Chương 4: Đã tìm thấy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những thứ này quả thực có thể coi là hồ sơ cũ, bị chuột gặm tơi tả, bên trên dính đầy cứt chuột. Tôi tiện tay rút một tờ ra, chắc là văn kiện cũ thời đó, bụi phủ cả một lớp dày.

Nếu có người từng động vào đống này, chắc chắn phải có điểm gì khác biệt, tôi vội vàng sai Vương Minh kiểm tra kỹ lưỡng xem có điểm gì khả nghi hay không?

Vương Minh rón ra rón rén bước đi trên cả đống văn kiện giấy tờ, chẳng mấy mà có phát hiện. Tôi lại gần nhìn xem, thì ra ở đó có mấy chồng văn kiện được xếp rất gọn gàng. Cả thảy bốn chồng, xếp thành hình vuông.

Vương Minh nói: “Ông chủ, anh xem có phải là thế này hay không: người này đứng xem giấy tờ ở chỗ này, đứng một lúc mỏi chân quá, bèn dùng mấy chồng văn kiện này làm ghế ngồi.”

Tôi gật đầu, quả thực, tôi gần như có thể tưởng tượng ra được cảnh tượng lúc đó. Người này ngồi trên chồng văn kiện kia, chăm chú xem xét giấy tờ.

Tôi xoay vòng tại chỗ vừa đủ một vòng ba trăm sáu mươi độ, muốn đoán xem người này lúc ngồi xuống thì quay mặt về hướng nào, lúc này mới phát hiện đằng sau lưng tôi vừa hay có một cái giá đủ để kê đèn pin làm đèn chiếu sáng. Tôi vừa tái hiện lại cảnh tượng lúc đó trong đầu, vừa đặt đèn pin lên, cúi đầu nhìn xuống chân. Gạt lớp bụi bặm rác rưởi ra, quả nhiên trước mặt xuất hiện mấy mẩu tàn thuốc năm xưa, mà ở ngay phía trước, còn có một chồng văn kiện nữa.

Một phong bì cỡ lớn ở đây ít nhất cũng phải nặng đến bốn năm cân, không thể bưng trên tay một tập giấy tờ lộn xộn mà xem được. Chồng văn kiện trước mặt tôi có lẽ là được dùng làm bàn kê. Người này xem thứ gì đó, đặt lên trên chồng văn kiện này. Vừa hút thuốc vừa xem, mẹ kiếp thằng ranh này cũng ung dung thật!

Nhưng vẫn vô dụng, khắp bốn phía toàn là giấy tờ, không cách nào đoán ra được người này tìm cái gì, hoặc có thể hắn đã tìm được thứ mình cần rồi đem đi mất.

Tôi hơi mê mẩn, cũng giả vờ như mình đang lật xem văn kiện, trong đầu bỗng nhiên lóe lên một suy nghĩ. Nhớ đến bút tích trên tờ niêm phong, không khỏi ma xui quỷ khiến nảy ra một ý nghĩ: tạm thời không bàn đến cái khác, nếu tờ giấy đó quả thực do “tôi” viết, vậy thì tôi sẽ xem văn kiện như thế nào nhỉ?

Tôi bảo Vương Minh đưa cho mình một phong bì, bóc ra, đặt trên “bàn”, cầm vài tờ giấy lên lật giở một chút. Sau đó, theo thói quen thông thường, tôi vừa suy nghĩ tay phải vừa cầm mấy trang giấy đã xem xong, đến khi số trang giấy mà tay phải cầm đạt đến một độ dày nhất định, tôi bèn đặt xấp giấy đó sang một bên cách đấy khá xa, rất gọn gàng.

Đây là thói quen của tôi, vì trong lúc chỉnh lý lại các bản rập đã làm, thường thường trên bàn tôi lúc ấy toàn là giấy tờ lộn xộn cực kỳ, cho nên, làm xong cái nào là tôi thường đặt nó ra xa, cách biệt với các phần văn kiện khác. Mà khoảng cách đó, vẫn phải nằm trong tầm với của tay.

Nhìn xung quanh một lát, nhìn xem quanh đây có chỗ nào mà tôi có thể đặt giấy tờ đã xem xong không, liền nhìn thấy ở bên phía tay phải của tôi có một cái hòm, trên hòm có đặt một xấp giấy, tôi thử vươn tay ra, khoảng cách vừa đủ.

Tôi giật mình, có hơi kinh sợ, nếu như ngay cả điều này mà tôi cũng đoán đúng, như thế chẳng phải đã chứng minh được người từng ở đây xem văn kiện quả thực chính là tôi?

Có điều tôi chỉ do dự trong một chốc, rồi với lấy xấp giấy kia. Kệ xác nó! Dù gì cũng từng chết một lần rồi, chuyện này thì có gì mà lo lắng nữa chứ?

Tôi đặt xấp hồ sơ đó lên chồng văn kiện trước mặt, trang thứ nhất là một bảng kê khai, hình như là dự toán tiền trợ cấp, có tên mấy người ở đó, khoản trợ cấp cao nhất là 447,92 tệ. Tôi không hiểu rõ lắm về chế độ lương thưởng thời đó, có điều, một khoản tiền nhiều như thế vào thời đó so ra chẳng khác gì hàng trăm triệu thời bây giờ.

Loại trợ cấp này thường là dành cho người Liên Xô, tôi không có hứng thú với chuyện này, rất nhanh liền chú ý đến hàng chữ ở góc bảng biểu: Bảng kê khai trợ cấp dành cho chuyên gia nước ngoài khảo sát công trình di chỉ khảo cổ tiệm Trương gia huyện Thượng Tư tỉnh Quảng Tây.】

Đúng rồi! Chính là nó!

Lật lật giở giở, số trang đã bị xáo trộn hết cả, các trang sau vẫn là bảng kê khai này, toàn là tên người, ở cuối bảng biểu có một dấu mộc, đúng là do cơ sở nghiên cứu này đóng dấu. Trong dấu mộc này có thể thấy được ngày tháng, là văn kiện của năm 1956.

Các trang sau nữa là tổng hợp tài liệu tham khảo, không phải in ronéo, mà toàn bộ đều là viết tay, phòng bao nhiêu, chiều dài chiều rộng gì đó, còn có cả sơ đồ. Chữ viết rất ngoáy, vì chuyện vừa rồi nên tôi vô thức nhìn kỹ nét chữ, nhưng đây hoàn toàn là nét chữ của người lạ, khác biệt rất lớn, rõ ràng không phải cùng một người ghi chép.

Nhanh chóng lật mở tiếp, đến khoảng trang thứ mười bốn, mười lăm, mới thấy được một thứ khác biệt.

Đó là một bản vẽ mặt bằng của cái gì đó, nhưng không phải bản vẽ mặt bằng chuyên nghiệp thời nay, lại còn dùng bút lông để vẽ. Tôi xem thử liền biết, đây là một trang vẽ của “Dạng thức Lôi” thời Thanh.

“Dạng thức Lôi” là tên gọi khác của một gia tộc kiến trúc sư ngự dụng thời Thanh, mang họ Lôi. Bọn họ hầu như phụ trách toàn bộ công việc thiết kế công trình kiến trúc của hoàng gia, có điều, trong xã hội thời đó địa vị của thợ thủ công còn thấp, cho dù có là gia tộc thợ thủ công đệ nhất thiên hạ đi chăng nữa, thì cũng chẳng là gì trong mắt người bình thường. Thời nay đa phần người ta chẳng biết đến sự tồn tại của gia tộc này, chỉ có dân kiến trúc bọn tôi mới biết “Dạng thức Lôi” trâu bò đến mức nào mà thôi.

Lịch sử Trung Hoa năm ngàn năm, Dạng thức Lôi chỉ tồn tại vẻn vẹn hai trăm năm, nhưng di sản văn hóa thế giới của Trung Quốc hiện nay phải có đến một phần năm là do Dạng thức Lôi xây dựng nên, không thể không phục.

Sau khi xây dựng Di Hòa Viên, Dạng thức Lôi đột nhiên xuống dốc, có người đoán việc đó có liên quan đến việc triều đình Mãn Thanh không còn có thể xây dựng thêm một công trình kiến trúc đồ sộ nào nữa. Có điều, sự suy bại của Dạng thức Lôi rất kỳ quặc, tôi từng xem một bài báo, nói rằng bọn họ từ quan chỉ trong đúng một đêm, tốc độ rất nhanh, không biết đã gặp phải đại biến gì.

Sau khi suy vong, con cháu Dạng thức Lôi đem bán một lượng lớn “mô hình phối cảnh”* của tổ tiên, đây là kết tinh của nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa, số lượng cực nhiều. Một phần bị tuồn ra ngoài hải ngoại hoặc lưu lạc trong dân gian, các quan chức trong nước cũng nắm giữ khá nhiều, cho nên vẫn là thứ thường gặp. Trong chuyên ngành của bọn tôi, hễ cứ học qua về kiến trúc nhà vườn truyền thống hay quy hoạch là đều thấy quen đến không thể quen hơn được nữa, cho nên tôi chỉ nhìn một cái là nhận ra.

* nguyên gốc là “烫样”, là mô hình phối cảnh công trình thời cổ, chế tạo để hoàng thượng ngự lãm, tương tự với mô hình kiến trúc/ sa bàn thời nay vậy. Vì trong quá trình chế tạo cần phải ủi nóng, nên mới gọi là 烫样. Các mô hình của Dạng thức Lôi có rất nhiều hình ảnh trên mạng, vô cùng tinh xảo.

Bản vẽ này chắc hẳn phải có liên quan đến di chỉ tiệm Trương gia, nói vậy, di chỉ này phải có từ thời Thanh, thậm chí có khả năng là một tác phẩm của Dạng thức Lôi.

Đây là một trang bản sao, chính phẩm đương nhiên vẫn còn nằm trong bảo tàng.

Tôi có hứng thú với mấy thứ này, bèn xem lướt qua một chút. Bản vẽ vẽ một đình viện rất lớn, có lẽ là một tòa trạch viện, xem quy mô, cao bao nhiêu sâu bao nhiêu, khá rộng lớn, xem kết cấu, có lẽ là nhà dân.

Dạng thức Lôi là kiến trúc sư của triều đình, rất ít cơ hội để thiết kế nhà dân, như vậy chủ nhân của tòa trạch viện này có lẽ là một vị quan lớn nào đó, hoặc là một người có lai lịch rất sâu xa.

Tôi nhìn sang bên xem có dòng Tiểu Khải nào ghi chú tên của tòa trạch viện này không, nhưng lại không thấy gì cả.

Mấy trang phía sau cũng là bản vẽ giống thế, đa phần đều là bản vẽ mặt bằng. Bản thiết kế của Dạng thức Lôi vô cùng tinh vi, vẽ lại hình chiếu từ các góc, hình chiếu phối cảnh, và cả phân tích từng bộ phận. Còn ghi lại cả phong thủy, địa mạo xung quanh, thậm chí còn có cả một bản sơ đồ mặt bằng cỡ lớn có chia ô của cả khoảnh đất nữa.

Lật xem tiếp, có mười mấy trang, trang cuối là mục lục, cho thấy tập hồ sơ này gồm có những gì, tôi hơi giật mình, cầm tờ mục lục đối chiếu với các trang tư liệu bên trong, mới phát hiện chỉ dựa vào số trang thôi mà đã thiếu đến sáu trang rồi.

Nếu tôi đoán không lầm, thì sáu trang này đã bị người kia cầm đi rồi. Hiện giờ những thứ còn lại trong tay tôi đây vẫn chưa phải mấu chốt quan trọng, nhưng dù vậy, đối với tình trạng không một manh mối trong tay của tôi thì đây đã là một điểm đột phá lớn rồi.

Sắp xếp lại tập văn kiện trong tay một chút, rồi lại nhìn xung quanh, biết ở đây không còn gì để thu hoạch nữa, tôi bèn gọi Vương Minh nãy giờ vẫn đang tìm kiếm quay trở lại.

Tôi phải gọi vài tiếng cậu ta mới hoàn hồn. Tôi đi tới, hỏi cậu ta đang làm cái gì đấy? Cậu ta cầm đèn pin chiếu vào một góc nhà kho, hỏi tôi: “Ông chủ, cái đó dùng để làm gì?”

Tôi ngẩng đầu lên nhìn, thì thấy đằng sau đống đồ đạc lỉnh kỉnh, có một cái lồng sắt hàn từ các thanh sắt ngang dọc lại với nhau.

Tiến lại gần xem xem, cái lồng cao cỡ nửa người, rỉ sét hết cả. Vương Minh thò đèn vào trong chiếu thử, thấy trong lồng có một cái bát sứt. “Có phải lồng nuôi chó không nhỉ?”

Tôi lắc đầu, các thanh sắt đan cài nhau rất kín, dùng để nhốt một con chó cũng không cần phải đến mức ấy chứ! Có lẽ đây là cốt thép còn thừa từ lúc xây căn phòng này, chuyện này tôi không quản được. Tôi bèn bảo Vương Minh đừng có lằng nhằng nữa, tôi còn phải vội đi xác minh lại vài chuyện.

Theo đường cũ quay trở về khách sạn, cậu ta đi tắm, còn tôi thì lên mạng, bắt đầu tra cứu các tư liệu có trong tay.

Đầu tiên là tra thông tin về cái gọi là “khảo sát di chỉ tiệm Trương gia huyện Thượng Tư”, không có kết quả gì. Ngẫm ra thì, chuyện từ năm 1950 lận, vốn cũng chưa chắc đã đăng trên mạng, mà kể cả có đi chăng nữa, có lẽ cũng chỉ có vài ba dòng chữ mà thôi, thế là tôi bèn tìm tên địa danh.

Tôi làm nghề này, nên không hiểu biết lắm về mạn Quảng Tây, tuy ở đó cũng có cổ mộ, nhưng khí hậu lại khác biệt rất nhiều so với vùng Hồ Nam, Thiểm Tây, Sơn Tây phía này. Tới đó ở ba ngày, chưa kịp xuống đất đã phải rót chén thuốc mà uống rồi, càng đừng nói là tiến vào vùng rừng rậm nguyên sinh. Còn phong tục tập quán nữa, các dân tộc khác nhau, lề thói khác nhau, không phải nơi mà người thường dễ dàng lăn lộn được. Trong xã hội cũ, đối với người Trung Nguyên, chỉ khi cùng đường lắm mới phải đặt chân đến vùng đất đó.

Lần này tra cứu tôi cũng phải ngạc nhiên, địa thế các dãy núi ở vùng đó khác biệt quá lớn, tuy có nhiều người Hán đến từ Trung Nguyên dựa theo thuật phong thủy của Trung Nguyên để phân định âm dương trạch viện ở vùng này, nhưng về mặt khái niệm vẫn hoàn toàn khác biệt.

Thật ra những nơi như thế này lại đúng là thiên hạ của đám trộm mộ thời đại mới trong dân gian, tôi nghe nói ở Quảng Tây từng có kẻ trộm một ngôi mộ lớn, trực tiếp dùng máy xúc mà đào bới, còn quá đáng hơn cả tụi Nam phái.

Tin tức trên mạng có hạn, người tôi đã nhớp nháp mồ hôi, tra cứu một lúc, điều hòa vừa bật, cả người cũng tỉnh táo hẳn lại. Vì vậy tôi đi tắm trước đã, vừa tắm vừa nghĩ, đến lúc ra ngoài quên cả mặc quần lót, dọa Vương Minh một trận khiếp vía. Tôi nhận thấy mạch suy nghĩ của mình rất hỗn loạn, mọi thứ quá lẻ tẻ, với trí óc của một mình tôi, rõ ràng rất khó để suy nghĩ hết toàn bộ mọi vấn đề trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Bản vẽ của Dạng thức Lôi là một manh mối rất tốt, nhưng loại bản vẽ như thế trôi nổi trong dân gian rất nhiều, cũng không phải là một đầu mối chỉ đường cụ thể. Bắt đầu tra tìm từ manh mối này, cứ như mò kim đáy bể, càng khó tin cậy.

Đêm khuya hôm ấy, tôi mải suy nghĩ rồi ngủ thiếp đi mất, trong đầu rối như tơ vò.

Sáng ra uể oải vô cùng, tôi tắm sơ qua bằng nước lạnh cho tỉnh táo lại, sau đó lại xem qua một lượt xấp tư liệu kia hết một lượt, rồi gửi cho một vài người quen, đi thăm một vài người thân, đều là hỏi thử cho xong việc mà thôi. Cùng lúc đó, tôi cứ nghĩ mãi xem nên tìm ai hỏi thì hợp. Đột nhiên tôi nhớ đến một người, đó là bạn vong niên của ông nội tôi, hồi tôi còn bé cũng thích tôi lắm. Người này cùng nghề với tôi, trước kia từng làm ở viện thiết kế nhà cửa, chuyên công tác kiểm tra tu sửa kiến trúc cổ. Thế là tôi mua chút rượu cùng ít thức nhắm, đăng môn bái phỏng.

Bao nhiêu năm không gặp rồi, tôi nghĩ ông cụ tính khí chắc vẫn như xưa, nên không khách sáo gì cả, thẳng thắn nói thật luôn. Ông cụ mở bản vẽ ra xem một lúc, mấy giây sau mới nói: “Anh chắc chắn đây là nhà cho người ở đấy chứ?”

Tôi nghe trong lời ông cụ có hàm ý, bèn hỏi lại thế là sao? Ông cụ bảo: “Anh học kiến trúc bao nhiêu năm mà không nhìn ra à? Anh xem các ô lấy sáng của ngôi nhà này này.”

Tôi nghĩ bụng, tôi biết xem bản thiết kế công trình, nhưng bản thiết kế của Dạng thức Lôi thì nào có biết! Đó có phải vẽ bằng phần mềm vẽ kỹ thuật tiêu chuẩn đâu. Tôi nhận lấy bản vẽ xem sơ qua một chút, bỗng nhiên nhận ra điểm này không liên quan gì đến bản vẽ, vấn đề nằm ở bố cục tòa nhà. Tôi lật ngang lật dọc mấy lần, xác định phương hướng Đông Tây Nam Bắc, nhìn kỹ một chút, mới giật thót mình, quả thực có vấn đề!

Theo như thiết kế của tòa trạch viện này, tất cả các phòng dưới mái hiên đều không hứng được ánh sáng, ngay cả phản quang cũng không có. Ngay cả khi bên ngoài mặt trời chiếu sáng chói lọi nhất, bên trong vẫn có thể tối đen như mực.

“Cái này…”

“Đây là nhà tối.”

“Dạng thức Lôi” sao lại có thể thiết kế loại nhà ở như thế này? Tôi lại quan sát kỹ lưỡng một lần nữa, nhận thấy thiết kế của tòa trạch viện này vô cùng xảo diệu, trăm phương ngàn kế để tránh ánh sáng. Tuy làm vậy cũng không bảo đảm được không một tia sáng nào lọt vào trong nhà, nhưng chí ít cũng có thể xác định được bố cục này là cố ý.

Lẽ nào người sống trong nhà này không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời? Ma cà rồng? Thật là vớ vẩn, nhưng rồi tôi lại nhớ đến đôi mắt của tên Kính Râm, lẽ nào người trong nhà này cũng giống như hắn, không nhìn được ánh sáng mạnh? Hay là hoàng đế lại nảy ra ý tưởng xây nguyên một căn nhà để chơi trốn tìm?

“Ông đã bao giờ thấy kiểu nhà như thế này chưa?” Tôi hỏi ông cụ.

Ông cụ nhíu mày lắc đầu: “Ngược lại thì lại có đấy. Phòng này, người sống không ở được! Nhưng thật ra tôi lại biết thời cổ đại có một nơi cũng tương tự như thế, nhưng không nghiêm cẩn đến mức này.”

“Nơi nào ạ?” Tôi hơi giật mình, truy hỏi.

“Nghĩa trang.”

“Nghĩa trang? Cả tòa nhà to như này lại để toàn là người chết?”

Không thể nào, một nghĩa trang không thể có quy mô khổng lồ như thế. Tôi có thể thấy được rõ ràng trong nhà này có rất nhiều kết cấu khác nhau, hẳn phải là nhà dân thường thời Minh Thanh.

“Anh tìm được thứ này ở đâu?” Ông cụ hỏi tôi.

Tôi đương nhiên là không thể nói thật, chỉ bảo là vét được trên thị trường. Ông cụ rõ ràng có hứng thú, bảo tôi đưa bản vẽ cho ông, để ông nghiên cứu kỹ lưỡng một chút.

Tôi đương nhiên là không chịu, nhưng ngẫm lại thì tôi cầm thứ này cũng chẳng làm được gì, bèn hỏi ông cụ liệu có thể giúp tôi đi hỏi thăm một chút về nó được chăng? Nếu có tiến triển, bản vẽ này xin biếu ông luôn, không lấy một đồng.

Lễ độ này cũng quy củ lắm, ông cụ vui vẻ nhận lời, tối hôm ấy mời tôi ở lại uống rượu.

Ông cụ sống có một thân một mình, đến tuổi già cũng thực buồn tẻ, lúc mới tới đây tôi vốn cũng muốn ở lại hàn huyên với ông một hồi lâu, cho nên đồng ý ở lại.

Hai người uống nửa cân, tôi với ông cứ thao thao bất tuyệt về chuyện Dạng thức Lôi. Ông cụ bảo tôi, thực ra Dạng thức Lôi vào cuối thời Minh đã là một gia tộc lớn về nghề thủ công rồi, đến thời Thanh, mới có một người đầu tiên vào cung, tên là Lôi Phát Đạt.

Đương thời Khang Hi muốn trùng tu lại điện Thái Hòa, vào lễ Thượng lương (lễ cất nóc), Khang Hi đích thân dẫn văn võ bá quan tới làm lễ, nhưng cây đòn dông là loại cũ, lỗ mộng không khớp, cứ treo ở đấy mà không chịu rơi, quan chủ quản Công bộ nhìn nhau kinh ngạc, chỉ sợ lỡ mất giờ lành cất nóc, bèn vội vã tìm Lôi Phát Đạt tới, còn ban tặng mũ áo cho.

Lôi Phát Đạt cầm búa trong tay áo, nhanh nhẹn trèo lên xà nhà, giơ cao cây búa đồng, chỉ nghe “rầm, rầm, rầm” ba tiếng liên hồi, cây đòn dông nặng nề rơi xuống nghe “ầm” một tiếng. Ngay lập tức, tiếng trống tiếng nhạc cùng nổi lên, văn võ bá quan kêu lên “Vạn tuế”. Lễ Thượng lương kết thúc, hoàng đế Khang Hi long tâm đại duyệt, bấy giờ mới triệu kiến Lôi Phát Đạt, đích thân ban cho chức Trưởng ban sở xây dựng của Công bộ. Bởi vậy, đương thời mới có câu ca dao “Trên có Lỗ Ban, dưới có Trưởng ban, tử vi chiếu mệnh, kim điện phong cung”.

Về sau, Lôi Phát Đạt thăng quan tiến chức vùn vụt, đến đời con trai của Lôi Phát Đạt là Lôi Kim Ngọc, thì đã thăng đến chức Chưởng án đầu mục của Dạng thức phòng* rồi. Có người nói tài nghệ của Lôi Kim Ngọc còn cao siêu hơn nữa, có thể phỏng chế ra được đồng hồ tinh xảo của Tây Dương, dung hợp được máy móc của Tây Dương với truyền thống của Trung Hoa, không chỉ công trình lớn, mà ngay cả những món đồ chơi tinh xảo trong cung cũng đều do ông ta chế tác.

* Dạng thức phòng là một cơ quan chuyên phụ trách thiết kế công trình kiến trúc cho triều đình, thuộc phủ Nội vụ, dưới thời Thanh.

Tôi cũng có hiểu biết tương đối về Dạng thức Lôi, nên không hứng thú với mấy chuyện này cho lắm, bèn hỏi ông cục, không biết Dạng thức Lôi vì cớ gì mà suy bại?

Ông cụ nói việc này không ai biết rõ được, có nhiều cách giải thích lắm. Nghe nói là vì Dạng thức Lôi thời Mãn Thanh đã đắc tội với Thái Hậu, lại nghe nói là vì Mãn Thanh suy yếu, không thể xây dựng được công trình lớn nữa. Nhưng còn có một cách giải thích khác, không biết thật hay giả.

Tôi nói, nguyện nghe cho tường. Ông cụ uống hơi nhiều, rất nghiêm túc, thấp giọng nói: “Chúng ta đều biết Mãn Thanh đến từ vùng quan ngoại, dân du mục mà, gốc ở quan ngoại, đã là tập quán rồi. Hoàng đế Mông Cổ sau khi chết đi, thi thể đều phải chuyển đến an táng ở vùng quan ngoại. Truyền thuyết kể lại, hồi mới đầu khi Mãn Thanh vừa đánh qua ải, nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn không biết còn có thể duy trì chính quyền được bao lâu nữa, bèn đem hết toàn bộ vàng bạc châu báu chiếm đoạt được chuyển ra quan ngoại chôn giấu, hoàng đế đương thời cũng an táng ngoài quan ngoại. Về sau khi thế cục đã ổn định, mới có Đông Tây lăng xây trong quan nội.”

“Tuy nhiên, đây chỉ là mượn danh nghĩa mà thôi, hoàng thất nào cũng có nỗi bất an. Đông Tây lăng chỉ là lăng giả, chôn cất toàn thái giám và cung nữ, phần lớn hoàng đế Mãn Thanh sau khi chết đều được bí mật chuyển đến an táng ở một nơi bí mật ngoài quan ngoại. Dạng thức Lôi có nhiều bản vẽ rất kỳ quái, không biết là thiết kế cái gì, theo suy đoán có thể đó là những bộ phận của hoàng lăng ngoài quan ngoại.”

“Tuy Dạng thức Lôi không tham dự vào cụ thể quá trình xây dựng hoàng lăng, nhưng phần lớn thiết kế bên trong đều đến từ gia tộc này, thời Mãn Thanh khi triều đình sắp sửa suy tàn, đương nhiên là sẽ bị bức hại, nhưng cũng may lúc đó thế cục hỗn loạn, triều đình không rảnh quan tâm quá nhiều đến việc này. Bằng không, kết cục của Dạng thức Lôi chỉ e không chỉ dừng ở đó.”

Tôi nghe mà sửng sốt, “Đông Tây lăng có quy mô lớn như thế, còn có thể là giả?”

“Đấy mới là điểm lợi hại của Mãn Thanh, thay vì tiêu tốn bao công sức vào một cái hoàng lăng, chi bằng dựng một mục tiêu giả thật lớn để thu hút hết sự chú ý của mọi người. Tôi đoán, nếu quả thực có một quần thể hoàng lăng ở quan ngoại, thế nào cũng phải ở Trường Bạch Sơn hoặc Đại Tiểu Hưng An Lĩnh.”

Tôi nghe đến đây, giật thót cả tim, nhớ đến rặng núi khổng lồ dưới lòng đất cùng hàng văn tự Nữ Chân từng nhìn thấy ở Trường Bạch.

“Đây toàn là lời đồn thổi thôi, về cơ bản đều không thể kiểm chứng được.” Ông cụ lại nói, “Anh coi, ngay đến lăng Thành Cát Tư Hãn đến bây giờ còn chưa phát hiện được kia! Việc khảo sát hoàng lăng ngoài quan ngoại có tính khả thi quá thấp, cho dù là một trăm ông chú Ba nhà anh, chỉ e cả đời cũng chẳng tìm ra nổi.”

Tôi gật đầu, điều này cũng đúng, không khỏi đổ mồ hôi lạnh.

Những việc này tôi thật sự chưa từng được nghe nói đến, Mãn Thanh cướp bóc ở quan nội nhiều năm, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự suy yếu thời kỳ sau của triều Thanh rất không bình thường, không biết có phải là vì hoàng đế đã đem chôn hết toàn bộ của cải đi rồi không. Nếu thế, quần thể lăng mộ ngoài quan ngoại này có lẽ quy mô còn vĩ đại hơn cả hoàng lăng Mông Cổ thần bí.

Ông cụ nói xong, cũng đã uống kha khá rồi, chẳng mấy nữa là bét nhè. Tôi chào tạm biệt xin ra về, rồi lập tức trở về khách sạn, tra cứu tư liệu về ô lấy sáng trong nhà ở hồi lâu, đáng tiếc không thu hoạch được gì nhiều.

Vốn cứ tưởng vụ này sẽ còn phải kháng chiến trường kỳ đây, nên tôi nghĩ định về Hàng Châu trước, dù sao việc làm ăn của chú Ba vẫn do tôi quản lý, tuy không có khởi sắc gì nhưng cũng không thể để nó lụn bại được, bây giờ chi bằng qua bên đó xem sao. Nào ngờ ngay ngày hôm sau, ông cụ đã hùng hùng hổ hổ kéo thêm hai người nữa tới tìm tôi.

Hai người này cũng trạc tuổi ông cụ, một người họ Nguyễn, một người họ Phòng, giới thiệu xong, mới biết họ đều là mối lái nổi danh khắp ba đất Bắc Kinh, Trường Sa, Thượng Hải. Vừa mới gặp đã đon đả bắt tay tôi, nói không ít lời có cánh, làm tôi ngơ ngác chả hiểu mô tê gì.

Chúng tôi ngồi ở đại sảnh khách sạn, ông cụ liền nói thẳng vào vấn đề luôn: “Hai vị đây muốn trả giá cao mua lại tấm “bản vẽ” của anh. Hôm qua mặc dù anh có nói biếu tặng không lấy một xu, nhưng bọn họ đưa ra giá khá cao, không biết anh có đổi ý hay chăng.”

Ông cụ vốn cũng giàu, nếu đã nói là cao, chắc hẳn không phải một con số bình thường rồi.

Người họ Nguyễn liền giơ tay ra, tôi vừa nhìn là biết muốn bắt tay tôi. Xem ra tay này là dân trong nghề, hơn nữa lại còn là dân lão làng.

Trong giao dịch giữa các cổ đông, không tiện “cò kè trả giá” như giao dịch ngoài chợ, nên hai người bắt tay, ngón tay cử động một chút, có nguyên một bộ quy tắc cố định để hiểu ý lẫn nhau.

Tôi cũng đưa tay ra bắt lấy, quả thực người này ra giá rất cao, vượt qua cả giới hạn của một bản vẽ Dạng thức Lôi, nhưng vì tôi từng làm ở chỗ chú Ba, từng được chứng kiến những cuộc mua bán lớn thực sự, thì cái giá này cũng không làm tôi kinh ngạc được. Điều làm tôi kinh ngạc là những vết chai trên tay người này. Đốt thứ hai trên các ngón tay ông ta toàn cục chai sần, gọi là vết chai quan tài, do khiêng nắp quan tài nhiều năm mà thành. Người này cho dù không phải thổ phu tử, thì cũng chắc chắn là dân trong nghề.

Tôi sắc mặt tỉnh bơ, để khiến bản thân có chút phong thái của bậc đại gia, nói: “Nếu tôi bán cho ông với giá này, dân trong nghề lại bảo tôi bẫy các ông, ảnh hưởng đến thanh danh của tôi. Hơn nữa, thứ này tôi vẫn còn muốn dùng, thật sự không thể bán được. Các ông về bảo với khách hàng là tôi xin lỗi, món này không bán được.”

Ông ta lại chìa tay ra muốn bắt tay tôi, rõ ràng là muốn tăng giá thêm nữa. Tôi giơ tay từ chối, bưng chén trà trong tay, này có ý là “dừng”*, dứt khoát không bán.

*“bưng” tiếng Trung là 端, đọc là /duàn/, đồng âm với 断, nghĩa là dứt điểm, quyết định xong)

Hai người nọ vẻ mặt chán nản, một người nói: “Vậy mời ngài ra giá. Nói thật, ông chủ nhà tôi rất thích món đồ này, nếu ngài vừa ý cái giá nào, xin đừng ngại nói thẳng.”

Tôi định bảo là một triệu, thế mà cũng bằng lòng hả? Tôi không khỏi có chút lung lay, xem ra khách hàng của người này có lẽ biết được điều gì liên quan đến bản vẽ này chăng, lòng hiếu kỳ nổi lên, bèn hỏi: “Muốn mua vật này đến thế, rốt cục là có tác dụng gì?”

“Chúng tôi cũng không biết.” Ông ta đáp, “Khách hàng thích, thì chúng tôi phải tìm cho khách hàng. Thường chúng tôi không được hỏi gì nhiều.”

Ông cụ ngồi bên liếc mắt nhìn tôi, tôi biết suy nghĩ của ông cũng giống tôi, để xem tôi có moi ra được điều gì không, bèn nói: “Thế này đi! Hai vị hãy quay về báo với khách hàng một câu, nếu được chúng ta hãy gặp mặt nói chuyện một lần. Tiền là chuyện nhỏ, tôi cũng muốn gặp mặt bàn bạc, về sau người khác có hỏi, cũng có đường giải thích.”

Hai người kia lộ vẻ khó xử, nói: “Chỉ sợ vị khách này không phải người mà chúng ta có thể gặp mặt được.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro