Chương 64: Trở Về

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiều tối hôm đó, tôi cất cánh từ sân bay Bạch Liên, rồi hạ cánh xuống sân bay Hồng Kiều ở Thượng Hải, sau đó lên xe buýt sân bay, từ Thượng Hải về Hàng Châu.

Trong nhà vệ sinh ở sân bay Hồng Kiều, tôi nhìn khuôn mặt mình. Chiếc mặt nạ cực kỳ khéo léo, tránh khỏi những chỗ lún phún râu ria trên mặt tôi, bằng không bây giờ râu tôi đã đâm phải mặt nạ rồi cắm ngược xuống da thịt tôi rồi. Hồi trước tôi cứ nghĩ phải để râu thì mới trông ra dáng đàn ông, bây giờ xem ra không phải ai cũng hợp để râu. Nhất là khuôn mặt già nua lún phún đầy chân râu này, lại cộng thêm bộ đồ không vừa người tôi đang mặc nữa, trông cứ như một người thu lượm ve chai điển hình.

Tôi nghe Tiểu Hoa nói, thời cổ đại, những người đeo mặt nạ này phải bôi một thứ thuốc nước đặc biệt lên mặt để phá hủy toàn bộ lỗ chân lông trên da, cực kỳ đau đớn khổ sở. Đối với cái ngữ như tôi, không mọc được râu cũng chẳng phải nỗi bất hạnh gì quá lớn, nhưng tôi vẫn mừng vì bọn họ không làm vậy với tôi.

Đó là chuyến buýt muộn nhất trong ngày. Trên xe chỉ có tôi và một cô bé bộ dạng nom như học sinh. Cô bé này đeo tai nghe suốt, nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt mơ màng. Cô buộc một cái bím tóc, rất gọn gàng, một khí chất rất đặc biệt.

Tôi bất giác lại nghĩ đến Vân Thái, cảm giác trong lòng lúc này không thể diễn tả thành lời. Bắt đầu từ khoảnh khắc khi rời khỏi Quảng Tây, tôi vẫn luôn kiềm nén toàn bộ cảm xúc của mình. Bây giờ nhìn ánh đèn đường loang loáng ngoài kia, trong lòng tôi dần dần trào dâng đủ các loại cảm xúc đau khổ chua xót.

Tôi nhắm mắt lại, cố gắng để không bật khóc. Tiếng gào khóc của Bàn Tử vẫn như văng vẳng bên tai tôi. Tôi nhớ lại bức tranh mà Vân Thái từng vẽ, trong tranh là bọn tôi, là bọn tôi trong chuyến đi Ba Nãi lần đầu tiên. Mặc dù trong lòng đầy những câu hỏi lớn, nhưng trông chúng tôi có vẻ rất hạnh phúc, bởi vì thời khắc đó, số mệnh vẫn còn nằm trong tay chúng tôi.

Điều nực cười là, tất cả những gì chúng tôi làm sau đó, lại là ném hết toàn bộ số mệnh mà chúng tôi nắm giữ trong tay, tự đẩy mình đến hoàn cảnh hiện tại.

Tôi vẫn còn sợ hãi điều gì đây? Mặc dù đang tràn ngập giữa những cảm xúc như thế, vậy mà tôi vẫn thấy những vướng mắc xoắn xuýt trong lòng mình không được giảm bớt tí nào.

Tâm ma tôi vẫn không hề suy giảm hay biến mất. Hoặc có thể nói, lần này quay về, thậm chí tôi vẫn không cho rằng đây chính là kết cục cuối cùng. Sâu trong lòng tôi biết rõ, lần này tôi trở về, chẳng qua chỉ là để làm một người khách qua đường, mọi chuyện vẫn không hề kết thúc, thậm chí, vẫn đang tiếp tục không ngừng diễn tiến.

Bến cuối của chuyến xe nằm trên đường Khải Hoàn, tôi xuống xe, bắt taxi về nhà. Đã là nửa đêm, nhìn đường phố quen thuộc, tôi lại bất giác so sánh với cảm xúc của mình trong mấy chuyến về Hàng Châu ngày trước. Trong mấy lần ấy, cảm giác đầu tiên của tôi khi về Hàng Châu, đó là mệt mỏi. Không bao giờ đi mấy cái nơi như thế nữa, lần này chắc chắn là lần cuối cùng. Đó là suy nghĩ vẫn thường hiện lên trong đầu tôi lúc ấy.

Nhưng lần này không như thế. Tôi không mệt mỏi, thậm chí, tôi còn có một loại cảm giác “chẳng qua chỉ đến thế”.

“Nếu cứ tiếp tục như thế nữa, bệnh cậu hết thuốc chữa.”

Bệnh thì bệnh vậy. Tôi châm một điếu thuốc, xuống xe, nhìn cảnh vật trước mặt, bỗng nhiên kinh ngạc.

Trước mặt tôi là cửa tiệm của chú Ba.

Không phải tôi nên về nhà ư? Tôi có chút hoảng hốt, bấy giờ mới sực nhớ lại, khi lên xe, nói địa chỉ với tài xế, tôi đã nói địa chỉ nhà chú Ba.

Tôi không thể về nhà mình, cho dù là về Hàng Châu, tôi vẫn phải ở nơi này.

Tôi quay đầu lại, tài xế taxi đã đánh xe đi. Đứng trong con hẻm tối tăm, tôi không khỏi thấy nực cười, thò tay vào túi lấy chùm chìa khóa Phan Tử đã giao cho tôi trước đó, đến trước cánh cửa sắt, hít một hơi, mở cửa.

Cả căn nhà nhỏ kiểu Tây không một ánh đèn. Tôi đi vào sân, thấy mấy chậu cây cảnh của chú Ba. Vì vẫn có người làm vườn thường đến chăm sóc, các chậu cây trông tươi tốt vô cùng, xếp sắp bừa bãi khắp nơi. Bình thường chú Ba hay đặt một chiếc bàn trà con con ở giữa sân để uống trà.

Đây chính là nơi mà chú Ba vẫn thường sinh hoạt. Tôi từng ở đây mấy ngày, thật không ngờ, lần này quay về, vẫn là đến đây.

Tôi không vào nhà ngay, bởi vì tôi không biết, vào đó rồi tôi còn có thể làm gì nữa. Tôi không muốn luẩn quẩn trong căn nhà này vào giữa nửa đêm như thế. Không biết vì sao, tôi có cảm giác rất bài xích cuộc sống sắp tới, có thể lần lữa được lúc này hay lúc ấy.

Ngồi trên ghế, tôi bọc kín bản thân mình trong lớp quần áo, nhìn bầu trời đêm, ngồi yên không nhúc nhích, mãi cho đến khi trời sáng.

Người làm vườn vẫn thường đến đây mỗi ngày đã đánh thức tôi dậy. Khi tôi mở mắt ra, tôi nhìn thấy một gương mặt ngơ ngác đang nhìn mình.

“Ông chủ, về rồi sao? Làm sao mà lại ngủ ở chỗ này?”

“Chú Hà?” Tôi mơ mơ màng màng đáp một câu, rồi sực nhớ ra không đúng, liền sửa lời ngay, “Lão Hà, sao sớm vậy đã đến rồi?”

“Mau vào nhà đi đã, ông chủ, trời lạnh đấy.” Lão Hà nói.

Tôi gật đầu, nhìn vào trong nhà, người giúp việc còn chưa tới. Mỗi ngày lại có người giúp việc đến quét dọn nơi này, nhưng chỉ giới hạn ở tầng ba thôi, tầng hai và tầng một là nơi chứa hàng.

Người làm nghề về cổ vật thường không thích những thiết kế trang hoàng theo lối quá sạch sẽ gọn gàng và hiện đại, người bán đồ cổ đa phần thích bày bừa lộn xộn tất cả mọi thứ lên. Đó là để thỏa mãn tâm tư của khách hàng, bởi lẽ, chọn lựa đồ cổ giữa cả một đám đồ cổ lộn xộn thường đem lại cảm giác yên tâm hơn cho khách hàng. Nhiều cửa hàng đồ cổ ở các khu đặc thù thích vứt đồ cổ lộn xộn hết lên rồi bán, cũng là vì lẽ này. Chứ nếu mà trang hoàng như tiệm nữ trang vàng ngọc gì đó, rồi lại có nhân viên cửa hàng mặc com-lê cà vạt thẳng thớm, lại trông chẳng có vẻ chuyên nghiệp gì cả.

Thực ra, nếu mọi người ai ai cũng hiểu đồ cổ thì thôi, nhưng sự thật là, những nhà sưu tầm am hiểu đồ cổ thật sự lại quá ít. Làm nghề này, chúng tôi thấy phải đến chín mươi chín phần trăm những người từng gặp đều là hạng tỏ vẻ mình là người trong nghề. Những người này đặc biệt để ý đến cảm giác.

Tôi đi vòng qua số đồ cổ này, đi qua mấy cánh cửa an toàn, mới lên đến tầng ba. Đồ dưới tầng một không đáng tiền, tầng hai có két sắt, đồ tốt hơn một xíu. Nhưng những thứ tốt nhất, khi không mở hàng sẽ được đặt trong mật thất trên tầng ba. Ba lượt cửa an toàn kia trông có vẻ đồng nát, nhưng thật ra đều làm bằng thép vonfram cả, khóa cửa là do một thợ khóa già mà chú Ba mời về thiết kế, cơ quan đầy trong tường, trừ phi dùng thuốc nổ oanh tạc thẳng, bằng không, người bình thường không thể mở ra được.

Tầng ba là cả một gian lớn. Chú Ba là người rất biết hưởng thụ, nhưng không khoe khoang ra ngoài, chú cũng không có hứng thú với nhiều trò giải trí hiện đại. Tất cả những đồ gỗ hồng đào, lim, trắc trong gian phòng này đều cực kỳ quý giá, nhưng so ra, tôi lại thích ghế sô-pha êm ái hơn. Cho nên, tôi biết, nếu đã muốn ở đây lâu dài, thì thế nào tôi cũng phải mua sắm thêm ít đồ đạc.

Thật ra lần trước khi ở lại đây một thời gian, tôi đã phát hiện ra, cuộc sống của chú Ba kỳ thực rất khắc kỷ, như thể thời trẻ chú đã trải qua quá nhiều, hưởng thụ quá nhiều, cái gì mà đàn bà, tiền tài, địa vị, đối với chú đã hoàn toàn không còn chút hấp dẫn nào. Cả căn phòng của chú, thoạt trông có vẻ rất nhiều đồ đạc đủ các loại như đồ nội thất, tranh chữ, văn phòng tứ bảo vân vân, nhưng nếu kéo ngăn tủ của chú sẽ thì sẽ thấy, gần như tất cả các ngăn kéo đều rỗng không, hơn nữa, còn phủ một lớp bụi mong mỏng.

Điều này chứng tỏ từ khi mua đồ đạc cho đến nay, số ngăn tủ này chưa từng được chứa đựng bất kỳ đồ vật gì.

Chẳng có cuộc sống sinh hoạt gì cả.

Một người đàn ông đứng tuổi độc thân, ngoài trừ địa bàn của mình ra thì chỉ còn có vài ba thứ: sổ sách, chén trà, lá trà, và còn rất nhiều sách cổ đa phần chỉ dùng để trang trí nữa. Thực ra sách toàn là sách cổ thứ thiệt giá trị thiệt, nhưng có thể nhìn ra được, chú Ba chẳng bao giờ lật ra xem làm gì. Trong phòng chú, thứ tìm được nhiều nhất lại chính là các loại báo giấy đã cũ.

Đối với chú, nơi này quá rộng, chú không có nhiều đồ đạc để có thể lấp đầy được hết toàn bộ số ngăn tủ này.

Sau khi trở về từ Hoàng Sa, tôi đã vơ vét hết toàn bộ nơi này, cho nên tôi biết thứ mình thấy hứng thú nằm ở đâu. Những tài liệu điều tra đội khảo cổ năm xưa của chú Ba vốn chẳng dùng được vào việc gì, nhưng tôi vẫn quyết định xem lại một lần nữa, chỉ là chưa phải lúc này.

Tôi ngồi xuống trước bàn sách của chú, trên bàn của chú có một ngọn đèn, một lư hương, một bộ điện thoại bàn và một ít giấy bút. Vẫn y hệt như lúc trước khi tôi rời đi.

Chỉ có duy nhất một thứ là hơi ra dáng một chút, đó là chiếc máy tính. Nhưng lại là một chiếc máy tính bàn đời rất cũ. Màn hình có 15 inch, bình thường chú Ba chỉ dùng nó để chơi bài và ghi chép sổ sách. Chú không biết dùng máy tính, chỉ biết cầm chuột làm vài thao tác đơn giản, hệ thống trong máy cũng là cài Windows 2000 đời đầu, không có card mạng, hoàn toàn không lên mạng được.

Tôi nhắm mắt, thử xem có phải mình muốn ngủ hay không. Mặc dù cảm thấy có chút mệt mỏi, nhưng có lẽ những hoạt động xuống đất liên tục trong thời gian gần đây đã khiến tôi quen với việc chịu đựng mệt nhọc ở cường độ cao, tôi hoàn toàn không buồn ngủ chút nào.

Tôi lấy di động ra, gửi tin nhắn cho tất cả mọi người, báo rằng tôi đã về đến nơi. Sau đó, tôi hít sâu một hơi, bỗng nhiên không biết mình phải làm gì.

Chẳng lẽ ngày nào chú Ba cũng như vậy, ngồi bên cái bàn này, suy nghĩ vẩn vơ?

Thảo nào chú vướng bận nhiều khúc mắc như thế, nếu chú nghèo đến mức không trả nổi tiền điện nước, thì có lẽ đã không có kết cục như vậy rồi.

Con người thực đúng là một sinh vật kỳ quái, mục đích quan trọng nhất của loài người là sinh tồn, nhưng sinh tồn thường lại không phải nỗi phiền não lớn nhất của họ. Khi họ đã thỏa mãn được tất cả những nhu cầu thiết yếu của mình, họ sẽ đi tìm những vấn đề mình không thể giải quyết được để mà phiền não.

Bẩm sinh đã thế, con người tồn tại là để phiền não. Cho dù đã nghĩ thông suốt được vấn đề này thì cũng vô ích. Bao giờ cũng có một số vấn đề phiền não khiến người ta không dám chọc vào, dù đã hiểu rõ nguyên lý của nó, ví dụ như tôi lúc này.

Tôi sờ lên mặt mình. Tôi biết, trong khoảng thời gian này, tôi phải tìm vài việc để làm, nếu không tôi sẽ bị đủ các loại ký ức dồn ép đến chết mất. Phan Tử đã không còn, mặc dù tôi không định công bố tin tức về cái chết của anh, nhưng mà, không có anh ấy, có nhiều việc không thể làm được trót lọt như trước nữa.

Còn cả Chị Câm và chú Hai. Chị Câm là người tôi nhất định phải thuyết phục được, còn về phần chú Hai, tốt nhất là nếu trốn được thì tôi cứ trốn, không gặp chú. Vì chú quá thông minh, chắc chắn tôi không thể qua mặt chú được. Còn bảy ngày nữa tôi mới tháo mặt nạ xuống được, để ứng phó với một số vấn đề bất ngờ có thể xảy ra, tôi phải làm một vài việc trước đã.

Tôi vào nhà vệ sinh trong nhà chú Ba, cạo râu, tắm rửa, sau đó gọi điện cho một tay quản sự dưới quyền, nói với hắn rằng hôm nay tôi không tiếp khách, tôi phải ngủ nguyên một ngày đã. Sau đó, tôi trèo lên giường, bật ti vi xem hoạt hình, mãi cho đến khi ngủ thiếp đi mất.

Giấc ngủ này rất khó khăn, đủ các loại giấc mơ ập đến khiến tôi giật mình tỉnh giấc không chỉ một lần, có nhiều lần tôi còn thấy Phan Tử, toàn thân đầy máu, đang đứng ngay bên cạnh tôi.

Tôi không cảm thấy sợ hãi, mà chỉ thấy tuyệt vọng, cảm giác tuyệt vọng đó cứ liên tục ngấu nghiến lấy tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro