Hạ Tuế Thiên 2016

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 12. Kéo cá

Ông lão không kéo dây câu, chúng tôi cũng không thể bỏ đi, cả ba đứa bèn ngồi xổm trên vách núi, nhìn mây trôi ngang bầu trời, không ai nói câu nào, chỉ nhìn mặt trời dần lặn, mạ một lớp ánh vàng kim lên vách núi.

Gió không lớn, khí trời lạnh lẽo, cả ba người cùng chui rúc một chỗ, làm tôi nhớ lại rất nhiều lúc giống y như thế này trước đây. Khi ấy, trong lòng mỗi chúng tôi đều có việc không thể không làm, mà bây giờ, trong lòng trống huếch trống hoác, chẳng có gì cả.

“Đẹp quá đi, ngày trước từng đi qua bao nhiêu là núi cao sông dài đến thế mà sao chưa từng dừng lại ngắm kỹ một tí nhỉ?” Bàn Tử nói.

Đúng vậy, thực sự rất đẹp. Vầng tịch dương dần dần lặn xuống sát mép đường chân trời. Tôi bật di động, ở đây không có sóng, nhưng pin vẫn còn nhiều, tôi bật một bài nhạc không lời, sau đó tựa vào Bàn Tử mà ngủ. Người Bàn Tử có mùi thuốc lá trộn với mùi dầu mỡ đặc trưng. Ở nơi thôn quê dã ngoại khoảng ba tháng, trên người ai cũng ám cái mùi này.

Sau khi trở về từ Trường Bạch, không còn ngủ ngoài rừng núi nữa, chứ ngày xưa hễ mỗi lần đi ngủ tôi lại thầm cầu khấn đừng xảy ra chuyện gì, đừng nằm mơ cái gì. Nhưng lần này, hẳn sẽ không còn cái gì xảy ra nữa.

Tám giờ tối, nhiệt độ hạ thấp, tôi tỉnh giấc vì lạnh. Bàn Tử vẫn há mồm ngủ say như chết, Muộn Du Bình không ở bên cạnh chúng tôi nữa. Tôi day day mặt, châm một điếu thuốc, đẩy Bàn Tử ra, đứng lên, liền thấy bên đầm sâu có hai ngọn đèn cá, thực ra đó là một loại đèn mỏ không thấm nước. Muộn Du Bình đang xách đèn, giúp ông lão chiếu xuống mặt đầm. Ông lão lội nước, đang xoay trục quay, kéo dây câu lên.

“Sao thế?” Tôi trèo xuống. Ông lão nói: “Cắn câu rồi.”

Dây câu căng ra thẳng tắp, mỗi lần xoay một vòng dây, ông lão cứ như thể phải dùng hết sức bình sinh từ khi còn bú mẹ vậy. Ông ta dùng sức xoay hai ba vòng, sau đó đột nhiên lại thả ra, trục quay lại quay vun vút ngược lại hơn mười vòng, sau đó ông lão khóa chặt cái trục lại.

“Là con cá kia à?” Tôi nghĩ bụng, lẽ nào thứ Long quan khuẩn kia hữu dụng đến thế cơ à? Bao nhiêu năm thế mà không cắn câu, giờ lại cắn câu ư?

Ông lão thở dài: “Không phải, là cá khác, sức rất lớn, dài chừng hơn một mét, hồi trước tôi cũng câu được rồi, nhưng mà không phải nó, chứ không…”

Tôi không biết “chứ không” cái gì, có lẽ là: chứ không ông ta căn bản không thể kéo dây nổi. Tôi nhìn ông ta bắt đầu dần dần tăng lực và tần suất xoay trục kéo dây câu, dần dần, sức kéo và lực quẫy đạp từ đầu bên kia của dây câu yếu dần yếu dần, ông lão bắt đầu không ngừng thu dây, lúc này, chúng tôi có thể giúp ông ta được rồi.

Mỗi người kéo dây câu một tiếng, đến phiên tôi, tôi vẫn còn hưng phấn, con cá dưới kia mặc dù không còn quẫy nữa, nhưng cảm giác vẫn nặng trịch như cũ. Kéo được mấy phút đã hết cả sức rồi, phải nghỉ một lúc mới làm tiếp được. Lúc Bàn Tử tỉnh dậy cũng là lúc chúng tôi dần lôi được con cá kia lên từ dưới đầm nước sâu. Khoảnh khắc khi nó nổi lên trên mặt nước, tôi liền nhìn thấy, dưới ánh đèn loang loáng là một bóng đen có vảy trắng lấp ló dưới mặt nước. Mặt nước có tác dụng phóng to, nom cái bóng kia cứ như con quái vật.

Đó là một con cá trắm đen cỡ bự, dài chừng hơn một mét sáu, hai mắt đã thoái hóa, không biết là giống gì.

“Ăn cá đầm bao giờ chưa?” Ông lão hỏi tôi, tôi cũng không biết lũ cá tôi ăn là từ đâu, nhưng mà cá, không phải là mùi vị cũng na ná nhau thôi à? “Thả nó về đi, to như thế cũng không dễ dàng gì.” Tôi nói với ông lão: “Bốn người chúng ta cũng không ăn được bao nhiêu.”

Ông lão kéo dây câu, kéo con cá tới chỗ nước cạn, lắc đầu. Lúc này tôi mới nhìn thấy trên bụng con cá lớn này có một lỗ thủng to tướng, gần như cắn đứt toàn bộ con cá.

“Mới nãy nó đột nhiên bất động, không phải là do kiệt sức, mà là vì bị một con cá khác lớn hơn cắn một cái, chết ngay tức khắc.”

Tôi dùng gang bàn tay đo cái lỗ to tướng trên mình cá, rùng mình. Miệng không phải là to, nhưng một phát cắn này, xét về lực và độ chuẩn xác, thì đúng là loài mãnh thú. Gần như bị cắn một cái là trí mạng ngay, thậm chí cắn một cái cũng kéo hết cả nội tạng ra được.

“Là sự thật, thấy chưa.” Ông lão nhìn tôi: “Nó ở ngay dưới ấy.”

Khuôn mặt ông ta sáng rực, hai mắt không còn đục ngầu. Ông ta nhìn chằm chằm mặt nước, cứ như thể nhìn xuyên được sâu dưới đáy đầm.

Có lẽ trong suốt nhiều năm đến vậy, ông ta cũng vô số lần từng hoài nghi, con cá này không biết có thật hay không. Tôi thầm nghĩ vậy. Ông lão lẳng lặng đứng lên, treo con cá lên chạc cây, bắt đầu đánh vảy, lọc nội tạng.

Tôi lấy đèn pin soi đầm nước này nhìn lại một lần nữa cho kỹ, đi khắp bốn phía quanh đầm, xem mực nước cao nhất ở đây là chừng nào, những dữ liệu này có thể giúp tôi phỏng dựng lại nguyên nhân thực sự của cái chết những người đi câu năm xưa.

Dựa theo lời kể của ông lão, những người đó trước khi chết đều nhìn thấy dưới mặt nước có thủy thảo dập dềnh, thủy thảo là mọc trên thân con cá vua kia.

Lúc đó Phúc Kiến gặp hạn hán lớn, mực nước chắc chắn thấp hơn bây giờ nhiều, mặt nước cũng không rộng. Nếu ở nơi mực nước thấp, mà dưới mặt nước chật hẹp lại nhìn thấy một con cá trên mình mọc đầy thủy thảo đang bơi, thì con cá này không thể quá to được.

Dựa vào vết thương trên mình con trắm đen lúc này, miệng cá cũng không lớn. Vậy có thể suy đoán như thế này được không, đây là một con cá có chiều dài dưới một mét, nhưng cá dài dưới một mét liệu có khỏe đến vậy không, có thể đớp một cái liền cắn chết ngay một con trắm đen được?

Trong lòng tôi có chút ngờ vực, mặt nước này, dường như mâu thuẫn với tất cả những đầu mối có được. Nhưng tôi quả thực không am hiểu về các loại cá.

Tôi rít một hơi thuốc, hồ ngầm dưới lòng đất chắc chắn là tối om, vì sao trên mình cá lại mọc thủy thảo? Hoặc giả không phải thủy thảo, mà là một thứ gì đó trông giống thủy thảo?

Tôi liệt kê những điểm đáng ngờ ra: sự hứng thú của Tiểu Ca, hồ nước ngầm hình Thái Cực, trong hồ lại có một bức tường đá do con người xây dựng, lại còn có quái ngư đến mùa hạn thì nổi lên mặt nước vồ người ăn thịt, đầm nước nơi quái ngư xuất hiện lại quá nhỏ, trên mình quái ngư có thứ gì trông như thủy thảo.

Lôi Bản Xương là kẻ cầm đèn cho lũ trộm mộ.

Tôi dừng suy luận. Hiện giờ chúng tôi vẫn là vì câu cá, đừng biến chuyện này sang chuyện khác. Giữ vững nội tâm đơn giản, trừ phi tôi nhìn thấy một lời nói dối rõ rành rành, lúc đó, tôi sẽ mặc xác Lôi Bản Xương.

Lôi Bản Xương xử lý xong con cá, cắt thành từng miếng nhỏ, dùng làm mồi câu. Ông ta căn cứ vào kích cỡ vết thương trên mình cá, cắt cá thành từng miếng to cỡ nửa cánh tay, ngâm trong dung dịch Long quan khuẩn.

Rửa sạch tay bằng nước đầm, ông ta đi tới bên cạnh đám tụi tôi vẫn đang nghiên cứu đầu cá, bắt đầu xử lý đầu cá. Bàn Tử reo lên: “Canh đầu cá nấu đậu phụ! Mẹ, tôi chưa từng thấy đầu cá nào mà bự dữ vậy. Nồi của tụi mình có đủ to không thế.”

Lôi Bản Xương nói: “Trong mồi câu có nấm quan tài, đầu cá này không ăn được, rửa thế nào cũng không sạch. Nhưng não cá thì ăn được. Ngày mai ta lại đi vào sâu hơn, đến cái đầm cá bơi sang mất mấy tháng ấy, hai đầm rất gần nhau. Sau đó phải nhờ vào các cậu rồi.”

“Sao ông không thử chút, đầm này không phải có cá cắn câu à?”

“Qua nhiều năm như thế, đầm có cá cắn câu cũng rất bình thường. Nhưng mà con cá kia thì chưa từng một lần mắc câu. Bên dưới là một cái hồ lớn, muốn câu riêng một con cá, quá khó khăn.” Ông lão nói:”Nếu mấy cậu có thể theo tôi nửa năm, tôi có thể đi thử vận may, nhưng đương nhiên chuyện này không thể, tôi cũng không muốn làm lỡ dở các cậu.”

Ông lão ho khan vài tiếng, hai mặt đục ngầu như cũ, quay người trở về lều. Chúng tôi nhìn nhau, Bàn Tử bảo: “Đó là một tử sĩ.”

“Ý gì?”

“Ông ta biết kết cục của mình là gì, cho nên đã không còn để ý đến nó nữa. Cậu gặp loại người như thế bao giờ chưa?”

Trong đầu tôi dần dần hiện lên vẻ mặt cuối cùng của Phan Tử. Trong lòng như bị bóp nghẹt một cái.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro