dat va nguoi quang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐẤT QUẢNG NAM



.

Bằng một con tính đơn giản, ít nhất ở Đại Lộc hiện nay số cây mai cổ đang hiện diện là không dưới 500 cây, mà mỗi cây đều là một kỳ tích, thể hiện tất cả những niềm đam mê, tâm huyết mà chủ nhân của nó đã đổ mồ hôi, lắm khi cả nước mắt để có được nó.

Ngày nay, khi áp lực của lối sống công nghiệp ngày càng chi phối nghiệt ngã đời sống xã hội thì nhiều người đã hướng về những thú vui tao nhã một thời vang bóng để hóa giải và tạo thế cân bằng. Đó là các bộ môn nghệ thuật của sự đam mê và lòng nhẫn nại, như non bộ, tiểu cảnh, thư pháp, bonsai v.v... Trong các đối tượng của nghệ thuật cây cảnh, cây mai cổ tự lúc nào đã nghiễm nhiên trở thành linh vật đối với người Việt Nam xưa và nay.

Điều ít ai biết, ở Đại Lộc, Quảng Nam nghệ thuật Cổ Mai Hoa đến nay phát triển gần như đã là “đạo”...

Mai Hoa - biểu tượng của mùa Xuân, quy luật đất trời, đạo đức và khí tiết người Anh hùng...

Cây hoa mai vàng (dưới đây gọi là mai hoa), là loài cây hoa cảnh gắn liền với Tết - Xuân, tự bao đời đã trở nên vừa thân thuộc, vừa thiêng liêng với mọi tầng lớp người dân Việt. Từ cổ chí kim, ở Việt Nam, mai hoa, nhất là cây mai cổ thụ nhiều tuổi, từ dáng thế, màu sắc và cả các đặc tính sinh học của nó được cho là chứa đựng nhiều bí ẩn, biểu hiện những ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.

Lịch sử dân tộc ta từng ghi nhận rất nhiều bậc anh hùng, tiền bối đã không tiếc lời ca ngợi, tôn thờ những giá trị thâm hậu mà cây hoa mai mang lại. Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) xem mai hoa như một biểu tượng của đạo đức và khí tiết: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Truyện Kiều); là bạn tri âm, tri kỷ “Mai là bạn cũ, Hạc là người quen”. Còn Mãn Giác Thiền sư (1052-1096), trong một bài thơ, tương truyền được viết ngay trước khi Sư viên tịch tại chùa Sùng Nghiêm, năm 1096:

“... Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. 

(Cáo tật thị chúng)




(Tạm dịch: Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai). Ở đây sức sống mãnh liệt của hoa mai được đẩy lên đến độ cao trào. Ta hãy hình dung chỉ sau một đêm xuân, trước thềm bỗng xuất hiện - không chỉ một, vài bông hoa - mà là một nhành mai nhất loạt vàng bông rực rỡ, như một sự thăng hoa tuyệt diệu, sự chuyển hóa biến đổi của đất trời.

Tuy nhiên, trong những áng văn, thơ viết về mai hoa do người xưa để lại, nổi tiếng hơn cả phải là bài thơ bất hủ của Chu Thần - Cao Bá Quát (1809-1855). Bài thơ vốn đã là “tuyên ngôn nghệ thuật” của không ít nghệ nhân mai cổ thời nay:

Kinh thế hữu tài giai bách luyện
Độc thư vô tự bất thiên kim
Thập tải luân giao cầu Cổ Kiếm
Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa 

(Theo Từ điển Bách khoa toàn thư)

“Thập tải luân giao cầu Cổ Kiếm. Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa” - Người anh hùng có mười năm giao du trong thiên hạ để cầu thanh gươm cổ cùng một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai! Ta sẽ thấm thía hơn cái triết lý nhân sinh sâu sắc được chuyển tải trong hai câu thơ nổi tiếng của Cao Bá Quát nếu như ta đặt nó trong ngữ cảnh của cuộc đời kỳ lạ của ông, cuộc đời của một người anh hùng không hề biết nể sợ một ai, trong một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của các thời đại cuối cùng nhà Nguyễn.

Khi không còn tin vào Triều thần, người Anh hùng trong ông có mười năm đi “cầu cổ kiếm”, như kiếm tìm một kế sách để cứu dân, cứu nước. Và ông đã tự đặt mười năm đó vào thế cảnh của một đời chỉ biết “bái mai hoa”! …

Thế mới biết Mai Hoa không chỉ là biểu hiện của mùa xuân, quy luật đất trời, đạo đức, mà còn là biểu tượng cho khí tiết bất diệt của người Anh hùng.

Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc...

Trong những năm trước, khi đất nước chuyển mình đổi mới, người dân Đại Lộc vốn nghèo trên vùng đất bị chiến tranh tàn phá ác liệt đã phải tìm kiếm cho mình những cách làm ăn mới. Từng nổi lên rất nhiều tấm gương vượt khó, nhiều nông dân sản xuất giỏi... Trong đó, cây hoa mai từng là đối tượng sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.

Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nay có đến hàng mấy mươi người ở Đại Lộc chuyên tâm sưu tầm và chơi cây mai cổ, trong số đó không ít người đạt đến trình độ thượng thừa.

Không chỉ nắm vững các kỹ thuật, nghệ thuật chăm sóc, tạo dáng, chế tác... cho cây mà qua thú chơi đó, họ còn tạo nên những sức cuốn hút kỳ lạ, làm thổi bùng ngọn lửa đam mê và tình yêu Cổ Mai Hoa trong rất nhiều người.

Có người không kể gì đến nợ cơm - áo - gạo - tiền mà thẳng thừng tuyên bố:

“Giàu sang phú quý không màng
Chỉ yêu son sắt một nàng Mai Hoa!...”.

Trong số những người đam mê cây mai cổ ở Đại Lộc phải kể đến một vài nhân vật có tên tuổi. Anh Lê Me (khu 5, Ái Nghĩa) là người đã từng đeo đuổi rất sớm cây hoa mai, từng khai phá hàng chục hécta đất núi đồi ở vùng giáp ranh Hải Vân để làm trang trại hoa mai, nhưng tiếc thay, do nhiều trắc trở, mộng không thành. Sau đó anh quyết chí làm lại, chuyển sang sưu tầm cây mai cổ.

Đến nay, sau quá trình gây dựng, trong vườn anh đã có đến gần 50 cây mai cổ được chăm sóc cẩn thận và thật sự là những tác phẩm có giá trị. Đó là chưa kể mấy trăm chậu mai mini để bàn, mai vừa để chơi và bán tết.

Anh Nguyễn Chín (Mỹ Liên, Đại Nghĩa) sau mấy năm tích cóp, sưu tầm hiện nay có trong “tay” đến gần trăm gốc; anh P.Thông (Đại Hiệp) khoảng 70 gốc.

Táo bạo hơn, anh Th. ở Trung An, chỉ sau vài tháng chuyển đổi từ các loại cây cảnh khác sang cây hoa mai, đã tích cóp cả cũ lẫn mới tổng cộng có đến gần trăm cây, mà cây nào cũng quý. Còn danh sách các “sở hữu chủ” ở cấp vài chục cây thì có đến vài mươi người ở khắp nơi trong huyện.




Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu như không nói đến một số người kém may mắn hơn khi không giữ được cho mình một cây nào đáng giá, nhưng nỗi đam mê và cả “tay nghề” của họ thì không hề thua kém bất cứ một ai (ông Ph. ở Đại Nghĩa, anh B. ở khu 8; anh Q. ở Nghĩa Nam, Ái Nghĩa...).

Họ là những người yêu và theo đuổi nghệ thuật Cổ Mai Hoa từ rất sớm, đã từng “qua tay” họ đến vài trăm cây, nhưng khốn nỗi cái nghèo đã không giúp họ giữ lại được cho mình những tác phẩm quý giá, máu thịt đó.

Như vậy bằng một con tính đơn giản, ít nhất ở Đại Lộc hiện nay số cây mai cổ đang hiện diện là không dưới 500 cây, mà mỗi cây đều là một kỳ tích, thể hiện tất cả những niềm đam mê, tâm huyết mà chủ nhân của nó đã đổ mồ hôi, lắm khi cả nước mắt để có được nó.

Nói không ngoa, trừ những ngày bão lũ, bất cứ thời điểm nào cũng có một vài người Đại Lộc lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng, dưới xuôi, cả trong và ngoài tỉnh truy tìm cây hoa mai cổ thụ để rồi tạo nên một sự dịch chuyển âm thầm nhưng đầy ngoạn mục: Cây mai cổ từ khắp nơi dần dần được đưa về Đại Lộc,  hợp thành cái nghĩa tương phùng Cổ - Mai - Hoa - Đại - Lộc!

Những lúc thóc cao gạo kém, nghệ nhân của Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc đã phải lăn lộn với rất nhiều nghề, không ngại bất cứ công việc gì, miễn là lương thiện để vừa có thể làm tròn nghĩa vụ ở đời, vừa có thể nuôi thú, chơi cây. Cay đắng hơn, còn có người chấp nhận và chịu đựng cả những nỗi oan khiên, điều tiếng để không phải từ giã thú chơi.

Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, trong giới chơi cây ở Đại Lộc rỉ tai nhau một tin vào hàng rất “giật gân” là “ở một nơi nào đó mà không biết nơi nào (?) đang có một cây mai cổ rất lớn”. Theo lời đồn, cây mai này lớn đến nỗi cái bộng ở gốc cây được trẻ con... chui vào để chơi trò trốn tìm rồi ngủ quên trong đó, không ai tìm ra chúng (?).

Câu chuyện kỳ lạ, khó tin đó chỉ có thể làm mê hoặc được những kẻ chuyên truy tìm Cổ Mai Hoa, vì chỉ họ, những người vốn được cho là có “tâm thái bất thường” mới có thể tin nổi.

Không ai bảo ai, rất nhiều người bí mật đi tìm, như kiếm tìm một cơ may kiểu “ngậm ngải tìm trầm” vậy. Cũng như họ, lần đó, tôi cũng bí mật cùng vài anh em lên đường đi tìm cây mà thông tin có được chỉ vỏn vẹn là mỗi cái tên của ông chủ, không một dòng địa chỉ (đó là ông L.N.T.).

Đó là một người đàn ông khoảng ngoài 60, thần sắc hồng hào. Khi được xác nhận đúng tên ông, sau vài câu xã giao, chúng tôi hỏi: “Nghe người ta nói bác có cây mai cổ lớn lắm?”. Ông bình thản xác nhận là: “Ừ! có. Nhưng mà răng?”.

Quanh co một hồi, ông dẫn chúng tôi ra vườn, chỉ vào một khoảng trống, ông bảo: “Đây, nó đây!”. Nhưng chúng tôi chẳng thấy gì cả! Trong lúc chúng tôi còn ngơ ngác không hiểu gì thì ông gằn lại với bộ mặt rất bí hiểm: “Thì đây, chứ còn đâu nữa!”. Sau phút định thần chúng tôi thấy đó chỉ là... một hố đất rất sâu và đã cũ (?).

Thì ra, cây mai huyền thoại đó từng tồn tại nhưng nó đã chết từ lâu. Cái chết của cây mai gây nên cho ông một nỗi đau buồn vô tận, đến nỗi ông đã cho người ta đào cả gốc rễ đem đi mất để chóng nguôi ngoai. Nhưng rồi vẫn không yên, nỗi nhớ cây đã khiến ông cố tình giữ lại cái hố đất sâu do cây để lại làm kỷ niệm...

Theo lời ông, thời gian gần đây không biết lý do gì mà rất nhiều người lạ đến hỏi ông về cây mai cổ đó...

Và còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ, bao hàm đủ cả hỉ - nộ - ái - ố, lắm khi đầy nước mắt về cây, về người mà trong giới Cổ Mai Hoa Đại Lộc gặp nhau có tán mãi cũng không bao giờ hết...

Nhưng rồi “trời cũng phải có mắt”, công sức bỏ ra đó đã được đền đáp. Nhiều cây mai rất quý được phát hiện và mang về Đại Lộc, khiến không ít người trong giới chơi cây phải ghen tị. Trong đó phải kể đến một vài cây có “số má” hẳn hoi cùng với những câu chuyện ly kỳ xung quanh nó.

Như cây mai có tên “Hồn Việt” của anh Th. mang về từ Điện Bàn (năm 2006), có tuổi hơn trăm năm, dáng thế thanh thoát, là một trong những cây mai quý đang có ở Đại Lộc, từng được báo chí đưa tin (bài “Mai vàng” lên… mạng, tác giả Thuận Nguyên).

Cây “Ngọc cốt, Thiên chân” của anh Lê Me đem về từ Tam Dân, Phú Ninh (năm 2007), có kích thước to lớn chưa từng thấy, toát lên một cảm giác hùng vĩ đến rợn người.

Cây “Hoàng Mai” của anh Tr. (Đại Hiệp) có nguồn gốc từ Quế Sơn (năm 2008), xinh đẹp như tiên nữ giáng trần, hoành tráng như khổng lồ truyền thuyết.            

Nghe đâu, để mua được nó thành công, chủ nhân đã phải cất công bí mật “trinh sát”, “mai phục”, rồi “đánh” (thuyết phục chủ cây đồng ý bán) và đã “thắng” như một chiến công thật sự, khiến cho tất cả anh em chơi mai ở Đại Lộc vừa sung sướng vừa ghen tị v.v...

Quý nhau chút tình, những người có đồng sở đắc sưu tầm và chơi cây mai cổ ở Đại Lộc đã tìm đến nhau, gắn kết để cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và lòng đam mê mà nhiều khi nói ra người ngoài dễ cho là... bị bệnh hoang tưởng hay tâm thần phân liệt (!). Họ đã tự xây dựng cho mình những website riêng để chia sẻ thông tin cả với giới sinh vật cảnh trên khắp mọi miền đất nước

TỔ ĐÌNH CHÚC THÁNH

Chùa tọa lạc tại phường Cẩm Phô, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Chùa do Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Chánh điện bài trí tôn nghiêm, ở đây có bộ Thập bát La-hán bằng đất nung cao 0,70m, phần tượng cao 0,45m, ngang cở 0,28m khá đẹp. Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1845, 1849, 1892, 1894. Hòa thượng trụ trì Thích Trí Nhãn đã tổ chức trùng tu liên tục trong những thập niên gần đây. Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hội An, ngôi Tổ đình của chi phái Thiền Chúc Thánh ở miền Trung và miền Nam. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. <!--[if !supportEmptyParas]-->    <!--[endif]-->

QUÁ TRÌNH KHAI SÁNG VÀ TRÙNG TU TỔ ĐÌNH CHÚC THÁNH.

1.Địa thế, phong thủy ngôi Tổ đình.

Từ Đà Nẵng về Hội An theo đường Non Nước khoảng 30 km, lúc chưa đến Hội An khoảng 1km nhìn qua phía tay trái có một con đường thẳng nằm giữa nhà hát lớn Hội An và trường Trung học Điện, đi vào hết con đường này khoảng 300m là chùa Chúc Thánh, tọa lạc ngay giữa cuối con đường. Địa thế chùa Chúc Thánh nằm quay mặt về hướng Tây - Nam, nằm gọn trên một vùng đất cao thoáng thuộc khối Tân hòa phường Tân An, Hội An ( trước là phường Cẩm phô hay làng Thanh Hà, huyện Diên Phước phủ Điện Bàn), cách trung tâm phố cổ Hội An về hướng Bắc khoảng 1km.

Nơi đây vào những năm 1987, 1988 vẫn còn là nơi thanh tịnh vắng vẻ, chung quanh ngôi chùa nhìn về xa xa chỉ thỉnh thoảng vài ngôi nhà dân, còn lại đa số là những khu rừng thông, những cồn cát trắng và những ngôi mộ xưa. Hàng rào chùa dày từ 8 đến 10m, được tạo nên bởi nhiều loại cây xanh mát. Đứng trong khu vườn chùa, mọi người sẽ có cảm giác như ngôi chùa đang ở giữa khu rừng nguyên sinh đầy hương thơm cỏ lạ, chim chóc 4 mùa hội tụ. Có thể nói đây là một môi trường sinh thái tốt, thanh tịnh, phù hợp với cảnh thiền môn.

Theo phong tục người Trung Hoa thì họ đến đâu thường hay lập chùa, miếu để thờ cúng cầu nguyện mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp. Như đã trình bày, cùng với thời điểm chùa Chúc Thánh ra đời, Hội An là một thương cảng trù phú, những thương nhân đến từ nước ngoài chủ yếu là người Hoa và coú một số người trong họ đã định cư ở đây. Vì vậy, Tổ Minh Hải sau khi quyết định ở lại tại Hội An hoằng Pháp, Ngài chọn ra một nơi để tạo lập chùa Chúc Thánh với khoảng cách lý tưởng khoảng 1km không gần lắm cũng không xa lắm so với trung tâm phố cảng. Địa thế này nhằm 2 mục đích: Một là, nơi yên tĩnh vắng vẻ, điều kiện tu hành thiền định thích hợp và hai là, không xa lắm nơi dân cư, để tạo điều kiện cho những người dân ở đây có thể bước bộ đến chùa lễ Phật tụng kinh. Cũng từ lòng tín ngưỡng Phật giáo mạnh của người dân Việt và  Hoa kiều tại đây mà ngôi Tổ đình Chúc Thánh cũng trở nên phong phú về nhiều mặt, phong phú từ lối kiến trúc đến cách thờ phụng, như ngoài việc thờ Phật chính trong Chánh điện, ngoài vườn còn lập miếu Ông, miếu Bà để thờ các Thần Thành Hoàng, Thổ Địa để cho những người đến cầu xin được phù hộ mua may bán đắt, đi đến nơi về đến chốn. Đấy là những tín ngưỡng thuần túy tính nhân gian.

Mặc dù ngày nay chung quanh bên ngoài chùa Chúc Thánh không còn những bãi cát, những đồi thông xanh rì vi vu trong gió nữa, đến chùa không còn phải băng bộ qua những đoạn đường cát nữa, mà thay vào đó là những ngôi nhà đồ sộ và con đường đất cứng vì nhu cầu dân số và phát triển đô thị. Nhưng bên trong vườn chùa vẫn còn giữ được dáng vẻ cổ kính, hàng cây cổ thụ vẫn còn đó, hình ảnh ngôi chùa vẫn cổ kính rêu phong, những lớp bụi thời gian không thể nào xóa nhòa đi được.

2.Ý nghĩa tên ngôi Tổ đình.

Tên " Chúc Thánh" có từ lúc Tổ Minh Hải đặt chân đến khai sơn ngôi chùa. Về mặt ý nghĩa 2 chữ Chúc Thánh  có 2 cách giải thích sau đây:

Một là, từ nữa thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn Đàng Trong trọng đãi Phật giáo nói chung và ngài Minh Hải nói riêng, nên khi lập chùa, ngài Minh Hải muốn thể hiện tình cảm của mình đối với các chúa Nguyễn bằng cách đặt tên cho ngôi chùa là Chúc Thánh (tức chúc cho Thánh Thượng được mọi điều tốt lành). 

Hai là, lúc bấy giờ tại Trung Quốc cũng có một ngôi chùa tên Chúc Thánh. Vì vậy, Ngài Minh Hải sau khi đến Việt Nam khai sơn ngôi chùa đặt lại tên Chúc Thánh là để làm kỷ niệm nhớ lại quê hương xứ sở của mình. 

Hai cách giải thích tên Tổ đình Chúc Thánh trên, ý nghĩa nào cũng có phần hợp lí. Nhưng cách giải thích thứ 2 thì chưa có cơ sở để chứng minh được. Vậy tạm thời có thể hiểu theo cách giải thích thứ nhất là " Chúc cho Thánh Thượng được mọi điều tốt lành" nói gọn là " Chúc Thánh". Ý nghĩa này cũng trùng lặp câu thứ 3 trong bài kệ của Ngài truyền tại Chúc Thánh:" Chúc Thánh thọ thiên cửu" (Chúc Thánh Thượng muôn tuổi).

3.Quá trình khai sáng và trùng tu.

Như đã trình bày, Tổ đình Chúc Thánh do thiền Sư Minh Hải - Pháp Bảo thuộc thiền phái Lâm Tế đời 34 từ  Trung Quốc sang khai sáng vào cuối thế kỷ  XVII.

Thiền sư Minh Hải từ Quảng Đông Trung Quốc theo phái đoàn Ngài Thạch Liêm đến Việt Nam  để  dự  Đại giới đàn tại Huế vào năm Ất Hợi (1695 ). Sau khi giới đàn xong, Ngài Thạch Liêm cùng phái đoàn lưu lại Thuận Hóa đến năm 1696 mới trở về lại Trung Quốc. 

Sau khi Ngài Thạch Liêm về nước, Ngài Minh Hải ở lại Hội An qua năm sau (1697) khai sơn Tổ đình Chúc Thánh tại xã Cẩm Phô (nay là thị xã Hội An) (6.91)

Tương truyền, vào thời Ngài Minh Hải, chùa Chúc Thánh chỉ là một ngôi chùa nhỏ đơn sơ. Tại đây, Ngài đã hoằng pháp lợi sanh, tiếng vang khắp mọi nhà. Ngài đã biệt xuất kệ truyền thừa, tạo nên một pháp phái Lâm Tế  riêng tại Hội An. Sau này, các thế hệ truyền thừa của Ngài đã không ngừng phát huy đạo Pháp và phát triển kiến trúc ngôi Tổ Đình thật qui mô và bề thế như ngày hôm nay.

Tổ đình Chúc Thánh sau Ngài Minh Hải hai đời ( Ngài Thiệt Diệu và Ngài Đại Dõng ), vào năm Âút Mùi (1845), Ngài Toàn Nhâm (Vi Ý) khởi công đại trùng  tu và chuyển hướng ngôi chùa từ hướng Tây sang hướng Tây - Nam để phù hợp với địa thế phong thổ. Qua 4 năm sau (1849), Ngài tiếp tục khởi công xây thêm Tiền đường làm tăng gấp đôi diện tích trong Chánh điện. Đến  năm Nhâm Thìn (1892), Hòa Thượng Chương Đạo hiệu Quảng Viên trùng tu lại Tiền đường qui mô hơn. Năm Giáp Ngọ (1894), Hòa Thượng  Chương Khoáng hiệu Chứng Đạo đời thứ 38 và phó trú trì hiệu Quảng Đạt xây dựng thêm ngôi Hậu Tổ. Năm Ất Hợi(1911), Hòa Thượng trú trì húy Ấn Bính hiệu Phổ Bảo đời thứ  39 lại khởi công đại trùng tu ngôi Chánh điện, nâng nền Tiền đường lên cao hơn và xây thêm các dãy Đông đường, Tây đường. Những công trình lần này gần như cố định và qui mô cho đến ngày nay. Từ các năm 1954 đến 1960, Hòa Thượng Tăng cang húy Chơn Chứng hiệu Thiện Quả đời thứ 40 tiến hành trùng tu từng phần, khiến ngôi chùa trở nên hoàn mỹ hơn. Năm Tân Mùi (1991), Hòa Thượng Như Truyện hiệu Trí Nhãn tiếp nối trú trì đời thứ 40 (đang trú trì hiện nay) trùng tu lại ngôi tháp Tổ từ 3 tầng lên 7 tầng, góp phần tăng thêm vẻ đẹp trong khuôn viên chùa (1.1).

4. Hình thái kiến trúc, liễn, đối, bia, tháp.

Chùa Chúc Thánh quay mặt vêì hướng Tây-Nam nằm trên một mảnh đất thoáng mát với chiều rộng 130m và chiều sâu 96m. Nhìn từ ngoài vào, ngôi chùa nằm lặng dưới những táng cây cổ thụ rợp mát, tạo nên một dáng vẻ trầm hùng, thanh tịnh. Xung quanh chùa được bao bọc bởi một dãy cây đủ loại, bốn mùa đơm hoa kết trái, ong bướm tới lui, chim chóc làm tổ. Khung cảnh thanh bình này được kết hợp giữa thiên nhiên và con người, nó đã làm lắng đọng biết bao tâm tư phiền muộn của những con người bị thất bại trên trường danh lợi và cũng là cái nôi đã nuôi lớn biết bao anh tài đóng góp xây dựng đạo Pháp, dân tộc, ảnh hưởng đến  ngày nay. Vào những đêm trăng thanh gió mát, khung cảnh của chùa lại trở nên mênh mông, quạnh hiu và cô tịch hơn. Thật đúng với câu thơ nói về cảnh chùa miền quê đất Việt:

"Quê tôi có gió bốn mùa 
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm 
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm  
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi".   (ca dao)

Trước khi vào chùa, nhìn thấy cổng Tam quan rêu phong cổ kính. Vào trong, tiếp theo là  bồn hoa, những ngôi tháp cổ, bình phong, Đông đường, Tây đường, Chánh điện, Hậu tẩm, Phương trượng, Tổ đường ... Tất cả đều được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa kiến trúc Tàu và Việt Nam. Điều đó nói lên một thời vàng son cực thịnh về văn hóa, tôn giáo và thương mại của khu phố cổ này một thời xưa kia nói chung và Phật giáo tại đây nói riêng. Sau đây người viết sẽ lần lược trình bày từng chi tiết kiến trúc của ngôi Tổ đình cũng như ý nghĩa liễn đối, bia tháp trong đó.

* Cổng Tam quan:

Cổng Tam quan cách con đường ngang trước chùa 26m và cách Chánh điện 50m. Cổng tam quan đứng giữa 2 bức tường thành kiên cố và được thiết kế thành 2 tầng. Đỉnh trên cùng là 2 con sư tử trong tư thế ngồi chồm quay mặt vào nhau, tầng dưới là mái ngói giả, lối bước vào gồm 3 cổng; cổng giữa to lớn, cổng hai bên thấp nhỏ hơn, trên cổng giữa  có 5 chữ  Sắc tứ Chúc Thánh tự môn và  câu đối:

Chúc đối Linh sơn thiên cổ tú 
Thánh khai Pháp thủy nhứt nguyên trường.

Dịch nghĩa: 

Chúc như Linh sơn ngàn xưa xanh tốt 
 Thánh mở nước Pháp một dòng dài xa. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch. 
 

* Chánh điện:

Vào khỏi cổng Tam quan là bồn bông, kế tiếp bồn bông là bức bình phong. Bức bình phong này cũng có niên đại khoảng với việc tu sửa ngôi chùa, trước bình phong là hàng non bộ có tượng Quan Âm lộ thiên ở trên. Bình phong cách Tiền đường và Chánh điện một sân bông. Tiền đường và Chánh điện Tổng cộng bề ngang 12m và bề sâu 18m. Thiết kế ngôi chùa bên trong bởi nhiều kèo cột gỗ như " Chồng rường giả thủ" thuộc phong cách Tàu, "Cột trốn kẻ chuyện" thuộc phong cách Việt. Bức tường chùa dày 30cm, mùa hạ ít nóng mùa đông ít lạnh. Hai bên hông Tiền đường và Chánh điện là hai đường thông hành chạy thẳng ra phía sau nhà Tổ. Chánh điện nằm ngay giữa cân đối, hợp lí, một đặc trưng phổ biến trong kiến trúc phố cổ Hội An. Trước hiên chùa có 2 câu đối:

Câu 1 : 

Chúc Nam quốc Chí tôn tứ hải nhơn dân hàm khể thủ 
Thánh Tây Phương liên tòa nhứt đàn Tăng chúng Tổng qui y.

Dịch nghĩa: 

Chúc đấng Chí tôn Nam Quốc, bốn bể nhân dân đều cung kính 
Thánh ngự tòa sen Tây Phương, một đàn Tăng chúng thảy qui y. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Câu 2: 

Chúc đối Linh sơn vạn cổ vĩnh truyền tâm diệu lí 
Thánh khai Pháp thủy thiên thu kế tục tánh chơn như.

Dịch nghĩa: 

Chúc sánh Linh sơn muôn thuở mãi truyền tâm diệu lí 
Thánh mở nước Pháp ngàn năm tiếp nối tánh chơn như. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Mái chùa lợp bằng ngói âm dương uốn cong, mềm mại, trên chóp đỉnh là một cặp rồng quay mặt vào nhau đang rướn mình đến mặt trời chính giữa. Phía sau 2 con rồng là 2 con phụng đang bay ra mà ngoảnh đầu nhìn lại. Tiếp xuống  hiên mái chùa trang trí những hoa văn, chạm trổ những hình ảnh Đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến nhập diệt và góc cuối cùng của mái hiên là 2 con kỳ lân đang đứng quay mặt ra phía trước.

Bên trong, giữa Chánh điện và Tiền đường được liên kết với nhau bằng một máng xối đúc và 4 hàng cột gỗ cho cả 2 bên. Trên hàng cột của Tiền đường là 4 bức hoành phi sơn son thiếp vàng, cẩn chạm xà cừ; Một tấm ngay trước cửa Tiền đường quay vô do Hòa Thượng Phước Huệ tặng vào năm Giáp Tuất gồm 4  chữ:    Phật Pháp chánh chương, còn lại 3 tấm treo ở 3 gian quay mặt ra, tấm giữa đề tên ngôi chùa  Sắc tứ Chúc Thánh tự, tấm bên phải? Tổ ấn trùng quang và tấm bên trái Ân quang phạm vức. Dưới nền Tiền đường, hai bên hông tường gắn 4 tấm bia, nội dung ghi sơ lược lại những lần trùng tu ngôi chùa và các phương danh các chùa, đạo hữu đóng góp xây dựng. Ngoài ra, trong Chánh điện còn có trống lớn, trống nhỏ, đại hồng chung, tiểu hồng chung. Đại hồng chung được đúc vào năm Giáp Ngọ ( 1894), được dưới sự chứng minh của các Hòa Thượng Vĩnh Gia, Chí Thành, Quảng Đạt, Quảng Viên và Bát Nhã. Đại hồng chung cao 120cm, đường kính rộng 55cm. Trong đại hồng chung có khắc niên đại đúc chung, các Hòa Thượng chứng minh, các bài kệ phục nguyện về “ Chúc Hoàng đồ vĩnh cố, Đế đạo hà xương ...”.

Chánh điện, gian giữa bàn phía trên cao thờ 3 tượng Phật gọi là tượng Tam Thế, bàn dưới thờ tượng đức Phật Di Lặc và 2 bên là A Nan và Ca Diếp. Hai gian 2 bên, trong cùng là 2 tượng Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, mỗi tượng cao 1m 75 (không tính đế). Ra ngoài, hai bàn kế tiếp là 18 vị A La Hán (mỗi bên 9 vị) và phía bên ngoài cùng là 2 tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện, mỗi tượng cao 1m 75 (không tính đế). Những tượng trên có niên đại cao, đa số làm bằng hợp chất. Chánh điện  chỉ có một bức hoành để tên chùa làm vào Thành Thái năm thứ 4 . Cả Chánh điện và Tiền đường gồm có 5 câu đối ( tính thứ tự từ ngoài vào):

Câu 1 :

Tử trúc lâm trung mỗi dĩ  kim thằng khai giác lộ 
Thanh liên tòa thượng trường tương bảo phiệt độ mê tân.

Dịch nghĩa:

Trong rừng trúc biếc mỗi lấy dây vàng mở  lối giác 
Trên tòa sen xanh thường đem bè báu độ người mê. 
TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Câu 2: 
Chúc thiên thu cửu phẩm hương liên tự tại 
Thánh Thiên tử vạn gia cam lộ đồng triêm.

Dịch nghĩa: 
Chúc ngàn năm chín phẩm hương sen tự tại 
Thánh Thiên tử muôn nhà cùng thấm cam lồ. 
TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Câu 3 : 
Tam Tạng kinh văn giai sử nhứt tâm qui Chánh Pháp 
Thiên ban cụ diệp tổng huề vạn tượng hướng Chơn Như.

Dịch nghĩa: 
Ba tạng kinh văn đều khiến nhất tâm về Chánh Pháp 
Ngàn thiên lá bối thảy xoay muôn vật hướng Chơn Như. 
TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Câu 4 : 
Cửu phẩm liên đài Kim tướng đoan nghiêm thùy tiếp dẫn 
Thất trùng bảo thọ Ngọc hào xán lạng phóng quang minh.

Dịch nghĩa: 
Chín phẩm đài sen Kim tướng đoan nghiêm thương tiếp dẫn 
 Bảy hàng cây báu Ngọc hào sáng lạng phóng quang minh. 
TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Câu 5: 
Cửu phẩm liên hoa sư hống tượng minh đăng Bảo tòa 
Tam tôn pháp tướng long ngâm hổ khiếu xuất Thiên Thai.

Dịch nghĩa: 
Chín phẩm hoa sen voi sư ( tử) cung nghinh đăng Bảo tòa 
Tam tôn pháp tướng rồng cọp kêu gọi xuất Thiên Thai. 
TT Thích Hạnh Niệm dịch.

* Hậu tẩm, Đông phương tượng, Tây phương tượng và Tổ đường:

Dọc theo 2 đường thông hành từ Chánh điện ra phía sau là Hậu tẩm. Hậu tẩm, gian giữa thờ đức Địa Tạng đang cầm trên tay quả minh châu ngồi trên lưng con sư tử rất hùng hồn, tượng cao 2m, những nét áo, hoa văn chạm trổ rất mĩ thuật. Hai gian 2 bên là bàn thờ Phổ Liên Hoa và Ái Sở Thân. Trước bàn Địa Tạng là sân lộ thiên rộng 7m, dài 10m, dùng để đặt các loại hoa, cây cảnh quý. Hai bên sân là Đông phương tượng dùng để Tăng chúng ở và Tây phương trượng để thờ hương linh. Bước qua khỏi sân là đến Tổ đường. Tổ đường này mặc dù đã có từ lâu nhưng chỉ trong hình thức đơn sơ, mãi đến các đời Ngài Chương Khoáng, Chơn Chứng ngôi Tổ đường mới trở nên qui mô khang trang hơn. Tổ đường bề ngang 11m, bề sâu 9m tính cả đường thông hành vây quanh . Đường thông hành chủ yếu để làm nơi nghỉ ngơi của hàng Tăng chúng các nơi mỗi khi tề tụ về đây an cư kiết hạ và cũng là nơi bảo tồn các kinh sách, bảng gỗ kinh cũ. Ngay chính giữa Tổ đường là nghi án thờ long vị các vị Tổ sư trú trì từ Tổ Minh Hải trở xuống. Nghi án bằng gỗ, những nét chạm trỗ và sơn son thiếp vàng rất công phu. Trên nghi án có 4 chữ thủy thanh nguyệt hiện. Chính giữa nghi án là long vị và di ảnh của Tổ sư Minh Hải, tiếp theo 2 bên là long vị lịch đại chư vị trú trì từ cao xuống thấp. Quanh nghi án trang trí những bộ bê tích trượng và các bình bát của các vị ngày xưa dùng để thọ thực. Trên cửa Tổ đường một bức hoành quay vô gồm 4 chữ: Tổ ấn lưu huy. Chính giữa phía trên cao quay ra 3 bức hoành; bức giữaThích trạch vinh triêm, hai tấm hai bên là Hoa vũ di thiên và Phật pháp tôn nghiêm. Dãy cuối cùng cũng 3 bức; bức giữa Tổ Tổ tương truyền, hai bức hai bên   Tích thụ kim hoa và   Lộ ác đàm hoa. Phía dưới, bên phải nghi án Tổ là bàn thờ để thờ Tăng chúng quá cố, bên trái là Phổ Liên Hoa, phía trước là  Phổ Phật Sanh và Phổ Triều Âm.

Rường cột Tổ đường toàn bằng gỗ, mỗi cột treo câu đối tính thứ tự từ ngoài vào:

Câu 1: 

Chúc Thánh triệu sơ cơ mộ cổ thần chung khai giác lộ 
Cao Tăng phu quảng tòa quang phong tiêu nguyệt ấn thiền tâm.

Dịch nghĩa: 

Chúc Thánh mới dựng lập, khuya sớm trống chuông mở đường giác 
Cao Tăng trải pháp toà, đêm ngày trăng gió in tâm thiền. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch

Câu 2 : 

Phật xuất Tây phương pháp diệu túc trung tạng thế giới 
Tổ lai Nam quốc đạo truyền đăng hạ mãn thiền lâm.

Dịch nghĩa: 

Phật tại Tây phương nói pháp vi diệu trùm pháp giới 
Tổ đến nước Nam truyền đạo đầy khắp chốn thiền lâm. 

Thích Hạnh Thiện dịch.

Câu 3: 

Liên tòa vân khai hương đáo thiên đình long sủng mạng 
Dương chi lộ ấp căn tài địa ấm phát kim hoa.

Dịch nghĩa: 

Mây mở tòa sen, hương đến thiên đình hưng mạng vận 
Cành dương nhuần thấm bóng che gốc rễ trổ hoa tươi. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Câu 4:  

Hách trạc thanh linh thiên cổ ngưỡng 
Tôn nghiêm sư phạm ức niên khâm.

Dịch nghĩa: 

Thanh linh oai vệ ngàn xưa đều kính  ngưỡng 
Sư phạm tôn nghiêm muôn thuở mãi khâm sùng. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch.

* Đông đường, Tây đường:

Đông đường và Tây đường nằm 2 bên trước sân Tiền đường, nối liền với Tiền đường một cái nhà gọi là nhà cầu ( cầu bắt ngang giữa Tiền đường và Đông đường, Tây đường). Chiều dài Đông đường và Tây đường dài 11m, nhưng bề rộng của Tây đường chỉ 6 m và Đông đường đến 9m, trên mái của 2 bên đều lợp ngói âm dương, bên trong là rường cột gỗ. Tây đường chỉ để thờ linh và Tăng chúng tu học, Đông đường là nơi tiếp khách, gian giữa là bàn Giám Trai thờ đức Đạt Ma. Trước bàn Giám Trai treo trên cao một bức hoành 4 chữ: Thiên vũ bảo hoa. Hai bức phía trước là Nhựt phương thăng và Huệ nhựt quang vinh. Đông đường chỉ có 2 câu đối:

Phiên âm: 

Chúc thánh thọ vô cương thiền lâm vĩnh mậu  
 Hộ Pháp luân thường chuyển hải chúng đồng vinh.

Dịch nghĩa: 

Chúc Thánh thọ an khương rừng thiền mãi tươi tốt 
Hộ xe Pháp thường xoay hải chúng cùng hiển vinh. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch.

Phiên âm: 

Cơ tải phụng hành thiền pháp giới 
Tha thần kỳ thọ Phật tâm trai.

Dịch nghĩa: 

Bao năm phụng hành thiền môn giới pháp 
Ngày sau thọ hưởng Phật Tổ tâm trai. 

TT Thích Hạnh Niệm dịch.

* Những ngôi tháp Tổ:

Bia tháp quanh vườn chùa trên dưới 20 cái. Đó là những nơi tôn trí nhục thân của chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa... đã quá cố. Tháp Tổ Minh Hải cao nhất gồm 7 tầng, cao 15m, tiếp xuống là những tháp 5 tầng, 3 tầng và 1 tầng. Những tháp này vì thời gian nên có cái bị hư sửa lại, lại có cái chỉ còn một tấm bia....Như tháp của Ngài Đại Dõng (Siêu Căn) chỉ còn lại một tấm bia nhỏ, những chữ trong bia cũng đã bị phai nhạt. 

Ngoài ra, trong vườn chùa còn có ngôi mộ song thân của Tổ Minh Hải là Ông Lương Đôn Hậu và bà Trần Thục Thận. Ngôi mộ nằm chệch về phía trước tháp Tổ.

Lên chơi Hòn Kẽm, Đá Dừng

"Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng. Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi". Với người Quảng Nam, câu ca đã có từ rất lâu và ai cũng thuộc nằm lòng, như một sợi dây tình cảm nối liền miền đất tây Quế Sơn với biết bao người con quê hương xa xứ.

Là địa danh nổi tiếng của huyện Nông Sơn (Quảng Nam) với phong cảnh dân dã, trữ tình... lên chơi Hòn Kẽm, Đá Dừng bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến không gian hùng vĩ nơi thượng nguồn dòng Thu Bồn, mà còn để trải nghiệm một cách chân thực hơn về sự thích nghi kỳ lạ của con người với thiên nhiên vừa tàn khốc, vừa ưu ái...

Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn chảy qua làng Trung Phước, trước khi đổ về xuôi, qua biết bao bờ dâu biếc, lúa xanh, dòng sông dịu dàng ôm lấy ngôi làng nhỏ Đại Bường với bốn mùa cây trái sum sê.

Có nhiều cách đến Hòn Kẽm. Nếu đã đi thăm di tích Mỹ Sơn, có thể vượt đèo Phường Rạch khoảng 20 cây số qua Trung Phước. Hoặc từ quốc lộ 1A (thôn Hương An, xã Quế Phú, Quế Sơn), du khách theo đường bộ, lên dừng chân ở đèo Le thưởng thức món gà ta nổi tiếng, rồi lên Trung Phước, ngồi thuyền máy khoảng 2 giờ lên Hòn Kẽm, Đá Dừng. Có thể đi đường bộ lên thẳng bế đò Tí Bồi (xã Quế Lâm) rồi hẹn đò ở đó.

Phương tiện di chuyển ở nơi thượng nguồn Thu Bồn hóa ra không khó kiếm bởi có đến hàng chục bến đò và hàng trăm đò dọc đò ngang, nằm yên bình dưới tán tre, ven bãi cát…

Ở bến đò Tí Bồi, nếu khách đi thành đoàn phải đặt thuyền trước. Trước khi xuống thuyền, du khách có thể mua bòng - thứ trái cây bản địa to, ngon có hương vị đặt trưng không thua bưởi ở miền Nam, được trẻ em bán với giá rẻ như cho

Ngồi thuyền máy chừng khoảng 1 giờ là đến Hòn Kẽm, hai bên núi dựng thành lũy, cũng là nơi dòng sông Thu Bồn thắt lại nhỏ nhất trước khi đổ về xuôi.Núi đá ở đây có màu kẽm - rõ nhất khi ánh sáng rọi vào buổi chiều tà như nhuốm màu thời gian.

Qua những Khe Nghiêng, Đá Bàn, Đá Mài, Nước Mắt… du khách có thể ghé thăm khe Ban Hang, nơi tương truyền rằng người Chăm xưa chọn làm nơi thờ Phật, tấm bia cổ khắc nhiều chữ Phạn hiện đã chìm dưới lòng sông

Quay lui thuyền về hạ lưu, khoảng 2 giờ chạy thuyền là đến thôn Đại Bình (thuộc xã Quế Trung) - nơi được mệnh danh là Nam bộ giữa lòng Quảng Nam. Ở đây có đầy đủ các loại cây trái ngon của miền Nam và người dân quê vô cùng mến khách. Bạn sẽ tha hồ đi thăm vườn, hái trái, được chủ vườn đãi rượu sầu riêng…

Gần một ngày lênh đênh trên thuyền, làm khách của Hòn Kẽm im lặng ngàn năm, với sông nước phía đầu nguồn Thu Bồn bình yên sẽ là một chuyến đi chơi thú vị. Nhưng cũng nên biết rằng, nơi đó con người đã dũng cảm biết bao khi chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt vào mùa lũ. Những ngấn nước lưu lại dấu trên vách núi cao nói với chúng ta điều đó…

Cù Lao Chàm

Cát trắng bắt nắng trư­a vàng ư­ơm khi thuyền chúng tôi cập cầu tàu Bãi Làng (cù lao Chàm, Hội An Quảng Nam). Cả cù lao đỏ rực màu cờ. Hơn một vạn r­ưỡi du khách và ngư­ dân tụ hội tại đây, cùng dự lễ hội văn hóa - thể thao miền biển thị xã Hội An 1997. Trên một ngàn chiếc lớn nhỏ đậu san sát tại khắc các bãi Làng, bãi Ông, bãi Hương... Đa số họ là ngư­ dân các huyện Quảng Nam đến, một số từ Quảng Ngãi ra, để cùng hòa chung niềm vui ngày hội bắt đầu một mùa cá mới, cũng là ngày hội khơi gợi lại truyền thống lễ hội dân gian trên mảnh đất này.

    

Vừa đặt chân lên bờ, chúng tôi đã bị cuốn hút ngay vào những cuộc thi kéo co, thi đá bóng nam nữ ở bãi Ông và hội thi đan lưới ở bãi Làng... Chúng tôi bị kéo đi, bị đẩy đi, bụi hút vào hết cuộc vui này đến điểm tụ hội khác. Lễ khánh thành lăng tổ nghề yến ở bãi Hương trang nghiêm và náo nức. Người dự bỗng nghe lòng tràn một cảm xúc xót xa, nghĩ về những người treo thân trên vách đá treo leo, dám đổi cả sinh mạng để lấy cho được những tổ ấm cũng làm bằng máu của một loại chim biển. Lễ rước Long Chu. Những cụ già tóc bạc phơ trịnh trọng áo khăn, dẫn đầu đoàn rước xuống thuyền, tiếng trống vỗ t­ưng bừng đầu sóng. Lễ điều hành thuyền hoa về bãi Làng. Hơn hai m­ươi chiếc thuyền hoa lộng lẫy và trên năm trăm thuyền ngư­ dân cổ động cùng san sát ràn rạt rẽ nước b­ơi đi. Những chiếc thuyền hình rồng, hình cá tung tăng với sóng. Những đội thuyền đua không chịu thua thuyền máy, hăm hở bứt lên đảo vòng. Trống càng giục, sóng càng xô. Đoàn thuyền đi kéo theo sau đuôi lửa hoa đăng dập dềnh mặt biển .Ánh điện cùng soi với ráng chiều rực rỡ chói người. Tiếng máy tàu, tiếng nhạc dội vào vách đá ngân u. Bãi Làng đã sáng điện đón chờ, tiếng cư­ời reo át cả tiếng sóng đầu hôm nước ngang. Đoàn thuyền hoa lượt sát một vòng bãi Làng, rồi từ từ neo đậu trong âu thuyền cù lao. Nhạc hội được tiếp liền với những lời ca, điệu múa nao nức lòng người. Hội bả trạo của đội bả trạo xã Cẩm Thanh (Hội An), các tiết mục của đội văn nghệ thị xã và màn diễn của các nghệ nhân đoàn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã thu hút hơn một vạn người vây kín âu thuyền.

    

Chỉ vài tháng trước thôi, cù lao đón chúng tôi bằng cảnh đìu hiu cuối đông của một làng chài xơ xác. Còn bây giờ, sức mạnh lễ hội đã tạm xóa nhòa hết cả. Tiếng đàn ca của hội giao lư­u du khách và các nghệ sĩ vang vọng khắp bãi Ông. Đèn đuốc ngư­ dân soi sáng đỉnh cây vách bãi Hương dựng đứng. Đám thanh niên căng lều thức trắng gảy ghi ta cho đến tận bình minh. Rồi khi trống lại nổi lên, người người lại xúm xít dọc bãi ông, chen vai thích cánh theo dõi hội đua thuyền. Những ngư­ dân đen trũi rướn ngược người với sóng, b­ơi mạnh dầm chèo giành lấy tiếng hoan hô. Hội thi thuyền, thúng chao lắc ngả nghiêng, khéo léo như­ làm xiếc trong tiếng c­ười tán thưởng của du khách. D­ưới bến bãi làng, thuyền tham quan đảo yến cũng xuất phát, vượt sóng đ­ưa du khách đến với cảnh mây nước mênh mang, những vách đá cheo leo nhọn hoắt, nơi có những tổ yến vắt vẻo và những cánh chim yến ức bạc trắng màu sóng bạc đầu.

    

Cù lao qua lễ hội náo nức một sức mạnh mới, như­ con hổ ngủ quên bỗng vươn vai muốn thức dậy. Tiềm năng du lịch của Cù lao thật lớn với núi đá, biển xanh, những bãi cát mịn màng. Song cái thiếu của Cù lao cũng quá nhiều. Ngay một môi trường xanh và sạch cho Cù lao cũng chư­a có cách gì cải tạo. Du khách bư­ớc lên bãi Làng vẫn phải đối diện khung cảnh lụp xụp, lè tè của khu dân cư­. Đường sá giao thông giữa các bãi vẫn là đường núi cheo leo dốc đá. Với tầm quản lý của một thị xã như­ Hội An, tiến hành được một lần lễ hội đã là tự vượt xa chính mình lắm rồi. Còn việc tạo lập luôn cả đường tuyến du lịch thường xuyên cho du khách ra thăm đảo, có lẽ chỉ là ư­ớc mơ.

Mỹ Sơn xưa và nay

Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 70 km về phía Tây Nam, cách Trà Kiệu khoảng 10 km về phía Tây trong một thung lũng kín đáo.

Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của vương quốc Chămpa. Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vua thần Siva-Bhadresvara. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn.

Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ.

Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadresvara - là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ XX, 2 nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.

Tiền thân của quần thể kiến trúc Mỹ Sơn cổ kính này, theo căn bia để lại là một ngôi đền làm bằng gỗ để thờ thần Diva Bhadresvera. Nhưng đến khoảng cuối thế kỷ VI, một cơn hoả hoạn đã thiêu cháy ngôi đền gỗ. Bức màn lịch sử đã được các nhà khoa học vén dần lên thông qua những bia ký và lịch sử nhiều triều đại xưa cho ta thấy Mỹ Sơn là khu thánh địa quan trọng nhất của dân tộc Chăm suốt từ cuối tế kỷ IV đến thế kỷ XV. Bằng vật liệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Ðền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Mặc dù, thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy loàng của văn hoá kiến trúc Chămpa cũng như của Đông Nam Á.


Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử... động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.

Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách; mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII; phong cách Hoà Lai thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX; phong cách Ðông Dương từ giữa thế kỷ IX; phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Ðịnh; phong cách Bình Ðịnh... Trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện (1898) có tháp cao tới 24m, trong khu vực Tháp Chùa mà các sách khảo cổ, nghiên cứu về Mỹ Sơn có ký hiệu là tháp cổ Chămpa, có 2 cửa ra vào phía Ðông và phía Tây. Thân tháp cao, thanh tú với một hệ thống cột ốp. Xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp 2 tầng toả ra như cánh sen. Tầng trên, chóp đá sa thạch được chạm hình voi, sư tử, tầng dưới, mặt tường là hình những người cưỡi voi, hình các thiên nữ thuỷ quái. Năm 1969, những ngôi tháp giá trị này đã bị không lực Mỹ huỷ hoại trong chiến tranh.

Sau khi phát hiện ra khu tháp cổ Mỹ Sơn, nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó đặc biệt là những tượng vũ nữ, các thần linh thờ phụng của dân tộc Chăm, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng đã được đưa về thành phố Ðà Nẵng xây dựng thành bảo tàng kiến trúc Chămpa. Tuy không phải là nhiều, nhưng những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, nó có giá trị văn hoá của một dân tộc, là những chứng tích sống động, xác thực, lịch sử của một trong những dân tộc trong cộng đồng Việt Nam giàu truyền thống văn hoá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#longdj