Chương 45: Hoàng Thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một tuần sau tôi mới dám ra khỏi nhà. Sau vụ đụng mặt hai tên công tử kia và nghe về chuyến phiêu lưu của Nick, tôi chẳng dám đi đâu xa, chỉ quanh quẩn học bài và giúp việc nhà. Ban ngày Tạc Tổ kèm tôi học chữ Hán, ban đêm tôi dạy cậu võ cổ truyền. Lâu lâu Nick có nhảy vào học ké với Tạc Tổ. Hệt như chương trình giảng dạy của sư phụ, bọn tôi bắt đầu từ các tấn pháp cơ bản. Tiếp theo là bộ pháp. Vì thể lực yếu, hai người họ gặp khó khăn trong việc giữ tấn đứng và điều chỉnh nhịp thở. 

Andrey có lần đã bắt gặp cảnh tượng hai đứa thở hồng hộc vì gắng sức. Cậu chỉ hừ mũi, lắc đầu và bước vào nhà. Nick vừa thấy Andrey đã xị mặt và bĩu môi rõ dài. Hai thằng bạn vẫn còn đang chiến tranh lạnh với nhau. Cuộc chiến kéo dài đằng đẵng làm kẻ trung gian như tôi hết sức ngán ngẩm. Andrey mắng Nick vì dám một mình đi sớm về khuya, vậy mà mấy ngày nay cậu lại làm y hệt Nick. Cậu đi đâu cũng lôi theo một bọc vải vuông đen xì, khuya về nhà thì ngấu nghiến bữa ăn nguội rồi lăn ra ngủ khò. Chẳng thèm nói với tôi nửa chữ. Hỏi bác Cả thì bác nói thằng nhóc đi học, không rõ là học gì.  

Mặc kệ lời năn nỉ của tôi, Nick sau hai ngày dưỡng thương đã xách mông đi tiếp. Ngày nào cậu cũng ra ngoài. Mỗi buổi chiều về nhà, cậu đều khoe với tôi tiền góp vào "quỹ đen", khi thì hai trăm, khi thì ba trăm. Cậu còn khoe với tôi những bức tranh đang vẽ dở. Trong số đó, có một bức tranh làm tôi chú ý. Cậu vẽ một người con gái đang ngồi trên lưng ngựa. Cô đang mặc trang phục của nam nhân. Nhan sắc không có gì nổi bật – da ngăm, mặt vuông, mắt một mí, mũi hếch, má lấm tấm mụn và tóc chẻ mái tết xuống ngang lưng. Tuy vậy, thần thái nghiêm trang và tự tin của cô gái khiến tôi ấn tượng. Hẳn là một cô gái có cá tính mạnh mẽ.

"Lê Nguyệt Hạ," Nick giải thích. "Em gái của bạn tao."

"Mày có bạn?"

"Đúng hơn là khách hàng. Nhưng Nhật Minh coi tao như một người bạn. Ngày nào cũng ngồi đó nhìn tao vẽ, rồi mua hết tranh của tao, rồi mời tao đi ăn cơm... Bức này là tao vẽ tặng cậu ta."

"Sộp dữ!" Tôi xuýt xoa. "Chắc cậu ta giàu lắm hả?"

"Giàu sụ."

Nhắc đến nhân vật giàu sụ... hôm nay tôi sẽ đi thăm quý ngài Cung vương điện hạ! Để thể hiện sự tôn trọng tối thiểu với người trong hoàng thất, tôi chọn cho mình bộ trang phục đắt tiền nhất. Đó là bộ áo giao lĩnh lụa màu tía (chưa mặc lần nào) và áo đối khâm bằng vải gấm hoa xanh ngọc (Nick mua đền cho tôi, vì áo cũ cậu đã làm rách). Tôi mượn dây thắt lưng da thuộc của Andrey và nhét cây quạt giấy vào bên hông. Tôi dùng cây lược chải đè mái tóc xù xuống và rẽ ngôi ra hai bên (trông như thằng ngố). Một tuần chăm chỉ gội bằng rượu đã làm đầu tóc tôi sạch chí.

Chuẩn bị kiểu này còn hơn đi phỏng vấn xin việc làm!

"Tao đi ra ngoài nha!" Tôi gọi với vào bếp, vác bọc vải (của Nick) lên vai. Trong đó có hai cuộn giấy, một cây bút lông và một xâu tiền. Chẳng biết tôi vác nó theo để làm gì. "Nếu đói bụng thì mày cứ ăn luôn đi, khỏi chờ."

"Nếu có món nào ngon thì gói về cho tao," Nick hét lại. "Và nhớ mua cho tao một bình rượu."

***

Tôi đang trên đường ra khỏi làng thì gặp Cao Hùng. Cậu chàng vừa đi vừa lẩm bẩm mấy câu âm Hán, tay xách theo một con gà còn sống nhăn.

"Phàm sự dự, tắc lập, bất dự, tắc phế. Ngôn tiền định, tắc bất cấp. Sự tiền định, tắc bất khốn. Hành tiền định, tắc bất cửu. Đạo tiền định, tắc bất cùng[1]... A! Anh Duy An!"

Tôi nở nụ cười đáp lễ, cố tình tránh xa con gà. "Chào cậu, Cao Hùng."

"Anh đi đâu thế? Chút nữa thì em lại nhầm anh với vị công tử nào rồi!"

"Tôi... đi ra ngoài có chút việc. Cần gặp một người rất quan trọng."

"Ồ!" Cao Hùng nhướn mày, tò mò nhưng không hỏi nữa. "Chỉ là dạo gần đây em chẳng thấy anh đâu."

"Cậu đi đâu thế?"

"Em đến thăm người em họ, làm con gà này và nấu cháo cho em ấy." Cao Hùng hạ giọng. "Hai ngày trước em ấy đột nhiên phát sốt. Sốt rất cao, ấy vậy mà thầy lang vẫn không thể nào chữa khỏi..."

Khuôn mặt luôn vui vẻ nay trở nên cau có và phiền muộn. Tôi không biết phải nói gì để an ủi cậu.

"Dạo gần đây, có quá nhiều người bị ốm. Từ đầu năm đến nay, làng Yên Thái đã có năm người mất mạng vì loại bệnh này. Em... em lo quá anh ạ."

"Mất mạng ư?"

Cao Hùng cắn môi, từ chối nói thêm.

Sốt cao dẫn đến tử vong ư? Thế thì gay go rồi đây! Nếu làng Yên Thái có bệnh dịch thì bọn tôi phải thật cẩn thận. Để có gì tôi sẽ bàn bạc với Andrey và Nick, xem bọn họ nghĩ ra cách nào chẩn đoán và phòng ngừa loại bệnh này. Nhất là Andrey, bởi cậu có kha khá kiến thức phổ biến về các loại bệnh thường gặp.

Đến một ngã ba thì Cao Hùng rẽ trái, còn tôi thì đi thẳng. Cậu chàng quay qua tôi và cúi đầu.

"Em xin phép đi trước. Xin anh hãy giữ gìn sức khoẻ thật tốt."

"Cậu cũng thế. Cáo từ!"

"Khoan đã! Quên mất một chuyện!" Đang đi thì Cao Hùng quay phắt lại và thốt lên, "Xin anh hãy gửi lời cảm tạ của em đến Anh Giản. Thuật giải toán của anh ta thật là vi diệu. Thật là hữu ích!"

Nói rồi Cao Hùng biến mất sau bụi tre.

"Hả?" Anh Giản nào?

***

Hồ Dâm Đàm buổi sáng đẹp như tranh vẽ. Sương đã gần tan, ẩn hiện ra mặt nước xanh trong như tấm gương khổng lồ, phản chiếu nền trời thăm thẳm. Hôm nay trời nắng nhẹ, nhiều mây. Gió thổi qua từng cơn mát rượi. Gió làm rối mái đầu, luồn vào vạt áo đối khâm, hong khô mồ hôi trên lưng. Trước khung cảnh nên thơ, tôi ngẩn ra một lúc. Chân vô thức bước dọc bờ hồ, tôi đi mà miệng lẩm bẩm:

"Tôi đến hồ một buổi sáng mùa hạ,
Còn lạ gì mà lòng vẫn rung rinh.
Hồ Dâm Đàm như tranh vẽ hữu tình,
Nào trời xanh, mây trắng, nắng ửng hồng..."

Đến đây tôi bất giác chà chà đôi chân lên nhau, để sóng nước mát lạnh khẽ chạm vào các ngón chân.

"Đôi chân đạp lên cát mềm bồi đất,
Hai tay đón làn nước chảy từ sông.
Sóng dập dìu lan tỏa màn sương ẩn,
Gió lồng lộng thổi vào mộng thần quân..."

"Đức Bình!"

Tôi giật bắn, ngó dáo dác. Từ xa xa, người ngư dân chèo thuyền vào bờ. Nón lá tả tơi giấu đi nửa khuôn mặt rám nắng. Hình xăm thuỷ quái uốn lượn, bộ vảy nổi bần bật trên nửa thân trần.

"A, bác Đình Lễ!" Tôi reo lên, vẫy tay và nhún gót chân."Cháu chào bác ạ!"

"Chà! Ban đầu ta còn nghĩ cậu là công tử, là con của vị nào đấy cơ!" Bác mỉm cười hiền hậu. "Cậu đi đâu thế? Ta có thể cho cậu đi nhờ qua bờ bên kia."

"Cháu đã làm phiền bác rồi!" Tôi tiến lại gần và thì thào, "Tuần trước, cháu có đích thân nhận được lời mời, đến làm khách ở phủ của Cung vương."

Bác Lễ chút nữa đã đánh rơi tay chèo. Đôi mắt mở to, trân trối nhìn tôi.

"Tân Bình vương[2] mời cậu làm khách?"

Tôi cố tình không hỏi về cái danh hiệu lạ kia, chỉ thuật lại cuộc gặp gỡ ở huyện Vĩnh Xương và lôi ra tấm thẻ bài bằng kim loại. Đình Lễ sau khi nghe xong đã nhìn tôi chăm chú, ánh mắt vừa trách móc vừa tán thưởng.

"Đức Bình, ơn trên phù hộ cho cậu, được làm khách của vương gia là một vinh dự to lớn. Cậu phải nắm lấy cơ hội này, có biết không?"

"Vâng ạ." Tôi gật lia lịa, rồi chồm người lên trước, "Bác đã từng gặp vương gia rồi, đúng không ạ?"

Mặt bác Lễ không chút cảm xúc, thân hình bất động. Ánh mắt phóng ra ngoài xa, nheo nheo lại, như thể bác đang nhớ về thời quá khứ huy hoàng của mình. 

"Ta... đã từng gặp ngài, ở những buổi thiết triều và yến tiệc. Bọn ta có xã giao vài câu..."

Linh cảm mách bảo bác đang giấu tôi nhiều chuyện. Đây chính là cơ hội tốt để tôi tìm hiểu thêm về Cung vương, chuẩn bị kĩ cho chuyến thăm lần này. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng mà!

"Cháu tự hỏi, vương gia có tính cách thế nào nhỉ? Ngài ấy thích gì? Ghét gì? Cháu đến gặp thế này thì làm sao cho phải phép?" Tôi trưng ra bộ mặt đáng thương. "Bác ơi, cháu xin bác. Hãy giúp cháu với!"

"Vương gia... là một người chính trực, giản dị, khôn ngoan và nhạy bén. Tính cách ôn hoà, dù đôi lúc có chút khó đoán." Khoé môi bác khẽ nhếch lên. "Đã hai lần ngài nhìn thấu tâm can ta. Ngài cũng biết, ta từ chối là kẻ xu nịnh, một lòng không phục đối với Lệ Đức hầu."

"Ồ!"

"Tân Bình vương yêu thích hội hoạ và hát xướng. Ngài rất thích nghe những giai điệu trong dân gian, thường mời ca kỹ từ các phường hát đến phủ của mình. Trong các buổi diên hưởng, tiếp đãi sứ thần, ngài luôn góp vui trong các tiết mục ca hát và biểu diễn độc tấu đàn tranh, đàn nhị..."

Dỏng hai tai, tôi như nuốt lấy từng lời của bác. Quả là thú vui thanh tao của bậc trưởng giả! Tôi biết Cung vương có chất giọng rất hay, trong vắt như tiếng suối ở núi rừng Côn Sơn, nên không làm ca sĩ cũng uổng phí.

"Ngài không thích những kẻ hay khoác lác, khoe mẽ, thùng rỗng kêu to, và thường không tham gia vào những cuộc tranh đấu, tỉ thí." Đình Lễ khẽ cười. "Lúc còn là Bình Nguyên vương[3], thánh thượng hay khích ngài đấu võ và luôn bị từ chối."

Khoan đã, tôi chớp chớp mắt, một quan chức nhỏ nhoi như bác Lễ mà lại biết quá nhiều về Cung vương như vậy... 

"Tại sao bác lại... ờm..."

"Lễ chi dụng, hoà vi quý[4]," bác nhẹ nhàng cắt ngang, "Thân từng là người của Lễ bộ, ta vẫn nên tìm hiểu sở thích của các vương hầu công bá, để việc tổ chức nghi lễ, đặc biệt là ngũ lễ[5], luôn được suôn sẻ." Nói rồi bác từ tốn kéo lưới lên, được năm con cá mập mạp đang giãy dụa trên khoang. "Ta biết rõ về Tân Bình vương cũng là lẽ đương nhiên."

Hai người im lặng một lúc lâu. Tôi dành thời gian này để ghi nhớ những điều bác vừa nói. Càng biết nhiều về Cung vương, tôi càng muốn kết thân với anh ta, bởi tính cách của bọn tôi khá giống nhau. Hy vọng kế hoạch của tôi sẽ mau chóng thành công.

Gần đến bờ bên kia, tôi mới thổ lộ, "Bác ơi, thật ra thì, cháu muốn nhân cơ hội này để xin điện hạ một ân huệ..."

"Một ân huệ ư?"

"Vâng ạ."

"Thế... quà lễ của cháu đâu?"

Tôi chết điếng. Thôi rồi, tôi quên không mang gì cho vương gia rồi! Quên mất ở thời đại này đến thăm ai cũng phải quà cáp đầy đủ, nói gì đến việc đi nhờ vả người ta. Hic, ăn mặc cho sang trọng rồi lại đi tay không, đúng là chỉ có thằng Pax này thôi!

Trong túi tôi chỉ vỏn vẹn có vài chục đồng tiền. Cung vương lại là anh trai vua, nhà không có gì ngoài điều kiện.

Làm sao bây giờ!?

Tôi lục lọi trong túi lần nữa, cầm lên một cuộn giấy dó. Cái này... Nick nhét vào túi tôi từ hồi nào vậy? Vừa mở ra, bức hoạ chân dung của Cung vương đập vào mắt. Vẫn là bút pháp kí hoạ đơn giản, nhưng Nick đã tô màu nước lên phần tóc và áo của anh ta. Mặt anh chàng được vẽ ở góc nghiêng, thần thái vương giả được truyền tải rất chân thật. Đúng là hoạ sĩ chuyên vẽ tranh truyền thần có khác!

Nick, bạn hiền yêu dấu, cảm ơn mày! Lòng nở hoa, tôi mừng phát khóc. Cảm ơn mày nhiều lắm!

"Ta nghĩ ngài sẽ thích nó. Nét vẽ rất độc đáo. Dạo gần đây, danh tiếng chàng hoạ sĩ kia, bằng hữu ngoại quốc của cậu, đã vang khắp Đông Kinh."

"Thật thế ạ?" 

Bác Đình Lễ gật đầu. Thuyền đã cập bờ. Bác bỏ hai con cá to đùng mới bắt được vào giỏ và đưa cho tôi.

"Vương gia rất thích món cá trắm hấp gừng, đặc biệt là cá đánh bắt từ hồ Dâm Đàm. Phiền cậu giúp ta tặng chúng cho ngài."

"Vâng ạ. Cháu sẽ chuyển lời đến vương gia." Tôi cúi gập người, đan tay vái chào. "Cháu cảm ơn bác ạ."

Với tinh thần phấn chấn, tôi cứ tủm tỉm cười suốt quãng đường còn lại.

***

Đã ba lần đi ngang qua Hoàng thành Thăng Long, tôi vẫn không khỏi ngưỡng mộ sự bề thế của nó. Nhìn từ xa, bức tường đá được dựng lên sừng sững, trải dài đến cả mấy dặm, trông rất vững chãi và kiên cố. Có lẽ những cuộc xâm lăng từ phương Bắc đã khiến triều đình Đại Việt luôn đặt Hoàng thành trong tình huống sẵn sàng phòng thủ. 

Để đến được cửa Đông, tôi phải rẽ vào một con đường khác và đi qua một bãi đất trống, khiến binh lính gác cổng lập tức phát hiện ra kẻ lạ mặt. Tôi ngần ngại tiến lại gần và ngóc cổ nhìn lên, cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Từ đây tôi có thể thấy rõ từng viên đá tổ ong đỏ và xám được sắp xếp ngay ngắn, viên nào viên nấy vừa khít. Phía trên nữa là lầu gác, được xây thành hai tầng riêng biệt với lối kiến trúc cửa sổ có hoa văn cổ và mái ngói đỏ uốn cong ra ngoài. Tất nhiên là không thể thiếu biểu tượng con rồng kinh điển của bậc đế vương.

Cổng tam quan đóng sầm, có tổng cộng sáu người đang gác: bốn người phía dưới và hai người phía trên.

Vừa thấy tôi đang lớ ngớ lại gần, một tên lính đã quay mặt về phía tôi, và hỏi, "Ngươi là ai? Đến đây có việc gì?"

"Thưa, ta là... Đức Bình. Vài hôm trước, Cung vương có mời ta đến làm khách ở vương phủ, nhưng ta không biết... phải đi đâu..."  

Nghe đến cụm từ "khách ở vương phủ" là mặt tên lính hiện lên vẻ khinh bỉ. Hắn đánh giá tôi, quét mắt từ trên xuống dưới, môi trề ra. Cho đến khi tôi giơ lên tấm thẻ bài bằng sắt thì hắn trố mắt, lập tức sửa lại thái độ xấc láo kia.

"Điện hạ có lệnh. Ờm... đã làm phiền các ngươi rồi."

Tên lính bên cạnh như muốn té ngửa ra sau. Hai người trao đổi nhanh với nhau, và tên kia gật đầu, hất cằm về phía tôi.

"Đã thất lễ với ngài."Hai người cúi đầu chào, khiến tôi lật đật đáp lễ. "Xin hãy đi theo ta."

***

Vừa vào trong, bọn tôi lập tức rẽ trái. Phía bên phải có một cánh cổng lớn, tôi đọc được một chữ []: Đông. 

Tôi chưa kịp hỏi ngu thì tên lính đã trả lời luôn, "Bên đấy là Đông Cung của Hoàng thái tử, hiện chưa có chủ nhân. Có một con đường tắt từ Đông Cung dẫn đến vương phủ, nhưng cửa ấy dành riêng cho hoàng thất nên chúng ta không thể vào."

"Vậy chúng ta phải đi đường vòng ư? Có xa lắm không?"

"Thưa, đoạn đường cũng không quá xa đâu ạ."

Cảnh vật không thay đổi mấy, chỉ là một con đường lát gạch nối dài và hai bờ tường đá. Bọn tôi chạm mặt hai cung nữ và một thái giám. Điều kì lạ là thái độ rụt rè và khúm núm của bọn họ đối với người ngoài. Tôi lịch sự gật đầu chào họ nhưng không ai thèm đáp lại, chỉ cúi đầu đi một mạch, làm tôi có hơi xấu hổ.

Thấy tôi đỏ mặt, tên lính khẽ cười, "Đây có phải là lần đầu ngài đến Đông Kinh?"

"Đúng vậy. Ở đây, mọi người có vẻ... ờm..."

"Xin ngài đừng trách bọn họ." Hắn lắc đầu, tuy vậy ánh mắt nhìn tôi đã có mấy phần thiện cảm."Phận làm tôi tớ, họ đã phải quen với sự khắc nghiệt của những luật lệ phép tắc nơi đây. Vinh hoa tủi nhục, đều là do chủ tử của họ định đoạt."

Pax à, tôi thầm cho bản thân một cái bạt tai, tại sao mày lại quên mất điều đó cơ chứ?

Giá trị con người ở đây nhiều lúc còn không bằng củ khoai. Nhân quyền của tầng lớp nô tì rất ít, thậm chí là không có, và thường những kẻ bề trên có quyền quyết định số phận của kẻ bề dưới. Thật là đáng buồn!

Đối với họ, chuyện sở hữu nô tì này có vẻ bình thường. Nhưng đối với tôi, một người hiện đại với tư tưởng tiến bộ, thì đó là một sự xúc phạm to lớn. Một điều không thể chấp nhận được. Con người sinh ra vốn bình đẳng, không ai có quyền sở hữu ai cả!

"Đều là người với nhau, ta sẽ không bao giờ đối xử với họ như vậy..."

Tên lính gật đầu, hiểu chuyện. Bọn tôi đi ngang qua một cánh cổng tam quan nữa. Kiến trúc của toà này đơn giản mà trang nghiêm, giống như sự kết hợp giữa chùa và đình làng.

"Đây là nơi nào vậy?"

"Nơi đây là điện Phụng Tiên, còn gọi là Thái Miếu."

Thái Miếu ư? Đây có phải là nơi thờ các vị tiên đế và hoàng thân của vương triều Hậu Lê?

Cạnh điện thờ là một cái hồ lớn. Sen trong hồ toả hương thơm ngát. Chính giữa hồ có một chòi nghỉ chân, đặt cạnh bên là một con thuyền nhỏ. Từ bên trong, tiếng đàn tranh của người thiếu nữ vang lên. Giai điệu nhạc cung đình thật ngọt ngào và xao xuyến, nghe như rót mật vào tai, như dòng nước mát chảy vào tâm hồn. Quanh bờ hồ, bãi cỏ xanh rờn chạy dài tít tắp, hai bên rợp bóng các loại cây ăn trái và cây cỏ làm thuốc. Tôi nhận ra cây cam, bưởi, mận, dâu da và sung. Thật là một nơi lý tưởng để thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Tôi có thể ở đây cả ngày mà không chán. 

Bọn tôi lại rẽ phải, đi qua một cây cầu đá lớn bắc qua hồ để đến một cổng thành khác, nơi có hai người lính đứng gác. Trang phục của họ điểm hơi khác, phía trên vai trái thêu một biểu tượng lạ.

"Các người muốn đi đâu?"

"Thưa, ta đang hộ tống vị này đến Cung vương phủ. Ngài là khách quý của vương gia."

Tôi lại lôi ra tấm thẻ bài. Hai người họ liền gập người cúi chào.

"Cho ta xin hỏi," tôi dè dặt lên tiếng,"vương gia điện hạ có phải đang có mặt trong cung?"

"Ban sáng ta có trông thấy điện hạ lên thiết triều, chắc bây giờ ngài đang nghỉ ngơi tại vương phủ."

"Đa tạ." 

Đợi hai người đã đi thêm một quãng, tên lính mới nhỏ giọng thông báo cho tôi, "Chúng ta vừa vào cấm cung. Xin ngài hãy thận trọng."

***

Nick nếu biết chắc chắn sẽ ghen tị lắm cho coi!

Không hổ danh là nơi ở và làm việc của hoàng thất, kiến trúc của các cung điện bên trong Cấm Thành chính là đỉnh cao của nghệ thuật xây dựng thời kì trung đại. Mái ngói đỏ hình ống và hình lòng máng, với phần đuôi uốn cong ra cầu kì. Đầu ngói được trang trí hoa văn hình rồng hoặc hoa mai. Bên trên nóc đặt các tượng đá hình chim phượng, chim tước hoặc rồng. Đèn lồng đỏ treo lủng lẳng, từng chùm tua rua bay phất phơ trong làn gió nhẹ. Cột chống đều làm từ các loại gỗ quý, vững chãi nâng đỡ cả công trình. Ngay cả tượng đá hai con lân sư đang nhe răng, trừng mắt ở cửa vào cũng được điêu khắc rất chân thật.

Trong tương lai, chiến tranh và loạn lạc sẽ phá huỷ những công trình lịch sử mang tính nghệ thuật này! Để rồi dấu tích lưu lại ở thời hiện đại chỉ là một bức tường thành và đống gạch vỡ. Con cháu sau này sẽ không thể nào biết và tự hào những gì ông cha ta đã để lại. Thật là đáng tiếc!

Tôi buột miệng xuýt xoa, "Đẹp thật đấy!"

"Đây là cung Thuý Ngọc," tên lính giới thiệu, kéo tôi khỏi suy nghĩ riêng của mình, "nơi ở của các cung nhân chưa được hoàng thượng sắc phong."

Vài ba cô cung nữ đi ngang qua, nói cười thật khẽ. Tôi rút kinh nghiệm nên phớt lờ bọn họ. Công nhận người thời xưa đi bộ khá thật, vì hai cẳng chân của tôi đã bắt đầu muốn biểu tình.

Hai người bọn tôi cứ đi thằng một mạch, ngang qua ba, bốn cung điện nữa thì lại đến một cái hồ lớn khác. Hồ này nuôi các loại cá cảnh nên không trồng sen. Tên lính chỉ về phía bên kia hồ, nơi có một "vườn bách thú" của hoàng cung. Toàn là thú quý hiếm của các sứ thần ngoại quốc hoặc của các tù trưởng miền núi dâng tặng.

Tiếp đến là cung Vạn Thọ, nơi ở của Quang Thục Hoàng thái hậu. Phía bên tay trái, gần đó khoảng nửa dặm là cung Kim Loan, nơi ở của Lê Tư Thành và điện Kính Thiên, nơi làm việc của vua và thiết triều của bá quan văn võ. Cuối cùng mới là cung Thừa Hoa, một cung điện nằm hẻo lánh ở phía Tây Bắc Hoàng thành, nơi ở của Cung vương gia.

"Cung vương thích sự yên tĩnh, nên từ khi thánh thượng lên ngôi, ngài đã xin chuyển về nơi này." Hắn vẫn nói bằng cái giọng thuyết minh đều đều."Nhiệm vụ của ta đã hoàn thành. Xin được cáo từ ở đây."

"Khoan đã!"

"Ngài có dặn dò gì ạ?"

"Trời ơi, đừng có gọi ta là ngài nữa. Không chừng ta còn nhỏ tuổi hơn cả ngươi đó." Tôi vò đầu. "Nếu ngươi đã tốn công đến đây rồi thì vào cùng ta luôn đi! Ta hứa sẽ nói tốt vài câu về ngươi với vương gia."

"Thật thế ạ? Đức Bình ngài... ngươi nói thật?"

Tôi nháy mắt, "Quân tử nhất ngôn!"


Chú thích:
[1] Trích chương 20, đoạn 4, sách Trung Dung, một quyển trong Tứ Thư. Dịch nghĩa: Hễ công việc được liệu sớm thì nên; không lo liệu sớm thì hỏng. Lời nói được sắp đặt trước thì không vấp váp. Công việc được sắp đặt trước thì không bị rắc rối. Hành động được sắp đặt trước thì không bị sai lầm đáng tiếc. Đường lối được sắp đặt trước thì không bị bế tắc.
[2] Danh hiệu được sắc phong của hoàng tử Lê Khắc Xương đời vua Lê Thái Tông.
[3] Danh hiệu được sắc phong của hoàng tử Lê Tư Thành đời vua Lê Nhân Tông.
[4] Câu nói của Hữu Tử, trích trong chương 1: Học Nhi của sách Luận Ngữ, một quyển trong Tứ Thư. Nghĩa là: Chỗ dùng của lễ, hoà hợp là quý. Lễ là các nghi thức khiến cho sự tương giao giữa mọi người ở các thứ bậc khác nhau được tốt đẹp. Điều đáng quí của lễ là khiến cho mọi người được thông cảm, hoà hợp với nhau. Ý của Đình Lễ là phải hiểu rõ đối phương mới có thể thi hành các phép tắc lễ nghi cần thiết, khiến cho đối phương hài lòng, quan hệ mới luôn được hoà hợp.
[5] cát lễ, gia lễ, quân lễ, tân lễ, hung lễ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro