Chương 43: Nhận Mặt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Duy An, cậu mua giúp tôi ít cân khoai lang và sắn được không?" Thấy tôi đang bày sách vở ra học, Tạc Tổ đứng khựng lại, bối rối lùi về sau. "Cậu... không cần đi cũng được. Tôi đã làm phiền cậu..."

"Ấy, không! Không! Không thành vấn đề." Tôi vội vàng gấp sách lại, duỗi người ra và lồm cồm đứng xuống sàn. "Để tôi mua giúp cậu."

"Vậy thì tốt quá!"

Quanh quẩn mãi trong nhà cũng chán. Một người thích vận động như tôi không thể nào ngồi yên một chỗ từ sáng đến tối. Gom hết mớ dụng cụ học tập bỏ vào ba lô, tôi phủi lại vạt áo nhăn nhúm, chính lại đai lưng, kéo ống quần xuống và xỏ dép. Cẩn thận hơn, tôi lấy thêm cái nón đội lên đầu. Nón chóp đan bằng lá che đi phân nửa khuôn mặt, giúp tôi tránh nắng, và tránh luôn những kẻ tôi không muốn chạm mặt vào lúc này.

Những kẻ đã biết thân phận Nguyễn Duy An của tôi. 

"Tiền đây. Cậu mua chừng vài cân, đủ cho năm người ăn là được."

"Nhưng mà, tôi nên mua khoai ở đâu?"

"Chợ Kẻ Bưởi ban sáng chắc đã dọn hàng hết rồi. Tôi nghĩ..." Tạc Tổ nhai môi dưới, lục lọi thông tin trong đầu, "cậu có thể... đi xuống phía Tây Nam, ra bến nước ngã ba sông Thiên Phù và Tô Lịch có chợ Hồng Tân. Bên ấy bọn họ buôn bán rất tấp nập từ sáng đến chiều, chắc chắn sẽ tìm được gánh khoai ngon."

"Được rồi. Lang và sắn." Tôi vẫy tay. "Đi đây!"    

***

Nếu nói Nick là thằng nhóc không bao giờ bị lạc, thì tôi chính là thằng nhóc luôn luôn bị lạc đường. Vì đã gần nửa trưa, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nên tôi không biết làm sao để định hướng. Nếu ở hiện đại có thiết bị định vị toàn cầu thì ở cổ đại tôi chỉ biết nhờ vào lời chỉ dẫn mơ hồ của người đi đường.

"Chợ Hồng Tân... chợ Hồng Tân..."

Con đường làng vắng tanh, làm kẻ mù đường như tôi đâm sợ hãi. Tôi lầm lũi đi theo hướng chỉ tay của một ông bác, rẽ vào con đường nhỏ, men theo rặng tre nối dài ra khỏi làng Yên Thái. Cạnh bên là làng giấy Nghĩa Đô. Không thấy đình làng đâu.

Tôi tiếp tục hỏi đường. Một anh chàng tốt bụng nhận ra tôi là người ngoài, nên đã đi cùng tôi đến tận con sông Tô. Anh ta nói, nếu cứ đi theo dòng chảy này, chừng vài dặm nữa là sẽ tới ngã ba sông.  

Tôi chỉ thở phào khi nghe ra tiếng rao hàng nhốn nháo phía trước mặt. Khung cảnh họp chợ đông vui làm tôi nhớ đến những khu chợ nổi dưới đồng bằng sông Cửu Long. Điểm khác biệt là dọc hai bên bờ, các tiểu thương bày bán những mặt hàng cũng phong phú chẳng kém gì trên thuyền: thịt cá, rau củ quả, hàng thủ công... không thiếu thứ gì. Hoạt động mua bán chủ yếu bởi người địa phương vùng Bưởi, giá cả bình dân chứ không đắt đỏ như chốn kinh kì phồn hoa phía bên kia sông.

"Gánh bán khoai... gánh bán khoai..."

À! Kia rồi!

Gánh khoai này nhỏ thôi, là dăm ba cái rổ đựng nằm lọt thỏm giữa những sạp hàng khác. Nhưng trông có vẻ ngon đấy! Không có củ khoai nào bị mốc meo hết!

"Chị ơi," tôi ngồi xổm xuống, "bán cho em... ờm... thôi, lấy cho em hết mớ khoai lang này..."

Cô gái bán khoai đang ngồi xếp bằng, chăm chú đọc sách thì ngước lên nhìn. Bọn tôi chạm mắt trong ba giây, làm tôi hoảng hốt cúi đầu, sợ bị nhận diện. Chợt nhận ra mình hơi đa nghi, tôi lại ngước lên và nở nụ cười gượng gạo.

Hay lắm Pax! Tự mày làm bẽ mặt bản thân rồi đó!

"...và, và hai cân khoai mì, ấy nhầm, là hai cân củ sắn này đi ạ."

Chị ta tủm tỉm, đôi mắt sáng mở to, "Lần đầu cậu đến chợ này à?"

"Vâng ạ." Tôi cười toe, gật gật đầu. "Ủa, mà sao chị biết?"

"Ngữ âm và ngôn từ của cậu không thuộc vào vùng này. Ở đây đất mềm và trơn ướt, những người thường xuyên đi chợ sẽ mang chân trần. Nếu muốn mua khoai số lượng lớn, họ sẽ mua ở gian của bác Phương, chứ không mua ở đây. Khoai này do chị tự trồng ở nhà, vài tháng mới lên đây bán một lần."

"Ồ! Chị nói đúng rồi! Đây cũng là lần đầu tiên em đi chợ một mình đó!" Tôi cầm lên củ khoai lang gần nhất, ngắm nghía. "Cái này mà luộc hoặc nướng trên bếp củi là ngon hết sẩy, chị nhỉ? Đã lâu lắm rồi em mới được ăn lại món khoai lang nướng."

Vừa dứt câu, nụ cười của chị cũng vụt tắt. Ánh mắt đen láy vẫn chăm chú quan sát tôi, có chút gì đó ngần ngại và cảnh giác.

Pax, mày đã nói gì bậy bạ gì nữa rồi!?

"Mớ... mớ khoai này giá bao nhiêu vậy ạ?"

"Hai mươi đồng," chị ta đáp, ánh mắt lơ đãng.

"Chị ơi, nếu... nếu ban nãy nếu em có thất thố," tôi cúi đầu tạ lỗi,"xin chị hãy..."

"Không phải do cậu," chị ta nói nhanh, cụp mắt, cúi gằm đầu xuống đất. "Cậu hãy mau chóng rời khỏi đây... Trước khi..."

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì một giọng nói oang oang vang lên phía sau lưng.

"Ô hô, người đẹp Bái Ân. Thì ra nàng ở đây!"

Giọng nói này, sao nghe quen quen... Mà thôi, nếu chị ta đã đuổi thì mình cũng chẳng nên xớ rớ ở đây làm gì. Trả tiền rồi lượn!

Đang loay hoay móc tiền ra đếm, trong tầm mắt tôi xuất hiện vạt quần màu xanh lam, nhìn sơ qua là biết loại vải lụa hảo hạng một trăm ba mươi đồng một thước. Mua được loại vải này chỉ có ba tầng lớp: địa chủ, quan lại và quý tộc.

Một giọng nói khác chêm vào, "Ưng, anh biết nàng ta?"

Chết rồi! Tôi than thầm. Có tận hai tên! Báo động đỏ! Chạy lẹ! Chạy lẹ lên!

"Nàng ấy là người ta năm lần bảy lượt muốn hỏi cưới đấy! Hồ thị. Gia Hân."

"Thế à?"

"Nhưng chao ôi," hắn ta bỗng to tiếng, "người đẹp mà sao nàng lại kênh kiệu..."

"Cậu Công Hiến, thỉnh tự trọng." Chị ta cắt ngang, lạnh giọng, "Lần trước, chính cậu đã chế nhạo ta, nói rằng ta là thứ 'đũa mốc chòi mâm son', là thứ đàn bà 'goá bụa mà giả vờ trong trắng'. Nay, giữa ban ngày ban mặt, cậu lại nói muốn hỏi cưới ta, từ chối thì nói ta kênh kiệu. Lời nói mâu thuẫn, thật hư lẫn lộn, không thể nào xác thực. Thế có phải là lời của đấng quân tử?"    

"Chậc, ha ha ha... Miệng lưỡi nàng vẫn sắc sảo như mọi lần."

Năm đồng, mười đồng, mười lăm đồng... Tôi vẫn tỉ mẩn đếm tiền, lắng tai nghe cuộc trò chuyện không sót một chữ. Chị Gia Hân này cũng có khí phách đấy, dám đấu võ mồm với lũ nhà giàu hống hách kia!

"Anh họ của ta đã thất lễ." Vị công tử kia hạ giọng, "Xin hãy nhận của ta một lạy."

"Tiện nữ không dám nhận."

Tôi nhét hai mươi đồng vào tay chị, mỉm cười đầy cảm thông. Thật tệ khi bỏ về và để chị ta ở lại với mấy tên khả ố này. Nhưng tôi không dám xen vào chuyện thiên hạ, càng không dám gây sự với mấy tên công tử kia. Với lại, chưa chắc gì tôi có thể đuổi họ đi. Lần này tôi tự hứa nhất định sẽ tránh xa rắc rối, dù có biến thành một thằng nhát gan và hèn hạ.

Chị giúp tôi gói ghém và bỏ khoai vào giỏ, không biết lương tâm thằng nhóc đang bị dày xéo thê thảm.

"Lênh đênh chiếc bách giữa dòng
Thương thân goá bụa, phòng không lỡ thì.
Gió đưa cành trúc ngã quỳ
Ba năm trực tiết còn gì là xuân?"

Bốn câu thơ lục bát lập tức gây nên sự chú ý của mọi người xung quanh. Những cặp mắt hiếu kì nhìn chằm chằm vào gánh khoai. Tai tôi cũng vểnh lên, nhận ra đây là thơ của vị công tử có lễ độ kia. Hắn mượn thuyền, gió, trúc để ám chỉ cảnh cô đơn của người góa phụ. Một hình thức vừa an ủi vừa tán tỉnh. Rất trắng trợn.    

Tôi chỉ không rõ cụm "ba năm trực tiết" nghĩa là gì.

"Mênh mông cánh én giữa trời
Đôi chim bắn một, biết nơi nào về?
Chỉ mong én giữ lời thề
Đừng quên ước hẹn tình nồng vườn xuân!"

Ồ! Hay quá! Đối thơ tuyệt đỉnh! Chưa đầy một phút thì chị đã nghĩ ra bài thơ. So sánh vợ chồng chị là đôi chim én, chẳng may một con bị bắn rơi, thì con chim kia vẫn giữ nguyên lời ước hẹn, một lòng thuỷ chung không muốn tái giá. Một hình thức cự tuyệt rất lịch sự. Rất dứt khoát!

"Trí Luân xin bái phục."

Duy An này cũng xin bái phục!

Nghĩ là làm, tôi đứng lên và cúi đầu chào chị, lòng tràn ngập sự ngưỡng mộ. Một người bản lĩnh, thông minh và nhạy bén như chị, chắc là không có vấn đề gì đâu. Tôi không nên quá lo lắng làm gì.

"Thiếu phụ bán khoai, thiếu khoai lang."[1]

Nói xong, tên Công Hiến đó ngoác miệng cười hô hố. Tôi vừa quay đi thì đứng hình. Đây... chính là một vế đối mà? Sao nghe đơn giản thế? Chị ta bán khoai, tôi mua hết khoai lang rồi thì thiếu khoai lang là lẽ đương nhiên. Vậy mà hắn cười cái gì không biết.

Hay là... nó không đơn giản chỉ nghĩa đen?

Thiếu khoai lang... thiếu khoai lang...

Chị ta lại là... thiếu phụ... Không phải, là góa phụ...  

A! Cái tên mất nết này! Nghĩ kĩ thì vế đối của hắn thâm thật. Bề ngoài thì có vẻ vô hại, thậm chí là hơi trẻ con, nhưng bề trong lại mang đầy hàm ý tục tĩu, chế giễu và xúc phạm danh dự của chị. Tôi phải kiềm chế lắm mới không quay phắt lại và cho hắn một cú đấm vào giữa mặt. 

Đúng là cái thứ đàn ông phong kiến gia trưởng, coi phụ nữ không ra gì! Đáng khinh! (Mà khoan đã, ở thời hiện đại nhiều tên đàn ông cũng thế mà, có khá hơn được chút nào đâu?)

"Công tử tham ấu, còng ấu tẩu."[2]

Tiếng nói cười im bặt. Trong vài giây ngắn ngủi, khu chợ yên tĩnh đến lạ. Cho đến khi có người cười phá lên.

"Đấy! Đấy! Luân à, chú mày thấy chưa?" Giọng tên đó sang sảng, không chút xấu hổ. "Ta đã nói rồi. Người như nàng ấy, thế gian này hiếm gặp. Ta quả là có mắt nhìn người. Đợi đến năm sau..."

"Công tử, ý của ta đã quyết. Cả đời này nguyện chỉ làm dâu họ Hoàng, làm vợ của anh Thuận... Xin cậu đừng làm khó ta..."

Tôi cúi đầu rảo bước đi thật nhanh, tai chỉ nghe loáng thoáng cuộc trò chuyện. Tốt nhất là nên tránh đi thứ tai họa này, càng xa càng tốt.

Một tiếng động lớn vang lên. Một củ khoai lăn đến chân tôi.

"KHÔNG!!"

Chuyện gì nữa đây?

***

Tôi liền quay phắt lại. Trước mặt là cảnh tượng ngổn ngang của gánh khoai. Tên áo lam đang nổi cơn điên và đá rổ khoai của chị xuống sông.

Quá đáng lắm rồi! Cái thứ con nhà giàu hư hỏng! Chọc ghẹo và nhục mạ phụ nữ là một chuyện, đã vậy còn nhẫn tâm phá đi miếng cơm manh áo của người ta. Thái độ "ăn không được thì đạp đổ" này là tuyệt đối không thể chấp nhận được!

Đầu trống rỗng, chân tôi vô thức chạy đến, tay chụp lấy vai của hắn và kéo giật lại.

"Này, anh công tử," tôi cố giữ bình tĩnh mà hạ giọng, nhẹ nhàng nói, "ta khuyên ngươi, nếu phụ nữ đã không đồng ý rồi thì ngươi hãy nên dừng lại..."

Tôi bị hắn bất ngờ xô mạnh, ngã oạch ra sau. Đầu đập xuống đất. Nón rơi khỏi đầu.

"Buông ra! Mày là thằng ôn nào mà dám lên mặt dạy đời..." Hắn trố mắt. "Duy An?"

Từ đằng xa, một thân hình nhỏ nhắn chạy lại. "Sư phụ!"

Thôi rồi! Tôi nhắm tịt mắt. Lòi mặt chuột rồi!

"Hôm nay là ngày hoàng đạo gì ấy nhỉ? Bước chân ra ngoài là gặp được người quen." Tên đó vẫn bô bô cái miệng, mắt thò lỏ nhìn tôi. Lần này tôi đã thấy rõ mặt hắn, vị công tử đã cố tình đến làm quen (và gây sự) với bọn tôi trong quán ăn tối ở huyện Quảng Đức (rồi suýt bị Andrey tuốt kiếm ra chém). Công Hiến có khuôn mặt dữ tợn - mày kiếm, mắt to trừng trừng, các đường nét sắc sảo như tranh vẽ võ tướng ngày xưa. Hắn đột ngột nhoẻn miệng cười với tôi, làm thớ cơ mặt giãn ra, khiến nhìn đỡ "ác" hơn chút xíu.

Ở một bên, Thiều Huy rối rít. "Sư phụ! Sư phụ có sao không ạ?"

"Anh không sao." Tôi vùng ra, tay quờ quạng tìm nón. "Và... và ngươi nhận nhầm người rồi. Ta không phải Duy An, mà là Đức Bình..."

"Ối giời! Còn giả vờ không quen biết. Mà sao ngươi lại ăn mặc tồi tàn thế kia? Lại đến đây một mình? Ha ha, còn hai con chó của ngươi đâu?"

Ta thích mặc gì thì mặc, ngươi quản được sao? Tôi nghĩ, dù tức tối vẫn không dám thể hiện ra mặt. Với lại, ngươi dám nói ai là chó hả, tên khốn kia?

Hôm nay ra đường không coi ngày, càng muốn né tránh thì càng bị dính chưởng. Chắc bữa nào tôi phải đi giải hạn mới được, chứ dạo này xui xẻo thúi hẻo quá!

Trí Luân lặng lẽ đỡ tôi đứng dậy. Hắn trạc tuổi tôi, cũng là một trong những công tử đã ăn ở cái bàn hôm đó. Dáng người cao lớn, tay chân dài thòng, da ngăm đen chọi với áo lụa màu vàng sáng. Mày sâu róm, mắt xếch, lỗ tai vểnh ra hai bên. Có vẻ tử tế và điềm đạm hơn anh chàng kia.

Hắn vỗ vai và nói nhỏ vào tai tôi, "Duy An à, ngươi đừng để bụng lời nói của hắn. Tên đó tính tình nóng nảy, từ nhỏ đã được nuông chiều, nhiều lúc không phân biệt được phải trái, đúng sai..." 

"Không có nghĩa là hắn muốn làm gì thì làm." Tôi rít qua kẽ răng. "Tại sao ngươi không cản hắn?" Trí Luân cúi đầu, tránh mặt tôi.

Trong tầm mắt, Thiều Huy đang đứng nhe răng chống nạnh, che chắn trước mặt Gia Hân. Chắc hai người là mẹ con. Tôi khẽ liếc qua Gia Hân thì thấy chị đang lặng lẽ đánh giá tôi, đôi lông mày nhíu chặt, đôi mắt nhoà lệ loé lên thứ gì đó giống như là sự căm phẫn. Hẳn chị đang nghĩ tôi cùng một giuộc với bọn họ. Bình thường tôi ít khi để tâm đến hình tượng bên ngoài, tốt xấu gì chỉ bản thân biết là đủ. Vậy mà bây giờ, không hiểu sao tôi lại không muốn chị nghĩ xấu về mình. Bọn tôi là người dưng, chắc gì đã gặp lại nhau, thế mà chỉ vì một hiểu lầm nho nhỏ mà lòng tôi lại vô cùng bứt rứt, khó chịu.

Đầu tôi đang hoạt động hết công suất, đánh giá tình hình trước mắt. Điều cấp bách hiện tại là phải kéo tên này đi chỗ khác. Không cho hắn lại gần chị Gia Hân nữa. Trí Luân thì ổn rồi, bởi hắn biết đâu là điểm dừng, đâu là liêm sỉ của người đàn ông.

Ha! Biết rồi! Nhắm chừng Trí Luân có thể giúp tôi. Tôi dừng lại ở khuôn mặt kia và nháy mắt ra hiệu.

"Ưng à," Trí Luân ngập ngừng lên tiếng, "anh đừng nên..."

"Thôi nào, nàng hãy theo ta về phủ." Hắn quỳ một chân và cúi xuống, nhẹ nhàng nắm tay chị Gia Hân. "Ta sẽ xoá hết nợ cho nàng, sẽ cho mẹ con nàng sống trong nhung lụa, không cần phải buôn gánh bán bưng mấy thứ này. Ta nghe nói, nàng còn nợ khắp nơi tiền tang sự..."

"Xin cậu, Công Hiến, tôi cầu xin cậu," chị nghiến răng, nước mắt trào ra không ngừng, "xin cậu hãy buông tha cho mẹ con tôi..."

Trí Luân quay qua tôi và lắc đầu. Xem ra không hiệu quả rồi!

Làm sao đây? Tôi muốn giúp chị ta, nhưng lại không muốn gây sự, và cũng không muốn giao du với lũ người này chút nào.

Tiếc thay, tôi chỉ có thể chọn một.

***

"Này, Công Hiến," tôi kéo đi chỗ khác và nói nhỏ vào tai hắn, "công tử danh giá như ngươi, sao lại tốn thời gian và công sức với một ả đàn bà?"

"Ấy là do ngươi không biết..."

"Ngươi làm vậy chỉ khiến Hồ thị sinh lòng thù hận mà thôi. Thứ lỗi cho ta, nhưng hành động lúc nãy của ngươi giống hệt như một đứa trẻ không được cho kẹo..."

"Này..."

Được lợi thế chiều cao, tôi dùng cánh tay khoá chặt cổ và vai hắn, vừa nhẹ nhàng vừa đanh thép. "Đều là nam nhân với nhau, ta khuyên ngươi, đừng nên quá nóng nảy, cố chấp, tấn công dồn dập và nói lời khiếm nhã, mà phải kiên nhẫn bày tỏ tấm lòng chân thành. Hồ thị có học thức và không phải loại người dễ dãi, càng không phải người tham vinh hoa phú quý. Phụ nữ không phải là món đồ, cứ bỏ tiền ra là mua được. Nếu ngươi thật sự có tình cảm với nàng, vậy thì cứ làm theo lời ta đi. Bảo đảm sẽ thành công mĩ mãn."

"Thật á?"

"Thật! Ta hỏi này, đây... có phải là lần đầu ngươi phải lòng một người?"

Công Hiến ngượng ngập gật đầu. Biết ngay mà! Hèn gì hắn cư xử như mấy đứa nhóc tiểu học với mối tình đầu.

"Trước tiên, ngươi hãy đến trước mặt Hồ thị, cúi đầu tạ lỗi và trả tiền cho mớ khoai kia. Hứa từ nay về sau sẽ không quấy rối nàng nữa. Rồi ta sẽ chỉ cho ngươi những bước tiếp theo."

Tôi nín thở, chờ đợi phản ứng của hắn. Tên này thật khó lường. Không biết hắn có nghe lời tôi, hay lại nổi hứng lên cơn điên như lúc nãy. Nghĩ cũng tội, chắc ở nhà không ai dạy hắn cách ứng xử với phụ nữ, được cha mẹ nuông chiều quá nên sinh hư. Nho giáo đã hình thành tư tưởng trọng nam khinh nữ từ khi còn nhỏ, khiến những kẻ như hắn cư xử tệ bạc với những người phụ nữ mình yêu thương.

May mắn thay, hắn có vẻ cân nhắc lời của tôi. Trước sự ngạc nhiên của mọi người (đặc biệt là Trí Luân), Công Hiến làm hệt theo những gì tôi chỉ bảo. Chị Gia Hân cúi đầu đáp lễ và nhận một xâu tiền bồi thường. Tuy chưa hoàn toàn tha thứ cho tên công tử kia, nhưng thái độ của chị đã nguôi ngoai phần nào.

Mọi chuyện đã kết thúc trong êm đẹp. Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành. Về thôi!

"Sư phụ! Sư phụ!" Một bàn tay chụp lấy tay tôi, lay lay.

"Mợ ơi, vị ấy là người mà con đã kể hai hôm trước đó!"

Tôi hoảng hốt, vùng tay ra. "Ai... ai là sư phụ của em chứ?"

"Hoàng Thiều Huy! Con không được vô lễ." Chị Gia Hân quát lên, "Mau bỏ tay vị khách kia ra!"

Tôi gật đầu cảm kích và sụp nón xuống, xoay lưng bỏ đi. Đi được vỏn vẹn ba bước.

"Duy An!" Công Hiến khoác vai tôi và cười hề hề. "Ngươi đi đâu đấy?"

***

Sau khi đi một quãng khá xa, hắn quay sang hỏi tôi, "Thế bước tiếp theo để chinh phục nàng là gì?"

Được rồi. Tôi thừa nhận bản thân có trí tuệ xúc cảm khá cao (ít nhất là hơn hai thằng bạn), là chuyên gia đi tư vấn tình cảm cho mấy đứa bạn cùng lớp. Ở thời hiện đại, tôi cũng có vài lần cảm nắng và một người bạn gái quen được hai năm, mặc dù đến năm cuối cấp tôi bị cô ấy cắm cho hai cái sừng to đùng vì lý do lãng xẹt – không chịu tiến một bước xa hơn.

Bởi thế kinh nghiệm tán tỉnh của tôi cũng không đến nỗi tệ, đủ để bốc phét với hai anh chàng công tử bột kia. Tôi vận dụng những kĩ năng đọc được trong sách, trên mạng, kinh nghiệm tình trường và vốn hiểu biết về văn hoá phương Đông, soạn ra trong đầu "Bí Kíp Tán Tỉnh Phụ Nữ Đại Việt".

"Hồ thị vừa mới mất chồng, tâm trạng vẫn còn rất đau đớn, tình cảm vẫn chưa phai nhạt. Ngươi tuyệt đối không được nhắc gì đến việc tái giá. Việc hiện tại là phải làm nàng dần vui lên, nhưng phải thật cẩn thận, không được bày trò lố lăng. Âm thầm giúp đỡ chuyện tiền nong cũng là một cách. Ngoài ra, ngươi có thể lấy lòng những người xung quanh, như cha mẹ, anh em của nàng..."

Hai tên công tử như nuốt lấy từng lời, thiếu điều chưa lôi sổ ra ghi chép lại. Tôi cười thầm. Chuyện tình cảm và hôn nhân thời xưa khá đơn giản, đâu có lắt léo như thời hiện đại. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Gặp nhau vài ba lần đã hỏi cưới. Việc tên Công Hiến phải lòng chị Gia Hân là trường hợp khiến tôi lấy làm lạ. Người xưa luôn coi trọng vấn đề trinh tiết người phụ nữ, vậy mà hắn vẫn bất chấp theo đuổi một người goá phụ, nghĩa là chị ta phải có phẩm chất nào đó rất đặc biệt.

Trí tuệ? Tính cách? Nhan sắc?

"Đấy là những cách của ta." Tôi kết luận, nghiêm mặt lại. "Nhưng mà, nếu đã làm hết mọi cách mà nàng vẫn từ chối, thì ngươi phải để nàng yên. Đó mới là nghĩa của bậc trượng phu."

"Ngươi có vợ chưa?" Trí Luân chợt hỏi.

"À... ờm... ha ha... Ta... lấy vợ rồi." Tôi nhớ lại lời bịa đặt của Nick. "Là người ngoại quốc. Và có... một vài nhân tình, chẳng may duyên không thuận, đều bị chia cắt cả."

"Quả nhiên!"

"Bọn ta đã nghe qua chuyện ở Gia Định." Công Hiến đột ngột hạ giọng. "Có thật ngươi chính là người con trai út của ngài Hành khiển?"

Tôi mím môi. Không trả lời. Hai người bên cạnh liếc nhau đầy ẩn ý.

"Ta họ Đinh, huý là Ưng, tự Công Hiến. À, ngươi còn có thể gọi ta là Thái Văn." Hắn ta vỗ vai tôi, mỉm cười. "Đại phu[3] ta là Thái phó đương triều[4]."

Thái phó!? Thái phó là ai? Có phải là một trong những vị khai quốc công thần, ngang hàng với Thái uý Lê Lăng?

"Ta là Lương Trí Luân, em bên họ ngoại của Đinh Ưng. Sau này xin được chỉ bảo." 

"Thật là hân hạnh." Tôi ôm quyền đáp lại. "Ta là Duy An, tự Đức Bình. Sau này cũng xin được hai vị chiếu cố cho."

Đúng là ghét của nào thì trời ném cho của đó. Giờ thì tôi bị mắc kẹt với hai tên công tử này.

"Này, ta nghe nói ngươi là một thương nhân giàu có, có cả tuỳ tùng..."

"Ý ngươi là hai người kia? Một tên tóc vàng, một tên tóc nâu?" Tôi cắt ngang, nhướn mày. "Họ đều là bằng hữu của ta, là thương nhân ngoại quốc đến từ Âu lục. Ở án trước, vì bị Lê Ngỗi hãm hại suýt chết, nên bọn họ mới có ấn tượng xấu và nảy sinh cảnh giác với những kẻ... ờm... như các người..."

Bọn họ lại liếc nhau, đầu gật gù.

Bọn tôi vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhờ vậy mà tôi cũng biết thêm về cuộc sống của con cái những vị quan trong triều. Chẳng sung sướng gì đâu! Ban ngày phải è cổ ra tụng bài và viết luận văn ở trung xá sinh, trường Quốc Tử Giám, học xong thì đến điện Giảng Võ luyện tập võ nghệ đến chiều tối. Cha của anh ta nổi tiếng rất nghiêm khắc, công tư phân minh. Ông làm quan võ cấp cao trong triều, thuộc hàng nhất phẩm, là Lân Quận Công, rồi được phong làm thái sư phụ chính. Cha giỏi một thì con phải giỏi mười, nghĩa là áp lực học tập đè nặng lên hai thằng con trai duy nhất của ông. Cũng may Công Hiến là con út nên còn chút tự do bay nhảy. Hắn nói bản thân vô cùng ganh tị với lũ bạn (đám công tử ngồi cùng bàn ăn hôm đó), không phải làm gì cũng được cha mẹ để lại một đống của cải. Ngài Thái phó đã thẳng thừng hăm doạ, nếu hắn không tiếp nối công việc triều chính thì ông sẽ không chia gia sản dù chỉ một đồng.

Sau một hồi trò chuyện, tôi nhận ra bọn họ cũng không đến nỗi nào. Đinh Công Hiến thẳng thắn, bốc đồng, trắng đen phân định rõ ràng, và đối với bạn bè thì cực kì hào phóng. Hắn giống tôi ở thói lười biếng và đam mê võ thuật. Điểm trừ duy nhất là tính cách gia trưởng, khinh người và tự cao tự đại. Nhưng một khi đã coi tôi là ngang hàng thì sẽ luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến, như một người bạn thật sự. Đinh Công Hiến khác hoàn toàn với Lương Trí Luân, một con người trầm tĩnh, kín đáo và có sở thích làm thơ Nôm. Tôi không biết gì nhiều về hắn, chỉ lờ mờ đoán hai người này khá thân thiết, và từ nhỏ Trí Luân luôn lẽo đẽo đi theo người anh họ của mình.

Tôi quyết định sẽ cho hai người một cơ hội, thử mở lòng tin tưởng họ một lần. Không phải ai cũng xấu xa như tôi nghĩ. Vả lại, nếu có quan hệ tốt với họ, không chừng tôi sẽ tiếp cận đến ngài Thái phó và điều tra vụ án dễ dàng hơn.

Với tinh thần phấn chấn, trong mấy chốc bọn tôi đã về đến làng Yên Thái. Đi thêm chút nữa là về nhà bác Cả.

"Đã về đến nhà rồi. Ta xin phép được cáo từ ở đây."

"Này, hôm nào ngươi đến phủ Quận công không?" Công Hiến cười hề hề. "Làm khách của ta?"

"Hoặc đến lầu Vân Uyển." Trí Luân chêm vào, mỉm cười. "Bọn ta thường hay lui tới đó ăn tối và nghe ca kỹ."

"Được chứ. Vậy hẹn ngày gặp lại."

Tôi cúi chào hai người họ và đóng sầm cửa lại, trước khi Andrey từ trong nhà kịp ngó ra và phát giác thằng bạn thân đã phạm vào điều lệ đại cấm kị của mình. 


Chú thích:
[1] Một hình thức chơi chữ. Nghĩa đen chỉ tình hình hiện tại của Hồ thị, bán khoai nhưng đã bán hết khoai lang. Nghĩa bóng nói đến người goá phụ lâu ngày nên thiếu "khoai" của đàn ông.
[2] Một hình thức chơi chữ. Nghĩa đen là một người nhà giàu tham ăn củ ấu, mua quá nhiều phải còng lưng cõng về. Nghĩa bóng là một công tử nếu muốn có nhiều con thì phải tôn trọng cả mẹ, vợ và con mình. 
[3] Một cách gọi cha
[4] Đinh Liệt (1400-1471), hay Lê Liệt, là công thần khai quốc, gọi Lê Lợi bằng cậu. Năm 1460, ông được Lê Thánh Tông phong làm Lân Quận Công, rồi sau khi đánh tù trưởng làm loạn, được thăng lên Thái sư phụ chính.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro