Dẫn khí

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dẫn khí thế nào là đúng?

Dẫn khí, nguyên tắc đầu tiên là phải buông lỏng toàn bộ cơ thể. Trong dẫn khí không có công việc dành cho cơ bắp, dẫn khí là dùng ý để dẫn chứ không phải là dùng cơ bắp để ép khí đi.

Cơ bắp không buông lỏng được dễ gây tắc khí, tụ khí cục bộ, sinh bệnh. Khi buông lỏng toàn bộ cơ bắp thì khí huyết sẽ dễ lưu thông hơn, khi đó hễ ý đặt vào đâu thì khí sẽ tới đó.

Người mới tập không nên dẫn khí quá chậm trên kinh mạch vì như thế dễ rơi vào “dùng ý thái quá”. Ý thức sẽ phát ra các tín hiệu kích thích các tế bào thần kinh dọc theo kinh mạch. Nếu dùng ý thái quá, tín hiệu kích thích quá mạnh sẽ dẫn tới phản ứng của cơ bắp tại đó, kết quả có thể gây ra sự dồn ép khí trên kinh mạch ấy.

Về nguyên tắc, dẫn khí chậm trên kinh mạch làm cho các phản ứng khí hoá diễn ra triệt để hơn, tận dụng được lợi ích của khí hơn, nhưng chỉ những người đã tập thành thạo, kinh mạch đã thông suốt mới nên làm như vậy.

Người mới tập chỉ nên dùng ý lướt nhẹ theo kinh mạch, thậm chí có thể không cần quan tâm tới đường đi của khí mà chỉ cần nghĩ tới điểm đầu và điểm cuối là được. Ví dụ: Khi thu khí từ Bách Hội, dẫn theo mạch Nhâm xuống Đan điền, ta có thể dùng ý lướt nhẹ theo mạch Nhâm, hoặc chỉ cần tập trung ý vào Bách hội, hướng ý nghĩ đi xuống dưới, rồi nghĩ xuống thẳng Đan điền, khí nó sẽ tự tìm được đường đi phù hợp.

Một số người khi tập dẫn khí thường rơi vào tình trạng kích thích các cơ bắp, nguyên nhân là vì quên mất nguyên tắc buông lỏng. Tín hiệu thần kinh làm cơ bắp chuyển động khiến họ tưởng là đã dẫn được khí tới chỗ đó, đã tụ được khí vào đó.

Ví dụ:

Khi cần tụ khí vào vùng Can, người tập thường cố tạo ra cảm giác căng tê tại hạ sườn phải, kết quả là lại tập trung vào các cơ bắp tại đó (thường thì cơ bắp dễ cảm nhận hơn nội tạng) --> Khí không tụ được vào tạng mà lại tụ ở cơ bắp bên ngoài, phí công vô ích.

Tương tự như vậy, nhiều người muốn tụ khí về Đan điền, nhưng do dùng ý quá mạnh, căng cơ quá mạnh, kết quả là khí không tụ về Đan điền mà tại tập trung ra phần cơ ở thành bụng.

(Có một số phương pháp chủ chương căng gồng cơ bắp, nhằm tạo những hiệu ứng đặc biệt tại đó, để có được những công năng đặc biệt --> không xét ở đây)

Tóm lại, làm cách nào để phân biệt được dẫn khí đúng và dồn ép khí?

+ Dẫn khí đúng thì khí đi êm nhẹ, dễ chịu, không có cảm giác vướng mắc hay co thắt cơ bắp (không cần dùng tới cơ bắp).

+ Dẫn khí sai (dùng ý thái quá): Khí chuyển động khó khăn, có khi vừa đi 1 đoạn đã tán hết (hết cảm giác khí), hoặc thấy vướng mắc ở đâu đó (tắc khí), không dẫn đi được. Hậu quả thường thấy là có cảm giác khó chịu, nặng hơn thì sức khoẻ bị giảm sút.

Nói thì như vậy, nhưng để có thể buông lỏng được cơ thể cũng cần phải mất nhiều công sức luyện tập.

Các hình thức dẫn khí

Đã gọi là luyện khí thì phải dẫn được khí đi, đi như thế nào thì còn tuỳ phương pháp. Khí lưu thông khắp cơ thể, cung cấp năng lượng cho cơ thể. kinh mạch toàn thân thông suốt thì sẽ vô bệnh tật (người xưa có câu: "Thông bất thống, bất thông tất thống" - Thông thì ko đau, ko thông tất sẽ đau). Khí chính là năng lượng sống, là chất xúc tác cho các phản ứng trao đổi chất giữa tế bào và huyết... Có 1 khí công sư nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: "Không dẫn khí thì không gọi là Khí công"!
(Câu này hình như có trích dẫn trong cuốn: "Khí công 100 ngày...")

Có nhiều cách dẫn khí khác nhau, thường thì sẽ sử dụng 5 hình thức sau:

1. Dùng ý
2. Dùng hơi thở
3. Dùng tư thế
4. Dùng động tác
5. Dùng tha lực

Nói chung tất cả các hình thức đều cần tạo ra được 1 "lực dẫn khí", tức là áp lực khí trong cơ thể, điều này có được nhờ sự chênh lệch giữa khí và huyết (lượng khí phải "dư" 1 chút so với nhu cầu hiện tại của cơ thể). Điều này nôm na như định luật Newton trong vật lý học: muốn vật chuyển động thì phải có lực tác dụng.

5 hình thức trên có thể dùng riêng lẻ, cũng có thể phối hợp để tăng hiệu quả. ở đây xin trình bày tác dụng riêng lẻ của từng hình thức:

1. Dùng ý dẫn khí:
Dùng ý hay sự quán tưởng tức là phát ra các tín hiệu thần kinh để điều khiển khí đi theo đường mình muốn.

+ Ưu điểm:
Con người nắm toàn quyền chủ động, mà mục đích của việc tu luyện, nói cho cùng chính là tự làm chủ cơ thể, làm chủ bản thân.
Dùng ý dẫn khí còn có thể chủ động chữa bệnh. Khi trên cơ thể có bệnh tại 1 vùng nào đó thì cần dẫn nhiều khí tới đó, tiêu diệt bệnh tật, thanh lọc khí bệnh, xả bỏ khí bệnh ra ngoài. Không chỉ chữa bệnh cho mình, các khí công sư còn có thể chủ động tác động khí vào người khác, chữa bệnh cho người khác.

+ Nhược điểm:
Việc làm chủ hệ thần kinh ko phải là chuyện dễ dàng, nên cần có nhiều công phu luyện tập, có phương pháp đúng, phù hợp với bản thân. Dùng ý dẫn khí cũng có nhiều khó khăn – đã trình bày ở phần trên.

2. Dùng hơi thở.
Bản chất của việc rèn luyện hơi thở không chỉ là cung cấp đủ ô xi cho quá trình trao đổi chất của cơ thể mà còn nhằm làm chủ nhịp sinh học. Làm chủ được hơi thở sẽ làm chủ được nhịp tim, làm chủ được hệ thần kinh (đặc biệt là hệ thần kinh thực vật, điều mà Tây y cho là không thể! )... Tập thở tốt thì nội khí (năng lượng) sẽ sinh ra nhiều, tạo áp lực để dẫn khí. Mặt khác, các thì Hít – Nén - Thở ra – Ngưng sẽ tạo động năng cho khí vận hành trong cơ thể.

3. Dùng tư thế
Bản thân mỗi tư thế luyện tập đầu có công dụng riêng của nó, nó sẽ phát sinh lực thúc đẩy khí đi theo đường. Ví dụ: Trạm trang (tư thế đứng) là 1 phương pháp luyện tập rất hay, rất dễ đả thông kinh mạch mà chẳng cần dẫn khí hay tập thở gì cả. Và các tư thế bán già, kiết già cũng có tác dụng thúc đẩy khí riêng...

4. Dùng động tác
Cũng tương tự dùng tư thế, các động tác (động công) cũng có tác dụng sinh ra lực dẫn khí đi trong kinh mạch. Ví dụ: Thái cực quyền, Dịch cân kinh...

Cả 3 phương pháp (2, 3, 4) trên đều có tác dụng dẫn khí, có thể không cần dùng ý hoặc phối hợp thêm với việc dùng ý.
Ở đây ta sẽ thử xem xét ưu nhược điểm của các phương pháp này nếu chỉ dùng riêng chúng (không phối hợp với dùng ý):

+ Ưu điểm:
Do không dùng ý nên sẽ tránh được các tác động chủ quan của ý thức, về mặt lý thuyết thì “khí sẽ tự tìm đường đi trong cơ thể”, do đó dường như sẽ hạn chế được sự gò ép khí.

+ Nhược điểm:
- Các phương pháp dẫn khí nói chung đều phải dựa trên nguyên tắc buông lỏng, đặc biệt là các phương pháp không dùng ý nói trên. Vì không dùng ý, khí tự tìm đường nên nếu buông lỏng không tốt, có sự co cứng cơ bắp cục bộ thì rất dễ tắc khí, tụ khí, và bản thân các phương pháp này khó có thể tự xả bỏ, giải toả các dư trược khí đó.
- Nếu áp lực khí trong cơ thể quá mạnh (điều này thường xảy xa với 1 số người có cơ địa nhạy cảm) thì dễ dẫn tới mất tự chủ: Khí tự vận hành trong cơ thể với biên độ quá mạnh, chạy lung tung, thậm chí nó sẽ tìm mọi đường để thoát ra (bản thân em cũng đã từng tập các phương pháp ko dùng ý, có lần khí chạy quá mạnh, xuyên thủng cả 10 đầu ngón tay lao ra ngoài! Nghĩ lại mà thấy hãi, may là nó ko xuyên vào nội tạng đấy!), đấy là chưa kể tới các hiện tượng khác như tạo chuyển động vô thức, xuất vía tự phát...

5. Dùng tha lực
Ở đây người tập được sự hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy khí. Người thầy sẽ phát khí hỗ trợ cho học trò, dẫn khí đi trong người học trò, thông xả hộ bệnh tật.... Nói chung thì hiệu quả luyện tập và chữa bệnh là rất cao. Nhưng thực ra là thầy tập hộ mình, đến khí vắng thầy thì lại gặp rất nhiều khó khăn.

Như vậy, các hình thức dẫn khí nói chung đều có ưu và nhược điểm riêng, khó mà so sánh được phương pháp nào hơn, kém. Người tập phải lựa chọn được cho mình một phương pháp phù hợp với cơ địa. Và ngay cả thể trạng cũng thường xuyên thay đổi nên phương pháp cũng phải vận dụng 1 cách mềm dẻo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro