Đầu tư quốc tế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.Những vấn đề cơ bản về đầu tư quốc tế

1.1.Khái niệm và đặc điểm đầu tư quốc tế

 Khái niệm:

Đầu tư quốc tế là một quá trình trong đó có sự di chuyển vốn từ quốc gia này sang quốc gia khác để thực hiện các dự án đầu tư nhằm đưa lại lợi ích cho các bên tham gia.

Về bản chất kinh tế, đầu tư quốc tế chính là hoạt động xuất nhập vốn.

Đầu tư quốc tế là một tất yếu khách quan do sự khác nhau về nhu cầu và khả năng tích lũy vốn của các quốc gia, do việc tím nơi kinh doanh có lợi của các doanh nghiệp, do viêc gặp gỡ lợi ích giữa các bên, do việc tránh các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng như do các nguyên nhân chính trị và kinh tế xã hội khác.

Đầu tư quốc tế đưa đến những tác động tích cực khác nhau đối với bên đi đầu tư và bên nhận đầu tư, đồng thời có thể đưa lại cả tác động tiêu cực. Điều đó phụ thuộc nhiều vào những yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, trước hết là phụ thuộc vào chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và trình độ tổ chức, quản lý của cán bộ.

Đầu tư nước ngoài ở các nhóm nước có sự khác nhau về qui mô, về cơ cấu, về chính sách cũng như đưa đến những tác động khác nhau. Việc nghiên cứu đặc điểm cơ bản của đầu tư quốc tế hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với một quốc gia.

 Đặc điểm của đầu tư quốc tế:

Đầu tư quốc tế mang đặc điểm của đầu tư nói chung, đó là tính sinh lãi và tính rủi ro cao. Chủ sở hữu đầu tư là người nước ngoài và các yếu tố đầu tư di chuyển ra khỏi biên giới.

1.2.Nguyên nhân hình thành và phát triển đầu tư quốc tế trên thế giới

Trong thực tế, đầu tư quốc tế được thực hiện với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể tổng kết một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, do sự mất cân đối về các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia nên có sự chênh lệch về giá cả các yếu tố, đầu tư quốc tế được thực hiện nhằm đạt được lợi ích từ sự chênh lệch đó.

Thứ hai, do sự gặp gỡ về lợi ích của các bên tham gia, cụ thể là:

Đối với các bên có vốn đầu tư: Cần tìm nơi đầu tư có lợi, cần tránh hàng rào bảo hộ mậu dịch cũng như sự kiểm soát hải quan trong buôn bán quốc tế, cần khuếch trương thị trường, uy tín, tăng cường vị thế và mở rộng quy mô kinh doanh.

Đối với bên tiếp nhận vốn đầu tư: Do thiếu vốn tích lũy, do nhu cầu tăng trưởng nhanh, nhu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ và tiếp nhận kinh nghiệm quản lý tiên tiến để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên và tạo việc làm cho lao động trong nước, đầu tư quốc tế được thực hiện để đáp ứng các nhu cầu đó. Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển, thực hiện tiếp nhận đầu tư quốc tế còn nhằm mục đích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp và khu công nghiệp cao, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa đất nước.

Thứ ba, trong nhiều trường hợp, đầu tư quốc tế nhằm giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt như xây dựng các công trình có quy mô vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia, đòi hỏi ohải có sự phối hợp của nhiều quốc gia.

1.3.Các hình thức đầu tư quốc tế 

 Hình thức đầu tư trực tiếp (FDI):  là hoạt động đầu tư dài hạn trong đó chủ đầu tư trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn. Đây dòng vốn có tính ổn định cao, thời gian đầu tư thường dài, do chủ đầu tư trực tiếp quản lý.

 Hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài: là loại hình di chuyển vốn giữa các quốc gia, trong đó người chủ sở hữu vốn không trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động sử dụng vốn. Nó phụ thuộc vào trình độ quản lý và tổ chức kinh doanh của bên nhận đầu tư, hiệu quả đầu tư thường không cao.

 Hình thức tín dụng thương mại quốc tế: là hình thức đầu tư quốc tế thông qua hình thức đi vay và cho vay với lãi suất thị trường giữa hai chủ thể khác quốc gia.

 Hình thức hỗ trợ phát triển chính thức ODA: là hoạt động hợp tác phát triển giữa nhà nước hoặc chính phủ một nước với các chính phủ nước ngoài, các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia.

2.Những xu hướng chủ yếu trong đầu tư quốc tế

2.1.Xu hướng tự do hóa đầu tư ngày càng phát triển

 Khái niệm: 

Tự do hóa đầu tư là những biện pháp nhằm cắt giảm hay loại bỏ các rào cản có tính cản trở hoạt động đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác để tạo nên một môi trường đầu tư có tính cạnh tranh và bình đẳng hơn, tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho việc di chuyển các nguồn vốn đầu tư giữa các quốc gia.

 Xu hướng tự do hóa đầu tư diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới

Trong quý I/2010, có tới 62 nền kinh tế trên thế giới đã triển khai các biện pháp mới tác động đến khuôn khổ chính sách đầu tư của nước ngoài và 73 nền kinh tế thực hiện những biện pháp đầu tư quốc tế, tiếp tục xu hướng ký kết nhanh các hiệp định mới về đầu tư. Trong 5 tháng đầu năm 2010, khoảng 37 hiệp định như trên đã được ký kết.

Báo cáo giám sát đầu tư của UNCTAD cho biết khoảng 28 nền kinh tế đã thông qua những biện pháp chuyên về đầu tư nhằm tự do hóa, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu vực kinh tế từ lâu vẫn đóng kín. Cụ thể là Australia và Canada đã tự do hóa dịch vụ vận tải hàng không; Ấn Độ tự do hóa dịch vụ truyền hình trên mạng điện thoại di động; Malaysia, Syria, Cameroon tự do hóa dịch vụ ngân hàng hoặc sở hữu nhà ở; 9 nền kinh tế, trong đó có Nga, Mexico, Libya, Peru, đã triển khai các chính sách đầu tư nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài như thiết lập các khu kinh tế tự do, khuyến khích những dự án năng lượng tái sinh. 

Bên cạnh đó, các nước còn áp dụng 10 biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, ví dụ như Nam Phi đã loại bỏ mọi hạn chế đối với việc chuyển dịch vốn nội địa và ra nước ngoài. Một số nước như Thái Lan, Nam Phi, Madagascar…đã thực hiện các biện pháp ưu đãi ngoại hối, nới lỏng các điều kiện đầu tư để khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, UNCTAD cũng nhấn mạnh những thách thức tiềm tàng đối với đầu tư nước ngoài bao gồm sở hữu nhà nước, việc tăng cường kiểm soát các công ty trong thời kỳ khủng hoảng tiếp tục tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài; sự thất bại của chính sách thương mại cũng đã tác động đến hệ thống sản xuất trên quy mô toàn cầu của các công ty xuyên quốc gia và dây chuyền giá trị toàn cầu của các công ty này.

2.2.M & A sẽ vẫn phát triển mạnh mẽ trong những năm tới

 Khái niệm:

M & A được viết tắt bởi hai từ tiếng Anh là Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Điều 17, Luật Cạnh tranh quy định việc sáp nhập doanh nghiệp là “việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập”, còn “mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

 Xu hướng M&A sẽ vẫn phát triển mạnh mẽ:

Mua bán sáp nhập giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với thị trường tại nước muốn đầu tư. Đó là bởi vì người dân đã quen thương hiệu, doanh nghiệp nội địa hiểu được văn hóa mua sắm, ứng xử của ngừoi dân bản địa…

Sáp nhập đang là một hình thức hợp tác đang đc các TNC ưa thích hiện nay. Trong lịch sử phát triển của nền kinh tế thế giới, nhiều lần các công ty đã phải liên doanh, hợp nhất với nhau để tăng sức cạnh tranh của mình. So với những lần sáp nhập trước đây,làn sóng sáp nhập lần này có những đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, làn sóng sáp nhập lần này diễn ra rất sôi động trên khắp thế giới, từ các nước công nghiệp phát triển tới các nước đang phát triển và ko tuần nào đi qua mà các phương tiện thông tin đại chúng lại ko nói đến các cuộc “kết hôn” giữa các công ty lớn, sáp nhập để ra các công ty khổng lồ.

Thứ hai, làn sóng sáp nhập hầu như đụng đến tất cả các ngành, bao gồm các ngành công nghệ cao và ngành côngnghệ truyền thống, ngành chế tạo và cả ngành dịch vụ. 

Thứ ba, sự sáp nhập các công ty lớn với kim ngạch sáp nhập tới mấy chục tỷ đô la, thậm chí mấy trăm tỷ đô la.

Thứ tư,các dịch vụ mua bán và sáp nhập công ty, xí nghiệp phần lớn diễn ra trong nội bộ cùng một ngành hoặc giữa các xí nghiệp của ngành gần giống nhau. Hợp nhất chỉ diễn ra giữa các quốc gia của các châu lục.

Thứ năm, sáp nhập công ty để hình thành các công ty khổng lồ có mặt trên khắp cá châu lục, chiếm thị phần quan trọng trên thị trường thế giới, hoạt động trên nhiều lĩnh vực hơn và hơn hết, cơ cấu có hiệu quả và đc vi tính hóa cao độ hơn.

Xét về mặt lý thuyết, các nhà kinh tế cho rằng mục đích của việc sáp nhập là làm tăng khả năng cạnh tranh của công ty thông qua cắt giảm cán bộ hành chính, mở rộng cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và mở rộng thị trường nhằm tăng thị phần của các công ty tham gia. Trên thực tế, khả năng thực hiện được mục đích trên là có, nhưng trong đa số các trương hợp, nó bị hạn chế và do đó làm giảm hiệu quả của việc sáp nhập. Sau khi xem xét nhiều vụ sáp nhập, các nhà nghiên cứu cho rằng đa số các công ty khi sáp nhập chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính “triệt để”, còn các nghĩa vụ khác như điều chỉnh tác phong làm việc, cải tổ cơ cấu và hệ thống quản lý thì kém nhiệt tình hơn nhiều. Điều này được thể hiện rõ khi các công ty sáp nhập có tác phong làm việc trái ngược nhau, hệ thống quản lý bằng máy tính không đồng bộ, đặc biệt khi có một vài người lãnh đạo đó kị nhau trong công việc. Trong những trường hợp như thế, quá trình sáp nhập thường kéo dài, tốn kém và do đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và kinh doanh của công ty.

Một nhận xét nữa có thể rút ra từ thực tiễn nghiên cứu là các công ty được thành lập từ việc sáp nhập là siêu độc quyền, do đó về bản chất chúng cũng là độc quyền, nên chúng có thể đặt giá cao hơn cho các sản phẩm của mình sao cho thu được lợi nhuận lớn hơn và từ đó ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng. Thực tiễn từ một vài vụ sáp nhập cho thấy, giá các sản phẩm của một trong những công ty sáp nhập thường cao hơn ở những nơi không có mạng lưới phân phối của các công ty còn lại. Trong trường hợp như vậy, theo quan điểm về cạnh tranh, vụ sáp nhập trên đã ảnh hưởng tới cạnh tranh và do vậy nó không được phép tồn tại nữa. Từ đó có ý kiến cho rằng, sự hình thành các công ty xuyên quốc gia lớn mới có thể đưa đến sự lũng đoạn trên nhiều mặt: kinh tế, thương mại, chính trị…làm cho mọt số công ty lớn có khả năng thao túng các hoạt động trên phạm vi toàn cầu, làm lu mờ vai trò của nhà nước ở các nước đang phát triển hoặc bóp nghẹt các nền kinh tế phát triển sau.

Hiện tại, một số công ty đã đạt đến quy mô khổng lồ, doanh số cao hơn GNP của nhiều nước phát triển, như General Motors có doanh số cao hơn Đan Mạch và Esson có doanh số cao hơn Nauy. Tổng nguồn thu nhập tài chính của các công ty này thường cao hơn thu nhập ngân sách của một quốc gia, kể cả nước phát triển nhất, đặc biệt cao hơn dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương của phần lớn các nước lớn. 

Tuy có nhiều đánh giá khác nhau về tác động của việc sáp nhập các công ty, nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các công ty lớn. Trong một số ngành, các công ty lớn đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hoàn thiện quản lý. Tại Mỹ, điều đó thể hiện rõ nhất trong ngành chế biến dầu. Công suất của các nhà máy chế biến dầu đã tăng mạnh, vả lại các ngành công nghệ cao hiện nay, sự phát triển của chúng luôn đòi hỏi một cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của mỗi công ty hoặc mỗi tập đoàn. Trong những trường hợp đó, hợp nhất giữa các công ty là không thể tránh khỏi. Microsoft là công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp máy tính, nhưng nó vẫn phải liên kết với Intel, nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, để sản xuất máy tính cá nhân. Không chỉ có Microsoft, nhiều công ty khác trong ngành đã phải liên kết với nhau trong quá trình tạo ra sản phẩm như IBM, Cisco, System… Không dừng lại ở đó, các công ty máy tính luôn mở rộng quy mô của mình thông qua việc sáp nhập. Mặc dù đã là một nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, Compact đã mua Digital Equipment Co (DEC). DEC đang gặp khó khăn trong sản xuất, nhưng Compact mua DEC vì ưu thế của nó trong việc tổ chức hoạt động dịch vụ và các mối quan hệ tốt với khách hàng. Điều đáng nói ở đây là sau khi sáp nhập,doanh thu của hai công ty đều tăng lên.

Ngày nay, thị phần không phải là một tiêu chí quan trọng để xác định xem một thị trường có tính cạnh tranh hay không, các nhà kinh doanh thường xem xét việc sáp nhập có tạo điều kiện cho các công ty tham gia tăng giá sản phẩm của họ hay không. Nếu có khả năng đó, việc sáp nhập sẽ không được phép thực hiện. Nhờ có hệ thống quản lý bằng máy tính điện tử ở cấp ngành và cấp nhà nước mà việc xác định xem các công ty có khả năng nói trên không có khả năng thực hiện được dễ dàng. Trên cơ sở đó có thể nói rằng, công nghệ hiện đại đã giúp các nhà nghiên cứu ngăn cản những vụ sáp nhập không vì mục đích tăng cường cạnh tranh.

Đặc điểm hướng tới cạnh tranh của các công ty khổng lồ được hình thành thông qua sáp nhập ở các nước phát triển hiện nay có xu hướng trở thành cơ sở để các nhà lập chính sách xem lại các chính sách chống độc quyền của mình sao cho phù hợp với tình hình mới. Độc quyền ngày nay là động lực thúc đấy cạnh tranh. Nếu như trước đây, các nước công nghiệp phát triển vẫn thực hiện một số luật hạn chế độc quyền nào đó, thì ngày nay chẳng những luật đó có sự nới lỏng, mà chính phủ còn khuyến khích và giúp đỡ việc sáp nhập các công ty lớn. Xuất phát điểm của nó là nhắm tăng cường tính cạnh tranh của các công ty lớn trong nước trên thị trường thế giới thông qua việc sáp nhập. Nhờ có lợi thế về quy mô, sự tồn tại của các công ty này đã được chấp nhận và ngày càng phát triển. Sự liên kết giữa các công ty ngày nay không chỉ diễn ra trong một ngàng, mà giữa các ngành với nhau. Vì vậy, chúng rất linh hoạt, dễ hình thành và cũng rất dễ tan vỡ. Thế nưng, tính linh hoạt này lại phù hợp với cuộc cạnh tranh gay gắt đang diễn ra trên quy mô toàn cầu hiện nay.

Những phân tích trên cho thấy rõ các TNC là chủ thể hành vi trong hoạt động kinh tế quốc tế hiện nay. Năm 1971, tỷ trọng của các TNC trong công nghiệp thế giới là 23%, năm 1980 tăng lên 28%; đến thập niên 1990 đã vượt quá 30%. Phân công lao động quốc tế hiện nay rất phát triển, trên thực tế là biểu hiện của phân công bên trong cã TNC. Hoạt động kinh tế quốc tế đương đại về cơ bản là do các TNC tiến hành. Hiện nay, thương mại bên trong công ty xuyên quốc gia và thương mại giữa các TNC với nhau chiếm khoảng 2/3 thương mại thế giới; trên 4/5 đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên thế giới là do TNC tiến hành; trên 9/10 thành quả nghiên cứu triển khai kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật trên thế giới nằm trong tay các TNC. Mỗi công ty xuyên quốc gia cỡ lớn đều tạo ra một mạng lưới kinh doanh lấy công ty mẹ làm trung tâm, mở rộng ra toàn cầu. Hàng trăm, hàng ngàn mạng lưới như vậy dan lại thành mạng lưới kinh tế toàn cầu khổng lồ, bao trùm tất cả, phủ lên tất cả các khu vực, các nước khắp toàn cầu.

2.3.Có sự thay đổi về dòng vốn đầu tư quốc tế

2.3.1.Sự thay đổi về dòng vốn đầu tư quốc tế

Xét trên góc độ khu vực, dòng vốn FDI trên thế giới có xu hướng dịch chuyển từ các nước công nghiệp phát triển sang các thị trường mới nổi, đặc biệt là những nước ở châu Á và Đông Nam châu Âu. Dòng vốn FDI vào khu vực Mỹ Latinh sẽ tiếp tục phục hồi trong khi dòng vốn này vào châu Phi được dự đoán sẽ tăng lên. Cụ thể:

FDI thế giới 1999-2006

Tại báo cáo Global Investment Trends Monitor phát hành vừa qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã công bố: FDI toàn cầu tăng 17% trong năm 2011. 

Cụ thể, UNCTAD cho biết FDI toàn cầu đã tăng lên 1.510 tỷ USD năm 2011 từ 1.290 tỷ USD năm 2010, với các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi đạt kỷ lục 755 tỷ USD, chiếm hơn một nửa dòng vốn FDI của thế giới.

Thực tế rất nhiều nước có những chính sách khác nhau khi thu hút FDI, có nước cởi mở thu hút; có nước lại chọn lọc dự án; có nước lại không chống lại được xu thế M&A (mua bán sáp nhập - một hình thức FDI ngược). Thực tế bức tranh FDI cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi dòng vốn FDI ở khu vực Đông, Đông Nam và Nam Á chỉ tăng 11,4% trong năm 2011, chậm hơn so với tăng trưởng 17,8% trong năm trước đó.

Sự dịch chuyển những luồng vốn FDI cũng đang được các tổ chức/ định chế tài chính quan sát kỹ lưỡng. Theo UNCTAD, FDI tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi giờ đây chuyển sang châu Mỹ Latinh và vùng Caribe với mức tăng trưởng đạt 34,6% năm 2011 so với 21,1% trong năm 2010 và sang các nền kinh tế chuyển đổi (khu vực Đông Nam châu Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập), tăng lên 30,6% năm 2011 từ 0,8% năm 2010.

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn còn hấp dẫn khi ASEAN đang nổi lên kế bước khu vực Đông Á đón nhận luồng vốn FDI. Báo cáo cho biết, dòng vốn FDI của khu vực Đông Nam Á tăng 16%, với Indonesia, Malaysia và Thái Lan -những quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh được coi là tín hiệu đáng mừng...Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, môi trường chính sách đang ngày càng được cải thiện cùng với những cam kết chiến lược của các TNC đối với khu vực là những nhân tố thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào khu vực này trong những năm tới.

Trong số các nước châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ được coi là những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực, tiếp theo sau là Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Xingapo.

2.3.2.Khu vực châu Á – Thái Bình Dương hấp dẫn FDI nhất thế giới

 Lợi thế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khiến đây là khu vực hấp dẫn FDI nhất thế giới

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là khu vực có dân số đông nhất thế giới, mà còn là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động nhất, tập trung nhiều của cải nhất và cũng là nơi tồn tại nhiều “điểm nóng” của thế giới.

Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Hơn thế, châu Á trong vài thập kỷ qua còn được nhắc tới như một khu vực phát triển năng động nhất của thế giới với sự xuất hiện của các cường quốc tiềm tàng như Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo dự báo của các nhà phân tích, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á -Thái Bình Dương sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2012 do một số nhân tố bất lợi tiếp tục tác động đến các nền kinh tế khu vực. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ có những tác động nhất định đến nhiều nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Mặc dù vậy, châu Á -Thái Bình Dương sẽ vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Gerard Lyons thuộc Ngân hàng Standard Chartered, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống trong những tháng đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm.

Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) dự báo, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này sẽ giảm từ 7,2% năm 2011 xuống còn 6,6% năm 2012. Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm từ 9,3% năm 2011 xuống còn 8,5% năm 2012, trong khi kinh tế Ấn Độ và Indonesia lần lượt tăng trưởng 7,8% và 6,5% năm 2012. Trong vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỉ USD, Trung Quốc thực sự là "nhà đầu tư" triển vọng để châu Âu hiện thực hóa các giải pháp đối phó với vấn đề nợ công.

 Tình tình của dòng vốn FDI vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Vào những năm cuối thế kỷ XX, khi Châu Á tiêu điều sau cuộc khủng hoảng tiền tệ - không ít người hồ nghi với nhận định thế kỷ XXI sẽ là thời của châu lục này. 

Thế nhưng, giữa lúc các nước phương Tây đang vất vả để thoát khỏi cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ công, Châu Á đã khẳng định như một điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới nhờ khả năng phục hồi thuyết phục.

Mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực phải chật vật chống chọi với lạm phát như một trận chiến mới, nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình ước đạt 7% trong năm qua, Châu Á thực sự trở thành một trụ cột mới trong cấu trúc kinh tế toàn cầu, giúp thế giới trụ vững trong cơn chao đảo. 

Khả năng xuất khẩu và nhu cầu nội địa lớn, là quê hương của những cường quốc tiềm tàng như Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN…, tuyên bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng Châu Á sẽ tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm tới bất chấp những rủi ro như phát triển nóng, bất ổn Trung Đông, tác động của siêu động đất và sóng thần tại Nhật Bản là dự báo không hề ưu ái hay mang tính chủ quan. Tăng thêm màu sắc cho bức tranh tươi sáng đó, bản báo cáo "Chỉ số tín nhiệm đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2011" cho thấy một số nước trong khu vực đã lọt vào top 10 nước có chỉ số tín nhiệm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất năm qua, khẳng định thực tế Châu Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự chuyển dịch FDI từ Tây sang Đông, từ các nước công nghiệp sang các nền kinh tế nhiều tiềm năng không chỉ thể hiện một sự đổi thay ngoạn mục về mô hình đầu tư mà còn phản ánh vị thế của Châu Á trong sân chơi kinh tế toàn cầu.

Theo kết quả điều tra kể trên của UNCTAD, dòng vốn FDI vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. 

Châu Á - Thái Bình Dương đang ở vị trí trung tâm trên vũ đài chính trị, kinh tế thế giới đang trong hành trình của một trụ cột mới cho những phát triển quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ XXI.

2.4.Có sự thay đổi về các chủ đầu tư

Có sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa các chủ đầu tư hoặc nói cách khác có sự thay đổi vị trí của các chủ đầu tư

Cuối thế kỷ XIX đến trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước đầu tư lớn nhất trên thế giới là Anh và một số nước tư bản khác như Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha. 

Tuy nhiên, đến giữa 2 cuộc Chiến tranh thế giới (1917 - 1945) thì nước đầu tư không chỉ là các nước tư bản châu Âu mà bắt đầu có sự tham gia đáng kể của Nhật và Mỹ.

Giai đoạn sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến cuối thập kỷ 50, chương trình phục hồi kinh tế châu Âu và Nhật Bản của Mỹ đã thúc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của nước này.

Đến những năm 50 và 60, Mỹ dẫn đầu thế giới về đầu tư ra nước ngoài, sau đó đến Anh và Pháp.

Cuối những năm 60 và đầu 70: Mỹ vẫn là nước đầu tư lớn nhất. Nhật Bản và Đức vượt qua Anh, Pháp.

Từ cuối những năm 70 đến nay: Mỹ vẫn là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, đứng thứ 2 là Nhật Bản, sau đó là Anh, Đức.

2.5.Có sự thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực đầu tư

Vào những năm 60 trở về trước, đầu tư quốc tế tập trung vào các lĩnh vực truyền thống: khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông nghiệp bằng cách đầu tư vào đồn điền và chế biến nông sản.

Từ những năm 70 đến nay, lĩnh vực đầu tư có sự thay đổi: giảm tương đối đầu tư vào các ngành thuộc kết cấu hạ tầng (xây dựng cơ sở hạ tầng) và kinh tế nông trại. 

Thay vào đó, đầu tư vào khai thác dầu khí và một số khoáng sản như uranium, titan, platin...tăng lên, đặc biệt là đầu tư vào khai thác dầu khí. Lý do dầu mỏ có sức thu hút mạnh mẽ. Đồng thời, đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo, đầu tư vào các ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, vận tải, viễn thông và đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, tin học và sinh học tăng lên.

3.Đầu tư quốc tế tại Việt Nam

3.1.Thực tiễn xu hướng tự do hóa hoạt động đầu tư tại Việt Nam hiện nay

3.1.1.Các chính sách và biện pháp thực hiện tự do hóa đầu tư tại Việt Nam

 Mở rộng danh mục các lĩnh vực ngành nghề mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư:

Hiện nay, danh mục các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư và được phép đầu tư có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Chi tiết, đối với danh mục các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư (tháng 9 năm 2006), có tất cả 8 lĩnh vực với 52 nhóm ngành nghề. Đối với danh mục các lĩnh vực được phép đầu tư có điều kiện áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài, có tất cả 16 nhóm ngành nghề. Điều này cho thấy, Việt Nam đang dần mở cửa thị trường đầu tư, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước.

Kí kết và cam kết thực hiện theo lộ trình các hiệp định song phương và đa phương về tự do hóa thương mại và đầu tư là điều kiện cần thiết để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập vào nhiều tổ chức kinh tế khu vực – liên khu vực, cũng như các tổ chức kinh tế thế giới khác và đã kí kết, đồng thời từng bước thực hiện nhiều hiệp định quan trọng về tự do hóa thương mại, tự do hóa đầu tư. Dưới đây là một số hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam đã kí kết: •Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN

Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN được kí kết tháng 10/1998 giữa các nước thành viên ASEAN nhằm mục đích tạo ra đầu tư lớn hơn từ các nước ASEAN và các nước ngoài ASEAN. Hiệp định đã thỏa thuận về các mục tiêu tự do hóa đầu tư trong khu vực: chế độ đối xử quốc gia được dành cho các nhà đầu tư ASEAN vào năm 2010, và cho tất cả các nhà đầu tư vào năm 2020; tất cả các ngành nghề được mở cửa cho các nhà đầu tư ASEAN vào năm 2010 và cho tất cả các nhà đầu tư vào năm 2020; có lưu chuyển tự do hơn về vốn, lao động lành nghề và chuyên gia, và công nghệ giữa các quốc gia thành viên.

•Hiệp định đầu tư ASEAN – Trung Quốc và Hiệp định đầu tư ASEAN – Hàn Quốc

Hiệp định đầu tư ASEAN – Trung Quốc và hiệp định đầu tư ASEAN – Hàn Quốc được kí kết năm 2009. Hiệp định là bước tiến mới trong quan hệ kinh tế song phương, giúp mở rộng thương mại và đầu tư giữa hai bên và góp phần tăng cường các quan hệ về kinh tế. Nỗ lực thuận lợi hóa và bảo vệ đầu tư sẽ giúp tăng cường hoạt động sản xuất, xuất khẩu và khối lượng hàng hóa sản phẩm giữa hai bên, dẫn đến việc gia tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ xanh cũng như hoạt động tái đầu tư có lợi nhuận. ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc cũng ủng hộ kế hoạch gia tăng nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nhà đầu tư hai bên vào thị trường của nhau, thúc đẩy và bảo vệ vốn đầu tư của các bên ký hiệp định, đối xử công bằng và không phân biệt đối với các nhà đầu tư, bồi thường trong một số trường hợp và giải quyết tranh chấp theo quy định chung của nhà nước.

•Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP)

Ngày 01/4/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã thay mặt Chính phủ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản trước sự chứng kiến của Đại Sứ Nhật Bản và đại diện sứ quán của các nước ASEAN tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành hữu quan. Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Nhật Bản và một số nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) vào ngày 01 tháng 12 năm 2008. 

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) là hiệp định toàn diện, chứa đựng các quy tắc căn bản về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và các hoạt động hợp tác kinh tế khác. Cùng với dòng đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản tại Việt Nam đang ngày một gia tăng, việc giảm thuế trong các nhóm hàng nguyên vật liệu, thiết bị sẽ là động lực quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

•Các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ

Các cam kết này có nội dung là những thỏa thuận của Việt Nam về việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực quan trọng như:

- Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính

- Cam kết mở cửa thị trường các dịch vụ kinh doanh

- Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ chuyển phát và viễn thông

- Cam kết chung về dịch vụ của Việt Nam trong WTO

Như vậy, theo các cam kết trên đây, Việt Nam sẽ từng bước thực hiện mở cửa theo lộ trình các lĩnh vực, các nhóm ngành nghề, tạo ra môi trường đầu tư tự do và dễ dàng để thu hút đầu tư của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

3.2.Xu hướng M & A ở Việt Nam:

Xu hướng M&A tại Việt Nam đã tăng cao trong thời gian qua, góp phần vào việc thu hút vốn đầu tư FDI. Nguyên nhân M&A phát triển là do:

Một là, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải sắp xếp lại và sáp nhập để tồn tại và phát triển.

Hai là, môi trường pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng  trở nên thông thoáng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ba là, những nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó hoạt động M&A sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Bốn là sự nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn của các tổ chức trung gian hỗ trợ nghiệp vụ này như các ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán.

Năm là, khu vực Đông Nam Á đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ sự phát triển kinh tế ấn tượng và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhiều vốn nhìn thấy các cơ hội đầu tư ra nước ngoài thông qua hoạt động M&A. Sự gia tăng về số lượng và giá trị giao dịch M&A trong những năm gần đây cho thấy thị trường M&A ở Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các doanh nghiệp đang nắm giữ những lợi thế và nguồn lực kinh doanh cũng là cơ sở để phát triển hoạt động M&A. Nguyên nhận là do khá nhiều hoạt động M&A thời gian qua liên quan đến việc mua lại cổ phần của DNNN cổ phần  hóa.  Ngoài ra, theo công bố của SCIC, năm 2011, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại 281 doanh nghiệp trong số 538 doanh nghiệp thuộc danh mục mà đơn vị này đại diện vốn nhà nước. Đây được xem là một trong những nguồn cổ phần lớn và tiềm năng cho hoạt động M&A trên thị trường chứng khoán năm 2011 trở nên sôi động.

Một nghiên cứu mới đây của Grant Thornton (thành viên của EuroCham), có 17% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi cho biết, họ sẽ định hướng các kế hoạch tăng trưởng trong 3 năm tiếp theo vào thị trường M&A. Có tới 20% các doanh nghiệp cho rằng, sẽ có sự thay đổi trong mối quan hệ sở hữu ở doanh nghiệp của họ, gần gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của thế giới là 11%. Theo dự báo của các chuyên gia nhận định thị trường, hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh.

M&A sẽ diễn ra ở nhiều ngành, nhưng ngành sản xuất sẽ sôi động nhất. Thứ hai là lĩnh vực ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Thứ ba là lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh. Thực tế trong các năm qua, các ngành công nghiệp, năng lượng, tài chính, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng này chiếm tới 2/3 số vụ M&A.

Lĩnh vực tài chính- ngân hàng Việt Nam được xem là tiềm năng và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vì thực tế cơ hội để thâm nhập vào lĩnh vực này nhằm cung cấp dịch vụ bán lẻ cho khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn rất lớn. Cũng theo dự báo của một số chuyên gia, việc mua lại một phần vốn giữa các ngân hàng trong năm 2011 và vài năm tới vẫn sẽ phát triển nhanh chóng, đặc biệt áp lực tăng vốn điều lệ theo lộ trình quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ–CP đang ngày một gia tăng. Có thể đó chưa hẳn là thách thức với các ngân hàng đã có cổ đông lớn hoặc nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, song lại là khó khăn không nhỏ cho các ngân hàng quy mô còn khiêm tốn. Thêm vào đó, theo lộ trình dự kiến đến từ năm 2011 – 2015, vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ phải nâng lên từ 5.000 – 10.000 tỷ đồng, trong khi đó, dự thảo luật các tổ chức tín dụng vừa được trình Quốc hội xem xét lại có những hạn chế nhất định đối với tỷ lệ góp vốn của các cá nhân, tổ chức trong một ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là khó khăn không nhỏ cho các ngân hàng trong việc gọi vốn tăng thêm vốn điều lệ.

M&A trong khu vực kết cấu hạ tầng được kỳ vọng sẽ có bước tiến trong giai đoạn 2011 – 2015, bởi yêu cầu cấp thiết của Việt Nam về vốn đầu tư cho sản xuất năng lượng, cầu, đường, sân bay và các dự án cảng, với tổng mức đầu tư yêu cầu vào khoảng 160 tỷ USD cho 5 – 10 năm tới.

Trong lĩnh vực chứng khoán, M&A mở ra nhiều cơ hội cho các công ty chứng khoán trong giai đoạn khó khăn của thị trường chứng khoán hiện nay.

Xu hướng M&A các dự án bất động sản cũng sẽ rất sôi động trong năm 2011. Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư mà không muốn mất nhiều thời gian để thiết lập bộ máy, cũng như đi xin dự án đã chủ động tiến hành M&A với các doanh nghiệp bất động sản trong nước.Tuy nhiên, các giao dịch này thường diễn ra âm thầm mang tính nội bộ. Số thương vụ thực hiện thành công vẫn chưa nhiều, vì trên thực tế còn nhiều khoảng cách trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là đối với các thương vụ mà đối tác là doanh nghiệp nước ngoài.

3.3.FDI vào Việt Nam: Xu hướng đầu tư đã đổi

Những con số đáng chú ý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 10 năm qua có thể kể đến trên 124 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới thuộc gần 8,5 nghìn dự án; vốn thực hiện đạt gần 48 tỷ USD; đầu tư từ khu vực FDI chiếm khoảng 25-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn trên 25%, có năm đến 56%; giải quyết cho 1,7 triệu lao động trực tiếp; nộp ngân sách đạt gần 2,5 tỷ USD năm 2009…

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đóng góp vào ngân sách và các cân đối vĩ mô, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tác động la tỏa đến các thành phần kinh tế khác…

Vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng lên nhưng điểm đáng chú ý là sự dịch chuyển xu hướng của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, cơ cấu vốn FDI đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2009. Nếu như năm đầu của thế kỷ này, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 85%, thì tới năm vừa qua, khu vực này chỉ còn chiếm 22% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đó, vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ có xu hướng ngược chiều, khi tăng từ 7% lên 77%, cũng trong cùng giai đoạn với các con số thống kê kể trên.

Nếu so sánh với tiêu chí thu hút “vốn FDI tốt” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - tức là các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào khu vực chế tác, thuộc công nghệ cao và đầu tư dài hạn - thì dường như Việt Nam đang đi những bước thụt lùi.

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tỷ trọng doanh nghiệp liên doanh đã giảm từ khoảng 70% xuống chỉ còn chừng 20% trong khoảng 10 năm nay. Trong khi đó, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã tăng lên tới 70%. Điều này được dự đoán sẽ càng trở nên rõ nét hơn khi bước sang năm 2012, những rào cản gia nhập ngành của Việt Nam được loại bỏ theo lộ trình gia nhập WTO. Hiện tại do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dấu hiệu này có phần bị lu mờ, nhưng dự đoán khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại, đây sẽ là sự bùng nổ, nhất là trong lĩnh vực khai thác và dịch vụ như tài chính ngân hàng.

Trong năm 2011, vốn FDI đăng ký và tăng thêm của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, chỉ bằng 74% năm 2010. Sang 2012, phần FDI thực hiện dự kiến vẫn duy trì 11 tỷ USD.

3.4.Có sự thay đổi về các đối tác đầu tư:

Dựa vào số liệu tổng kết trong 3 năm vừa qua có thể thấy danh sách những quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất luôn có sự thay đổi. Nếu như trong năm 2009, nhà đầu tư lớn là Mỹ với tổng vốn đăng ký là 9,8 tỷ USD chiếm 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Cayman Islands đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,02 tỷ USD chiếm 9,4%. Đứng thứ 3 là Samoa với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD chiếm 7,9%; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 1,66 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bước sang năm 2010, có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Singapore vươn lên dẫu đầu các nhà đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,43 tỷ USD chiếm 23,8 % tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hà Lan đứng  thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm  trên 2,37 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,36 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Còn năm 2011, với 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,09 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,43 tỷ USD, chiếm 16,6 % tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,2 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,47 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 747 triệu USD, chiếm 5,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Điểm đáng chú ý là năm 2011 có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã khiến quốc gia này dành lấy vị trí thứ 2 trong bảng các quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất và sự vắng bóng của nước đầu tư FDI lớn nhất thế giới Mỹ trong 2 năm trở lại đây.

3.5.Có sự thay đổi trong lĩnh vực đầu tư

Trong năm 2010, với 1 dự án kinh doanh bất động sản có quy mô vốn 4 tỷ USD được cấp vào tháng 12, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vươn lên đứng thứ nhất từ vị trí thứ 2 đạt được trong năm 2009. Như vậy có thể thấy lĩnh vực bất động sản được các nhà đầu tư lựa chọn trong giai đoạn trước năm 2010, và chỉ thực sự thay đổi từ năm 2010 đến nay.

Trong năm 2010, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực thế mạnh và là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài luôn duy trì ở vị trí cao. Lĩnh vực này dẫn đầu về số lượt dự án đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư trong năm 2010. Có 385 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD và 199 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 5,1 tỷ, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực sản xuất phân phối điện, khí nước, điều hòa với 6 dự án đầu tư có tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 2,95 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm 2010.

Đây cũng chính là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn đầu tư FDI năm 2011 với 435 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,123 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,53 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 140 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,25 tỷ USD, chiếm 8,5%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 845,6 triệu USD, chiếm 5,8%.

4.Tài liệu tham khảo:

http://fia.mpi.gov.vn/News.aspx?ctl=newsdetail&p=2&aID=1128

http://dantri.com.vn/c76/s76-555512/fdi-dang-ky-vao-viet-nam-nam-2012-du-kien-15-ty-usd.htm

http://www.indembassy.com.vn/tabid/961/default.aspx

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dau#quoc