"Lê Ngọc Đường, đế vương gia"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tội phản nghịch giết vua, chu di tam tộc.

Lửng lơ cái án treo trên cổ gia tộc Nguyễn Trãi.

Lửng lơ cái án treo trên cổ gia tộc Lê Thụ.

Lê Ngọc Đường không bao giờ quên cảnh quan quân cấm binh xồng xộc xông vào, tống toàn bộ người trong phủ lên cũi. Mặt mũi chúng bặm trợn, gươm giáo đầy mình, hò hét, lùng sục, mặc kệ tiếng than khóc, gào la của người khác, chúng không nương tay với bất cứ ai. Kể cả nàng.

Ngọc Đường đau. Cơ thể gầy yếu bị xô đẩy quăng quật, suối tóc dài mượt như muốn tróc hẳn ra khỏi da đầu. Bao nhiêu nữ trang trên người nàng đều bị chúng lột sạch. Nhưng nàng không thể kêu thành câu.

Nàng nhìn Lê Quát bị tống vào một cũi khác, ánh mắt hắn nhìn nàng đầy căm hận. Thì ra, cảm giác bị chính người mình yêu thương bằng cả cuộc đời lại hận thù mình đau đớn đến thế. Nhưng một lần nữa Ngọc Đường lại không thể kêu thành câu.

Nàng nhớ những lời ru ầu ơ của mẫu thân từ thuở nàng còn bé xíu. "Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng." Nàng nhớ những câu ca dao mẫu thân hay thủ thỉ từ thuở em Bang Cơ mới chào đời. "Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào đài các, hạt ra cánh đồng." Ngọc Đường thèm lắm những lời ru của mẹ, Ngọc Đường thèm lắm được cất giọng ru con bằng những lời ru thuở trước. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt xương xương.
Lê Quát phải hận nàng đến thế nào mới nhìn nàng bằng ánh mắt ấy! Vả lại, hình như, em Nghi Dân cũng quên mất nàng rồi.

Một canh giờ trôi qua mới thấy viên quản ngục xuất hiện. Hắn nói rằng Thái uý làm binh biến, tạo phản nhằm lật đổ thánh thượng, đã bị quần thần giết chết ngoài cửa Chu Tước. Hắn nhếch môi dặn đám đàn bà, con gái các nàng chuẩn bị tinh thần xuống hoàng tuyền mà hầu hạ Thái uý. Tất cả ánh mắt bàng hoàng của những người phụ nữ trong này đều đổ dồn vào Ngọc Đường. Đúng vậy, em Nghi Dân thực sự quên mất nàng rồi.

Nàng không sợ chết, nàng chưa từng sợ chết. Mặc kệ mẫu thân không hát ru cho nàng nghe nữa, nàng vẫn nhớ những bài hát của người, vì mẫu thân mãi mãi là người nàng yêu thương nhất cuộc đời này. Mặc kệ phụ hoàng hay bế em Ngọc Phương thay vì bế nàng, nàng vẫn giữ chiếc tò he phụ hoàng từng tự tay nặn cho, vì phụ hoàng mãi mãi là người nàng kính nể nhất. Mặc kệ em Nghi Dân thích túm búi tóc của nàng rồi kéo ngửa ra phía sau, nàng vẫn hay giấu mấy miếng bánh dì Ngọc Dao làm cho mình vào khăn tay, để dành cho em ấy, vì em Nghi Dân mãi mãi là người luôn âm thầm bảo vệ nàng trước mấy đứa con của các vị cung nhân khác. Vậy mà bỗng dưng phụ hoàng đi mất, mẫu thân quên nàng, em Nghi Dân cũng quên nàng.

Còn Lê Quát thì hận nàng. Vì em Nghi Dân mà Lê Quát hận nàng. Nhưng nếu nàng là hắn, nàng cũng sẽ hận chính mình. Nàng sinh ra như hiện thân của sự đen đủi. Hồi bé nàng hay cười, nhưng không thể nói. Lớn lên nàng vẫn không thể nói, nhưng không còn cười nhiều nữa. Phu nhân Thái uý thì kể rằng, hồi bé Lê Quát rất ít nói, ít cười, từ hồi cưới nàng về hắn hay nói, hay cười hơn. Vậy mà cuối cùng nàng lại là gáo nước lạnh dập tắt nụ cười của hắn.

Trong suốt khoảng thời gian ngồi đợi ngày ra pháp trường, Ngọc Đường từng nghĩ rằng, thật ra được chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với Lê Quát cũng thật tốt lắm. Có lẽ, từ khi về làm vợ hắn, nàng mới thực sự cảm thấy mình được sống là chính mình.

Nhưng điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời này, là chưa một lần nào nàng được nói với mẫu thân rằng nàng rất yêu thương người, rằng nàng lầm lì như vậy vì sợ bị mẫu thân quát mắng, chứ không phải vì nàng ghét người. Điều tiếc nuối thứ hai trong cuộc đời này, là chưa một lần nào nàng được nói với phụ hoàng rằng nàng rất ái mộ người, rằng minh quân như phụ hoàng, mười một tuổi lên ngôi không cần nhiếp chính, là một vị vua trăm năm xưa nay hiếm. Điều tiếc nuối thứ ba trong cuộc đời này, là chưa một lần nào nàng được nói với em Nghi Dân rằng nàng rất muốn chơi với em ấy, rằng nàng tuy là chị, nhưng vẫn sinh cùng năm, vẫn muốn được em ấy bảo bọc như thuở còn là Hoàng thái tử.

Nghĩ tới Lê Quát, nàng có thể mỉm cười mãn nguyện. Nhưng nghĩ tới những người thân ruột thịt ấy, lòng nàng đau như cắt. Mà hận một nỗi, tiếng khóc không thể bật ra, cứ âm ỉ như con mối gặm nhấm trái tim nàng. Gặm nhấm đến nham nhở và nát tan.

Điều tuyệt vời nhất của cuộc đời này, là được làm con của họ. Nhưng điều bi kịch nhất của cuộc đời này, là sinh ra trong đế vương gia.

Đêm trước ngày ra pháp trường, em Nghi Dân đến gặp nàng. Thì ra, em ấy chưa hề quên nàng. Em ấy không mặc hoàng bào, mà mặc chiếc áo đen em ấy thích nhất hồi còn là Lạng Sơn vương. Em ấy lôi ra từ trong ống tay áo một bọc khăn lụa, bên trong là cốm làng Vòng được gói lá sen, bảo nàng ăn đi, sen đầu mùa đấy. Em ấy lấy dầu bôi, xoa nhẹ lên những vết bầm tím trên tay, trên mặt, trên cổ nàng. Em ấy ngồi lại gần nàng, thổi nhẹ rồi khẽ hỏi nàng có đau không. Em ấy cứ ngồi như thế mãi, chần chừ muốn nói nốt vài lời. Cuối cùng em ấy lại dặn nàng, là phải đứng đợi em ấy tới, không được đi trước, vì kể cả có xuống cửu tuyền, nàng vẫn phải để em ấy bảo vệ. Rồi em ấy lau những giọt nước mắt còn vương lại trên má nàng, ôm nàng lần cuối trước khi rời đi. Em Nghi Dân hiểu nàng hơn ai hết. Em ấy hiểu rằng dù có nhặt lại cái mạng này của nàng, thì lòng nàng đã chết theo Lê Quát. Em ấy hiểu rằng chỉ có ở bên hắn, nàng mới được sống trọn là chính mình.

Năm Ngọc Đường năm tuổi, nàng đứng sau hòn non bộ, đợi em Nghi Dân chơi trò ném đá xuống hồ cùng em Khắc Xương đến tối muộn mới về.

Năm Ngọc Đường bảy tuổi, nàng đứng sau thành giếng, đợi em Nghi Dân bị thầy giáo phạt ở Kinh Diên đến lúc mặt trời gần đứng bóng mới về.

Năm Ngọc Đường mười tuổi, nàng đợi em Nghi Dân chạy đi tìm cái tò he phụ hoàng nặn cho nàng, đến lúc Lê Quát sốt ruột đi đi lại lại mới chịu theo hắn về phủ.

Năm Ngọc Đường mười lăm tuổi, nàng đợi em Nghi Dân vào dự yến ở trong cung đến lúc em ấy nhìn thấy mình rồi mới chịu bước theo Lê Quát.

Năm Ngọc Đường hai mươi mốt tuổi, nàng sẽ đợi em Nghi Dân ở chỗ Mạnh Bà trước, không gặp không đi tiếp đoạn còn lại.

Thật ra, Lê Ngọc Đường cũng thật may mắn, vì sinh ra là chị gái của Lê Nghi Dân.

———

HẾT.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro