4. 12 CÂU TIẾP: tư tưởng Đất Nước của nhân dân - nhân dân làm nên Đất Nước.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nếu đề bài yêu cầu phân tích đoạn thơ này, trước hết phải nói được khái quát nội dung phần thơ trước. Tham khảo ở ví dụ phần 2.

4.1. Nhân dân làm ra không gian địa lý của Đất Nước.

Đoạn trích "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm đã đưa ta đến với một Đất Nước giản dị mà rất đỗi đời thường, Đất Nước của nhân dân.

Đoạn thơ là câu trả lời mang tính thẩm mĩ cho câu hỏi: ai đã làm nên hình sông thế núi, làm ra hình hài Đất Nước? Từ đó đi đến khẳng định: nhân dân chính là người làm ra không gian địa lý của Đất Nước.

'Những người vợ nhớ chồng góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nen hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chính mươi chín con voi góp mình cho đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thẳng cánh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm."

- Đầu tiên, tư tưởng "Đất Nước của nhân dân" được thể hiện qua sự biết ơn sâu nặng của nhà thơ đối với nhân dân - những người đã cống hiến từ điều nhỏ bé nhất cho Đất Nước.

- Tác giả đã sử dụng nghệ thuật liệt kê một loạt các địa danh: núi Vọng Phu, hòn trống mái, đất tổ Hùng Vương, Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Ba Điểm,.. Tất cả đều là những địa danh nổi tiếng, những cảnh đẹp, những kỳ quan thiên nhiên của đất nước.

Thể hiện niềm tự hào của tác giả, đặt trong bối cảnh đế quốc Mỹ đang tìm cách xâm lược và chia rẽ nước ta.

Đoạn thơ còn có ý nghĩa khẳng định về sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Tác giả sử dụng điệp từ "góp" đến bảy lần, nhằm nhấn mạnh: Chính nhân dân là những người đã hóa thân vào từng hình sông, dáng núi để làm nên vóc dáng, hình hài, cơ thể của Đất Nước, làm nên linh hồn của các danh lam thắng cảnh, làm nên trầm tích văn hóa của mỗi địa danh. Từng mảnh đất dòng sông, ngọn núi đều gắn liền với tính cách, tâm hồn con người Việt Nam.

- Bao thế hệ con người Việt nam đã đóng góp cho danh lam thắng cảnh của đất nước một sự hóa thân, một ý nghĩa phủ nhuộm đậm đà cả tâm hồn dân tộc.

+ Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định gắn liền với sự tích nàng Tô Thị bồng con chờ chồng hóa đá.

+ hòn Trống Mái cũng là câu chuyện gắn bó nghĩa tình vợ chồng nghĩa nặng tình sâu.

+ Gót ngựa Thánh Gióng nhắc đến truyền thuyết Thánh Gióng với ngựa sắt cùng người anh hùng nhổ tre đánh giặc. Mỗi bước đi của gót ngựa ấy được ghi dấu bằng ao đầm để lại đến ngày nay.

+ Hình ảnh chín mươi chín con voi ở Phong Châu đã quần tụ để "góp mình" dựng đất tổ Hùng Vương là minh chứng cho lòng dân cùng đồng thuận hướng về một quốc gia thống nhất.

+ Bên cạnh sông Hồng "đỏ nặng phù sa" hay sông Mã "bờm ngựa phi thác trắng", Đất Nước còn có Cửu Long giang thơ mộng, kiêu sa gắn với huyền thoại đẫm sắc màu cổ tích. Những con rồng nằm im từ bao đời nay để cho Nam Bộ một "dòng sông xanh thẳm", dòng sông chín rồng (Cửu Long) mềm mại chuyển mình qua những bờ bãi, xóm làng mang phù sa lan tỏa khắp nơi.

+ Và nếu không có những người học trò nghèo thì Đất Nước mình cũng sẽ không có núi Bút, non Nghiên, gợi lên hình ảnh Đất Nước nghìn năm văn hiến với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo "Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa".

+ Ngay cả con cóc con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh, thành di sản thiên nhiên thế giới, góp phần đưa vẻ đẹp Đất Nước đến bốn biển năm châu.

+ Rồi những tên đất tên làng cũng được tạo nên từ tên của những người bình dị như Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm.

è Đoạn thơ liên tiếp lặp lại những cụm từ "góp cho Đất Nước", "góp nên", "góp mình", "góp dòng sông", "góp cho Hạ Long",... Và chủ thể của những đóng góp ấy là những người vợ nhớ chồng, những cặp yêu nhau, là người học trò nghèo, là những người dân,... Tất cả điều vô danh đó chính là nhân dân qua bao năm tháng đã lặng lẽ kiến tạo xây dựng nên Đất Nước, in dấu sâu đậm trên dáng hình của quê hương xứ sở.

4.2: Tư tưởng Đất Nước của nhân dân.

Bốn câu thơ cuối của đoạn thơ là sự khái quát sâu sắc được rút ra từ sự liệt kê các hiện tượng cụ thể ở trên theo cấu trúc quy nạp. Nguyễn Khoa Điềm đã đi đến một chân lý trong đời sống mang tính triết luận hiển nhiên, sâu sắc.

"Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.."

- Hai câu đầu là khẳng định dáng hình của Nhân Dân trong không gian Đất Nước "trên khắp ruộng đồng gò bãi". Bóng hình ấy của nhân dân không chỉ làm cho đất nước thêm phần tươi đẹp mà còn mang "một ao ước, một lối sống cha ông". Nghĩa là nhân dân khôngchỉ góp danh lam thắng cảnh, mà còn góp vào đó những giá trị tinh thần, là phong tục, tập quán, là truyền thống văn hóa lưu dấu tới mai sau.

- Hai câu cuối, hình tượng thơ được nâng dần lên và chốt lại bằng một câu đầy trí tuệ:"Những cuộc đời đã hóa núi sông ta". "Núi sông ta" sỡ dĩ có được là nhờ "những cuộc đời" đã hóa thân để góp nên. Nhân Dân không chỉ góp tuổi, góp tên mà còn góp cả cuộc đời và số phận mình. Ý thơ giản dị mà sâu sắc khiến ta hình dung Đất Nước thật gần gũi và thân thuộc.

- Với cấu trúc quy nạp (đi từ liệt kê các hình ảnh, địa danh... đến khái quát mang tính triết lí), dường như nhà thơ không thể kể ra hết những danh lam thắng cảnh và những nét đẹp văn hóa dân tộc vô cùng phong phú, đa dạng trên khắp đất nước. Nên cuối cùng, nhà thơ đã khẳng định: trên không gian địa lý đất nước, mỗi địa danh đều là một địa chỉ văn hóa được làm nên bằng sự hóa thân của bao cuộc đời, bao tâm hồn người Việt.

Tư tưởng "Đất Nước của nhân dân" trước hết được thể hiện ở bình diện không gian, nó được tạo nên bởi những vẻ đẹp tâm hồn, và những tình nghĩa ấy đã làm nên gương mặt của Đất Nước thật đẹp đẽ và ngời sáng, tạo nên núi sông hùng vĩ, giang sơn gấm vóc tươi đẹp muôn đời.

TỔNG KẾT NGHỆ THUẬT: Đoạn thơ có kết cấu chặt chẽ, tự nhiên được viết theo thể thơ tự do phóng khoáng. Câu thơ mở rộng kéo dài, biến hóa linh hoạt tạo cho đoạn thơ giàu sức gợi cảm và khái quát cao. Thủ pháp liệt kê địa danh, nhà thơ luôn viết hoa hai chữ Đất Nước thể hiện sự thành kính thiêng liêng. Động từ "góp" được nhắc lại nhiều lần. Tất cả làm nên một đoạn thơ hay về đất nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro