Hạ Tuế Thiên 2014 - Ảo Cảnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đã mất một thời gian dài để tìm một nơi tuyệt đối yên tĩnh.

Cửa tiệm của tôi thì không được rồi, mặc dù cho đến bây giờ tuy khách đến vẫn chẳng được mấy người, nhưng chung quy lại thì một ngày cũng có tới mấy lần bị quấy rầy, chưa kể là Vương Minh đi vào hỏi chuyện, hay là lại có người làm nào ghé đến hỏi han này nọ. Nhà tôi cũng không được, âm thanh xe cộ từ lầu dưới sẽ ảnh hưởng tới thứ mà tôi đang xem xét.

Về sau, tôi tìm được một trạm biến áp nhỏ đã bị bỏ hoang ở khu vực núi Bảo Thạch gần vùng Hoàng Long. Trạm biến áp này ở trên đỉnh núi, còn có một con đường đất nhỏ dẫn lên đó, bởi vì đã bỏ hoang rất lâu rồi nên con đường này cũng đã mọc đầy cỏ dại. Nếu như không phải là loại người cố chấp như tôi đây thì chắc khó mà tìm được nơi này.

Phong cảnh trên đỉnh núi rất đẹp, nhìn xuống có thể thấy thấy được toàn bộ Tây Hồ và khuôn viên đại học Ngọc Tuyền. Khi mùa xuân đến, có cơn  gió dễ chịu thổi tới, anh sẽ cảm thấy tất cả mọi chuyện cứ như vậy thì thật là tuyệt vời. Nếu như sương mù có thể nhạt đi một chút, sẽ càng nhìn rõ ánh mặt trời ấm áp, như vậy tâm tình của con người ta cũng sẽ lập tức tốt lên.

Tôi không thể mua được căn phòng nhỏ bị bỏ hoang này, nhưng tôi có thể mượn nó dùng tạm. Tôi chuyển một cái ghế gấp Ikea đến đây, đặt nó ở trước một khung cửa sổ có ánh mặt trời chiếu tới, thêm một cái chăn nhỏ, và một rổ đồ uống có ga.

Uống quá nhiều loại đồ uống này sẽ khiến tôi mắc bệnh loãng xương, nhưng có vẻ như chỉ có thứ thức uống này mới có thể làm dịu đi nỗi thống khổ về sau của tôi.

Tôi khóa chặt cổng sắt ở lối vào lại bằng dây xích sắt to bằng hai ngón tay. Tôi không sợ có người lại dám trèo vào đây, bản thân những bức tường ở nơi này đều đã mọc đầy cỏ dại, trong cỏ dại lại toàn là mảnh thủy tinh sắc nhọn, bên trong còn cuốn cả dây thép gai đã rỉ sét nữa.

Những thứ đó tôi cũng đem theo người. Hắc Hạt Tử nói phần lớn thông tin đều là ảo giác, giống hệt như một loại nấm Vân Nam nào đó, độc tố của sinh vật này có thể tạo ra ảo giác rất mạnh. Thông tin bên trong nó có thật sự tồn tại hay không thì còn tùy thuộc vào sự sắp xếp từng phần trong não tôi, không có cách nào có thể xác thực được. Chỉ có người có sức kháng cự được lại đối với loại độc tố kia, không ngừng thử nghiệm, thì mới có thể kiểm nghiệm được tác dụng của nó.

Tôi thường đến căn phòng nhỏ này vào lúc một giờ chiều, ngửi mùi nấm mốc ở đây, đợi đến khi mặt trời đã sưởi cho tôi ấm lên, tôi mới lấy một cái ống nghiệm nhỏ chứa dịch thể ra, rồi nhỏ vào lỗ mũi mình.

Lúc đầu chính là cảm giác đau đớn như thiêu như đốt ở trong khoang mũi, tôi bắt đầu chảy máu mũi, tiếp đó là tê dại từ trong mũi lan ra đến cả khuôn mặt, lan đến tận trong não của tôi, cổ cũng bắt đầu tê liệt, sau đó cảm giác trên cơ thể bắt đầu biến mất, trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện đủ các loại cảnh tượng.

“Các vị hảo hán, thôn trang phía trước là chỗ của Hắc Di tộc. Mấy người tất ma* kia sống ở phía sau sơn trại được bao quanh bởi tộc Hắc Di, đó là một cái thung lũng xung quanh đều đã được quây lại, lối vào duy nhất cũng đã hàng rào của tộc Hắc Di chặn lại. Muốn gặp được mấy người tất ma đó, chỉ e là chúng ta phải chiếm được lòng tin của những người đứng đầu trong tộc Hắc Di.” Trước mặt tôi có một người đang nói.

Đây là một đội người ngựa, chúng tôi đang ở trên một con thuyền, không, có lẽ là một cái bè trúc. Tôi nhìn thấy Muộn Du Bình ở ngay trước mặt tôi, đang dựa vào một đống hành lý. Bên cạnh đều là người lạ mặt, có khoảng chục người.

Xung quanh hình như là vừa có mưa, trong không khí tràn ngập mùi mưa đặc trưng của vùng núi phía nam Xuyên Tây, một dòng sông rất lớn đang chảy ngay dưới chân chúng tôi. Nước có màu vàng, chứa đầy bùn cát.

Đây chính là sông Kim Sa, núi ở hai bên hệt như vách đá, nhưng lại không hề giống loại vách đá cằn cỗi, mà còn có cây cối cao ngất trời dọc trên sườn núi, thế nhưng theo dọc bờ sông thì lại chẳng có lấy một ngọn cỏ.

Dòng nước chảy xiết, người vừa mới nói lấy một cái tẩu thuốc ra, tiếp tục nói:

“Lần này chúng ta đóng giả người buôn thảo dược, phải nhớ kỹ khi xuống tay phải thật hào phóng, tuyệt đối đừng tiếc một phân một hào nào. Người dân ở đây vẫn còn chưa được khai hóa, chú ý thân phận của mình, dù thế nào cũng không được có bất cứ hành động bất kính nào hết. Toàn bộ đao kiếm đều chôn trên đường vào trại đi, vũ khí thì cứ đi vào trại rồi mua mới để tránh người ta nghi ngờ.”

Ở bên cạnh còn có một người nhỏ con, có lẽ cũng chỉ khoảng mười bảy mười tám tuổi, là một thanh niên người Di, dùng tiếng Di nói một câu, sau đó mới giải thích:

“Khi có người muốn đụng vào các người, nhớ kỹ phải nói câu này, may ra có thể giữ được mạng sống. Phải nhớ chúng ta vào trại chỉ là để gặp tất ma hỏi cho rõ việc kia thôi, nếu làm tổn thương người trong tộc của tôi, tôi cũng sẽ không tha cho các người đâu.”

—–

*Tất ma: thầy tu của dân tộc Di, thường có kiến thức rất rộng, thực hiện các nghi thức cúng bái, dạy học, và những hoạt động quan trọng khác trong văn hóa dân tộc.
.
Thiếu niên người Di nói xong, bên cạnh có người liền cười lạnh đáp lời:

“Cậu bây giờ còn giả bộ làm người tốt cơ đấy? Khi cậu chém cha cậu bị thương, rồi chạy khỏi thôn, sao không nghĩ đến việc hạ thủ nhẹ tay một chút đi.”

Người vừa nói là một tên Công Tử Ca* ngồi ở mé ngoài cùng của bè trúc, mặt không có lấy một tia huyết sắc, người thì gầy nhẳng, mặc áo sơ mi trắng, túi ở ngực áo có cài một cây bút máy, đeo một cặp kính mắt, nhìn qua có vẻ giống như thành phần trí thức điển hình của những năm 70-80 vậy. Thế nhưng tôi lại chú ý thấy ngón giữa và ngón trỏ bàn tay phải của hắn cực kỳ dài.

Bàn tay thiếu niên người Di kia nắm chặt lấy đao của mình, cậu ta lạnh lùng nhìn Công Tử Ca, Công Tử Ca cũng không hề tỏ ra yếu thế.

Người đang hút thuốc thở ra một ngụm khói, dùng đầu tẩu thuốc đẩy bàn tay đang nắm đao của thiếu niên người Di:

“Trên bè trúc dùng đao không giải quyết được vấn đề đâu.”

Vừa dứt lời, bỗng nhiên toàn bộ cái bè trúc chợt chấn động một chút, giống như vừa va vào thứ gì đó dưới đáy nước. Một ít hành lý bị văng xuống nước, mấy người này động tác đều vô cùng nhanh, vươn tay chụp lại được hết ngay lúc chúng còn đang ở trên không. Có một cái rương bằng da bị sẩy tay rơi xuống sông Kim Sa, lập tức bị cuốn đi rất xa, liền thấy trong nhóm người có một cái móc câu gắn liền với dây xích mỏng được quăng ra, móc vào tay cầm của cái rương rồi trực tiếp kéo về. Trong lúc mọi người ổn định lại, ai nấy đều đã bị nước văng đầy một mặt.

“Đẩy bè cái kiểu gì đấy?”

Thiếu niên người Di nhân thể xả giận, muốn mắng người đang chống thuyền.

Ở phía đầu bè có một người vạm vỡ như núi đang đứng, đầu cũng chẳng thèm quay lại, chỉ lạnh nhạt nói:

“Tự mình nhìn xuống nước đi.”

Tất cả mọi người quay đầu nhìn xuống sông Kim Sa, chỉ thấy nước sông ở chỗ này biến thành giống hệt như một dải sa tanh, từng khúc từng khúc, có khúc toàn là cát bùn tạo thành một màu vàng kim, có khúc lại là màu vàng đục,khúc thì lại trong như nước từ trên núi tuyết, cả mặt sông giống như một khối đá quý được cẩn vân đá, đồng thời lại giống như một lớp đá khổng lồ tầng tầng lưu động.

“Trong nước có suối ngầm, nước từ con suối đang phun mạnh ra ngoài.”

Người vạm vỡ kia nói,

“Nhìn vào dòng suối xem, có vật gì đó.”

Mọi người cúi người qua thành bè, nhìn một cách kinh ngạc, một dòng nước trong suốt phun ra từ dòng suối như rẽ đôi sông Kim Sa, thật không ngờ lại có thể quan sát rõ ràng dòng nước trong suốt này dưới tình trạng của sông Kim Sa. Những con suối đó rất lớn, mỗi cái đều to cỡ con trâu nước, hình thành những con mắt khổng lồ rất sâu trong lòng nước. Dọc lòng sông, đáy nước thế mà lại giống hệt như một cái tổ ong.

“Những con suối này thông đến đâu?” Công Tử Ca đưa mắt hỏi.

Người vạm vỡ đáp:

“Theo truyền thuyết của dân bản địa, những dòng suối này sâu không đáy. Cứ mỗi mấy trăm năm, khi sông Kim Sa lại cạn nước, những cái động này liền lộ ra trên mặt nước, sâu không thấy đáy, người bản địa ném bò cừu với đồng nữ vào tế bái, sau khi rơi xuống thì một chút tiếng động cũng không có. Sau đó vào thời nhà Thanh, có người dùng cát đá đổ vào, đổ trong vòng một tháng mà vẫn chưa thấy đầy. Sâu không thấy đáy. Có truyền thuyết lại nói có người từng chui vào, khi dây thừng xuống được sáu mươi mét thì thấy trên vách đá được điêu khắc ác quỷ cùng hắc kinh, không dám xuống tiếp nữa.”

Trong lúc nói chuyện thì những dòng suối dưới bè trúc của chúng tôi đã bắt đầu thưa dần, khu vực kì quái này hình như chỉ tập trung ở một đoạn dài chừng hai ba cây số mà thôi.

Tôi thấy Công Tử Ca đã bắt đầu quan sát thế núi bốn phía xung quanh, ánh mắt hệt như đang phát sáng rực rỡ, tất cả mọi người đều mang vẻ mặt kiềm nén hưng phấn.

“Trong nước lại có dòng nước phun ra, thủy lưu rất mạnh, mấy cái động này chắc chắn là nối đến hồ lớn trong núi hoặc sông ngầm dưới lòng đất.”

Công Tử Ca nói:

“Dòng nước trong suốt lại lạnh buốt, không mùi không vị.”

Hắn cúi đầu vốc nước, ngẩng đầu lên uống một ngụm.

“Hơi chát.”

Hắn lấy bình nước ra múc nửa bình, lộ ra nụ cười giảo hoạt.

Vị lúc nãy trong nhóm ném móc câu lấy lại đồ không thèm để ý, nhổ một ngụm nước bọt xuống sông, nói:

“Chú ý sườn núi.”

Mọi người ngẩng đầu, liền thấy trên sườn núi bắt đầu xuất hiện rất nhiều nhà sàn trong cái thôn với hàng rào chung quanh, lại không nhìn thấy ai, nhưng ngay khi chúng tôi vừa đi qua hàng rào, từ chỗ nào không biêt trong hẻm núi bắt đầu vọng ra tiếng tù và.

“Nhớ lời tôi nói đấy.”

Thanh niên người Di lạnh lùng nói, lắng nghe tiếng tù và bắt đầu từng trận từng trận truyền đến từ cuối thung lũng.

—–

Chú thích: *Công Tử Ca – dùng để chỉ người bảnh bao/quý tộc/ăn chơi; ngoài ra còn là một nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc. Chân thành cảm ơn góp ý của June trong định nghĩa từ này.
.
Dứt lời, toàn bộ người trên bè đều trở nên yên lặng, tay mỗi người đều nắm chặt lấy vũ khí của mình, ánh mắt hướng về phía những đồn gác treo trên hai bên vách đá của khe núi. Những căn nhà này có kiến trúc đơn giản được xây bằng gỗ đá cheo leo trên vách núi, từ trên cao nhìn xuống, đối với chúng tôi đang ở trên dòng sông trong khe núi đây thì vô cùng có sức uy hiếp. Tiếng tù và du dương dần dần trở nên yên lặng, chúng tôi cũng biết là tin tức chúng tôi đi vào khe núi đã không còn là bí mật nữa rồi.

Sau khi đi vào khu vực này rồi, tốc độ chảy của nước sông trở nên chậm lại, mặt nước cũng từ từ rộng ra, tôi phát hiện ở trên vách núi chằng chịt một thứ dây leo như tu căn*, xoắn vào bề mặt các bụi cây và đá, có một ít còn lan theo vách đá mọc ngược nữa (tức là phần đỉnh vách đá nhô ra nhiều hơn so với phần chân, giống hệt mái hiên vậy). Treo ngược xuống, thô thì như cành đa, nhỏ cũng chả khác tu căn là bao, từng dây từng dây thực vật nhỏ bé ký sinh lẫn lộn vào nhau.

Đây chính là vật liệu mà dân tộc thiểu số cổ đại dùng làm đằng giáp, dùng để bện dây thừng vô cùng chắc, tôi biết người bản địa gọi nó là dây ngô công**.

Rất nhanh tôi liền thấy được sợi dây bện từ loại dây leo này treo ngang qua khoảng không giữa vách đá. Đây chính là cây cầu duy nhất thông qua khe núi của người ở đây trong suốt mấy trăm năm–một sợi dây thừng dày bằng bàn tay. Chỗ này có lẽ là trại lớn, tôi còn có thể thấy được còn có ba sợi dây cổ ở các độ cao khác nhau ở phía xa.

Bện một sợi dây thừng, cứ mỗi mười thước thì cần tới ba tháng, mỗi một sợi dây ở đây tựa hồ như đã được bện từng lớp từng lớp một trong mấy năm liền, nhúng ngập trong mỡ bò bên trên lại quấn bao da, so với dây thép còn chắc chắn hơn nhiều.

Ánh mắt của mọi người đều không ngừng quét qua hai đầu sợi dây, ngay cả Muộn Du Bình cũng đã mở mắt. Họ đều là những tay lão luyện, họ biết quan sát bây giờ về sau còn có thể cứu mạng.

Tôi nhân cơ hội này mà nhìn quần áo và hai tay của mình.

Đây là kí ức của ai, tôi cần phải làm rõ.

Tôi nhìn thấy hành lý của mình, là một cái rương bằng mây, bên hông có đeo một khẩu súng nước ngoài, là một loại súng đánh lửa cơ***, nặng trịch, đã được nén đầy thuốc súng và đạn. Cái rương mây cao đến đầu gối, lại nhìn đôi ủng của mình, tôi ý thức được mình là đàn ông, vậy thì cái rương kia là đã đủ dùng rồi.

Đôi ủng này đã khá cũ rồi, là kiểu thiết kế Tây phương, trên mặt được vá lại, miệng ủng được xà cạp quấn kín lại. Tôi thầm nghĩ mình chắc không phải là người nước ngoài đấy chứ, ngẩng đầu lên thì thấy trên ngón cái của mình có đeo một chiếc nhẫn mã não. Ngón tay nứt nẻ đen thui, dính đầy một loại dầu gì đó, nhìn màu da tay tôi mới yên tâm lại–vẫn còn là người da vàng. Vết nứt trên ngón tay có lẽ có liên quan đến mấy việc tôi làm, độ dài của ngón tay cũng rất bình thường. Việc này ít nhiều gì cũng có chút khiến người ta thất vọng.

Chiếc bè đi qua một sợi dây mây, anh bạn dùng móc câu kia liền hỏi:

“Bao nhiêu bộ?”

“Từ lúc đi vào thung lũng nghe thấy tiếng tù và rồi đến cây cầu bằng dây mây đầu tiên tổng cộng là hai ngàn bốn trăm bộ. Cây cầu dây mây đầu tiên thì dài bảy trăm bộ.”

Phần tử trí thức mặc áo trắng trả lời.

“Làm thế nào mà đi qua được cây cầu bằng dây mây này?”

“Treo trên dây rồi trượt, trên sợi mây toàn là dầu, đến khỉ cũng chả đứng nổi.”

Thiếu niên người Di có vẻ hết sức căng thẳng, kéo búi tóc của mình xuống.

“Cái dây thứ nhất này được gọi là dây treo đầu, bình thường không dùng tới, chỉ khi trong bộ lạc có chiến tranh hay trong tộc có người phạm trọng tội, đầu người mới bị treo trên sợi dây này. Người ra vào thung lũng đều có thể nhìn thấy. Nếu chúng ta làm không xong việc, đầu của mọi người cũng sẽ được treo trên cái dây đó đấy.”

“Đúng là điềm xui, hay là để bà đây đến tối đốt phứt sợi dây này đi.”

Trong đám người có một giọng nữ lên tiếng. Tôi tìm đến nơi phát ra tiếng nói thì thấy một người phụ nữ tóc ngắn mặc quần áo người Di, đang ngồi ở cuối thuyền. Người phụ nữ này da hơi đen, nhưng ánh mắt rất quyến rũ, tuổi cũng không còn nhỏ nữa, ước chừng khoảng ba bảy ba tám tuổi rồi. Thế mà vẫn còn giữ nguyên vẻ mặt kiểu thiếu nữ. Không phải nói là cô ta không dễ nhìn, mà là đã một thân già chín nẫu ra rồi lại vẫn còn mang vẻ mặt ngây thơ kia, nhìn vào thật sự rất đồng bóng.

Cô ta không phải người Di, ngũ quan trên khuôn mặt là điển hình của người Hán, bộ quần áo này có lẽ là chỉ mặc bây giờ thôi. Tôi chú ý nhìn tay cô ta, vô cùng mềm mại, không giống một người lao động chân tay chút nào.

“Con điếm chết tiệt, đũng quần ông cũng trơn lắm đây này, tối nay đến đốt sợi dây của ông trước đi.”

Anh bạn dùng móc câu khanh khách cười toáng lên. Người phụ nữ chẳng thèm để ý chút nào mà dùng chân chỉ về phía hộp đao của Muộn Du Bình:

“Cái sợi dây già khô queo đấy của ông thì giữ lại cho mẹ ông đốt đi, bà đây thích chồi non mới mọc cơ.”

Muộn Du Bình nhìn cô ta một cái, không thèm để ý, phần tử trí thức mặc áo trắng bên cạnh liền cười khinh bỉ. Tiếp đó tôi liền cảm thấy bàn tay của cô ta từ sau lưng tiến vào trong quần tôi:

“Chỉ cần là chồi non mới mọc, mấy cái cũng được, bà cô ta sẽ qua hầu hạ. Vị tiểu quan nhân này, đũng quần cậu làm sao mà lại mát thế, không phải là bà cô nói mấy câu đã phát tiết rồi đấy chứ.”

Vừa nói xong, người phụ nữ đó liền kêu lên một tiếng, rút phắt tay về.

“Rắn!”

Liền cảm thấy trong đũng quần có vật chuyển động, theo eo tôi mà bò thẳng lên tay áo, từ tay áo tôi mà bò ra là một con rắn nhỏ đỏ như máu, cuộn lại trên tay tôi. Lần đầu tiên tôi mở miệng nói, nghe được giọng của bản thân:

“Đừng động vào tôi.”

——

*Tu căn: rễ cây rất nhỏ

**Ngô công: con rết

***Súng đánh lửa cơ: kiểu súng đời cũ, dùng đá lửa để châm thuốc súng
.
Một đường trôi thẳng đến chỗ sâu trong khe núi, trại ở hai bên càng ngày càng nhiều, mà không biết làm sao cả đường đi lại chẳng thấy một ai, chỉ có tiếng tù và trầm muộn theo suốt chặng đường. Điều này không khỏi khiến tôi cảm thấy toàn bộ cái sơn cốc phát ra đầy địch ý. Không biết là có cung nỏ gì đang bí mật nhắm vào nhóm chúng tôi không nữa đây.

Nhưng mà điều này cũng có chút vô lý, cho dù trong bộ lạc có phân tranh đi nữa, cũng không đến mức căng thẳng như thế này chứ, chúng tôi lại chỉ có vài người thế này mà cả trại phải cảnh giác thì có chút không hợp với lẽ thường.

Cứ yên lặng trôi được một lúc, phía trước bỗng xuất hiện một cổng nước hình hổ màu đen. Cái cổng này là dùng một tảng đá khổng lồ điêu khắc đầu hổ rồi đặt trong dòng nước, độ cao không đồng đều, hệt như đá ngầm. Khu vực này chỉ dài một dặm, lại chỉ có duy nhất một con đường có thể đi qua, cần phải có người bản địa dẫn đường. Việc này là để đề phòng thuyền trưởng của bộ lạc khác lái thẳng xuống phía dưới, dễ dàng đến thẳng được khu trung tâm của thôn.

Phía trước cổng nước có một căn thủy trại đứng trong nước, áp sát vào một bên khe núi, có thể nhìn thấy dưới nước toàn là đá lởm chởm, có lẽ là đá lở từ trên vách đá rơi xuống chất đống ở đáy khe núi. Cây cột chống thủy trại được chẹt cứng trong đống đá ấy, còn trại thì lộ ra cách mặt nước tầm hai mét. Có một chiếc bè dừng lại bên dưới thủy trại, cây cột chống thủy trại đứng trong nước thì treo đầy giỏ mây, hình như là đặc sản của nơi này, tới khi họp chợ thì những chiếc giỏ mây này sẽ được chuyển đến để đổi lấy thuốc súng và thuốc phiện với người Hán. Có thể thấy tảng đá màu đen trên vách núi đá phía trước thủy trại đã được điêu khắc thành một cái đầu hổ đáng sợ, một nửa ở dưới nước, một nửa trên mặt nước. Đây chắc là đồ đằng hổ đen đặc trưng của người Hắc Di bản địa. Đây là một vật quan trọng dùng để thị oai với người từ bên ngoài tới.

Từ thủy trại hướng lên phía trên, các công trình nối liền nhau hai bên bờ sông, dọc theo cầu thang đá cắt vào trong núi và con đường ngầm phía trước ngôi nhà sàn. Toàn bộ cái thôn có bốn mươi đến năm mươi căn nhà sàn san sát nhau, sắp xếp hơi lệch một chút vì dựa vào vách đá. Sợi dây mây thứ hai nối đến một khu nhà khác cũng san sát như vậy ở vách núi đối diện thủy trại này.

Vẫn không thấy một bóng người, điều này đối với người dân miền núi bình thường, mặt trời mọc thì làm việc mặt trời lặn mới nghỉ ngơi mà nói, thật là một loại chuyện không tưởng.

Ở cuối tầm mắt, tôi thấy ở nơi sâu nhất của hẻm núi có một bến thuyền. Đó là trung tâm của toàn bộ cái thôn này. Chúng tôi là người từ bên ngoài tới, muốn tiến vào trung tâm của thôn thì phải được người bản địa dẫn đi, cái thủy trại này có lẽ được dùng làm trạm kiểm tra. Người chống thuyền vạm vỡ như núi kia dừng thuyền lại một chút, sau khi tiến lại gần lại không hề ra hiệu cho chúng tôi xuống thuyền.

Thanh niên người Di dùng ánh mắt trao đổi với mọi người một chút, sau đó bắt đầu dùng tiếng bản địa mà nói vọng về phía thủy trại. Nghe không hiểu hắn đang la lối điều gì, đại khái là có thương nhân tới đây thu mua thảo dược các kiểu.

Hô được một lúc mà vẫn không có bất cứ phản ứng nào, toàn bộ thủy trại vẫn vô cùng yên ắng.

Thế này là thế nào. Công Tử Ca nói nhỏ:

“Người đi đâu hết rồi? Thôn của các người bình thường cũng thế này à?”

Lúc này thanh niên người Di bắt đầu ý thức được là có chuyện không đúng lắm, hắn nhìn bốn phía xung quanh, rồi lại dùng tiếng địa phương gọi mấy câu.

Tiếng tù và vẫn tiếp tục vang lên, thế nhưng ngoại trừ cái âm thanh này ra thì chúng tôi chẳng nhận được bất cứ hồi đáp nào khác cả. Thanh niên người Di nói:

“Không thể nào, có cả trăm người sống trong cái thủy trại này. Hơn nữa, tù và vẫn còn đang thổi, người trong thôn đi đâu cả rồi?”

Mọi người nhìn nhau, người đang hút thuốc “chậc” một tiếng, xem ra hắn không ngờ tới là lại có loại tình huống như thế này.

“Trảo Tử, anh cùng A Tát đi lên xem xem.”

Người hút thuốc phân phó. Khi người lúc trước dùng móc câu kia đáp một tiếng, đi được mấy bước trên bến thuyền rồi, người hút thuốc mới nói với A Tát:

“Nếu mà cậu dám giở trò với ta, chúng ta ở ngoài này sẽ san bằng thôn của cậu.”

Thanh niên người Di cười lạnh một tiếng, chúng tôi đến gần cây cột chống nhà sàn, hắn liền leo lên, Trảo Tử theo sát phía sau hắn, hai người leo ngược lên trên trại. Trảo Tử nhổ một ngụm đờm, hai người gọi mấy tiếng, rồi leo từ cửa sổ vào bên trong nhà sàn.

Người hút thuốc quay đầu lại nháy mắt với người chống tuyền vạm vỡ kia, hắn chầm chậm đẩy thuyền trôi ngược dòng nước để quay lại, chầm chậm mà giữ khoảng cách với cái thủy trại này. Hắn nhỏ giọng nói:

“Phượng Hoàng, cô cùng Đại Trương Ca với cả Xà Tổ xuống nước mò xem. Tình hình của cái thôn này không đúng lắm, không thể tin tưởng thằng nhóc kia được. Mấy người đi mai phục trước đi, chúng ta ở hết trên thuyền này quá bị động rồi.”

Tôi đang không biết ai là Đại Trương Ca với Phượng Hoàng thì liền thấy người phụ nữ kia “chậc” một tiếng. Bực cả mình. Muộn Du Bình ở bên kia đã lộn hành lý của mình, lấy ra một vật giống như một cái áo phao nhỏ, chẳng biết có phải là thủy giáp* trong truyền thuyết không.

Chúng tôi lại tiếp tục ngược dòng rời xa thủy trại. Người phụ nữ kia thế mà mới đó đã cởi sạch đến chỉ còn mỗi một cái áo ngắn sát người, lẳng lặng mà nhảy vào trong nước, một tay vẫn bám vào thành bè. Tôi cũng cử động, mở chiếc rương mây ra, tôi phát hiện ra ở bên trong có một con rắn to màu xanh đen đang cuộn lại. Con rắn này phải to bằng cánh tay, tôi từ từ thả con rắn xuống nước. Sau đó tôi cởi áo ngoài, mặc “thủy giáp” vào, rồi cũng chìm vào trong nước. Gần như cùng lúc, Muộn Du Bình cũng lộn xuống. Con rắn to kia uốn lượn thân mình trong nước, quấn trên người tôi.

Xà Tổ, có lẽ chính là biệt danh của tôi.

-o-o-o-o-o-o-

* Thủy giáp: đồ lặn thời xưa, thường làm bằng da hoặc da cá mập
.
Trong khoảnh khắc rơi xuống nước đó, tôi có hai loại cảm giác. Thứ nhất, tôi nhận ra trên người mình mang theo rất nhiều thứ, những thứ này hình như đều được tôi giữ sát người, ngay khắc rơi xuống nước tất cả những thứ ấy đều động đậy, bắt đầu tách khỏi cơ thể tôi.

Những thứ đó chính là rất nhiều những con rắn lớn nhỏ, chúng chui ra từ trong thủy giáp của tôi, có rất nhiều màu sắc, bắt đầu di chuyển vòng vòng xung quanh tôi. Dòng nước chảy xiết, chúng nó không có đủ sức nên đều dạt hết vào bên người tôi.

“Thời cơ đến thì thổi còi quỷ để liên lạc.”

Người hút thuốc lại phân phó, cả ba người buông tay ra cùng một lúc, lặn xuống theo dòng nước xiết.

Trong nháy mắt rắn trên người tôi đều dãn hết ra, ở ngay bên cạnh tôi, bắt đầu cùng tôi di chuyển theo dòng, vô cùng nghe lời.

Nước chảy rất xiết, thoáng cái chúng tôi đã vượt qua mặt trước cửa thủy trại, chính là cổng nước hình hổ đen đó. Phía sau lưng của thủy giáp màu đen, từ trên mặt nước rất khó phát hiện ra chúng tôi đang lặn ở dưới nước. Tuy nhiên Phượng Hoàng ở phía trước không mặc thủy giáp, nhưng lại lặn ở chỗ vô cùng sâu, nước ở chỗ này lại tương đối đục, nhìn không rõ thứ gì, chỉ thấy cặp đùi trắng gần như lộ hết ra của cô ta đang tiến lên trong nước.

Muộn Du Bình đang theo sát ở phía sau, tôi ý thức được cái cô Phượng Hoàng này bơi cực kỳ giỏi, muốn đi qua cửa nước hình hổ đen này thì cần phải đi theo cô ta, nếu không trong dòng nước xiết thế này rất dễ bị va đập.

Một đường di chuyển luồn lách dưới nước như bay, phía dưới nước có rất nhiều những tượng đá kỳ lạ hình hổ đen nằm ngổn ngang, bề mặt chúng đều là những góc cạnh sắc bén, một số đã bị dòng nước mài thành hình tròn, một số thì vẫn còn có vẻ như chỉ vừa mới chìm vào trong nước gần đây thôi, góc cạnh dựng đứng, nhìn vô cùng nguy hiểm. Có những chỗ nước xiết, nếu như bị cắt phải thì khẳng định là sẽ bị chọc thẳng vào bụng.

Bơi thẳng một mạch, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đi qua cái cửa nước hình hổ đen, nước lập tức trở nên sâu hơn. Tôi nhìn thấy hai bên khe núi ở dưới nước, không ngờ lại lờ mờ thấy được mấy ngôi nhà sàn, xem ra lúc trước mực nước ở chỗ này không cao như vậy, sau một thời gian dài thì mực nước mới dâng lên, còn có rất nhiều những con đường đá và nhà sàn bị ngập dưới đáy con sông trong khe núi.

Đây thật đúng là một loại khung cảnh kì diệu, con đường đá và cầu thang đá kéo dài thẳng  xuống đáy nước, cảm giác như cứ thế mà đi thì có thể sẽ đến được tận nơi sâu nhất trong khe núi trên mặt nước.

Nếu còn tiếp tục tiến về phía trước thì sẽ không còn đủ hơi nữa, thấy Phượng Hoàng xoay người, dùng tốc độ nhanh nhất mà trồi lên mặt nước để lấy hơi rồi lặn xuống lại, chúng tôi cũng học theo động tác của cô ta. Tuy nhiên, tôi lấy hơi không đủ, cùng một động tác mà phải làm đến bốn lần mới hít cho đủ.

Tiếp tục đi về phía trước dòng nước cũng dần chảy chậm lại, mặt nước cũng bắt đầu hẹp lại. Nhìn thấy Phượng Hoàng ở phía trước đang chậm dần lại, tiến gần về một bên khe núi, nơi vách núi bên đó tiếp giáp với mặt nước có mấy chỗ đá uốn lượn. Phượng Hoàng đến bên đó, bám vào khe nứt trên đá núi rồi trồi lên mặt nước, dựa vào mặt trong nếp uốn của vách đá.

Tôi cùng Muộn Du Bình cũng trồi lên, ba người chen chúc cùng nhau, thở hổn hển lấy hơi trước đã.

“Giữ rắn của cậu cho kỹ, tránh xa bà cô này ra chút đi.”

Phượng Hoàng nói với tôi, hình như là vẫn còn sợ.

Tôi nhìn cô ta gần như đã khỏa thân, vì thể lực tiêu hao mà từ đầu đến chân đỏ ửng lên, lạnh lùng nói:

“Bọn nó chẳng có hứng thú với bà đâu.”

Dứt câu liền đi xem xét thế núi và địa hình xung quanh.

Một bên là bến thuyền cách chúng tôi năm trăm mét. Muộn Du Bình lúc này hơi thở đã ổn định trở lại, bắt đầu theo vách đá trèo lên phía trên, ngoi lên khỏi mặt nước.

Trên đầu chúng tôi có một dãy khoảng sáu gian nhà sàn, có thể thấy sàn nhà cách chúng tôi khoảng sáu bảy mét. Trên vách đá bám đầy dây leo, cố gắng thì có thể leo lên được.

Tôi cũng không chịu thua kém chút nào, vài bước đã leo lên được vách đá, lũ rắn trong nước bắt đầu quay trở lại trên người tôi. Phượng Hoàng nhìn tôi bằng ánh mắt kinh tởm, hoàn toàn không dám lại gần. Tôi ngẩng đầu nhìn Muộn Du Bình, anh ta  rất nhanh di chuyển đã đến bên dưới căn nhà sàn rồi, tôi cũng nối gót leo lên.

Tôi nhìn không rõ nét mặt của anh ta ra sao, cứ như đang ở trong mơ vậy, khi tôi muốn cẩn thận nhìn cho rõ từng chi tiết thì lại hoàn toàn không nhìn rõ được gì cả. Trong một khoảnh khắc ấy, tôi chả hiểu sao lại có một loại cảm giác xa lạ đối với người này.

Là bởi vì đã quá lâu rồi chưa gặp sao?

Anh ta không để ý đến tôi, tôi đang “ám” vào người này, đối với anh ta chẳng có chút ý nghĩa nào cả, cái loại thờ ơ này thật ra tôi đã quen thuộc hơn bất cứ ai.

Phượng Hoàng theo sau chúng tôi, ở ngay dưới chân chúng tôi mà thúc giục chúng tôi nhanh lên chút đi. Tôi bình tĩnh lại, lắng nghe âm thanh từ trên ván sàn để xem xem trong gian nhà sàn này có người hay không.

Chúng tôi chẳng nghe thấy bất cứ âm thanh nào cả, tôi còn chưa kịp có phản ứng gì thì đã thấy Muộn Du Bình dùng hai ngón tay cẩn thận rút từ trong ván gỗ ra cái nêm gỗ dùng để cố định sàn nhà.
.
Muộn Du Bình moi ra tổng cộng tám cái nêm gỗ, hất hai miếng ván sàn lên, để lộ ra một khe hở đủ cho một người có thể miễn cưỡng chui lọt. Về sau tôi tra tư liệu thì mới biết, nếu như anh ta không làm vậy, đường lên an toàn bí mật nhất của chúng tôi là bò lên qua hố xí. Muộn Du Bình thò đầu vào trước, anh ta đặt một cây còi dưới đầu lưỡi, sau đó leo vào trong nhà sàn. Không lâu sau đã nghe được một chuỗi âm thanh như tiếng “kèn kẹt”.

Tôi nghe không hiểu loại tiếng còi này, chỉ cảm thấy nó rất giống tiếng phát ra trong một căn nhà bằng gỗ khi ván gỗ bị đè ép một cách tự nhiên thôi. Tuy nhiên từ hành vi của Xà Tổ, tôi đoán rằng tiếng còi này có lẽ biểu thị ý “an toàn”.

Để tiện thuật lại, tôi sẽ giải thích trước về loại còi quỷ này một chút. Cách dùng còi liên lạc này được phát triển ở nhiều vùng trên thế giới, từ việc truyền tin từ đảo này đến đảo kia của người dân ở các đảo quốc, đến biến thể của “ngôn ngữ rút gọn” được quân Đồng minh trong sử dụng Thế chiến thứ hai, ngôn ngữ còi trên thế giới có nhiều loại, nhiều cách thức, thế nhưng duy chỉ có còi quỷ của Trung Quốc là đến bây giờ vẫn chưa bị người ta giải mã ra mà thôi.

Thứ nhất là số người dùng còi quỷ để liên lạc vô cùng ít, hơn nữa ngôn ngữ của còi quỷ lại liên tục biến hóa. Loại ngôn ngữ còi này bản thân nó chỉ được truyền lại trong những nhóm nhỏ, rất khó mà dùng phương pháp nghiên cứu thống nhất để đi nghiên cứu một loại ngôn ngữ thứ cấp đặc biệt.

Vì sao lại gọi nó là còi quỷ thì có mấy loại giả thiết. Có người nói là ban đầu, lúc đạo mộ tặc ở trong phần mộ nơi hoang dã đã dùng loại còi này, khiến người ta lầm tưởng đây là tiếng gọi của ma quỷ. Cũng có người nói là bởi vì loại còi này có thể mê hoặc được cương thi.

Âm thanh mà còi quỷ phát ra có nhiều dạng biến hóa vô cùng, người có cái lưỡi linh hoạt thì có thể dùng còi quỷ mô phỏng mấy chục loại âm thanh, dùng trong những trường hợp khác nhau, ví dụ như Muộn Du Bình khi tiến vào trong nhà sàn có kết cấu bằng gỗ, lập tức dùng còi quỷ để mô phỏng tiếng các bộ phận phát ra khi có người đi lại trong phòng, ở vùng quê thì có thể mô phỏng tiếng kêu của côn trùng, trong núi thì có thể mô phỏng tiếng chim hót.

Tôi nhớ lại lúc ở trong Thất Tinh Lỗ Vương Cung, một màn Muộn Du Bình nói chuyện với huyết thi đó, có lẽ chính là tiếng còi quỷ phát sinh cộng hưởng với bọ ăn xác trong não của thi thể, nhằm kiểm tra xem có bọ ăn xác chúa kí sinh trong thi thể không.

Sau khi tôi cố ý liên hệ với chuyện cũ thì sẽ không giải thích phức tạp như vậy nữa. Bất kỳ truyền đạt nào của còi quỷ, tôi cũng sẽ trực tiếp miêu tả bằng ngôn ngữ.

Tôi cũng ghé đầu bò vào trong nhà sàn, liền nhận ra đây là một căn nhà ở, có một lượng lớn nguyên liệu đan rổ mây chất đống trong góc. Vài chiếc rổ mây đan được một nửa được đặt giữa căn phòng, giữa phòng còn có một cái lò than, giỏ đan xong được đặt bên trên để hong ráo hơi ẩm còn thừa. Còn có một lượng lớn vật dụng làm từ trúc và cây hương bồ nữa, cũng chẳng biết dùng để làm gì.

Có một cầu thang gỗ dẫn lên tầng hai, cửa sổ hướng ra khe núi đều đang đóng, trên cửa sổ treo rất nhiều thịt khô.

Đây là điều kiện sống của người Di bình thường, nói đúng ra thì đây cũng tính là một hộ khá giả. Từ số thịt khô có thể thấy được, người đàn ông chủ nhà đang ở độ tráng niên, hơn nữa còn là thợ săn, người thế này sẽ là người có địa vị xã hội trong thôn.

Chúng tôi im lặng một lúc, tôi có thể cảm nhận được đây là hành động của những người thường xuyên gặp phải trường hợp này. Trong lúc bọn họ yên lặng nghe ngóng động tĩnh trên lầu, có người đã bắt đầu cởi bỏ mớ quần áo ướt sũng ra, không hề do dự chút nào.

Thân hình Phượng Hoàng rất nóng bỏng, tuy không phải là một cô gái trẻ, thế nhưng da lại trắng, cởi quần áo ra khiến người ta dấy lên một loại nhục dục nguyên thủy. Tuy nhiên, tôi có thể cảm thấy vô cùng rõ ràng rằng lực chú ý của Xà Tổ một chút cũng không bị phân tán, mọi người giống như không phân biệt giới tính mà cởi bỏ thủy giáp, móc ra từ lớp trong của thủy giáp một cái áo ngắn bó sát rất mỏng thay vào. Thân trên để trần, còn thủy giáp thì cột chắc lại, đeo ở phần eo. Toàn bộ rắn của tôi đều rất tự nhiên mà bò về trên người tôi, một số thì màu sắc sặc sỡ, một nửa chui trong thủy giáp, một số lại lộ ra bên ngoài, nhìn giống hệt hình xăm.

Con rắn lớn màu xanh đen to bằng cổ tay từ từ uốn éo bò lên xà nhà, không trông thấy tăm hơi nữa.

Phượng Hoàng không có thủy giáp, hiển nhiên là cũng không mang theo quần áo để thay. Sau khi cởi hết quần áo ướt ra, cô ta hoàn toàn trần trụi leo lên lầu. Tôi cũng không lo lắng, dựa vào thân hình của cô ta, cho dù khỏa thân xuất hiện trước mặt bất cứ người đàn ông đàn bà nào thì cũng sẽ không gặp nguy hiểm ngay lập tức đâu. Hơn nữa nhìn Muộn Du Bình đã chỉnh đốn xong xuôi, ngồi xổm xuống ở đầu cầu thang, nếu Phượng Hoàng ở phía trên có biến cố gì, chỉ cần thổi còi quỷ một tiếng thì chúng tôi có thể ngay lập tức tiếp ứng.

Muộn Du Bình lúc này không có vũ khí, điều này càng khiến tôi cảm thấy xa lạ.
.
Thân thủ và trạng thái của người này xa lạ như vậy, có lẽ bởi vì tôi đang cách một tầng ảo giác, cảm quan bị bóp méo đôi chút, nhưng tôi cũng hoài nghi rằng đây có lẽ chính là dáng vẻ ban đầu của anh ta.

Lần đầu chúng tôi gặp mặt, thứ cảm giác hờ hững cùng xa rời nhân thế này cũng rõ ràng như vậy, nhưng lúc đó tôi mới chỉ là một thằng tay mơ, đối với mọi thứ đều hết sức hiếu kỳ, cho nên loại hờ hững và xa cách này đối với tôi cũng là một điều mới mẻ. Mà giờ đây, tôi đã không còn như lúc trước nữa. Không phải là tôi đã đuổi kịp bước chân anh ta, anh ta sống trong một thế giới mà tôi không cách nào hiểu hết, mãi mãi tôi cũng sẽ không thể nào cùng anh ta làm bất cứ việc gì được. Nhưng cảm nhận của tôi đối với sự việc đã bình thản hơn. Sự sợ hãi cực độ đối với cổ mộ lúc đầu đã khiến tôi không thể nhận ra được những điểm kỳ quái ở người khác, còn bây giờ thì tôi đã có thể ung dung mà quan sát tất cả mọi việc xung quanh.

Những điều kỳ quái ở bản thân anh ta nay càng trở nên rõ ràng hơn.

Thật vậy, như tôi đã suy nghĩ rất nhiều lần, anh ta lúc đầu chính là như thế này đây. Mà đến cuối cùng, bản chất của anh ta chung quy vẫn là có chút thay đổi. Những thay đổi này là do chúng tôi mang lại, điều này đối với tôi mà nói thì không nghi ngờ gì nữa, chính là một loại khích lệ tinh thần.

Chỉ là, cái giá của những thay đổi này quá lớn mà thôi.

Còi quỷ của Phượng Hoàng phát ra mấy tiếng biểu thị an toàn, chúng tôi đi lên, thấy lầu hai là một căn phòng ngủ, chiếc giường gỗ nằm trong góc, nội thất chỉ có mấy chiếc rương được bện bằng dây mây. Phòng ngủ rất nhỏ, cửa sổ vẫn đang đóng, Phượng Hoàng đã mở một cái rương, lấy từ trong đó ra một bộ quần áo vải của người Di mặc vào. Không vừa người lắm, hơi nhỏ, tay áo với ống quần đều bị hụt mất một đoạn, nhưng thân hình trông lại có vẻ còn yểu điệu hơn.

Trên bức tường ở một bên có treo ba khẩu súng, tôi đi tới xem một chút, bảo dưỡng rất tốt, có lẽ là một người thợ săn cẩn thận đây.

Trong phòng ngủ không có bất kỳ dấu vết ẩu đả hay bắt cóc nào, được sắp xếp rất gọn gàng sạch sẽ.

“Kỳ quái nha.” Phượng Hoàng nói với chúng tôi: “Người trong nhà giống tự mình ra ngoài hơn.”

“Cửa sổ đều đóng.” Muộn Du Bình cũng lục được một bộ quần áo vải của người Di mặc lên, rồi rút từ dưới gầm giường ra một thanh Di đao. “Ra ngoài thôi thì cũng không cần đóng cửa sổ.”

“Cũng đúng.” Phượng Hoàng đi đến bên cạnh cửa sổ, cửa sổ cũng là một tấm bện bằng sợi mây, dùng cành cây để chống lên khi mở cửa sổ. Cô ta đẩy ra một chút, nhìn nhìn bên ngoài: “Toàn bộ cửa sổ ở khu nhà sàn đối diện đều đang đóng, quả thật không phải ngẫu nhiên.”

“Tản ra xem xét.” Muộn Du Bình dùng vải bọc chắc thanh Di đao lại rồi bẻ thành hai đoạn. Chiều dài thanh Di đao hơi quá, xem ra anh ta không thích. Sau đó, anh ta vứt mũi đao xuống gầm giường, xoay tay nhét thanh đao gãy vào trong thủy giáp — Thủy giáp được cuốn lại hệt như một cái vỏ đao.

Lúc này, tôi đột nhiên ý thức được rằng tôi bây giờ đang là người nói ít nhất trong nhóm nhỏ đây.

Điều này ít nhiều cũng gây chút lúng túng, trước giờ tôi chưa từng nghĩ qua, rằng tôi sẽ chui vào ký ức của một người còn ít nói hơn Muộn Du Bình nữa. Lại ít nhiều cảm thấy hơi khó chịu, sợ rằng những lời rủa thầm của tôi sẽ bùng phát đến mức chưa từng thấy mất.

Trong khe núi vọng đến một tiếng tù và trầm muộn.

Tôi bắt đầu tìm đường đi ra, Muộn Du Bình đằng kia đang tựa vào một bên cửa sổ, mở cửa sổ ra, dùng tiếng còi cực kỳ sắc phát ra một chuỗi tiếng chim hót hướng về dòng sông trong khe núi. Truyền tin cho người của chúng tôi ở bên ngoài: Bọn tôi đã đến nơi an toàn.

Sau mấy phút thì hồi âm truyền đến, âm thanh vô cùng nhỏ: “Trảo Tử và A Tát không quay lại, cái thôn này có trá, chia nhau ra hành động.”
.
Căn thủy trại trong ký ức kia cũng có cửa và cửa sổ đóng kín mít hệt như chỗ này. Chẳng lẽ bên trong có mai phục, đã bắt được Trảo Tử và A Tát? Cũng có thể A Tát thật ra là một cái vỏ bọc, là người trong thôn được cài ở ngoài trại, chuyên lừa gạt những người từ bên ngoài có mưu đồ như chúng tôi đây.

Có điều trong thôn này ít cũng phải có tới mười ngàn người, là một cái thôn lớn hiếm gặp, đối phó với một cái thuyền này của chúng tôi, tuy rằng mỗi người đều là cao thủ nhưng cũng không cần huy động toàn lực như thế này chứ. Chỉ cần mấy chục chiếc bè với súng ống cung nỏ ra mặt một cái, tất cả chúng tôi đều sẽ phải đầu hàng mà. Nhóm người này ai cũng có thính lực cực tốt, chúng tôi đi vào căn nhà này ít cũng phải mấy chục phút rồi mà chẳng nghe thấy bất cứ âm thanh nào. Không biết vì sao, trực giác mách bảo tôi rằng trong cái thôn này đến một người cũng chẳng có.

Lại nói Trảo Tử và A Tát không quay lại như vậy, chỉ sợ là còn đáng ngờ hơn.

Muộn Du Bình dùng còi quỷ truyền âm qua lại thêm mấy lần nữa, rồi nghiêng tai lắng nghe tiếng tù và kia. Đây là động tĩnh duy nhất trong thôn, như vậy không thể là tiếng gió thổi, mà là có kẻ ở đó đang tác quái.

Tôi tìm được đường thông ra ngoài, cửa của nhà sàn thường mở ra ở sau nhà. Sát vách đá có một con đường nhỏ đi lên thông đến những căn nhà sàn khác, bời vì nhà sàn thường ở rất gần vách đá, nhà lại dày đặc, những con đường nhỏ này được che rất kín, rất khó phát hiện. Căn nhà sàn này lại càng như vậy, đường vào mở ra ở sàn nhà, được đậy lại bằng mấy bó rơm, gỡ rơm ra được một nửa thì lộ ra một cái cửa gỗ. Ở bên ngoài chính là vách đá, con đường nhỏ chỉ rộng có nửa mét.

Tiếng tù và gần nhất đến từ bên của chúng tôi, từ một căn nhà sàn trên đỉnh vách đá bên cạnh, không phải để ở, nhà sàn không được xây đến mức đó. Đây là một tiếng huýt khô khốc vang vọng.  Nếu chúng tôi muốn đi thẳng lên trên thì phải thông qua toàn bộ các cụm nhà trên vách đá, lại phải theo con đường nhỏ mà đi lên ba mươi mấy mét nữa mới đến.

“Tôi đi.”

Muộn Du Bình nói:

“Hai người tản ra đi.”

Nói rồi quay lưng đi ra ngoài, một mạch đi lên rồi mất hút.

Phượng Hoàng đi theo ra ngoài, theo một nhánh đường khác mà đi vào trong một căn nhà sàn khác, không lâu sau truyền lại là tiếng còi “Nhà trống.” Cô ta thổi còi còn kém xa Muộn Du Bình, nhưng người bình thường có lẽ vẫn sẽ không nhận ra được đây là tiếng còi đâu. Tôi cũng leo ra ngoài, chọn hướng ngược lại với Phượng Hoàng, đi đến cửa một căn nhà sàn khác.

Tục lệ của người Di vốn ngay thẳng, đêm không đóng cửa, cửa thì đẩy một cái là mở ra, sau khi đi vào tôi nhận ra đây cũng là một căn nhà ở, trong nhà còn tối tăm chật hẹp hơn. Mò mẫm đi một vòng, cũng trống không y như vậy. Tôi dùng còi truyền âm, lúc này mới phát hiện ra phòng ngủ ở lầu hai, không phải là một cái giường lớn, mà là một hàng bốn năm cái giường sát đất quây quanh một cái lò than.

Đây giống như là một “nhà nghỉ”, rất nhiều người đến thôn người Di làm kinh doanh, có một số người sẽ ở lại tại những nhà sàn như vậy. Có một số người Di không tự lao động mà dọn phòng của mình cho rộng ra, làm thức ăn cho những thương nhân này để kế sinh nhai.

Căn “nhà nghỉ” này chất đầy đồ đạc, có thể dễ dàng nhận ra, trong năm cái giường sát đất ở đây thì có ba cái là có khách. Ở gần bên cái giường thứ nhất đều là những đồ vật nhỏ bện từ dây mây. Vữa nãy dưới lầu một tôi cũng nhìn thấy không ít. Đây là một người buôn bán đồ mây, đi từng nhà một mà thu mua đồ mây. Đồ mây tốt cần phải có nguyện liệu vô cùng tốt và đủ hỏa hậu để hong khô dầu cây ngô đồng, người thương nhân này làm việc với hàng cao cấp, cần phải đi từng nhà từng nhà trong thôn mà tìm.

Cách một cái giường trống là hai cái giường có khách. Hai người này có thể là đi cùng nhau mà cũng có thể là đi riêng rẽ, đồ vật bày ở cạnh giường họ không nhiều, đều là những cái bình sứ.

Đây là người nuôi trùng làm thuốc, từ lâu đã nghe nói thôn người Di bên này có bán ngô công, trùng dược và thảo dược, đều là những loại dùng làm thuốc cổ truyền Trung Quốc. Nhưng trùng dược đặc biệt có chỗ cần rất nhiều con trùng sống, không thể gia công ở ngay tại vách đá được, nên cần phải đưa những con trùng sống ấy đến trấn nhỏ ven sông ở vùng phụ cận. Bởi vậy còn có loại ngô công đắt tiền hơn mà hồi đó gọi là ngô công vảy vàng, thật ra cũng chỉ là một trò bịp bợm dùng hai loại côn trùng ghép lại thôi, nghe nói có thể trị liệu phong thấp 100%. Giá cả thì không khác vàng ròng là bao, mấy người nuôi trùng này chính là phơi khô mấy con côn trùng giả ở thôn này mà làm ra. Nhìn chung thì nhóm người này hình như sống quanh năm ở thôn này.

Cái thôn này có những người này, điều này cho thấy bọn họ vô cùng cởi mở, thương mại đã phát triển rất tốt rồi. Phượng Hoàng ở bên kia dùng tiếng còi hỏi tôi, rắn đâu rồi? Nếu tôi không cất chúng cho kỹ, cô ta nhìn thấy liền sẽ một đao chém chết. Tôi vươn tay kéo một cái bình sứ cạnh giường ra. Chính trong một tích tắc này, con rắn nhỏ trên eo tôi di động mạnh một cái.

Tôi thầm kinh hãi, lập tức ngừng tay, loài rắn khi sợ hãi thì hết sức mẫn cảm với hoàn cảnh xung quanh, con rắn sợ hãi chuyển động cho thấy trong cái bình sứ này có thứ gì đó khiến nó không thoải mái.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro