như bò vậy thì làm sao học nổi?

Thằng hèn, mày nhất định không được bỏ cuộc! Tiếng quát quen thuộc của Andrey vang lên đâu đó, giống như giọng nói lý trí đã tán một cú vào cái đầu u mê này. Không học thì làm sao tiến bộ? Làm sao để giúp người, giúp mình?

Tạc Tổ vẫn vô tư viết tiếp, từ chữ "Nhất" đến chữ "Thập", rồi từ "Thập" đến "Nhị Thập", không hề biết cuộc tranh cãi nảy lửa đang diễn ra trong đầu thằng bạn ngồi bên.

"Được rồi," cậu vỗ tay cái bốp,"đầu tiên tôi sẽ dạy cậu học về số đếm..."

***

Suốt hai tiếng đồng hồ tiếp theo, dưới sự dạy dỗ nhiệt tình đến thái quá của thằng bạn, tôi đã thành công nhồi nhét vào đầu khoảng hơn năm mươi chữ Hán, bao gồm luôn cách viết số đếm từ một đến một vạn.

Ngay từ bước đầu tiên, trước sự ngạc nhiên của Tạc Tổ, phương pháp ghi nhớ rập khuôn đã bị tôi thẳng tay loại trừ. Học như vậy rất dễ quên, đặc biệt là khi học không đến nơi đến chốn, và không có mục đích rõ ràng. Cậu đâu có biết tên lười chảy thây như tôi kị nhất là ngồi tụng bài hàng giờ trước ngày thi, để rồi thi xong thì kiến thức quên hết quá nửa.

"Để tôi nói thật với cậu nhé," tôi khịt mũi, làu bàu,"một nền giáo dục tiên tiến sẽ không khuyến khích học sinh phải thuộc làu làu như một lũ vẹt. Ở xứ của tôi, giáo dục kiến thức phổ thông là bắt buộc, bao gồm một lượng kiến thức khổng lồ, đa ngành nghề như toán học, văn học, lịch sử, địa lý, hoá học, sinh học, ngoại ngữ... Học nhiều đến nỗi, bọn tôi bị ngộ độc kiến thức, tâm thần rối loạn, không thể nào tiếp thu và ghi nhớ tất cả các kiến thức đã học..."

Ấy chết! Đến đây tôi mới biết chính mình lỡ mồm, đã khai quá nhiều chuyện tương lai cho người ngoài.

Chỉ hy vọng Tạc Tổ không nghe rõ, hoặc là không hiểu tôi đã lảm nhảm những gì!

"Hai dà, Andrey thường nói với tôi, 'Cái quan trọng là phải biết suy ngẫm, phải hiểu rõ kiến thức, vì hiểu rồi thì mới có thể ghi nhớ lâu dài được.' Hèn gì cái thằng đó luôn đậu thủ khoa..."

Tạc Tổ chỉ ngồi đó, im lặng một lúc lâu. Không biết trong cái đầu thông thái kia đang nghĩ về chuyện gì.

"Đúng vậy." Cậu chậm rãi gật đầu. Ánh mắt cậu loé lên tia sáng tỏ."Trong Luận Ngữ, Khổng Tử có nói, 'Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.' Học và suy nghĩ phải đi đôi với nhau, như thế mới là hữu ích."

Thế là tôi đã năn nỉ Tạc Tổ cắt giấy ra những mảnh hình vuông, trên đó một mặt cậu sẽ viết chữ Hán, còn mặt sau tôi tạm để trống, để lát nữa nhờ Andrey viết phiên âm của nó bằng tiếng Việt và nghĩa bằng tiếng Anh. Đến những chữ Hán phức tạp hơn, tôi sẽ thử phân chúng ra theo các bộ thủ, theo chủ đề, hoặc theo các hình tượng mô phỏng từ ngoài đời.

"Học chủ yếu là dựa vào ghi nhớ, là quá trình tiếp thu kiến thức không ngừng nghỉ. Trí nhớ con người là vô hạn, nhưng khoảng thời gian tiếp thu và lưu trữ thông tin lại hữu hạn." Tôi xoè hai bàn tay ra giải thích."Ngoài việc luyện tập thường xuyên, tôi có biết vài mánh khoé làm tăng khả năng ghi nhớ. Viết lên những mẩu giấy này và phân loại chúng cũng là cách."

Thật ra thì chữ Hán không khó như tôi đã nghĩ, nhất là khi đã nắm rõ một số nguyên tắc nhất định. Tôi thuộc bài một cách nhanh chóng, nhanh đến kì lạ, như thể trong đầu đã lập trình sẵn thứ ngôn ngữ này rồi.

"Học trò" tiếp thu nhanh làm "thầy giáo" mừng lắm, cứ mở miệng ra là khen tới tấp.

"Cậu thông minh thật đấy, An ạ. Tôi chẳng thể nào nghĩ ra được cách ghi nhớ này đâu!"

"Cậu lại quá lời rồi."

Nghe cậu bạn khen mà tôi dở cười dở mếu. Cậu làm sao biết được đầu óc tôi vốn đần độn và biếng nhác – trí nhớ không siêu phàm để định hướng và vẽ vời như Nick, và tôi cũng chẳng đủ kiên nhẫn để ghi nhớ tên các bộ phận cơ thể như Andrey – nên từ lâu đã tìm mọi cách khiến việc học bài trở nên nhanh chóng và bớt khổ sở hơn. Cái mà tôi gọi là "lười có tâm" và "lười có hiệu suất". Bởi đối với tôi, trường học khắc nghiệt như nhà tù, thầy cô là quản ngục, còn bài tập về nhà như những buổi tra tấn tâm lý dã man. Tôi có đầy những lời phê bình, những con điểm B, điểm C trong học bạ làm minh chứng.

Andrey từng nói đó là do tôi lười thôi, chứ không có ngốc. Tôi phản bác ngay, nói rằng tôi điểm thấp là do cả hai yếu tố, nên dù có cố gắng cách mấy cũng vô dụng.

"Đừng khiêm tốn nữa. Cứ tiếp tục như thế này, chẳng mấy chốc cậu sẽ đỗ đầu kì thi Hương cho xem."

Tạc Tổ lại bắt đầu nhìn tôi bằng con mắt thần tượng, giống như hồi ở huyện Gia Định, làm tâm can tôi ngứa ngáy, không chịu nổi sự tâng bốc này. Gom mớ giấy lại thành một xấp, tôi duỗi người ra trên ghế, ngáp một cú thật to và lật đật đứng dậy.

"Thôi, tôi ra ngoài luyện võ đây!" Tôi khẽ cúi người. "Hôm nay tôi đã làm phiền cậu nhiều rồi."

Tạc Tổ cũng đứng lên và khẽ nghiêng đầu đáp lễ. Tôi lặng lẽ đánh giá cậu, thứ cảm giác gần gũi và thân thuộc kia lại dần nhen nhóm trong lòng. Thứ cảm giác thật nhẹ nhàng, như giọt nước mưa rơi xuống mặt hồ phẳng lặng, và ấm áp, như ngọn lửa đèn dầu thắp sáng con đường trong đêm tối tĩnh mịch. Ở cái thời đại này, Tạc Tổ là người duy nhất cho tôi cảm giác bình yên và tin tưởng tuyệt đối. Giống như bọn tôi là gia đình, là anh em ruột thịt vậy. Tôi biết, đặt niềm tin vào người lạ là không nên, nhưng tôi cũng không thể hoàn toàn phủi bỏ cảm tính của bản thân.

Nói thẳng ra thì tôi rất quý cậu. Tạc Tổ tốt bụng đến thế, luôn tìm cách giúp đỡ bạn bè mà không cần báo đáp. Cậu đặc biệt đối tốt với tôi, và gần đây càng thân thiết với hai thằng bạn, đặc biệt là Nick. Tôi chỉ sợ ngôn ngữ và ngoại hình khác người là rào cản lớn và gây ra sự kì thị, nhưng xem ra Tạc Tổ chẳng mấy quan tâm, thậm chí còn thích thú với nhiều nền văn hoá mới lạ. Chưa nói đến chuyện cậu hào phóng trả tiền đò, tiền tranh, tiền ăn ở cho bọn tôi...

A, hay là...

"Tạc Tổ, cậu có muốn học võ không?"

***

Đến lượt tôi hí hửng đẩy cậu bạn ra ngoài sân. Tạc Tổ bị suy dinh dưỡng hay sao mà rất nhẹ cân, dáng người ốm yếu, mảnh khảnh như cành liễu trước gió. Người cậu chỉ toàn da bọc xương, và không có chút cơ bắp nào. Chỉ cần tôi dùng lực tay đẩy mạnh hơn xíu nữa là bảo đảm cậu chàng sẽ té sấp mặt.

Sân trước hôm nay trống trải, sạch sẽ và mát rượi. Thật là lý tưởng! Trời khuya dù tối mù mù cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc tập võ.

"Này, khoan đã..."

"Thời buổi này, chậc, đầy rẫy hiểm nguy, không biết võ là một bất lợi rất lớn. Cậu đã văn hay rồi, mà còn võ giỏi nữa thì sẽ chẳng ai bì kịp." Trúng nghề tủ, đến lượt tôi ba hoa chích choè. Thẳng người, ưỡn ngực, hai tay chống nạnh."Tạm thời tôi chưa hồi phục hoàn toàn nên chưa thể dạy võ cho cậu. Nhưng không sao cả, chỉ cần cậu biết đứng tấn là được. Tấn pháp là một trong những căn bản quan trọng nhất của người võ sinh..."

"Nhưng mà..."

Tôi khép hai bàn chân lại. "Thấy không? Dễ lắm! Đây là lập tấn."

"Duy An à..."

"Còn đây là trảo mã tấn[12], kim kê tấn[13], và hạc tấn[14]."

Tạc Tổ bắt lấy bả vai tôi và xoay về đối diện với cậu.

"Tôi không thể."

Cái gì cơ? Tôi chớp mắt, tưởng mình nghe lầm. Cậu ta không thể làm gì?

"Duy An, tôi không thể học võ."

Nói rồi cậu thở hắt ra, lắc đầu và xách đèn đi đến ngưỡng cửa, quẳng người bệt xuống sàn nhà. Để lại tôi vẫn còn đứng co một chân giữa sân, bối rối.

Ở chế độ phong kiến, dù là triều đại nào thì nền võ học luôn rất được chú trọng, và tôi mau chóng nhận ra những người giỏi võ thường được nhiều người kính nể. Ở án trước, nếu tôi đánh đấm như mèo quào thì chắc gì đã được Trịnh Viêm để ý tới. Thanh niên trai tráng như Tạc Tổ lại càng phải quan tâm đến việc giữ gìn sức khoẻ, tự vệ và lên đường bảo vệ đất nước. Nếu không có những điều lệ vượt thời gian của Andrey cấm cản, chắc tôi đã mở võ đường dạy võ đại trà cho dân chúng từ lâu rồi.

Tại sao Tạc Tổ lại từ chối một cơ hội tốt thế này? Thật không thể nào hiểu nổi.

Với lại, tôi dạy võ cho cậu là có mục đích, chứ không đơn thuần chỉ để trả nợ!

"Tôi... từ nhỏ tôi đã... thể trạng của tôi đã không giống như những đứa trẻ khác." Tạc Tổ lấy hai tay ôm đầu, vò xù mái tóc vốn đã rối bù."Thầy lang đã nói, những triệu chứng này là mạn tính, không thể nào chữa khỏi, và không bao giờ được làm việc quá sức..."

"Khoan đã, ý của cậu là..."

Từ trung bình tấn, tôi lập tức thu chân về và tiến lại gần, ngồi xuống thềm cửa cạnh cậu.

"Từ nhỏ, mỗi khi vận động mạnh là tôi không thể nào thở được, cảm giác ngực như đeo đá, thường bị ho về đêm, và ho rất nhiều lần..."Cậu hơi chần chừ một lúc rồi thì thầm thổ lộ, "Có vài lần, tôi đã thổ huyết..."

Cái gì?! Ho ra máu?

Thấy tôi chết lặng, Tạc Tổ nở nụ cười chua xót, hai nắm tay siết chặt, móng tay bấm thật mạnh vào da thịt. Cậu thu người lại, giấu mặt trong lớp áo giao lĩnh rộng thùng thình. Dáng người gầy gò đến tội run lên bần bật trước cơn gió khuya, làm tôi chỉ muốn chạy vào nhà lấy chăn mền quấn cậu thành cuốn chả giò to tướng.

"Tôi không thể chạy nhảy và đùa giỡn cùng đám mục đồng trong làng, càng không thể nào tập võ như cậu. Ngay cả việc giã dó giúp bác Cả mà tôi cũng không làm được. Duy An, cậu có thấy ai vô tích sự như tôi không?"

"Ờm... không? Ấy, nhầm, ý của tôi muốn nói là, tôi xin lỗi. Tôi thật sự không biết."

"Cậu không nên tự trách bản thân làm gì."

Tạc Tổ nói vậy càng khiến tôi trách bản thân mình vô tâm. Chứng cớ rành rành bấy lâu nay mà tôi chẳng để ý. Mặt Tạc Tổ luôn hiện rõ sắc xanh của bệnh tật. Lần duy nhất tôi thấy cậu vận động mạnh là khi đuổi theo chiếc xe ngựa, và sau đó thì cậu liên tục thở khò khè và lấy tay ôm ngực.

Thảo nào anh chàng ốm yếu và vụng về đến thế, suốt ngày chỉ biết vùi đầu vô sách vở. Mặc dù kiến thức y học hạn hẹp, tôi vẫn lờ mờ đoán được Tạc Tổ bị hen suyễn bẩm sinh (hoặc là viêm phế quản, viêm phổi tắc nghẽn, hoặc tệ nhất là nguy cơ bị lao).

Mà khoan đã. Trong lớp võ của tôi cũng có một võ sinh bị suyễn mà. Khi ấy tôi mười lăm tuổi, còn anh chàng đã là sinh viên cao đẳng năm nhất. Sư phụ vẫn nhận anh ta vào học như bao người khác đấy thôi! Chỉ là chương trình học có hơi khác một chút, và cần được chú ý hơn trong các bài tập thể lực dồn dập và tăng cường các bài tập hít thở. Lúc đầu tôi cũng lo sợ cho sức khoẻ của anh ta, nhất là sau những lần chứng kiến anh lên cơn ho hen. Thế mà sau ba năm kiên trì theo đuổi, tôi đã thấy sự cải thiện rõ rệt, cả về thể lực lẫn suy giảm triệu chứng đáng kể.

Tạc Tổ huơ huơ bàn tay,đưa lại gần sát mặt mình, "Đôi mắt này chỉ có thể nhìn sự vật trong cự ly gần..."

"À, là tật khúc xạ," tôi giải thích. Đương nhiên là tên mọt sách như Tạc Tổ bị cận thị. "Andrey cũng bị như cậu đấy. Là hậu quả của việc đọc quá nhiều sách trong điều kiện không đủ ánh sáng."

Andrey bị cận từ năm cuối tiểu học. Mỗi khi tập võ cậu đều tháo kính ra, đến biết bao nhiêu lần bị "ăn hành" trong các buổi đối kháng vì phản ứng chậm chạp. Tập luyện một thời gian thì phản xạ của cậu ngày càng nhanh nhạy, và tôi (không can tâm) vẫn phải thừa nhận biết bao lần cậu đánh thắng mình (như sáng nay chẳng hạn).

Tôi không tin Tạc Tổ không thể học võ. Chỉ là cậu không biết mình có khả năng học võ. Cậu ta đang giới hạn bản thân bằng những phán đoán thiếu khoa học và ý nghĩ tiêu cực. Không gì là không thể, chỉ cần cậu bạn có niềm tin và ý chí.

Kết luận: Nếu một thằng ngu như tôi học được chữ Hán-Nôm, thì một tên yếu đuối như Tạc Tổ hoàn toàn có thể học võ.

Tôi chuẩn bị mở miệng nói lý thì bị Tạc Tổ gạt ngang, không chút thương tiếc, "Ý tôi đã quyết, cậu thuyết phục tôi vô ích."

"Ơ, tôi đã nói gì đâu..."

"Tôi biết, cậu muốn tôi học võ..." Tạc Tổ lắc mạnh đầu, bướng bỉnh."Nhưng, câu trả lời vẫn là KHÔNG. Tôi không thể..."

"Agh! Đậu phụ chấm tương![15]"Tôi ôm mặt, tiếng gầm gừ bất mãn vọng lên từ dưới cổ họng."Cậu không thể bỏ cuộc dễ dàng như thế được! Tạc Tổ, nghe tôi nè..."

"Cậu nghĩ tôi bỏ cuộc ư?" Tạc Tổ cười nói, giọng điệu không mặn không nhạt. Cậu vội vàng đứng dậy, cúi gập nửa người và đan tay vái chào. Thái độ cung kính mà xa cách, khiêm tốn mà lạnh lùng. "Làm sao tôi có thể bỏ cuộc, khi mà tôi còn chưa bắt đầu?"

Tôi luýnh quýnh chống tay đứng dậy. "Này, khoan đã..."

"Tôi thành thật xin lỗi cậu."

Nói rồi Tạc Tổ quay đầu, chân lảo đảo bước vào nhà.

"PHẠM TẠC TỔ!" Tôi gào toáng lên. "CẬU ĐỨNG LẠI ĐÓ CHO TÔI!"

Tiếng hét chứa nội lực làm chấn động cả gian nhà trước (đến nỗi Andrey phải thò đầu ra từ gian phòng ngủ). Rất hiếm khi tôi lên giọng quát tháo om sòm, nhưng với trường hợp này thì không quát không được.

Khoác lên bộ mặt hắc ám nhất của mình, tôi sải ba bước dài đến chặn đường cậu ta. Tạc Tổ trông thật sự hoảng sợ, co rúm người, rụt vai và lùi lại năm, sáu bước.

Tốt! Biết sợ thế là tốt!

Một tay tôi nắm lấy cổ áo cậu, tay kia vung lên. Tạc Tổ nhắm tịt mắt, cam chịu. Còn cách mặt cậu khoảng vài phân thì tôi đột ngột dừng tay lại.

"Cậu thấy không? Nếu cậu bị người ta chặn đánh như tôi thì phải làm thế nào? Hửm?" Tôi nghiến răng trèo trẹo, nói đến sùi cả bọt mép, nước miếng văng tung toé. "Nếu một ngày đẹp trời người của Thái uý, hoặc bất kì kẻ nào truy lùng cậu để trả thù cho Lê Ngỗi ở vụ án trước, thì lúc đó cậu sẽ làm gì? Quỳ lạy bọn chúng? Đầu hàng bọn chúng? Đưa người ra cho bọn chúng đánh?"

Tạc Tổ vẫn hoàn toàn câm nín. Cậu không dám nhìn vào tôi nữa.

"Cậu đã biết chuyện Lê Ngỗi dám sai người hạ độc thủ với Trịnh huyện thừa, vậy cậu có biết hắn đã phái đám sát thủ đi thủ tiêu luôn Andrey và Nicholas vào đêm tôi vượt ngục? Và cậu có nghe chuyện vụ án đã đến tai những vị quan cấp cao trong triều, trong đó có cả Thái uý?"Tôi nắm chặt lấy vai cậu, lắc tới lắc lui như con rối. "Cậu không trốn tránh mãi được, dù muốn hay không, đã dính líu tới bọn tôi thì tính mạng cậu vẫn có khả năng gặp nguy hiểm. Và tôi tuyệt đối không cho phép điều đó xảy ra, nghe chưa hả?"

Trong tầm mắt tôi thấy Andrey có ý định xông ra giải vây. Một cú lườm sắc hơn dao găm của tôi khiến cậu chùn bước.

Lát nữa đi, tôi chớp mắt hai cái.

OK, Andrey gật đầu và bỏ vào trong.

"Tôi đã nói rồi," Tạc Tổ lí nhí,"tôi không thể..."

"Đừng có lý do lý trấu bằng cái thứ bệnh hen suyễn kia nữa! Đồng môn của tôi cũng có một người giống hệt cậu, và Andrey bị cận thị, nhưng cả hai vẫn học võ được đấy thôi!" Buông cả hai tay, tôi thở hắt ra. "Tôi không thể nào bắt ép cậu học võ, nhưng cậu hãy suy nghĩ kỹ lời của tôi. Tôi đã nợ cậu quá nhiều. Tôi không muốn cậu vì tôi, vì ba đứa tôi mà chịu liên luỵ."

Không đợi Tạc Tổ trả lời, tôi hừ mũi một tiếng thật to, vung ống tay áo ra sau và lùi lại. Tội nghiệp cậu bạn, chắc là lần đầu thấy tôi thật sự lên giọng nổi nóng nên mới thất thần đến vậy. Nhưng dù có tội cách mấy thì cũng không được khoan nhượng!

Trước khi bỏ ra ngoài sân, tôi tặng Tạc Tổ một cú gật đầu cụt ngủn. Thái độ lãnh đạm hệt như cậu khi nãy.

Gậy ông đập lưng ông kiểu này, có chết tôi cũng không hối hận.


Chú thích:
[1] Các chức quan võ được bổ dụng sau ba năm học tập và thi cử ở Giảng Võ, trường võ ở phía Tây kinh thành. Thường thì trường chỉ dành riêng cho con của các công, hầu, khanh, tướng, mặc dù cũng có một số trường hợp ngoại lệ.
[2] Ở đây Tạc Tổ đang nói về tuổi ta. Tuổi thật của cậu lúc ấy là 12 tuổi (1455).
[3] Vũ Mộng Nguyên, tự Vị Khê, Lạn Kha, đỗ Thái học sinh khoa thi năm Canh Thìn (1400) cùng với Nguyễn Trãi, nhưng ông không làm quan triều Hồ mà về quê mở lớp dạy học. Ông là nhà thơ, làm quan dưới triều Lê sơ, thăng đến chức Tế tửu ở Quốc Tử Giám. Ông về hưu năm 74 tuổi (1453).
[4] Thái học sinh, còn gọi là Tiến sĩ, là danh hiệu của người đỗ kì thi Đình.
[5] Một phương châm về giáo dục của Khổng Tử, nghĩa là giáo dục thì không nên phân biệt giai cấp, người người biết chữ thì xã hội mới văn minh tiến bộ.
[6] Tứ Thư là bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, bao gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử.
[7] Ngũ Kinh là năm tác phẩm kinh điển là nền tảng cho Nho học, theo truyền thuyết thì được Khổng Tử soạn và hiệu đính, bao gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Cùng với Tứ Thư, Ngũ Kinh được dùng trong các kì thi Hương, thi Hội và thi Đình.
[9] Tư Trị Thông Giám là cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc, bao gồm 294 thiên và khoảng 3 triệu chữ, do Tư Mã Quang – nhà sử học đời Tống - làm chủ biên và các cộng sự như Lưu Ban, Lưu Thứ, Phạm Tổ Vũ, Tư Mã Khang biên soạn.
[9] Hán Thư, hay Tiền Hán Thư, là một tài liệu về lịch sử Trung Quốc cổ đại do Ban Cố biên soạn, viết về giai đoạn thời Tây Hán từ năm 206 TCN đến năm 25.
[10] Hậu Hán Thư là một tài liệu về lịch sử Trung Quốc cổ đại do Phạm Diệp biên soạn, viết về giai đoạn thời Đông Hán từ năm 25 đến năm 220.
[11] Tôn Tử Binh Pháp là cuốn sách chiến lược chiến thuật do Tôn Vũ soạn vào năm 512 TCN vào thời Xuân Thu, không những đặt nền móng cho binh học mà cònsáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
[12] Tấn pháp trong võ cổ truyền, thuộc nhóm tấn cao: Bàn chân sau nằm ngang. Mông sau gióng xuống sẽ ngang với bàn chân sau. Đầu gối chân trước gập một góc tù và hướng tới trước.
[13] Tấn pháp trong võ cổ truyền, thuộc nhóm tấn cao: Đứng giống trảo mã tấn, có điều chân đứng thẳng lên, nâng đầu gối của chân co càng cao càng tốt, với bàn chân ngóc lên.
[14] Tấn pháp trong võ cổ truyền, thuộc nhóm tấn cao: Đứng giống kim kê tấn, có điều mũi bàn chân co chỉ xuống
[15] Cách chửi... có văn hoá của Pax. "Đậu phụ" nghe như "the f*ck" trong tiếng Anh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro