truyện bùa ngải voz p2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

26-7-2016.

Mệt mỏi cả ngày tại chỗ làm, biết bao nhiêu bon chen, xô bồ cứ ập vào tôi. Chỉ mới đó thôi mà tôi đã ra trường được một năm, công việc tìm đến tôi ngẫu nhiên và tình cờ như một sự may mắn đến bất ngờ.

Mới tháng trước, tôi còn tự hỏi tại sao mọi thứ diễn ra suôn sẻ đến thế? Tốt nghiệp, ra trường với cái bằng khá, rồi được một công ty mời về làm việc, mối quan hệ với đồng nghiệp cực tốt. Được sếp quý mến, nâng đỡ cho những ngày đầu vào công ty.

Thế mà bây giờ, mọi việc đã đổi hướng một cách bất ngờ. Từ các sếp lớn, đồng nghiệp đều tỏ thái độ không hài lòng với tôi…Cũng chỉ vì…một lời nói thật lòng.

Rồi tôi giật mình khi nhìn lên cuốn lịch để bàn, cái dầu mực đỏ khoanh tròn lại trên tờ lịch.

-Hôm nay là đám giỗ Đức – tôi nhủ thầm –Gay thật, đã 12h trưa rồi! Lát còn có cuộc họp nữa.

Băn khoăn một lúc, tôi vớ vội cái ba lô trên giường, nhét đại vài bộ đồ với cái laptop vào. “Tôi cũng chẳng thiết tha công việc này nữa, cùng lắm sau bữa nay thì xin nghỉ”. Thế là nhảy lên con wave, tôi chạy một mạch về Biên Hòa…

Xe băng băng trên đường, gió tốc vào mặt, cuốn đi những giọt nước mắt mặn đắng. Đức đã mất ba năm rồi, nhưng nỗi nhức nhối về cái chết của Đức vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi. Ba thằng bạn chí cốt năm nào, nay chỉ còn lại hai đứa lưu lạc tới đất khách quê người…Và có lẽ sắp tới, sẽ chỉ còn mình tôi ở lại thế gian này để cảm nhận nỗi đau mất mát.

Tôi dựng chân chống xe trước cửa nhà Đức. Xung quoanh đã thay đổi nhiều quá, những căn nhà lầu mọc lên san sát. Duy chỉ có căn nhà của Đức là vẫn thế, vẫn trụ lại, giữ nguyên những ngóc ngách kỉ niệm cho Đức…Cũng 2 năm rồi tôi chưa về lại nơi đây.

-Long hả cháu? Vào nhà đi… - phải khó khăn lắm tôi mới nhận ra bác gái. Người mẹ trẻ của Đức, hay trêu đùa chúng tôi mỗi khi đến chơi, nay lại biến thành một người phụ nữ đứng tuổi, mặt toát lên vẻ u hoài…

-Hôm nay bác không làm đám dỗ cho Đức à?

-Có, nhưng tối bác mới làm. Bác mong hai đứa bay về quá, tính là tối nay làm bữa cơm đơn giản thôi, nên không mời ai tới cả…

Tôi ngập ngừng, im lặng nhìn kĩ từng ngóc ngách ngôi nhà. Nó chẳng hề thay đổi từ ngày Đức mất…

-Mà sao mấy năm nay không thấy về đám giỗ Đức? Bác mong mày lắm, vậy mà năm nào cũng chỉ có thằng Hoàng. Chắc lại yêu đương dữ quá chứ gì…? – bác cười đùa.

-Dạ không ạ! Hai năm vừa rồi, cháu phải làm luận văn tốt nghiệp, rồi năm trước mới được nhân vào công ty, đúng ngay tuần phải đi công tác, nên cháu…

Bác cười, đưa tôi ly trà mới pha:

-Bác đùa thế thôi! Thế năm nay không phải đi làm hay sao mà lại về thế này?

Tôi bối rối, biết bác gái không trách mình mải mê công việc, nhưng vẫn thấy ngượng:

-Dạ cháu đang tính xin nghỉ, bữa nay có cái họp, nhưng cháu “cúp” luôn. Có lẽ mai cháu sẽ gửi đơn thôi việc…

-Công việc áp lực lắm hay sao mà lại đòi nghỉ?

-Dạ… -Tôi gãi đầu – cháu bị mấy sếp hiềm khích. Chẳng là hồi đầu vào làm, mấy sếp quý, nên hay cân nhắc cho đi này kia…Tính cháu lại không thích cái kiểu được ưu ái, mọi người nhìn vào lại xầm xì này nọ.

Tôi nhấp li trà lấy giọng, cổ khô ran vì sáng giờ vẫn chưa uống miếng nước nào:

-Ấy thế mà bữa trước đi nhậu với các sếp, say qua nên cháu nói toạc ra luôn, mấy sếp bữa ấy hoảng lắm, rồi cả công ty đều xầm xì, bảo cháu hỗn…

Bác gái cười, từng nếp nhăn xếp lên nhau, khiến bác trông như đã quá năm mươi.

-Thế mày nói thế nào mà mấy sếp giận?

Tôi đứt phắt lên, khua tay múa chân theo đúng bộ dạng người say:

-“Mấy ông kia, mấy ông làm quái gì mà cứ ưu ái tôi vậy?...Đối xử với tôi bình thường coi nào! Mẹ, #$%#^#$%^ có biết là nhân viên trong công ty hay xì xầm bảo tôi đút lót lấy lòng mấy ông lắm không? Ức chế vờ lờ….$^#@%#$@^%$@ nhà các ông!”

Bác gái ôm bụng, cười ngặt ngẹo:

-Cái tật của mày, cứ nhậu vào là nói lung tung…Tao nhớ hồi trước còn gọi tao là “con mẹ già” cơ mà.

Tôi gãi đầu. Ngượng chín mặt…Bỗng điện thoại reng, tôi xin phép bác gái ra ngoài nghe:

-Alo…Anh làm gì mà trưa giờ không nghe máy? Nhắn tin cũng không trả lời… -Giọng Tuyết hoảng hốt. – Rồi anh lên công ty chưa? Đang họp này, mấy sếp hỏi em anh đâu.

-À…em bảo họ là anh xin nghỉ việc nhé! Mai anh sẽ nộp đơn…

Tôi cúp máy đánh rụp, không đợi Tuyết nói lời nào. Vào trong nhà, đã thấy bác gái dọn ra vài món ăn đơn giản.

-Vào mà ăn cơm này. Hôm nay bác nấu đậu hũ sốt cà, món mà tụi bay thích đấy. – bác tỏ vẻ hơi buồn – ngày xưa thằng Đức còn sống, nó cũng thích ăn món này lắm. Có lần bác nấu hai xoong lớn, mà chúng mày ngồi ăn hết cơ mà…

Bác gái quay mặt qua chỗ khác, gạt vội giọt nước mắt vừa ứa ra từ khóe mi…

-Thôi, ăn thoải mái đi. Lâu rồi bác cũng không nấu ai ăn, sợ mày chê dở. Ở dưới quê, bác toàn làm mấy việc lặt vặt, cơm canh toàn do mấy cô, mấy chị nấu. Chỉ có đám giỗ thằng Đức, bác lên đây mới có dịp…À, bay ghé nhà chưa mà lại lỉnh kỉnh ba lô thế kia?

-Con chưa, tính ghé qua bác một xíu rồi tối tạt về nhà.

-Ừ, ráng ngồi đợi, chắc lát là thằng Hoàng qua đây thôi. Từ hồi lên chùa ở, tánh tình nó hiền hòa hẳn, không thấy bốc đồng như trước! Mà chúng mày từ dạo ấy đến giờ có gặp nhau lần nào chưa?

-Năm nay chắc Hoàng không về đâu bác ạ! – tôi nhớ lại bức thư mới nhận tuần trước – bữa rầy nó có gửi thư cho cháu. Không biết nó bị bệnh hay gì, nhưng trong thư nó bảo một năm trở lại đây, sức khỏe nó yếu lắm. Nó chỉ có thể ở trên chùa, đọc kinh cầu nguyện cho Đức thôi.

-Vậy ra hai đứa mày không liên lạc gì với nhau à?

-Từ hồi lên chùa, dường như nó đã bỏ hết những vướng bận lại. Không điện thoại, không liên lạc, cũng không một lần thăm cháu. Cả đến việc muốn gặp nó một lần, nó cũng không chịu. Từ ấy đến giờ, cháu chỉ nhận từ nó duy nhất hai lá thư! Có lẽ nó còn day dứt về cái chết của Đức…

Tôi chợt buồn, cái tình nghĩa anh em sâu đặm ngày nào, không biết nó có còn giữ? Hay bây giờ, đối với nó tôi chỉ như một người xa lạ không hơn không kém…

-Trong thư nó gửi cháu, không nói rõ là bị bệnh hay gì. Nhưng cháu đoán - tôi ngập ngừng, không biết có nên nói cho bác gái nghe không. -…có lẽ những gì bà băm nói năm ấy đang thành sự thật!

Bác gái trầm ngâm, nhớ lại nỗi xót xa khi mất cả đứa em, lẫn thằng con trai độc nhất vì cái thứ bùa ngải ấy:

-Bác cũng nghĩ thế. Cái thứ ấy kinh tởm lắm, nó bám theo con người ta mà không buông tha. Bác nhớ đám dỗ thằng Đức năm trước, Hoàng có ghé về một lúc. Mặt nó xanh xao, gầy sọp hẳn đi so với hồi mới vô chùa, bác chỉ sợ cái thứ ấy cũng bắt đầu… -Câu nói bác gái bỏ lửng, nhưng có lẽ, bác và tôi đang cùng nghĩ tới “thứ ấy”. Đó chính là “Ngải”.

Nhưng rồi tôi băn khoăn, nếu thực sự là Ngải, tại sao Hoàng vẫn có thể trụ được tới bây giờ?

7h tối, bác gái đã nấu xong. Bữa cơm đơn giản được bày lên. Tấm ảnh Đức trên bàn thờ, nụ cười vẫn tươi như ngày ấy. Những kỉ niệm tươi đẹp của ba chúng tôi bỗng ùa về. Chợt tiếng bác gái cất lên:

-Long, có người tới thăm thằng Đức kìa.

Tôi nhìn theo hướng bác gái chỉ tay, cứ ngỡ đấy là Hoàng. Mắt tôi nheo lại, cái tật cận 2 độ không kính khiến tôi chỉ nhìn thấy dáng một thanh niên mảnh khảnh đang đứng từ xa, chầm chậm bước lại từ chiếc mô tô dựng trước nhà. Hình ảnh ấy hiện ra mơ màng trong đầu, tôi đã từng thấy cái dáng người ấy ở đâu đó?

-Đấy, nó là con của em Bác. Năm nào đám giỗ Đức, nó cũng về.

Dáng người ấy từ từ bước về phía chúng tôi, dần dần từng chút một. Anh ta dừng lại, tháo đôi giày da đặt lên kệ. Bấy giờ tôi mới nhìn thấy rõ khuôn mặt của anh ta: mái tóc dài chấm lưng, được buộc sau gọn gàng. Mặt có nét xanh xao như vừa bị ốm…Con người ấy, chính là anh ta. Cái con người mà tôi đã phải lục tung khắp thành phố để tìm: Anh Trần!

-A, bác. Con mới về, bữa nay nhiều việc nên con bận quá. – anh ta chạy lại ôm bác gái, phớt lờ sự có mặt của tôi.

-Ừ, mày về là bác mừng rồi. Vào nhà đi.

Anh ta bước vào nhà, ngồi lên ghế như thể đấy là nhà mình. Tôi giấu vẻ kinh ngạc, cố chào hỏi một cách tự nhiên nhất có thể. Có lẽ anh ta cũng nhận ra tôi:

-Chào anh! Nghe bác gái nói anh là em họ của Đức? – tôi giả vờ như không quen biết. Cố tỏ ra lịch thiệp như vẻ bề ngoài của mình. Tôi không muốn hỏi những chuyện hồi ấy về anh ta trước mặt Bác Gái.

-Ồ, vậy chắc chú em là Long phải không? Anh là Trần. Mấy lần về đám giỗ Đức, anh có nghe thằng Hoàng nhắc mãi về chú. Mà sao không thấy chú về chơi dịp đám dỗ nhỉ? Tưởng là bạn chí cốt thằng Đức cơ mà? Hay là nó mất rồi, nên chú cũng lỡm? – Anh ta hỏi đểu, giọng miệt thị. Rồi không đợi tôi trả lời, quay qua bác gái, hắn tiếp – mà hôm nay thằng Hoàng không về hả bác? Con tưởng nó về, cũng trông mãi. Con với nó mới gặp nhau vài lần, mà nói chuyện hợp ghê!

Tôi bắt đầu cảm thấy lo, đợt ấy chỉ có tôi biết tới anh Trần và liên lạc với anh ta. Thế mà bây giờ, anh ta lại là em họ của Đức, và đang chủ động tiếp cận với Hoàng. Anh ta có âm mưu gì?

Bác gái quay qua tôi, thấy vẻ mặt phật lòng vì những lời anh ta vừa nói, liền vỗ đốp vào lưng anh Trần:

-À Long. Này là em họ thằng Đức, lớn hơn chúng mày 4 tuổi đấy. nó vui tính lắm, hay nói đùa vậy thôi, đừng để bụng. Anh em nói chuyện xíu nữa là mày kết nó liền.

Bác cười xuề xòa, không đợi tôi nói, lại giải thích tiếp:

-Hoàn cảnh nó cũng khổ lắm. Bố mẹ nó cưới nhau, đẻ nó từ hồi 15 tuổi. Hồi ấy nó đẻ non, nên cái đầu cứ tưng tưng vậy đấy. Quen thân sẽ thấy nó tốt lắm. Tiếc là bố nó bị bỏ ngải chết, em trai cũng bệnh nan y, qua đời trước thằng Đức vài tháng à.

Em ruột anh ta? Tôi sục sạo trí nhớ, và chợt hiểu ra rằng hồi ấy hắn đã nói dối tôi. Nhưng vì lý gì, mà hắn lại phải nói đó chỉ là em họ? Nói dối cả bà băm nữa? Và tại sao hắn lại nói dối bác gái là em hắn bị chết vì bệnh nan y?

-Dạ, không có gì đâu ạ. Cháu biết anh ấy đùa mà.

-Mà thôi, hai đứa vào thắp nén nhang cho Đức, rồi mấy bác cháu mình ăn bữa cơm. Bác cũng đói quá rồi – Bác gái chen ngang vào câu chuyện. kết thúc cái không khí căng thẳng giữa tôi và anh Trần – để bác xuống lấy thêm chén đũa.

Chỉ đợi bác gái vừa xuống bếp, tôi quay qua anh ta. Dò hỏi bằng ánh mắt nghi ngờ:

-Anh thật sự là Trần, người tôi đã gặp hôm đó?

-Phải, chứ mày muốn là ai khác hả? – anh ta nói bằng giọng khinh bỉ

-Tại sao hồi ấy anh lại nói dối đấy chỉ là em họ của mình?

-Không biết tao có nên trả lời cho mày nghe không nhỉ? – hắn lấy tay ve ve chỗ ria mép – mà thôi. Tao cũng có chuyện muốn nói với mày, nhưng mà nói ở đây không tiện.

Tôi lườm hắn, nhấc ly trà trên bàn lên uống một ngụm lớn, rồi rút trong bóp ra tấm card:

-Đây là số liên lạc. Khi nào anh về Sài Gòn thì call tôi. Tôi cũng không muốn nói những điều này ở đây.

Anh ta với lấy tấm card, đứng dậy, dí sát mặt về phía tôi:

-Mày biết điều thì im lặng, dám hở môi nói về tao cho bác gái nghe dù chỉ một lời, tao sẽ cho mày chết! Chết đau đớn như cái cách mà thằng Đức phải chịu… -Hắn gằn mặt, như một con thú hoang – hiểu không thằng ngu?

Đúng lúc đấy, bác gái lên, tay cầm chồng chén cùng với đĩa cà pháo mắm tôm. Tôi và hắn cũng trở lại chỗ ngồi, mắt giả vờ vui vẻ:

-Này, có món cà pháo mắm tôm cho hai đứa đây. Sài Gòn chả mấy khi có cà pháo ngon thế này đâu nhé!

Đang loay hoay phụ bác gái dọn cơm, thì cái tiếng chuông tin nhắn quen thuộc vang lên. Tôi mở điện thoại, là tin nhắn của Tuyết – người yêu tôi.

“A ah. Mih chia tay nhe!”

Tôi không bất ngờ, tình cảm của tôi và Tuyết mấy tháng nay đang ngày một rạn nứt. Chỉ là…nó tới hơi sớm. Tôi nhắn lại một cái tin chỏng lỏn, nhanh đến không kịp suy nghĩ: “Uh. Mih chia tay”. Tắt điện thoại, tôi quẳng luôn vào ba lô. Tự nhủ: “Chẳng sao cả, quên đi”.

Tiến đến bàn thờ, tôi thắp ba nén nhang cho Đức:

-Mong mày ở thế giới bên kia sống thanh thản. Thứ lỗi cho thằng bạn này vì bấy lâu nay không về thăm! Trong lòng tao vẫn luôn xem mày là anh em chí cốt…Nếu mày linh thiêng, hãy phù hộ cho thằng Hoàng vượt qua kiếp nạn này. – tôi ngập ngừng, cố nói thật nhỏ - Tao sẽ tìm ra người hại mày. Tao sẽ không để mày phải chết oan ức đâu Đức à!

Nén nhang đỏ rực trên bàn thờ, tỏa khói nghi ngút khắp căn phòng. Liệu mày có nghe được những lời chân thành tao nói không hở Đức?

Anh Trần và bác gãi cũng lần lượt thắp cho Đức nén nhang. Không gian như tĩnh lặng đi vì nỗi nhớ Đức, bức hình ba chúng tôi chụp chung vẫn được bác gái để góc bàn.

-Thôi, mấy đứa ra ăn cơm đi. Gió ngoài trời thổi vù vù thế kia, chắc là thằng Đức đang về đấy. –bác đùa, nhưng tôi vẫn muốn tin rằng Đức về, nó sẽ phù hộ cho tôi nhanh chóng tìm ra hung thủ.

Tôi cất tiếng thăm dò, vừa nói vừa liếc nhìn thái độ của Trần:

-Chắc nó về đấy, nó cũng muốn biết ai đã bỏ ngải mình mà!

Trần im lặng, khuôn mặt hắn vẫn lạnh như tiền, không biểu lộ chút cảm xúc. Hắn có liên quan gì tới cái chết của Đức không? Tại sao Trần lại có nhiều bí ẩn như thế? Những câu hỏi ấy cứ vo vo trong đầu tôi, ám lấy tôi suốt buổi tối hôm ấy.

Nhìn lên đồng hồ, đã 8h tối. Rửa xong đống chén phụ bác, tôi cũng lật đật xin về:

-Anh “Trần” ở lại chơi. Em xin phép về trước, trưa giờ vẫn chưa ghé qua nhà nữa.

Hắn vẫn lạnh lùng, rít nốt điếu thuốc đang cháy dở trên môi. Hắn thở hắt ra:

-Ừ, chú về…Anh không tiễn!

-Bác gái cháu về! Chắc sáng mai cháu trở lại Sài Gòn luôn, không ghé qua bác được.

-Ừ, về cẩn thận nha Long. Đám giỗ thằng Đức, mày chơi là bác vui rồi!

Tôi khoác cái áo, rồi phóng xe về thật nhanh. Đã lâu rồi tôi chưa về nhà, toàn để ba má phải lên tận Sài Gòn thăm tôi.

Tối hôm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được, đành dậy ra sân hóng gió. Trời hôm nay mát quá, gió cứ thổi vù vù qua tai, làm tôi nhớ lại cái đêm ở nhà bà băm – một kỉ niệm kinh hoàng.

Bỗng điện thoại reng lên, là Tuyết gọi. Tôi bấm End-Call không suy nghĩ, còn gọi làm gì khi đã chia tay? Cũng chỉ là cãi nhau! Một phút sau, một tin nhắn được gửi tới từ Tuyết:

“Em xin loi, tai luc trua em buc qua. Bi cac Sep mang…”

“Em ngu di…” Tôi gửi một tin nhắn cho Tuyết.

Tôi tắt luôn điện thoại. Những lúc thế này tôi chẳng muốn nói chuyện hay nghe giải thích gì cả. Trời hôm nay mát quá, rút hộp thuốc trong túi. Tôi bắt đầu rít liên tục, không biết từ bao giờ, cái thói quen hút thuốc của Đức đã nhiễm vào tôi…Tôi ít hút, nhưng những lúc buồn hay cần suy nghĩ việc gì, tôi lại hút, có khi hút rất nhiều.

Ngồi trầm ngâm, khói thuốc xộc vào mũi làm tôi sặc. Tôi dúi điếu thuốc xuống đất, rồi vào giường đi ngủ. Bởi tôi đã quyết định điều đúng đắn mà trước nay nhút nhát lảng tránh:

TÔI SẼ BỎ LẠI TẤT CẢ, TÔI SẼ QUYẾT TÌM RA KẺ ĐÃ HẠI ĐỨC

Sáng hôm sau, tôi chạy ù ra quán cà phê gần nhà, nhâm nhi từng giọt cà phê cho đầu óc tỉnh táo. Tôi vẫn còn chưa biết phải điều tra từ đâu…Anh Trần, Bà Băm? Hay là tôi tìm họ hàng của Đức để hỏi về Trần?

Không. Không được…Rồi tôi chợt nhớ ra một người: là Linh! Tôi vẫn chưa tin người tên Linh ấy hoàn toàn không liên quan tới chuyện này.

-Bác ơi, con gửi tiền cà phê.

-Phê đá, 12 ngàn

Tôi rút bóp, cố tìm đồng hai chục để trả…chợt thấy tờ giấy nhỏ kẹp trong bóp. Tôi cười, vẫn là tấm bùa hộ thân bà băm đưa tôi năm ấy. Mới đấy mà đã 3 năm rồi:

-Con gửi tiền nhé thím – tôi chìa tiền, rồi phóng con wave về phía nhà Đức. Tôi đã biết phải bắt đầu từ đâu.

Phải vòng vo mãi trong hẻm, tôi mới kiếm ra nhà Bác Tư. Một căn nhà khá lớn, các khung gỗ, cửa gổ, cứa chính đều được làm từ gỗ, còn trước hiên là một đống lộn xộn: từ những mảnh gỗ nhỏ, thanh chắn giường đang đánh bóng dở…cho đến cả những bình sơn PU đã hết. Ở giữa là một người đàn ông chừng hơn bốn mươi, mặt đậm nét đăm chiêu…Tôi đoán đấy là bác Tư. Thấy tôi, con chó cỏ ngồi cạnh bác sủa liên tục.

-Lu! Ngoan nào…Ai đấy? –con chó nín bặt, quẫy đuôi tít lự nằm rạp bên cạnh chủ.

-Chắc bác là bác Tư ạ? – tôi lễ phép

-Ừ, có chuyện gì không?

Tôi tiến lại gần, con cún không gầm gừ sủa nữa mà quẫy đuôi, chạy lại ngửi ngửi. Bác Tư cũng buông bình sơn PU xuống:

-Bác còn nhớ Đức chứ? Nó từng làm mộc ở đây với bác…

-Đức à? Nhớ chứ, đám giỗ nó năm rồi bác cũng có qua, hôm qua đám giỗ nó mà bác quên mất. Mà có gì không? –bác Tư mở cửa, dẹp bớt mấy cái khung gỗ đang bào dở qua một bên – vào đây ngồi uống nước rồi nói.

Tôi bước theo bác vào nhà, bên trong được bày trí hết sức gọn gàng. Trái ngược với vẻ lộn xộn của đống gỗ mục trước sân…Bác ngồi xuống, rót ấm trà mời tôi. Hương trà sen tỏa ra nghi ngút khắp phòng:

-Cháu là Long, bạn của Đức. Cháu tới đây muốn hỏi một chuyện, về cháu của Bác…

Bác bỏ tách trà xuống, mặt trầm ngâm:

-Mày muốn hỏi đứa nào? – bác nhăn mặt, tỏ vẻ tập trung – tên gì?

-Cháu muốn hỏi về Linh, ở Tây Nguyên xuống ấy ạ!

Bác gãi đầu, rút điếu thuốc trong bao ra chấm nhẹ đầu lọc vào ly trà cho ẩm, mồi lửa rồi đưa lên rít một hơi dài:

-Tao cũng già rồi, nhưng không đãng trí tới mức quên cả cháu tao. Nhưng mà…họ nhà tao chẳng có đứa nào tên Linh cả. Cũng chưa từng có đứa nào lên đây ở, sao mà mày biết chúng nó được! – Bác Tư phà hơi thuốc đầu tiên ra cửa sổ, chốc chốc lại quay qua lắng nghe câu hỏi của tôi.

Tôi cố sục sạo trí nhớ, quả đúng thật cái người con gái mà Đức nói tên là Linh, cháu bác Tư cơ mà? Phút cuối đời, nó còn bảo “mọi chuyện không liên quan tới Linh” nữa…làm sao mà tôi nhầm được?

-Bác cố nhớ lại đi. Trước khi qua đời, Đức có nhắc tới Linh, bảo là cháu của bác. Nó bảo đã gặp Linh hồi còn làm ở đây mà?

Bác gằn giọng, những nếp nhăn giữa hai lông mày nhíu lại…một lúc sau, bác dụi điếu thuốc vào gạt tàn, gắt:

-Tao không biết đứa nào tên Linh cả…Mày nhận nhầm người rồi. Thôi mày về đi, tao đang bận. Còn đống việc đợi tao làm nữa…Giới trẻ giờ lộn xộn quá, ở không đi hỏi ba cái thứ linh tinh.

Bác Tư đứng phắt dậy, lộ rõ vẻ khó chịu. Tôi cũng ngượng vì thái độ làm khó của bác, nhưng cũng nhanh chóng bước theo.

-Cháu xin lỗi đã làm phiền, đây là card liên lạc của cháu. Mong rằng nếu bác có nhớ được chút gì về Linh thì gọi cho cháu. – tôi lần lừ -Đây là chuyện có liên quan tới cái chết của Đức ạ… - tôi đưa tấm card cho bác Tư.

Bác cầm lấy, đút lẹ vào túi. Tỏ vẻ hoảng hốt:

-Sao cái chết của thằng Đức lại liên quan tới nhà này? Tao tưởng nó bị ung thư? – bác để lộ rõ vẻ hoang mang. – mày giải thích lẹ coi nào!

-Dạ…Không phải liên quan tới gia đình bác. Nhưng liên quan tới một người tên Linh mà Đức đã gặp ở đây. Nó bảo đấy là cháu gái của bác – tôi cố tình không giải thích rõ, tôi sợ nói ra bác sẽ từ chối tiết lộ về con người đó.

-À…- bác phản ứng, như vừa nhớ ra điều gì đó – mà… không có gì. Chuyện cũng ba bốn-năm rồi, làm sao mà tao nhớ được. Nhưng nếu nhớ ra điều gì, tao sẽ gọi cho mày!

-Vâng chào bác, có gì phone cho cháu!

Tôi leo lên xe, đề máy rồi cố đi thật nhanh, đằng sau vẫn còn nghe được tiếng bác Tư lẩm bẩm “Thanh niên giờ toàn bày đặt xài tiếng Anh, nghe bực cả mình…”. Cứ thế, tôi chạy một mạch lên Sài Gòn, trở lại căn nhà chung cư giữa cái đất Sài Thành tấp nập.

Từ cái ngày ấy của ba năm trước, tôi đã thay đổi nhiều quá. Biết hút thuốc, uống rựu…Cái tính nhút nhát ngày ấy cũng chẳng còn, thay vào đó là sự gan lì nhờ những tháng ngày miệt mài theo học Muay Thái. May mắn là cái bản tính điềm tĩnh, suy nghĩ thật kĩ trước khi làm bất cứ việc gì vẫn không thay đổi. Nó giúp tôi trong mọi hoàn cảnh, vì tôi biết…Sự nóng vội chỉ khiến mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu hơn, giống như những gì mà Hoàng đã làm năm đó.

Nhiều khi tôi tự đặt ra cho mình những câu hỏi: 

Giá như ngày ấy tôi không đưa cả ba chúng tôi vào con đường mạo hiểm, Giá như Hoàng không hành động một cách ngu ngốc…Có lẽ bây giờ, chúng tôi đã chẳng phải ở trong cái tình cảnh mỗi người mỗi hướng thế này! Cái ngày định mệnh hôm ấy đã hủy hoại tình bạn của chúng tôi.

Đôi lúc, tôi cũng muốn trách Hoàng vì những việc đã làm ngày hôm ấy. Nhưng biết đâu được, nếu ngày hôm ấy Hoàng không hành động như vậy, có lẽ cả ba chúng tôi đã làm mồi cho ngải của bà ta. Cái bà băm xấu xa ấy, nhẫn tâm giết thằng con trai của mình chỉ để có được Huyết Ngải, vậy cớ gì mà lại phải giúp chúng tôi? Rồi còn mối quan hệ giữa Trần và bà băm? Tôi muốn làm sáng tỏ tất cả…

Tôi dụi mắt, cố giữ đầu óc tỉnh táo giữa những làn xe đông đúc. Phải mất hai tiếng, tôi mới về tới căn hộ chung cư của mình. Căn hộ tôi phải dằn dụm bao nhiêu năm trời mới mua được…Nó nhỏ, nhưng ấm cúng và tiện lợi.

Gửi chiếc wave xuống tầng hầm. Phát hiện ra cái mặt đồng hồ xe bị nứt một vết lớn. Tôi đá chân chống, gắt:

-Bố khỉ, cái xe chết tiệt! Chạy mấy năm trời chả sao, giờ lại bắt đầu giở chứng. Hỏng, bể đủ thứ. – tôi lầm bầm.

Cái tính tôi từ ấy đến giờ không thích màu mè vẻ bề ngoài. Nên con xe wave mà mẹ tôi mua cho từ hồi đại học, tôi vẫn ráng đi cho đến bây giờ. Đang lẩm bẩm, dự trù mua con Sirius mới chạy, thì tiếng con gái nghe quen quen phát ra từ sau lưng:

-Sao vậy anh Long? 

Tôi quay qua, gãi gãi đầu, thoáng chút bối rối. Thi nhỏ hơn tôi hai tuổi, là bạn chung cư cùng tầng, chỉ cách nhau ba phòng:

-À. Cái xe của anh không biết bị thằng nào nghịch, làm bể mất cái mặt đồng hồ.

Thi sờ sờ vết nứt, rồi liếc qua tôi cười khì:

-Chứ không phải anh làm bể, rồi đổ cho lũ con nít hả? – Thi cười tươi, lấy tay vén lọn tóc mái vừa rũ xuống.

-Ờ thì…Mà em đi làm mới về à?

-Dạ. Em mới đi siêu thị mua chút đồ.

Tôi nhìn ra đằng sau, thấy trên xe Thi lỉnh kỉnh một đống đồ:

-Lần nào em đi siêu thị, cũng mua lắm thế? Tính nuôi thêm chàng nào nữa hả? – tôi đùa, cười thật tươi. – thôi để anh xách lên giúp cho!

Thi nhéo tôi một cái rõ đau:

-Suy nghĩ lung tung!

Tôi và Thi bước vào thang máy, đang tính quay qua bắt chuyện thì bỗng điện thoại của tôi rung lên, một số lạ:

-A lô! Ai vậy ạ?

Một giọng nam quen thuộc trả lời từ đầu dây bên kia:

-A lô! Là tôi đấy…Tôi có chuyện muốn nói!

Giọng Bác Tư cất lên từ đầu dây bên kia. Tôi cảm giác như bác Tư đang sợ sệt một cái gì đó:

-Bác Tư hả? Bác nói đi, cháu nghe đây! – tôi liếc qua Thi, thấy cô ấy đang ve vỡn mấy lọn tóc, trông rõ đáng yêu, có nét giống giống Tuyết.

-Tôi nhớ ra rồi. Xin lỗi vì hồi sáng gắt cậu. Quả thật có một con bé tên Linh đã từng gặp Đức. Nhưng…

Tôi im lặng không nói gì, cố đợi bác nói hết câu:

-…Nhưng cô gái ấy không phải cháu gái tôi.

-Vậy người đó là ai? – tôi bất ngờ, thoáng chút lo âu.

-Đấy chỉ là một cô gái từng bỏ tiền nhờ tôi chút chuyện! – giọng bác tư ngập ngừng phía bên kia đầu dây.

Tôi hơi bối rối, không muốn nói về chuyện này khi có Thi đang đứng bên cạnh:

-Thôi được rồi, lát nữa cháu sẽ gọi lại sau. Giờ cháu hơi bận.

-Thôi cũng được, tôi sẽ đợi điện thoại của cậu – bác tư đổi hẳn cách xưng hô. Nhanh chóng cúp máy.

Thang máy đã lên tới tầng ba, tôi vội vàng xách bịch đồ lỉnh kỉnh dưới chân dùm Thi:

-Tối nay anh rảnh không? Bữa nay thấy anh không mặc đồ công sở, chắc lại “cúp cua” hở?

-Hì. Mai anh nộp đơn xin thôi việc rồi. Chính thức thất nghiệp nên rảnh lắm! – tôi cười hì hì.

-Ấy. Sao lại thôi việc? 

-Hì. Không có gì đâu, tại anh muốn đổi môi trường làm việc thôi. Anh tính xin vào một công ty nước ngoài. Mà em hỏi anh rảnh làm gì?

- À, Tối em tính nấu lẩu nấm, rồi mời mọi người qua ăn. Anh qua chơi nhé, có cả anh Tiến nữa đấy.

-Mời anh qua chơi thế có cho anh ăn ké không? – tôi đùa - Mà Tiến nào? – tôi cố nhớ, sục sạo khắp cái đống bạn trong não. Cái mớ bạn bè quan hệ dở dở ương ương thì tôi có đến cả một mớ. Đa phần chỉ là quan hệ xã giao bắt buộc, người thì bạn đồng nghiệp, người thì quen biết giúp đỡ qua lại bên các công ty khác…

-Anh Tiến học chung với anh hồi đại học ấy! Giờ ảnh đang làm phó phòng bên em – Hình ảnh cái thằng Tiến khù khù khờ khờ, mắt đeo cặp mắt kiếng dày cộm như đít chai hiện lên. Tôi bùi ngùi, cái thằng đấy vậy mà giờ làm phó phòng bên tổng đài, còn tôi thì vấn cứ phải chật vật với đủ thứ chuyện. Sắp tới lại chuẩn bị xin thôi việc nữa chứ!

-À. Anh nhớ rồi!

Tới cửa phòng Thi, tôi dừng lại đợi Thi mở cửa, rồi bước vào theo, đặt đống đồ lên trên bàn. Chả biết Thi mua những gì, mà tôi xách nặng muốn vẹo cả lưng:

-Thôi, anh có việc phải về! Có gì tối nếu rảnh anh qua.

-Sao lại là “nếu rảnh”? Anh không qua em giận đấy – Thi lườm khéo, tay vẫn liên tục dọn mớ đồ mới mua ra bàn.

-Ờ thì… - tôi bước ra cửa, đôi chút lưỡng lự vì thái độ của Thi – em vào nhà đi, anh về, vẫn còn một đống việc chưa làm nữa.

-Dạ

Tôi bước về lẹ, hơi thắc mắc vì cách nói chuyện của Thi hôm nay. Mở cửa phòng, tôi bay vèo lên giường, cố gắng chợp mắt sau một ngày khá mệt. Tiếng kim đồng hồ cứ tích tắc, tích tắc giữa không gian vắng lặng. Mơ hồ gợi cho tôi nhớ tới những những tiếng tích tắc trong cái đêm kinh hoàng ba năm trước ở nhà bà băm. Rồi từ từ, từ từ…giấc ngủ ập tới lúc nào không hay.

Tôi choàng mình tỉnh dậy, nhìn lên cái đồng hồ: đã 8h tối. Tiếng tút tút phát ra từ chiếc điện thoại 1202: 7 cuộc gọi nhỡ và một đống tin nhắn, tôi mở một tin nhắn từ Tuyết:

“Anh. Em xin lỗi nhiều lắm…”

Là Tuyết, lần nào cãi nhau. Em cũng hục hặc đòi chia tay, rồi lại rối rít chủ động xin lỗi. Và dường như lần nào cũng vậy, tôi đều không thể từ chối những lời xin lỗi ấy của em, một phần cũng vì cái tính em quá trẻ con. Tôi bấm số em, gọi lại:

Tút…Tút…tút…

-A lô! Anh đây, sáng giờ anh hơi mệt nên không nghe máy.

-Hic… - tiếng thút thít của Tuyết từ đầu bên kia – anh quá đáng lắm. Có biết em lo lắng lắm không? Nếu giận, thì cũng phải nghe điện thoại. Hay ít nhất thì cũng phải nhắn cho em một cái tin chứ?

-Ừ, anh xin lỗi.

Tiếng thút thít từ đầu bên kia cũng ít dần:

-Bỏ qua cho em nhé. Hôm qua em bực quá…

-Không sao đâu, anh hiểu mà. Em đang ở đâu vậy? Anh đang đói, đi ăn gì đó với anh không? – bụng tôi bỗn sủi cồn cào, chợt nhớ ra mình chưa ăn gì từ sáng tới giờ.

-Em… - Tuyết dừng lại, suy nghĩ gì đó rồi trả lời – em đang ở chỗ làm rồi. Đang phải tăng ca làm nốt bài báo cáo cho sếp!

-Ừ. Thôi vậy, em làm đi nhé. Anh đi ăn chút gì, rồi lát nhắn tin cho em sau.

-Dạ, anh ăn đi. Em cũng đang bận chút việc. Hi. Bye anh.

Tôi tắt điện thoại, đọc nốt mấy cái tin nhắn còn lại. Đa số là tin nhắn của mấy người đồng nghiệp, thật chả buồn đọc. Chắc đại loại như kiểu: “sao hôm qua Long nghỉ làm…”, và một loạt những tin nhắn với cái kiểu quan tâm đạo đức giả khác...tôi kéo hết list, một tin nhắn của Thi gửi từ lúc 7h:

“Sao em gọi mãi anh không nghe? Qua bên nhà em đi…”

Tôi hơi ngại, thực sự không muốn qua. Sợ mọi người đồn thổi này nọ, dù gì thì tôi cũng có người yêu rồi. Và cái tính ghen tuông của Tuyết thì khỏi nói…Tôi soạn lẹ một tin nhắn, gửi lại cho Thi.

“Anh hơi mệt, nên ăn mì luôn cho tiện. Hì. Mọi người về hết chưa?”

Tôi giục chiếc điện thoại xuống giường, cắm bình nước sôi để ăn mì. Một phút sau, đã thấy tin nhắn trả lời của Thi:

“Em không biết, giận anh rồi. Người ta về hết từ mấy đời, giờ anh mới hỏi”

Tôi hơi bối rối. Từ hồi ấy tới giờ, cái tính nhát nhát, sợ con gái giận vẫn chẳng thay đổi được. Sợ Thi buồn, tôi suy nghĩ, rồi nhắn cho Thi một cái tin:

“Anh xin lỗi, lát 9h em rảnh không? Anh mời đi uống gì đó”

30 giây sau, đã thấy tin nhắn trả lời từ em: “Dạ…”

Tôi lục tủ, xé gói mì, rồi chế nước để đấy. Cũng cả tháng rồi, tôi chưa đi chơi với ai. Dù tôi và Tuyết quen nhau, nhưng đa phần chỉ gặp nhau tại chỗ làm, hiếm khi đi chơi riêng lắm. Mỗi lần tôi rủ, em đều bảo “bận”…nên tôi đành đi uống cà phê một mình.

Có khi cả tháng chúng tôi còn chẳng đi chơi được với nhau bữa nào nữa. Biết là em bận rộn việc công ty, suốt ngày phải đi cùng thằng cha sếp bàn công việc này nọ với đối tác, nhưng đôi khi tôi cũng thấy buồn và có chút chút ghen. Mặc dù lão sếp của chúng tôi trông khá đàng hoàng…và cũng đã có vợ con

Trời hè nóng đến chảy mỡ. Tôi ráng nuốt cái món mì nghẹn cứng qua cổ…Vừa ăn vừa coi chương trình Ghost Lab trên Discovery:

“Thật là kinh khủng…Chúng tôi vừa giáp mặt một con ma, một hiện tượng tâm linh đáng sợ nhất thế giới” – tôi bất giác cười khi nghe thằng cha trên Discovery nói. Lẩm bẩm một mình:

-Khổ thân, chắc lão này chưa bao giờ gặp ngải. Nên mới thốt ra được câu “đáng sợ nhất” như vậy.

Sống lưng tôi bỗng lạnh toát, khi nhớ về cái thứ kinh khủng ấy. Thứ đã giết chết Đức, và có lẽ cũng đang dày vò Hoàng vào lúc này. Tôi chợt nhớ ra Bác Tư, liền bấm máy gọi:

-A lô. Bác nói tiếp về chuyện ban nãy đi. Người tên Linh ấy là ai?

-À, người đó trước đây đã từng thuê tôi làm một việc.

-Cô ta thuê bác làm việc gì?

-Hồi trước cô ta có tới xưởng gỗ của tôi, bảo thấy Đức dễ thương nên muốn làm quen. Nên nhờ tôi giả vờ bảo là bác của cô ta, mà tôi không chịu. Mấy bữa sau cô ta có trở lại, đưa cho tôi ít tiền, bảo nhờ tôi giúp. Lúc đấy, tôi nghĩ cũng chỉ là làm quen thôi, cũng đâu ai mất mát gì nên nhận lời, bảo cô ta là cháu mới trên Tây Nguyên xuống chơi. – rồi giọng bác Tư tỏ vẻ lo lắng – nhưng tại sao cô ta lại liên quan tới cái chết của Đức? Cậu nói rõ cho tôi hiểu được không?

Tôi lưỡng lự, không muốn bác Tư biết, sợ bác ta sẽ làm rối hết mọi chuyện lên.

-Cũng không có gì, chuyện cũng qua rồi. Cháu chỉ muốn tìm hiểu chút thôi. Bác có biết gì về cô ta không? Số điện thoại, hay địa chỉ gì đó.

-À, tôi có số điện thoại. Nhưng mấy năm rồi, không biết cô ta có còn xài số này không. Cậu lấy giấy bút ra, tôi đọc cho… - giọng bác Tư đã bớt lo lắng hơn.

Tôi vớ lấy quyển sổ trên bàn, rồi chăm chú nghe bác Tư đọc:

-Rồi, bác đọc đi

-090xxxxxxx…Rồi đấy, tôi không còn biết gì nữa đâu.

-Cám ơn bác, cháu sẽ không làm phiền nữa.

Tôi cúp máy, bấm thử số bác Tư vừa đọc:

“Thuê bao quý khách vừa gọi, hiện không liên lạc được....”

-Chẳng lẽ cô ta không xài số này nữa sao? Giờ phải làm sao để tìm cô ta đây? –Tôi lầm bầm. Nhất thiết người tên Linh ấy có liên quan tới cái chết của Đức, không thể để mất dấu cô ta được. Nhất định tôi phải tìm ra con người đó.

Rồi tôi chợt nhớ tới Thi, cô ấy làm bên tổng đài, có lẽ sẽ giúp tôi được. Tôi nhanh chóng tắt phụt cái Tivi, với tay mở cái Radio trên bàn rồi đi tắm…

Bản nhạc “Yesterday” của The Beatles vang lên…một trong số ít những bài nhạc hiếm hoi mà tôi thích say đắm. Lời bài hát buồn, sâu lắng : Yesterday, love was such an easy game to play..Now I need a place to hide away. 

Tôi bỗng thấy sợ, sợ rằng một ngày nào đó cũng sẽ phải trốn tránh tình yêu như chàng trai trong lời bài hát vậy. Tôi và Tuyết hay cãi nhau, xích mích đủ thứ chỉ vì những chuyện không đâu. Mỗi lần như vậy, cũng chỉ vài ngày sau là hai đứa lại làm huề. Nhưng tình cảm cũng vì thế mà dần dần nhạt đi.

8h45, tôi vội vàng chải gọn đầu tóc, rồi lấy chai Gaultier trong tủ, xịt nhẹ lên cổ và vai:

-Ít ra thì cũng phải tươm tất xíu chứ - tôi tự nhủ. Tôi vốn là một người ăn mặc đơn giản, nhưng luôn cố gắng tươm tất nhất có thể.

Tôi thỉnh thoảng vẫn hay mời Thi đi uống cà phê. Tôi thích cái cảm giác ngồi uống cà phê với một người con gái nói chuyện thông minh, và đôi lúc là biết im lặng để lắng nghe người khác. Có lẽ nếu không có Tuyết, tôi đã yêu Thi. So với Tuyết, tính tình của Thi người lớn hơn rất nhiều, nghiêm túc nhưng vẫn biết hài hước khiến người khác không cảm thấy buồn tẻ. Còn Tuyết thì tính lại cực kì trẻ con, đi bên em, tôi cảm thấy mình giống như một người anh lớn. Em hay nói líu lo suốt, và tôi đi bên em cũng im lặng hơn…Chủ yếu là nghe em than thở về tóc tai, giày dép…và vô vàn những thứ linh tinh khác.

Bỗng tiếng điện thoại reng lên, là lão sếp của tôi:

-A lô, Long hả?

-Dạ vâng, em đây. Có gì không anh?

-À, anh có nghe Tuyết nói về chuyện em đòi xin nghỉ việc.

-Dạ, em cảm thấy không hợp với công việc cho lắm

-Thôi, chú suy nghĩ kĩ lại đi. Ở lại, anh tăng lương cho, tháng rồi anh hơi giận vì bữa nhậu chú nói tùm lum. Nhưng mà anh không để bụng đâu – tôi hơi thắc mắc, chả hiểu sao mà lão sếp cứ nằng nặc đòi giữ tôi hết lần này qua lần khác.

-Dạ, có gì tối em suy nghĩ rồi mai trả lời anh.

-Ừ, chú nghĩ cho kĩ đi. Anh cũng đang có chút việc bận.

Tôi cúp máy, đeo vội đôi giày da rồi khóa phòng lại. Tới trước phòng Thi, tôi gõ cửa. Thi bước ra, em mặc một cái áo sơ mi đơn giản cùng với quần jean. Tôi ít khi thấy Thi ăn mặc cầu kì hay trang điểm lòe loẹt, nhưng trông Thi vẫn rất xinh xắn…trái hẳn với Tuyết. Cứ ra đường là phải mất cả tiếng đồng hồ để trang điểm, chuẩn bị.

-Anh đúng giờ quá nhỉ? – Thi cười mỉm – thôi mình đi

Tôi dẫn Thi tới quán cà phê mà tôi hay ngồi, quán Louis. Đây là quán mà tôi thích nhất ở Sài Gòn, nó vắng khách, yên tĩnh, nhưng cũng có một gu nhạc rất riêng. Vừa bước vào quán, thì tiếng violon vang lên trong góc. Anh chủ quán bước ra, niềm nở:

-Em tới vừa kịp lúc, còn đúng một bàn anh giữ lại cho em đấy! – anh nhìn qua Thi – em là bạn gái Long hả? Nghe Long nhắc suốt, bữa nay anh mới được gặp. Anh là Quang, chủ quán ở đây!

Thi cười vì bị nhận nhầm là người yêu của tôi:

-Không có, em là bạn cùng chung cư với anh Long thôi. Em tên Thi, rất vui được gặp anh.

Anh Quang niềm nở và vui tính, khác hẳn với phong cách quán Louis của anh:

-Sao hôm nay đông khách vậy anh Quang?

-À, bữa rồi anh phát poster quảng cáo – anh chỉ tay về phía cô gái đang say mê kéo violon – cô ấy là Linh, mới xin vào biểu diễn mỗi tối thứ 7, chủ nhật đấy. Bữa nay khách đông quá, đa phần là người mới tới đây lần đầu. – anh hất đầu về phía cuối phòng, một cặp tình nhân đang ngồi trong góc phòng, say đắm làm những trò khó coi. Quán khá tối, chỉ mở một hai cái đèn vàng nhỏ, nên tôi chỉ nheo mắt nhìn rồi quay đi – Đấy, toàn mấy người mới, anh không thích những người như vậy, làm mất phong cách của quán. Cuối buổi anh sẽ góp ý với họ, em đừng để ý nhé. Nãy giờ nhiều khách quen phàn nàn lắm. Thôi hai đứa vào bàn ngồi đi.

Tôi dẫn Thi lại bàn cạnh cửa sổ, chỗ ưa thích của tôi. Vừa vì ở đó thoáng mát, có gió ở ngoài thổi vào, vừa vì có lắp đèn ngay bên trên nên khá sáng. Từ cấp ba tới giờ, tôi vẫn giữ cái thói quen ngồi uống cà phê ở những nơi yên tĩnh, nó giúp tôi điềm tĩnh suy xét mọi việc một cách đúng nhất. Có đôi lúc bận, tôi cũng tranh thủ chạy ra đây uống cà phê, riết rồi thành khách quen của quán.

Một anh chàng nhân viên bước tới, đưa menu cho chúng tôi:

-Anh Long vẫn uống như mọi khi chứ ạ? Còn chị dùng gì?

Tôi gật đầu, nhìn qua Thi:

-Cho chị một sinh tố cà chua nhé, bỏ ít đường thôi.

-Dạ!

Anh chàng nhân viên vội vàng ghi phiếu, rồi nhanh chóng đi vào quầy, trả lại không gian riêng cho chúng tôi. Bản nhạc cô gái ban nãy kéo cũng dừng lại, lúc này tôi mới nhìn rõ được khuôn mặt cô gái, thanh tú đến lạ.

-Này, anh mời em đi cà phê thế này, đã hết giận chưa?

-Tạm tha cho anh!

Một lúc sau, đã thấy anh chàng nhân viên bê thức uống ra. Tôi thích phong cách phục vụ lịch sự và nhanh chóng của quán này:

-Phê đen nóng kèm ca cao của anh – anh ta đặt ly cà phê trong tách nước nóng xuống, cùng với hai ly trà và một tách nhỏ ca cao. Tôi thích bỏ ca cao vào cà phê, đơn giản chỉ vì nó thơm. Lần đầu tới đây, nhân viên trong quán rất hay thắc mắc vì khẩu vị kì quái của tôi – còn đây là sinh tố cà chua của chị. Chúc anh chị thưởng thức vui vẻ!

Từ lúc ấy, chúng tôi cứ ngồi huyên thuyên về đủ mọi thứ trên trời dưới đất đến nỗi quên cả thời gian. Nhìn lên cái đồng hồ con lắc treo trên tường, đã 11h tối, đa phần khách đã bỏ về hết. Thi lúc này cũng đang say mê ngồi nghe cô gái ban nãy kéo violon tiếp, sau khi tạm dừng cả tiếng đồng hồ:

-Em ngồi nghe nhé, anh ra ban công hút điếu thuốc một xíu. – tôi thấy hơi buồn miệng.

-Anh hút ít thôi, không tốt đâu. – Thi có vẻ không thích

Tôi bước về phía ban công, hơi lướt qua cặp tình nhân đang ngồi trong góc mà ban nãy anh Quang chỉ. Tôi nhíu mày, nhận ra hai người ngồi đó quen quen…Rồi tôi giật mình, khi nhận ra đó là Tuyết và lão sếp!

P/s của Rồng: Có lẽ mọi người đọc tới đây cũng hiểu vì sao Rồng nói part 2 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó vẫn là câu chuyện về việc đi tìm sự thật của Long. Nhưng ở part 2, Rồng đã đưa vào các tình tiết tình cảm cho câu truyện. không đơn thuần chỉ là một câu chuyện ngải như ở part 1. Nhưng các chap sau, các tình tiết về ngải sẽ xuất hiện nhiều hơn. Mong mọi người ủng hộ. 

Cơ mà ngồi viết mấy thứ tình cảm này mà tủi quá, trong khi mình vẫn không một mảnh tình vắt vai.

Giờ là cuối tuần, nên Rồng sẽ viết liên tục và up liên tục. Rảnh mà

Tôi sững người, khi nhìn thấy hai người đó đang nắm tay, làm đủ trò như một cặp tình nhân, và hoàn toàn không nhận ra sự hiện diện của tôi.

-Anh Long, em cũng ra ban công hóng gió, người ta hết kéo Violon rồi. – Thi kéo tay tôi từ phía sau, không để ý tôi đang nhìn chằm chằm hai người kia.

-Ừ - tôi gật đầu, cố nén tức giận. Tự nhủ “phải thật bình tĩnh trong những lúc thế này”

Tôi kéo Thi ra ban công. Gió thổi đến lạnh người, giống hệt cái không khí trong đêm ở lại nhà bà băm. Tôi rùng mình, rút điện thoại gọi cho Tuyết:

-Em đang làm gì vậy?

-Em đang làm báo cáo. Chắc phải 30 phút nữa mới về được. Anh ăn…

-Chỗ làm à? Báo cáo? - tôi chen vào, không đợi Tuyết nói hết câu, mặt nóng phừng.

Tôi tắt phụt máy, rồi nhắn cho anh Quang chủ quán một tin nhắn: “Anh kêu hai người ban nãy ra ngoài ban công hộ em, đó là người quen của em”. Ba mươi giây sau đã thấy anh Quang trả lời: “Ừ, đợi anh xíu”

-Đi với em mà cứ Tuyết Tuyết hoài! – giọng Thi tỏ vẻ hờn dỗi. – mà anh sao vậy? nhìn anh…

Tôi im lặng, không nói gì, cố nén tức giận trên khuôn mặt. Một lúc sau, lão sếp và Tuyết bước ra ban công. Mắt mở to kinh ngạc khi thấy tôi:

-Này Long. – Anh Quang nói – hóa ra là người quen của em!

Mặt tôi đỏ phừng, nhưng vẫn cố thật bình tĩnh trả lời anh Quang:

-Cám ơn anh! Cho tụi em nói chuyện riêng chút xíu nhé – tôi quay qua lão sếp và Tuyết, mặt lúc này đã trắng nhách – Chào sếp, chào Tuyết!

Anh Quang bước ra, tôi vội vàng khép cánh cửa ban công lại, sợ ảnh hưởng tới mọi người trong quán. Tôi nhìn Tuyết chằm chằm, lão sếp có vẻ lo lắng, cất tiếng trước:

-Chú hiểu lầm rồi, anh…

Bốp… không đợi lão giải thích, tôi đấm liên tục ba phát vào mặt và bụng lão ta. Hắn bị đấm nằm xuống sàn, mũi tóe máu. Thi chạy lại, vội vàng can tôi ra:

-Anh làm gì vậy? Sao lại đánh người ta! – Thi hoảng hốt, còn Tuyết chạy lại đỡ lão sếp.

-Anh hiểu lầm rồi – Tuyết cố giải thích – chuyện không phải như vậy đâu.

Tôi lau vết máu dính trên áo, cố giữ lại bình tĩnh:

-Hai người lén lút với nhau sau lưng tôi mà còn chối ư? Tưởng tôi không thấy những gì hai người làm ban nãy à? Lũ khốn nạn…thôi được rồi, tôi không còn quan hệ gì với hai người nữa! Biến đi

Nói rồi, tôi nắm tay Thi kéo đi. Nếu ở lại thêm vài giây nữa thôi, có lẽ tôi sẽ đấm vỡ mặt thằng sếp khốn nạn ấy. Đằng sau vẫn còn nghe thấy tiếng của lão sếp:

-Mày đợi đấy Long, tao sẽ…

Tôi tính tiền, chào anh Quang rồi đưa Thi về lại chung cư. Gió lạnh thổi ù vào tai khiến tôi quên bớt đi nỗi bực ban nãy. Tôi cay đắng khi nghĩ tới mình đã bị phản bội bao nhiêu năm qua, nhưng cũng thấy nhẹ lòng khi biết rằng: Cuối cùng, tôi cũng có thể yên tâm bỏ lại tất cả đề đi tìm sự thật cho Đức. Tôi sẽ không để Đức phải chết một cách oan ức được.

Màn đêm dần buông trên bầu trời Sài Gòn, tôi lặng lẽ ngồi giữa công viên. Cảm nhận từng cơn gió tốc vào mặt lạnh buốt. Điện thoại reo, tôi vội bắt máy, là Thi:

-Em tìm được thông tin của số điện thoại đó rồi.

-Ờ, em đọc đi.

-Cũng không có gì nhiều đâu, chỉ là một vài thông tin nhỏ thôi. Người đó tên thật là Trần Uyên Linh, số chứng minh nhân dân: 27x xxx xxx. Sinh năm 93. Người này có đăng kí sim, nhưng mà hơn một năm nay không sử dụng, nên số bị khóa rồi.

-Ừ, cám ơn em nhé.

-Dạ không có gì

Tôi cúp máy, vừa cố nhớ ra trong đầu những người quen có thể tìm tung tích người tên Linh này, vừa lững thững bước về chung cư. Chợt tôi cảm thấy có ai đó đang theo dõi mình, nên ngoái đầu nhìn ra sau. Một bóng người lúi cúi chạy vào bóng đêm, nhanh đến mức tôi chỉ kịp nhìn thấy mớ tóc luề xuề, rối tung lên của bà ta…bà băm.

Cuối cùng thì lần này bà ta xuất hiện để làm gì? Có liên quan gì tới việc Hoàng không về ngày đám giỗ của Đức?

P/s: bắt đầu từ chap này, các tình tiết ma quái sẽ trở lại

 dẹp hết đống tình cảm nhố nhăng nhé

Tôi chạy thục mạng bám theo bóng người ấy, tim đập lên từng hồi liên tục…Bà ta nhanh như sóc, chạy xuyên qua từng bụi cây trước mặt, khiến tôi phải khó khăn lắm mới theo kịp.

-Bà băm, tôi biết là bà…Đứng lại đi – tôi thở hổn hển, ráng hét thật to, mong rằng bà băm sẽ đứng lại.

Sức trai trẻ không khiến tôi đuổi kịp bà ta. Tôi đuổi theo càng nhanh bao nhiêu, bà ta chạy lại càng nhanh bấy nhiêu, dường như con người ấy không

biết mệt là gì. 

Bỗng dưng bà ta khựng lại, quay mặt về phía tôi. Bất ngờ quá, nên tôi cũng chệch choạc giữ thăng bằng, rồi đứng lại cách bà băm chừng năm mét. Theo học Muay Thái suốt ba năm qua, khiến thể trạng tôi tốt hơn rất nhiều, vậy mà cũng không tránh khỏi việc thở dốc, mặt tái xanh. Ấy thế mà bà băm vẫn đứng đấy như không có gì:

-Bà theo dõi tôi làm gì?

Mụ không nói gì, bắn về phía tôi một cái nhìn sắc lạnh. Bà băm cứ đứng đấy, dưới ánh sáng chập chờn của bóng đèn đường, chỉ đủ cho tôi nhìn loáng thoáng khuôn mặt đã đầy những nếp nhăn như một bà già tám mươi.

Bà băm bước lại gần, lấy tay hất bớt mớ tóc lù xù trước mặt. Hai con mắt bà sâu hoắm vào, đỏ lừ như mắt của một con quỷ cứ nhìn chằm chặp, khiến tôi vội vàng lùi lại đằng sau:

-Sao bà không nói gì? Sao bà lại thành ra như thế này? – tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh bà băm ba năm trước, nằm rạp dưới đất mà ôm chặt lấy cây ngải “con” mình. Năm ấy, bà ta trông giống một con quỷ dữ bao nhiêu, thì bây giờ xuất hiện trước mặt tôi là một con quỷ còn kinh khủng hơn gấp bấy nhiêu lần.

-Mày quan tâm làm gì? Mày vẫn còn rảnh rỗi nhớ bà già này sao? – giọng bà ta trầm đục, như một người bị bệnh. Rồi bà băm ngửa mặt lên trời, cười ha hả thật lớn - lo mà mai táng cho thằng bạn chết bằm của mày đi.

Tôi hoảng hốt. Bà ta đang nói gì vậy? Chẳng lẽ Hoàng bị gì sao?

-Hoàng…Hoàng bị gì sao? Bà nói rõ cho tôi biết được không! – tôi mặt tái nhợt, tiến lại gần, nhìn thẳng vào con mắt đỏ ngầu của bà băm đợi câu trả lời.

Gió xào xạc thổi vào những tán lá, tạo ra những tiếng rù rì đến ghê rợn. Bà băm hơi nhếch mép:

-Mày chưa biết sao? Thằng bạn mày sắp chết rồi – bà băm rút trong túi ra một mẩu giấy màu vàng mỏng, giống như vừa được xé ra từ một tờ giấy gì đó – mày nhìn này, đây là mạng sống của nó. Mạng nó sắp tàn rồi, chắc sẽ chết trong vài ngày nữa thôi – bà băm nhìn tôi, vẻ mặt hả hê, hài lòng.

Tôi gián mắt nhìn vào tờ giấy, nó giống hệt tấm bùa mà bà băm đã đưa cho chúng tôi hồi ấy, mắt long lên sòng sọc, tôi chạy lại túm cổ áo bà băm:

-Bà đã làm gì Hoàng? – Tay tôi siết chặt, tưởng chừng như muốn nhấc bổng bà ta lên, miệng liên tục hét thật to – Nó sao rồi?

Xung quoanh tôi, không khí như ngừng chuyển động. Đôi mắt đỏ lè của bà băm mở thao láo, như muốn ăn tươi nuốt sống tôi ngay tức khắc:

-Tao không làm gì cả, lá bùa hôm ấy tao đưa cho tụi mày, đã ếm lấy tính mạng hai đứa bay. Nó chỉ đơn thuần giúp tao biết tụi mày ở đâu, và biết khi nào chúng mày chết thôi.

Rồi bất chợt, bà ta lao vào bóng tối, bỏ lại tôi đứng sững như trời trồng giữa màn đêm u tối, quẳng lại cho tôi câu nói sắc lạnh.

-Rồi sẽ đến lượt mày thôi…

Gió ngừng bặt, xung quoanh im lặng, đến đáng sợ. Lần đầu tiên sau ba năm, tôi bắt đầu cảm thấy nỗi sợ ùa về, tràn ngập trong thâm tâm.

Tôi lững thững bước về chung cư, ánh đén điện hai bên đường cứ chập chợt, chốc chốc lại tắt, rồi xoẹt ra vài tia điện giữa sự lạnh lẽo đêm khuya.

Thình lình, tôi thấy một bóng người cao dong dỏng ngồi trên ghế đá, là anh Trần. Anh ta ngồi đó, rít điếu thuốc trên môi một hơi thật dài, rồi thở hắt ra. Khói thuốc khiến cho khung cảnh xung quoanh anh ta trông lạnh lẽo đến đáng sợ…

-Cuối cùng mày cũng đã gặp bà ta – hắn lạnh lùng như một tên giết người, ánh mắt sắc lẹm như dao nhìn về hướng tôi – mày nghe được bà ta nói những gì, mà mặt tái xanh thế nhóc? Chắc lại bị bà ta hù, như đứa con nít bị dọa ma chứ gì?

Rồi Trần cười nhếch mép khinh bỉ. Tôi cố gắng điềm tĩnh, cố không làm hắn phật lòng, vì tôi vẫn còn nhiều thắc mắc muốn hỏi hắn ta.

-Sao anh biết chỗ này?

-Mày khoan hỏi, lại đây ngồi với tao nào thằng thỏ đế - Trần cố châm chọc, khiến tôi bực đỏ cả mặt. Nếu là một người khác, có lẽ tôi đã cho hắn ta xịt máu mũi ngay lập tức rồi.

Tôi tiến lại, hắn dịch sang một bên ghế đá cho tôi ngồi.

-Cứ nhìn tao mãi, thèm thuốc à? Để xem còn điếu nào không, cho mày nửa điếu, hút đỡ vật – hắn cười cười, lấy trong túi ra bao con Mèo, rút một điếu đưa tôi

Tôi cầm lấy điếu thuốc, giục toẹt xuống đất, lấy đế giày di lên, rồi quay qua lườm hắn. Tôi rút trong túi ra bao thuốc, rít vài hơi cho tỉnh táo.

-Gớm, chú láo quá nhỉ? – hắn cười, khuôn mặt nham hiểm khác hẳn với anh Trần mà lần đầu tiên tôi gặp. – hôm nay có lẽ tao với mày phải ngồi đây nói chuyện đến khuya đấy. Không biết chú mày đủ can đảm ngồi ở nơi vắng vẻ này với anh không nữa.

Tôi rút điện thoại ra xem giờ, đã gần 12h đêm rồi. Cái công viên của chung cư bây giờ vắng ngắt không một bóng người, lâu lâu chỉ có một vài con chim nghe động, bay ra từ tán lá xào xạc.

-Anh có gì mà tôi phải sợ chứ? Tôi bây giờ không còn là thằng Long yếu đuối, phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác nữa đâu. – Tôi trừng mắt, cố áp đảo tâm lý của anh Trần.

-Không sợ? – Anh ta đứng dậy, dí sát đầu vào mặt tôi, nói bằng giọng đe dọa – Nếu tao nói với mày, tao chính là đứa con tuổi Dần, đã bị bà băm bóp cổ chết năm ấy thì sao? – Trần nói bằng cái giọng ư ử như đang phát ra từ tút trong bụng anh ta, chứ không phải từ cổ họng.

Vậy chẳng lẽ anh ta là ma? Tôi cố gắng lùi lại tới sát mép ghế, tim đập thình thịch như đánh trống. Tại sao anh ta có thể là con của bà băm được? Rõ ràng Trần là em họ của Đức cơ mà:

-Tao cảm nhận được tim mày đang nhảy nhót trong lồng ngực – anh ta cười nhếch, khiến tôi lạnh hết cả xương sống – biết sợ rồi hả thằng ranh? Sao bảo mày gan lắm cơ mà?

Không gian im lặng đến đáng sợ khi anh Trần dụi điếu thuốc xuống nền xi măng, chậm rãi lấy ra một tấm hình. Tôi chết sững người khi nhìn tấm hình trên tay Trần, một gã đàn ông tầm hơn ba mươi, mặc bộ đồ bộ đội đang bế một đứa bé chừng hai tuổi trên tay, mặt đứa bé trai kháu khỉnh đến lạ, bên cạnh là một cô gái trẻ đang bá tay người đàn ông trông rất tình cảm. Người con gái mặc một bộ quần áo dân tộc. Tôi đoán có lẽ đó là một cặp vợ chồng. Mặt tôi tái nhợt khi nhận ra, gã đàn ông ấy chính là...lão tài xế.

-Nhận ra lão ta không thằng ranh? – hắn hỏi đều, vẫn không bỏ cái vẻ khinh bỉ.

-Chính là…gã tài xế bị tai nạn cơ mà? – tôi cố tỏ ra bình thường, không để lộ vẻ lo sợ - sao anh lại biết lão ta và có tấm hình này?

Trần im lặng, ngồi lại xuống ghế đá, rút điếu thuốc khác ra hút. Hắn dúi tấm hình vào tay tôi, rồi quay sang chỗ khác phà hơi thuốc một cách lịch sự:

-Thế mày không nhận ra ai đứng trong hình nữa à? – hắn bỏ cái vẻ ta đây, lần đầu tiên nói chuyện một cách đàng hoàng.

Tôi nhìn kĩ lại tấm hình. Người con gái trong hình trông hoàn toàn xa lạ, chỉ có điều ánh mắt nhìn rất giống một ai đó mà tôi nhận không ra.

-Là ai? Tôi không biết…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro