Đề 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề: Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ thông qua hai tác phẩm "Truyện Kiều" ( Nguyễn Du ) và "Chuyện người con gái Nam Xương" ( Nguyễn Dữ ).      
Ai đó đã từng nói: "Là một nhà văn lớn, trước hết cần phải có một trái tim  lớn". Thật vậy! Mỗi khi đọc một tác phẩm hay, cái tôi cảm nhận được đầu tiên chính là sự thấu hiểu vô bờ vô bến của tác giả dành cho nhân vật của mình. Lòng đồng cảm đó, nó nhẹ nhàng mà sâu lắng đến kì lạ, nó gần gũi mà thân thương đến khôn cùng. Tình cảm kì điệu đó, được bộc lộ rõ ràng nhất qua nỗi xót xa, lòng trân trọng của Nguyễn Du đối với nàng Kiều trong "Đoạn Trường Tân Thanh", được thể hiện đậm nét nhất bằng nỗi niềm thương tiếc, sự cảm thông của Nguyễn Dữ đối với nhân vật Vũ Nương qua tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương". Hai người phụ nữ của hai câu chuyện thuộc hai tác giả khác nhau nhưng lại cùng sở hữu một tâm hồn cao đẹp, lại cùng chịu chung một số phận đắng cay đặt trong bối cảnh của cái xã hội phong kiến mục nát, bạo tàn ngày đó.
Trong cái khung cảnh đau thương và tràn ngập nước mắt của những người phụ nữ thời ấy, bằng tất cả nỗi xót xa, thấu hiểu, Nguyễn Du dường như cảm nhận được nỗi đau đớn đến cùng cực mà họ phải gánh chịu. Vì thế, đã từng hơn một lần ông ai oán thốt lên rằng:
“ Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Câu thơ trên của đại thi hào đã tỏ rõ cho ta thấy được số phận đắng cay của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, dù mang trên mình biết bao phẩm hạnh cao quý, tư chất tốt đẹp nhưng chính sự khắc nghiệt của xã hội đương thời đã đẩy họ đến tận cùng của bi kịch, khổ đau, mà ở đây, hai nhân vật Thúy Kiều và Vũ Nương chính là đại diện tiêu biểu nhất.
Thật vậy! Những người phụ nữ trong xã hội cũ thường mang trên mình một nét đẹp truyền thống, công dung ngôn hạnh. Phẩm chất cao quý này đã được cả Nguyễn Du và Ngyễn Dữ nhìn nhận và thể hiện rõ nét thông qua nhân vật của mình.
Với  Vũ Nương, ngay từ đầu câu chuyện, Nguyễn Dữ đã khắc họa nàng là một người con gái nết na, “lại thêm tư dung tốt đẹp”.Một người phụ nữ vẹn toàn, tốt đẹp đến nhường ấy, nàng xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc ở đời, nhưng không, cái xã hội nam quyền độc đoán, tàn nhẫn đó lại dồn đẩy, chèn ép, tước đoạt đi niềm hạnh phúc và cuộc sống của nàng.  
Còn với Thúy Kiều, Tố Như miêu tả nàng là một người con gái dịu dàng, có tâm hồn đa cảm, lại sở hữu trí tuệ “ thông minh vốn sẵn tính trời”,cùng với tài năng vượt trội hơn người. Nhưng chính cái đẹp đó lại vượt qua mọi khuôn khổ, phép tắc, chuẩn mực của tạo hóa, của xã hội đương thời, dẫn đến việc nàng bị “ghen”, bị “hờn”, dự báo trước một kiếp đoạn trường mười lăm năm sóng gió của cuộc đời nàng.
Cả Thúy Kiều lẫn Vũ Nương đều là hình mẫu để phản chiếu chân dung cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, đại diện cho một nét đẹp thùy mị, nết na, cho một tư chất tốt đẹp, một phẩm hạnh cao quý nhưng lại bị người đời ghen ghét, vùi dập.
Phải chăng, vẻ đẹp tâm hồn của họ chỉ được thể hiện thông qua vẻ đẹp bên ngoài? Nó chỉ dừng lại ở đó? Không đâu! Nét đẹp của họ còn thể hiện thông qua sự chung thủy, nhân hậu và giàu lòng yêu thương nữa.
Là một người con sống trong thời đại mà các tập đoàn phong kiến bắt đầu trở nên khủng hoảng, suy yếu. Chính dấu ấn lịch sử này đã tác động không nhỏ đến văn chương của Nguyễn Dữ, vì vậy, ông mở đầu cho bi kịch oan trái của Vũ Nương bằng việc Trương Sinh đi tòng quân vì đất nước xảy ra chiến loạn. Nhân sự kiện này, Nguyễn Dữ càng khắc họa đậm nét hơn phẩm chất cao đẹp của Vũ Nương. Khi chồng không có ở nhà, nàng thương nhớ khôn xiết kể “… mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”.
Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là nỗi niềm chung của những người chinh phụ trong thời loạn lạc xưa nay:
“ Nhớ chàng đằng đẳng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong…”
( Chinh Phụ Ngâm )
Thể hiện tâm trạng ấy, Nguyễn Dữ vừa cảm thông với nỗi đau khổ của Vũ Nương, vừa ca ngợi tấm lòng thủy chung, thương nhớ đợi chờ chồng của nàng.
Dường như, chính Nguyễn Du cũng cảm nhận được sự thương nhớ, nỗi đớn đau khi chia lìa người yêu, nếu không, bức tranh Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích gửi mình về nỗi nhớ chàng Kim đã không nặng tình đến thế:
“ Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.”
Bao giờ? Cho đến bao giờ mới phai được nỗi nhớ ấy? Cho đến bao giờ nàng mới nhẹ lòng buông bỏ được mối tình đã trót nặng lời thề non hẹn biển nhưng bỗng chốc vỡ tan? Cứ nghĩ trong giấy phút đau đớn nhất của cuộc đời, nàng chỉ có thể thương lấy bản thân mình, lẽ ra nó phải choáng lấy tâm hồn, tâm trí nàng, nhưng không, Kiều vẫn nghĩ đến, vẫn xót xa cho Kim Trọng, vẫn thương nhớ người tình chung.
“ Một trời thu để riêng ai một người”
Cả hai tác giả Nguyễn Dữ và Tố Như đều xây dựng nhân vật trung tâm của mình trở thành một hình mẫu lí tưởng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Không chỉ đơn thuần dừng lại ở phẩm hạnh tốt đẹp, ở lòng chung thủy sắt son mà ở các nàng còn hiện lên sự hiếu thảo, đảm đang, ở sự tài giỏi trong việc quán xuyến chu toàn mọi việc trong gia đình.
Quả thật như vậy! Nhân vật Vũ Nương hiện lên thông qua ba khía cạnh tốt đẹp: một người vợ chung thủy, một người mẹ đảm đang và một người con dâu hiếu thảo.Chồng ra trận mới được một tuần thì nàng hạ sinh một đứa bé trai. Mẹ chồng vì nhớ thương con mà dần sinh đau yếu, nàng ” hết sức thuốc thang”,” ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Vừa phụng dưỡng mẹ già, vừa chăm sóc con nhỏ. Có thể nói, lúc này mọi gánh nặng đều dồn ép lên đôi vai nàng. Vũ Nương cực nhọc, vất vả trăm bề nhưng cũng chưa một lần oán than. Sau đó mẹ chồng mất, nàng đã “ hết lời thương xót”, việc ma chay lễ tế được lo liệu như đối với cha mẹ ruột. Chính lời trăn trối trước khi qua đời của người mẹ cũng thể hiện rõ đức tính tốt đep của nàng: “ xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Nếu hình ảnh Vũ Nương hiện lên là một người phụ nữ của gia đình thì với Kiều nàng là một người tình chung thủy, một người con hiếu thảo, giàu đức hy sinh. Trước cảnh gia biến, nàng đã quyết định bán mình để chuộc cha, để cứu cả gia đình:
“ Hạt mưa sá nghĩ phận hèn
Liền đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”
Hơn thế nữa, khi lâm vào hoàn cảnh đắng cay, bị bán vào nơi trăng gió, nàng vẫn hết lòng nghĩ về cha mẹ:
"Xót người tựa cửa hôm mai 
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Giọng thơ trở nên rưng rưng, dường như nỗi đau của Kiều đã thấm vào cảnh vật, vào thời gian và cứ âm ỉ trong lòng người đọc. Nguyễn Du đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại kết hợp hài hòa giữa  phong cách cổ điển và phong cách dân tộc, tạo nên những vẫn thơ đầy sức biểu cảm, căng tràn nỗi đau, bộc lộ mạnh mẽ lòng hiếu thảo, yêu thương vô bờ của Kiều đối với cha mẹ.
Tuy hai người con gái tài sắc vẹn toàn, tư dung tốt đẹp là thế, nhưng chẳng ai trong số họ có được cuộc sống êm đềm trong đời. Nếu Vũ Nương bị cái xã hội nam quyền, độc đoán, gia trưởng dồn đẩy đến cái chết thì Thúy Kiều lại phải chịu đựng nỗi đau mười lăm năm đoạn trường do xã hội đồng tiền bạc bẽo gây nên. Họ đều là những nạn nhân vô tội của chế độ cũ, một chế độ mục nát, điêu tàn, nơi mà những người phụ nữ không có quyền để nói về hạnh phúc của mình. Phải chăng, để phản ánh rõ nét hơn xã hội phong kiến thời ấy, cả Nguyễn Du và Nguyễn Dữ đều không để cho hai nhân vật của mình có một kết thúc vẹn tròn? Vũ Nương tuy được sống lại một cuộc đời khác, sung sướng hơn, nhưng thâm tâm nàng vẫn đau đáu nỗi đau thương nhớ chồng con, sống bất tử trong nỗi niềm như vậy, liệu nàng có cảm thấy hạnh phúc? Còn với nàng Kiều, được trở về với gia đình, nối tiếp tơ duyên chưa đứt với người tình chung, thế nhưng biết bao sóng gió, bao cay đắng đã bào mòn nàng, liệu sau khi đã chịu qua biết bao nghiệt ngã, đau đớn như thế, Kiều có thể nguôi ngoai? Không, không đâu! Bởi nó đã trở thành một ám ảnh, một vết thương quá lớn. Ta biết đấy, vết thương rồi cũng sẽ lành, sẽ trở thành vết sẹo. Nhưng đã thành sẹo rồi thì sẽ mãi ở đó, không xóa được, không bỏ được, để rồi mỗi khi trái gió trở trời, nó lại bắt đầu âm ỉ đau, bắt đầu nứt toạc ra, với tôi, nỗi đau mười lăm năm của Kiều chính là như vậy. Không bao giờ có thể quên bỏ. Cũng bởi vì xã hội đương thời vốn không tồn tại hạnh phúc cho họ - những người phụ nữ tài đức vẹn toàn.
Cũng chính vì sự bất công đó, những người phụ nữ trong giai đoạn này đã tiềm tàng một sức mạnh vĩ đại, chống lại mọi điều kiến, bất công, mọi khuôn khổ, phép tắc bấy lâu đã gò ép, trói buộc họ. Hành động đứng lên chống trả, phản đối của họ chính là lòng thương cảm mà hai tác giả đã dành cho đứa con tinh thần của mình, cũng là niềm thương cảm dành cho những người phụ nữ thấp cổ bé họng lúc bấy giờ.
Lời than thở của Vũ Nương trước khi tự vẫn chính là một minh chứng cho thấy điều đó. Cái chết của nàng chính là sự lên án, phản đối kịch liệt cuối cùng cho sự tàn nhẫn đến dã man của chế độ đương thời. Hơn thế, việc Vũ Nương từ chối về trần gian còn cho thấy cái nhìn đầy nhân đạo của Nguyễn Dữ trước số phận đắng cay của người phụ nữ.
Đối với Tố Như, giá trị cốt lõi trong ông chính là tình người. Điều này được thể hiện qua việc khi biết mình “ thất thân” với Mã Giám Sinh, bị Tú Bà làm nhục, đày đọa nhân phẩm, Kiều quyết định tìm đến cái chết để giải thoát. Chính hành động quyết liệt này của nàng đã cho thấy sự đứng lên chống lại bất công của người phụ nữ, nàng tìm mọi cách, ngay cả cách cực đoan nhất để thoát khỏi sự khổ đau do xã hội đồng tiền gây nên.
Vũ Nương và Thúy Kiều là hình mẫu đại diện tiêu biểu cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ sở hữu một tâm hồn cao đẹp, một phẩm chất thanh tao, lại tài đức vẹn toàn nhưng chính điều đó lại đẩy họ vào tận cùng của bi kịch, đớn đau. Bởi bản chất của xã hội phong kiến không tồn tại hạnh phúc cho người phụ nữ, bởi “hồng nhan bạc phận”, bởi “ trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Bằng lòng thương cảm, sự thấu hiểu đến kì lạ đối với nhân vật của mình, cả Tố Như và Nguyễn Dữ đều khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ lí tưởng trong xã hội ngày trước. Đồng thời lên án gay gắt chế độ phong kiến đã dồn đẩy, bức ép họ vào bước đường cùng. Cả hai tác phẩm đều thể hiện một kiếp đoạn trường đầy bi thương của số phận con người, cho thấy giá trị nhân đạo vững vàng không gì lay chuyển được trong lòng người văn nhân. Để rồi mãi về sau này, “Truyện Kiều” và “Chuyện Người Con Gái Nam Xương” vẫn luôn gắn liền với dòng chảy văn học trung đại nước nhà, khiến đọc giả day dứt khôn nguôi về số phận đớn đau của hai người con gái tài đức vẹn toàn.
“ Thương thay cũng một kiếp người
Khéo thay mang lấy sắc tài làm chi
Những là oan khổ lưu li
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân”.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro