-Trích nhật ký của Diệp Thục Ngưng-

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

02/6/1932, trời trong

Hiện tại tôi và Kiến Hào đang ngồi trên con tàu chở khách thẳng hướng về phía đại dương mênh mông.

Mấy ngày qua tôi vẫn luôn say sóng, cả người thật sự không hề thoải mái, Kiến Hào rất lo lắng, anh một mực ở bên tôi, sợ tôi bệnh không dậy nổi. Bà Đồng lại bảo anh đừng lo lắng, bởi vì "Cô Tư không giống như chỉ vì say tàu", tôi vội nháy mắt ý bảo bà đừng nói tiếp, bà hiểu được, mỉm cười bảo vệ bí mật cho tôi.

Tôi gả cho Kiến Hào bảy năm, rốt cuộc sắp sửa sinh cho anh đứa con đầu lòng, chuyện này tôi muốn đợi tới Mĩ thì mới cho anh ấy niềm vui bất ngờ.

Bên ngoài ô cửa của con tàu lênh đênh vẫn là đại dương bao la như cũ, nhưng dường như thế giới mới đã cách không xa nữa rồi, một lúc nào đó, nó sẽ xuất hiện trong tầm nhìn của tất cả chúng tôi.

08/11/1940, tuyết rơi

Tôi không biết lúc trước đến Mĩ có phải là ý trời hay không, nhưng rời xa quê hương lại có thể tránh xa khói lửa, tránh xa chiến tranh tang thương cũng thật sự là may mắn bất đắc dĩ. Tôi đã bàn bạc với Kiến Hào cùng nhau gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ chi phí cho cuộc kháng chiến nơi quê nhà. Anh ấy bận rộn vì chuyện công ty nên tôi liền cùng hai con là Trọng Bình và Trọng Hợp xuôi ngược khắp nơi. Tôi biết tiền của công ty là anh cả nhà tôi tự nguyện quyên tặng, cũng đã quyên góp không hề ít, nhưng tôi càng muốn dựa vào sức lực bản thân kêu gọi sự ủng hộ của mọi người, vì đất nước tôi, vì những đồng bào đang chịu cơn khổ nạn của chúng tôi.

Mỗi khi nhớ tới, tôi thường đêm không ngủ yên, Trọng Hợp mới bảy tuổi mà đã có thể đoán ra tâm tư của mẹ, dùng chất giọng trẻ con non nớt pha giữa khẩu âm Bắc Kinh và Hàng Châu, cùng với tiếng Anh hỗn loạn mà an ủi tôi, còn gọi em gái bốn tuổi hát ru cho tôi ngủ. Kiến Hào nhìn thấy mà cũng cảm động không thôi, ở bên nhẹ nhàng bảo hết thảy đều sẽ qua đi, hòa bình rồi sẽ tới, tựa như lúc trước trên boong tàu chúng tôi lần đầu tiên trông thấy tượng Nữ thần Tự Do vậy.

Tôi tin lời anh, chính bản thân tôi cũng nghĩ như thế.

27/03/1958, ngày nhiều mây

Hôm nay là ngày Trọng Tiệp tròn mười ba tuổi, nó vui vẻ trông chờ từ tận mấy tuần nay, Kiến Hào cũng nghỉ việc ở công ty một ngày, dẫn nó đi ăn và đi công viên chơi. Tôi và trọng Bình, Trọng Hợp cũng đông đủ, cả nhà vây quanh quanh thằng nhóc nhỏ nhất này, cùng nhau quay trở lại thuở niên thiếu ham chơi.

Trọng Hợp dẫn theo bạn gái tới, Stella là cô bé dịu dàng đầy thể diện, tôi cho rằng cô bé sẽ kết hôn với Trọng Hợp nhà mình. Tôi muốn làm một bà mẹ chồng tân tiến, còn Trọng Hợp, nhất định nó cũng sẽ giống cha, sẽ là một người đàn ông yêu thương vợ con và đầy trách nhiệm.

"Năm đó khi mẹ gả cho ba con thì còn chưa đủ mười tám tuổi đâu. Lúc ấy ba con đã là sĩ quan hai mươi sáu tuổi rồi." Tôi kể lại chuyện xưa cho Trọng Bình, "Ba con thương mẹ lắm, ông ấy lúc nào cũng cứng rắn nghiêm khắc, nhưng vì thương mẹ, không muốn mẹ buồn mà ngủ ở trên sàn nhà vào đêm tân hôn, còn xụ mặt nói, trước hết chúng ta cứ thử làm bạn của nhau đi."

Trọng Bình nghe mà cười ha ha, trong tâm trí tôi lúc ấy đều là chuyện năm sáu năm sau đó, chúng tôi thật sự đã trở thành bạn của nhau, học cách ở chung, học cách yêu thương, cho đến khi có thể trở thành vợ chồng danh chính ngôn thuận.

Cuộc sống giữa bạn đời với nhau thật không dễ dàng, điều này không liên quan tới quốc tịch, thậm chí giới tính, chỉ cần là bạn đời, chỉ cần để ý tới đối phương, muốn ở bên người ta thì nhất định sẽ luôn lo sợ, luôn mong chờ, luôn phải mò mẫm ra lối đi đúng đắn.

Thậm chí người quen thói bá đạo như anh cả nhà tôi cũng phải cúi đầu tự mình thực hành, từng li từng tí học cách chung sống với thầy Đồng. Tuy rằng hiện tại tôi vẫn không nghĩ ra vì sao thầy Đồng có thể khoan dung hết tính nết thói xấu của ảnh, nhưng nhiều năm qua bọn họ chưa từng chia lìa thì đã là minh chứng tốt nhất cho đạo nghĩa vợ chồng son sắt rồi.

04/9/1967, trời quang

Hôm nay, tôi nhắc về chuyện ở Bắc Kinh với anh cả, tuy đã đã rời xa quê hương 40 năm nhưng anh ấy vẫn luôn mong nhớ về nơi ấy. Có điều lúc này ở Bắc Kinh lại không yên ổn, hướng đi chính trị thay đổi trong nháy mắt, người lại kề cận tuổi già, chỉ sợ về sau muốn nhận được tin tức từ gia đình sẽ dần dần không có khả năng nữa. Hoặc có lẽ, dần dà rồi sẽ chẳng còn lui tới nữa.

Sau khi Trọng Hợp và Stella tan vỡ, rốt cuộc nó cũng quen bạn gái mới. Judy nhỏ hơn nó 11 tuổi, tính cách sáng sủa, là điển hình của một cô gái Mĩ ăn Hamburger mà lớn lên. Cô bé cũng không để ý Trọng Hợp từng có một đời vợ, càng không để ý số tuổi chênh lệch, tôi hi vọng một lần này hai đứa có thể tu thành chính quả, trong thời đại theo đuổi sự tự do này, giữ lấy một phần truyền thống và trung trinh cho riêng mình.

15/4/1973 âm lịch

Hôm nay là một trăm ngày sau lễ tang của anh cả tôi.

Tôi vẫn rất đau lòng, nhưng vừa thấy trên kệ lò sưởi âm tường có vò tro cốt khắc tên hai người họ lại chợt cảm giác vui mừng vô cùng.

Anh cả sống lâu hơn thầy Đồng 10 tháng 18 ngày, vào quãng thời gian cuối đời mỗi một ngày anh ấy đều chẳng hề vui vẻ. Tôi và Kiến Hào dựa theo ý nguyện của anh ấy, đặt chung tro cốt của anh và thầy Đồng với nhau, mặc kệ tương lai có mang về được hay không, ít nhất họ sẽ vẫn luôn ở cùng nhau. Cái cà vạt mà anh tôi thích nhất, cả bộ áo dài mà năm xưa anh ấy tự tay tìm thợ chuyên nghiệp may cho thầy Đồng trước khi đi Mĩ tôi cũng giữ lại, kèm theo một số vật dụng cá nhân của họ đặt vào trong rương xem như làm kỷ niệm.

Có đôi khi tôi nhịn không được sẽ nghĩ, liệu có phải anh cả mất đi thầy Đồng cho nên mất luôn nửa cái mạng hay không, mà cái kẻ chẳng thích giải bày tâm sự với người khác như anh ấy, sau khi thầy Đồng mất lại càng ít nói hơn, thậm chí là đối với tôi cũng trầm mặc y như vậy. Anh ấy lẳng lặng nuốt vào hết thảy đau thương, chung quy nó sẽ ăn dần ăn mòn sinh mệnh của anh ấy, mà có thể chống đỡ 10 tháng 18 ngày, theo tôi thì đã là kỳ tích.

Tôi nào có phải người phụ nữ yếu đuối mau nước mắt, nhưng tôi khóc vì thầy Đồng và cũng khóc vì anh trai tôi. Tôi rơi lệ vì bọn họ, mà những giọt lệ ấy tuyệt đối không chỉ là bi thương. Tôi nghĩ linh hồn của họ ở trên trời nhất định có thể nghe thấy được, có thể hiểu được.

31/8/1988, mưa nhỏ dần tan

Hôm nay, tôi đi tảo mộ cho bà Đồng, Nhạn Thanh, A.P và Kiến Hào, có trời mới biết tôi lấy đâu ra sức lực mà sống, trong số tất cả mọi người trải qua mưa gió tôi lại là người sống đến cuối cùng, tôi cho rằng, nhung nhớ bọn họ là chức trách của tôi.

Khả Nghị lại tới thăm tôi, trong đám cháu chắt thì nó là đứa thân thiết với tôi nhất, tôi nghĩ có lẽ tương lai nó sẽ lý giải được một đời hỉ nộ ái ố của đám người già chúng tôi, nó sẽ dùng cuộc đời của nó viết nên buồn vui thuộc về riêng mình. Nhưng đó đều là chuyện của con cháu, tôi sắp đi đến điểm cuối của sinh mệnh rồi, không cần phải nghĩ nhiều nói nhiều nữa.

Tôi chỉ cầu mong có thể bình an trôi qua những ngày tháng cuối cùng, một ngày cũng được mà một năm cũng thế, đều giống nhau. Bấp bênh, trập trùng đã trôi qua, bụi trần tán loạn, tôi chỉ nguyện tuổi già của mình lẳng lặng, mỗi một giây chìm trong yên tĩnh hồi ức về người xưa....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dammy