giấc chợp ban trưa.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"chạy đi, chạy đi, khung thành bên này này."

tiếng la hét của đám trẻ giữa tầm trưa nắng nóng, người qua đường nán lại nhìn những đôi chân đang ráo riết đuổi theo bóng đen đổ xuống sau tấm lưng ướt sũng, ấy vậy đứa nào đứa nấy cũng cười tươi roi rói, cảm tưởng như khóe môi chúng có thể kéo tới tận mang tai. hẳn đây là tuổi trẻ vẫn còn đang ở chừng phơi phới đi, lũ người lớn nghĩ thế, còn ở dưới, đám trẻ đang giành giật với nhau một quả bóng lại không nghĩ vậy.

phan văn đức đưa chân giữ lấy quả bóng chuyền từ bên cánh trái, nó gào to với công phượng phía trước một tiếng, sau đó di chân liên tục dẫn bóng về phía khung thành đối phương. giờ đây trong mắt thằng oắt mà cả đội chẳng ai đọc vị được nó đang nghĩ gì ấy, đang theo đà rực cháy hừng hực như ngọn đuốc thiêu đốt lấy cả thân nó, ngỡ như trên bãi cỏ vô danh tồi tàn của làng quê nhỏ là sân bóng tầm cỡ quốc gia, và nó là một cầu thủ vĩ đại đạt tới đỉnh cao sự nghiệp chuẩn bị mở ra bàn thắng cho đội nhà.

và.

vào.

"thắng rồi!!!!"

văn đức gào lên, nó nhảy tưng tưng mà ôm chầm lấy đức chinh đang đứng kề gần đó. cùng lúc tiếng thằng phượng ở bên hô to "kết thúc" đã làm đội nhà đứng chờ ở một góc sân chạy ào ra ôm chầm lấy vị thiên tài đội họ, hết xoa đầu lại tới nắm tóc, cả bọn cứ thế thay phiên làm loạn trên người văn đức một lúc mới tách ra, sảng khoái cười khà khà rồi đưa chai nước cho nhau như thói quen vẫn làm sau một trận. nắng trưa rọi thẳng lên đầu lũ nhỏ, mồ hôi ướt sũng trượt dài tí tách rồi rơi thẳng xuống nền cỏ cũ kĩ, cảm giác cay xè chảy vào hốc mắt, sáng lên con ngươi mở to hướng về phía "khán đài" – nơi duy chỉ một vị khách dõi theo bước chân nó chạy từ đầu tới cuối, văn đức đè vai công phượng mà nhảy lên, tay vẫy vẫy miệng gọi to.

"đại ơi anh thắng rồi."

nguyễn trọng đại giật mình vì bị xướng tên giữa cuộc vui, cậu theo phản xạ mà giơ tay lên đáp lại cái vẫy nhiệt tình ấy, môi kéo lên nụ cười dịu dàng rồi ngoan ngoãn ngồi bó gối nhìn phan văn đức đã quay lại nói chuyện với bạn bè. anh của cậu, anh bé của cậu, giỏi quá. nguyễn trọng đại thầm ca thán, đáy mắt giữa hè lóa như bóng đèn triệu vôn lại lấp lánh tia si mê ngưỡng mộ, chằm chằm không rời bóng lưng đứng ngược với mặt trời gay gắt, trở thành trái đất mà trọng đại muốn hóa thành mặt trăng mà xoay quanh mình nó.

"anh ơi mình về ăn cơm..."

"à ừ nhỉ, kéo đi từ sáng em chưa được ăn gì."

trọng đại đói meo cả bụng, cậu chịu hết nổi, lồm cồm ngồi dậy rồi chạy xuống sân cỏ phía dưới, đi tới gần văn đức mà níu áo nó gọi. thằng đức trông thấy em mình mặt ỉu xìu liền hiểu ý ngay, nó cười khanh khách tạm biệt đám bạn lần cuối, sau đấy nhẹ nhàng nắm lấy tay trọng đại mà dẫn về nhà. đường trưa ở quê tụi nó vắng tanh ít người qua lại, lâu lâu chèo kéo mấy tiếng ò ơi của người già ru trẻ ngủ, hay thỉnh thoảng chúng nó đi qua mấy con trâu lững thững đang bị các bác nông dân kéo ra ruộng cày sau tầm giờ cơm trưa.

mọi thứ, mọi vật, khắc sâu vào tâm trí của những đứa trẻ chưa kịp lớn với đời, đã phải nhoài mình mà chạy để lớn cho nước cho dân.

trọng đại đưa tay vào miệng ngậm một hồi, tới khi văn đức phát hiện mà đánh vào tay cậu một cái, đại mới bỏ ra, cậu đưa tay lên trời, chỉ vào bâng quơ một chỗ mà quay sang hỏi nó.

"đức ơi sao nay em không thấy chim sắt bay trên trời."

"tại nó bị quân ta cho vào lồng rồi đấy."

dạo trước, hay kể cả bây giờ vẫn thế, mỗi khi máy bay của địch rầm rầm đi qua, dân làng tá hỏa núp xuống hầm trú ẩn tự chế. nhưng cũng có những người đi cày không về mà núp kịp, giữa cánh đồng hăng hăng mùi lúa chín, cao ngang cổ người con thấp bé đất Việt, họ chọn cách nằm xuống lẫy bùn ấy, nín thở cầu nguyện cho máy bay không thả bom nơi chúng đi qua. và mỗi lần như vậy, phan văn đức dù cho có ham chơi hay mải mê làm gì, việc đầu tiên nó làm là kéo tay nguyễn trọng đại thật nhanh trốn xuống hầm trú ẩn, run rẩy ôm lấy thân hình bé nhỏ mà chắp tay xin lấy thần chết đừng mang bọn nó đi mất.

mà hỡi ôi, ngày đó thằng đại nhỏ quá, cậu chẳng biết gì, thấy cảnh dòng người xô đẩy chen chúc trong không gian bé tí thì hoảng lên mà khóc. cậu khóc át cả tiếng người thở tim đập, cậu khóc mà như lấy đi một phần ruột gan văn đức, nó lúc đó cũng chỉ mới mười mấy, đối diện với cậu em sáu tuổi không ruột thịt máu mủ, lại còn lạc mất người nhà, chẳng biết làm gì khác ngoài ôm em vào lòng mà dỗ dành.

"đại đừng khóc, đại nín đi, đại mà khóc làng mình chết mất."

nói là thế, tụi trẻ con bấy giờ nào có hiểu được hết cái chết của chiến tranh kinh khủng thế nào. trọng đại đơn thuần là sợ cảnh người lúc nhúc chen lấn trong một căn hầm nhỏ, cậu sợ vì không thấy bố mẹ ở gần mình, cậu còn sợ cả cảm giác không khí giữa gian đất hẹp hòi đang ngày càng trút đi hơi thở gấp gáp của buồng phổi, ép trọng đại phải há cả miệng ra để gắng hít lấy hít để cho không bị chết ngạt. phan văn đức tất nhiên hiểu tất cả cảnh tượng đối với một đứa nhỏ như cậu quá đỗi khiếp đảm tới như nào, nhưng nó cũng đâu thể làm gì khác được, văn đức càng thấy tiếng nức nở của trọng đại trong lòng nhỏ dần, nó càng sợ, nỗi sợ khiến nó ôm chặt lấy cậu mà van xin nỉ non không ngừng.

"đại, đại, mở mắt đi em. anh xin em, trời ơi, làm ơn, đại ơi."

"anh đức ơi..."

"ơi ơi anh nghe, anh nghe đây."

"khi nào mình mới ra khỏi đây ạ?"

tiêu cực trong mắt trọng đại nhòe dần, cậu thấy mệt lả cả người, tay chân muốn nhấc cũng không nhấc nổi, chắc là vì đã không được ăn nhiều ngày quá đây. trọng đại nghĩ thế, cậu tự nghĩ rằng lí do mình buồn ngủ là vì quá đói, mà đói rồi thì hơi sức đâu mà chơi, đói rồi thì mình đi ngủ để cho qua cơn, như phan văn đức từng chỉ cậu đấy. vậy nên nguyễn trọng đại trong cơn mơ màng cố nương theo nước mắt của nó mà nắm lấy ngón tay chẳng mấy sạch sẽ, cậu không còn sức đâu mà khóc, cậu nằm thế thôi, nằm trơ mắt nhìn văn đức đang ôm lấy mình mà khóc không ra tiếng.

"anh ơi em đói quá."

"đại gáng chịu một chút, nào mấy con chim sắt ấy đi rồi mình ra ngoài, anh nướng khoai cho đại ăn nhé?"

"chim sắt? có chim sắt ạ?"

"có, có chim sắt, con chim ấy lớn lắm, còn hung dữ nữa. nên là đại phải sống, sống rồi anh mới dẫn đại đi xem được."

"thật vậy sao ạ? trên đời này cũng có con chim thần đồng da sắt ạ?"

cậu cười khúc khích, đứa trẻ sáu tuổi ấy đang cố tin vào lời mà anh nó nói với mình. cậu biết hết đấy chứ, chẳng có con chim sắt nào ngoài mấy cái máy bay ù ù trực chờ thả bom cho nổ bay cả ngôi làng, một khắc cuốn đi mấy chục mạng người bé nhỏ thật dễ làm sao. tất nhiên là cậu hiểu được từng ấy điều chẳng phải dễ dàng, một đứa trẻ, một đứa trẻ được sinh ra trong thời kì đất nước loạn lạc, ba miền chia cắt, xương máu anh hùng chồng chất thành núi để đợi tới ngày giành lấy hòa bình độc lập, một đứa trẻ như thế làm sao có thể ngây thơ trơ mắt tô nên cuộc đời màu hồng được đây?

vậy nên nguyễn trọng đại đã ép mình lớn từ lâu lắm rồi, có lẽ là chẳng phải từ khi cậu đang nắm tay văn đức để nó dẫn về nhà, lui thủi hai bóng hình một cao một thấp không quản nắng mưa sớm chiều. mà trọng đại lớn từ trong cái lí lẽ sống của cậu, từ trong cái ước ao đang lớn dần như những rễ cây bám lại nơi đất hoang, mạnh mẽ lớn lên giữa tiếng vang của khói đạn mưa bom, dần dà nở hoa giữa lời nói bâng quơ muốn làm thầy giáo dạy cho mọi người của phan văn đức.

dần dà, nguyễn trọng đại nhận ra, hồn cậu dành riêng gửi lại cho đất mẹ Việt Nam, duy có phần tim cậu trọng đại để giành cho mình văn đức.

"đức muốn làm gì khi lớn lên?"

"òa, đại hỏi như người lớn vậy ta, sao tự dưng nay hứng lên hỏi vậy?"

"không có hứng lên! em tò mò thôi, tại bữa thấy anh phượng bảo lớn lên sẽ lên tỉnh, ảnh không muốn ở dưới đây nữa, dưới quê mình nghèo lắm, chỉ có lên tỉnh mới thoát nghèo thôi."

giọng thằng đại nhỏ dần, nghe đâu mấy tiếng uất ức lắm, hẳn là cậu đã sốc đến nhường nào khi nghe công phượng bảo thế. cũng phải thôi, ở quê tụi nó đã nghèo tới độ đứa yêu quê như công phượng phải nuôi ý định lên tỉnh đi làm, không muốn trở về nơi đây nữa thì phải biết cuộc sống nghèo nàn đã tù túng bọn chúng như nào. ngày không có ăn, ra đường ngó ngang muốn xin ké thì cũng chẳng có ai đủ để rủ lòng thương tình. khổ nỗi, bố mẹ văn đức đã mất từ lúc nó còn nhỏ, nó ở với bà, bà bảo bố mẹ nó hi sinh ở chiến trường cả rồi, giờ ở nhà thứ liên quan tới họ cũng chỉ còn hai di ảnh đặt trên bàn thờ, với vô số huy chương và bằng khen mà cơ quan ở trên phong thưởng.

mà nó đâu cần, phan văn đức có cần mấy cái danh hiệu đấy làm gì, nó cần bố cần mẹ, nó cần những tối quây quần có vòng tay ấm áp của gia đình che chở cho nó kể cả trong cơn đói hay giá rét, nó vẫn chịu được hết, miễn là còn bố mẹ. ấy là ngày xưa nó nghĩ vậy, lớn rồi nó vẫn nghĩ thế, có điều nó trưởng thành hơn, nó biết nghĩ cho người cho nước, nó không còn thấy uất ức nữa, nó chỉ thấy uất hận bọn địch đã cướp đi hạnh phúc nhất cuộc đời nó, nên nó lại càng muốn ra chiến trường hơn ai hết. khổ rằng thể chất nó không đủ điều kiện, mà có nộp đơn xung phong bao nhiêu lần cũng bị trả về, vậy nên phan văn đức tính đến đường khác.

nó không đánh vào đường súng đạn được, nó đánh vào đường giáo dục.

còn tiếng là còn nước, văn đức khắc ghi lời thầy giáo nói từ ngày nó còn đang ngồi trên ghế nhà trường. cho tới khi trọng đại hỏi nó ước mơ làm gì, nó nghĩ một hồi, ngẩn tò te một chút, không nhanh không chậm cười tươi trả lời.

"anh muốn làm thầy giáo!"

trọng đại thoáng đơ người, cậu trai mới tuổi lớn mang đầy tâm tình bối rối khi đứng trước con tim rung động mãnh liệt, đang đập lên thình thịch như cách cậu đứng trước quốc kì mà hát vang khúc khải hoàn chiến thắng, giờ đây trước một bóng hình bé nhỏ lại có thể vang dội át đi cả tâm trí phủ đầy mùi súng của thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ. cậu không nói gì trong khoảng thời gian ngắn, mắt chăm chăm nhìn văn đức cười, lòng rầm rì sóng vỗ muốn lùi khỏi bờ cát thật xa, để nụ cười anh không bị nước cuốn trôi đi mất, để tiếng cười ấy khắc tạc vào lòng cậu thứ người đời gọi hai chữ "tình yêu" đẹp đẽ vô thường, sưởi ấm trái tim người lính trẻ những đêm dài hành quân xa xăm trông thấy.

"vậy anh dạy bọn trẻ cách cầm bút trước đi, sau này dạy con tụi mình cho đỡ bỡ ngỡ."

chữ "tụi mình" cậu lí nhí trong họng, mặt đỏ bừng giữa đêm trăng lộng gió, xào xạc mấy tiếng nhẹ nhàng mà đọ không lại bão giông nổi lên cuồn cuộn trong lồng ngực đang đập từng hồi trống đồng liên thanh. nguyễn trọng đại nghĩ mình điên rồi, điên tới mức thích anh phát rồ mà thốt ra được câu đấy. cậu không hiểu được nghĩa chữ thương, lại càng chẳng dám mơ mà với tới chữ yêu, cậu đơn thuần đánh bạo gọi cảm xúc này là thích, thích một người đơn giản đã cùng cậu lớn lên giữa những đường chuyền dài đổ bóng lưng ướt, thích một người nhẹ nhàng nắm lấy tay cậu mà nói về câu chuyện chẳng hão huyền mà chẳng mộng mơ, vì người ấy nói về hòa bình, vì người ấy nói về một đất nước tự do muôn đời hạnh phúc.

phan văn đức nghiêng đầu nhìn nguyễn trọng đại, cố gắng xâu ghép vế sau mình nghe không rõ thành câu hoàn chỉnh, đến cuối nó cười phá lên, cốt cũng là vì nó tự hiểu theo ý mình. bởi hai đứa đã ở với nhau đủ lâu rồi, lâu đến độ năm tháng đã sờn cũ trên mặt giấy ngả vàng, nét chữ phai dần theo từng bức thư nó gửi cho cậu nơi tiền tuyến xa xôi, lâu tới nỗi giờ đây thứ lưu lại trong tim nguyễn trọng đại tuổi dại khờ không chỉ là mảnh đất lưu lạc bụi ngầu bom đạn, mà ở đó còn có nắng của cậu, nắng chiếu rọi vào tim người lính trẻ thứ tình không tên không tuổi, nở rộ giữa nắng tháng tư êm đềm đổ tràn mái hiên, và phai tàn vào một chiều mưa buồn nỉ non tiếng vỡ tan hoang.

"đúng rồi, anh phải làm thầy giáo giỏi, để sau này đại cưới vợ sinh con, con đại đến lớp anh dạy cho nữa chứ."

ngày tháng ấy bọn trai trẻ của làng được chọn lên đường nhập ngũ, tiểu đội nhỏ chia ra có mấy thằng từ bé tới lớn đều quen thân đến mức nhìn thấy mặt nhau là muốn mửa (đùa thôi), trong đó thằng đại chúng bạn hay trêu là khóc to nhất nhì đội, đêm nào cậu nhớ lời nó ngày ấy là lại khóc, không khóc thì lại ôm súng ngả ngớn than vãn với thằng đứng cạnh. tới mức bọn nó chịu không được phải chạy đi tìm trung đội trưởng nguyễn công phượng, để anh chàng với khuôn mặt như ai hớp mất sổ gạo đến táng vào đầu cậu mấy cái cho ra trò, nguyễn trọng đại mới thôi lầm bầm mà giữ im lặng.

lâu lâu về nhà ngày nghỉ, cậu vừa mới đặt chân tới cửa làng là sà liền vào lòng mẹ ôm thật chặt bà hồi lâu, xong xuôi chào hỏi bà con đã tớn lên hỏi anh đức đâu. người ta không nghĩ nhiều, chỉ cho rằng cậu nhớ nó vì nó là bạn từ thuở cởi truồng tắm mưa, nào biết cậu trai ấy ngóng chờ bóng hình người thương mòn mỏi cả con tim, chỉ có thể tranh thủ mấy canh giờ ngắn ngủi để dựa vào cái mác anh em lớn chung mà ôm cho bõ nhớ. nguyễn trọng đại là một tên bám người, đã gặp rồi thì cậu bám riết không buông, ăn cơm với bố mẹ xong là tót ngay đi gặp nó mặc cho mẹ cậu í ới gọi con ăn thêm không đói.

nắng trưa hăng mùi cỏ cháy, ụp lại đổ dại cả đầu, làm hoa tầm nhìn của chàng thanh niên đã chạy thốc chạy tháo được mấy phút tới chỗ người thương. cậu vuốt tóc mấy cái, khẽ chỉnh lại quần áo cho chỉnh chu trước khi bước tới gần ngôi trường văn đức dạy. ở bên trong căn nhà nhỏ gọi là trường cho sang chứ trường thật bị bọn mĩ đánh bom nát bươm lâu rồi, dân làng chưa có kịp xây lại, mà có xây bọn chúng cũng đánh tiếp, thế nên mới lấy tạm nhà hoang tu sửa lại thành lớp học cho bọn (ranh) con nít trong làng. phan văn đức ngồi cúi mặt đọc sách hăng say, nó ăn mặc vẫn giản dị như ngày nào, trong bộ quần áo đơn sơ vá chỗ này đắp chỗ nọ, gấu quần kéo lên cao chứng tỏ đã quá lâu nó chưa thay mới, vẫn mặc lại đống đồ cũ mà bà nội mang về cho, hoặc là nhà xung quanh có ai thương tình nhà nó khổ quá mà cho mấy bộ.

nguyễn trọng đại rón rén tới cửa không dám bước vào, cậu ngó đầu len lén nhìn, y chang mấy hồi phan văn đức mới bắt đầu dạy học, những buổi đầu đứng lớp trọng đại chưa có đi lính, cậu sáng tối nắng mưa lúc nào cũng có mặt, ngoan ngoãn núp ở góc nhìn nó trên bục làm thầy hết trơn. mà cũng lạ, bọn học sinh ở lớp rỉ tai nhau nói thế, cái anh tên đại ấy lâu lâu nhìn thầy đức bọn nó mà cười như thằng dở, có hôm thằng cu việt anh mới vào, không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, đã thế tính lại còn nhát cáy, ngồi cuối gần ông anh hâm hâm đấy thấy cậu cười mà khóc toáng lên, báo hại phan văn đức phải bỏ nửa buổi dạy để dỗ thằng nhỏ.

"a đại về rồi!"

mải mê ngắm anh mình (hoặc do cậu không để ý, đồ u mê), trọng đại quên mất văn đức cũng thuộc tuýp người nhạy bén, ai mà đứng ngoài là bị nó gô cổ như chơi. tiếng văn đức òa lên, nó để dở trang sách chưa kịp đóng, vài ba trang vội lật theo cơn gió thoảng giữa trưa hè nực nội, chạy ào ra cửa rồi ôm chầm lấy trọng đại. dáng người nó nhỏ, đã thế còn thấp hơn cậu, vừa vặn lọt thỏm trong lòng chàng lính với cái ôm siết chặt không buông. hình như hai đứa có nhiều điều muốn nói với nhau lắm, nhưng tụi nó không nói gì cả, tụi nó chọn chia đôi nỗi nhớ qua cái ôm tựa muốn trút lấy buồng phổi đối phương. mãi tới sau phan văn đức không chịu được la oai oái, nguyễn trọng đại mới cười khanh khách mà buông ra.

"đức phải đợi em!"

"hả? đợi gì?"

ngồi hóng ra ngoài bãi đồng thơm mùi lúa, vàng rợp cả trời xanh ngập trong cái nắng chói chang, trọng đại bỗng nói lớn khiến văn đức ngồi bên cạnh giật mình, ngơ ngác nhìn thằng em tự dưng rảnh hơi lại đưa ra câu yêu cầu có chút... kì lạ?

"đợi em về, hai đứa mình sống với nhau đi. anh dạy học, còn em nấu cơm cho."

"nói gì vậy thằng này, nghe như vợ hiền nấu cơm đợi chồng đi làm về thế?", văn đức bật cười xoa đầu cậu loạn lên, trọng đại bĩu môi ngồi yên để nó làm không nói không rằng, rõ ràng cậu nghiêm túc mà, còn thiếu mỗi bước tỏ tình thôi, chả lẽ phan văn đức lại ngu tới mức không hiểu câu cậu nói?

"không, em không làm vợ đâu, em làm chồng cơ!!!"

"rồi rồi thằng này, sao đầu hai rồi mà cứ như trẻ con thế này."

trọng đại giận dỗi hứ một tiếng, cậu không nói chuyện với nó nữa, lần nào cũng thế, kể cả là viết thư, cứ hễ cậu đề cập tới chuyện tương lai là văn đức lại cà chớn không chịu coi đó là lời "tỏ tình gián tiếp" gì hết á.

"đức, anh phải đợi em đấy..."

cậu lẩm bẩm, thân nhích lại gần văn đức hơi chút rồi nằm kê đầu lên đùi nó mà thiu thiu ngủ, nó biết, mà nó mặc kệ. thầy giáo họ phan tên đức ấy nhìn loạt hành động trẻ con đầy buồn cười của cậu em nhà bên chỉ bật cười, tay đang xoa đầu nó đưa xuống vỗ tấm lưng gầy phải chịu biết bao gian khổ nơi chiến trường khắc nghiệt, nhẹ nhàng ru hời đứa trẻ vẫn hồn nhiên như ngày nào vào giấc mộng ban trưa chớm tắt, thủ thỉ cho cậu nghe, hoặc cũng chỉ còn mình nó nghe, về cái tương lai đẹp đẽ cảm tưởng đưa tay có thể chạm vào của một đất nước tuyệt tới ngần nào. dấu yêu muôn đời nó đã dành cả cuộc đời ôm lấy mộng tưởng mà khắc ghi vào máu vào thịt, nó đang chừa lại trái tim cho ai đấy, một trái tim cho tình yêu rung động tuổi xuân thì đang nồng nàn tiếng thương của nó dành cho người.

"đại ngủ ngoan, anh đợi đại mà, đợi cả đời cũng được."

thằng đại ngủ rồi, thằng đức còn tỉnh, mắt nó trông ra xa xăm phía bên cánh đồng, lấp ló sau rặng lúa chín đẫy đà đùm đuề như nấm, nơi lá cờ mang hình hài đất nước Việt Nam đang cắm chặt xuống mảnh đất cằn cỗi qua bao mùa khắc nghiệt, vẫn hiên ngang đứng đấy như một lời thề bất tử trong tim người con nơi đây.

một lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro