dau tu ra nuoc ngoai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, đầu tư ra nước ngoài trở thành một xu hướng tất yếu đối với các nhà đầu tư. Nắm bắt xu hướng đó, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài, không chỉ ở những thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Liên bang Nga... mà còn mở rộng sang các nước và thị trường mới như Mỹ La Tinh, Đông Âu, châu Phi, dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế trong nước. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, bài viết dưới đây xin được đi vào phân tích đặc điểm pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo pháp luật Việt Nam.

1.     Khái niệm hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam 

Theo quy định của khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2005, khái niệm đầu tư ra nước ngoài được hiểu là “việc nhà đầu tư đưa vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác từ Việt Nam ra nước ngoài để tiến hành hoạt động đầu tư”.

Khái niệm của Luật Đầu tư năm 2005 về hoạt động đầu tư ra nước ngoài như vậy về cơ bản là toàn diện. Quan hệ đầu tư không còn bị bó hẹp theo tiêu chí và hình thức đầu tư và chủ thể của quan hệ đầu tư như Nghị định số 22 /1999 NĐ – CP của Chính phủ. Theo đó, đầu tư ra nước ngoài có thể bao gồm cả đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp của các tổ chức kinh tế, cá nhân mà theo quy định của pháp luật Việt Nam được phép tiến hành hoạt động đầu tư.

2.     Đặc điểm pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam

Từ khái niệm trên, ta có thể rút ra được các đặc điểm pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau:

2.1.         Chủ thể của hoạt động đầu tư

Chủ thể đầu tư ra nước ngoài bao gồm tất cả các nhà đầu tư tại Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế xã hội không kể nhà đầu tư trong nước là doanh nghiệp hay là không phải là doanh nghiệp, không phân biệt nhà đầu tư có vốn đầu tư trong nước hay nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài. Với quy định này cho ta thấy, pháp luật Việt Nam khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước đầu tư ra nước ngoài. Theo Điều 2 Nghị định số 78/2006/ NĐ – CP quy định về việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì nhà đầu tư ra nước ngoài bao gồm: Các loại hình công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005; Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp nhà nước chưa tiến hành đăng ký lại; Doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội chưa đăng ký lại theo Luật doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã; Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và du lịch và các dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi.

2.2.         Hình thức đầu tư ra nước ngoài

Hình thức đầu tư ra nước ngoài bao gồm cả hình thức đầu tư trực tiếp và hình thức đầu tư gián tiếp. Các hình thức đầu tư trực tiếp như: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới dưới dạng thành lập một doanh nghiệp một chủ hoặc thành lập công ty; Mua cổ phần, góp vốn để trực tiếp tham gia quản lý và điều hành doanh nghiệp tại nước tiếp nhận đầu tư; Thực hiện các hoạt động sáp nhập, mua lại các doanh nghiệp của nước sở tại…

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn có thể lực chọn hình thức đầu tư gián tiếp như đầu tư thông qua các thị trường tài chính hoặc chứng khoán để mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp của nước tiếp nhận đầu tư để hưởng cổ tức hoặc lãi suất mà không tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp…

Việc quy định đa dạng hình thức đầu tư chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi lựa chọn hình thức đầu tư nào phù hợp với mục đích và chiến lược đầu tư cũng như phù hợp với quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư về hình thức đầu tư.

2.3.         Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài

Khi các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài, dĩ nhiên các nhà đầu tư phải tìm hiểu lĩnh vực được nước tiếp nhận đầu tư cho phép đầu tư từ nước ngoài. Theo thông lệ quốc tế, luật của mỗi quốc gia sẽ quy định các lĩnh vực mà họ cấp phép đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực được họ khuyến khích đầu tư và có cả những lĩnh vực mà họ không cấp giấy phép đầu tư. Vì vậy, tìm hiểu vấn đề này tại luật đầu tư của các nước mà các nhà đầu tư Việt Nam muốn đầu tư là rất cần thiết. Tuy vậy, bên cạnh đó, các nhà đầu tư Việt Nam khi tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về lĩnh vực đầu tư. Theo quy định của pháp luật đầu tư Việt Nam thì nhà đầu tư được phép đầu tư ra nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề của nền kinh tế quốc dân, trong đó, nhà nước khuyến khích đầu tư thuộc các lĩnh vực mang lại nguồn lợi lớn cho quốc gia, giải quyết các vấn đề tạo việc làm cho người lao động, cung cấp nguyên liệu từ tài nguyên thiên nhiên cho đất nước và những ngành nghề được xem là thế mạnh của VIệt Nam, bao gồm: Xuất khẩu nhiều lao động, phát huy có hiệu quả các ngành nghề truyền thống của Việt Nam; Mở rộng thị trường, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại nước đầu tư, tăng khả năng xuất khẩu thu ngoại tệ; Ngoài ra, để đảm bảo lợi ích quốc gia, nhà nước không cho phép nhà đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án gây phương hại đến bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng, lịch sử, văn hóa, thuần phong mĩ tục của Việt Nam (Điều 76 Luật Đầu tư 2005).

2.4.         Điều kiện và thủ tục đầu tư ra nước ngoài

-       Điều kiện đầu tư tương ứng với hình thức đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư. Cụ thể: Nếu các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư ra nước ngoài là hình thức đầu tư trực tiếp thì điều kiện là: có dự án đầu tư ra nước ngoài; Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đầu tư; Còn nếu các nhà đầu tư đầu tư ra nước ngoài theo hình thức gián tiếp thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật ngân hàng, chứng khoán và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn phải tuân thủ các quy định về sử dụng vốn nhà nước.

-  Về thủ tục đầu tư, trước đây theo Nghị định số 22/1999/ NĐ – CP thì thủ tục đầu tư ra nước ngoài khá rườm rà và phức tạp, bao gồm hai thủ tục đó là thủ tục Đăng ký cấp giấy phép đầu tư và thủ tục Thẩm định cấp giấy phép đầu tư. Căn cứ để phân chia hai loại thủ tục này ở trên nhiều tiêu chí như đối tượng dự án đầu tư thuộc thành phần kinh tế nào (giữa thành phần kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác có sự phân biệt), kết hợp với tiêu chí quy mô vốn (trên hay dưới 100000 USD). Bên cạnh đó, khi tiến hành thủ tục thẩm tra còn phải đợi lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan mới được cấp phép. Như vậy thủ tục đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Nghị định số 22 đã hạn chế cơ hội đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư, bên cạnh đó còn không tạo ra sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư năm 2005, bên cạnh đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 78/2006/NĐ – CP để đơn giản hóa thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Nghị định 78/2006 đã đưa ra một tiêu chí để xác định loại thủ tục đầu tư đó là quy mô vốn, cụ thể: “1. Quy trình đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam. 2. Quy trình thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên.”(Điều 11); Khắc phục thứ hai là thay vì hỏi ý kiến các bộ - ngành khác trước khi cấp giấy chứng nhận thì hai công việc này được tiến hành cùng một lúc, cụ thể : “Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.” (Khoản 3 Điều 13). Quy định như vậy đã giúp làm giảm tối đa sự can thiệp bằng cách lấy ý kiến của các bộ - ngành như trước.

2.5.         Quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư có hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Về cơ bản, Luật Đầu tư đã tạo ra được khung pháp lý chung để các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế có cơ hội bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích để thúc đẩy hoạt động này của các nhà đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Các quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư có hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã được quy định rõ tại Điều 77, 78 của Luật Đầu tư năm 2005, cụ thể như sau:

-         Về quyền, nhà đầu tư được chuyển vốn, tài sản hợp pháp khác ra nước ngoài để thực hiện đầu tư theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối; Tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài tại các cơ sở do các nhà đầu tư thành lập.

-         Về nghĩa vụ, nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư;

Chuyển lợi nhuận và các khoản tiền thu nhập từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ báo cáo tài chính và hoạt động đầu tư định kì ở nước ngoài;

Khi kết thúc hoạt động đầu tư chuyển toàn bộ vốn, tài sản hợp pháp về nước theo quy định của pháp luật, trường hợp chưa chuyển về nước các khoản vốn, tài sản, thu nhập về nước thì phải có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các nghĩa vụ mà pháp luật đặt ra cho các nhà đầu tư chủ yếu nhằm mục đich đảm bảo sự đầu tư của cá nhà đầu tư khi đầu tư ra nước ngoài sẽ góp phần xây dựng đất nước, làm cho nền kinh tế phát triển.

***

Trên đây là những đặc pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo pháp luật Việt Nam. Thông qua việc phân tích đặc điểm pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài thể hiện chính sách của nước ta trong việc khuyến khích đẩy mạnh hoạt động này. Do đó, trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài tiếp tục sôi động, ngày càng có thêm các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tài chính mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc đầu tư ra nước ngoài nhằm phát huy hiệu quả của hội nhập sâu rộng trong đời sống kinh tế quốc tế.

MỤC LỤC

1.   Khái niệm hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.. 1

2.   Đặc điểm pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.. 1

2.1.  Chủ thể của hoạt động đầu tư. 1

2.2.  Hình thức đầu tư ra nước ngoài 2

2.3.  Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài 2

2.4.  Điều kiện và thủ tục đầu tư ra nước ngoài 3

2.5.  Quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư có hoạt động đầu tư ra nước ngoài 5

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro