Phần 2 Bài 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHẦN 2

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHÁP LUẬT

BÀI 4

CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT

Pháp luật là hiện tượng xã hội và tồn tại cùng với Nhà nước. Pháp luật tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong xã hội, chi phối mọi hoạt động của con người nên có vai trò rất lớn trong việc giúp Nhà nước ổn định xã hội.

Bài này giới thiệu các khái niệm Pháp luật cơ bản, nguồn gốc và bản chất của Pháp luật, những đặc điểm của Pháp luật, các kiểu Pháp luật và các hình thức Pháp luật.

MỤC TIÊU

Sau khi học xong bài này, các bạn phải hiểu được:

 Các khái niệm cơ bản về Pháp luật.

 Nguồn gốc hình thành Pháp luật trong xã hội theo quan điểm Mác
- Lênin.

 Bản chất và đặc điểm của Pháp luật.

 Mối quan hệ gắn liền giữa Pháp luật và Nhà nước.

 Các kiểu Pháp luật trong xã hội và các hình thức Pháp luật đang được áp dụng hiện nay.

NỘI DUNG CHÍNH

1. Nguồn gốc và bản chất của Pháp luật

Pháp luật là hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, có vai trò điều chỉnh mối quan hệ của con người trong xã hội, ổn định trật tự xã hội vì vậy cũng giống như sự xuất hiện của Nhà nước, khi con người có nhận thức đã tìm cách lý giải về sự hình thành Pháp luật trong xã hội.

Nguồn gốc của Pháp luật

Trong lịch sử xã hội có nhiều học thuyết giải thích nguồn gốc hình thành Pháp luật khác nhau, nhưng chỉ có học thuyết Mác -Lênin là giải thích mang tính khoa học và đúng đắn nhất.

Thuyết thần học

Nhà nước là do đấng thiêng liêng tạo ra để quản lý xã hội và Nhà nước đặt ra Pháp luật để thực hiện chức năng này.

Thuyết tư sản

Pháp luật xuất hiện ngay khi xã hội hình thành (Ubi societas, ibi jus: Ở đâu có xã hội, ở đó có Pháp luật).

Quan điểm học thuyết Mác - Lênin

Pháp luật và Nhà nước là hai hiện tượng cùng xuất hiện, tồn tại, phát triển và tiêu vong gắn liền nhau.

Nguyên nhân hình thành Nhà nước cũng là nguyên nhân hình thành Pháp luật và Pháp luật chỉ tồn tại trong xã hội có giai cấp.

Theo quan điểm học thuyết Mác - Lênin thì Pháp luật là tổng hợp những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hay thừa nhận và bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo ý chí của giai cấp thống trị.

Bản chất Pháp luật

Theo các quan điểm thần học và quan điểm tư sản thì Pháp luật không có thuộc tính riêng.

Bản chất Pháp luật của quan điểm thần học gắn liền với bản chất của Người nắm quyền (người đại diện đấng siêu nhiên).

Pháp luật của quan điểm tư sản là thể hiện ý chí của tất cả mọi người trong xã hội, do đó không mang tính giai cấp.

Trái với các quan điểm trên, quan điểm học thuyết Mác - Lênin cho rằng bản chất Pháp luật mang thuộc tính giai cấp và thuộc tính xã hội.

• Tính giai cấp của Pháp luật

Pháp luật do Nhà nước đặt ra thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị cụ thể hóa ý chí của mình thông qua Nhà nước thành các quy tắc xử sự áp đặt lên xã hội buộc mọi người phải tuân theo.

• Tính xã hội của Pháp luật

Nhà nước với tư cách là tổ chức quản lý xã hội ghi nhận những cách xử sự hợp lý khách quan, được số đông trong xã hội chấp nhận phù hợp với lợi ích xã hội và quy định thành những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc (Pháp luật) đối với mọi người.

2.Đặc tính của Pháp luật

Là những đặc trưng cơ bản của Pháp luật, nếu Pháp luật không có những đặc tính này Pháp luật có tồn tại trong xã hội cũng không ý nghĩa. Pháp luật có những đặc tính sau:

• Tính quy phạm phổ biến

Trong xã hội cách hành xử của mỗi người trong cùng một quan hệ có thể khác nhau do vậy nhằm hướng hành vi của mọi người theo cách xử sự chung phù hợp với lợi ích Nhà nước và xã hội, Nhà nước đã đặt ra Pháp luật vì tính quy phạm Pháp luật là nhằm chỉ ra cách xử sự mà mọi người phải theo trong trường hợp hay tình huống nhất định. Ngoài Pháp luật các quy phạm khác trong xã hội như quy tắc đạo đức, luân lý, tôn giáo... cũng có tính quy phạm nhưng khác với các quy phạm xã hội, tính quy phạm của Pháp luật mang tính phổ biến rộng khắp đến tất cả các thành viên trong xã hội.

• Tính cưỡng chế

Đây là một thuộc tính thể hiện bản chất của Pháp luật, nếu Pháp luật không có tính cưỡng chế thì dù Pháp luật có tồn tại hay không vẫn không có ý nghĩa vì trong xã hội luôn có những người không nghiêm chỉnh tuân thủ Pháp luật mà còn tìm cách chống lại các quy định của Pháp luật, do vậy những quy tắc xử sự đặt ra trong luật bắt buộc mọi người phải thực hiện và nó được đảm bảo bằng các hình thức chế tài của Nhà nước.

• Tính tổng quát

Tính chất này ở Pháp luật thể hiện khi Pháp luật đặt ra những quy tắc xử sự cho một trường hợp, hoàn cảnh nhất định mà bất kỳ ai rơi vào những trường hợp, hoàn cảnh đó đều phải áp dụng những quy tắc mà Pháp luật đã đặt ra, mọi người đều bình đẳng như nhau, đều chịu sự tác động của Pháp luật.

• Tính hệ thống

Pháp luật bao gồm nhiều quy định khác nhau nhưng tất cả đều được sắp xếp theo một trật tự, thứ bậc, thống nhất với nhau trong một hệ thống. Chính nhờ tính chất này mà Pháp luật được áp dụng dễ dàng và hiệu quả hơn trong đời sống xã hội.

• Tính ổn định

Pháp luật có vai trò giúp ổn định xã hội, do đó nếu Pháp luật luôn thay đổi sẽ đánh mất lòng tin của mọi người đối với Pháp luật. Mặt khác Pháp luật luôn được đòi hỏi phải phù hợp với sự phát triển kinh tế nên khi các quan hệ kinh tế xã hội thay đổi phát triển thì Pháp luật phải thay đổi theo nếu không Pháp luật sẽ trở thành yếu tố cản trở sự phát triển xã hội, nên tính ổn định của Pháp luật là tính ổn định tương đối.

3. Kiểu Pháp luật

Kiểu Pháp luật là tổng thể những dấu hiệu cơ bản của Pháp luật, thể hiện bản chất giai cấp, giá trị xã hội và những điều kiện phát sinh, tồn tại, phát triển của Pháp luật trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.

Trong lịch sử tồn tại 4 kiểu Pháp luật tương ứng với 4 hình thái kinh tế xã hội là kiểu Pháp luật chủ nô, kiểu Pháp luật phong kiến, kiểu Pháp luật tư sản và kiểu Pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Ba kiểu Pháp luật: chủ nô, phong kiến và tư sản là các kiểu Pháp luật bóc lột được xây dựng dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, thể hiện ý chí của giai cấp bóc lột trong xã hội, bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị được bảo đảm về mặt pháp lý.

Khác hẳn với các kiểu Pháp luật trên, kiểu Pháp luật xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kiểu Pháp luật xã hội chủ nghĩa phủ nhận hình thức áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội dân chủ thật sự, mọi người bình đẳng tự do.

4. Hình thức Pháp luật

Hình thức Pháp luật được hiểu là sự biểu hiện của Pháp luật ra ngoài xã hội, hay còn gọi là nguồn của Pháp luật.

Về mặt pháp lý hình thức Pháp luật được định nghĩa là cách thức mà Nhà nước (giai cấp thống trị) sử dụng để nâng quan điểm, ý chí của giai cấp mình thành các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung đối với mọi người (Pháp luật).

Trong lịch sử, các Nhà nước thường sử dụng 3 hình thức Pháp luật chính là: Tập quán pháp, Tiền lệ pháp và Văn bản quy phạm Pháp luật.

• Tập quán pháp

Là hình thức Nhà nước do phê chuẩn hoặc thừa nhận một số tập quán đã lưu truyền trong xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, lợi ích xã hội và nâng lên thành những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Hình thức này được áp dụng phổ biến trong Pháp luật chủ nô, phong kiến và tư sản.

Ví dụ: Đặt cọc trong giao kết hợp đồng dân sự là tập quán có từ lâu trong xã hội, ngày nay đã được các Nhà nước cho phép áp dụng có giá trị như luật.

• Tiền lệ pháp

Là hình thức do Nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử trong khi giải quyết các vụ việc cụ thể để áp dụng đối với các vụ việc tương tự về sau.

Ví dụ: Bản án hoặc quyết định của toà án cho một trường hợp cụ thể nào đó xem là pháp luật để làm căn cứ áp dụng cho các toà án xét xử vụ việc tương tự trong tương lai.

• Văn bản quy phạm Pháp luật

Là hình thức Pháp luật thể hiện thành văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự nhất định, trong đó chứa đựng các quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Đây là hình thức Pháp luật tiến bộ nhất thể hiện đầy đủ ý chí của Nhà nước. Hình thức Văn bản quy phạm Pháp luật là hình thức Pháp luật được áp dụng chủ yếu tại Việt Nam.

Hiện nay, ngoài các hình thức Pháp luật chính, các hình thức Pháp luật như Học lý, kinh Coran và điều ước quốc tế được một số Nhà nước trên thế giới áp dụng.

TÓM LƯỢC

1. Pháp luật là tổng hợp những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hay thừa nhận và bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo ý chí của giai cấp thống trị.

2. Đặc tính cơ bản của Pháp luật là: Tính quy phạm phổ biến, tính cưỡng chế, tính tổng quát, tính hệ thống và tính ổn định.

3. Kiểu Pháp luật là tổng thể những dấu hiệu cơ bản của Pháp luật, thể hiện bản chất giai cấp, giá trị xã hội và những điều kiện phát sinh, tồn tại, phát triển của Pháp luật trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.

4. Hình thức Pháp luật được hiểu là sự biểu hiện của Pháp luật ra ngoài xã hội. Có 3 hình thức chủ yếu: Tập quán pháp, Tiền lệ pháp và Văn bản quy phạm Pháp luật.

CÂU HỎI TỰ LUẬN

1. Theo bạn cách giải thích nguồn gốc Pháp luật theo quan điểm của thuyết tư sản thì Pháp luật xuất hiện trước hay sau sự hình thành Nhà nước?

2. Nếu Pháp luật không có đặc tính cưỡng chế thì việc quản lý xã hội của Nhà nước có hiệu quả không ? Tại sao?

3. Có phải các quốc gia ngày nay đều phải trải qua tất cả các kiểu Pháp luật?

4. Trong các hình thức Pháp luật được áp dụng hiện nay, hình thức nào là tiến bộ nhất ? Tại sao?

CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

1. Pháp luật và Nhà nước là 2 hiện tượng xuất hiện trong xã hội cùng lúc là quan điểm của lý thuyết:

a.Thuyết tư sản.

b.Thuyết thần học.

c. Học thuyết Mác-Lênin.

d. a và b đều đúng.

2. Hình thức Pháp luật được áp dụng chủ yếu tại Việt Nam là:

a.Tập quán pháp.

b.Tiền lệ pháp.

c.Văn bản quy phạm Pháp luật.

d.Học lý.

3. Tính quy phạm phổ biến là đặc tính của:

a. Pháp luật.

b. Quy tắc đạo đức.

c. Tôn giáo.

d. Tổ chức xã hội.

4. Các quốc gia sau đây đã trải qua 4 kiểu pháp luật trong quá trình phát triển của mình:

a. Việt Nam.

b. Hoa Kỳ.

c. Pháp.

d. Tất cả đều sai.

5. Điều ước quốc tế là hình thức pháp luật của Việt Nam khi:

a. Việt Nam không công nhận.

b. Việt Nam tham gia ký kết.

c. Điều ước có nhiều quốc gia cùng ký kết.

d. Điều ước được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro