danh nhan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Newton và định luật đòn bẩy

( Bình chọn: 3 -- Thảo luận: 5 -- Số lần đọc: 1194)

Về sau, khi khoa học phát triển lên, người ta tính toán là Newtơn không thể làm được việc đó vì để nâng trái đất lên vốn rất nặng (vài tỉ tỉ tỉ ... tấn), ông ta cần một cánh tay đòn rất rất dài (tỉ km x vài tỉ km...) và với sức nặng của ông thì ông phải mất rất nhiều thời gian (đến tỉ x tỉ x tỉ ... năm) thì mới nâng trái đất lên 1cm.

Người ta tạm coi như Newtơn không thể làm cái điều mà ông ta nghĩ là ông ta có thể làm.

Tất nhiên, các nhà khoa học, khi đó, xét trong một chừng mực nhất định về lý thuyết thì họ đúng và họ chỉ tính như vậy như một phép tính vui để cho cuộc sống khoa học thêm thú vị.

Hoặc họ muốn chứng minh Newtơn cũng có một điểm sai trong phát hiện của ông. Không loại trừ trường hợp những nhà khoa học vô danh đó muốn làm lu mờ hình ảnh của Newtơn cũng như lý thuyết đòn bẩy vĩ đại của ông.

Thực tế chứng minh, Newtơn vẫn đúng và lý thuyết đòn bẩy của ông giúp ích được nhiều nhiều cho cuộc sống từ khi nó ra đời và cái tên của ông được nhắc đến chứ không phải là tên của nhóm nhà khoa học tài ba phát hiện ra điều phi logic trong khẳng định của Newtơn.

Thực ra, các nhà khoa học kể trên đã không tính đến yếu tố Newtơn không phải là họ, Newtơn là Newtơn và ông ta có một cái đầu thông minh hơn họ rất nhiều. Các nhà khoa học cũng không tính đến Newtơn có một trái tim biết chia sẻ và họ càng không thể nhận thấy Newtơn có một gia đình và có rất nhiều bạn tốt.

Newtơn biết ông có thể làm gì và làm như thế nào và ông chỉ nói ra, khẳng định lại cái điều mà ông hoàn toàn có cơ sở.

Ông không làm nó vì ông còn có thể làm nhiều việc có ích hơn thay vì đi chứng minh với một đám nhà khoa học vô danh rằng ông có thể làm cái điều mà ông cho là có thể làm được.

Ông có một cái đầu vĩ đại cơ mà, ông có một trái tim vĩ đại cơ mà, ông có những người bạn vĩ đại cơ mà. Hẳn vẫn cây đòn đó, nhưng Newtơn không chỉ có một mình. Với vợ ông, thì ông có thể rút ngắn thời gian còn ½ và cảm thấy hạnh phúc vì trong suốt quá trình chứng minh cho điều đơn giản đó, hai người có thể là ối việc có ý nghĩa và vui vẻ với nhau_ vợ chồng cơ mà. Sau đó là những người bạn, họ chỉ cần tin tưởng Newtơn và quyết tâm giúp ông thì hẳn chỉ mất vài trăm năm x vài trăm năm.

Và vì Newtơn có cả một cái đầu thông minh, một trái tim tràn đầy yêu thương, ông chắc chỉ cần mất có một ngày để làm việc đó, nếu ông cảm thấy nó là cần thiết, nhỉ.

Ân nhân của loài người: nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895)

( Bình chọn: 3 -- Thảo luận: 0 -- Số lần đọc: 1205)

Louis Pasteur ra đời vào ngày 27/12/1822 tại Dôle, một tỉnh nhỏ nằm bên giòng sông Doubs, trong một căn nhà nhỏ trên đường "Các thợ thuộc da" (Rue des Tanneurs). Sự nghiệp của ông trở thành nền móng cho ngành vi sinh, và là cột mốc đánh dấu bước ngoặt của y học hiện đại, và ông trở thành ân nhân của nhân loại, mở đường cho những nguyên lý vệ sinh dịch tễ, y học, cứu sống hàng trăm triệu người bệnh khắp thế giới.

Tuổi trẻ của Louis Pasteur

Tuổi trẻ của Louis Pasteur đã không cho thấy các dấu hiệu của một nhà khoa học, một nhà khảo cứu tìm hiểu về các bí ẩn căn bản của đời sống con người. Khi lên 13 tuổi, Louis Pasteur là một cậu bé có tài về hội họa với các bức chân dung bà mẹ và các người chị, các bức vẽ giòng sông chảy gần nhà. Cha của Louis là ông Jean Pasteur, trước kia là một trung sĩ trong đạo quân của Napoléon Bonaparte, nay làm thợ thuộc da. Năm 1827, ông Jean Pasteur đem gia đình dọn qua tỉnh Arbois và căn nhà mới ở gần giòng sông Cuisance và sau nhà là một hố lớn để ngâm các bộ da bò và da cừu.

Trong thời gian theo bậc trung học, Louis Pasteur đã không tỏ ra là một học sinh xuất sắc nhưng lại là một con người kiên nhẫn với thói quen làm việc cần mẫn. Hai năm trước khi tốt nghiệp trung học, Louis Pasteur được ông hiệu trưởng Romanet khuyên nên thi vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Supérieure), một ngôi trường danh tiếng chuyên đào tạo các giáo sư về Khoa Học, Lịch Sử, Văn Chương và Nghệ Thuật.

Mùa thu năm 1838, khi 15 tuổi, Louis Pasteur đã cùng với người bạn tên là Jules, lên xe ngựa để đi Paris, cách Arbois 250 dặm (400 km). Sống trong một ký túc xá tại Paris, Louis cảm thấy quá nhớ nhà nên một tháng sau, ông Jean Pasteur phải lên Paris, đón con trở về. Louis Pasteur tiếp tục học trung học tại Arbois rồi theo Đại Học Besancon cách nhà 25 dậm (40 km). Vào thời gian này, cậu Louis nổi tiếng về vẽ chân dung nhưng cậu vẫn không quên ước mơ thi vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm.

Tháng 8 năm 1842, Louis Pasteur tốt nghiệp đại học Besancon với các hạng ưu về vật lý, toán học và tiếng La Tinh rồi thi đậu vào Trường Cao Đẳng kể trên, với hạng 15 trên tổng số 22 sinh viên được tuyển chọn trên toàn nước Pháp. Louis đã không vừa lòng với kết quả này nên đã từ chối, không theo học và đây là một điều khác biệt với các sinh viên cùng lứa tuổi. Năm sau, 1943, trong kỳ dự tuyển lần thứ hai, Louis Pasteur đứng hạng 4, theo học phân khoa Khoa Học để sau này trở nên một giáo sư về Vật Lý và Hóa Học.

Vào thời kỳ này, Paris là nơi cung cấp các cơ hội học hành tốt đẹp nhất cho giới thanh niên, và các sinh viên ưa thích các bài giảng của Jean Baptiste Dumas, một Giáo sư Hóa Học danh tiếng. Louis Pasteur đã viết thư về cho gia đình, cho biết: "rất đông sinh viên tới nghe các buổi diễn giảng của Giáo Sư Dumas. Giảng đường rất lớn mà luôn luôn hết chỗ. Chúng tôi phải đến trước nửa giờ để chiếm chỗ ngồi tốt, như thể trong rạp hát...". Ngoài Giáo Sư Dumas, các sinh viên còn mến phục các nhà khoa học khác như nhà vật lý Jean Baptist Biot, nhà hóa học Antoine Jerome Balard...

Năm 1845, Louis Pasteur là một trong bốn sinh viên tốt nghiệp và các giáo sư giảng dạy đã ghi chú về Pasteur như sau: "... sẽ trở nên một giáo sư xuất sắc." Sau đó Louis Pasteur chỉ xin được một việc làm tại phòng thí nghiệm của Giáo Sư Balard và bắt đầu nghiên cứu về bản chất của các tinh thể.

Vào đầu thế kỷ 19, giáo sư Biot đã khám phá thấy rằng các tinh thể của vật chất có đặc tính làm lệch tia sáng chiếu đến, và có loại làm lệch qua bên phải, lại có loại làm lệch qua bên trái. Louis Pasteur bắt đầu khảo sát một loạt các hợp chất gọi là axít tartaric và các muối tartrate. Có hai loại tinh thể axít tartaric được tạo thành bên trong thùng rượu nho khi nước nho lên men, thế nhưng đã có một bí ẩn vì một loại dung dịch axít kể trên làm lệch ánh sáng trong khi loại thứ hai không có đặc tính đó. Sau cả ngàn lần quan sát qua kính hiển vi, Louis Pasteur đã nhận ra rằng trong số các mặt nhỏ của hai loại tinh thể axít tartaric, chỉ có một mặt nhỏ khác nhau về độ dốc. Nǎm 1847 ở tuổi 26, Pasteur tiến hành công trình đầu tiên về tính bất đối xứng phân tử, nêu lên cùng một lúc các nguyên lý của tinh thể học, hóa học và quang học. Ông đã đề ra định luật cơ bản: tính bất đối xứng phân chia thế giới hữu cơ với thế giới vô cơ. Nói một cách khác, các phân tử bất đối xứng luôn là sản phẩm của sinh thể sống. Công trình của ông trở thành cơ sở cho một ngành khoa học mới - ngành hóa học lập thể.

Tháng 1/1849, sau khi tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học, Louis Pasteur nhận chức vụ giảng sư về hóa học tại trường Đại Học Đường Strassbourg và vào tuổi 26, Louis Pasteur quen cô Marie Laurent, ái nữ của vị viện trưởng đại học. Họ cử hành hôn lễ vào ngày 29/5/1848 và từ đây, bà Marie đã lo lắng mọi công việc gia đình, để chồng chuyên tâm nghiên cứu Khoa Học. Tại Strassbourg, 3 trong 5 người con đã ra đời: cô gái Jeanne sinh năm 1850 rồi một năm sau là người con trai Jean Baptiste và hai năm sau nữa là cô gái Cécile.

Nghiên cứu vi trùng

Tháng 9/1954, Louis Pasteur được Bộ Trưởng Giáo Dục Pháp bổ nhiệm làm Giáo Sư Hóa Học và Khoa Trưởng Khoa Học tại Đại Học Lille. Đây là một ngôi trường mới được thành lập tại trung tâm kỹ nghệ rất giàu có thuộc miền bắc của nước Pháp. Louis Pasteur với tuổi 32, đã được giao trọng trách là giáo dục các sinh viên làm sao đáp ứng được các nhu cầu thực tế của địa phương. Giáo Sư Pasteur đã khởi đầu một quan niệm giáo dục rất tiến bộ đối với thời bấy giờ, đó là lập ra các lớp học buổi tối dành cho các công nhân trẻ của thành phố kỹ nghệ, đồng thời ông cũng dẫn các sinh viên ban ngày đi thăm viếng các nông trại và các nhà máy lớn. Pasteur đã từng nói: "không có hai loại Khoa Học mà chỉ có Khoa Học và các áp dụng của Khoa Học. Hai thứ này liên kết với nhau như trái cây mọc ra từ cành cây".

Tại vùng Lille, có rất nhiều nhà máy nấu rượu. Người ta đã cho men vào nước nho và sau tiến trình lên men, nước nho trở thành rượu chát. Nhưng vào thời kỳ đó, không ai biết rõ tại sao đã có những biến đổi này. Các nhà khoa học chỉ nói về tiến trình lên men là "lạ lùng và còn bí ẩn."

Vào một ngày mùa hè năm 1856, ông Bigo là chủ của một lò nấu rượu đã tới trường đại học, thăm viếng Giáo Sư Pasteur. Ông Bigo đã trình bầy rằng một dung dịch củ cải đường thường được chuyển thành rượu nhưng lần này, nó đã trở thành dấm chua. Các nhà sản xuất rượu khác cũng báo cáo cùng một trở ngại và đây là một điều xấu cho nền kỹ nghệ trong vùng bởi vì sự lên men dấm đã gây thiệt hại hàng ngàn quan tiền trong một ngày. Không ai biết rõ nguyên do đã sinh ra sự lên men rượu, tại sao rượu trở thành dấm chua. Ông Bigo hi vọng rằng vị Giáo Sư Pasteur dạy người con trai của ông, sẽ cho các lời khuyên. Vì vậy Louis Pasteur đã tới thăm nhà máy nấu rượu và đã lấy các mẫu dung dịch của cả loại tốt lẫn loại đã bị hư hỏng.

Qua kính hiển vi, Louis Pasteur nhận thấy rằng các tế bào men rượu (ferments) ở dạng hình tròn rất nhỏ, nhưng trong dung dịch bị hư hỏng, các tế bào tròn đó đã bị các tế bào hình que lấn át. Louis Pasteur gọi các tế bào men rượu là "wee germs" (vi trùng) (sau này được gọi là các vi sinh vật = microorganisms). Ông nhớ lại công trình khảo cứu của nhà khoa học Charles Cagniard-Latour theo đó các tế bào men rượu đã sinh sản bằng cách mọc mầm (budding). Pasteur đặt giả thuyết rằng nếu các tế bào này sinh sản được thì chúng có sự sống và đã sống nhờ đường trong dung dịch củ cải đường và biến dung dịch này thành rượu. Louis Pasteur đã cấy men trong nhiều loại dung dịch đường và đã nhìn thấy qua kính hiển vi các tế bào men rượu sinh sôi nẩy nở, ngay cả trong một môi trường nhân tạo thiếu khí oxygen, quan niệm này trở thành hiệu ứng Pasteur (the Pasteur effect).

Khi nghiên cứu về dung dịch sữa là thứ dễ bị hư hỏng, Louis Pasteur cũng thấy sữa trở thành chua khi có nhiều loại tế bào hình que, loại đã thấy trong dung dịch củ cải đường bị hư hỏng của ông Bigo. Do sự khám phá của mình, Giáo Sư Pasteur đã khuyên các nhà nấu rượu nên dùng kính hiển vi để khám xét các thùng rượu đang lên men.

Năm 1857, sau hai năm khảo cứu về dung chất củ cải đường, ông Pasteur phổ biến một báo cáo về sự lên men theo đó có hai loại men, một loại có ích đã biến dung dịch củ cải đường thành rượu và một loại có hại, hình que, chỉ dài bằng 0.001 mm. Báo cáo về sự lên men do các vi sinh vật gây nên, đã tạo ra một cơn bão phản đối trong giới khoa học vì một số nhà khoa học thời đó tin rằng sự lên men là do phản ứng giữa các chất thành phần. Nhiều nhân viên của Hàn Lâm Viện cũng không chấp nhận các chứng cớ nêu ra. Tuy thế, Giáo Sư Louis Pasteur vẫn tiếp tục nghiên cứu.

Cuối năm 1857, Louis Pasteur được gọi về Trường Cao Đẳng Sư Phạm tại thủ đô Paris và làm giám đốc khảo cứu khoa học. Vào thời gian này, Louis Pasteur đã gặp các khó khăn mà các nhà khoa học đương thời cùng phải chịu đựng: phòng khảo cứu không được trang bị đầy đủ dụng cụ, không có ngân khoản và các tiện nghi khác. Ông Pasteur phải dùng tiền riêng của mình để biến đổi hai phòng trên lầu của nhà trường thành một nơi khảo cứu.

Louis Pasteur tìm cách bác bỏ lý thuyết về sự sinh sản tức thời (spontaneous generation). Ông tin rằng trong không khí có các vi trùng, vì vậy ông đã nghĩ ra một cách thí nghiệm theo đó dung dịch nước đường được đun sôi và chứa trong hai bình thủy tinh khác nhau, một bình được gắn kín còn bình kia để mở ra không khí. Sau vài ngày, dung dịch trong bình thông với không khí đã bị hư hỏng, trái với dung dịch kia. Louis Pasteur cũng làm thí nghiệm với các loại dung dịch khác như sữa, nước canh... và đã chứng minh được rằng vi trùng từ bên ngoài không khí xâm nhập vào các dung dịch. Nhưng các nhà khoa học phản đối vẫn cho rằng việc gắn kín bình đã làm ngưng lại sự sinh sản tức thời. Ông Pasteur bèn nghĩ thêm một cách khác, dùng tới loại bình chứa dung dịch có cổ dài uốn theo hình chữ S nhờ đó dung dịch bên trong vẫn tiếp xúc với không khí mà không bị bụi chứa vi trung xâm nhập. Louis Pasteur còn khảo sát ảnh hưởng của không khí có chứa vi trùng tại nhiều địa điểm như trong hầm rượu, trên đồi miền Arbois và trên miền núi cao Mont Blanc. Chính vào thời kỳ ông Pasteur bận tâm khảo cứu thì người con gái đầu lòng của ông tên là Jeanne mắc bệnh sốt thương hàn và qua đời tháng 9/1859.

Tháng 11/1860, Giáo Sư Louis Pasteur báo cáo trước Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp về các kết quả thí nghiệm của mình theo đó, bụi trong không khí là nguyên do làm hư hỏng các dung dịch. Louis Pasteur đã nghĩ ra một phuong pháp làm sạch vi trùng mà ngày nay được gọi là cách khử trùng Pasteur (pasteurization). Nhờ phương pháp này, các thực phẩm có thể lưu trữ được lâu hơn và được chuyên chở mà không bị hư thối. Ngày 8/12/1862, Louis Pasteur được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học, một danh dự cao quý nhất của các nhà khoa học người Pháp. Các công trình nghiên cứu của ông Pasteur đã mở đường cho nhiều sinh viên và nhà khoa học khác tìm kiếm các vi trùng tại các phạm vi khác nhau.

Nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm

Do yêu cầu của Bộ Trưởng Canh Nông, Giáo Sư Dumas đã khẩn khoản nhờ ông Louis Pasteur xuống miền Nam nước Pháp để nghiên cứu về bệnh tầm, một bệnh dịch đang tàn phá nền kỹ nghệ tơ lụa của địa phương. Miễn cưỡng phải nhận lời, nhà khoa học Pasteur đã ra đi cùng với người học trò giỏi nhất là Emile Duclaux và vài sinh viên khác. Nhóm nhà nghiên cứu này cư ngụ tại làng Alais. Louis Pasteur đã tìm đọc tất cả các tài liệu viết về con tầm, cách nuôi tằm cũng như dùng kính hiển vi để quan sát các mầm bệnh đã giết hại loài tằm. Ông đã làm việc không ngừng trong khi hoàn cảnh gia đình của ông gặp các bất hạnh liên tục: ông Jean Pasteur qua đời rồi tới lượt người con gái Camille, 2 tuổi, thiệt mạng vào tháng 9/1865 vì bệnh sốt thương hàn. 10 tháng sau tới lượt người con gái Cécile, 13 tuổi, cũng chết vì bệnh sốt kể trên. Do bị căng thẳng và buồn phiền, ông Pasteur đã bị tai biến mạch máu não vào đêm 19/10/1868. Nhiều người đã tưởng nhà bác học qua đời thế nhưng chỉ 3 tháng sau, mặc dù bị liệt một phần thân thể, Giáo Sư Pasteur vẫn trở lại với các công trình nghiên cứu.

Năm 1870, Louis Pasteur cho phổ biến một báo cáo về bệnh tằm do một loại vi trùng ký sinh. Ông đã chỉ dẫn cách tìm ra các con tằm mắc bệnh và cách dùng loại trứng tằm tốt để tạo nên các con tằm khỏe mạnh, và phương pháp này đã được các nhà chăn nuôi khắp châu Âu xử dụng. Cũng vào năm này, bùng nổ cuộc chiến tranh giữa nước Pháp và nước Phổ khiến cho ông Pasteur phải rời khỏi thành phố Paris. Ông trở lại nơi này vào cuối năm 1871, khi chiến tranh chấm dứt với các bệnh viện tràn ngập các binh sĩ bị thương. Nhà bác học Pasteur vì vậy đã nghiên cứu các vết thương và đã khuyên các bác sĩ phải chú tâm về vấn đề vệ sinh khi chữa trị bệnh nhân.

Mấy năm trước đó ở Scotland, Giáo Sư về khoa Giải Phẫu Joseph Lister của ĐH Edinburgh, đã đọc các luận chứng của Louis Pasteur về vi trùng rồi tìm hiểu nguyên do các bệnh nhân bị nhiễm trùng. Từ năm 1867, ông Joseph Lister đã dùng dung dịch axít carbolic để khử trùng các dụng cụ y khoa, các vết thương và các bàn tay của bác sĩ giải phẫu nhờ đó đã làm giảm số tử vong của các bệnh nhân được 97 phần trăm. Năm 1874, trong bức thư gửi cho Louis Pasteur, Joseph Lister xác nhận rằng nhờ lý thuyết về vi trùng của nhà bác học người Pháp mà ông đã thực hiện được hệ thống thanh trùng (antiseptic system).

Louis Pasteur không phải là một bác sĩ y khoa nhưng các khảo cứu của ông về vi trùng, về các bệnh truyền nhiễm đã khiến cho nhà bác học được bầu vào Hàn Lâm Viện Y Học của nước Pháp vào năm 1873. Nhà bác học Pasteur lại có các phụ tá trẻ tuổi tài giỏi: bác sĩ Jules-Francois Joubert, bác sĩ Emile Roux và bác sĩ Charles Chamberland... và phòng nghiên cứu của ông vẫn tìm kiếm nhiều phương pháp kiểm soát các vi trùng gây bệnh.

Sau 20 năm nghiên cứu, các khám phá về vi trùng và bệnh truyền nhiễm của Louis Pasteur đã được phổ biến qua tác phẩm "Lý thuyết về vi trùng và áp dụng trong Y Khoa và Giải Phẫu" (The Germ Theory and its Application to Medicine and Surgery). Tác phẩm này cắt nghĩa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và từ nay, các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu về các bệnh dịch như đậu mùa, dịch tả...

Vào thời kỳ đó, tại miền đông của nước Phổ có bác sĩ Robert Koch đang tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh than, một thứ bệnh giết hại rất nhiều cừu và các gia súc khác. Tháng 4 năm 1876, bác sĩ Kock đã dùng kính hiển vi, tìm ra loại vi trùng gây bệnh than, được đặt tên là "bacillus anthracis". Như vậy bác sĩ Koch đã chứng minh lý thuyết về vi trùng của nhà bác học Pasteur.

Năm 1878, Louis Pasteur khởi đầu nghiên cứu vi trùng gây ra bệnh dịch tả gà (chicken cholera). Nhà bác học đã nuôi vi trùng trong nước dùng gà (chicken broth) rồi dùng các liều độc chất từ yếu đến mạnh chích dần vào các con gà và đã thấy cơ thể gà chống cự được sự xâm nhập của vi trùng. Louis Pasteur đã gọi phương pháp này là chủng ngừa (vaccination) và ngày nay, kỹ thuật miễn dịch (technique of immunization) của nhà bác học vẫn còn được xử dụng.

Nhà bác học Pasteur muốn chia sẻ các khảo cứu và khám phá của mình với các nhà khoa học khác. Năm 1881, Louis Pasteur thuyết trình về phép chủng ngừa trước Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp thế nhưng, ông vẫn gặp các nghi ngờ và chống đối. Một số người thắc mắc làm sao một nhà hóa học lại hiểu rõ về các bệnh tật của súc vật. Viên chủ nhiệm tạp chí Thú Y (the Veterinary Journal) đề nghị một công cuộc thử nghiệm công khai về thuốc chủng ngừa bệnh than (anthrax vaccine). Louis Pasteur nhận lời.

Vào ngày 31/5/1881 tại nông trại Pouilly-le-Fort thuộc vùng Melun gần thủ đô Paris, các nông gia, các bác sĩ thú y, các nhà khoa học và nhân viên chính phủ đã chứng kiến Louis Pasteur cùng các cộng sự viên là Roux, Chamberland và Louis Thuillier chích ngừa nhóm 1 gồm 25 con cừu bằng các liều thuốc chủng từ yếu đến mạnh, còn nhóm thứ 2 cũng gồm 25 con cừu, được nuôi riêng để kiểm chứng. Sau đó, cả 50 con cừu đều được chích bằng liều vi trùng bệnh than cực mạnh. Kết quả là 25 con cừu của nhóm 2 đã chết và nhóm 1 đã được chủng ngừa không bị ảnh hưởng. Sự thành công thực là rực rỡ. Như vậy nhà bác học Pasteur đã khám phá ra một thứ võ khí hữu hiệu để chống lại một số bệnh truyền nhiễm.

Tới cuối thập niên 1870, Louis Pasteur lại nghiên cứu về bệnh chó dại (rabies). Đây là một trong các bệnh khủng khiếp của nhân loại với hình ảnh các con chó điên, miệng sùi bọt, tấn công các người qua đường. Bằng các phương pháp tương tự khảo cứu về bệnh dịch tả gà, nhà bác học Pasteur đã không tìm ra được vi trùng bệnh chó dại trong máu của các con chó và thỏ mắc bệnh.

Virus gây bệnh chó dại

Vào thời kỳ đó, các nhà khoa học như Pasteur chưa biết rằng các bệnh như bệnh than, bệnh dịch tả gà là do vi trùng (bacteria) nên có thể nhận ra qua kính hiển vi, còn nguyên nhân gây nên bệnh chó dại là các vi khuẩn (virus), chỉ nhìn thấy được bằng các kính hiển vi cực mạnh mà các nhà khoa học thuộc cuối thế kỷ 19 chưa có. Thế nhưng, do thấy người mắc bệnh chó dại bị co giật, Louis Pasteur đã cho rằng bộ óc và hành tủy (medulla oblongata) là nơi trú ẩn của các vi trùng bệnh chó dại. Nhà bác học Pasteur sau đó đã tìm ra loại thuốc chủng nhưng chưa có cơ hội áp dụng, cho tới ngày 6/7/1885, liều thuốc chủng đầu tiên của Louis Pasteur đã cứu sống em Joseph Meister.

Thành tựu của nhà bác học Louis Pasteur

Vào năm 1888, một ủy ban khoa học độc lập đã trắc nghiệm thuốc chủng ngừa bệnh chó dại của Louis Pasteur và xác nhận thứ thuốc này an toàn. Một nhân viên trong ủy ban đã viết: "Chúng tôi tin tưởng vào giá trị của khám phá do ông Louis Pasteur, và khám phá này còn có thể áp dụng cho các bệnh tật khác." Sau đó, Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp cổ động một chương trình gây quỹ để thành lập một viện nghiên cứu. Mọi người trên toàn thế giới đã gửi tới các đóng góp.

Ngày 14/11/1888, Viện Pasteur được mở cửa để phục vụ cho sức khỏe công cộng và nhà bác học Pasteur đã mời nhiều nhà khoa học thuộc các bộ môn khác cùng nhau nghiên cứu. 15 bác sĩ và khoa học gia đã cộng tác với Viện Pasteur. Giáo Sư Pasteur cũng huấn luyện một số nhà khảo cứu trẻ, đáng kể là bác sĩ Roux và bác sĩ Alexandre Yersin đã tìm ra độc tố và cách chữa trị bệnh yết hầu (diphtheria), một căn bệnh đã giết hại hàng ngàn trẻ em mỗi năm, và một vị phụ tá xuất sắc nhất của Louis Pasteur là Elie Metchnikov đã phát hiện ra các cách cơ thể chống lại vi trùng, rồi nghiên cứu về tính miễn nhiễm.

Ngày 27/12/1892, các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia đã họp mặt tại Đại Giảng Đường của Trường Đại Học Sorbonne ở Paris để kỷ niệm lần sinh nhật thứ 70 của Louis Pasteur. Nhà bác học Pasteur vì bị liệt nửa người bên trái, được Tổng Thống Pháp Sadi Carnot dìu vào Hội Trường. Rất nhiều nhân vật lừng danh trên thế giới đã lên tiếng ca ngợi ông Louis Pasteur, kể cả Giáo Sư Joseph Lister. Vì không đủ sức khỏe, nhà bác học Pasteur đã không đọc nổi bài diễn văn và người con trai của ông phải đọc thay ông. Sau đó các người ngưỡng mộ đến viếng thăm căn phòng thí nghiệm mà nhà bác học đã làm việc trong 6 năm cuối đời, trong số này có ông Charles Chappuis, người bạn cũ 50 năm và hiện là Viện Trưởng Danh Dự của Hàn Lâm Viện Dijion.

Tháng 4/1895, Louis Pasteur được đưa tới thăm phòng thí nghiệm của bác sĩ Roux và được mời coi qua kính hiển vi thứ vi trùng của bệnh dịch "plague bacillus" mới được tìm thấy một năm về trước và nhà bác học Pasteur đã phải thốt lên: "A! thì ra còn quá nhiều việc phải làm".

Ngày 28-9-1895, nhà bác học Louis Pasteur qua đời, linh cữu được quàn tại giáo đường mà ngày nay là Nhà Bảo Tàng của Viện Pasteur ở Thủ Đô Paris. Vào buổi tang lễ, một số công trình nghiên cứu của Louis Pasteur đã được trình bày trước dân chúng, gồm các tác phẩm: "Hóa học phân tử bất đối xứng" (Molecular dissymmetry, 1848), "Sự lên men"(Fermentations, 1857), "Về sự sinh sản tự nhiên"(Spontaneous generation, 1862), "Các khảo sát về rượu nho" (Studies of wine, 1863), "Các bệnh của loài tầm"(Silk worms diseases, 1865), "Các khảo sát về rượu bia" (Studies of beer, 1871), "Các bệnh truyền nhiễm" (Infectious diseases, 1877), "Thuốc chủng ngừa" (Vaccines, 1880), "Ngừa bệnh chó dại" (Prevention of rabies, 1885).

Theo phương pháp khảo sát của Louis Pasteur, các nhà khoa học của phòng nghiên cứu của bác sĩ Robert Koch đã tìm ra độc tố của vi trùng bệnh uốn ván (tetanus toxin) vào năm 1890 rồi qua đầu thế kỷ 20, nhiều liều thuốc chủng ngừa hữu hiệu đã được khai triển để trị các bệnh đậu mùa, lao phổi, sốt vàng da, tê liệt (poliomyelitis), dịch tả, sởi, thương hàn, ho gà, cúm, dịch hạch... Các khảo cứu khoa học của Louis Pasteur đã là căn bản dùng cho hơn 100 phát minh của các Viện Pasteur và kể từ năm 1900, 8 khoa học gia của các Viện Pasteur đã đoạt được các Giải Thưởng Nobel lừng danh về Sinh Học và Y Khoa.

Nhà bác học Louis Pasteur đã từng nói với các người cộng tác: "Các bạn đã mang lại cho tôi niềm vui sâu đậm nhất của một người có niềm tin không lay chuyển được, đó là Khoa Học và Hòa Bình sẽ chiến thắng sự Ngu Dốt và Chiến Tranh... và Tương Lai sẽ thuộc về những ai làm lợi ích nhiều nhất cho Nhân Loại đang đau khổ."

Louis Pasteur là một nhà nghiên cứu khéo léo với trí tò mò không giới hạn, có thiên tài về quan sát, đã tận tụy suốt đời cho các công trình khảo cứu để bảo vệ Kỹ Nghệ và Khoa Học. Louis Pasteur là một nhà bác học thực hiện được bốn lý tưởng: Niềm Tin, Hi Vọng, Lòng Bác Ái và Khoa Học (Faith, Hope, Charity and Science). Do các công trình khảo cứu và các kết quả hữu ích dùng cho Canh Nông, Kỹ Nghệ và Y Khoa, Louis Pasteur xứng đáng được người đời sau ca ngợi là Vị Ân Nhân của Nhân Loại.

Nhà khoa học 66 tuổi đã dành trọn 7 năm cuối cùng của cuộc đời cho Viện nghiên cứu vẫn mang tên ông. Trong thời gian này, Pasteur cũng được hưởng niềm vui của danh tiếng và được tôn vinh khắp thế giới bằng những huân huy chương có uy tín. Sự nghiệp của ông được tiếp tục và được mở rộng trên kháp thế giới nhờ lớp lớp học trò.

Sự nghiệp của Pasteur không phải đơn giản là phép cộng những khám phá của ông. Nó còn tiêu biểu cho cuộc cách mạng phương pháp luận khoa học. Pasteur đặt lên trên hết hai nguyên tắc không thể bàn cãi của nghiên cứu hiện đại: tự do sáng tạo nhất thiết phải đi với thử nghiệm nghiêm ngặt. Ông dạy các học trò của mình: "Đừng có đưa ra điều gì mà anh không thể chứng minh bằng thực nghiệm."

Louis Pasteur là người theo chủ nghĩa nhân văn, luôn luôn làm việc theo hướng cải thiện địa vị của con người. Ông là một người tự do chưa bao giờ ngập ngừng khi nhận những vấn đề mà trong thời đại của ông người ta vẫn thường cho rằng chúng sẽ thất bại. Ông đặc biệt coi trọng việc phổ biến kiến thức và ứng dụng nghiên cứu. Trong cuộc đời của một nhà khoa học, lý thuyết và phương pháp Pasteur đã được đưa vào thực tiễn vượt xa khỏi biên giời nước Pháp.

Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng quốc tế của sự nghiệp ông, các học trò của Pasteur đã đi khắp thế giới tới bất cứ nơi nào cần đến sự giúp đỡ của họ. Năm 1881, Viện Pasteur ngoài nước Pháp đầu tiên được thành lập ở Sài gòn, Việt Nam), mở đầu cho mạng lưới các Viện Pasteur quốc tế. Vì ông đã làm thay đổi vĩnh viễn thế giới, tổ quốc quê hương ông và cả thế giới luôn coi ông là một ân nhân của nhân loại.

Sự tiến bộ của nhân loại: "Tôi cầu khẩn các bạn dành sự quan tâm cho những lãnh địa thiêng liêng rất nhạy cảm có tên là các phòng thí nghiệm. Mong sao những lãnh địa này sẽ nhiều hơn và chúng sẽ được tô điểm để trở thành những ngôi đền của tương lai, của thịnh vượng và sức khỏe. Đây là nơi nhân loại sẽ lớn lên, vững mạnh và hoàn thiện. ở đây, loài người sẽ học cách đọc được sự phát triển và sự hài hòa cá nhân trong những công việc của tự nhiên, trong khi công việc của chính loài người lại thường man rợ, cuồng tín và phá hoại" - Louis Pasteur

Năm 1868, ông bị liệt nửa người bên phải, đi lại khó khăn. Nhưng trong tình trạng sức khỏe bị đe dọa ấy, 40 năm còn lại của cuộc đời, Pasteur đã hoàn thành sự nghiệp của một con người vĩ đại. Ông tìm ra nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm ở súc vật và chế ra vắc-xin phòng bệnh chó dại.

Ngày 28/09/1895, nhà bác học Louis Pasteur qua đời, linh cữu được quàn tại giáo đường mà ngày nay là Nhà Bảo Tàng của Viện Pasteur ở thủ đô Paris. Với những cống hiến lớn lao đó, khi ông qua đời, chính phủ Pháp đã cho tổ chức quốc tang Pasteur.

Gặp gỡ Einstein

( Bình chọn: 3 -- Thảo luận: 0 -- Số lần đọc: 761)

Một tối tháng Mười, sau ngày làm việc căng thẳng, Albert Einstein đang một mình dạo chơi dọc con đường hai bên trồng cây của thành phố Princeton thì xảy ra một việc lạ lùng. Hoàn toàn bất ngờ và không có bất cứ một nguyên nhân đặc biệt nào, khi ý nghĩ tự do chuyển từ sự vật này sang sự vật khác giống như con chó xổ xích, ông đã đạt đến được cái suốt đời từng là mục đích ông gắng hướng tới trong các mơ ước của mình. Trong một thoáng, Albert Einstein chợt thấy xung quanh mình cái gọi là không gian cong, và ông kịp xem xét nó từ một góc cạnh, hệt như bây giờ bạn đọc có thể xem xét quyển sách này trên tay.

Người ta cho rằng, trí tuệ của con người không đủ sức để nắm bắt hiện tượng uốn cong của không gian - không chỉ có chiều rộng, chiều dài, chiều sâu mà còn có cả một chiều thứ tư bí ẩn nào đó nữa: sự tồn tại của nó đã được chứng minh, mặc dù nó nằm ngoài khả năng cảm nhận của con người. Xung quanh chúng ta có một bức tường nào đó và con người, đang tiến thẳng về phía trước trên đôi cánh tư duy không mệt mỏi của mình, bay lên mỗi lúc một cao hơn, bỗng đụng phải. Cả Pithagore, cả Platon, cả Dante, cho dù họ có sống đến tận ngày hôm nay đi nữa, cũng không thể vượt qua được bức tường đó, vì rằng một chân lý như vậy không khuôn vừa trong kích thước bộ não của chúng ta.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng có thể nắm bắt được không gian cong bằng những năm tháng dài thí nghiệm và tư duy cực kỳ căng thẳng. Một vài nhà bác học, trong khi thế giới xung quanh họ sống cuộc sống bình thường, các lò cao và các đầu tầu nhả khói, hàng triệu người bỏ mạng nơi chiến trận, còn trong bóng tối của các công viên thành phố những cặp tình nhân âu yếm hôn nhau, thì các nhà bác học cô đơn đó, bằng nỗ lực trí tuệ phi thường của mình - ít ra là trong các huyền thoại cũng nói như vậy - đã nhìn thấy được, dù chỉ trong một thoáng chốc ngắn ngủi (dường như có một sức mạnh nào đó nâng họ lên phía trên vực thẳm rồi lại ngay tức khắc kéo họ về chỗ cũ) và kịp xem xét cái không gian cong - đỉnh cao không thể đạt tới của tòa vũ trụ.

Nhưng thường thường, về hiện tượng kỳ lạ này, người ta không đưa ra khoe khoang và không ai chúc mừng các anh hùng, không có các dàn kèn đồng chào đón, các cuộc phỏng vấn, các tấm huân chương kỷ niệm, vì rằng những chiến thắng đó mang tính chất hết sức cá nhân, chỉ đơn giản là một người nào đó có thể nói: tôi đã cảm nhận được không gian cong. Bởi vì không hề có giấy chứng nhận, không hề có ảnh chụp, không hề có bất cứ một cái gì tương tự khả dĩ chứng minh điều đó là có thật.

Thế nhưng, khi những khoảnh khắc đó xuất hiện và tư duy của chúng ta trong đà bay mạnh mẽ dường như tìm được khe hở rất khó nhận thấy trên bức tường, luồn qua đó, lọt vào cái thế giới đóng kín đối với chúng ta, và cái trước đây chỉ là một công thức trừu tượng được sinh ra và phát triển ở ngoài chúng ta, chợt trở thành chính bản thân cuộc sống của chúng ta, ôi, khi đó, trong nháy mắt, biến thành mây khói tất cả những nỗi lo buồn, bận bịu ba chiều của chúng ta, và chúng ta - sức mạnh trí tuệ con người mới kỳ lạ làm sao! - vụt bốc lên cao và bay lượn trên một cái gì đó rất giống như sự vĩnh cửu.

Chính đó là điều xảy ra với giáo sư Albert Einstein vào buổi tối tháng Mười nọ. Trong bầu không khí trong suốt tựa pha lê, đây đó những ngọn đèn đường cháy sáng như muốn ganh đua với ánh sao Vệ Nữ, và trái tim - một khối cơ bí hiểm của con người - thỏa sức hít vào mình cái thanh bình ngọt lành của Chúa. Mặc dù Albert Einstein, một nhà thông thái và không vướng bận bả vinh hoa thường tình trần thế, vào thời điểm đó ông cũng cảm thấy mình trội vượt hơn hẳn mọi người, giống như một kẻ ăn mày kiết xác nhất chợt nhận thấy túi mình đầy ắp vàng ngọc.

Nhưng ngay tức khắc, dường như để trừng phạt thói cao ngạo ấy, chân lý bí ẩn đó vụt biến mất đi cũng nhanh hệt như lúc hiện đến. Liền đó, Albert Einstein nhận thấy chỗ mình đang đứng là một nơi hoàn toàn xa lạ đối với ông. Nhà bác học bước dọc theo con đường nhỏ hai bên trồng cây xanh, bốn phía không hề thấy nhà cửa, lều quán. Chỉ có một cột bơm xăng, sơn sọc vàng đen loang lổ với quả cầu bằng kính chiếu sáng ở phía trên. Bên cạnh, trên chiếc ghế bằng gỗ, một gã da đen ngồi đợi khách hàng. Gã mặc áo liền quần bảo hộ lao động, đội mũ thể thao bóng chày màu đỏ chói.

Albert Einstein đã định đi ngang qua thì gã da đen đứng lên và đi thẳng về phía ông vài bước.

- Mister!- Gã gọi.

Giờ đây, khi gã đứng, có thể thấy rằng đó là một người rất cao, khuôn mặt dễ coi, cân đối một cách đáng ngạc nhiên, rất đẹp trai theo kiểu châu Phi. Gã cười lộ hàm răng trắng lóa trong bóng tối vừa buông xanh biếc.

- Thưa ngài, - gã da đen nói - ngài có lửa không ạ? - Gã chìa ra điếu thuốc lá hút dở đã bị tắt.

- Tôi không hút - Einstein đáp và dừng lại, phần nhiều là do ngạc nhiên.

Gã da đen lại lên tiếng.

- Thế ngài có thể cho tôi tiền uống rượu được không? - Gã cao lớn, trẻ khỏe và trơ tráo.

Einstein lục lọi các túi.

- Tôi không biết... Tôi không mang theo gì cả... Tôi không quen... Tôi, quả thật, đáng tiếc... - Ông nói rồi toan bước đi tiếp.

- Cám ơn ngài! Gã da đen nói - Nhưng... xin lỗi.

- Anh còn cần gì nữa? - Einstein hỏi.

- Tôi cần ông. Chính vì vậy mà tôi ở đây.

- Cần tôi? Có chuyện gì thế?

- Tôi cần ông. - Gã da đen nói. - Cho một việc bí mật. Và điều đó tôi chỉ có thể nói thể nói thầm với ông mà thôi.

Hai hàm răng trắng của kẻ lạ mặt như trở nên trắng hơn vì trời lúc này gần như đã tối hẳn. Gã ghé sát vào tai Einstein.

- Tôi là quỷ Iblich. - Gã thì thầm - Tức là Thần Chết, đến đây để bắt linh hồn ông.

Einstein lùi lại một bước.

- Tôi thấy - giọng ông trở nên gay gắt, - tôi thấy anh có vẻ đã quá chén.

Gã da đen bước đến bên hàng cây xanh, bẻ một cành nhỏ và chỉ trong chớp mắt những chiếc lá xanh biến màu, héo rũ xuống và trở nên xám xịt. Gã chúm miệng thổi, và tất cả, những chiếc lá, cả cành cây, tan thành đám bụi nhỏ.

Einstein cúi đầu.

- Hừm, quỷ thật! Có nghĩa đúng là hết... Nhưng sao, ngay tại đây, buổi tối... ngoài phố thế này à?

- Tôi được lệnh như vậy.

Einstein nhìn quanh, nhưng bốn phía không một bóng người. Vẫn con đường nhỏ, những ngọn đèn đường và xa xa phía dưới, ở ngã tư, lấp loáng đèn ôtô. Ông nhìn lên trời - bầu trời trong và sáng. Những ngôi sao vẫn cháy rực rỡ ở các vị trí của mình. Riêng sao Vệ Nữ vừa lặn khuất nơi chân trời.

Einstein nói:

- Này, anh hãy hoãn cho tôi một tháng. Làm sao mà anh lại đến đúng cái lúc tôi đang hoàn thành một công trình! Tôi xin anh cho tôi chỉ một tháng thôi.

- Cái mà ông định phát minh - gã da đen nói, - ông đi với tôi, đến bên đó sẽ tìm thấy ngay.

- Đó là những chuyện hoàn toàn khác nhau: liệu tất cả những gì chúng tôi dễ dàng biết được ở thế giới bên kia có đáng giá không? Công trình của tôi có một giá trị nghiêm túc. Tôi đã trăn trở đeo đuổi nó ba chục năm. Và giờ đây, khi chỉ còn lại một ít nữa...

Gã da đen cười khẩy.

- Ông bảo là một tháng à?... Thôi được, nhưng ông chớ có lẩn khi hết hạn đấy. Cho dù ông có trốn xuống tận đáy của hầm mỏ sâu nhất, tôi cũng tìm ra ông.

Einstein định hỏi thêm một câu nữa, nhưng người đối thoại của ông đã biến mất.

Một tháng là khoảng thời gian rất dài khi phải sống xa người ta yêu dấu nhưng lại hết sức ngắn ngủi khi anh chờ đợi sứ giả của thần chết. Tưởng như nó ngắn hơn cả một tiếng thờ dài. Và rồi nó đã hết. Một buổi chiều, khi chỉ còn lại một mình, Einstein tìm đến nơi đã hẹn. Vẫn cột xăng ấy, vẫn chiếc ghế dài ấy, còn ngồi trên ghế là gã da đen, chỉ có điều bây giờ đã khoác thêm ngoài bộ bảo hộ lao động một chiếc áo capốt nhà binh cũ - trời đã chuyển sang rét đậm.

- Tôi đã đến đây. - Einstein khẽ chạm tay vào vai gã, nói.

- Thế công việc của ông ra sao rồi? Xong chưa?

- Chưa, chưa xong được - Nhà bác học buồn rầu đáp - Hãy cho tôi thêm một tháng. Một lần này nữa thôi, tôi thề đấy. Tôi tin là lần này sẽ hoàn thành được. Anh biết không, tôi làm việc như điên suốt ngày đêm, mà vẫn không kịp. Nhưng còn lại có chút xíu nữa thôi.

Gã da đen xoay người, nhún vai.

- Tất cả loài người các ông chẳng khác gì nhau. Không bao giờ chịu vừa lòng. Sẵn sàng quỳ gối để xin gia hạn. Bao giờ cũng tìm ra lý do...

- Nhưng vấn đề tôi nghiên cứu rất phức tạp. Chưa bao giờ có ai...

- Tôi biết, tôi biết - gã Thần Chết cắt ngang lời ông - Ông tìm chìa khóa để mở cửa vào vũ trụ chứ gì?

Cả hai im lặng. Cảm thấy thật lạnh lẽo trong bóng tối đầy sương mù của trời đêm đã thật sự sang đông. Trong những đêm như thế này chẳng ai muốn bước ra khỏi nhà.

- Thế nào? - Einstein hỏi.

- Thôi được, ông về đi... Nhưng nên nhớ là một tháng trôi qua chóng lắm.

Và quả thật, nó trôi qua lúc nào không biết. Chưa bao giờ thời gian nuốt chửng cả bốn tuần lễ một cách ngấu nghiến như vậy. Vào đêm tháng Mười Hai hôm đó, một ngọn gió giá băng thổi những chiếc lá rụng cuối cùng xào xạc lăn trên mặt đường rải đá. Những sợi tóc bạc của nhà bác học xổ ra dưới vành mũ bêrê bay phất phơ. Và vẫn lại cột xăng ấy, bên cạnh là gã da đen ngồi xổm, mũ trùm kín đầu, và dường như đang ngủ gật.

Einstein bước đến, rụt rè chạm tay vào vai gã.

- Tôi đã đến.

Gã da đen va hai hàm răng vào nhau và co rúm người lại trong chiếc áo capốt:

- Ông đấy à?

- Vâng, tôi.

- Nghĩa là ông đã làm xong.

- Vâng, nhờ trời, tôi đã làm xong.

- Cuộc đấu thế kỷ đã kết thúc? Thế nào, ông đã thấy cái ông tìm ra rồi chứ? Đã mổ xẻ được vũ trụ rồi à?

- Đúng thế. - Einstein mỉm cười đáp và khẽ hắng giọng ho. - trong một chừng mực nào đó có thể nói giờ đây mọi chuyện với vũ trụ đều đã ổn thỏa.

- Vậy thì ta đi. Ông đã sẵn sàng chịu chuyến đi này chứ?

- Tất nhiên, đó là điều kiện mà.

Gã Iblich bỗng nhảy vọt dậy và phá ra cười - cười rất to, rất cởi mở, rất da đen. Rồi gã chọc ngón trỏ bàn tay phải vào bụng Einstein khiến ông loạng choạng suýt ngã.

- Thôi được, thôi được, ông bạn bịp già lõi ạ... Ông về nhà đi... chạy nhanh lên, nếu không muốn viêm phổi... Bây giờ tôi tạm thời không cần ông nữa.

- Anh tha tôi?... Nếu thế thì tất cả những trò kia để làm gì?

- Để cho ông hoàn thành công trình của mình. Chỉ có vậy thôi. Và tôi đã làm được điều đó... Nếu tôi không dọa ông thì ai biết được ông còn kéo dài bao lâu nữa.

- Công trình của tôi? Thế anh cần nó để làm gì?

- Tôi thì chẳng cần để làm gì cả... nhưng các sếp trên của tôi, ở dưới kia, những chúa quỷ cấp cao hơn... họ nói rằng ngay từ những phát minh đầu tiên của mình ông đã phục vụ cho họ rất đắc lực... Mặc dù ông không có lỗi, nhưng đúng là như vậy đấy. Ông có thích hay không, thưa giáo sư quý mến, nhưng địa ngục đã áp dụng các phát minh của ông rất hiệu nghiệm. Bây giờ chúng tôi đầu tư những khoản chi phí cho trang thiết bị, phương tiện...

- Vớ vẩn! - Einstein phẫn nộ quát lên - Hỏi trên thế giới có cái gì vô hại hơn không? Đó chỉ là những công thức, thuần túy trừu tượng, khá là khách quan...

- Đúng rồi! - Iblich hét vang, lại chọc ngón tay vào bụng nhà bác học. - Ôi, ngài cừ quá! Hóa ra người ta cử tôi đến đây phí công vô ích? Theo ngài, họ đã làm gì? Không, không đâu, ngài đã làm việc rất tốt. Các sếp của tôi ở dưới kia sẽ rất hài lòng! Ôi, giá như ngài biết được!...

- Giá như tôi biết được cái gì?

Nhưng gã da đen đã biến mất.

Không còn cả cây xăng, không còn cả chiếc ghế dài. Chỉ có màn đêm, gió lạnh và những ánh đèn ôtô xa xa phía dưới kia. Thành phố Princeton bang New Jersey.

Milton Friedman (1912-2006)

( Bình chọn: 3 -- Thảo luận: 0 -- Số lần đọc: 2576)

Milton Friedman sinh ngày 31/7/1912 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ông là con út, và là con trai duy nhất trong gia đình 4 con của bà Sarah Ethel (Landau) và ông Jeno Saul Friedman. Bố mẹ ông sinh ở Carpatho-Runthenia (sau trở thành một tỉnh của Áo - Hung; rồi thành một phần của Czechoslovakia , rồi lại thành một tỉnh của Liên Xô cũ). Họ di cư sang Mỹ lúc còn trẻ, gặp nhau ở New York. Khi ông được 1 tuổi, bố mẹ ông chuyển đến Rahway, New Jersey, một thị trấn nhỏ nằm cách thành phố New York khoảng 20km. Ở đó, mẹ ông mở một cửa hàng bán hàng khô, bố ông tham gia vào một công việc đầu cơ mạo hiểm, đây là một công việc mà tỷ lệ thất bại rất lớn và ông cũng là một trong số đó. Thu nhập gia đình ít mà độ rủi ro cao; thâm hụt tài chính trong gia đình xảy ra như cơm bữa. Tuy thường xuyên không đủ ăn nhưng không khí gia đình vẫn đầm ấm.

Ông được học bổng vào đại học Rutgets (hồi đó, nó là một trường tư nhỏ và vượt trội hơn các trường khác, nhận được một khoản tài trợ nhỏ của bang New Jersey, được biết đến như là một khoản học bổng). Ông tốt nghiệp Đại học Rutgets năm 1932, phần còn lại của học phí, ông kiếm được bằng cách làm nhân viên chạy giấy, nhân viên ở một cửa hàng nhỏ, đầu cơ liều lĩnh vào một số công ty và khoản làm thêm hè. Đầu tiên, ông theo học ngành Toán, định trở thành chuyên viên tính toán rủi ro. Ông đã làm một số bài thi về môn này, đỗ có, trượt cũng có. Tuy nhiên, ông trở nên quan tâm đến Kinh tế học, và thậm chí kết thúc khoá học với cả hai bằng.

Trong ngành Kinh tế học, ông có cơ may được hai người đàn ông ưu tú giúp đỡ, đó là Arthur F. Burns, sau này dạy trường Rutgers khi ông đang làm luận án Tiến sỹ tại Columbia; và Homer Jones, tốt nghiệp và dạy tại trường Đại học Chicago. Arthur Burns định hình cho sự hiểu biết của ông trong nghiên cứu môn Kinh tế học, giới thiệu cho ông những tiêu chuẩn khoa học cao nhất, và trở thành người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông sau này. Homer Jones giới thiệu cho ông những học thuyết kinh tế chính xác, làm cho môn Kinh tế học trở nên thú vị và xác đáng, và khuyến khích ông tiếp tục nghiên cứu cho đến khi tốt nghiệp đại học. Nhờ sự tiến cử của Arthur Burns, khoa Kinh tế học của trường đại học Chicago đã trao cho ông một xuất học bổng. Cùng lúc này, ông lại có một xuất học bổng của trường đại học Brown cho môn Toán học ứng dụng, nhưng ông đã quyết định giành cuộc đời mình cho Kinh tế học. Arthur Burns và Homer Jones ngày nay vẫn là những người bạn thân thuộc và được ông quý trọng nhất.

Mặc dù năm 1932-1933, năm đầu học tại Đại học Tổng hợp Chicago là năm khó khăn nhất đối với ông, nhưng nó vẫn mở ra một thế giới mới. Jacob Viner, Frank Knight, Henry Schultz, Lloyd Mints, Henry Simons và một nhóm sinh viên đã tốt nghiệp xuất sắc từ khắp nơi trên trái đất giới thiệu ông với toàn thế giới và tạo ra một bầu không khí sôi nổi theo kiểu mà ông chưa bao giờ thấy. Ông không bao giờ tìm lại được không khí này nữa. Năm 1933, ông nhận được bằng thạc sỹ kinh tế.

Về phía Milton Friedman, sự kiện quan trọng nhất đối với ông của năm này là ông gặp một người phụ nữ đã "hạ gục" ông, đó là Rose Director. Họ cưới nhau sau đó 6 năm, khi sự lo lắng về nơi ăn chốn ở đã bị xua tan và sau đó, họ sống rất hạnh phúc. Rose như một đối tác của ông trong mọi nghiên cứu từ lúc đó.

Nhờ vào tình bạn của Henry Schultz với Harold Hotelling, năm sau ông nhận được học bổng của trường Đại học Columbia . Năm học ở trường Columbia đã mở ra cho ông một chân trời mới. Harold Hotelling làm thống kê những học thuyết kinh tế của Jacob Viner: toàn bộ học thuyết là một khối thống nhất, logic với nhau, không sắp xếp như công thức trong cuốn sách dạy nấu ăn. Ông cũng giới thiệu Friedman môn toán kinh tế chính xác. Wesley C. Mitchell, John M. Clark và những người khác hướng ông theo kinh nghiệm và quan điểm về lý thuyết kinh tế khác xa với quan điểm kinh tế được dạy ở trường đại học Chicago. Ở đây cũng có một nhóm nghiên cứu sinh đặc biệt làm giáo viên rất hiệu quả.

Sau năm học ở trường Columbia, ông quay trở lại trường Chicago, bỏ ra 1 năm để hỗ trợ nghiên cứu của Henry Schultz, người mà sau này đã hoàn thành tác phẩm kinh điển của ông, "Nguyên lý và thước đo nhu cầu" (The theory and measurement of demand). Cũng vậy, Friedman có tình bạn bền vững với 2 nghiên cứu sinh, đó là George J. Stigler và W. Allen Wallis.

Allen là người đầu tiên đến với Chính sách Kinh tế xã hội mới ở Washington. Friedman theo chân ông và vào mùa hè năm 1935, làm việc ở Uỷ ban Nguồn lực quốc gia, chuyên nghiên cứu, phác thảo về ngân sách tiêu dùng. Đây là một trong hai yếu tố chủ yếu hợp thành cuốn sách sau này của ông mang tên: "Lý thuyết về chức năng của tiêu dùng" (Theory of the Consumption Function).

Từ năm 1941 đến 1943, tại cục dự trữ quốc gia, ông làm về chính sách thuế thời chiến, và năm 1943 đến 1945, tại trường đại học Columbia, trong một nhóm do Harold Hotelling và W. Allen Wallis lãnh đạo, ông làm người tính toán thống kê những mẫu thiết kế vũ khí, chiến lược chiến đấu và những thí nghiệm trong luyện kim. Khối lượng công việc thống kê toán của ông lên đến đỉnh điểm vào ngày chiến thắng phát xít Đức năm 1945.

Năm 1945, ông tham gia vào George Stigler tại Đại học Minnesota. Sau một năm ở đây, ông nhận lời vào dạy môn lý thuyết kinh tế tại đại học Chicago , một vị trí được Jacob Viners thành lập đầu tiên tại trường đại học Princeton . Ông giảng dạy ở đây cho đến lúc về hưu. Cùng thời gian đó, Arthur Burns, sau này là giám đốc nghiên cứu thuộc Hiệp hội kinh tế Mỹ thuyết phục ông làm thành viên Hiệp hội chịu trách nhiệm nghiên cứu về vai trò của tiền tệ trong kinh doanh.

Năm 1946, ông nhận bằng Tiến sỹ của trường đại học Columbia. Sự kết hợp của Trường đại học Chicago và Hiệp hội kinh tế mang lại hiệu quả rất lớn. Ở trường đại học Chicago, ông thành lập một "Khoa Tiền tệ và Ngân hàng", nơi cho phép tích luỹ nhiều nghiên cứu về tiền tệ của nhiều người hơn là dự án của một người đơn lẻ. Ông có cơ may được làm việc với một số thành viên của hội này mà ông có thể tự hào phát biểu rằng trong đó bao gồm tất cả những người cộng tác hàng đầu về nghiên cứu tiền tệ như là sự phát triển nổi bật trong ngành khoa học 2 thập kỷ trước. Tại Hiệp hội kinh tế, ông nhận được sự giúp đỡ của Anna J. Schwartz, người rất hiểu biết về lịch sử kinh tế, và rất chịu khó chú ý vào từng chi tiết nhỏ, bổ sung cho những định hướng trong lý thuyết của ông. Công việc của ông về lịch sử và thống kê tiền tệ đã bổ sung cho cả kinh nghiệm nghiên cứu lẫn phát triển lý thuyết của ông trong hiệp hội tại trường đại học Chicago.

Mùa thu năm 1950, ông đi Paris trong vòng 3 tháng để làm đại diện của chính phủ Mỹ cố vấn về quản lý kế hoạch Marshall. Nhiệm vụ chính của ông là nghiên cứu kế hoạch Schuman, dự báo thị trường chung. Đó là nguồn gốc cho sự quan tâm của ông về thả nổi tỷ giá hối đoái. Một tác phẩm của ông về vấn đề này là "Vấn đề về tỷ giá hối đoái linh hoạt" (The case for flexible exchange rates).

Năm 1951, ông đạt được huy chương John Bates Clark cho thành tựu nổi bật của các nhà kinh tế tuổi dưới 40. Một bước ngoặt của ông vào năm 1957, cuốn sách "Lý thuyết về chức năng tiêu dùng" (A theory of the comsumption function) đã đưa ra ý kiến của những người ủng hộ học thuyết của Keynes rằng cá nhân và hộ gia đình điều chỉnh mức chi tiêu cho tiêu dùng của họ để phản ánh thu nhập hiện thời. Friedman chỉ ra rằng tiêu dùng hàng năm của mọi người là thứ mà mọi người mong muốn kiếm ra.

Đầu thập kỷ 60, ông gia tăng sự quan tâm cho công chúng, năm 1964, ông phụng sự cho Thượng nghị sỹ Goldwater với tư cách là cố vấn kinh tế khi ông không thành công lúc tranh chức tổng thống, và năm 1968, ông là một thành viên trong Ban cố vấn kinh tế cho việc tìm kiếm thành công trong việc tranh cử tổng thống của Richard Nixon.

Năm 1960, ông viết cuốn "Chương trình ổn định tiền tệ" (A program for monetary stabitity). Năm 1962, ông viết cuốn "Lý thuyết về giá cả: bài viết tạm thời" (Price theory: a provisional text) và cuốn "Tư bản và tự do" (Capitalism and freedom) - cuốn sách này ông viết cùng vợ mình, Rose D. Friedman. Trong cuốn sách này, ông đưa ra nghiên cứu của mình về kinh tế thị trường từ cao xuống thấp. Ông tranh luận rằng, giữa mọi vật khác, một người lính tình nguyện, thả nổi tỷ giá hối đoái, bãi bỏ bằng tiến sỹ, phủ nhận thuế thu nhập, và bỏ giáo dục. (Friedman chống đối tích cực với nhóm đặc biệt của quân đội: đã một lần ông tuyên bố rằng nhóm này chỉ phục vụ cho một cá nhân trong Quốc hội). Mặc dù sách của ông bán không chạy lắm, rất nhiều người trẻ tuổi đã đọc vì qua nó, họ được tiếp thêm kiến thức để học kinh tế học. Ý tưởng của ông được cả thế giới biết đến với cuốn "Tự do lựa chọn" (Free to choose) mà vợ ông là đồng tác giả. Đây là cuốn sách bán chạy nhất vào năm 1980, được viết cùng với xê-ri phóng sự trên TV trong Hệ thống truyền thông công cộng. Cuốn sách làm tên tuổi Milton Friedman trở nên quen thuộc với mọi người.

Mặc dầu ông có nhiều tác phẩm viết về thuyết giá cả - học thuyết giải thích giá tác động thế nào đến thị trường cá nhân - Friedman được coi như là người thiết lập nên chính sách tiền tệ. Thách thức Keynes và phần lớn những lý thuyết đã được thiết lập trong thời gian đó, Friedman trưng ra bằng chứng phản lại lý thuyến về số lượng của tiền tệ - lý thuyết này phát biểu rằng giá cả không phụ thuộcvào sức cung tiền. Trong tác phẩm "Nghiên cứu lý thuyết về số lượng tiền tệ" (Studies in the quantity of money), xuất bản năm 1956, Friedman nói rằng trong dài hạn, việc tăng cung tiền đẩy giá tăng lên nhưng tác động rất ít hoặc không ảnh hưởng đến sản phẩm. Trong ngắn hạn, ông phản bác, việc tăng cung tiền dẫn đến tăng thất nghiệp và sản phẩm, và giảm cung tiền sẽ ảnh hưởng ngược lại.

Giải pháp của Friedman cho vấn đề lạm phát và dao động trong ngắn hạn của thất nghiệp và GNP thực được gọi là quy luật cung tiền. Nếu Cục dự trữ quốc gia yêu cầu tăng cung tiền cùng tỷ lệ với mức tăng GNP thực, lạm phát sẽ biến mất. Chính sách tiền tệ của Friedman đã được đặt lên hàng đầu khi năm 1963, ông và đồng tác giả Anna Schwartz tung ra tác phẩm "Lịch sử tiền tệ của Mỹ, 1867 - 1960" (Monetary history of the United States, 1867 - 1960). Cuốn sách đã nói rằng Đại suy thoái là kết quả của những quan điểm không đúng về chính sách tiền tệ của Cục dự trữ quốc gia. Tác giả đã đệ trình những quan điểm trên qua một bản thảo chưa được in ra, Cục dự trữ quốc gia phản ứng lại trong nội bộ với những quan điểm phê phán dài dòng. Sự phân hoá trong nội bộ còn thể hiện ở chỗ những thành viên của Cục điều tra liên bang không công bố tiếp biên bản cuộc họp ra công chúng. Thêm nữa, họ còn nhờ một người chống lại lịch sử (Elmus R. Wicker) viết một bài với hy vọng sẽ bôi xấu lịch sử tiền tệ.

Mặc dù rất nhiều nhà kinh tế học không đồng ý với ý kiến của Friedman về chính sách tiền tệ, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng nhất định trong nghề nghiệp. Một tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm là ảnh hưởng của nó làm thay đổi trong cách đối xử của chính sách tiền tệ được viết trong cuốn "Kinh tế học" - một cuốn sách bán chạy nhất năm đó- của một người ủng hộ học thuyết của Keynes là Paul Samuelson. Trong cuốn xuất bản năm 1948, Samuelson đã viết một cách tuỳ tiện rằng "một vài nhà kinh tế học coi chính sách tiền tệ của Cục dự trữ quốc gia như là một liều thuốc trị bách bệnh để điều chỉnh chu kỳ kinh doanh". Nhưng năm 1967, Samuelson lại nói rằng chính sách tiền tệ có "tầm quan trọng" đối với tiêu dùng. Và trong cuốn sách xuất bản năm 1985, đồng tác giả với William Nordhaus ở đại học Yale lại viết "Tiền tệ là công cụ quan trọng và hữu hiệu nhất của những người làm ra chính sách kinh tế vĩ mô" và thêm rằng "đây là thành phần quan trọng nhất" trong việc hình thành chính sách.

Trong năm 1963, ông cũng viết tác phẩm "Lạm phát, nguyên nhân và hậu quả" (Inflation: Cause and Consequences). Năm 1966, ông bắt đầu viết một mục về tình hình thời sự kinh tế cho tạp chí Newsweek, luân phiên 3 tuần một lần cùng Paul Samuelson và Herry Wallich. Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ là việc phụ. Ông vẫn khăng khăng từ chối một công việc lâu dài ở Washington . Vấn đề trên hết được ông quan tâm vẫn là cống hiến cho khoa học.

Trong những năm sau đó, từ 1968 đến 1984, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm khác có tầm ảnh hưởng rất rộng rãi đến nền kinh tế Mỹ và thế giới. Có thể nói, không có một nhà kinh tế học nào khác kể từ thời của Keynes định hình lại cách nghĩ về kinh tế học như Milton Friedman. Bằng phạm vi của những chủ đề và tầm quan trọng trong những ý tưởng của ông, Friedman không những đã đặt nền tảng cho kinh tế học đương thời mà ông còn xây dựng nó trở nên vững chắc.

Isaac Newton (25/12/1642-20/3/1727)

( Bình chọn: 3 -- Thảo luận: 4 -- Số lần đọc: 3164)

Isaac Newton sinh ra trong một gia đình nông dân. May mắn cho nhân loại, Newton không làm ruộng giỏi nên được đưa đến Đại học Cambridge để trở thành luật sư. Tại Cambridge, Newton bị ấn tượng mạnh từ Euclid, tuy rằng tư duy của ông cũng bị ảnh hưởng bởi trường phái của Roger Bacon và René Descartes. Một đợt dịch bệnh đã khiến trường Cambridge đóng cửa và trong thời gian ở nhà, Newton đã có những phát kiến khoa học quan trọng, dù chúng không được công bố ngay.

Những người có ảnh hưởng đến việc công bố các công trình của Newton là Robert Hooke và Edmond Halley. Sau một cuộc tranh luận về chủ đề quỹ đạo của một hạt khi bay từ vũ trụ vào Trái Đất với Hooke, Newton đã bị cuốn hút vào việc sử dụng lý thuyết vạn vật hấp dẫn và cơ học của ông trong tính toán quỹ đạo Johannes Kepler. Những kết quả này hấp dẫn Halley và ông đã thuyết phục được Newton xuất bản chúng. Từ tháng 8 năm 1684 đến mùa xuân năm 1688, Newton hoàn thành tác phẩm, mà sau này trở thành một trong những công trình nền tảng quan trọng nhất cho vật lý của mọi thời đại, cuốn Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các Nguyên lý Toán học của Triết lý về Tự nhiên).

Trong quyển I của tác phẩm này, Newton giới thiệu các định nghĩa và ba định luật của chuyển động thường được biết với tên gọi sau này là Định luật Newton. Quyển II trình bày các phương pháp luận khoa học mới của Newton thay thế cho triết lý Descartes. Quyển cuối cùng là các ứng dụng của lý thuyết động lực học của ông, trong đó có sự giải thích về thủy triều và lý thuyết về sự chuyển động của Mặt Trăng. Để kiểm chứng lý thuyết về vạn vật hấp dẫn của ông, Newton đã hỏi nhà thiên văn John Flamsteed kiểm tra xem Sao Thổ có chuyển động chậm lại mỗi lần đi gần Sao Mộc không. Flamsteed đã rất sửng sốt nhận ra hiệu ứng này có thật và đo đạc phù hợp với các tính toán của Newton. Các phương trình của Newton được củng cố thêm bằng kết quả quan sát về hình dạng bẹt của Trái Đất tại hai cực, thay vì lồi ra tại hai cực như đã tiên đoán bởi trường phái Descartes. Phương trình của Newton cũng miêu tả được gần đúng chuyển động Mặt Trăng, và tiên đoán chính xác thời điểm quay lại của sao chổi Halley. Trong các tính toán về hình dạng của một vật ít gây lực cản nhất khi nằm trong dòng chảy của chất lỏng hay chất khí, Newton cũng đã viết ra và giải được bài toán giải tích biến phân đầu tiên của thế giới.

Newton sáng tạo ra một phương pháp khoa học rất tổng quát. Ông trình bày phương pháp luận của ông thành bốn quy tắc của lý luận khoa học. Các quy tắc này được phát biểu trong quyển Philosophiae Naturalis Principia Mathematica như sau:

Các hiện tượng tự nhiên phải được giải thích bằng một hệ tối giản các quy luật đúng, vừa đủ và chặt chẽ.

Các hiện tượng tự nhiên giống nhau phải có cùng nguyên nhân như nhau.

Các tính chất của vật chất là như nhau trong toàn vũ trụ.

Một nhận định rút ra từ quan sát tự nhiên chỉ được coi là đúng cho đến khi có một thực nghiệm khác mâu thuẫn với nó.

Bốn quy tắc súc tích và tổng quát cho nghiên cứu khoa học này đã là một cuộc cách mạng về tư duy thực sự vào thời điểm bấy giờ. Thực hiện các quy tắc này, Newton đã hình thành được các định luật tổng quát của tự nhiên và giải thích được gần như tất cả các bài toán khoa học vào thời của ông. Newton còn đi xa hơn việc chỉ đưa ra các quy tắc cho lý luận, ông đã miêu tả cách áp dụng chúng trong việc giải quyết một bài toán cụ thể. Phương pháp giải tích mà ông sáng tạo vượt trội các phương pháp mang tính triết lý hơn là tính chính xác khoa học của Aristoteles và Thomas Aquinas. Newton đã hoàn thiện phương pháp thực nghiệm của Galileo Galilei, tạo ra phương pháp tổng hợp vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay trong khoa học. Những câu chữ sau đây trong quyển Opticks (Quang học) của ông có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với trình bày hiện đại của phương pháp nghiên cứu thời nay, nếu Newton dùng từ "khoa học" thay cho "triết lý về tự nhiên":

Cũng như trong toán học, trong triết lý về tự nhiên, việc nghiên cứu các vấn đề hóc búa cần thực hiện bằng phương pháp phân tích và tổng hợp. Nó bao gồm làm thí nghiệm, quan sát, đưa ra những kết luận tổng quát, từ đó suy diễn. Phương pháp này sẽ giúp ta đi từ các hợp chất phức tạp đến nguyên tố, đi từ chuyển động đến các lực tạo ra nó; và tổng quát là từ các hiện tượng đến nguyên nhân, từ nguyên nhân riêng lẻ đến nguyên nhân tổng quát, cho đến khi lý luận dừng lại ở mức tổng quát nhất. Tổng hợp lại các nguyên nhân chúng ta đã khám phá ra thành các nguyên lý, chúng ta có thể sử dụng chúng để giải thích các hiện tượng hệ quả.

Newton đã xây dựng lý thuyết cơ học và quang học cổ điển và sáng tạo ra giải tích nhiều năm trước Gottfried Leibniz. Tuy nhiên ông đã không công bố công trình về giải tích trước Leibniz. Điều này đã gây nên một cuộc tranh cãi giữa Anh và lục địa châu Âu suốt nhiều thập kỷ về việc ai đã sáng tạo ra giải tích trước. Newton đã phát hiện ra định lý nhị thức đúng cho các tích của phân số, nhưng ông đã để cho John Wallis công bố. Newton đã tìm ra một công thức cho vận tốc âm thanh, nhưng không phù hợp với kết quả thí nghiệm của ông. Lý do cho sự sai lệch này nằm ở sự giãn nở đoạn nhiệt, một khái niệm chưa được biết đến thời bấy giờ. Kết quả của Newton thấp hơn γ½ lần thực tế, với γ là tỷ lệ các nhiệt dung của không khí.

Theo quyển Opticks, mà Newton đã chần chừ trong việc xuất bản mãi cho đến khi Hooke mất, Newton đã quan sát thấy ánh sáng trắng bị chia thành phổ nhiều màu sắc, khi đi qua lăng kính (thuỷ tinh của lăng kính có chiết suất thay đổi tùy màu). Quan điểm hạt về ánh sáng của Newton đã xuất phát từ các thí nghiệm mà ông đã làm với lăng kính ở Cambridge. Ông thấy các ảnh sau lăng kính có hình bầu dục chứ không tròn như lý thuyết ánh sáng thời bấy giờ tiên đoán. Ông cũng đã lần đầu tiên quan sát thấy các vòng giao thoa mà ngày nay gọi là vòng Newton, một bằng chứng của tính chất sóng của ánh sáng mà Newton đã không công nhận. Newton đã cho rằng ánh sáng đi nhanh hơn trong thuỷ tinh, một kết luận trái với lý thuyết sóng ánh sáng của Christiaan Huygens.

Newton cũng xây dựng một hệ thống hoá học trong mục 31 cuối quyển Opticks. Đây cũng là lý thuyết hạt, các "nguyên tố" được coi như các sự sắp xếp khác nhau của những nguyên tử nhỏ và cứng như các quả bi-a. Ông giải thích phản ứng hoá học dựa vào ái lực giữa các thành phần tham gia phản ứng. Cuối đời (sau 1678) ông thực hiện rất nhiều các thí nghiệm hoá học vô cơ mà không ra kết quả gì.

Newton rất nhạy cảm với các phản bác đối với các lý thuyết của ông, thậm chí đến mức không xuất bản các công trình cho đến tận sau khi người hay phản bác ông nhất là Hooke mất. Quyển Philosophiae Naturalis Principia Mathematica phải chờ sự thuyết phục của Halley mới ra đời. Ông tỏ ra ngày càng lập dị vào cuối đời khi thực hiện các phản ứng hoá học và cùng lúc xác định ngày tháng cho các sự kiện trong Kinh Thánh. Sau khi Newton qua đời, người ta tìm thấy một lượng lớn thuỷ ngân trong cơ thể của ông, có thể bị nhiễm trong lúc làm thí nghiệm. Điều này hoàn toàn có thể giải thích sự lập dị của Newton.

Newton đã một mình đóng góp cho khoa học nhiều hơn bất cứ một nhân vật nào trong lịch sử của loài người. Ông đã vượt trên tất cả những bộ óc khoa học lớn của thế giới cổ đại, tạo nên một miêu tả cho vũ trụ không tự mâu thuẫn, đẹp và phù hợp với trực giác hơn mọi lý thuyết có trước. Newton đưa ra cụ thể các nguyên lý của phương pháp khoa học có thể ứng dụng tổng quát vào mọi lĩnh vực của khoa học. Đây là điều tương phản lớn so với các phương pháp riêng biệt cho mỗi lĩnh vực của Aristoteles và Aquinas trước đó.

Tuy các phương pháp của Newton rất lôgic, ông vẫn tin vào sự tồn tại của Chúa. Ông tin là sự đẹp đẽ hoàn hảo theo trật tự của tự nhiên phải là sản phẩm của một Đấng Tạo hoá siêu nhân. Ông cho rằng Chúa tồn tại mọi nơi và mọi lúc. Theo ông, Chúa sẽ thỉnh thoảng nhúng tay vào sự vận hồi của thế gian để giữ gìn trật tự.

Cũng có các nhà triết học trước như Galileo và John Philoponus sử dụng phương pháp thực nghiệm, nhưng Newton là người đầu tiên định nghĩa cụ thể và hệ thống cách sử dụng phương pháp này. Phương pháp của ông cân bằng giữa lý thuyết và thực nghiệm, giữa toán học và cơ học. Ông toán học hoá mọi khoa học về tự nhiên, đơn giản hoá chúng thành các bước chặt chẽ, tổng quát và hợp lý, tạo nên sự bắt đầu của Kỷ nguyên Suy luận. Những nguyên lý mà Newton đưa ra do đó vẫn giữ nguyên giá trị cho đến thời đại ngày nay. Sau khi ông ra đi, những phương pháp của ông đã mang lại những thành tựu khoa học lớn gấp bội những gì mà ông có thể tưởng tượng lúc sinh thời. Các thành quả này là nền tảng cho nền công nghệ mà chúng ta được hưởng ngày nay.

Không ngoa dụ chút nào khi nói rằng Newton là danh nhân quan trọng nhất đóng góp cho sự phát triển của khoa học hiện đại. Như nhà thơ Alexander Pope đã viết:

Nature and Nature's laws lay hid in night

God said, Let Newton be!

and all was light

Tự nhiên im lìm trong bóng tối

Chúa bảo rằng Newton ra đời!

Và ánh sáng bừng lên khắp lối

31 tuổi trở thành GS.TS toán học hàng đầu thế giới

( Bình chọn: 2 -- Thảo luận: 0 -- Số lần đọc: 3565)

Ở tuổi 31, Terence Tao là người trẻ nhất từ được trao huy chương Fields - tương đương giải Nobel của toán học. Tao đã từ một thần đồng trở thành một trong những nhà toán học hàng đầu thế giới.

Giáo sư tiến sĩ toán học Terence Tao.

Tháng 1/2007, khoảng 400 người tập trung tại một giảng đường ở Đại học U.C.L.A để nghe buổi nói chuyện về các số nguyên tố - một dịp hiếm hoi mà thính giả chỉ đủ chỗ để đứng.

Nhiều người theo dõi qua màn hình video trong lớp học bên cạnh, nhiều người phải ra về. Bài nói chuyện dài 60 phút còn được truyền trực tiếp trên internet, sinh viên xin chữ ký của diễn giả như là đến với ngôi sao nhạc rock!

Các đồng nghiệp thường gọi đùa tiến sĩ Tao là một ngôi sao nhạc rock và là "Mozart của toán học". Hai bảo tàng ở Úc đề nghị được trưng bày ảnh của anh vĩnh viễn. Và anh là người lọt vào chung kết giải thưởng Người Úc của năm 2007.

Trong văn phòng, anh treo một bức poster Ranma - tên một cuốn truyện tranh của Nhật. Khi bước vào sảnh của toà nhà toán học này, anh thường mặc áo ngắn tay Adidas, quần jean xanh và giày đế mềm như các thực tập sinh. Anh nói chẳng biết làm thế nào để tiêu số tiền thưởng 500.000 đôla của giải MacArthur.

Tố chất thần đồng

Sự thành thạo của tiến sĩ Tao đối với các con số xuất hiện từ khi anh còn rất nhỏ tuổi. "Tôi luôn thích những con số", anh nói.

Cậu bé Terry Tao 2 tuổi thường dùng các khối đồ chơi để chỉ cho những đứa trẻ lớn hơn cách đếm. Cậu rất nhanh biết nói và thường dùng các khối để đánh vần các từ như "chó" và "mèo".

Tao đã giải quyết hàng loạt các bài toán lớn phi thường, bao gồm những bài liên quan đến các số nguyên tố và giải thuật nén hình (image compression).

Hè năm ngoái, anh đã đoạt huy chương Fields (Fields Medal) - thường được coi như giải Nobel trong lĩnh vực toán học.

Anh cũng vừa nhận giải MacArthur Fellowship, một trong những giải thưởng lớn của Mỹ dành cho người có công trình đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn với số tiền thưởng là 500.000 đôla.

Cha mẹ Terry đưa cậu bé vào học một trường tư khi cậu 3 tuổi rưỡi.

Sau 6 tuần, họ cho cậu nghỉ học vì cậu không thích bỏ thời gian ngồi trong một lớp học, và các giáo viên thì không thích dạy một cậu bé như vậy.

Lên 5 tuổi, cậu được ghi danh vào một trường công, và cha mẹ cậu, những nhà quản lý hành chính cũng như các giáo viên đã thiết lập một chương trình học riêng cho cậu.

Cậu học mỗi môn bằng tốc độ của riêng mình, nhanh chóng vượt qua một vài lớp trong môn toán và khoa học trong khi vẫn học ở nhóm tuổi của mình với những môn học khác.

Chẳng hạn ở giờ học văn, cậu trở nên bối rối khi phải viết bài luận. Được giao viết một câu chuyện về những gì đang diễn ra ở nhà, Terry đi từ phòng này sang phòng khác và ghi tất cả những thứ quan sát thấy vào một danh sách chi tiết.

Khi bảy tuổi rưỡi, cậu bắt đầu vào học các lớp toán ở trường trung học.

Kim tự tháp tri thức

Ông Billy Tao biết rõ đường đi của những đứa trẻ thần đồng như Jay Luo, người đã tốt nghiệp với bằng toán học ở Đại học bang Boise năm 1982 ở tuổi 12, nhưng cũng từ đó biến mất khỏi thế giới toán học.

"Ban đầu tôi chỉ nghĩ là Terry cũng sẽ giống như một người trong số họ, tốt nghiệp càng sớm càng tốt". Nhưng sau khi nói chuyện với các chuyên gia về giáo dục dành cho những đứa trẻ thiên tài, người cha này đã thay đổi ý định.

"Để lấy được một tấm bằng ở độ tuổi còn trẻ, hay để trở thành người phá kỷ lục, thì chẳng có nghĩa lý gì. Tôi có một mô hình kim tự tháp tri thức, với một cái nền rộng và sau đó kim tự tháp có thể lên cao hơn. Nếu bạn chỉ nhanh chóng đi lên như một cái cột, thì chắc chắn bạn sẽ dễ bị lung lay ở trên đỉnh và rồi đổ sụp xuống". Và Billy Tao đã sắp xếp cho các giáo sư toán học làm thầy dạy cho con mình.

Hai năm sau, Terry đã vào học các lớp toán và vật lý trình độ đại học. Cậu đặc biệt xuất sắc trong các kỳ thi toán quốc tế.

Cha mẹ cậu quyết định sẽ không cho cậu vào học trong trường cao đẳng toàn thời gian, mà chia thời gian học giữa trường trung học và ĐH Flinders, một trường đại học ở Adelaide.

Cuối cùng, cậu chỉ vào học như là một sinh viên cao đẳng toàn thời gian ở Flinders khi đã 14 tuổi. Hai năm sau khi cậu tốt nghiệp thì cha mẹ mới để cho cậu chỉ theo học những khả năng hàn lâm của mình.

Terry hoàn thành bằng đại học của mình trong hai năm, một năm sau thì lấy bằng thạc sĩ, rồi đến 20 tuổi trở thành tiến sĩ.

Anh nói anh chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng trong một lớp học có nhiều sinh viên lớn tuổi hơn mình rất nhiều, Princeton là nơi mà anh cảm thấy phù hợp trong một nhóm những người cùng đẳng cấp tư duy. Anh vẫn còn trẻ, nhưng không phải lúc nào cũng luôn là sinh viên sáng giá nhất.

Cuộc phiêu lưu với số

"Để lấy được một tấm bằng ở độ tuổi còn trẻ, hay để trở thành người phá kỷ lục, thì chẳng có nghĩa lý gì" - Nhờ quan điểm sáng suốt của người cha mà Terence Tao đã có một sự nghiệp thành công.

Công trình toán học nổi tiếng nhất của tiến sĩ Tao liên quan đến các số nguyên tố - những số nguyên dương lớn hơn 1, chỉ chia hết cho 1 và cho chính nó.

Những số nguyên tố đầu tiên là 2, 3, 5, 7, 11, 13. Khi các số này có giá trị lớn hơn, các số nguyên tố trở nên thưa thớt hơn, nhưng nhà toán học Hy Lạp Euclid đã chứng minh vào năm 300 trước Công nguyên rằng, dù sao thì các số nguyên tố là vô hạn.

Rất nhiều câu hỏi về các số nguyên tố vẫn tiếp tục chưa tìm được câu trả lời. Euclid cũng tin rằng có vô hạn những "số nguyên tố sinh đôi" (twin primes), nghĩa là những cặp số nguyên tố cách nhau 2 đơn vị, ví dụ như 3 và 5, 11 và 13 - nhưng ông không thể chứng minh được ước đoán của mình. Và cũng chưa từng có ai sau ông 2.300 năm làm được điều đó.

Một câu hỏi chưa được trả lời khác là: liệu có những quy luật ẩn (hidden patterns) tồn tại trong chuỗi số nguyên tố hay không hoặc chúng có xuất hiện một cách ngẫu nhiên hay không.

Vào năm 2004, tiến sĩ Tao, cùng với Ben Green, một nhà toán học thuộc ĐH Cambridge ở Anh, đã giải một bài toán liên quan đến phỏng ước về số nguyên tố sinh đôi (Twin Prime Conjecture) bằng cách xem xét sự phát triển của chuỗi số nguyên tố - những chuỗi số có khoảng cách bằng nhau (ví dụ, các số 3, 7, 11 tạo thành một dãy số nguyên tố có khoảng cách là 4, số tiếp theo trong dãy là 15 thì không phải là số nguyên tố).

Tiến sĩ Tao và tiến sĩ Green chứng minh rằng luôn luôn có thể tìm thấy, ở đâu đó trong vô số các số nguyên, một dãy số nguyên tố với bất kỳ khoảng cách nào và bất kỳ độ dài nào.

"Terry có một phong cách mà rất ít người có", tiến sĩ Fefferman nhận xét. "Khi anh ấy giải bài toán, bạn sẽ nghĩ, điều này quá rõ ràng mà sao mình lại không phát hiện ra! Tại sao 100 người xuất sắc đã nghĩ về điều này trước đây lại không nghĩ ra?".

Bạn Có Giỏi Như Terry?

Vào ngày 16/7/1983, một ngày trước ngày sinh nhật lần thứ 8 của Terence Tao, Ken Clements - một chuyên gia về giáo dục những trẻ em có năng khiếu toán học, đã đến thăm nhà cậu bé để đánh giá khả năng của cậu.

Trong quá trình đánh giá, anh đã đưa cho Terry một chuỗi các câu hỏi được viết ra giấy, và Terry trả lời bằng miệng mà không hề viết gì ra giấy. Tất cả các câu trả lời của cậu đều đúng. Dưới đây là các câu hỏi và câu trả lời của Terry.

Câu 1: Hai đường tròn có bán kính bằng 2cm và 3cm. Khoảng cách giữa các tâm của chúng là 4cm. Vậy chúng có giao nhau hay không?

Terry: Có. Nếu chúng không giao nhau, khoảng cách giữa các tâm của chúng sẽ lớn hơn 5.

Câu 2: Một chiếc kim giờ sẽ tạo ra một góc bằng bao nhiêu trong 20 phút?

Terry: Đơn giản. 1/3 của 1/12 của một vòng tròn kín là bằng 1/36 của một đường tròn. 1/36 của 3600 tương đương với 100.

Câu 3: Một can chứa dầu kerosene nặng 8kg. Khi rót một nửa số dầu ra khỏi can thì can nặng 4,5kg. Hỏi cân nặng của chiếc can rỗng là bao nhiêu?

Terry: Chú có một phương trình đại số, nhưng khó tính nhẩm. Trọng lượng của can + trọng lượng của dầu = 8. Trọng lượng của can + ½ (trọng lượng dầu) = 4 ½ . Vậy, trọng lượng dầu = 7kg, trọng lượng can = 1kg.

Câu 4: Bây giờ là mấy giờ nếu khoảng thời gian kể từ giữa trưa đến bây giờ bằng 1/3 quãng thời gian từ bây giờ đến nửa đêm?

Terry: 1 phần + 3 phần = 12 giờ

Vậy 1 phần = 3 giờ

Vậy bây giờ là 3 giờ chiều.

Câu 5: Chú đi bộ từ nhà tới trường trong 30 phút, còn anh của chú phải mất 40 phút. Anh chú rời khỏi nhà trước chú 5 phút. Vậy trong bao nhiêu phút thì chú sẽ vượt được anh ấy?

Terry: 35 phút. Nếu chú khởi hành cùng thời gian với anh trai thì chú sẽ đến trước chú ấy 10 phút... Ồ không, 15 phút, bởi vì khi đó cả hai đều đã đi được nửa đường rồi.

Câu 6: Chu vi của một tam giác vuông là 5cm. Độ dài mỗi cạnh bên của nó là 2cm. Vậy chiều dài cạnh thứ ba bằng bao nhiêu?

Terry: Cạnh thứ ba là 1cm. À không, điều đó không đúng. Theo định lý Pitago thì nó phải là... căn bậc 2 của 8 hoặc là... Không thể được, phi lý!

Câu 7: Một lớp học nhận được một số cuốn vở thông thường và một số cuốn vở đặc biệt, tất cả có 80 cuốn vở. Một cuốn vở thường có giá 20 cent và một cuốn vở đặc biệt có giá 10 cent. Hỏi lớp học nhận được bao nhiêu cuốn vở mỗi loại?

Terry: Cháu thực sự không biết (cười). R+S = 80. Tất cả những gì chú cho là giá các cuốn vở. Không thể giải được. Có thể là 40 cuốn thường và 40 cuốn đặc biệt. Hoặc cũng có thể là 50 cuốn thường và 30 cuốn đặc biệt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#history