Đặc trưng của các không gian văn hoá

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Đặc trưng của các không gian văn hoá?

Theo cách hiểu về khái niệm khu vực theo tiêu chí không gian - chức năng, người ta có thể xác định được các cấp độ khác nhau từ nhỏ đến lớn của không gian văn hoá như sau: (1) văn hoá địa phương/ văn hoá sắc tộc, (2) văn hoá dân tộc, (3) văn hoá khu vực nhỏ (tiểu vùng) và (4) văn hoá khu vực mở rộng (châu lục, liên châu lục). Trong đó hai cấp độ văn hoá dân tộc và văn hoá khu vực nhỏ (tiểu vùng) là quan trọng nhất. Dưới đây sẽ lần lượt phân tích các đặc trưng của từng cấp độ không gian văn hoá một:

- Văn hoá địa phương/ văn hoá vùng:

Địa phương/ Vùng là một bộ phận lãnh thổ của quốc gia. Tuỳ vào chế độ phân cấp hành chính của từng quốc gia mà tính chất địa phương mang những nét khác nhau. Ngay khái niệm địa phương cũng mang tính ẩn dụ cao. Nó có thể là một làng, một xã, một tỉnh hay một bang của quốc gia. Một học giả Trung Quốc cho rằng khái niệm địa phương tương ứng với tất cả 5 cấp hành chính dưới cấp trung ương: Cấp địa phương cao nhất là thành phố, tỉnh, khu tự trị và đặc khu hành chính; cấp địa phương thấp hơn bao gồm các khu, châu tự trị và "minh"; cấp địa phương thứ ba, thấp hơn nữa, là các huyện, kỳ, kì tự trị, đặc khu, lâm khu; cấp thứ tư và thứ năm là các loại đơn vị hành chính thuộc các huyện, khu nói trên.

Sơ đồ quan hệ giữa các không gian văn hoá

Tuy nhiên trên lĩnh vực văn hoá, ngưòi ta chú ý đến đơn vị vùng lãnh thổ lớn của quốc gia (region) nhiều hơn, ví dụ miền Trung Việt Nam, vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, vùng đồng bằng Nam bộ Việt Nam v.v... Đối với văn hoá Đức, người ta chú ý đến văn hoá Thượng Đức, văn hoá Trung Đức và văn hoá Nam Đức. Theo đó đơn vị bang (Land) không được chú ý, mặc dù khi phân chia địa giới các bang, người ta có chú ý đến tính đồng nhất văn hoá nhất định. Sở dĩ như vậy là vì hiện tượng văn hoá địa phương không trùng khớp với đơn vị hành chính địa phương. Do đó nghiên cứu văn hoá địa phương thực chất là nghiên cứu văn hoá khu vực hay văn hoá vùng (bên trong quốc gia).

Một cách phân chia khác có ý nghĩa quan trọng về mặt lí luận và thực tiễn là phân chia văn hoá đô thị - văn hoá nông thôn. Văn hoá đô thị là dòng văn hoá chủ đạo của tất cả các nền văn hoá dân tộc. Điều đó không chỉ đúng với các nước công nghiệp, mà còn đúng ngay cả với các nước mà đa số cư dân sống ở nông thôn như Việt Nam. Tuy nhiên, khi nói đến văn hoá địa phương, người ta hay nói đến đời sống văn hoá của các vùng nông thôn, mà rõ rệt nhất là truyền thống văn hoá "làng" hay "làng xã" và xem đó như biểu hiện tập trung của bản sắc văn hoá dân tộc. Cách nhìn phiến diện này dễ dẫn người ta đến sự hiểu lầm về bản sắc văn hoá dân tộc. Tiếc thay một quan niệm như thế đang bành trưóng khá phổ biến và nó ngăn cản việc nghiên cứu hiện trạng đời sống văn hoá đô thị và sự tiến hoá của văn hoá dân tộc, nhất là ở thủ đô và các thành phố lớn khác.

Vùng văn hoá hay khu vực văn hoá thuộc về vùng qui phạm (kế hoạch hoá), được chia làm hai loại là vùng văn hoá đơn thể và vùng văn hoá tổng thể. Vùng văn hoá đơn thể chỉ bao gồm các đặc điểm ngôn ngữ và văn hoá, vùng văn hoá tổng thể bao gồm mọi khía cạnh phức tạp và đa dạng của đời sống văn hoá. Ngày nay cách hiểu không gian văn hoá vùng hay văn hoá địa phương chính là theo nghĩa tổng thể của nó.

Các yếu tố cơ bản của văn hoá vùng/văn hoá địa phương bao gồm các yếu tố ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, hình thái tổ chức xã hội và phương thức / văn hoá (sản xuất) kinh doanh v.v... Chẳng hạn người Hán Trung Quốc ở mọi miền đều dùng chữ Hán như nhau để viết, nhưng lại có những phương ngữ khác nhau (5 phương ngữ lớn); mọi vùng đều có những tín ngưỡng dân gian và tôn giáo như nhau, nhưng trong ẩm thực lại chứa đựng nhiều nét khác nhau. Do đó các địa phương là những hệ thống văn hoá vùng khác nhau.

Các đặc trưng cơ bản của văn hoá địa phương/ văn hoá vùng bao gồm:

+ Tính đa dạng muôn vẻ của văn hoá vùng: Do tính chỉnh thể phức hợp của văn hoá địa phương, nên không chỉ có sự khác biệt giữa các vùng lớn trong một nước, mà thậm chí sự khác biệt và đa dạng còn có giữa làng nọ với làng kia, xóm nọ với xóm kia. Sự đa dạng thể hiện rõ nhất trong lễ hội của các địa phương, trong phong tục tập quán (ví dụ thói quen ăn uống, trang phục, lề thói làm ăn, giao tiếp). Điều đó thậm chí ngấm sâu vào con người của từng vùng, tới mức người ta có thể nói về tính cách của cư dân từng vùng một: người Hà Nội thanh lịch (trong ăn nói và ứng xử), người Huế thâm trầm thiền tính, người Nam bộ bộc trực thẳng thắn v.v... Tuy rằng những nét khái quát đó không hẳn đúng với mọi trường hợp và không thay đổi.

+ Sự biến đổi không đều của văn hoá địa phương: văn hoá biến đổi nhanh nhất ở các đô thị lớn, các khu vực nhiều giao lưu giữa các vùng hay giữa các nước; còn ở các làng mạc xa xôi ở nông thôn ít biến đổi hơn, thậm chí trường tồn. Do đó có thể nói tốc độ biến đổi của văn hoá địa phương rất không đồng đều.

+ Tính lệ thuộc của văn hoá vùng vào bối cảnh kinh tế, chính trị và giao lưu: văn hoá được xây dựng trên nền tảng cở sở vật chất xã hội, cơ sở kinh tế và vào đặc thù của nền chính trị/ chính sách của nhà nước. Do đó nếu kinh tế địa phương phát triển thì sẽ thúc đẩy văn hoá phát triển theo và văn hoá địa phương đó nhanh chóng hội nhập đựoc với văn hoá cả nước và quốc tế. Ngược lại, nếu kinh tế trì trệ, hệ thống chính trị địa phương chậm đổi mới, thì văn hoá địa phương cũng không thể phát triển nhanh được. Điều này thấy rõ nhất qua hệ thống giáo dục và khoa học công nghệ. Do đó nhà nước cần có những chính sách phát triển kinh tế đi trước và song song với các chính sách phát triển văn hoá cho các địa phưiưng, nhất là các vùng sâu vùng xa.

+ Văn hoá địa phương tác động mạnh mẽ trở lại đối với kinh tế - xã hội: dân trí nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Do đó trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và kinh tế tri thức lấy giá trị gia tăng từ hàm lượng chất xám, thì giáo dục và công nghệ luôn là quốc sách hầng đầu của các quốc gia. Nhiệm vụ của nhà nước và chính quyền địa phương là phải nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của các địa phương, chú ý ưu tiên nâng đỡ các vùng sâu vùng xa để họ tiến kịp trình độ văn hoá của các khu vực khác trong nước.

- Văn hoá dân tộc:

Nói đến văn hoá là nói đến chỉnh thể hệ thống văn hoá của một quốc gia-dân tộc, bao gồm một loạt các yếu tố: ngôn ngữ, tôn giáo - tín ngưỡng, lễ hội dân gian và hiện đại, phương thức ứng xử, thói quen tâm lí, đời sống tình cảm và trí tuệ, phong tục tập quán (ăn, ở, đi lại, làm việc, giao tiếp, nghỉ ngơi, giải trí). Không gian văn hoá dân tộc là lãnh thổ quốc gia.

Văn hoá dân tộc là tâm điểm của nghiên cứu văn hoá khu vực trong khuôn khổ ngành khu vực học.

Trên bình diện không gian, văn hoá dân tộc là tổng hoà các vùng văn hoá của các địa phương; trên bình diện tinh thần, văn hoá dân tộc là những nét bản sắc chung hiện hữu ở mọi vùng văn hoá, có ở tẩt cả hay đại đa số thành viên của cộng đồng dân tộc. Bản sắc văn hoá dân tộc là cốt lõi của văn hoá dân tộc. Nó vừa là mục tiêu tìm hiểu và học tập, vừa là động lực để phát triển văn hoá dân tộc. Để phát triển văn hoá dân tộc, cần phải biết tiếp thu một cách sáng tạo và có chọn lọc các yếu tố tinh hoa của văn hoá bên ngoài cũng như văn hoá các địa phương. Cũng có một nguyên tắc nữa là phải biết phát huy truyền thống, nhưng không dập khuôn máy móc, biến truyền thống thành "gông cùm" kìm hãm sáng tạo và du nhập yếu tố lành mạnh từ bên ngoài.

- Văn hoá khu vực:

Đó là toàn bộ các hệ thống văn hoá tồn tại đồng thời trong một không gian xuyên quốc gia và thường bao gồm nhiều nền văn hoá dân tộc. Hạt nhân của văn hoá khu vực là những nét bản sắc chung của khu vực. Về nguyên tắc thì số lượng các nét bản sắc văn hoá khu vực phải ít it so với tổng số nét bản sắc của các nền văn hoá có ở các quốc gia trong khu vực, nghĩa là số lượng nét bản sắc tỉ lệ nghịch với độ mở về không gian. Ví dụ văn hoá khu vực Alpe-Adriatic bao gồm các nền văn hoá dân tộc Trung- và Nam Âu, trải rộng theo các sườn của dãy Alpe (Trung Âu) đến Nam Âu (Biển Adriatic), giữa các lưu vực sông Danup, sông Rheine bao trùm nhiều quốc gia như Italia, Thuỵ Sĩ, Đức, Áo, Séc, Slovac, Hungary, một số nước thuộc Nam Tư cũ v.v...

Các nhà nghiên cứu đã khẳng định những nét bản sắc cơ bản của văn hoá khu vực xuyên quốc gia là:

+ Có cùng một cội nguồn ngôn ngữ xa xưa (ví dụ vùng Alpe chung dòng ngôn ngữ Âu châu thuộc ngữ hệ Ấn-Âu)

+ Có cùng một lịch sử (ví dụ khu vực Alpe là lịch sử của đế chế Habsburg/Áo-Đức),

+ Có cùng một tôn giáo Thiên chúa giáo và một hệ giá trị (luân lí, niềm tin, ý nghĩa của đời người, giá trị thẩm mĩ, các ý niệm hiện đại như dân chủ, nhân quyền, nhà nước, kinh tế thị trường và tự do, giáo dục v.v...)

+ Có cùng một truyền thống văn hoá chung (văn hoá Hy Lạp - La Mã): chung hồi ức, quá khứ, nỗi tiếc nuối (Nostalgy), huyền thoại, một chút không tưởng, giải trí, ước mơ, ý tưởng và trừu tượng hoá v.v...

+ Cùng thuộc về một khối liên kết kinh tế-chính trị hiện nay và tương lai: Liên minh châu Âu.

Sơ đồ tương quan về bản sắc văn hoá/đa dạng văn hoá

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro