Giới thiệu tác giả và tác phẩm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Minh Châu (20 tháng 10 năm 1930 - 23 tháng 1 năm 1989) là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới.

-Tiểu sử: Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930, quê ở làng Văn Thai, tên nôm là làng Thơi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Theo lời kể của vợ ông, bà Nguyễn Thị Doanh, tên khai sinh của Nguyễn Minh Châu là Nguyễn Thí. Chỉ tới khi đi học, bố mẹ mới đổi tên cho ông thành Minh Châu. Trong những ghi chép cuối cùng, Ngồi buồn viết mà chơi ông viết trong những ngày nằm viện ở Bệnh viện Quân y 108, Nguyễn Minh Châu tự nhận xét về mình: "Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ".

Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung. Tháng 1 năm 1950, ông học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ Tĩnh và sau đó gia nhập quân đội, học ở trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.

Nguyễn Minh Châu qua đời ngày 23 tháng 1 năm 1989 tại Hà Nội, thọ 59 tuổi.

-Sự nghiệp văn học: Năm 1960, Nguyễn Minh Châu viết truyện ngắn đầu tay Sau một buổi tập. Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài ba thập kỷ (1960-1989), khép lại với chuyện vừa Phiên chợ Giát viết năm 1989, ông để lại 13 tập văn xuôi và một tiểu luận phê bình. Các tác phẩm chính của ông là Cửa sông (tiểu thuyết, 1966), Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970),Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972), Miền cháy (tiểu thuyết, 1977), Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977) Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983),Bến quê (truyện ngắn, 1985), Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987), Cỏ lau (truyện vừa, 1989)...

-Các tác phẩm chính: 

Cửa sông (tiểu thuyết, 1966) Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970) Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972) Miền cháy (tiểu thuyết, 1977) Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977) Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982) Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983) Bến quê (truyện ngắn, 1985) Mảnh dất tình yêu (tiểu thuyết, 1987) Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ (1987) Cỏ lau (truyện vừa, 1989). Nguyễn Minh Châu toàn tập (NXB Văn Học, 2001)  

-Đánh giá : 

Lớn lên trong thời kì đất nước bị chia cắt, chiến tranh gây bao đau thương, phần nào mà hoàn cảnh hằn vào trong nhà văn, để từ đó ông viết lên những tác phẩm mang màu sắc hiện thực, Mỗi tác phẩm là một khía cạnh khác nhau, cả trong góc khuất nơi tâm hồn con người vẫn thường bị chôn kín đến những thực tại ngoài đời sống, Tất cả đều được ông đưa vào văn học, tạo ra một sắc mới cho văn xuôi cách mạng. Chủ đề trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu viết trong thời kỳ chiến tranh thường tập trung phản ánh và miêu tả chiến tranh, về phẩm chất yêu nước, tinh thần gan dạ của các chiến sĩ trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc ta như các cuốn tiểu thuyết Cửa sông, Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà, Mảnh trăng cuối rừng, … Sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã chuyển mình từ những trang viết về người lính mang đậm cảm hứng lãng mạn và sử thi sang hiện thực sang chủ nghĩa hiện thực như các tác phẩm Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa,… Ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đã đi đến từng tầng sâu thẳm trong tâm hồn con người, những cái đẹp cao cả của nhân tâm. Với những đóng góp của mình cho nên văn học Việt Nam, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu cho nền văn học hiện đại như lời của nhà văn Nguyễn Khải đã nói : “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc, bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này.” Nhà phê bình Nikolai Nikulin: "Niềm tin vào tính bất khả chiến bại của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ, anh (Nguyễn Minh Châu) đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng".

Nguyễn Minh Châu đã được nhận các giải thưởng cho sự cống hiến trong hoạt động văn học nghệ thuật: giải thưởng Bộ quốc phòng năm (1984 -1989) cho toàn bộ tác phẩm của ông viết về chiến tranh và người lính, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm (1988 – 1989) cho tập truyệnCỏ lau và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 cho cụm tác phẩm:Dấu chân người lính, Cửa sông, Cỏ lau, Người đàn bà trên chiến tàu tốc hành.

 Tiểu thuyết “Dấu chân người lính”

Cuốn tiểu thuyết được tác giả khởi thảo năm 1969, và ngay sau khi trích đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1970 đã “có tiếng vang và được nhiều người khen”. Tác phẩm đã được đánh giá cao “đánh dấu bước tiến mới của Nguyễn Minh Châu trong tiểu thuyết. Ở đây, cảm xúc của ông đã có thể theo kịp suy nghĩ để tạo nên một số hình tượng hấp dẫn về tư tưởng nghệ thuật”. Tác phẩm bao gồm 17 chương, chia ra thành 3 phần: phần 1 là Hành quân, phần 2 là Chiến dịch bao vây, phần 3 là Đất giải phóng. Tiểu thuyết Dấu chân người lính nhằm ghi lại những khoảnh khắc của cuộc chiến tranh tàn khốc cũng như khắc họa người lính cách mạng với hàng chục nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau, đến với quân đội từ những vùng miền, những hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ đều mang những phẩm chất chung là lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê chiến đấu và tâm hồn trong sáng. Đông đúc và sinh động nhất là thế hệ trẻ, thế hệ trưởng thành trong chế độ mới ưu việt. Đọc Dấu chân người lính, chúng ta có thể tìm về những giây phút sinh tử trong chiến tranh, tinh thần trách nhiệm và chiến đấu cao độ và những tình cảm đồng điệu của những trái tim yêu nước.

Với Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã cố gắng dựng lại không khí dữ dội của chiến tranh chống Mĩ từ những cuộc hành quân, chiến dịch bao vây , đánh lấn trên từng mét chiến hào, từng mỏm đồi cho đến khi kết thúc chiến dịch, vùng Khe Sanh- Tà Cơn được giải phóng. Ở cuộc chién đấu giằng co , dai dẳng và đầy thử rthách này, quá khứ, hiện tại cùng xen kẽ vào nhau để lí giải cội nguồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam , lí giải nguyên nhân sâu xa làm nên những chiến thắng trước cuộc đụng đầu lịch sử khốc liệt bậc nhất trên hành tinh ở thời điểm bấy giờ- ở cái thời điểm mà một nhà thơ phải ngỡ ngàng “ Việt Nam - người là ai mà trở thành nhân loại”.

 Với cốt truyện phát triển từ nhiều điểm nhìn, tác giả lần lượt miêu tả những nhân vật như Kinh, Lữ, Nhẫn, Lượng, Khuê, Cận, Nết, Xiêm,…xoay quanh chiến dịch tại mặt trận Khe Sanh. Khuê là một chiến sĩ cần vụ thông minh, khéo léo, nhạy bén, là cấp dưới của chính ủy Kinh, một cán bộ đầy lý tưởng, đầy hoạt bát, đức độ và tình cảm, luôn quan tâm đến cấp dưới của mình. Trong những ngày làm việc chung với chính ủy Kinh đã để lại trong lòng Khuê sự kính phục, yêu mến. Nhẫn là trung đoàn trưởng trung đoàn 5, là một con người thanh lịch nhưng nghiêm khắc, đó là biểu hiện trong tính cách của một cán bộ xuất thân tiểu tư sản đã được rèn luyện một cách khắc khổ. Anh là cấp trên của Lượng, đại đội trưởng đại đội trinh sát. Kinh, Khuê, Nhẫn, Lượng cùng làm việc với nhau, mỗi người mỗi tính nhưng có chung một điểm đó là những con người tràn trề nhiệt huyết, chiến đấu kiên cường và tin tưởng mãnh liệt vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Trên mỗi bước đường họ đi là biết bao kỉ niệm, bao câu chuyện cảm động về tình người, ở đó không những có tình anh em, tình đồng đội mà còn có cả tình yêu đôi lứa. Trên đường đi chiến đấu Lữ tình cờ gặp lại cha mình, chính ủy Kinh. Cuộc gặp gỡ trên đường hành quân ấy đã khiến cho Kinh không khỏi xúc động với bao cảm xúc chứa chan. Ông yêu con trai mình hơn ai hết và tin tưởng vào Lữ với tư thế của một người cha và một người đồng đội. Lữ - một chàng thanh niên bản tính nghệ sĩ nhưng đứng trước sự nghiệp kháng chiến vĩ đại ấy đã đốt hết sách vở, xếp bút nghiêng cầm súng ra chiến trường. Ban đầu, Lữ ra đi còn bỡ ngỡ với bao quyến luyến của tuổi trẻ nhưng qua nhiều lần gặp gỡ, chứng kiến những người bạn cùng trang lứa với mình hăng say chiến đấu, dũng cảm hy sinh Lữ đã dần dần trưởng thành. Tâm hồn anh vẫn mãi là tâm hồn của một người nghệ sĩ, thích làm thơ ca, hay đọc tiểu thuyết song anh vẫn ý thức được hoàn cảnh dân tộc lúc này đang cần những người con dũng cảm, hành động mạnh mẽ, lý tưởng vững vàng để chiến đấu. Chính vì thế, Lữ đã biến tinh thần của một con người trí thức lại để trở thành một người lính như thế. Lượng là lính trinh sát, với dáng vẻ cao lớn, cứng nhắc, vụng về và tính tình nghiêm nghị, công việc của anh là phải đi nhiều nơi tìm hiểu tình hình của địch. Trong những lần làm nhiệm vụ ấy, anh đã nảy sinh tình yêu với Xiêm- một phụ nữ Vân Kiều có chồng lại theo hàng ngũ của địch. Trong con người thật của anh luôn tồn tại một con người giàu tình cảm và một tâm hồn nhạy bén. Thế nhưng vì cuộc kháng chiến còn trường kỳ, và những trăn trở về bổn phận của một người bộ đội, tình yêu ấy chỉ dừng lại ở những dòng kỉ niệm trong hồi ức của Lượng. Lữ hy sinh trong một lần chiến đấu với địch, trước khi chết anh vẫn giữ trong tay chiếc đài truyền tin như một chiến sĩ thông tin vô tuyến chân chính. Chàng thanh niên ấy hy sinh mang theo mình một tình yêu đang ấp ủ với Hiền. Một giọt nước mắt lăn trên má người cha nhưng đổi lấy đằng sau đó là cả một nỗi đau đớn xé lòng của chính ủy Kinh với đứa con trai của mình. Phía trước vẫn còn là những ngày dài chiến đấu, bỏ qua những tình cảm riêng tư chỉ dám gói gọn trong lòng, ông vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ của một thủ trưởng kiên cường, là điểm tựa vững chắc cho những người lính khác. Sự thắng lợi của trung đoàn 5 khi bọn địch đã thất bại tại thung lũng Khe Sanh và hình ảnh của những người lính đang chuẩn bị bước vào những trận đánh mới, củng cố tinh thần để hướng đến những ngày dài trên trận địa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro