danh nhan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Aristides - Người công minh

Aristides được kính trọng trên toàn cõi Hy Lạp vì lòng công minh. Nhờ có ông, người Athens được quyền lãnh đạo liên minh chống lại quân Ba Tư xâm lược. Ông không thiên vị bất kỳ ai, không muốn bênh vực bạn bè, cũng không muốn làm họ giận vì bị từ chối nên ông đối xử bình đẳng với tất cả mọi người.

Aristides là bạn thân của Cleisthenes - chính khách đã tiêu diệt nền độc tài và mang lại nền dân chủ cho Athens. Còn đối thủ số 1 của ông là Themistocles - một thống chế của Hy Lạp, người xây dựng hạm đội Athens và mang lại chiến thắng Salamis (480 TCN) của người Hy Lạp trước người Ba Tư, đặt nền tảng cho ngôi bá chủ của Athens ở Hy Lạp. Họ đối nghịch nhau cả về tính cách lẫn đường lối chính trị. Themistocles là người ưa phiêu lưu, khôn ngoan và nhanh nhẹn. Còn Aristides lại là người kiên định, ít nói, yêu sự thật và công lý. Ông không bao giờ lừa dối ai, cũng không bao giờ nịnh bợ hay lăng mạ người khác chỉ để đùa vui.

Khâm phục Lycurgus và quý cách sống của người Sparta, Aristides tán thành xã hội quý tộc hơn là nền dân chủ. Ông đặt ra các nguyên tắc cho bản thân mình. Aristides thấy mối quan hệ thân thiết với những người có chức quyền khiến con người dám làm điều sai và làm họ ảo tưởng thoát khỏi sự trừng phạt bởi những việc làm xấu xa. Ông cho là một người lương thiện không bao giờ được ỷ lại hay dựa vào bạn bè, mà chỉ nên tin vào sự chính trực của bản thân.

Còn Themistocles tham gia phái dân chủ, nơi các thành viên kiếm lợi lộc nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. Themistocles từng nói: “Ta không bao giờ muốn giữ chức vụ chẳng làm lợi cho những người bạn của ta hơn những người xa lạ, những kẻ mà ta chẳng thấy thích thú gì”. Khi Themistocles cùng phe của mình thi hành những sửa đổi có hại, Aristides thấy ông có nghĩa vụ phải chống lại Themistocles.

Themistocles luôn tìm cách tăng cường ảnh hưởng và quyền lực của mình. Nhưng dù Themistocles có đề xuất một ý tưởng tốt thì Aristides luôn tìm cách chống lại để hạn chế ảnh hưởng của Themistocles. Sự thù oán giữa hai phe phái và giữa hai cá nhân trở nên tồi tệ tới mức mỗi khi Aristides muốn đề xuất một đạo luật, ông phải nhờ một người khác nói hộ.

Aristides chỉ quan tâm đến việc làm lợi cho Athens chứ không mảy may muốn làm giàu cho bản thân hay giành thêm quyền lực. Mỗi khi có sai lầm, ông luôn tự nhận lỗi, bất chấp việc mọi người coi đó là một hành động ngốc nghếch. Có lần, Aristides đề nghị một điều luật và được Hội đồng 400 đồng ý, bất chấp sự phản đối của Themistocles và phe ông ta. Tuy nhiên, sau khi đề xuất này được đưa ra cho dân chúng xem xét, có vài ý kiến phản đối rất hợp lý và đúng đắn, Aristides lại đứng lên phản bác đạo luật của chính mình.

Trong cuộc đời đầy thăng trầm, Aristides không bao giờ hãnh diện về sự kính trọng mà dân chúng dành cho ông. Ông cũng không bao giờ chán nản khi gặp thất bại, mà luôn thể thiện lòng tự trọng và điềm tĩnh, đồng thời tỏ ra khinh miệt những động cơ vụ lợi của những người có chức quyền. Aristides quan niệm, mọi công dân lương thiện phải có nghĩa vụ lao động vì lợi ích của mọi người chứ không nên mong chờ được ban thưởng.

Aristides cương quyết bảo vệ một nền công lý thực sự chứ không phải hình thức. Tình bạn hay tư thù cá nhân không bao giờ ảnh hưởng đến phán xét của ông. Có lần, Aristides được xử thắng kiện, các quan toà khinh ghét bị cáo đến mức không cho anh ta được nói trước khi tuyên án như luật định. Nhưng Aristides đã quỳ xuống cạnh bị cáo, xin cho y quyền được nói.

Khi người dân thành Athens bầu Aristides làm người giữ ngân khố, ông phát hiện Themistocles (người giữ chức vụ này trước đó) đã biển thủ một số tiền lớn. Khi Aristides đưa ra bằng chứng, Themistocles và phe ông ta vô cùng tức giận. Họ tìm mọi cách sa thải ông khỏi chức vụ này, thậm chí còn đòi phạt tiền Aristides vì tội lạm dụng chức vụ. Song những công dân ưu tú nhất của Athens cho rằng, đây là một việc sai trái, nên họ thuyết phục dân chúng bãi bỏ khoản tiền phạt và cho phép Aristides tiếp tục giữ vụ này.

Sau đó, Aristides không nhắc đến việc biển thủ công quỹ. Vì vậy, những kẻ gian lận lại cho rằng ông là một người đầy tớ trung thành và tận tuỵ nhất của dân chúng. Và rồi chính những kẻ này lớn tiếng ủng họ tiếp túc trông giữ ngân sách trong nhiệm kỳ tiếp theo. Sau khi được tái cử với đa số dân chúng ủng hộ, Aristides nói với người Athens: “Khi tôi thi hành bổn phận của mình một cách trung thực nhất thì các bạn phạt tiền rồi sa thải tôi. Còn khi tôi không nói gì về những kẻ biển thủ công quỹ thì các bạn lại gọi tôi là người trung thực và cho tôi làm tiếp công việc. Tôi muốn các bạn biết rằng, ngày hôm nay tuy được khen thưởng nhưng tôi cảm thấy nhục nhã hơn là bị lăng mạ vì làm đúng chức trách của mình. Thật đáng hổ thẹn khi các bạn chỉ muốn làm hài lòng những kẻ xấu hơn là muốn duy trì tính liêm chính trong thành phố của chúng ta”. Rồi ông cho dân chúng xem danh sách những vụ biển thủ công quỹ trong sự kinh ngạc tột độ của những kẻ kiếm lợi.

Khi hạm đội Ba Tư tiến đến Marathon, đem theo một đoàn quân khổng lồ nhằm xâm chiếm Athens, Aristides được cử là một trong 10 viên thống chế chỉ huy quân đội chống lại quân xâm lược. Quyền chỉ huy tối cao của quân đội Athens được thay đổi luân phiên giữa 10 vị thống chế này. Đến lượt mình, Aristicles đã nhường quyền chỉ huy cho Miltiades, người ông cho là giỏi hơn cả. Những vị thống chế khác cũng gạt bỏ hiềm khích cùng lòng kiêu hãnh cá nhân, noi theo Aristides vì lợi ích chung. Miltiades được giao toàn quyền chỉ huy đối với kẻ thù.

Trong trận Marathon (năm 490 TCN), Aristides tham chiến trung tâm, nơi giao chiến dữ dội nhất. Sau khi trận đánh kết thúc, hạm đội Ba Tư mất hết ý chí định tháo lui, nhưng gió và hải lưu lại làm họ trôi về phía thành Athens. Người dân Athens cử Aristides ở lại chiến trường thu chiến lợi phẩm, còn họ quay về bảo thành phố. Vô vàn vàng bạc cùng các đồ quý giá khác của quân Ba Tư bị loại bỏ lại trong lều và trên chiến trường nhưng Aristides không cho phép bất cứ người lính nào được chiếm làm của riêng. Ông muốn đảm bảo chiến lợi phẩm được chia đều cho mọi công dân.

Trong số những đức tính của Aristides, người dân Athens khâm phục nhất sự công minh của ông. Chính vì thế, họ đặt tên cho Aristides là Người công minh. Vua chúa và những nhà độc tài không bao giờ thích một biệt danh như thế mà muốn biệt danh thể hiện sự kinh sợ và hung bạo hơn là đức hạnh. Các vị thần không những hơn hẳn loài người về quyền năng và còn hơn cả về sự bất tử và công minh. Trong ba điều này, con người nên cố gắng học hỏi và đạt đến sự công minh. Những trận động đất có khả năng huỷ diệt vô cùng lớn, không gian vũ trụ rộng lớn không có tận cùng, nhưng không ai có được sự công minh nếu không hiểu lẽ phải và có kiến thức uyên thâm. Chúng ta nghĩ rằng các vị thần hạnh phúc vì họ bất tử, sợ vì họ có sức mạnh phi thường nhưng cũng yêu quý họ vì họ công bằng.

Con người luôn tìm kiếm sự bất tử và sức mạnh mà quên đi sự công minh, phẩm chất duy nhất mà con người khả dĩ đạt được. Sức mạnh và sự công minh thể hiện trong cuộc sống của các vị thần, còn sức mạnh nhưng bất công là cuộc sống của ác quỷ.

Những tôn vinh mà người dân thành Athens dành cho Aristides và việc mọi người đều ca ngợi đức hạnh của ông làm Themistocles vô cùng ghen tức. Do vậy, Themistocles vu cáo Aristicles là muốn chiếm ngôi vua nên mới công bằng như vậy.

Bấy giờ, lòng đố kỵ và kiêu ngạo của những người bình dân Athens lớn hơn bao giờ hết. Sau chiến thắng Marathon, mọi công dân đều bực tức với những ai muốn đứng cao hơn người khác. Vì thế, ngay khi dân chúng tôn vinh Aristides vì sự công bằng và khiêm tốn, họ lại quyết định đày ông đi biệt xứ (năm 482 TCN).

Cuộc lưu đày này được dân chúng quyết định bằng hình thức bỏ phiếu. Những mảnh gốm được sử dụng như những lá phiếu. Khi quyết định bỏ phiếu lưu đày được ban ra, mọi công dân Athens đều đến tập trung ở chợ, viết tên người mình muốn lưu đày lên mảnh gốm. Nếu ít hơn 6.000 lá phiếu thì không ai bị trục xuất. Còn nếu có đủ phiếu, người nào có tên nhiều trên mảnh gốm nhất sẽ bị lưu đày trong 10 năm.

Vào ngày bỏ phiếu, một người mù chữ từ nông thôn lên thành Athens và hỏi chính Aristides cách viết chữ Aristides lên mảnh gốm. Aristides hỏi người này rằng, người Aristides có làm gì hại anh ta không. Anh này trả lời: “Không. Thậm chí tôi chẳng biết Aristides là ai. Nhưng tôi chán nghe người ta gọi mãi ông ta là Người công minh”. Không nói một lời, Aristides giúp anh ta viết tên mình vào lá phiếu. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Aristides buộc phải rời khỏi Athens. Ông lớn tiếng cầu nguyện các vị thần đừng bao giờ để dân Athens có dịp được nhớ đến ông nữa.

Nhờ sự công bằng và chính trực của Aristides và sự lịch lãm, ôn hoà của một thống chế Athens khác là Cimon nên họ được các đồng minh kính trọng hơn Pausanias

Aristides hướng dẫn người ăn mày viết tên ông lên phiếu bầu, khiến ông bị lưu đày.

Nhưng ba năm sau, chính những người Athens đã bãi bỏ cuộc lưu đày và gọi ông trở về. Vua Xerxer của Ba Tư với đội quân lên tới 1 triệu chiến binh đang lên đường tấn công Hy Lạp, trả mối nhục thua ở trận Marathon. Nhiều thành bang Hy Lạp đã đầu hàng. Họ không dám đứng lên, sát cánh với Athens chống lại Xerxer. Người Athens lo sợ việc đối xử tồi tệ sẽ khiến Aristides chống lại họ. Nhưng họ đã nhầm, trước khi lệnh lưu đày được huỷ bỏ, ông đi khắp nơi kêu gọi những thành bang Hy Lạp khác đoàn kết chống lại quân xâm lược.

Dù địch thủ không đội trời chung của ông là Themistocles được cử làm tổng tư lệnh, nhưng Aristides sẵn sàng tuân theo sự chỉ huy của Themistocles. Trong khi người Hy Lạp đang luận bàn xem có nên rút ra khỏi đảo Salamis không, thì ngay đêm đó, hạm đội Ba Tư đã bao vây khắp mọi ngả, còn người Athens không biết rằng, họ không còn lối thoát. Aristides tìm cách len lỏi qua hạm đội Ba Tư bằng một chiếc thuyền nhỏ, đến lều chỉ huy của Themistocles. Ông nói: “Hãy dẹp bỏ những cuộc đối đầu vô nghĩa và nhỏ nhen của chúng ta. Hãy bắt đầu một cuộc đua tài trong danh dự để bảo vệ Hy Lạp. Ngài sẽ chiến đấu với tư cách tổng chỉ huy, còn tôi là cố vấn và là trợ thủ. Tôi hiểu bản thân ngài muốn được giao chiến trên biển với quân Ba Tư dù nhiều người không tán thành. Còn quân Ba Tư lại muốn có trận đánh đó vì hạm đội của chúng đã bao vây khắp nơi. Không có cách nào trốn thoát ngoài việc phải chứng tỏ chúng ta là những chiến binh dũng cảm, dù muốn hay không”.

Đến lúc đó, Themistocles mới nói cho Aristides biết kế hoạch ông suy tính và nhờ Aristides giúp thuyết phục những người vẫn muốn trốn thoát, vì Aristides có uy tín hơn. Tại hội đồng chiến tranh, một thống chế nói với Themistocles rằng, dường như Aristides không tán thành phương án đó vì ông ngồi im lặng. Đến lúc đó, Aristides mới nói ông sẽ không im lặng nếu Themistocles không đưa ra được cách đánh khôn ngoan nhất. Ông im lặng không phải vì bất bình mà là thể hiện sự tán thành của ông.

Aristides dẫn một ít quân đến đảo Psyttalea gần đó, lúc này đang bị quân Ba Tư chiếm đóng. Aristides chiếm hòn đảo này rồi xây dựng nơi đây thành một nơi trú ngụ cho những chiến thuyền Hy Lạp bị hư hại trong những cuộc chiến sắp tới. Thực tế sau đó chứng minh, hòn đảo này vô cùng quan trọng vì những trận đánh lớn đều diễn ra gần đó. Sau thắng lợi tại trận thủy chiến ở đảo Salamis (năm 480 TCN), Themistocles nói riêng với Aristides nên tiếp tục tiến quân đến đốt cầu phao do vua Xerxer cho xây bắc qua sông Hellespont để cắt đứt đường rút của quân Ba Tư. Aristides không đồng ý mà cho rằng, nên giữ lại cây cầu đó để Xerxer có đường rút lui. Nếu không, khi bị dồn vào đường cùng và không còn lối thoát thân, toàn bộ quân Ba Tư sẽ đánh lại quân Hy Lạp với toàn bộ sức cùng lực kiệt. Sau đó, Themistocles sai một tên quan thái giám bị bắt làm tù binh đến nói với vua Ba Tư rằng, ông sắp sửa sai quân đốt cầu phao. Xerxer hoảng sợ, vội vã vượt cầu phao bỏ chạy, để lại 300.000 quân tinh nhuệ của mình dưới quyền chỉ huy của Mardonius tiếp tục cuộc chiến tranh.

Mardonius gửi chiến thư thách thức người Hy Lạp, nói rằng thất bại Salamis quá nhỏ và quân Ba Tư sẽ nghiền nát quân Hy Lạp trong một trận đánh trên bộ, nếu Hy Lạp đồng ý dàn quân đánh nhau chiến trường rộng lớn vùng Thessaly. Ngoài mặt thì vậy, nhưng Mardonius bí mật gửi sứ giả đến Athens xin xây lại thành phố (Athens bị Xerxer phá huỷ hoàn toàn) để Athens từ bỏ liên minh Hy Lạp chống quân Ba Tư. Người Sparta nghe được tin này cũng sai sứ giả đến Athens, hứa cung cấp lương thực và tiền bạc để Athens không đầu hàng.

Theo lời khuyên của Aristides, người Athens trả lời người Sparta như sau: "Chúng tôi tha thứ cho lời cầu xin của người châu Á, những kẻ nghĩ rằng vàng bạc có thể mua được tất cả mọi thứ vì với họ, giàu sang là cao quý hơn hết. Nhưng lời đề nghị của các bạn đã xúc phạm chúng tôi, không lẽ chúng tôi cần được trả tiền trong cuộc chiến giành độc lập cho chính mình hay sao?".

Khi cả hai con đường ngoại giao và hối lộ đều thất bại, Mardonius dẫn quân tiến về Athens. Một lần nữa, người Athens lại rút về đảo Salamis. Aristides được cử làm sứ giả đến Sparta xin cứu viện. Dù ông thúc giục, người Sparta chỉ vờ hứa hẹn sẽ gửi quân nhưng lại cười khẩy mỗi khi Aristides than phiền về sự chậm trễ của họ. Cuối cùng, họ nói rằng quân Sparta thực sự đã hành quân tới rồi. Aristides liền nói với người Sparta đừng lừa dối bạn bè mà nên dùng những mưu mẹo đó cho kẻ thù.

Khi trở về Athens, Aristides được bầu làm chỉ huy đội quân Athens. Một lực lượng gồm 8.000 chiến binh trang bị vũ khí nặng hành quân tới Plataea để hội quân với 5.000 chiến binh Sparta tinh nhuệ và các chiến binh từ các thành bang Hy Lạp khác. Thống chế Pausanias của Sparta chỉ huy liên minh. Sau đó, quân Ba Tư tiến đến Plataea và đóng quân ở đây (năm 479 TCN). Các nhà chiêm tinh tiên đoán rằng, quân Hy Lạp sẽ thắng nhưng phải áp dụng chiến thuật phòng ngự.

Quân Sparta chiếm lĩnh cánh phải. Không ai nghi ngờ quyền làm điều đó của họ vì với người Hy Lạp cổ đại, cánh phải trong mỗi trận đánh là vị trí danh dự, chỉ những đội quân cao quý mới được chiếm giữ. Một cuộc khẩu chiến diễn ra giữa người Athens và người Tegea xem ai sẽ giữ cánh trái. Aristides giải quyết mối bất hoà này bằng lời tuyên bố: “Vị trí dàn quân không hề mang lại hay cướp đi danh dự của chúng ta. Chúng tôi, những người Athens sẽ chiến đấu hết sức mình bất kể ở vị trí nào. Các bạn hãy hoàn toàn tin tưởng vào sự vững chắc của vị trí đó. Chúng tôi đến đây không phải để đánh nhau với các bạn mà để chiến đấu với kẻ thù của chúng ta. Và chúng tôi không phải ở đây để khoe khoang khoác lác về những gì tổ tiên chúng tôi làm, mà để chứng tỏ danh tiếng của chính mình. Trận đánh này sẽ chứng tỏ chiến binh của thành bang nào thực sự dũng cảm, bất kể họ chiến đấu ở vị trí nào”.

Sau lời tuyên bố này, mọi người đều đồng ý rằng, vị trí cánh trái xứng đáng dành cho quân Athens.

Nhưng tình hình trở nên xấu đi khi một số người giàu có của Athens lo sợ cho tài sản của mình nên nghĩ chuyện làm phản. Aristides phát hiện ra nhưng không biết bao nhiêu kẻ dính líu đến âm mưu này. Ông quyết định không mất thời gian điều tra kỹ lưỡng mà chỉ bắt giữ 8 kẻ phản bội. Ông thả hai kẻ muốn làm phản nhất chạy thoát sang phía Ba Tư, rồi cho phép số còn lại được trốn đi nếu họ muốn. Nhưng ông nói rằng, nếu họ chiến đấu hết sức mình, họ có thể xoá tan mọi nghi ngờ của dân chúng vì những hành động đó chứng tỏ lòng yêu nước. Những người mưu phản khác cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì không bị phát hiện. Họ chiến đấu dũng cảm hơn.

Quân Hy Lạp đã chiếm giữ những vị trí hiểm trở và then chốt tại chân núi Cithaeron, còn 3.000 quân Megara chiếm giữ vùng đồng bằng. Vì thế, Mardonius điều toàn bộ lực lượng kỵ binh Ba Tư khổng lồ đến tấn công số quân Megara này. Quân Ba Tư bắn nhiều tên tới mức quân Megara hoàn toàn bị cắt rời khỏi đội quân Hy Lạp còn lại. Thống chế Pausanias kêu gọi những chiến binh tình nguyện đến cứu quân Megara nhưng người Athens chỉ có một mình Aristides xung phong.

Ba trăm quân Athens xông vào giải cứu. Chỉ huy kỵ binh Ba Tư là Masistus, một chiến binh dũng cảm, thấy quân Hy Lạp đến nên xông lên giao chiến. Một trận đánh dữ dội đã diễn ra như thể toàn bộ cuộc chiến tranh phụ thuộc vào kết quả cuộc giao tranh này. Ngựa của Masistus bị thương, đẩy chàng ngã. Bộ giáp của Masistus và cơ thể của chàng nặng đến nỗi chàng không thể đứng lên được. Tuy vậy, quân Athens cũng không thể làm chàng bị thương vì khắp người chàng được bọc bởi giáp vàng, đồng và sắt. Cuối cùng, một chiến binh Athens đâm một nhát dao qua khe mũ sắt, kết liễu cuộc đời Masistus.

Khi thấy chỉ huy của mình bị giết, kỵ binh Ba Tư rất hoảng sợ nên bỏ chạy. Sự vĩ đại trong chiến thắng này của quân Hy Lạp không phải ở số lượng quân Ba Tư bị giết (thực ra là không đáng kể), mà ở sự hoảng loạn và sợ hãi trong các trại quân Ba Tư khi biết tin về cái chết của Masistus, chiến binh được coi là dũng cảm và khoẻ nhất Ba Tư.

Sau trận giao chiến nhỏ này, hai bên đều giữ thế phòng ngự trong nhiều ngày liền. Các nhà chiêm tinh của hai bên đều tiên đoán, ai tấn công trước sẽ thua. Mardonius và quân Ba Tư lâm vào tình trạng thiếu lương thực và đồ tiếp tế, còn quân Hy Lạp ngày càng có thêm viện binh. Đó là lý do buộc Mardonius phải vượt sông tấn công.

Quân Hy Lạp được cảnh báo từ trước nên dàn trận sẵn sàng ứng chiến. Pausanias quyết định xếp quân Athens vào cánh phải để đón quân Ba Tư. Lúc đầu, quân Athens phản đối sự bố trí này. Sau khi nghe Aristides thuyết phục, họ vui vẻ chấp nhận. Khi đổi vị trí cho quân Sparta, quân Athens cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhau rằng: “Quân Ba Tư tấn công chúng ta lần này không thể có lòng dũng cảm hay vũ khí tốt hơn những kẻ đã bị chúng ta đánh bại ở trận Marathon”. Mardonius đáp lại bằng cách thay đổi đội hình. Cả hai đều rất bối rối và không hiểu ý đồ của nhau.

Đêm đó, nguồn cung cấp nước ở dòng sông gần đó bị kỵ binh Ba Tư làm bẩn nên quân Hy Lạp phải chuyển đến đóng trại gần nguồn nước khác. Trong bóng tối, họ không giữ được đội hình nên nhiều người bị lạc và tình hình rất lộn xộn.

Quân Sparta bị tụt lại phía sau vì Amompharetus rất ương bướng, không chịu lui quân. Chàng là một chiến binh Sparta dũng cảm và đang chỉ huy một toán quân nhỏ. Chàng bực tức vì trận chiến bị hoãn và với chàng, việc rút lui này là một thất bại. Amompharetus tuyên bố không muốn làm theo những người Hy Lạp hèn nhát khác. Chàng thề sẽ cùng toán quân bé nhỏ của mình ở lại, chống chọi toàn bộ quân Ba Tư. Cuối cùng, thống chế Pausanias đành để mặc chàng, và đưa số quân còn lại hội với những đạo quân Hy Lạp khác.

Khi bình minh lên, vì thấy chỉ có Amompharetus cùng với một ít quân ở lại trong trại của Hy Lạp, Mardonius cho rằng, số quân còn lại đã hèn nhát bỏ chạy nên ra lệnh tấn công. Toàn bộ quân Ba Tư tiến lên trong tiếng trống trận vang lừng. Nghe thấy tiếng trống trận, Pausanias liền ra lệnh cho quân Sparta quay lại chiến đấu. Nhưng số quân Hy Lạp khác đóng trại quá rải rác và lộn xộn đến mức phải mất một lúc lâu mới quay lại được. Khi quay lại, quân đội Hy Lạp chỉ là những nhóm chiến binh nhỏ lẻ chứ không phải là một lực lượng lớn.

Lực lượng Ba Tư tham chiến đầu tiên là cung thủ cưỡi ngựa. Họ bắn tên như mưa vào quân Sparta. Quân Sparta không đánh trả vì Pausanias đã ra lệnh cho họ không làm bất cứ điều gì cho đến khi có điềm lành từ cuộc tế lễ. Callicrates, chiến binh Sparta dũng cảm nhất, bị tên bắn chết. Chàng hét lên rằng, chàng không tiếc mạng sống mà chỉ hổ thẹn vì đi từ Sparta đến đây, chưa làm được gì mà đã chết. Tuy vậy, kỷ luật của quân Sparta rất nghiêm. Họ kiên nhẫn chịu đựng làn tên của quân Ba Tư. Cho đến khi nhận được điềm báo chiến thắng từ cuộc tế lễ, Pausanias mới ra lệnh phản công.

Ngay lập tức, các chiến binh Sparta giơ cao những ngọn giáo dài và toàn bộ đội quân trông giống như một con thú dữ khổng lồ xù lông, sẵn sàng giao chiến. Giờ đây, quân Ba Tư mới thấy cuộc chiến đấu với những người không hề run sợ trước cái chết này sẽ rất dữ dội, nên họ chỉ dám đứng xa, núp sau những tấm khiên bằng cây liễu gai và tiếp tục bắn những trận mưa tên. Quân Sparta lập thành đội hình phalanx, từ từ tiến lên thành một khối vững chắc chọc thủng hàng ngũ kẻ thù. Quân Ba Tư chống cự rất dũng cảm nhưng đà tiến quân của đội hinh phalanx Sparta quá mạnh không thể chống lại được.

Quân Athens nghe thấy tiếng giao chiến liền nhanh chóng lên đường. Trên đường, họ gặp một số người Hy Lạp đã đầu hàng quân Ba Tư nhất định không chịu nhường đường. Quân Athens phải chiến đấu để mở đường vượt qua. Tuy nhiên, chỉ sau khi mất tên chỉ huy, những kẻ phản bội này mới bỏ chạy toán loạn, chẳng có bụng dạ nào để tham chiến. Họ đã bị những người giàu có đầu hàng quân Ba Tư ép buộc phải chiến đấu chống lại quân Hy Lạp. Sau khi giết khoảng 300 người, quân Athens lại tiến lên.

Trong khi đó, quân Sparta đã chọc thủng đội hình quân Ba Tư và giết chết Mardonius. Quân Ba Tư rút về trại cố thủ sau những bức tường bằng gỗ. Quân Sparta tìm cách đột nhập vào trong, nhưng họ không có kinh nghiệm tấn công thành luỹ. Liền đó, quân Athens kịp tiến lên, tăng thêm sức công phá. Họ phá vỡ bức tường rồi xông vào giết sạch quân Ba Tư. Trong số 300.000 quân của Mardonius, chỉ có 40.000 trốn thoát, còn quân Hy Lạp chỉ thiệt hại 1.360 người.

Sau chiến thắng này, quân Athens và Sparta lại tranh nhau công lao tới mức sắp sửa lao vào chém nhau, nếu Aristides không đứng lên hoà giải. Aristides thuyết phục cả hai bên để những đạo quân Hy Lạp còn lại quyết định ai xứng đáng với chiến thắng này.

Cleocritus của vùng Corinth đứng lên trình bày ý kiến. Mọi người đều nghĩ ông sẽ đòi vinh dự cho đạo quân Corinth, vốn là thành bang nổi tiếng thứ ba của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông cho rằng, vinh dự này thuộc về Plataea, nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất. Aristides đại diện cho người Athens và Pausanias đại diện cho người Sparta đều đồng ý. Nhờ đó, cuộc tranh cãi được giải quyết.

Lời tiên tri của ngôi đền Delphi nói rằng, sự hiện diện của những kẻ dã man (ám chỉ quân Ba Tư) đã làm nhơ bẩn mảnh đất này, nên người Hy Lạp phải tắt hết lửa, châm lại từ ngọn lửa thuần khiết lấy từ ngôi đền của thần Apollo. Một chiến binh tên là Euchidas đã chạy bộ từ Plataea đến Delphi để mang ngọn lửa về cho người Hy Lạp. Chiến binh này đã chạy một mạch đến đó, tắm mình trong dòng nước tinh khiết, đội một vòng nguyệt quế lên đầu và tiến vào đền thờ để xin ngọn lửa từ bàn thờ thần. Lấy lửa xong, chàng chạy một mạch trở về Plataea trước khi mặt trời lặn, cúi chào dân chúng, trao ngọn lửa thiêng cho họ, rồi gục xuống chết. Chỉ trong một ngày, chàng đã vượt qua 125 dặm đường.

Sau trận đánh ở Plataea, người dân thành Athens hân hoan đón mừng hoà bình, dân chủ. Dân chúng trở nên kiêu ngạo hơn bao giờ hết. Người nghèo đói được đối xử công bằng như người giàu. Aristides quyết tâm đứng ra dẫn dắt nền dân chủ non trẻ chứ không chịu để nền dân chủ này bị đè bẹp. Ông đề nghị mọi công dân đều tham gia chính quyền, được bỏ phiếu, bất kể giàu nghèo.

Themistocles nói với người Athens rằng, ông có một ý định nếu thực hiện sẽ mang lại lợi ích to lớn cho thành Athens, nhưng không thể nói công khai cho tất cả mọi người. Họ quyết định ông sẽ nói điều đó cho một mình Aristides. Đề nghị của Themistocles là đốt hết tàu thuyền của đồng minh. Như vậy, Athens sẽ làm bá chủ trên biển và là thành phố vĩ đại nhất của Hy Lạp. Aristides không cho dân chúng biết điều Themistocles nói với mình, mà chỉ nói rằng không có gì mang lại lợi ích cho Athens như điều Themistocles đề nghị, nhưng cũng không có gì nhục nhã hơn. Nghe thấy vậy, người Athens yêu cầu Themistocles từ bỏ kế hoạch, dù nó là gì đi nữa.

Tuy vậy, cuộc chiến tranh giữa người Ba Tư và người Hy Lạp vẫn chưa chấm dứt nên Aristides dẫn quân Athens đến tham gia liên minh Hy Lạp. Thống chế Pausanias của Sparta đã làm cho đồng minh bất bình vì kỷ luật quá hà khắc, mà theo họ là không cần thiết. Binh lính dù phạm lỗi nhỏ nhất cũng bị đánh roi da hoặc đứng một ngày với mỏ neo vác trên vai. Thuộc cấp của Pausanias cho rằng, ông ta quá lạm quyền và hống hách.

Nhờ sự công bằng và chính trực của Aristides và sự lịch lãm, ôn hoà của một thống chế Athens khác là Cimon nên họ được các đồng minh kính trọng hơn Pausanias.

Một số quân đồng minh đến gặp Aristides, thúc giục ông lên nắm quyền tổng chỉ huy. Một ngày, khi Pausanias đi kiểm tra hạm đội Hy Lạp thì hai chiếc thuyền khác vượt lên thuyền chở Pausanias. Viên thống chế chửi mắng và đe doạ rằng, điều mà hai chiếc thuyền vừa làm không những sẽ phải nhận một hình phạt đích đáng mà còn gây liên luỵ cho các thành phố quê hương họ. Những người trên hai chiếc thuyền trả lời rằng, Pausanias phải cảm ơn các vị thần vị họ đã ban cho ông chiến thắng ở Plataea. Nếu không, ông đã bị trừng phạt vì tội kiêu ngạo.

Sau đó, người Sparta đã chứng tỏ tinh thần cao thượng của mình. Khi thấy người chỉ huy lầm đường lạc lối, đánh mất sự tôn trọng của đồng minh, họ tự nguyện nhường quyền lãnh đạo cho người Athens. Họ nhớ tới lời dặn của Lycurgus rằng, điều quan trọng nhất là phải giữ sự chính trực cho mình, chứ đừng ra oai áp chế người khác.

Liên minh Hy Lạp muốn người Athens trao cho Aristides quyền quyết định phần đóng góp của mỗi thành bang để duy trì cuộc chiến tranh. Chính sự công bằng của Aristides trong việc thực hiện trách nhiệm này khiến ông nổi tiếng khắp mọi thành bang Hy Lạp.

Khi bắt đầu làm việc, Aristides rất nghèo, nhưng khi hoàn thành, ông còn nghèo hơn. Sau này, người Hy Lạp coi công việc quản lý của ông là biểu tượng của “Kỷ nguyên vàng” về sự trung thực và công bằng. Những người kế nhiệm ông sau này tự động tăng thuế lên nhiều lần để có những khoản tiền lớn xây dựng các công trình, phát triển nghệ thuật và phúc lợi cho người dân, đi ngược lại mục đích ban đầu của việc đóng góp này.

Aristides luôn tự hào về sự thanh bạch của mình. Tự nguyện sống nghèo khổ dối với ông là biểu hiện của danh dự, nhất là khi ông có quyền chức. Bất chấp những vinh quanh giành được, ông luôn tự hào là không lợi dụng quyền chức để làm giàu.

Khi Aristides chết vì tuổi già, ông được người Athens yêu quý đến mức họ lo liệu đám tang của ông rất chu đáo và cung cấp đầy đủ của cải cho con cháu ông sống sung túc. Plato cho rằng, chỉ có Aristides mới xứng đáng được ngưỡng mộ. Themistocles, Cimon, Pericles mang lại sức mạnh và sự thịnh vượng cho Athens, nhưng chỉ có Aristides mới mang lại sự công bằng cho người dân.

Solon - nhà lập pháp của Athens

Khác với Sparta, Athens là một trung tâm thương mại giàu có. Bản hiến pháp do Solon (638-558 TCN) soạn thảo đã làm dịu đi xung đột giữa người giàu và người nghèo, đồng thời tạo điều kiện cho những thể chế dân chủ phát triển

Solon sinh ra trong một gia đình giàu có ở Athens. Là một nhà buôn, nhưng Solon tự cho mình là người khá nghèo và không tôn sùng tiền bạc. Hy Lạp cổ đại có bảy nhà thông thái rất nổi tiếng và Solon là một trong số này. Anacharsis, một trong bảy nhà thông thái đó, tới Athens để gặp Solon. Tận mắt chứng kiến sự hoạt động của nền dân chủ Athens, Anacharsis bình luận: “Thật kỳ lạ. Ở Athens, người khôn ngoan là người đề đạt ý kiến, còn những kẻ dốt nát lại nắm quyền quyết định”.

Solon rất ngưỡng mộ trí tuệ của nhà hiền triết này nên ông lưu Anacharsis lại làm tân khách trong một thời gian dài. Solon cho Anacharsis xem một số bộ luật ông đang soạn thảo. Anacharsis cười nhạo sự mơ tưởng hão huyền của ông rằng, những bộ luật đó có thể kiểm soát được tính trí trá và lòng tham của người Athens, rằng những bộ luật đó như mạng nhện vậy, chỉ bắt được người nghèo hèn chứ những kẻ giàu sẽ phá rách và lọt qua.

Khi đến thăm một nhà hiền triết khác là Thales của vùng Miletus, Solon hỏi tại sao Thales không lấy vợ và sinh con. Thales không trả lời ngay mà tìm một người đóng kịch. Vài ngày sau, người này vờ như mới từ Athens đến. Solon hỏi thăm những tin tức mới nhất. Theo hướng dẫn của Thales, người đó kể rằng, không có gì quan trọng ngoại trừ đám tang của một thanh niên nào đó chết khi người cha danh tiếng của anh ta vắng nhà. Solon nói: “Thật tội nghiệp, nhưng anh ta tên là gì vậy”. Các câu hỏi và câu trả lời càng làm Solon lo lắng hơn. Cuối cùng, ông nhắc đến tên mình. Người đóng kịch nói: “Chính là người đó”. Solon vô cùng đau buồn trong khi Thales thản nhiên đứng nhìn. Một lúc sau, Thales nói với Solon: “Ông hỏi tại sao tôi không lấy vợ và sinh con. Bây giờ ông biết lý do rồi đó. Mất mát đó quá lớn và không thể chịu đựng nổi dù can đảm đến mấy. Nhưng ông đừng lo, những điều đó chẳng có ý nghĩa gì với những lời nói dối”.

Suốt một thời gian dài, người Athens và người Megara tranh nhau đảo Salamis. Người Athens mệt mỏi vì cuộc chiến tranh này nên đã tuyên bố xử tử bất cứ ai đòi chiếm Salamis. Solon biết rằng hầu hết các chàng trai đều muốn tiếp tục cuộc chiến cho đến khi giành được hòn đảo này nhưng không dám nói ra. Vì vậy, Solon vờ phát điên. Tin đồn lan truyền rằng Solon đã sáng tác vài bài thơ điên rồ và ông đã hoàn toàn mất trí. Một ngày kia, ông xuất hiện giữa chợ và đứng lên phát biểu. Mọi người tập trung lắng nghe người điên này. Vẫn vờ vĩnh thể hiện những hành động mất trí, Solon hát một bài dài hàng trăm câu về hòn đảo Salamis. Bài thơ hay đến mức dân chúng hết thảy đều tha thứ cho ông tội vi phạm quy định. Chẳng bao lâu sau, quy định này được huỷ bỏ và người Athens lại tiếp tục cuộc chiến tranh với một sức mạnh lớn hơn bao giờ hết. Solon, tất nhiên lúc này đã bình phục, được chọn làm người chỉ huy cuộc tấn công.

Lúc đó, đảo Salamis đang bị người Megara chiếm giữ. Solon sai một tên gián điệp đến dụ dỗ người Megara rằng họ có thể bắt cóc được những người phụ nữ giàu có nhất Athens đang tham gia một lễ hội tại đền thờ nữ thần Venus. Lễ hội là có thực nhưng người Megara không biết đó là mưu kế của Solon. Khi những cánh buồm xuất hiện từ đảo Salamis, Solon thay những người phụ nữ bằng những người đàn ông cạo sạch râu và mặc đồ phụ nữ. Từ xa, người Megara không thể biết được sự giả mạo đó. Họ tiến vào bờ, thả neo và nhảy xuống nước, muốn mau chóng bắt được những người này. Họ bị bắt và bị giết. Sau đó, người Athens tiến sang Salamis trên chính những chiếc thuyền của người Megara rồi bất ngờ chiếm lấy hòn đảo.

Vào thời gian này, ở Athens có ba phe phái, dân sống ở đồi núi ủng hộ chế độ dân chủ, dân sống ở miền đồng bằng ủng hộ chế độ thiểu số quý tộc lãnh đạo, còn dân sống ven biển ủng hộ một chính quyền kết hợp và không cho hai phe phái kia giành quyền lực. Rối loạn trong chính quyền đã lên đến đỉnh điểm, tới mức cách duy nhất để thiết lập chính phủ là phải dựng lên một bạo chúa với mọi quyền lực tối cao.

Theo luật Athens lúc đó, nếu con nợ không thể trả được nợ, các chủ nợ có quyền bắt họ và gia đình, đem bán làm nô lệ để lấy tiền. Sự độc ác và ngạo mạn của bọn nhà giàu làm cho người nghèo tụ tập thành các nhóm tự bảo vệ mình và cứu những người bị bán làm nô lệ vì trò cho vay nặng lãi. Những công dân ưu tú nhất thành phố coi Solon là người công bằng đối với cả kẻ giàu người nghèo nên họ muốn ông trở thành người lãnh đạo. Người giàu đồng ý vì Solon cũng là người giàu, còn người nghèo tán thành ông là người trung thực.

Nhiệm vụ của Solon rất khó khăn và nguy hiểm vì lòng tham của người nghèo và sự kiêu ngạo của người giàu. Để xoa dịu cả hai phe, Solon nói: “Sự công bằng sẽ không gây ra xung đột”. Đối với người nghèo, “sự công bằng” nghĩa là của cải được chia đều. Còn với người giàu, “sự công bằng” có nghĩa là họ được sở hữu mọi tài sản của họ.

Bởi vậy, cả người giàu lẫn người nghèo đều tin rằng, Solon đứng về phía mình. Nhưng rồi người nghèo sớm căm ghét ông vì mãi không thấy ông dùng quyền lực tịch thu tài sản của người giàu. Bạn bè của Solon khuyên ông chớ ngờ nghệch nếu bỏ lỡ cơ hội được trở nên giàu có mà số phận đem lại. Họ nói rằng, giờ đây đã có quyền lực trong tay, Solon nên tự biến mình thành một nhà độc tài. Là một người khôn ngoan, Solon trả lời rằng, nền chuyên chế đó thực ra là đỉnh cao của thịnh vượng nhưng không có cách nào bước xuống được.

Cũng như Lycurgus , Solon không thể thay đổi chính quyền từ trên xuống, nên ông chỉ có thể cải cách được những gì có thể làm được mà không cần thực hiện một cuộc cách mạng triệt để. Ông chỉ cố gắng làm những điều mà ông có thể thuyết phục người Athens chấp nhận với một chút cưỡng ép. Solon thường sử dụng lối nói uyển ngữ, như gọi các khoản thuế là “sự đóng góp”. Kết hợp khôn ngoan giữa ngọt ngào và nghiêm khắc, công bằng và vũ lực, Solon đã đạt được một số thành công nhất định. Sau này, khi được hỏi liệu ông đã ban hành được những bộ luật tốt nhất cho Athens chưa, Solon trả lời: “Bộ luật tốt nhất là bộ luật dân chúng sẵn sàng đón nhận”.

Cải cách đầu tiên của Solon là cấm cầm cố tài sản, thậm chí dù con nợ có đồng ý thì chủ nợ cũng không được bắt họ và gia đình làm nô lệ. Những người bị bán làm nô lệ và những nô lệ bị bán cho người ngoại quốc khi trở lại Athens đều được trả tự do. Solon cũng ra lệnh xoá bỏ những món nợ quá lớn, từ đó xoá bỏ mọi hoạt động cầm cố đất đai.

Song những người bạn lại rất thất vọng về Solon. Trước khi công bố đạo luật xoá bỏ mọi việc cầm cố, Solon đã nói điều này với một vài người bạn tin cẩn nhất. Ngay lập tức, họ đã vay mượn tiền để mua ruộng đất rồi dùng những mảnh đất này để thế chấp cho các khoản vay nợ. Khi bộ luật xoá bỏ mọi khoản nợ được công bố, những người này hiển nhiên giành được những mảnh đất đó mà không mất một xu. Dân chúng nghi ngờ Solon. Nhưng khi mọi người biết chính ông cũng mất 15 talent (đơn vị đo tiền tệ và ruộng đất của người Hy Lạp cổ đại) vì quy định này thì ông vẫn được mọi người kính trọng.

Cả người giàu và người nghèo đều không nhận được mọi thứ họ muốn khi Solon tiến hành cải cách. Của cải không được phân phối lại triệt để như người nghèo khó đòi hỏi, còn người giàu cũng tức giận vì mất đi những tài sản họ từng sở hữu trước đây. Cả người giàu và người nghèo bây giờ đều căm ghét Solon vì ông không làm được điều họ ao ước. Ngay cả những người bạn thân thiết trước đây bây giờ cũng nhìn Solon với bộ mặt hung hăng và coi ông như kẻ thù. Nhưng thời gian qua đi, khi các thành công đạt được thì họ cũng tha thứ cho điều đó. Khi thấy việc xoá bỏ những món nợ mang lại những lợi ích tốt đẹp, người Athens liền cử Solon lãnh đạo việc cải cách pháp luật của thành bang.

Solon liền huỷ bỏ luật pháp của Dracon vì luật pháp này quá độc ác, áp dụng án hình cho cả những tội nhỏ nhất. Người ta nói rằng, luật Dracon (ban hành năm 621 TCN) được viết bằng máu chứ không phải bằng mực. Khi có người hỏi tại sao lại ban hành những đạo luật hà khắc như vậy, Dracon trả lời: “Chúng ta cần án tử hình để ngăn chặn những tội ác nhỏ, còn những tội lớn thì ta chưa nghĩ ra được hình phạt nào nặng hơn thế”. Còn Solon chỉ dành án tử hình cho tội giết người.

Solon cũng ban hành một đạo luật quy định rằng, nếu một cuộc cách mạng nổ ra, ai từ chối tham gia một trong hai bên thì sẽ mất mọi quyền công dân. Với quy định này, ông đảm bảo rằng người tốt sẽ ngăn chặn được kẻ xấu bằng cách thể hiện mong muốn tự cứu mình chứ không chờ cho đến khi họ thấy bên nào giành chiến thắng.

Khi người ta hỏi khi nào ông mới coi thành Athens là thịnh vượng, Solon trả lời: “Đó là khi những người không bị hại cũng đấu tranh như những người bị hại và tố cáo tội ác một cách trung thực như thể điều xấu đó xảy ra với chính họ”. Vì lý do này, ông cho phép bất kỳ ai cũng được khiếu kiện thay cho những người nghèo bị hại.

Solon cho phép người giàu tiếp tục giữ các chức vụ trong chính quyền, nhưng ông cũng muốn người nghèo tham gia việc điều hành đất nước. Bởi vậy, ông chia dân chúng thành các đẳng cấp khác nhau căn cứ theo thu nhập của họ. Lớp thấp nhất là thetes gồm những người bần nông, tá điền và không được nhận bất kỳ chức vụ nào. Tuy nhiên, đẳng cấp thetes được phép tham dự Đại hội dân chúng và được quyền xử kiện. Do luật pháp của Solon cố tình mập mờ nên toà án có nhiều quyền lực trong việc diễn giải. Điều tưởng chừng chỉ là sự nhượng bộ ít ỏi cho người nghèo này lại trở thành một đặc ân quan trọng.

Solon cũng lập ra một toà án tối cao với thành viên là những quan chấp chính (archons) của Athens đã hết nhiệm kỳ. Ông thấy rằng, sau khi xoá bỏ mọi khoản nợ, dân chúng trở nên ngang bướng và kiêu ngạo. Do vậy, Solon lập ra một cơ quan quyền lực mới là Hội đồng Bốn trăm. Mỗi bộ lạc trong bốn bộ lạc của Athens có quyền cử ra 100 đại biểu tham gia hội đồng này. Đây là một hội đồng lập pháp bổ sung quyền lực chỉ giới hạn trong việc tranh luận các vấn đề trước khi đưa ra để dân chúng bỏ phiếu quyết định. Không việc gì được đưa ra bỏ phiếu nếu chưa được Hội đồng Bốn trăm xem xét và thảo luận. Với việc toà án tối cao và Hội đồng Bốn trăm hoạt động như một chiếc mỏ neo, sự náo loạn của dân chúng được kiềm chế trong những giới hạn an toàn.

Solon cũng tuyên bố kết án tội phỉ báng. Những lời công kích cá nhân bị ngăn cấm trong những cuộc họp của hội đồng thành phố và tại một số lễ hội. Solon biết rằng, sự thù oán là bản chất của con người, nhưng ông quy định tại những nơi đó coi thể hiện bản chất này là phạm pháp. Còn loại bỏ triệt để thói xấu này là điều không thể đạt được.

Trừng phạt vừa phải một vài người để làm gương còn có ích hơn việc trừng phạt quá nghiêm khắc nhiều người mà chẳng vì mục đích gì. Người làm luật phải biết cách hạn chế pháp luật của mình theo những giới hạn về bản chất của con người chứ đừng cố gắng ban hành một pháp luật hoàn hảo.

Nhà thông thái này cho rằng, chỉ nên đánh giá con người sau khi cuộc đời kết thúc, chứ đừng khoác lác với những ảo tưởng giàu sang vì không ai được coi là hạnh phúc cho tới khi được chết bình yên.

Nhiều người đến Athens tìm cuộc sống mới vì họ không chịu nổi cuộc đời khổ cực trên mảnh đất cằn cỗi Attica (vùng đất đồi núi ở phía Nam bán đảo Hy Lạp). Nhưng nếu không có hàng hoá để bán thì người dân Athens không thể tự nuôi sống bản thân mình. Vì vậy, những người thợ thủ công rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của thành phố. Solon ban hành một đạo luật quy định rằng, người con trai không được bỏ nghề của cha trừ khi cha dạy con học nghề khác. Ông cũng quy định hằng năm, mọi người đều phải báo cáo xem họ kiếm sống như thế nào. Bất cứ ai vô công rồi nghề đều bị trừng phạt.

Những đạo luật do Solon công bố đều được viết trên những tấm bảng lớn. Mọi công dân hàng đầu của đất nước phải công khai thề nguyền trung thành với các đạo luật này. Nhưng đến lúc này, suốt ngày Solon bị dân chúng bao vây đòi giải thích một điều khoản nào đó, hoặc than phiền quy định gây hại cho họ. Solon quyết định rời khỏi Athens một thời gian để không bị quấy rầy và để dân chúng quen với việc chấp hành luật. Ông vượt biển sang Ai Cập năm 590 TCN.

Những thầy tế của Ai Cập kể cho Solon câu chuyện cổ về lục địa Atlantic từng biến mất. Solon dịch câu chuyện này thành bài thơ tiếng Hy Lạp, nghĩ rằng câu chuyện này rất hữu ích với người dân quê ông.

Vua Croesus vùng Sardis, người giàu nhất thế giới khi đó, mời Solon đến thăm lâu đài của mình. Khi Solon đến, trên bậc thềm vào lâu đài, ông nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc vô cùng sang trọng và được một đoàn nô lệ và chiến binh hộ tống. Ông tưởng đó là Croesus nhưng thực ra chỉ là một viên quan nhỏ trong triều. Khi đi qua lâu đài, Solon nhìn thấy nhiều viên quan khác cũng ăn mặc sang trọng như vậy. Cuối cùng, Solon được đưa vào phòng của nhà vua. Tại đó, Croesus ăn mặc những bộ quần áo xa hoa, lộng lẫy nhất và đeo trang sức vô cùng quý giá.

Cảnh nguy nga, lộng lẫy này từng làm nhiều người sợ hãi nhưng không làm Solon loá mắt. Vua Croesus ra lệnh mở mọi kho báu cho Solon biết nhà vua có nhiều lụa là, châu báu đến thế nào. Solon lịch sự xem mọi thứ rồi quay lại gặp nhà vua. Croesus nói: “Solon, ngươi đã bao giờ nhìn thấy người nào giàu có hơn Croesus chưa?”.

Solon trả lời: “Có, thưa ngài. Tôi đã thấy. Đó là Tellus, công dân của Athens. Ông là người trung thực và tốt bụng nhất, người đã để lại những đứa con được chăm sóc và giáo dục chu đáo với một bản di chúc cao thượng. Ông đã sống để nhìn thấy đứa cháu nội của mình rồi chết vinh quang trong cuộc đấu tranh cho tổ quốc”.

Câu trả lời này làm Croesus tức giận. Nhưng Solon xoa dịu nhà vua: “Thưa nhà vua vĩ đại xứ Lydia, những vị thần chỉ ban cho người Hy Lạp chúng tôi vài ân huệ nhỏ bé. Sự khôn ngoan của chúng tôi chẳng đáng kể gì so với với một người vĩ đại như ngài. Chúng tôi coi cuộc đời con người có quá nhiều thay đổi, với nhiều tai hoạ bất ngờ có thể xảy ra. Vì vậy, chúng tôi không thể coi bất kỳ ai là thành công khi chưa thấy ông ta chết một cách thanh thản và hạnh phúc. Mọi tài sản của ông ta không bị đụng đến. Mặt khác, chúng tôi buộc phải nói người này là thành công trong khi nhiều điều vẫn có thể xảy ra thì chẳng khác gì những chiến binh ăn mừng chiến thắng trước khi trận đánh kết thúc”. Solon đã cứu được tính mạng mình nhờ chính lời nói đó.

Tình cờ Solon gặp Aesop, tác giả của những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng, người cũng từng được mời tới lâu đài của Croesus. Aesop nói: “Ta không nên gặp những kẻ kiêu ngạo. Nhưng nếu gặp, ta phải cố làm chúng vui lòng”. Nhưng Solon đáp: “Ta không nên gặp những kẻ kiêu ngạo. Nhưng nếu gặp, ta phải nói cho chúng nghe sự thật”.

Về sau, vua Croesus bị vua Cyrus của Ba Tư đánh bại. Croesus mất vương quốc, bị bắt làm tù binh rồi bị trói vào cọc chuẩn bị đem thiêu sống. Khi đó, Croesus gọi tên Solon ba lần. Vua Cyrus rất ngạc nhiên nên yêu cầu ngừng thiêu và hỏi Croesus rằng, Solon là người hay thần. Croesus trả lời: “Ông ta là một trong những người khôn ngoan nhất Hy Lạp, người từng được tôi mời tới lâu đài, không phải vì tôi muốn học điều gì, mà để ông ta thấy của cải khổng lồ của tôi. Solon nhận ra sự giàu có ngu dốt và biết trước nỗi bất hạnh này của tôi. Ông ta đã cảnh báo rằng, chỉ nên đánh giá con người sau khi cuộc đời kết thúc, chứ đừng khoác lác với những ảo tưởng giàu sang vì không ai được coi là hạnh phúc cho tới khi được chết bình yên”. Cyrus thấy chuyện này thể hiện trí tuệ của Solon nên tha cho Croesus và giữ lại làm cố vấn. Như thế, lời nói của Solon đã cứu được một vị vua và dạy bảo một vị vua khác.

Khi Solon đi vắng, ba phe phái (Núi Đồi, Đồng Bằng, Bờ Biển) bắt đầu xung đột. Mặc dầu họ tuân theo luật pháp của Solon nhưng mỗi phe lại mưu cầu lợi ích riêng. Khi trở về Athens, Solon đã quá già để giữ một chức vụ quan trọng, nhưng ông gặp riêng các nhà lãnh đạo và cố gắng hoà giải những thù oán bè phái.

Pisistratus, lãnh tụ của người nghèo, cầm đầu phe Núi Đồi, được hầu hết mọi người ủng hộ. Pisistratus nói năng rất khôn khéo và đầy mưu mô. Ông ta lừa dối người nghèo và cả Solon già nua. Thậm chí, Solon từng nói rằng, ông sẽ phát hiện ra ngay nếu trong đầu Pisistratus xuất hiện một chút tham vọng và không có người công dân nào tốt hơn ông ta.

Một ngày nọ, Pisistratus dính đầy máu chạy tới quảng trường trong bộ dạng vô cùng thảm hại. Ông ta nói với dân chúng rằng, kẻ thù của họ - người giàu - đã đánh đập ông chỉ vì ông muốn cứu giúp người nghèo. Một trong những kẻ ủng hộ ông ta đề nghị cử ngay 50 chiến binh bảo vệ con người nghĩa hiệp đã đấu tranh bảo vệ nhân dân này. Solon biết rõ mánh khoé của người đó, nhưng người nghèo kiên quyết ban thưởng cho Pisistratus, còn người giàu sợ hãi không dám chống lại.

Solon nói với người Athens rằng, về cá nhân, họ là những người khôn ngoan. Nhưng về tập thể, họ chỉ là một đám đông ngốc nghếch. Với lời từ biệt đó, Solon bỏ đi và nói rằng, ông khôn ngoan hơn một vài người và dũng cảm hơn những người khác, những kẻ hiểu rõ chuyện này mà không dám công khai chống lại tiên bạo chúa đang âm mưu giành quyền lực.

Không ai nghi ngờ Pisistratus khi hắn tập hợp hơn 50 chiến binh quanh mình. Không ai hiểu âm mưu của Pisistratus cho tới ngày hắn chiếm giữ mọi pháo đài rồi tự phong vua (năm 561 TCN). Những người giàu phải trốn khỏi Athens. Solon lúc này đã rất già và rất yếu. Dù không ai dám ủng hộ nhưng ông đi tới chợ, trách mắng người Athens quá khiếp sợ Pisistratus và băng đảng của hắn nên đang đánh mất tự do của mình. Ông nói: “Trước đây, các bạn có thể dễ dàng chặn đứng nền độc tài này. Nhưng bây giờ, các bạn cũng sẽ giành được vinh quang cao cả hơn nhiều nếu diệt trừ mọi gốc rễ của nó”.

Nhưng người Athens chẳng nghe theo nên Solon trở về nhà, viết những bài thơ cay đắng. Bạn bè khuyên ông nên rời khỏi Athens, hay ít nhất là đừng công khai chỉ trích làm Pisistratus tức giận. Họ hỏi, vì sao ông nghĩ mình an toàn để dũng cảm nói ra chuyện của tên bạo chúa. Solon trả lời: “Vì tuổi già của ta”.

Tuy nhiên, Pisistratus vẫn rất kính trọng Solon và tiếp tục nhờ ông chỉ bảo. Pisistratus giữ lại hầu hết các bộ luật của Solon, thậm chí bản thân ông ta cũng tuân theo những quy tắc này

Lycurgus - cha đẻ của thành Sparta 

Lycurgus đã thiết lập sự hài hoà, tính bình dị và sức mạnh cho thành bang Sparta (khoảng năm 800 TCN). Ông đã thuần hoá lứa thanh niên của mình thông qua hệ thống giáo dục, nhằm phát triển khả năng lãnh đạo, lòng can đảm, tinh thần cộng đồng và kiến thức của người dân.

Lycurgus là hậu duệ đời thứ 11 của Hercules, là hoàng tử thứ hai của một trong hai hoàng tộc Sparta (thành bang Hy Lạp nổi tiếng nhất, trên bán đảo Peloponnesus). Khi cha và anh của ông qua đời, Lycurgus được thừa hưởng vương quốc. Nhưng người anh trai của ông để lại một người vợ còn đang mang thai. Nếu bà sinh con trai thì cậu bé này sẽ là người thừa kế hợp pháp. Người chị dâu tới gặp Lycurgus, đề nghị sẽ giết đứa bé trong bụng nếu Lycurgus đồng ý cưới và cho bà ta làm hoàng hậu. Lycurgus vờ đồng ý, đồng thời thuyết phục bà ta đừng phá thai vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng mà hãy chờ cho tới khi đứa bé ra đời. Nhưng Lycurgus nghiêm khắc ra lệnh rằng, phải mang đứa trẻ đến cho ông ngay khi nó được sinh ra.

Một ngày kia, khi Lycurgus đang dự tiệc với các quan toà Sparta, người ta đưa đến cho ông một cậu bé mới sinh. Ông bế cậu bé lên tay và nói: “Hỡi những người dân thành Sparta, đây là vị vua mới vừa được sinh ra”. Rồi ông đặt cậu bé xuống một nơi trang nghiêm, đặt tên là Charilaus, có nghĩa là “niềm hân hoan của dân chúng”.

Dân chúng Sparta ca ngợi sự cao thượng của người dám dễ dàng từ bỏ mọi quyền tối cao vì tôn trọng sự công bằng. Vì điều này, Lycurgus dễ dàng cai trị dân Sparta với tư cách là nhiếp chính vương và là người bảo trợ của Charilaus. Tuy nhiên, mẹ của vị vua nhỏ này và họ hàng của bà ta lại ghen tỵ và căm thù Lycurgus. Một trong những tội họ vu cho ông là đã mưu giết Charilaus.

Cuối cùng, Lycurgus quyết định rằng, cách duy nhất ông có thể tránh được tai họa nếu có chuyện gì đó không hay xảy ra cho vị vua trẻ là cần phải đi xa, cho tới khi Charilaus lớn lên và sinh được một người con trai đảm bảo ngôi báu được kế thừa. Ông từ bỏ mọi chức tước và tới sống tại đảo Crete.

Tại đây, Lycurgus gặp Thales, một nhà thơ kiếm sống bằng nghề ca hát trong những bữa đại tiệc. Nhưng thực ra, ông lại là một người thuyết giáo trí tuệ. Những bài hát của Thales thuyết phục con người sống tốt đẹp và đối xử với nhau như anh em. Ông ca ngợi những người tốt bụng và cuộc sống hạnh phúc họ đang hưởng thụ. Lucurgus thuyết phục Thales mang những bài hát đó tới Sparta, nhằm chuẩn bị cho dân chúng một cách sống mới mà ông định tiến hành.

Lycurgus đã nghiên cứu rất cẩn thận những hình mẫu chính quyền ở Crete nhằm tìm ra những bài học bổ ích cho Sparta. Ông cũng đến thăm Ionia (một thành bang nhỏ bên bờ Địa Trung Hải, nay ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ) và Crete tìm sự khác biệt giữa những người Ionia nhân hậu và người Crete nghiêm khắc, như bác sĩ tìm sự khác biệt giữa người ốm và người khoẻ.

Tại Ionia, Lycurgus tìm thấy những tác phẩm bất tử của Homer. Lycurgus liền dịch những đoạn thơ này, hy vọng những bài học về đức hạnh cho những người lãnh đạo đất nước trong các bản anh hùng ca đó sẽ được biết đến rộng rãi.

Người Ai Cập nói rằng, Lycurgus từng đến thăm họ, và ông học từ người Ai Cập ý tưởng tách binh lính khỏi người hầu. Điều này mang lại sự tinh tế và vẻ đẹp cho xã hội Sparta.

Một thời gian sau khi Lycurgus bỏ đi, người dân Sparta viết thư cầu xin ông trở về. Họ thú nhận rằng chỉ có Lycurgus mới thực sự là vua trong trái tim họ, dù có người khác đội vương miện và thừa kế ngai vàng. Lycurgus là người thực sự có uy quyền tối cao, một nhà lãnh đạo bẩm sinh, có khả năng quy phục dân chúng. Thậm chí những vị vua Sparta cũng muốn Lycurgus trở về, vì chỉ có ông mới có thể bảo vệ họ khỏi sự nổi loạn của dân chúng.

Lycurgus quyết định rằng, Sparta phải có những thay đổi cơ bản. Khi trở về, ông không chỉ sửa đổi pháp luật mà còn sửa cả lối suy nghĩ của người dân.

Trước hết, ông đến đền Delphi cầu xin lời chỉ dẫn của các vị thần. Bà đồng nói với Lycurgus rằng, các vị thần đã nghe thấy lời cầu nguyện của ông và thành bang áp dụng những đạo luật của Lycurgus sẽ trở thành nổi tiếng nhất thế giới. Với sự xác nhận này, những người lãnh đạo của Sparta hoàn toàn ủng hộ Lycurgus.

Ông bắt đầu phổ biến việc cải cách cho những người bạn thân thiết nhất, rồi những người này lan truyền kế hoạch đó cho những người bạn của họ. Khi mọi việc trở nên chín muồi, sáng sớm một ngày kia, 30 người cầm vũ khí đi tới quảng trường. Lúc đầu, vua Charilaus nghĩ rằng họ muốn giết mình. Nhà vua chạy trốn tới một ngôi đền vì người Hy Lạp cổ đại cho rằng, giết người đang trốn ở đền thờ là bất kính với thần linh. Nhưng cuối cùng, nhà vua biết rằng, họ chỉ muốn đảm bảo sẽ không có ai chống lại cải cách của Lycurgus thì nhà vua cũng tham gia với họ.

Cải cách đầu tiên của Lycurgus là lập viện Nguyên lão, gồm 28 người, có quyền lực ngang hàng với hai hoàng tộc Sparta. Dân chúng có quyền bỏ phiếu những vấn đề quan trọng, nhưng viện Nguyên lão quyết định khi nào bỏ phiếu. Plato nhận xét: “Viện Nguyên lão làm dịu bớt và hạn chế tính nóng nảy và hung hăng của hai nhà vua”. Trước đó, Sparta dao động giữa hai thái cực: dân chủ quá trớn và chính sách chuyên quyền, giữa sự vô chính phủ và chế độ độc tài. Với việc lập viện Nguyên lão, cả hai thái cực này được hạn chế, chính quyền trở nên ổn định, dân chúng và những nhà lãnh đạo đều tôn trọng nhau.

Sau đó, Lycurgus tiếp tục sửa đổi thể chế chính quyền Sparta. Thực tế, một vài người thường phát biểu trước công chúng hay dùng các thủ đoạn lôi kéo và dụ dỗ, vận đông dân chúng bỏ phiếu cho họ. Vì vậy, viện Nguyên lão có quyền giải tán đại hội dân chúng nếu họ thấy điều này xảy ra.

130 năm sau khi Lycurgus qua đời, một hội đồng gồm 5 giám quan giành lấy quyền của hai nhà vua. Khi vua Theopompus (chức giám quan được thiết trong triều đại của ông) bị người vợ than phiền rằng, ông để lại cho con trai ít quyền lợi hơn những gì ông được thừa hưởng, ông đã trả lời: “Quyền lực thực ra là lớn hơn, vì nền cai trị sẽ tồn tại lâu dài hơn”. Dân chúng cũng bớt căm ghét nhà vua hơn.

Sau khi lập viện Nguyên lão, Lycurgus đưa vấn đề sở hữu ruộng đất ra bàn bạc. Vào thời gian này, có sự bất bình đẳng rất lớn giữa những người Sparta. Hầu hết số của cải và ruộng đất tập trung trong tay một số ít người, còn đa số dân chúng sống nghèo khổ và bất hạnh. Kiêu ngạo và ganh tị, xa hoa và tội ác có ở khắp nơi vì sự bất bình đẳng này. Lycurgus tiến hành chia lại ruộng đất, khiến phẩm giá chứ không phải tiền bạc trở thành thước đo duy nhất về địa vị con người.

Lycurgus dự định xoá bỏ mọi sự bất bình đẳng về tài sản cũng như địa vị, nhưng ông nhận thấy nếu công khai tiến hành thì quá khó khăn. Đó là lý do ông phải thi hành bằng biện pháp gián tiếp. Giải pháp của ông là ngăn cấm việc sở hữu vàng bạc và chỉ cho phép lưu hành các đồng tiền làm bằng sắt. Những đồng tiền bằng sắt của Sparta được ngâm trong dấm, trở nên giòn và vô giá trị. Những nhà buôn chê loại tiền này vì nó chẳng có giá trị gì, nên việc nhập khẩu những hàng xa xỉ buộc phải chấm dứt. Ngay lập tức, nạn ăn cướp và hối lộ biến mất khỏi Sparta.

Trong luật pháp của Lycurgus, biện pháp chống lại lòng tham tiền là người dân phải ăn tại các bếp ăn tập thể, khiến có tiền cũng không mua được thức ăn ngon. Vì người giàu cũng không được ăn ở nhà nên không có cách nào cho họ tiêu xài và phô trương của cải. Giới nhà giàu bất bình. Họ tụ tập lại, dùng những lời nói giận dữ và gạch đá buộc Lycurgus phải bỏ chạy. Một thanh niên tên là Alcander đuổi kịp và chọc gậy làm mù một mắt ông. Những người khác đuổi kịp, thấy mặt ông đầy máu. Hổ thẹn vì những gì Alcander đã làm, họ giao người này cho ông trừng phạt. Nhưng Lycurgus chỉ cảm ơn họ rồi đưa Alcander về làm người hầu. Alcander được chứng kiến ông làm việc siêng năng và tử tế như thế nào. Từ một kẻ thù, Alcander trở nên ngưỡng mộ rồi thân thiết với ông. Anh nói với họ hàng rằng Lycurgus không xấu như họ nghĩ, mà thật ra là một người tốt bụng nhất trần gian.

Lycurgus muốn pháp luật của mình được dân chúng kính trọng như những lời tiên tri của ngôi đền Delphi. Dân chúng gọi những đạo luật của ông là rhetra. Một rhetra được ban hành nghĩa là bộ luật đó không cần phải viết ra vì chúng ăn sâu vào tâm trí những người dân Sparta thông qua giáo dục.

Đối với việc buôn bán, Lycurgus không muốn quy định các điều khoản cụ thể vì ông muốn để quan toà phán xử trong từng trường hợp còn hơn là quy định cứng nhắc

Lycurgus không muốn Sparta chiếm đóng và cai trị những thành bang khác. Ông quan niệm rằng, hạnh phúc của một dân tộc, cũng như của một con người, cốt ở việc thể hiện đạo đức và sự khôn ngoan chứ không bằng sức mạnh hay của cải. Pháp luật của ông giúp người Sparta sống điềm đạm, tự do và đáng tin.

Người Sparta được dạy cách nói ngắn gọn và súc tích. Trẻ con học thói quen im lặng, để cuối cùng khi nói ra thì những lời đó đều có trọng lượng và được mọi người chú ý.

Có lần, một người Athens đùa rằng những người làm trò nuốt gươm thích dùng gươm Sparta vì nó quá ngắn. Một người Sparta bèn trả lời: “Nhưng chúng tôi thấy nó đủ dài để đâm sâu vào tim kẻ thù”.

Đây là câu chuyện về chính Lycurgus: Một người đàn ông đòi Sparta phải thiết lập nền dân chủ. Lycurgus đã trả lời: “Hãy bắt đầu với gia đình ngươi trước”. Một người khác đòi lễ vật cho các vị thần phải hậu hĩnh hơn. Lycurgus liền nói: “Vì ít như vậy nên chúng ta sẽ luôn có đồ để dâng lên họ”. Khi có người hỏi Lycurgus làm sao người Sparta có thể ngăn chặn cuộc xâm lược của kẻ thù, ông nói: “Bằng cách tiếp tục sống nghèo khổ và đừng mong muốn giàu hơn người khác”. Với những người muốn xây một bức tường quanh Sparta, Lycurgus nói: “Một bức tường thành bằng các chiến binh chứ không phải bằng gạch là cách tốt nhất”.

Trong việc giáo dục của người Sparta, âm nhạc cũng là một phần quan trọng như việc tập nói chuyện. Người Sparta học những bài hát thúc giục họ khát khao hành động. Khi trận đánh diễn ra, họ hát vang và tiến về phía kẻ thù. Họ bình tĩnh và hiên hang bước vào cuộc chiến đấu, hoàn toàn tin rằng họ đã được các vị thần ban cho điều tốt lành. Tác dụng của âm nhạc đối với cảm xúc được sử dụng ở Sparta nhiều hơn bất cứ nơi nào khác.

Với người Sparta, cuộc chiến tranh thực sự chỉ là một kỳ nghỉ so với quá trình luyện tập nghiêm ngặt của họ. Chiến tranh là khoảng thời gian duy nhất họ được phép nới lỏng kỷ luật và được mặc đẹp. Họ đặc biệt quan tâm chăm sóc mái tóc dài vì Lycurgus cho rằng, tóc dài làm tăng vẻ đẹp cho những gương mặt đẹp và làm cho những bộ mặt thô kệch càng thêm xấu xí.

Đặc ân lớn nhất của các chiến binh là được phép ngồi gần vua. Những vị trí gần nhất chỉ dành cho những người chiến thắng trong các cuộc thi Olympic. Chính Lycurgus là một bậc thầy về võ nghệ. Ông cũng góp phần tổ chức những cuộc thi đấu Olympic và trong thời gian thi, không có cuộc chiến tranh nào được tiến hành.

Lycurgus ban hành pháp luật quy định rằng, người Sparta không được tiến hành chiến tranh thường xuyên hoặc kéo dài với cùng một kẻ thù, vì sợ họ sẽ học được mưu mẹo của người Sparta. Sau này, vua Agesilauss đã vi phạm quy định này khi liên tục gây chiến với người Thebes, cuối cùng thất bại thảm hại.

Ngay khi vàng bạc bị cấm ở Sparta, thì những vụ kiện tụng cũng biến mất. Bình đẳng và tinh thần tự lập đã thay cho lòng tham và sự đói nghèo. Họ bình đẳng vì tất cả cùng sống trong ngôi nhà đơn sơ và cùng ăn trong những bàn ăn công cộng. Người Sparta dành thời gian cho âm nhạc, nhảy múa, săn bắn, luyện tập võ nghệ hay tới những nơi công công chuyện trò.

Vì lao động đã do nô lệ đảm nhận nên người Sparta có nhiều thời gian nhàn rỗi. Luật pháp ngăn cấm những nghề “vô tích sự” nên chẳng ai bận tâm tới việc buôn bán. Trong một quốc gia, nơi chẳng ai coi trọng sự giàu có thì chỉ có cách tiêu khiển là giết thời gian. Thậm chí, những người dưới 30 tuổi còn không được phép tới chợ. Nếu người già đến đây quá thường xuyên cũng bị coi thường.

Đi chơi các thành bang khác hay việc người nước ngoài tới thăm đều bị cấm ở Sparta vì Lycurgus sợ rằng những ý tưởng ngoại lai và các hàng hoá xa xỉ sẽ trở thành nạn dịch và những thói hư tật xấu sẽ tiêm nhiễm vào thành phố. Lucurgus dạy công dân của ông không thể sống cô lập mà cũng không muốn sống cô lập. Không ai được phép sống theo ao ước của chính mình. Thành phố giống như một trại lính và ai cũng có nhiệm vụ. Lòng nhiệt tình và khao khát cống hiến cho cộng đồng làm cho việc ganh đua vào các chức vụ trong chính quyền trở nên trong sáng và lành mạnh.

Để được bầu chọn vào Viện Nguyên lão, người đàn ông phải trên 60 tuổi. Những vị nguyên lão này có nhiệm kỳ suốt đời. Ngoài ra còn có một hội đồng gồm 300 người và từ đó, hàng năm bầu chọn một uỷ ban gồm 5 giám sát để điều hành chính phủ. Nhiệm kỳ của các giám quan chỉ là 1 năm và họ không được bầu lại.

Khi thấy pháp luật của mình đã ăn sâu bén rễ vào tâm trí người Sparta, Lycurgus liền triệu tập tất cả dân chúng tới và nói với họ rằng, tuy mọi việc đã rất tốt đẹp, nhưng còn một việc nữa, quan trọng nhất, cần phải làm. Song ông không thể nói cho họ đó là điều gì, trước khi ông xin được lời tiên tri ở đền Delphi một lần nữa. Trước khi lên đường đến đền, Lycurgus bắt nhà vua, Viện Nguyên lão và dân chúng Sparta phải thề nguyện là tuyên theo pháp luật của ông mà không được thay đổi bất cứ điều gì, cho tới khi ông quay về.

Lúc này, Lycusgus đã đến cái tuổi mà sức khoẻ ông dù còn khá tốt nhưng nếu chết đi thì cũng không ân hận gì. Sau khi rời Sparta, ông tuyệt thực rồi lặng lẽ biến mất, khiến người Sparta mãi mãi bị ràng buộc với lời thề giữ nguyên mọi điều ông để lại cho họ.

Trong suốt 500 năm sau, Sparta vẫn giữ nguyên pháp luật của Lycurgus và trở thành thành bang mạnh nhất, nổi tiếng nhất trong số các thành bang Hy Lạp. Nhưng cuối cùng, vàng bạc dần dần thâm nhập vào, theo đó là mọi tội lỗi nảy sinh từ lòng tham tiền bạc. Thống chế, đô đốc thuỷ quân Lysander phải chịu trách nhiệm về điều này, vì đã mang về những chiến lợi phẩm xa hoa từ những cuộc chiến tranh. Tuy bản thân không phải là người xấu, nhưng Lysander đã làm Sparta lây nhiễm lòng tham và sự xa hoa nên đã phá hỏng luật pháp của Lycurgus

Theseus - người phiêu lưu thành Athens

Theseus trấn áp tội phạm và đưa người dân Attica sát cánh bên nhau trong nền dân chủ đầu tiên. Chàng cứu trẻ em Athens thoát khỏi nanh vuốt quái vật Minotaur, nhưng việc chàng bắt cóc nữ hoàng của người Amazon đã gây bao phiền toái và rồi cuối cùng chàng phải lìa đời trong đau khổ.

Khoảng năm 1300 TCN, vua Aegeus có con với Aethra, con gái của nhà thông thái Pittheus. Vị vua để lại cho cô gái trẻ một thanh gươm và một đôi giày, đặt dưới một tảng đá lớn. Ông dặn, nếu nàng sinh con trai và đứa bé nâng được hòn đá đó, thanh gươm và đôi giày sẽ thuộc về nó. Khi đó, Aethra phải cho đứa bé đến gặp cha ở Athens. Ông cũng ra lệnh cho Aethra phải giữ bí mật điều này vì không muốn con mình trở thành nạn nhân của 50 đứa cháu của ông, những kẻ đang nhăm nhe quyền thừa kế.

Aethra sinh hạ một cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Theseus. Pittheus tuyên bố, cháu ngoại mình là con của thần biển Poseidon. Ông nuôi dạy đứa cháu thành một chàng trai khỏe mạnh, có lòng quả cảm và trí thông minh phi thường.

Khi thấy đã đến lúc cần làm theo lời dặn của Aegeus, Aethra dẫn Theseus đến chỗ tảng đá nọ và cho chàng biết cha chàng là ai. Theseus dễ dàng nhấc bổng tảng đá, lấy được thanh gươm và đôi giày Aegeus để lại. Rồi thay vì đường biển an toàn và thuận lợi, chàng chọn đường bộ tới Athens.

Thời đó, đường từ Peloponnesus tới Athens đầy rẫy kẻ cướp. Pittheus kể cho cháu mình biết mọi đặc điểm sức mạnh và cách giết người của bọn cướp đang đợi chàng trên đường. Tấm gương của người anh họ Hercules khiến Theseus càng thêm can đảm. Chàng không muốn mang trả thanh kiếm cho cha mà nó không nhuốm máu bọn xấu, không chứng tỏ được dòng máu cao quý đang chảy trong người chàng bằng những chiến công vinh quang.

Gã côn đồ đầu tiên Theseus gặp là tên cướp Periphetes, biệt danh “Kẻ mang chùy gỗ”. Theseus hạ y trong một cuộc đấu rồi lấy luôn cây chùy gỗ làm vũ khí. Hercules từng khoác bộ da sư tử trên vai như bằng chứng chàng đã hạ con thú lớn, còn Theseus dùng cây chùy gỗ nổi tiếng của Periphetes cũng có mục đích tương tự. Cho đến trước ghi gặp Theseus, Periphetes là kẻ bất khả chiến bại.

Tiếp tục đi qua vùng Isthmus xứ Corinth, Theseus gặp Sinnis, kẻ được mệnh danh là “Kẻ vặn cây thông” vì cách hắn hành hình nạn nhân là uốn cong hai cây thông rồi trói chân tay họ vào đó. Vì lực uốn nên khi hai cây thông bung ra, các nạn nhân sẽ bị xé rách đôi người. Theseus cũng bắt tên này phải chết như thế.

Trên đường đi, Theseus còn gặp Phaea - “con lợn cái xứ Crommyon”, Sciron - kẻ chuyên giết người miền duyên hải Megara và Cercyon - tên khổng lồ hung bạo

Theseus đến Athens đúng lúc thành phố đang hỗn loạn, chia rẽ năm bè bảy mối. Cung điện của Aegeus đang náo động vì sự có mặt của Medea, kẻ từng nhẫn tâm giết chết hai người con trai của mình. Medea từ Corinth trốn sang Athens, hứa với Aegeus là sẽ dùng phép phù thủy để cầu cho ông có một người con trai. Aegeus không biết Theseus là ai, nhưng Medea hiểu rằng, Theseus sẽ xóa sạch mọi ảnh hưởng của mụ. Mụ thuyết phục Aegeus già nua và đa nghi rằng, cần chào đón vị anh hùng này tới Athens bằng một chén thuốc độc.

Theseus muốn cha tự phát hiện ra mình nên tại bữa tiệc, anh dùng thanh gươm để xẻ thịt. Nhận ra thanh gươm, Aegeus đổ ngay chén thuốc độc đi. Hỏi chuyện Theseus xong, ông triệu tập toàn dân Athens, giới thiệu với họ rằng Theseus là người thừa kế vương quốc Attica (có trung tâm là thành phố Athens). Tin tức về những chiến công trong cuộc phiêu lưu của Theseus đã bay đến Athens trước khi chàng đến nên dân chúng rất mừng khi có một hoàng tử như vậy.

Pallas và 50 người con trai thấy hy vọng giành quyền kế vị ngai vàng đã chấm dứt nên dấy binh chống Aegeus. Một nhóm tiến vào hoàng cung, nhóm khác phục kích Theseus. Theseus giết sạch bọn chúng và khi biết tin, Pallas và những đứa con sống sót chỉ biết chạy tan tác nhằm thoát thân.

Đến lúc này, khi đã giành được ngôi vị cho mình, Theseus không muốn sống an nhàn tại nhà. Chàng tới Marathon, nơi một con bò đực khổng lồ đang gây tang tóc cho người dân.Theseus bắt sống được con bò này, đưa về cho người dân Athens xem rồi đưa tới Delphi hiến tế cho thần Apollo.

Không lâu sau, có người từ Crete tới lấy đồ cống nạp mà Athens cứ 9 năm phải nộp một lần, gồm 7 cô gái và 7 chàng trai. Sở dĩ họ phải nộp là vì khi xưa, Androgeus, con trai cả của vua Minos xứ Crete bị giết khi là khách của Aegeus ở Attica. Minos gây hấn báo thù, và ngoài những tàn phá do quân Minos gây ra ở Athens, các vị thần còn gây hạn hán, nạn đói và bệnh dịch để trừng phạt thành phố. Nhà tiên tri ở đền Delphi nói với người Athens rằng, phải xoa dịu cơn thịnh nộ của Minos thì mọi thống khổ mới chấm dứt. Vậy là người Athens lập tức cầu hoà. Minos đòi cứ 9 năm một lần, Athens phải cống nạp 7 chàng trai và 7 cô gái cho Crete.

Đây là lần thứ 3 Crete đến đòi đồ cống nạp và dân chúng Athens cảm thấy vô cùng đau xót. Tất cả những người có con ở tuổi thiếu niên đều phải rút thăm xem ai phải cống nạp con mình. Người Athens ta thán và bất bình, vì Aegeus là người gây nỗi khổ cho họ lại không phải rút thăm. Như thế nghĩa là, người Athens chính gốc phải hy sinh con mình để một đứa con hoang ngoại quốc kế thừa ngai vàng.

Thấu hiểu sự bất bình này, Theseus liền tình nguyện là một trong những người chịu cống nạp. Mọi người ca ngợi hành động cao đẹp này, còn nước mắt của vua cha không lay chuyển được ý chí của chàng trai.

Thường thì tàu đưa các nạn nhân sang Crete kéo buồm đen, nhưng lần này Aegeus cho kéo buồm trắng và lệnh cho các thuỷ thủ dùng buồm trắng khi tàu trở về, nếu Theseus làm được những gì chàng quả quyết: giết Minotaur, con quái vật nửa người nửa bò nhốt trong mê cung, chuyên ăn thịt những người làm vật cống nạp

Khi tàu đến Crete, Ariadne, con gái của vua Minos đã đem lòng yêu Theseus ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ariadne cho Theseus một cuộn chỉ để đánh dấu đường đi trong mê cung. Theseus giết chết Minotaur rồi dẫn mọi người trốn thoát. Nàng Ariadne cũng bỏ trốn theo Theseus.

Khi tàu của Theseus về gần đến Attica, người dân trên bờ lại thấy cánh buồm đen, vì mọi người trên tàu quá sung sướng mà quên kéo buồm trắng. Nhìn thấy cánh buồm đen, vua Aegeus tưởng đó là dấu hiệu báo người con trai đã chết nên ông nhảy xuống vách đá bên bờ biển tự tử.

Sau khi cha chết, Theseus lên làm vua. Chàng tiếp tục kêu gọi dân Attica về sống quần tụ ở một thành phố vì trước đo, họ tản mát đi các nơi. Theseus giải quyết những tranh chấp của dân chúng, thuyết phục họ sống hoà thuận dưới sự cai quản của chính quyền trung ương. Người dân nghèo hăng hái ủng hộ thể chế mới do chàng lập nên. Theseus cũng giành được sự hợp tác của những người có quyền lực, bằng cách hứa hẹn sẽ chấm dứt chế độ quân chủ, thực thi nền dân chủ, trong đó nhà vua chỉ là tổng tư lệnh và là người bảo vệ pháp luật.

Nhiều người còn dè dặt, e sợ quyền lực và nghi ngờ quyết tâm của Theseus nên họ muốn chàng chứng tỏ lời nói bằng hành động. Theseus liền huỷ bỏ hệ thống toà án và chính quyền địa phương, biến Athens thành cơ quan cai trị duy nhất. Rồi như đã hứa, chàng từ bỏ quyền lực vương giả của mình.

Aristole kể rằng, Theseus là nhà vua đầu tiên tự nguyện tạo dựng nền dân chủ. Để tìm hiểu về tương lai của thể chế chính trị do mình tạo ra, Theseus đã đến xin lời tiên tri ở ngôi đền Delphi và được trả lời như sau: “Nhiều thành phố sẽ phải chấm dứt sự tồn tại và bị điên đảo bởi thành phố của nhà vua. Do vậy, xin đừng tuyệt vọng. Chiếc thuyền sẽ vượt qua cơn biến động”.

Để mở rộng thành phố, Theseus mời gọi người nước ngoài tới sinh sống và cho họ hưởng những quyền lợi như người bản địa. Để duy trì trật tự, chàng chia dân chúng thành 3 giai tầng riêng biệt, mỗi giai tầng có bổn phận và đặc ân riêng. Ba giai tầng này là quý tộc, nông dân và thợ thủ công.

Giới quý tộc chịu trách nhiệm cai quản tôn giáo và pháp luật, bao gồm cả việc bầu chọn các quan toà. Nông dân trở nên giàu có hơn, thợ thủ công đông đúc hơn, quý tộc có uy tín hơn nên giữa các tầng lớp ở Athens có sự cân bằng quyền lực.

Sau đó, Theseus tổ chức đại hội thể thao Isthmus để tôn vinh thần Poseidon, giống như Hercules tổ chức Đại hội Olimpic tôn vinh thần Zeus. Rồi chàng đi tới biển Đen thăm thú vùng đất của người Amazon. Khi thấy bóng tàu Theseus cùng các thủy thủ, những người phụ nữ tràn đầy sức sống mang quà ra đón mừng. Theseus mời nữ hoàng của họ là nàng Antiope lên tàu và giương buồm đi luôn. Thế là chiến tranh giữa Athens và Amazon bắt đầu.

Sau một chuyến viễn chinh, các nữ binh Amazon đã chinh phục toàn bộ con đường dẫn tới thành Athens. Một trận đánh ác liệt đẫm máu đã kết thúc bất phân thắng bại, tiếp theo là cuộc bao vây kéo dài suốt 4 tháng. Cuối cùng, hai bên ký hoà ước và người Amazon rút về. Nhiều ngôi mộ của người Amazon và các di tích khác chứng tỏ cuộc xâm lăng đã thực sự diễn ra.

Trong khi Theseus đi ngao du xa nhà, một trong những quý tộc Athens là Menestheus giở trò lấy lòng số đông, gây bất ổn ở Athens. Với giới quý tộc, y nói rằng Theseus đã cướp mắt quyền lực họ vốn có ở đất nước này, rồi cướp đi quyền tự do ngôn luận và biến họ thành nô lệ. Còn với người nghèo, y nói rằng Theseus không phải là dân gốc Athens và “kẻ ngoại bang” này chỉ dùng tự do như miếng mồi ngon để sai khiến họ.

Trong khi Menestheus đang tiêm nhiễm những ý nghĩ đó vào đầu óc người dân Athens thì đội quân Sparta kéo đến đòi nàng Helen xinh đẹp và Theseus đã cướp đi trong thời gian du ngoạn. Người Athens đáp rằng, họ không biết nàng Helen ở đâu nên người Sparta chuẩn bị đánh thành.

Menestheus thuyết phục dân Athen mở cổng thành và đón người Sparta như bè bạn, bởi họ chỉ hiềm thù với Theseus mà thôi. Không biết bằng cách nào mà người Sparta biết rằng nàng Helen đang ở Aphidnae với mẹ của Theseus. Sau một trận đánh, họ giành lại nàng, đồng thời bắt mẹ của Theseus làm nô lệ cho Helen.

Trở lại Athens, Theseus thấy mọi sự đã đổi thay. Đầu óc dân chúng tha hoá đến mức họ dễ bị lừa phỉnh bằng những lời đường mật, a dua theo kẻ xấu. Những thù hằn phe phái mới nảy sinh bị bọn mị dân kích động đã phá hỏng mọi uy quyền của Theseus. Những người trước đây từng chống lại Theseus thì giờ đây, ngoài lòng căm ghét, còn có cả sự khinh thường đối với ông.

Cuối cùng, khi thấy không thể khôi phục lại được uy quyền, Theseus nguyền rủa người Athens rồi giương buồm tới hòn đảo Scyros trên biển Aegea, nơi sau này ông qua đời. Menestheus dễ dàng lên ngôi vua Athens. Lúc đó, không ai thèm quan tâm đến cái chết của Theseus.

Sau trận Marathon mà Athens đánh bại quân Ba Tư xâm lược (năm 490 TCN), nhiều chiến binh quả quyết họ đã nhìn thấy Theseus dẫn họ xung trận. Lời sấm truyền ở ngôi đền Delphi ra lệnh cho dân chúng phải đem hài cốt Theseus về quê hương, mai táng trọng thể trong thành phố. Nhưng lúc đó, những cư dân thù địch Scyros ngăn không cho người Athens tìm thấy nơi chôn cất thi hài Theseus. Nhiều năm sau, khi Cimon chiếm được Scyros, chàng thấy một con đại bàng quặp vuốt trên một bãi đất. Theo linh tính, chàng cho đào bãi đất đó để tìm xác Theseus. Cimon tìm thấy một chiếc quan tài đựng hài cốt một người đàn ông to lớn lạ thường, cùng một thanh gươm và một ngọn giáo bằng đồng. Cimon đem những thứ đó lên thuyền rồi mang về Athens.

Dân chúng Athens tổ chức đám rước linh đình và lễ hiến tế trọng thể, như thể người sáng lập Athens vẫn còn sống trở về. Họ mai táng Theseus tại trung tâm thành phố Athens. Ngôi mộ của ông trở thành nơi thiêng liêng cho những nô lệ và người nghèo trốn tránh bạo lực và kẻ độc tài. Đây là nơi tưởng nhớ Theseus, người luôn che chở cho kẻ yếu và giúp đỡ những người gặp khó khăn

Ngôi đền của vua Solomon

Vị hoàng đế vĩ đại cho xây dựng ngôi đền thiêng “Beit ha-Midkask” ở Jerusalem trong thời gian tại vị. Cha ông, vua David đã muốn xây dựng một công trình như vậy để đặt chiếc rương thánh chứa 10 điều răn của Chúa trời nhưng không thực hiện được.

Đức Chúa không cho phép David xây đền thờ. Người nói: “Con không được xây nhà để thờ ta vì con là người của những cuộc chinh chiến và gây đổ máu”.

Theo Kinh thánh, ngôi đền do Solomon xây dựng cao 17 m, trần dài 55 m, rộng 23 m. Đỉnh của ngôi đền cách mặt đất 63 m. Ngọn nến trước cửa ngôi đền dài hơn 9 m, cao 55 m. Solomon yêu cầu vua Hiram của Tyre mang tới rất nhiều cây tuyết tùng làm cột, khai thác khối lượng lớn đá ở mỏ và ra lệnh phải chôn nhiều đá dưới móng đền. Để hoàn thành công trình, ông cũng huy động rất nhiều lao động ở các ngành nghề, mỗi người phải làm trong một tháng. 3.300 quan lại được chỉ định giám sát công trình. Sau khi xây xong, Solomon nợ nhiều tới mức ông phải cắt 12 thị trấn ở Galilee cho vua Hiram.

Lễ khánh thành ngôi đền được tổ chức vô cùng trang trọng với lễ cầu nguyện và vật hiến tế. Solomon còn mời cả những người không theo đạo Do thái tới dự và cầu nguyện. Ông cầu xin Chúa ban phước lành cho chúng sinh: “Để tất cả mọi người trên trái đất đều biết đến tên và kính trọng Người. Họ sẽ thừa nhận tên tuổi của Người gắn liền với tên tuổi ngôi nhà con dành riêng cho Người”.

Cho tới 400 năm sau, trước khi bị người Babylon phá huỷ (586 TCN), ngôi đền vẫn thường xuyên là nơi hiến tế cho Chúa trời. 70 năm sau, ngôi đền thứ hai được xây dựng trên nền đất cũ và lễ hiến tế lại tiếp tục. Ngôi đền này bị quân đội La Mã phá huỷ năm 70.

Trong điện thờ, căn phòng quan trọng nhất lại hầu như không có vật trang trí nào. Được coi là “thánh địa của miền đất thánh” (Kodesh Kodashim), đây là nơi lưu giữ hai tấm khắc 10 lời răn của Chúa. Đáng tiếc là chúng đã biến mất khi quân Babylon phá huỷ ngôi đền. Đến thời kỳ của ngôi đền thứ hai, “thánh địa của miền đất thánh” chỉ là một căn phòng nhỏ hoàn toàn trống không. Mỗi năm một lần, vào ngày lễ Yom Kippur, một vị cao tăng sẽ vào phòng, cầu Chúa ban phước cho Israel. Ngày nay, người Do thái cầu nguyện ba lần một ngày trong ngôi đền mới được xây dựng lại.

Chín ngày làm Nữ hoàng

Jane Grey là quân tốt trên bàn cờ chính trị nước Anh thế kỷ 16. Công tước Northumberland đưa cô lên làm Nữ hoàng vì không muốn Công chúa Mary Tudor, một người theo Thiên chúa giáo, kế vị.

Jane Grey (1537-1554) là chắt của vua Henry VII. Mẹ cô là công chúa Frances Brandon. Năm 1551, cha cô được phong tước Công tước xứ Suffolk và cô trở thành gương mặt quen thuộc tại triều đình. Quyền lực thực sự của nước Anh nằm trong tay Công tước Northumberland, quan nhiếp chính của vua Edward VI trẻ tuổi. Tháng 5/1553, Jane kết hôn với Huân tước Guildford Dudley, con trai của quan nhiếp chính.

Vua Edward đau ốm triền miên và có thể băng hà bất cứ lúc nào. Công tước Northumberland không chấp nhận người kế vị ngai vàng nước Anh là hai chị gái cùng cha khác mẹ của Edward, Mary và Elizabeth, vì họ theo Thiên chúa giáo. Ông buộc phải nghĩ ra người thay thế.

Chính Công tước Northumberland, một người sùng đạo Tin lành, và Jane, con dâu của ông, là những ứng cử viên hàng đầu có thể ngồi vào ngai vàng nước Anh. Ông ép nhà vua phải tuyên bố Mary và Elizabeth Tudor là con hoang, tước quyền kế vị của họ và chuyển giao vương miện cho Jane.Cô gái trẻ gần như ngất xỉu khi nghe tin mình sẽ trở thành Nữ hoàng Anh.

Vua Edward qua đời ngày 6/7/1553. Năm ngày sau, Jane đăng quang. Tuy nhiên, Mary Tudor được sự ủng hộ của phần lớn quan lại trong triều. Để đảm bảo cho tước hiệu của mình, ngày 19/7, Công tước Suffolk buộc phải lên tiếng ủng hộ Mary lên ngôi. Ông thuyết phục con gái mình thoái vị.

Nữ hoàng Mary vừa đăng quang đã nhốt ngay Jane và cha cô vào Tháp London. Công tước Sufforlk được ân xá nhưng Jane bị buộc tội phản quốc và bị chém đầu. Chồng cô cũng lên máy chém hai ngày sau đó. Cuộc đảo chính của Công tước Northumberland bất thành và Jane chỉ được làm Nữ hoàng 9 ngày.

Charles I - vị vua được "thượng đế gia miện"

Đại đế Charles là vua đời thứ hai của vương triều Carolingians của nước Frank. Ông là một nhà chính trị, một nhà quân sự kiệt xuất đầy uy nghi. Charles xuất thân trong gia tộc Arnulf, một gia tộc có địa vị và quyền lực cao tại nước Frank, nay hình thành nên 3 nước Italy, Đức, Pháp.

Ngày 25/12 năm 800, buổi lễ Misa đang được cử hành tại nhà thờ lớn Saint Peter ở La Mã nhân dịp lễ Giáng Sinh. Ánh nến lung linh trên bàn thờ tỏa sáng lên pho tượng Chúa với gương mặt bình thản an lành. Nếu so với ánh sáng rực rỡ tươi vui ở bên ngoài thì gian phòng hình vuông dài bên trong ngôi nhà thờ có phần ảm đạm hơn, nhưng cũng vì thế trở nên trang nghiêm long trọng hơn.

Tiếng thánh ca dìu dặt, tiếng thánh thi lâng lâng. Qua ánh nến lờ mờ, mọi người trông thấy một vị Đế Vương có thân hình vạm vỡ đang nhìn thẳng vào tượng Chúa khấn vái một cách thành khẩn. Chung quanh đó, đông đảo những tai mắt thuộc hàng giáo phẩm cũng như người thế tục, đứng thành hàng với y phục sang trọng, sắc mặt trang nghiêm.

Khi vị Đế Vương làm lễ xong và đang từ từ đứng lên, thì Giáo hoàng La Mã Leo III bỗng đi nhanh về phía trước, hai tay lấy một vương miện bằng vàng, trang trọng đội lên đầu cho vị đế vương. Giáo hoàng Leo III lớn tiếng tuyên bố:

- Thượng đế gia miện cho Hoàng đế Charles! Chúc vị Hoàng Đế vĩ đại đã mang đến hòa bình cho người La Mã sống lâu trăm tuổi, vĩnh viễn giành được thắng lợi.

Giữa bầu không khí vốn đang phẳng lặng trong gian phòng lớn bỗng nổi lên tiếng hô như sấm dậy, kéo dài không dứt.

- Sinh mệnh và thắng lợi vĩnh viễn thuộc về vị Hoàng Đế vĩ đại vừa tiếp nhận vương miện!

Do mọi việc xảy ra quá đột ngột, vị Đế Vương chừng như không có sự chuẩn bị tinh thần trước, nên đã tỏ ra bối rối một lúc lâu mà vẫn chưa giữ bình tĩnh được.

Vị Hoàng Đế “được Thượng đế gia miện” đó chính là vua Charles I (768-814) của nước Frank mà tên tuổi được lưu truyền vĩnh viễn trong sử sách, được mọi người gọi là Charlemagne, có nghĩa là Đại đế Charles.

Kể từ khi đế quốc Tây La Mã bị sụp đổ hồi năm 476, đất nước này sau khi trải qua mấy trăm năm chia cắt xáo trộn, tại Tây Âu đã xuất hiện một vị hoàng đế mới, có vũ lực mạnh mẽ trong tay. Tất nhiên, vị hoàng đế này được mọi người xem là người thừa kế của đế quốc La Mã tại Tây Âu.

Từ thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ bảy sau công nguyên, Frank không phải là một quốc gia cường thịnh, nội bộ luôn chia rẽ và xung đột. Vương quốc này trên thực tế đã hình thành ba vương quốc độc lập là Austraisia, Nuestria và Burgudy. Giữa ba quốc gia này luôn bùng nổ những cuộc chiến tranh chống đối nhau không bao giờ chấm dứt. Vương quyền Merovingians hoàn toàn bất lực không làm được gì. Sau khi bước vào thời kỳ Roisfaineants (639-751 SCN) viên Cung tướng đang chấp chưởng mọi sự vụ tại cung đình, đã nắm hết thực quyền của quốc gia, và có khuynh hướng ép nhà vua để ra lệnh cho mọi người theo ý mình. Gia tộc Arnulf nắm giữ chức vụ Cung Tướng và đã truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác.

Năm 687, viên Cung tướng Heristal của Australia là Pepin (680-714) lên cầm quyền. Trong trận đánh nhau tại Tertry, ông đã đánh bại Nuestria, chấm dứt mọi cuộc nội chiến, xây dựng lại một quốc gia thống nhất, và trở thành vị Cung tướng lớn nhất có quyền lực lớn nhất nước. Vị Cung Tướng nổi tiếng một thời này chính là ông cố của đại đế Charles.

Đến ông nội của Charles là Charles Martel (có nghĩa là Charles Búa Sắt) lại tiếp tục giữ chức Cung Tướng (714-741) và quốc gia lại lâm vào thế nguy hiểm cả bên trong lẫn bên ngoài. Vào năm 732, Charles Martel trong chiến dịch Poitiers đã đánh thảm bại người Ảrập, người Tây Ban Nha xâm, chặn đứng thế tiến sâu vào Tây Âu của họ. Đồng thời, ông lại thực thi việc cải cách nổi tiếng về chế độ thái ấp, ức chế thế lực của các đại quí tộc, xây dựng chế độ đẳng cấp phong kiến lấy mối quan hệ ruộng đất làm mối quan hệ chủ yếu.

Cha của đại đế Charles là Pepin Lùn sau khi lên nối ngôi (741-751) thì quyền lực của Cung Tướng càng mạnh hơn. Năm 751 SCN, ông dứt khoát truất phế nhà vua cuối cùng của vương triều Merovingians chỉ là một nhà vua hữu danh vô thực, trực tiếp xưng vương để thay thế cho vương triều này (751-768), mở đầu vương triều Carolingians.

Từ lịch sử phát tích qua các vị tổ tiên của đại đế Charles cho thấy, gia tộc này thật ra đã nắm quyền bính của nước Frank từ lâu, cho nên việc thay đổi danh xưng triều đại chẳng qua là một sự hợp thức hóa tất nhiên mà thôi

Tại sao Van Gogh tự sát?

Van Gogh là đại biểu kiệt xuất của nền văn nghệ hội họa hiện đại phương Tây. Cuộc đời ông đã trải qua nhiều long đong, lận đận. Ông tự sát vào ngày 29/6/1890, khi mới 36 tuổi. Nhưng cái chết của họa sĩ này đến nay vẫn gây ra nhiều nghi vấn, các nhà khoa họa đã đưa ra những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất là suy đoán của giới y học và giới hóa học. Căn cứ vào những hoạt động thường ngày và bệnh tật sinh lý của ông, họ cho rằng: Một vài thói quen bất thường của Van Gogh đã gây tổn hại đến hệ thần kinh. Cuối cùng mất dần đi sự khống chế mà tự sát.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tinh thần thất thường của danh họa là do nguyên nhân xã hội gây ra. Có người nói, ông cảm thấy xấu hổ và nhục nhã, sợ sệt bởi bệnh tật bản thân. Theo một số tư liệu lịch sử thì trước khi chết, ông đã mắc bệnh giang mai, bệnh thong manh cũng rất nghiêm trọng mà đối với ông, thị lực là quan trọng nhất.

Cũng có nhiều các nghệ sĩ tìm nguyên nhân cái chết về mặt tư tưởng. Họ cho rằng, cuộc đời ông trải qua nhiều dằn vặt. Ông bị vùi dập, lưu lạc khắp nơi, từng làm nhiều nghề, ông hiểu sâu sắc nỗi khổ của người dân lao động, hy vọng bản thân có thể giải thoát cho họ bằng chính sức lực của mình. Khi làm đạo sĩ truyền giáo, ông đã tiếp tế tiền và vật phẩm cho những người dân nghèo. Nhưng hiện thực tàn khốc đã khiến ngọn lửa nhiệt tình hết lần này đến lần khác bị dập tắt. Sinh thời, chỉ bán được hai bức tranh nên ông phải dựa vào nguồn viện trợ của em trai để duy trì cuộc sống. Hiện thực vô tình đã đánh mạnh thần kinh vốn đã yếu đuối, khiến ông hoàn toàn sụp đổ nên Van Gogh mới chọn cách tự sát để từ bỏ cõi đời nghiệt ngã đã không mang lại cho ông một chút niềm vui và sự ấm áp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#nta