Truyện ngắn: ĐÊM GIAO THỪA (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sài Gòn chiều 30 Tết, dòng người hối hả đổ dồn về trung tâm thành phố, các tuyến đường tấp nập xe cộ qua lại. Nhịp sống của "Thành Phố Không Ngủ" những ngày bình thường đã nhộn nhịp nay càng nhộn nhịp hơn trong ngày cuối cùng của năm. Không khí hân hoan đón chào năm mới đã bắt đầu len lỏi qua từng ngõ ngách trong thành phố. Vào thời điểm này, mỗi người sẽ chọn cho mình một cách ăn mừng năm mới khác nhau. Có người thì hạnh phúc chìm trong tiếng nhạc và ấm cúng bên mâm cơm gia đình, nhưng cũng có người cảm nhận hương vị của Tết theo cách bình lặng hơn.

Nằm heo hút trong một con hẻm ngoằn ngoèo ở ngoại thành, xóm trọ của cô Năm khiến cho nhiều người phải mệt bở hơi tai khi tìm đến đây. Mệt bở hơi tai là vì muốn tìm ra nơi này bạn phải đi khá lâu, thậm chí bạn có thể bị lạc nếu mới đến đây lần đầu. Dù xa xôi và khó tìm như vậy nhưng xóm trọ này thu hút rất đông người đến thuê phòng, vì nó ở gần các khu công nghiệp và các trường đại học, giá thuê phòng lại không quá đắt. Những người thuê phòng ở đây đa số là công nhân lao động và những cô cậu sinh viên học xa nhà.

Trọng và Thắng thuê chung một căn phòng nhỏ trong đây từ năm thứ hai cao đẳng. Cả hai đều là dân miền Trung và học chung một lớp. Trọng quê ở Quảng Ngãi, còn Thắng là một người yêu thích lập trình đến từ Phú Yên. Hai anh chàng có nhiều điểm chung đến kỳ lạ, đều chọn học Truyền thông đa phương tiện theo kiểu "chữa cháy" vì thi rớt ngành học mà mình đam mê. Năm học này được trường cho nghỉ Tết sớm, thay vì khăn gói về quê sum họp với gia đình như bao sinh viên khác thì họ vẫn ở lại thành phố để kiếm việc làm thêm trong những ngày Tết ngắn ngủi. Hoàn cảnh gia đình không khá giả cộng với việc ba mẹ phải bươn chải để lo cho cậu em út đang học lớp 12, nên kể từ lúc học năm nhất Trọng luôn tranh thủ những ngày Tết ở thành phố để đi làm kiếm tiền, một phần để trang trải cho cuộc sống sinh viên, một phần để gửi về quê phụ giúp ba mẹ nuôi cậu em út ăn học.

Khác với Trọng, Thắng là con nhà có điều kiện hơn, mỗi tháng được ba mẹ gửi tiền để chi tiêu cho việc học. Nhưng kỳ nghỉ Tết này, vì nằm trong nhóm "những sinh viên còn nợ môn", phải nhập học sớm để "trả nợ" nên Thắng đã nghe lời Trọng, quyết định ở lại thành phố. Sau một ngày trời rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, Thắng quay về xóm trọ với vẻ mặt buồn bã. Tay Thắng cầm một tờ báo với hàng chục trang tin tìm việc làm. Thắng lặng lẽ ngồi trên chiếc xe đạp ở ngoài sân. Trọng nằm trong phòng nhìn ra mà chẳng biết thằng bạn mình đang làm gì, Trọng liền hỏi:

- Thắng này! Về rồi sao không vô phòng đi, làm gì mà ở ngoài đó thế?

Thắng nhíu mày, quăng tờ báo xuống đất, tỏ vẻ thất vọng:

- Đi cả ngày rồi mà vẫn chưa tìm được việc nào hết Trọng ơi!

- Thôi được rồi, đừng có lo nữa, có gì sáng mai theo Trọng đi lại quán cà phê gần trường mình đây này. Quán này đang tuyển nhân viên phục vụ làm bán thời gian trong mấy ngày Tết. Nếu xin được là mình làm liên tục đến gần nhập học luôn đó.

Nghe vậy, Thắng liền bước vào phòng. Anh chàng ngạc nhiên và thắc mắc không biết vì sao "ông bạn già" của mình tìm được cái quán cà phê đó:

- Trọng tìm thông tin ở đâu mà biết được hay vậy?

Trọng cười lớn vì câu hỏi ngây ngô của Thắng:

- Ông bạn của tui ơi, quán cà phê người ta nằm đối diện cổng sau trường mình học, ngày nào ra chơi ngồi ăn sáng mà chẳng thấy.

Giờ thì Thắng mới nhớ ra quán cà phê mà bạn mình nhắc đến:

- Thì ra là quán đó hả! Vậy mà cứ tưởng quán nào.

- Anh Tươi ở chung phòng với Trọng trước đây cũng từng làm ở quán đó. Trọng nghe nói làm ở đó hơi cực một chút, lương một giờ hình như là 20 ngàn.

Thắng hét lên:

- Vậy là ổn rồi Trọng! Cuối cùng cũng tìm được việc rồi! Hoan hô!

Thắng vui mừng dắt chiếc xe đạp vô trong nhưng niềm vui ấy không kéo dài quá lâu. Căn phòng chật chội của hai chàng sinh viên với quần áo, giấy tờ và sách vở bề bộn trên giường. Phía trên gác lửng có một chiếc nệm mỏng được trải xuống sàn, đây là một góc riêng để cho Trọng tìm cảm hứng sáng tác nhạc khi rảnh rỗi. Cả hai vẫn chưa kịp chuẩn bị thứ gì để đón Tết. Đồ ăn dự trữ trong phòng cũng không còn nhiều. Đến thùng mỳ tôm cũng chỉ còn lại vài gói. Trọng ngồi trên ghế ôm lấy cây đàn ghi-ta, mắt hướng ra ngoài cửa sổ. Anh mỉm cười hỏi Thắng:

- Sao, bạn hiền? Bây giờ muốn nghe bài nào để Trọng hát cho nghe? Hay để Trọng hát một bài về mùa xuân nhé!

Thắng nằm xuống giường nhắm mắt lại với vẻ mặt trầm ngâm:

- Thôi đừng hát Trọng ơi! Thắng không muốn nghe đâu. Lúc này mà nghe nhạc xuân buồn lắm!

Trọng cười lên, hỏi Thắng một cách hài hước:

- Thắng nói gì lạ vậy? Tết đến rồi không lẽ hát mấy bài về mùa thu?

- Tết với Thắng không còn ý nghĩa gì nữa cả. Giờ này mấy đứa trong lớp mình tụi nó được vui chơi, được đón Tết cùng ba mẹ, anh chị em ở quê, còn Thắng thì phải ở lại Sài Gòn, không người thân, không đồ ăn ngon, không có xe máy để đi đón giao thừa. Đã vậy cái laptop còn bị hư, muốn xem trực tuyến mấy kênh truyền hình đặc biệt về Tết cũng không được.

Nghe Thắng nói thế, Trọng cầm cây ghi-ta đi tới ngồi cạnh bạn mình.

- Tại Thắng chưa quen đó thôi, chứ Trọng suốt 3 năm nay có năm nào được đón Tết ở quê đâu. Năm đầu tiên, lúc chưa là sinh viên, đón Tết một mình ở Sài Gòn, Trọng cũng buồn lắm! Trọng suốt ngày ở ngoài làm hết công việc này đến công việc khác, có ăn Tết gì đâu. Thắng mới đón Tết xa nhà lần đầu nên không vui cũng đúng. Còn nếu Thắng muốn đi đón giao thừa cũng dễ mà, không có xe máy thì có xe đạp.

Thắng trả lời Trọng với giọng lạnh tanh:

- Từ Thủ Đức đạp xe xuống tuốt trung tâm thành phố sao mà Thắng đạp nổi! Nếu vậy thà Thắng ở nhà còn sướng hơn.

Nét mặt của Thắng vẫn không khá lên. Trong đầu cậu hiện lên hàng ngàn suy nghĩ phức tạp. Thắng ước gì giờ này mình được ở bên cạnh gia đình giống như mùng 1 Tết năm ngoái và cùng với đám bạn đi chơi ở Ghềnh Đá Đĩa. Bản thân Thắng không biết mình có chịu đựng nổi những ngày sắp tới hay không khi mà ở Sài Gòn chỉ có đi làm và về luẩn quẩn trong phòng trọ. Thắng ngồi dậy đi ra bếp nấu mì ăn lót bụng. Cậu hỏi Trọng:

- Trọng có ăn mì không để Thắng làm luôn?

- Thôi khỏi Thắng ơi! Trọng đi ra ngoài đây, Thắng đói thì ăn trước đi.

Trọng để cây ghi-ta lên giường rồi bước ra khỏi phòng. Không khí ngoài sân vẫn yên tĩnh. Những người trong xóm trọ đã đóng cửa phòng về quê từ 3-4 ngày trước, chỉ có vài người còn ở lại đây. Vừa ra ngoài xóm trọ, Trọng gặp ngay cô Năm. Thế là không cần phải chờ đợi gì thêm nữa, cô Năm liền quát lên:

- Chừng nào con với thằng Thắng mới đóng dứt điểm tiền trọ tháng này cho cô đây? Qua tháng mới 4 ngày rồi mà hai đứa còn chưa chịu đóng nữa sao? Nếu hai đứa đóng trễ quá là cô đành phải cho người khác thuê thôi!

Miệng Trọng lắp bắp:

- Cô Năm thông cảm cho tụi con một ngày nữa nha! Ngày mai, con và Thắng đi làm rồi. Con hứa là sẽ đóng tiền cho cô đầy đủ.

Cô Năm thở dài một hơi:

- Riết rồi cô mệt ghê vậy đó! Nếu ai thuê phòng của cô mà cũng giống như hai đứa chắc cô dẹp cái dãy nhà trọ này luôn quá! Cô cho con với nó thêm 1 ngày nữa, nếu không đóng là cô không thông cảm nữa đâu.

Câu nói của cô Năm làm mặt Trọng tái xanh, nói không nên lời:

- Dạ, cô Năm cho hai đứa con thêm 3 ngày nữa được không cô? Ngày mai con sợ chưa có tiền để đóng cho cô.

Cô Năm vẫn nhất quyết không thay đổi thời hạn đóng tiền phòng của Trọng và Thắng. Cô lại quát:

- Cô đã nói rồi, chỉ 1 ngày nữa thôi! Cô không thể cho hai đứa nợ tiền phòng thêm nữa! Cô không cần biết hai đứa làm cách nào, miễn sao đóng dứt điểm tiền phòng tháng này cho cô là được.

Bao lâu nay cô Năm vẫn nổi tiếng là người khó tính, một khi đã nói ra điều gì thì cô sẽ làm thật. Trọng và Thắng có lẽ là hai sinh viên may mắn nhất khi đóng trễ tiền trọ đến 4 ngày mà vẫn chưa phải dọn đi nơi khác. Trong xóm trọ không ai mà không hiểu rõ về tính khí của cô Năm, một người phụ nữ đã ngoài 50, độc thân nhưng không hề vui tính. Lúc nào cô cũng tỏ ra khó chịu với mọi người, nhất là với những thanh niên như Trọng và Thắng. Chỉ duy nhất một người nói chuyện với cô mà không bao giờ làm cô phải nổi cáu đó là Hiền. Cô xem Hiền như con gái của mình. Hai cô cháu thường xuyên tâm sự với nhau. Hiền là một cô gái mạnh mẽ, cứng cỏi, trong lớp Thắng vẫn thường trêu Hiền là "người đàn ông có mái tóc dài".

Trái ngược với sự yên lặng trong xóm trọ, phía bên ngoài những ngôi nhà của người dân đã sáng đèn lên, cùng với tiếng cười đùa hớn hở của bọn trẻ khi được người lớn chở đi đón giao thừa. Đi dài theo con hẻm, Trọng ngửi được mùi khói nghi ngút của nồi bánh chưng và hương vị thịt kho hột vịt quen thuộc. Trọng có cảm giác như mình đang ở đảo Lý Sơn, vào đêm 30 phụ mẹ làm bếp và được mẹ chỉ cách bày mâm cỗ lên bàn để cúng tổ tiên. Niềm hạnh phúc đó đã ở lại đằng sau kể từ ngày Trọng một mình đặt chân đến Sài Gòn ôn thi vào Nhạc viện. Tâm trạng của Trọng đầy lo lắng, không biết kiếm đâu ra tiền để đóng cho cô Năm. Bất chợt có tiếng kêu từ sau lưng làm Trọng giật mình:

- Anh Trọng! Anh làm gì mà đứng một mình ngoài này vậy?

Trọng quay lại với vẻ mặt ngạc nhiên:

- Hiền à! Anh tưởng sáng nay em về Bình Phước rồi chứ.

Hiền trả lời Trọng, giọng điệu đầy lạc quan:

- Dạ, từ sáng tới giờ em đi làm thêm thôi anh. Mấy ngày Tết này em ở lại Sài Gòn luôn, để thử xem đón Tết trên đây khác thế nào so với dưới quê. Đợi chừng nào nghỉ hè em mới về Bình Phước. Mà Thắng đâu rồi anh?

- Thắng nó ở trong phòng đó em. Từ lúc đi kiếm việc về nó ở trong phòng luôn, không chịu đi ra ngoài.

Hiền thắc mắc:

- Thắng bị gì mà nhốt mình trong phòng vậy anh? Anh và Thắng không định đi đón giao thừa sao?

- Có chứ! Anh cũng định lấy xe đạp để đi đây nhưng Thắng nó không có chịu. Nó buồn vì Tết này phải ở lại Sài Gòn. Chắc giờ nó đang trách anh vì đã "dụ" nó ở lại. Em có cách nào để giúp Thắng hết buồn không?

Suy nghĩ điều Trọng nhờ vả mình, Hiền cười một hơi:

- Em cũng không biết phải giúp Thắng thế nào nữa. Thôi anh ráng an ủi Thắng đi nhé! Em vô phòng dọn dẹp lại đồ đạc cái đã. Có gì chút xíu đợi em đi đón giao thừa chung luôn nghe anh!

Khi Hiền vừa đi khỏi, trong đầu Trọng chợt lé lên một ý nghĩ. Trọng vội vã quay lại phòng. Lúc này, bạn anh đang ngủ say trên giường. Trọng thúc giục:

- Thức dậy đi Thắng! Tết rồi mà còn ngủ nữa! Thức dậy đi ra ngoài xem kìa, có nhiều cái vui lắm!

Thắng mở mắt ngồi lên, giọng nói đầy yếu ớt:

- Từ giờ cho đến khi qua giao thừa, Thắng không muốn đi đâu hết. Trọng thích thì cứ đi thoải mái. Cứ mặc Thắng ở trong phòng, đừng lo gì cả.

Nghe Thắng nói vậy, Trọng cười nhếch mép, hỏi Thắng theo kiểu thách đố:

- Thắng có muốn cá cược với Trọng không? Nếu Thắng ở trong phòng từ giờ cho đến khi giao thừa kết thúc thì Trọng sẽ thua Thắng bất cứ thứ gì Thắng muốn.

Để ngoài tai những gì Trọng nói, Thắng nằm xuống quấn chăn lại. Với Thắng, một chút niềm vui giờ cũng không còn. Chưa bao giờ Thắng phải trải qua một ngày cuối năm tẻ nhạt đến thế. Thắng chỉ mong cho kỳ nghỉ Tết trôi qua thật mau để trở lại guồng quay học tập. Quyết định ở lại Sài Gòn lần này là một sai lầm lớn, chưa kể mấy ngày tới Thắng lại phải đi làm thêm cùng Trọng. Quá nhiều điều đầu tiên xảy ra trong đời khiến Thắng không thể thích nghi kịp.

Thấy Thắng vẫn nằm im trên giường, Trọng không biết phải làm gì để cậu bạn cứng đầu của mình thay đổi suy nghĩ. Trọng đành đi ra ngoài và kèm theo đó là câu nói như muốn làm cho Thắng phải giật mình: "Thắng gọi điện hối ba mẹ Thắng chuyển tiền gấp đi. Hồi nãy, cô Năm gặp Trọng đòi tiền phòng đó. Hai đứa mình sắp sửa không có chỗ ở rồi".

Dù đã được Trọng nhắc về chuyện đóng tiền trọ, nhưng Thắng vẫn không một chút động đậy. Cậu nằm im thin thít, chẳng thèm đoái hoài đến điều gì xung quanh.

Thoáng chốc đã 8 giờ tối, Thắng tỉnh giấc sau hơn 2 tiếng đồng hồ ngủ mê man. Thắng nhìn ra ngoài cửa phòng chẳng thấy có điều gì khác lạ. Xóm trọ vẫn tối om và không có ai quanh quẩn. Thắng gọi điện cho Trọng nhưng Trọng đã tắt máy. Thắng nghĩ rằng Trọng cố tình làm vậy để dụ mình ra khỏi phòng. Vì lẽ đó cậu vẫn nằm yên trên giường, cố ngủ thêm một giấc nữa cho tới sáng là xong.

Ngay lúc Thắng vừa nhắm mắt thì Trọng trở về phòng, trên trán anh lấm lem mồ hôi. Thấy Trọng có điều gì đó như đang giấu mình, Thắng liền hỏi:

- Nãy giờ Trọng đi đâu vậy? Trọng có ăn uống gì chưa?

Trọng từ từ ngồi xuống ghế, vẫn cười vui vẻ, gương mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra:

- Trọng đi bộ ra đầu hẻm ăn cơm, ngắm nhìn đường phố và mọi người. Giờ này, ngoài ngã tư vui lắm đó Thắng! Thay đồ rồi đi chung với Trọng nào!

Thắng nằm nghiêng người sang một bên, mặt mày cau có không thèm trả lời Trọng. Còn Trọng thì vẫn không từ bỏ ý định thuyết phục Thắng đi chơi với mình. Anh bước đến bên Thắng, nói nhỏ nhẹ:

- Không lẽ Thắng định nằm vậy hoài sao? Trong khi phố xá đang nhộn nhịp, có nhiều cái hay để tụi mình tận hưởng. Trọng không muốn Thắng cứ ở trong phòng rầu rĩ như vậy. Hãy suy nghĩ tích cực hơn giùm Trọng đi được không?

- Thắng chán nản lắm rồi! Thắng không muốn đi đón giao thừa, xem bắn pháo hoa gì cả. Thắng muốn được yên tĩnh. Trọng đừng làm phiền Thắng nữa. Hãy đi làm những gì Trọng thích đi.

Thắng vừa dứt lời thì Trọng cũng dắt chiếc xe đạp ra khỏi phòng. Anh không nói gì thêm mà chỉ lẳng lặng đạp xe đi, bỏ Thắng lại trong căn phòng chật hẹp. Có lẽ "chàng nhạc sĩ" muốn được ngắm nhìn thời khắc chuyển mình của thành phố khi bước qua năm mới.

Thắng đóng cửa lại, tắt đèn và lên giường làm tiếp giấc ngủ còn dang dở. Cho đến khi đồng hồ chuyển sang 11 giờ tối, khi mà những căn phòng cuối cùng trong xóm trọ cũng không còn ai, cậu mới tỉnh dậy. Thắng cảm thấy trong người vừa mệt mỏi, vừa khó chịu, cậu cố gắng ngủ tiếp nhưng không thể ngủ được nữa. Thắng mở cửa phòng ra để đợi Trọng về nhưng anh bạn thân của cậu đã đi đâu không một chút tin tức. Thắng vội nhìn sang căn phòng đối diện của Hiền thì cũng không thấy Hiền đâu hết. Thắng bắt đầu lo sợ về một điều gì đó mơ hồ. Thắng nghĩ rằng tất cả bạn bè đều đã bỏ rơi mình.

Thắng hoang mang ngồi một góc, úp mặt vào tường. Trong lúc sự tuyệt vọng đang lên đến đỉnh điểm thì Thắng nghe được từ đằng xa có một âm thanh vang lên, cậu đoán ngay đó là giai điệu của bài "Happy New Year" quen thuộc. Lúc này, Thắng mới chịu bước chân ra khỏi phòng để xem tiếng nhạc được phát ra từ đâu. Nhưng khi đi ra ngoài cổng xóm trọ Thắng mới biết bản nhạc đó được phát từ nhà của cô Năm. Thắng hốt hoảng định bỏ chạy vì nếu gặp cô Năm bây giờ thế nào cũng sẽ bị cô đòi tiền phòng. Thắng suy nghĩ với tính khí nóng nảy của cô, thế nào mình và Trọng cũng sẽ bị đuổi đi ngay sáng mùng 1 Tết. Nhưng không may là Thắng đã chậm chân một bước, ở trong nhà cô Năm đã nhìn thấy Thắng và tiếng kêu của cô khiến cho cậu phải thót tim: "Thắng! Vô nhà cô nói chuyện với con một lát!"

Thắng không dám đưa ánh mắt mình về phía cô Năm. Chỉ cần tưởng tượng trong đầu cảnh bị cô Năm la mắng là Thắng đã rụng rời tay chân. Dù không muốn nhưng Thắng vẫn phải bước vào nơi mà cậu rất sợ. Khuôn mặt Thắng tái mét và người cậu cứ run rẩy không cách nào kiểm soát được. Đây là lần thứ hai Thắng đặt chân vào nhà cô Năm sau cái ngày đầu tiên đến xóm trọ để thuê phòng, và cảm giác của hai lần ấy cũng quá khác nhau.

Không khí trong nhà cô Năm không thay đổi gì mấy so với thường ngày. Cô vẫn đón Tết theo cách rất khác với nhiều người. Đêm 30 này, cô không bày biện lễ vật cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời mà chỉ làm một bữa cơm đơn giản. Còn Thắng vẫn không biết cô Năm gọi mình vô nhà để làm gì. Nhìn mâm cơm tất niên ở trên bàn với đầy đủ các món như bánh tét, thịt kho tàu, chả giò, canh măng, gà luộc, xôi gấc càng làm Thắng nhớ gia đình hơn. Thắng ngồi im lặng trên ghế, hít thở thật sâu rồi mới dám lên tiếng:

- Dạ, cô Năm kêu con vô nhà có chuyện gì không?

Nghe Thắng nói chuyện vấp váp, cô Năm mới giải thích cho Thắng hiểu:

- Con đừng có sợ, cô không có mời con vô nhà để đòi tiền phòng đâu. Cô muốn đêm nay con ở lại đây ăn bữa cơm này và đón giao thừa cùng cô. Mà không chỉ có mình con đâu, còn có thêm hai nhân vật nữa.

Thắng ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cậu không tin rằng có ngày mình lại được cô Năm mời dùng cơm. Đây giống như là một giấc mơ hoang đường và càng kỳ lạ hơn khi diễn ra vào đúng đêm giao thừa. Bất ngờ từ ngoài cổng nhà cô Năm, Trọng la lớn:

- Vậy là Thắng thua Trọng rồi nha! Cuối cùng thì Thắng cũng chịu rời khỏi phòng rồi!

Trọng dắt chiếc xe đạp vào sân nhà cô Năm, Hiền đi chung với Trọng. Cả hai đầy phấn khởi. Nhìn thấy Trọng và Hiền, Thắng lại càng thắc mắc nhiều hơn nữa. Cậu hỏi dồn dập:

- Rốt cuộc chuyện này là sao? Thật sự là Thắng không hiểu gì hết! Trọng và Hiền đừng có giấu Thắng nữa.

Hiền nhanh nhảu trả lời:

- Lúc chiều, anh Trọng nhờ Hiền nghĩ cách để giúp Thắng tìm lại niềm vui khi phải đón Tết xa nhà. Nghĩ tới nghĩ lui, Hiền mới xin cô Năm cho Thắng và anh Trọng qua nhà cô dùng chung bữa cơm tối nay. Hiền mong rằng không gian ấm cúng này sẽ phần nào giúp Thắng quên đi nỗi nhớ về quê. Bữa cơm này Hiền, anh Trọng và cô Năm phải làm hơn 4 tiếng mới xong đó.

Trọng tiếp lời Hiền:

- Đó, Thắng thấy chưa? Ai cũng quan tâm đến Thắng hết. Thắng đừng phụ lòng mọi người, ráng ăn hết đó nha! Tiếc là lớp mình không có mặt đầy đủ ở đây.

Cả bốn người cùng ngồi vào bàn tiệc. Riêng Hiền thì đang háo hức chờ đợi khoảnh khắc những tia pháo hoa lung linh được bắn lên bầu trời. Đây cũng là lần đầu tiên Hiền đón giao thừa ở Sài Gòn. Hiền rót nước ngọt ra ly để mọi người cùng dùng thay cho rượu. Trước khi nâng ly, Thắng xúc động đứng lên phát biểu:

- Chỉ còn 15 phút nữa thôi là một năm cũ sẽ trôi qua. Bỏ lại những buồn phiền còn vướng bận, chúng ta sẽ đón chào một năm mới với nhiều điều hứa hẹn trước mắt. Thắng cảm ơn Hiền và Trọng rất nhiều vì đã bỏ công sức cùng với cô Năm làm nên bữa cơm này. Cô Năm, con cảm ơn cô nhiều lắm! Bấy lâu nay con vẫn nghĩ cô là một người khó tính, khó để chúng con gần gũi.

Cô Năm cười tươi trả lời Thắng:

- Chỉ là bữa tiệc nhỏ thôi mà con. Chủ yếu là cô muốn mấy đứa con được vui. Cô cũng không có con cháu, người thân ở đây, nhờ có ba đứa mà cô cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình. Thôi, giao thừa sắp đến rồi, bốn cô cháu chúng ta cùng nâng ly nào! Chúc mừng năm mới!

Trong tiếng nhạc du dương, Thắng nghẹn ngào hòa chung niềm vui với cô Năm, Trọng và Hiền. Nhưng từ sâu trong lòng, Thắng vẫn chưa vơi đi nỗi buồn vì sự thiếu vắng của ba mẹ và chị gái. Mắt Thắng như muốn khóc. Cậu cúi đầu bỏ đũa xuống, nói với mọi người:

- Chắc Thắng không ăn nữa đâu, Thắng muốn đi về phòng nghỉ ngơi. Trọng, Hiền và cô Năm cứ dùng tiếp đi.

Trọng cũng ngưng dùng cơm, lớn tiếng hỏi Thắng:

- Cái gì nữa vậy Thắng? Sao Thắng cứ buồn rầu hoài vậy? Trọng cứ tưởng tâm trạng của Thắng đã tốt hơn rồi chứ.

Cô Năm cũng không thể chịu nổi nữa, cô tức giận quát lớn:

- Thằng Thắng này tính tình kỳ cục thật! Có mỗi chuyện nhỏ vậy thôi mà mặt mày trầm ngâm suốt. Thanh niên trai tráng gì đón Tết xa gia đình có một năm thôi mà làm như sắp chết đến nơi vậy! Như con Hiền, nó mới là đứa phải buồn này!

Hiền nháy mắt, ra dấu liên tục cho cô Năm đừng nhắc đến chuyện này. Nhưng trong giây phút không kiềm chế được cảm xúc, cô Năm đã không thể ngăn được lời nói của mình:

- Ba con Hiền bị ung thư gan, nhập viện điều trị trên Sài Gòn hơn 1 tuần nay rồi. Con Hiền phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền cho ba nó được phẫu thuật. Sáng giờ nó ở trong bệnh viện trông ba nó, không có thời gian để thở.

Trọng và Thắng sững sờ, không dám tin những gì mình vừa nghe là sự thật. Trọng đi đến bên Hiền. Giọng anh chùng xuống:

- Tại sao em không cho anh và Thắng biết chuyện ba em nhập viện để tụi anh vào thăm bác? Nhìn em lạc quan, yêu đời, có ai biết em đã phải chịu đựng nhiều chuyện như vậy.

- Em có nói ra thì cũng thay đổi được gì đâu. Điều quan trọng với em lúc này là ba. Em rất sợ căn bệnh quái ác kia cướp đi người ba thân yêu của em. Qua Tết, em sẽ làm thủ tục bảo lưu điểm ở trường 1 năm. Thời gian tới, chắc chúng mình không gặp nhau ở trường nữa rồi.

Quyết định của Hiền làm cho Thắng thảng thốt:

- Trời! Tụi mình học gần xong năm hai rồi mà Hiền còn bảo lưu điểm sao? Nếu biết vậy thì Thắng đã...

Hiền khoác tay lên vai Thắng, nói nhẹ nhàng:

- Hiền chỉ bảo lưu điểm chứ có nghỉ học luôn đâu. Một năm nữa khi mọi thứ ổn định lại rồi, Hiền sẽ đi học lại.

Hiền gạt đi những giọt nước mắt đang sắp tuôn ra trên khóe mắt mình, cô mạnh mẽ lên tinh thần mọi người:

- Cô Năm, anh Trọng với Thắng làm sao vậy? Hãy vui lên đi chứ! Đây là đêm giao thừa, đêm của hy vọng và niềm tin vào tương lai. Chuyện gì không vui trong năm cũ hãy để sang một bên. Anh Trọng và Thắng cười lên nào! Con đường phía trước vẫn còn rất dài mà. Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp lại thôi.

Một sự lạnh lẽo bao trùm lên căn nhà của cô Năm. Sau khi biết chuyện của Hiền, Thắng không ăn uống gì nữa, chỉ lặng người ngồi ở ngoài sân. Một đêm với nhiều cảm xúc lẫn lộn trong Thắng. Trọng và cô Năm tiếp tục an ủi, động viên Hiền cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bữa cơm ấm cúng giờ chỉ còn lại những trăn trở khó nói nên lời.

Những tia pháo hoa cuối cùng tung lên trên bầu trời. Những con phố đông người giờ trở nên thưa thớt, không còn tiếng ồn ào, náo nhiệt như cách đó vài chục phút. Đêm giao thừa đã khép lại trong lòng Trọng, Thắng và Hiền những điều ngổn ngang chưa thoát ra được. Với họ, năm mới vừa là sự khởi đầu cho những điều tươi đẹp, vừa là cuộc hành trình nối tiếp cho những gì còn bỏ lại.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro