ĐÊM THỨ HAI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đấy, ông vẫn sống đến bây giờ nhé! - nàng nói, vừa cười vừa xiết chặt cả hai tay tôi.

- Tôi đã ở đây hơn hai giờ rồi; cô không biết chuyện gì đã xảy ra với tôi cả ngày hôm nay đâu!

- Em biết, em biết... nhưng để em nói ngay vào việc. Ông có biết em đến để làm gì không... Không phải để ba hoa vớ vẩn như hôm qua đâu! Thế này ông ạ: chúng ta từ nay sẽ phải xử sự một cách thông minh hơn. Hôm qua em đã suy nghĩ rất lâu về tất cả những chuyện này.

- Cái gì, cái gì thông minh hơn... Về phần tôi, tôi sẵn sàng; nhưng, quả thực, với tôi, trong đời, chưa xảy ra chuyện gì thông minh hơn bây giờ.

- Thế ư... Thứ nhất, xin ông đừng bóp tay em như thế; thứ hai, nói để ông biết, hôm nay em đã suy nghĩ rất lâu về ông.

- Thế kết quả ra sao...

- Kết quả ra sao ư... Kết quả là, lại phải bắt đầu tất cả từ đầu, vì rằng hôm nay em kết luận là em chưa biết tí gì về ông cả, rằng hôm qua em đã xử sự như một đứa trẻ, như một bé gái, và hoá ra tất cả là tại lòng tốt của em, nghĩa là em đã tự khoe mình, như thói thường vẫn vậy mỗi khi ta bắt đầu xét định bản thân ta. Và để sửa chữa sai lầm, em quyết định tìm hiểu về ông một cách kĩ lưỡng nhất. Nhưng vì không có ai giúp em để tìm hiểu ông được nên ông phải tự mình kể cho em nghe, kế hết mọi chuyện. Ông là người như thế nào... Hãy bắt đầu kể đi, nhanh lên, kể hết chuyện đời mình đi.

- Chuyện đời! - tôi sợ hãi kêu lên. - Chuyện đời! Nhưng ai nói với cô rằng tôi có chuyện đời tôi... Tôi không có chuyện đời...

- Thế làm sao ông sống nếu như không có chuyện đời... - nàng vừa cười vừa ngắt lời tôi.

- Hoàn toàn không có chuyện đời nào cả! Tôi sống, như người ta thường nói, tự nhiên nhi nhiên, nghĩa là hoàn toàn một mình - một mình, một thân một mình, - cô có hiểu một mình là thế nào không...

- Sao lại một mình... Nghĩa là ông không bao giờ gặp ai cả... - Ồ không, gặp thì có gặp, nhưng dù sao vẫn một mình.

- Thế chẳng lẽ ông không nói chuyện với ai cả ư...

- Theo đúng nghĩa đen, thì không với ai cả.

- Thế thì ông là loại người như thế nào, nói em nghe! Gượm đã, em đoán ra rồi: chắc là ông cũng có một người bà như em ấy. Bà bị mù và suốt đời không cho em đi đâu cả, nên em gần như không biết nói nữa. Khoảng hai năm trước vì em làm một trò dại dột, bà thấy không giữ được em nữa, liền gọi em lại và dùng kim găm đính áo em vào áo bà - và từ đó hai bà cháu cứ ngồi bên nhau suốt ngày. Bà đan bít tất, tuy mắt bà mù; còn em ngồi cạnh bà, khâu vá hay đọc sách cho bà nghe - thế là thành một cái lệ kì quặc, hai năm rồi em bị đính vào bà như thế!

- Ôi lạy Chúa, khốn khổ quá! Không, tôi không có người bà như thế. - Thế nếu không, tại sao ông lại có thể ngồi ở nhà......

- Có phải cô muốn biết tôi là ai không...

- Vâng, đúng thế.

- Trong đúng nghĩa của nó...

- Trong nghĩa hết sức đúng!

- Xin lỗi, tôi là một típ người đặc biệt.

- Típ người, típ người! Típ người nào... - cô gái kêu lên, phá ra cười như thể hàng năm rồi nàng chưa được cười. - Chà, ông vui quá! Này ông, ở đây có ghế dài, ta ngồi xuống đi! Nơi này không ai qua lại, không ai nghe thấy chúng ta cả, và - ông hãy kể chuyện đời của ông đi! Vì rằng, ông đừng thuyết phục em nữa, ông có chuyện đời của ông, chỉ có điều ông giấu em. Trước hết, típ người đặc biệt là thế nào...

- Típ người đặc biệt ấy à... Típ người đặc biệt là một kẻ độc đáo, một kẻ buồn cười! - tôi đáp, tự mình cũng phá ra cười theo tiếng cười thơ trẻ của nàng. - Đó là một tính cách. Thế cô có biết một kẻ mơ mộng là như thế nào không...

- Kẻ mơ mộng... Xin lỗi, nhưng làm sao em lại không biết... Chính em cũng là một kẻ mơ mộng mà! Đôi lúc em ngồi cạnh bà mà đầu óc không có chuyện gì là không nghĩ đến. Thế là bắt đầu mơ mộng, nghĩ đủ thứ vẩn vơ - thí dụ như chuyện mình sẽ lấy chồng là một hoàng tử Trung Hoa... Mà nhiều khi mơ mộng là rất tốt!

Không, thực ra có trời biết được! Nhất là khi có điều gì đó phải suy nghĩ, - nàng nói thêm bằng một giọng khá nghiêm trang.

- Tuyệt! Một khi cô đã mơ đến lấy hoàng tử Trung Hoa thì có nghĩa là cô sẽ hoàn toàn hiểu tôi. Này, cô nghe nhé... Nhưng xin lỗi, tôi còn chưa biết tên cô...

- Có thế chứ! Ông nhớ ra hơi sớm đấy!

- Ôi, lạy Chúa! Tôi quên bẵng đi mất, vì tôi quá vui mà.

- Tên em là Naxtenca.

- Naxtenca... Chỉ thế thôi ư...

- Chỉ thế thôi! Chẳng lẽ thế còn là ít, ông tham lam quá đấy!

- Ít à... Nhiều, nhiều, ngược lại, quá nhiều ấy chứ. Naxtenca, cô là một cô gái tốt bụng, nếu như ngay từ đầu đối với tôi cô đã là Naxtenca rồi! (1)

- Thế - thế đấy! Nào!

- Thế này, Naxtenca ạ, cô hãy nghe một câu chuyện buồn cười nhé.

Tôi ngồi xuống cạnh nàng, lấy một tư thế thật nghiêm trang và bắt đầu nói như đọc:

- Naxtenca ạ, có thể cô không biết, ở Peterburg có những xó xỉnh thật kì lạ. Vầng mặt trời vẫn chiếu sáng cho tất cả mọi người dân Peterburg, dường như không bao giờ ngó đến những chỗ ấy, mà ở đó có một mặt trời khác, như thể nó được đặt riêng cho những xó xỉnh này, và nó chiếu lên tất cả bằng một thứ ánh sáng khác, đặc biệt. Ở những xó xỉnh này, Naxtenca quý mến ạ, dường như là một cuộc sống hoàn toàn khác, không giống như cuộc sống vẫn sôi sục bên cạnh chúng ta, mà là một cuộc sống ở những vương quốc xa lắc xa lơ chưa ai từng biết đến, một cuộc sống không phải ở vào thời đại quá nặng nề khắc nghiệt của chúng ta. Chính cuộc sống đó là sự hoà trộn giữa một cái gì đó thuần tuý hoang đường, cuồng nhiệt lí tưởng, và đồng thời (hỡi ôi, Naxtenca!) phàm tục nhạt nhẽo và tầm thường, để khỏi phải nói: nhỏ mọn đến mức không tưởng được!

- Phù! Lạy Chúa! Một lời mào đầu mới khiếp! Em nghe thấy cái gì thế này...

- Cô sẽ nghe, Naxtenca ạ (tôi nghĩ rằng tôi sẽ gọi cô là Naxtenca không bao giờ biết mỏi), cô sẽ nghe rằng sống ở những xó xỉnh đó là những con người kì quặc - những kẻ mơ mộng. Kẻ mơ mộng, - nếu như cần một định nghĩa cụ thể - không phải là người, mà cô biết không, là một sinh vật giống trung nào đó. Phần lớn nó cư trú ở những xó xỉnh không ai đến được, dường như muốn trốn tránh cả ánh mặt trời, và một khi đã về nhà riêng thì nó bám riệt lấy cái xó của mình như một con sên, hay ít ra về phương diện này nó rất giống với một con vật thú vị - vừa là con vật vừa là nhà ở - mà ta gọi là con rùa. Cô nghĩ sao, vì cớ gì anh ta yêu mến bốn bức tường của mình, những bức tường nhất thiết phải quét ve xanh, ám khói ảm đạm, và nồng nặc mùi thuốc lá đến không thể chịu được...

Vì cớ gì cái quý ngài kì quái này, khi có một ai đó trong số những người quen hiếm hoi đến thăm (mà với kiểu cách của anh ta thì những người quen cũng hết dần), vì cớ gì cái con người kì quái này lại đón tiếp khách với vẻ ngượng ngập đến thế, luống cuống đến tái cả mặt mày, dường như anh ta vừa phạm một tội ác nào đó trong bốn bức tường của nhà mình, dường như anh ta vừa làm bạc giả hay một vài bài thơ nào đó để gửi đi đăng báo bằng một lá thư nặc danh, trong đó thông báo rằng tác giả của bài thơ đã chết và bạn của ông ta tự thấy mình có trách nhiệm phải công bố thơ của ông ta... Vì cớ gì, Naxtenca, cô nói tôi nghe, vì cớ gì câu chuyện của hai người này lại rời rạc đến thế... Vì cớ gì không một tiếng cười, không một lời hóm hỉnh buột ra từ đầu lưỡi của người bạn đến bất ngờ và đầy bối rối, người bạn này vốn lúc nào cũng ưa vui đùa, ưa pha trò hóm hỉnh, ưa những câu chuyện về phái đẹp và những đề tài vui vẻ khác... Và sau hết, vì cớ gì, người bạn ấy, có lẽ vừa mới quen biết nhau và chỉ mới đến đây lần đầu, - vì rằng trong trường hợp này sẽ không có lần thứ hai và người bạn ấy sẽ không đến thêm lần nào nữa - vì cớ gì người bạn ấy cũng bối rối, cũng chết lặng mặc dù anh ta là người hết sức thông minh (nếu như quả thật anh ta thông minh) khi anh ta nhìn bộ mặt lộn ngược của chủ nhà đã hoàn toàn rối trí sau những nỗ lực phi thường nhưng vô ích để làm cho câu chuyện được tự nhiên và sôi nổi, tỏ ra mình cũng hiểu biết về xã hội thượng lưu, cũng bàn luận cả về phái đẹp, hòng bằng cách đó làm hài lòng con người tội nghiệp đã sai lầm đến thăm nơi đây... Và cuối cùng, vì cớ gì vị khách kia đột nhiên chụp lấy mũ và vội vã ra về vớI lí do chợt nhớ tới một việc cực kì khẩn thiết mà thực ra không hề có, hấp tấp rút tay mình khỏi những cái bắt tay nồng nhiệt của chủ nhà đang tìm mọi cách tỏ ra hối tiếc và cố cứu vãn tình thế... Vì cớ gì người bạn vừa ra khỏi cửa đã phá lên cười ha hả và tự thề với mình là sẽ không bao giờ đến thăm cái gã hấp hơi này nữa, mặc dù cái gã hấp hơi này thực tình là một con người hết sức tuyệt vời, đồng thờI anh ta cũng không thể nào dứt khỏi cái trò ngộ nghĩnh nho nhỏ của trí tưởng tượng là so sánh bộ dạng của người vừa nói chuyện với mình trong suốt buổi gặp gỡ với bộ dạng của một chú mèo con bất hạnh bị lũ trẻ lừa bắt được, đem ra vày vò, trêu chọc, doạ nạt và hành hạ đủ kiểu, cuối cùng thoát khỏi tay chúng chui xuống gầm ghế tối tăm, ngồi đó cáu kỉnh suốt cả giờ, xù lông, gầm gừ, dùng hai chi trước rửa bộ mặt oán giận và sau đó rất lâu vẫn với một vẻ hằn học nhìn thiên nhiên, cuộc sống và thậm chí cả đĩa thức ăn của chủ nhà mà chị hầu gái tốt bụng dành riêng cho nó...

- Nhưng khoan đã ông, - Naxtenca, nãy giờ nghe tôi nói với vẻ ngạc nhiên, mắt mở to, miệng há ra, chợt cắt ngang lời tôi, - em hoàn toàn không hiểu tại sao lại xẩy ra chuyện như vậy và tại sao ông lại đặt ra cho em những câu hỏi buồn cười như vậy; nhưng điều này thì em biết chắc: những chuyện đó nhất định là xảy ra với ông, từ đầu đến cuối.

- Chắc chắn là thế, - tôi đáp với vẻ mặt hết sức nghiêm trang.

- Nếu như chắc chắn là thế, thì ông tiếp tục kể đi, - Naxtenca đáp. - Vì rằng em rất muốn biết chuyện đó kết thúc ra sao.

- Naxtenca, có phải cô muốn biết nhân vật của chúng ta, - hay nói đúng hơn là tôi, bởi nhân vật đó đúng là cái thằng tôi hèn mọn này, - hàng ngày làm gì trong cái xó xỉnh của mình; có phải cô muốn biết vì sao tôi suốt cả ngày bấn loạn bối rối vì cuộc viếng thăm bất ngờ của bạn... Có phải cô muốn biết vì sao tôi cuống quít, đỏ mặt khi người ta mở cửa phòng tôi, tại sao tôi không biết tiếp khách và chết thẹn dưới sức nặng của lòng mến khách của mình...

- Vâng, đúng, đúng! - Naxtenca đáp, - chính thế. Nhưng ông kể hay quá, liệu ông có thể kể bằng cách nào đó không hay đến như vậy được không... Ông cứ nói như đang đọc sách ấy.

- Naxtenca! - tôi đáp bằng một giọng nghiêm túc và quan trọng, gắng lắm mới nhịn được cười, - Naxtenca yêu quí, tôi biết rằng tôi kể rất hay, nhưng xin lỗi là tôi không biết kể cách khác. Bây giờ, Naxtenca ạ, bây giờ tôi giống như linh hồn của vua Xolomon suốt một nghìn năm bị nhốt trong bình với bảy lần bùa dấu. (3)

Nhưng cuối cùng thì cả bảy lần bùa dấu ấy đã được gỡ ra. Bây giờ, Naxtenca yêu dấu ạ, khi chúng ta lại đã gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách như vậy, - vì rằng tôi đã biết cô lâu rồi Naxtenca ạ, vì rằng đã từ lâu tôi cứ tìm ai đó, và đây là dấu hiệu chứng tỏ rằng người tôi tìm chính là cô và rằng bây giờ chúng ta đã được xui khiến gặp nhau, - bây giờ trong đầu tôi cả ngàn khoá vòi đã được mở, và tôi phải tuôn ra hàng suối ngôn từ, không thì tôi chết ngột mất. Vì vậy, Naxtenca ạ, xin cô đừng ngắt lời tôi, mà hãy lắng nghe ngoan ngoãn, chịu khó, không thì tôi không nói nữa đâu.

- Không, không, không thể được! Ông kể đi! Bây giờ em sẽ không nói lời nào nữa.

- Tôi kể tiếp nhé. Trong ngày của tôi có một giờ tôi đặc biệt yêu thích, Naxtenca ạ. Đó là cái giờ khi mà gần như tất cả những công chuyện, chức vụ và trách nhiệm quan trọng đã kết thúc và mọI người vội vã về nhà để ăn tối, nghỉ ngơi, nhưng ngay trên đường về họ lại sáng tạo ra những đề tài vui vẻ khác liên quan đến buổi chiều, buổi tối và toàn bộ số thời gian rảnh rỗi còn lại. Vào cái giờ đó nhân vật của chúng ta, - Naxtenca, xin cô cho phép tôi kể ở ngôi thứ ba, vì rằng kể ở ngôi thứ nhất xấu hổ lắm, - vậy là vào cái giờ ấy nhân vật của chúng ta, không phải là không có việc, cũng rảo bước theo mọi người khác. Nhưng một cảm giác thoả mãn kì lạ lộ trên khuôn mặt nhợt nhạt và có vẻ như nhầu nhĩ của anh ta. Anh ta ngắm nhìn ráng chiều đang dần tắt trên bầu trời Peterburg lạnh lẽo với vẻ không hờ hững lắm. Nhưng tôi nói "ngắm nhìn" là không đúng; anh ta không ngắm nhìn, mà đang trầm tư một cách không chủ đích, dường như quá mệt mỏi hay mải mê nghĩ về một điều gì khác thú vị hơn nên chỉ có thể thoáng qua, gần như vô tình, dành một chút chú ý cho cảnh vật xung quanh. Anh ta hài lòng vì cho đến ngày mai không phải làm những công việc chán ngắt của mình và vui mừng như một cậu học trò nhỏ được rời bàn học để đến với những trò nghịch ngợm yêu thích. Cô hãy quan sát anh ta từ phía bên, Naxtenca ạ, và cô sẽ thấy cái cảm giác vui mừng đó tác động một cách tốt lành như thế nào đối với hệ thần kinh yếu ớt và trí tưởng tượng được kích động một cách bệnh hoạn của anh ta. Đấy, anh ta đang mải nghĩ một điều gì đó... Cô cho là anh ta nghĩ về bữa ăn... Về buổi tối hôm nay... Anh ta nhìn cái gì vậy... Nhìn quý ông dáng vẻ đường bệ kia đang nghiêng mình chào thật kiểu cách một phụ nữ ngồi trong cỗ xe lộng lẫy với những con tuấn mã kéo ngang qua... Không, Naxtenca ạ, bây giờ anh ta đâu có để ý tới những chuyện vặt vãnh đó! Anh ta bây giờ đã là người giàu có bởi cái cuộc sống riêng biệt của mình, anh ta như bỗng trở nên giàu có, tia nắng cuối cùng của vầng dương sắp lặn đã loé rực lên trước mặt anh ta không vô ích và gợi lên trong trái tim được sưởi ấm của anh ta cả một lô xúc cảm. Bây giờ anh ta dường như không nhận thấy con đường mà trước kia bất kì một sự vật vặt vãnh nhất nào cũng khiến anh ta ngạc nhiên tò mò. Bây giờ "nữ thần tưởng tượng" (nếu như cô đã đọc Giucovxki, Naxtenca yêu quý ạ) đã bằng bàn tay của mình dệt xong tấm nền vàng của mình và giờ đang thêu lên trước mắt anh ta những hình ảnh rực rỡ của một cuộc sống lạ lùng chưa bao giờ thấy - mà biết đâu, có thể bằng bàn tay đỏng đảnh của mình nữ thần đã nâng bổng anh ta từ vỉa hè lát đá rất đẹp mà anh ta đang đi về nhà lên đến tận chín từng trời pha lê. Nếu bây giờ chặn anh ta lại, bất ngờ hỏi anh ta: anh đang đi đâu, đang ở trên đường phố nào... thì chắc anh ta chẳng nhớ gì, cả đường đang đi, cả nơi đang đứng, và đỏ mặt bối rối, chắc anh ta sẽ bịa ra một chuyện gì đó để giữ phép lịch sự. Chính vì vậy mà anh ta giật mình, suýt hét lên và hoảng hốt nhìn quanh khi một bà già rất đáng kính dừng anh ta lại giữa hè phố để hỏi thăm về con đường bà ta bị lạc. Cau mày lại vì bực tức, anh ta bước tiếp, gần như không nhận thấy không chỉ một người qua đường nhìn theo anh ta mỉm cười, không nhận thấy một cô bé gái sợ hãi nhường đường cho anh ta, phá lên cười rất to, trố mắt nhìn những cái vung tay và nụ cười trầm tư nở rộng trên khuôn mặt anh ta. Nhưng vẫn nữ thần tưởng tượng ấy đã nâng bổng lên trong chuyến bay khoái hoạt của mình cả bà già đáng kính, cả những người qua đường tò mò, cả cô bé gái cười vang và cả những người đàn ông thợ thuyền đang ăn tối trên các xà lan ken nhau san sát trên kênh Đài Phun Nước (giả thử rằng lúc này nhân vật của chúng ta đang đi ở đó), tinh nghịch gắn tất cả người và vật vào tấm tranh thêu của mình như gắn những con ruồi lên mạng nhện; và với điều vừa khám phá ra, anh chàng kì quặc của chúng ta đã bước vào hang ổ thân thuộc của mình, đã ngồi vào bàn ăn tối, đã dùng xong bữa từ lâu và chỉ sực tỉnh khi bà giúp việc Mat'rena suốt đời âm thầm và rầu rĩ thu dọn xong bàn ăn và trao cho anh ta chiếc tẩu thuốc, - chỉ đến lúc đó anh ta mới sực tỉnh và ngạc nhiên nhận thấy rằng mình đã ăn xong mà không biết việc đó xảy ra như thế nào. Trong phòng đã tối hẳn, lòng anh ta trống trải và buồn bã; cả một vương quốc những điều mơ tưởng đã sụp đổ quanh anh ta, sụp đổ không dấu vết, không tiếng động, đã bay biến như cơn chiêm bao mộng mị, mà chính anh ta cũng không còn nhớ mình đã mơ những gì. Nhưng một cảm giác tăm tối nào đó khiến cho lồng ngực anh ta khẽ nhói lên xao xuyến, một niềm khao khát mới nào đó bắt đầu mơn trớn và kích thích trí tưởng tượng của anh ta một cách đầy quyến rũ và dần dần gọi đến cả một bầy những ảo ảnh mới. Căn phòng nhỏ im ắng; cảnh cô tịch và sự nhàn rỗi ve vuốt trí tưởng tượng của anh ta, nó bén lửa, sôi lên như ấm cà phê của bà Mat'rena già nua đang bình thản loay hoay bên cạnh để đun cà phê tối. Thế là nó, cái trí tưởng tượng ấy, loé bùng lên từng cơn; thế là cuốn sách, vừa được cầm lên một cách hú hoạ, không mục đích, đã tuột khỏi tay kẻ mơ mộng của tôi mà chưa được giở đến trang thứ ba. Trí tưởng tượng của anh ta lại được đánh thức, lạI được kích thích, và bỗng nhiên một thế giới mới, một cuộc sống tuyệt diệu mới lại sáng bừng lên trước mặt anh ta trong viễn cảnh huy hoàng. Một giấc mơ mới - một hạnh phúc mới! Một liều mới của thứ độc dược khoái lạc, tinh tế! Ồ, đối với anh ta thì cuộc sống thực của chúng ta chẳng là cái gì cả! Dưới cái nhìn đã bị biến dạng của anh ta thì chúng ta, tôi và cô, đang sống một cách biếng nhác, chậm chạp, uể oải; dưới cái nhìn của anh ta tất cả chúng ta đều không hài lòng với số phận của chúng ta, đều mệt mỏi bởi cuộc sống của chúng ta! Mà quả thật, cô hãy nhìn xem, quả thật mới nhìn qua giữa chúng ta mọi sự mới lạnh lùng, cau có, cáu kỉnh làm sao... "Những kẻ tội nghiệp! " - anh chàng mơ mộng của chúng ta nghĩ. Mà anh ta nghĩ như vậy cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả! Hãy nhìn những ảo ảnh thần tiên đó, chúng được tạo nên một cách đầy ma lực, kì ảo, rộng lớn trước mắt anh ta thành một bức tranh kì diệu, sống động; ở đó, tất nhiên, anh chàng mơ mộng của chúng ta là nhân vật thứ nhất, nổi bật, hàng đầu. Cô hãy nhìn xem, bao nhiêu là cuộc phiêu lưu đủ hình đủ vẻ, bao nhiêu là những ước mơ háo hức vô tận. Có thể, cô sẽ hỏi, anh ta ước mơ cái gì... Chẳng cần phải hỏi. Anh ta mơ ước về tất cả... về vai trò của một nhà thơ lúc đầu không được thừa nhận nhưng sau đạt đỉnh vinh quang; về tình bạn với Hoffman; về Đêm hội Varfelomei, Diana Vernon, chiến công hiển hách trong trận Ivan Đại Đế chiếm thành Cazan, Clara Movbrai, Evfi Dens, hội đồng giám mục và Hus đứng trước họ, cuộc nổi dậy của các tử thi ở Robert (cô nhớ phần âm nhạc không... - sặc mùi nghĩa địa!), Minna và Brenda, trận đánh ở Berezina, buổi đọc thơ ở nhà nữ bá tước V. và D., Danton, Cleopat'ra ei suoi amanti, ngôi nhà ở Colomna, cái góc riêng tư, và bên cạnh là một tạo vật duyên dáng lắng nghe trong buổi tối mùa đông với cái miệng xinh xinh và đôi mắt mở to, hệt như bây giờ cô đang lắng nghe tôi, hỡi thiên thần nhỏ bé của tôi... Không, Naxtenca ạ, anh ta đâu có cần gì, cái anh chàng lười biếng đam mê này đâu có quan hoài gì đến cái cuộc sống mà tôi với cô khát khao đến vậy... Anh ta nghĩ rằng đấy là một cuộc sống thảm hại, đáng thương, mà không tự biết rằng có thể đến một lúc nào đấy đối với anh ta giờ phút đau buồn sẽ điểm, khi đó anh ta sẵn sàng đổi tất cả những năm tháng hoang tưởng của mình để lấy một ngày của cuộc sống thảm hại này, mà không phải để đổi lấy niềm vui, hạnh phúc, mà anh ta cũng không muốn lựa chọn trong cái giờ khắc buồn sầu ăn năn và khổ đau vô hạn ấy. Nhưng hiện giờ, khi nó chưa đến, cái giờ khắc tàn nhẫn đáng sợ ấy chưa đến, - anh ta không khao khát điều gì cả, vì rằng anh ta cao hơn mọi khao khát, vì rằng anh ta đang có tất cả, vì rằng anh ta đang thừa thãi, vì rằng anh ta là nghệ sĩ của cuộc đời mình và từng giờ một sáng tạo ra nó theo một ý thích riêng mới... Mà cái thế giới hoang tưởng thần tiên ấy được tạo ra mới nhẹ nhàng, mới tự nhiên làm sao! Dường như tất cả thực sự không phải là ảo ảnh. Và quả thật, có những phút giây anh ta sẵn sàng tin rằng toàn bộ cuộc sống đó không phải là những cơn bùng cháy cảm xúc, không phải là hư ảnh, không phải là sự lừa dối của trí tưởng tượng, mà đó thật sự là một hiện thực hiển nhiên, chân chính! Tại sao, Naxtenca, cô hãy nói cho tôi biết, tại sao trong những phút giây ấy hơi thở như nghẹn tắc lại... Tại sao bằng một phép mầu nào đó, theo một ý nguyện của ai đó mà nhịp tim đập gấp, nước mắt trào ra và đôi má nhợt nhạt ướt nhoè của một kẻ mơ mộng cháy bừng lên và toàn bộ sự tồn tại của anh ta như tràn đầy một niềm vui sướng không sao tả nổi như vậy...

Tại sao những đêm dài không ngủ thoáng qua như một tích tắc, trong hạnh phúc và niềm vui bất tận, và khi bình minh chiếu tia nắng hồng vào cửa sổ và rọi sáng căn buồng ảm đạm bằng thứ ánh sáng hư ảo đáng ngờ như ở Peterburg của chúng ta thì anh chàng mơ mộng mệt mỏi, kiệt sức của chúng ta ném mình xuống giường và lịm đi trong nỗi khoái cảm của trạng thái tinh thần bệnh hoạn chấn động của mình và với một nỗi đau ngọt ngào uể oải trong tim... Đúng, Naxtenca ạ, ta sẽ bị lừa dối và vô hình trung tin rằng một nỗi đam mê thật sự đang xao động tâm hồn anh ta, bất giác tin rằng có một cái gì đó sống động, nắm bắt được trong những mộng tưởng vô hình của anh ta! Mà một sự lừa dối như thế nào kia chứ - đấy, chẳng hạn tình yêu đã xâm nhập vào lồng ngực anh ta với một niềm vui không cạn, với tất cả những dày vò khốn khổ... Chỉ cần nhìn anh ta là sẽ thấy ngay điều đó! Nhìn anh ta, cô có tin không, ôi Naxtenca yêu quí, cô sẽ không tin là trong thực tế anh ta không hề biết người đàn bà mà anh ta yêu đến vậy trong các mộng tưởng cuồng dại của mình... Chẳng lẽ anh ta chỉ nhìn thấy nàng trong những ảo ảnh đầy mê hoặc và niềm đam mê ấy chỉ là một giấc mơ thôi sao... Chẳng lẽ quả thực họ đã không cùng nhau đi, tay trong tay, trong suốt bao nhiêu năm tháng của cuộc đời mình, - chỉ riêng họ với nhau, hai người, tách xa toàn thế giới, mỗi người đem gắn thế giới của mình, cuộc đời của mình với cuộc đời của bạn tình...

Chẳng lẽ không phải nàng, vào giờ khuya muộn phải chia tay, đã gục đầu buồn bã nức nở trên ngực anh ta, không nghe tiếng dông bão rít gào dưới bầu trời khắc nghiệt, không nghe cơn gió thổi bạt đi và mang theo những giọt nước mắt trên hàng mi đen của nàng...

Chẳng lẽ tất cả những cái đó chỉ là mơ ước - cả khu vườn thê lương, vắng ngắt và hoang dại này với những lối đi phủ đầy rêu, hiu quạnh và âm u, nơi họ thường dẫn nhau đến, hi vọng, sầu thương, và yêu, yêu nhau rất lâu "rất lâu và nồng thắm! " Và ngôi nhà kì quái kia, của cha ông để lại, nơi nàng đã bao năm sống cô quạnh và buồn chán với người chồng già cau có, suốt đời lầm lì, cáu kỉnh, khiến họ - hai kẻ nhút nhát như trẻ thơ, rụt rè và rầu rĩ giấu nhau tình yêu của mình - phải sợ sệt... Họ khổ sở biết bao, họ hãi hùng biết bao, mối tình của họ trong sáng, vô tội biết bao, và người đời (ồ tất nhiên thôi, Naxtenca ạ) mớI độc ác làm sao! Và, lạy Chúa tôi, chẳng lẽ không phải sau đó anh ta đã gặp nàng ở một nơi xa bến bờ tổ quốc, dưới một bầu trời xa lạ, giữa trưa nóng bỏng, trong một thành phố vĩnh cửu tuyệt vời giữa khung cảnh lộng lẫy của vũ hội, tiếng nhạc vang lừng, trong một lâu đài (nhất định phải là trong một lâu đài) chìm ngập trong ánh lửa đèn, trên ban công mọc đầy đào kim nương và hoa hồng, vừa nhận ra anh ta nàng đã vội gỡ mặt nạ hoá trang và thì thào "Em đã được tự do" rồi run rẩy lao vào vòng tay anh ta; hai người kêu lên vui sướng, ghì chặt nhau, trong khoảnh khắc quên đi cả những nỗi khổ đau, cả sự chia li, cả mọI day dứt, cả căn nhà ảm đạm, cả người chồng già, cả mảnh vườn hoang tối ở quê hương xa xôi, cả chiếc ghế dài nơi nàng đã vùng thoát ra khỏi vòng tay đờ đẫn trong nỗi đau tuyệt vọng của anh ta sau nụ hôn nồng nàn cuối cùng... Ô, Naxtenca, cô hãy đồng ý rằng cô sẽ hoảng hốt, sẽ bối rối, đỏ mặt như một cậu học trò vừa nhét vào túi quả táo ăn cắp ở vườn bên, khi một anh chàng cao kều khoẻ mạnh, vui vẻ, lắm mồm, người bạn không mời mà đến của cô, bỗng mở cửa phòng cô và hét lên như không có chuyện gì xảy ra: "Còn tôi, bạn ạ, vừa từ Pavlovxc đến! " Lạy Chúa tôi! Lão bá tước già vừa chết, hạnh phúc vô tả sắp đến - vậy mà lại người từ Pavlovxc đến! Tôi hùng hồn im lặng sau những lời diễn thuyết hùng hồn. Tôi nhớ, lúc đó tôi rất muốn bằng một cách nào đó phá lên cười hô hố vì tôi đã cảm thấy một con quỉ thù địch bắt đầu cựa quậy trong tôi, vì rằng cổ họng tôi bắt đầu tắc nghẹn, cằm co giật, hai mắt mỗi lúc một thêm nhoà ướt... Tôi nghĩ rằng Naxtenca, lắng nghe tôi với cặp mắt thông minh mở to, sẽ phá lên một tràng cười trẻ thơ, vui vẻ không kìm nén của mình, và tôi hối hận là đã đi quá xa, đã hoài công kể lại tất cả những gì từ lâu sôi sục trong tim và tôi có thể nói ra như đọc, vì rằng đã từ lâu tôi chuẩn bị sẵn cho mình lời phán quyết và giờ đây không thể kìm nổi để không đọc nó lên, tự thú nhận, mà không mong người ta sẽ hiểu mình; nhưng tôi ngạc nhiên thấy nàng im lặng; lát sau nàng khẽ bóp nhẹ bàn tay tôi và hỏi bằng một giọng cảm thông rụt rè:

- Chẳng lẽ quả thực ông đã sống suốt đời mình như thế sao...

- Suốt đời, Naxtenca ạ, - tôi đáp, - suốt đời, và có lẽ sẽ như thế cho đến phút chót!

- Không, như thế không được, - nàng lo lắng nói, - sẽ không nhưthế đâu; và có lẽ em cũng sẽ sống suốt đời như vậy cạnh bà em. Này ông, ông có biết sống như thế là không hay không...

- Tôi biết, Naxtenca ạ, tôi biết chứ! - tôi hét to, không còn kìm giữ cảm xúc của mình nữa. - Và bây giờ tôi càng biết hơn bao giờ hết là tôi đã để phí hoài những năm tháng tốt nhất của đời mình! Bây giờ tôi biết điều đó, và tôi càng cảm thấy đau buồn hơn bởi điều nhận biết đó, vì rằng chính Đức Chúa Trời đã ban tặng cô cho tôi, hỡi thiên thần tốt bụng của tôi, để nói với tôi và chứng tỏ với tôi điều đó. Bây giờ, khi tôi ngồi cạnh cô và nói với cô, tôi lại khiếp sợ khi nghĩ đến tương lai, vì rằng trong tương lai sẽ lại là cô đơn, lại là cuộc sống mốc meo, không cần thiết; và tôi còn biết ước mơ gì nữa, khi trong đời thực tôi đã được hạnh phúc đến vậy bên cạnh cô! Ôi, Chúa sẽ ban phước cho cô, hỡi cô gái dịu hiền, vì rằng cô đã không

xua đuổi tôi ngay từ lần gặp đầu tiên, vì rằng bây giờ tôi có thể nói, ít ra tôi đã được sống hai buổi tối trong đời mình!

- Ồ không, không! - Naxtenca thốt lên và mắt nàng long lanh lệ. - Không, sẽ không như vậy nữa đâu; chúng ta sẽ không xa nhau nữa! Hai buổi tối là sao!

- Ôi, Naxtenca, Naxtenca! Cô có biết cô đã khiến tôi hài lòng với bản thân mình không... Cô có biết từ bây giờ tôi sẽ không nghĩ về mình tồi tệ như trước đây nữa không... Cô có biết là bây giờ tôi có thể sẽ không buồn phiền vì đã phạm những tội ác và lỗi lầm trong đời mình, vì rằng một cuộc sống như vậy chính là tội ác và lỗi lầm... Và cô đừng nghĩ là tôi phóng đại với cô một điều gì đó, lạy Chúa, cô đừng nghĩ như vậy, Naxtenca ạ, vì rằng có những phút giây tôi cảm thấy buồn chán đến mức, đến mức... Vì rằng vào những lúc đó tôi cảm thấy tôi không bao giờ có thể bắt đầu sống một cuộc sống thật sự, vì rằng tôi cảm thấy tôi đã đánh mất mọi khả năng ứng xử, mọi cảm giác đối với hiện thực, vì rằng cuối cùng tôi đã tự nguyền rủa mình, vì rằng sau những đêm ảo tưởng tôi đã có những phút giây tỉnh táo, mà những phút giây ấy thật khủng khiếp! Mà trong lúc đó ta vẫn nghe quanh mình mọi người đang quay cuồng trong cuộc sống ồn ào náo động, vẫn nghe, vẫn thấy thiên hạ sống như thế nào - thiên hạ sống thật sự, thấy rằng cuộc sống của họ không phải được vẽ tạo ra, rằng cuộc sống của họ không bay biến như chiêm bao, như ảo ảnh, rằng cuộc sống của họ luôn luôn đổi mới, luôn luôn trẻ trung và không một giờ nào giống giờ nào, trong lúc đó trí tưởng tượng nhút nhát thì đơn điệu và tẻ nhạt đến thô thiển, nó là nô lệ của hình bóng, của ý tưởng, nô lệ của đám mây đầu tiên bất ngờ che lấp mặt trời và đem nỗi phiền muộn bóp nghẹt trái tim Peterburg chân chính vốn rất yêu quý mặt trời của mình, - mà đã phiền muộn thì còn tưởng tượng nỗi gì... Và ta cảm thấy nó, cái trí tưởng tượng không cạn ấy, cuối cùng cũng tàn lụi, cạn kiệt trong sự căng thẳng thường xuyên, vì rằng ta cũng phải trưởng thành, lớn vượt khỏi những lí tưởng trước kia của mình: những lí tưởng đó sẽ bị vỡ tan ra thành bụi, thành những mảnh vỡ; và nếu như không có cuộc sống khác, thì ta buộc phải tạo dựng ra nó bằng chính những mảnh vỡ đó. Mà trong lúc đó tâm hồn lại khao khát, lại cầu xin một cái gì khác! Và kẻ mơ mộng hoài công đào bới trong những mơ ước cũ của mình như trong đống tro, mong tìm trong đống tro ấy dù chỉ một vài tia lửa nhỏ nhoi để thổi nó bùng lên thành ngọn lửa hồng sưởi ấm trái tim đã trở nên giá lạnh và làm sống lại trong nó tất cả những gì trước kia đã từng dễ thương đến vậy, đã từng làm xao động tâm hồn, đốt sôi dòng máu, khiến trào hàng lệ, đã từng lừa dối một cách huy hoàng đến vậy! Và Naxtenca, cô có biết tôi đã làm gì không... Cô có biết tôi đã buộc phải làm lễ tưởng niệm các cảm xúc của mình, tưởng niệm cái mà trước kia đã từng dễ thương đến vậy, cái mà thực ra không hề tồn tại bao giờ, - vì rằng đó chỉ là tưởng niệm những mơ ước viển vông, ngu ngốc, - và tôi làm điều đó vì rằng cả những mơ ước ngu ngốc đó cũng không còn nữa, vì rằng không có gì để nuôi sống chúng, mà ước mơ cũng phải nuôi mớI sống chứ! Cô có biết không, bây giờ tôi vẫn thích vào những kì hạn nhất định nhớ lại và đến thăm những nơi trước kia tôi đã từng được hạnh phúc theo cách riêng của mình, thích xây dựng hiện tại của tôi theo cái quá khứ không bao giờ trở lại và thường lang thang như cái bóng, không mục đích, vô định, buồn bã và ngán ngẩm trên các đường phố và ngõ nhỏ Peterburg. Và những hồi ức! Chẳng hạn, tôi nhớ lại rằng chính ở đây đúng một năm về trước, đúng vào ngày này, giờ này, cũng theo đúng vỉa hè này tôi đã lang thang một mình, cũng buồn nản như bây giờ! Và nhớ lại rằng lúc đó những ước mơ cũng buồn bã, và mặc dù trước kia chẳng tốt đẹp hơn nhưng dù sao vẫn cảm thấy dường như cuộc sống dễ dàng hơn, yên ổn hơn, không có những ý nghĩ đen tối giờ đang ám ảnh, không có những dằn vặt lương tâm, những dằn vặt u ám, bực bội giờ đây không để tôi yên suốt cả ngày lẫn đêm. Và tôi tự hỏi mình: thế những mơ ước của mi đâu rồi... Và tôi lắc đầu ngao ngán nói: những năm tháng trôi đi mới nhanh làm sao! Và tôi lại tự hỏi mình: mi đã làm gì với những năm tháng đời mình... Mi đã chôn vùi khoảng thời gian đẹp nhất của mi vào đâu... Mi đã sống hay chưa... Hãy nhìn xem, tôi tự nói với mình, hãy nhìn xem, thế gian đang trở nên lạnh lẽo biết bao nhiêu. Rồi nhiều năm nữa sẽ trôi qua, và tiếp đến sẽ là sự cô đơn cằn cỗi cùng với tuổi già run rẩy, và tiếp nữa sẽ là nỗi buồn đau và chán nản. Thế giới tưởng tượng của mi sẽ trở nên nhợt nhạt, những mơ ước của mi sẽ tàn héo, chết khô và rơi rụng như lá vàng trên cây... Ôi Naxtenca! Thật là buồn khi chỉ còn lại một mình, hoàn toàn đơn độc, và thậm chí không có gì để luyến tiếc, không có gì, tuyệt nhiên không có gì cả... vì rằng tất cả những gì đã mất, tất cả những cái đó đều chẳng là gì hết, chỉ là một con số không ngớ ngẩn, tròn trĩnh, chỉ toàn là hão huyền!

- Ôi, ông đừng làm não lòng em nữa! - Naxtenca thốt lên, lau giọt nước mắt lăn trên má nàng. - Bây giờ đã qua rồi! Bây giờ chúng ta sẽ bên nhau; bây giờ dù có chuyện gì xảy ra với em đi nữa, chúng ta cũng sẽ không bao giờ xa nhau. Ông hãy nghe em. Em là một cô gái bình thường, em ít học, mặc dù bà em có thuê thầy dạy cho em; nhưng quả thật em hiểu ông, bởi vì tất cả những gì ông vừa kể em nghe em cũng đã trải qua khi bà đính em vào áo của bà. Tất nhiên em không thể kể hay được như ông vừa kể, em không được học mà, - nàng rụt rè nói thêm, vì rằng nàng còn cảm thấy kính trọng đối với bài hùng biện của tôi và đối với những lời hoa mĩ của tôi, - nhưng em rất vui mừng là ông đã thổ lộ hết với em. Bây giờ em đã biết ông, biết hết, biết tất cả rồi. Và ông biết sao không... Em muốn kể cho ông nghe chuyện của em, kể hết không giấu giếm gì, rồi sauđó ông cho em một lời khuyên. Ông là người rất thông minh, ông có hứa là sẽ cho em lời khuyên ấy không...

- Ôi Naxtenca, - tôi đáp, - mặc dù tôi chưa bao giờ là ngườI khuyên bảo ai, nhất lại là người khuyên bảo thông minh, nhưng bây giờ tôi thấy là nếu chúng ta sẽ mãi sống như thế này thì điều đó sẽ là rất thông minh và mỗi người sẽ cho nhau nhiều, rất nhiều những lời khuyên thông minh! Ôi Naxtenca tuyệt vời của tôi, cô muốn tôi khuyên điều gì... Cô hãy nói thẳng ra, tôi bây giờ đang rất vui vẻ, hạnh phúc, can đảm và thông minh nên tìm lời không khó!

- Không, không! - Naxtenca cười và ngắt lời tôi, - em không cần lời khuyên thông minh, em cần lời khuyên chân tình, anh em, một lời khuyên như thể ông đã yêu em cả thế kỉ nay!

- Được, Naxtenca ạ, được! - tôi hét lên sung sướng. - Giá như tôi đã yêu em hai mươi năm rồi, thì vẫn cứ không thể nào yêu mãnh liệt hơn bây giờ!

- Đưa tay ông đây! - Naxtenca nói.

- Nó đây! - tôi đáp, đưa tay cho nàng.

- Vậy là ta bắt đầu câu chuyện của em!

CÂU CHUYỆN CỦA NAXTENCA

- Một nửa câu chuyện của em ông đã biết, tức là ông biết em có một người bà đã già...

- Nếu như nửa kia cũng ngắn gọn như nửa này... - tôi cười ngắt lời nàng.

- Ông hãy im lặng mà nghe. Trước hết cần giao hẹn: ông đừng ngắt lời em, nếu không em rối tung lên mất. Ông im lặng nghe em nhé!

Em có một người bà đã già. Em đến ở với bà từ khi em còn nhỏ tí, vì cha mẹ em mất sớm. Chắc trước kia bà giàu có hơn, vì bây giờ bà vẫn thường nhắc lại những ngày đẹp đẽ đã qua. Bà đã từng dạy em tiếng Pháp rồi sau đó mời thầy dạy em. Khi em mười lăm tuổi (năm nay em mười bảy rồi), thì việc học chấm dứt. Vào đúng thời gian đó em đã làm một việc dại dột; em đã làm gì thì em không nói với ông đâu, chỉ biết rằng lỗi lầm của em không lớn lắm. Nhưng một buổi sáng bà gọi em đến và nói rằng vì bà đã loà nên không quản được em, bà lấy kim găm đính áo em vào áo bà, và bảo rằng hai bà cháu sẽ ngồi như thế suốt đời, tất nhiên là nếu như em không trở nên ngoan hơn. Tóm lại, thời gian đầu em không thể đi đâu được: làm việc, đọc sách, học bài đều phải bên cạnh bà. Em đã tìm cách đánh lừa bà và một lần dỗ Fecla ngồi thế vào chỗ em. Fecla là chị giúp việc của chúng em, chị ta bị điếc. Fecla ngồi vào chỗ của em, lúc đó bà đang ngủ trong ghế bành, còn em thì chạy đi tìm một cô bạn gái ở gần đấy. Sự việc kết thúc khá tồi tệ. Bà thức dậy khi em đi vắng và hỏi một câu gì đó, nghĩ rằng em vẫn đang ngoan ngoãn ngồi bên cạnh. Fecla nhìn thấy bà hỏi nhưng không nghe biết bà hỏi gì, ngồi nghĩ, nghĩ phải làm gì, rồi cởi kim đính ra và bỏ chạy...

- Naxtenca dừng lời và phá lên cười. Tôi cũng cười với nàng. Nhưng nàng lập tức thôi cười.

- Này ông, ông đừng cười bà em. Đấy là em cười vì buồn cười quá... Biết làm sao khi bà như vậy, và quả thật em có yêu quý bà ít nhiều. Thế rồi bữa đó em lãnh đủ: em lập tức bị bắt ngồi vào chỗ và không được động cựa gì nữa hết.

Mà em quên kể với ông là chúng em, tức là bà em, có nhà riêng, tức là một ngôi nhà nhỏ, chỉ có ba cửa sổ, hoàn toàn bằng gỗ và cũng già lão như bà em vậy, còn phía trên có một tầng lầu nhỏ, một người thuê nhà mới đến ở đó...

- Vậy là trước kia đã có người ở... - tôi nói chêm vào.

- Vâng, tất nhiên, - Naxtenca đáp, - và ông ta biết im lặng tốt hơn ông. Quả thật ông ta khó khăn lắm mới mở được miệng. Đó là một ông già khô đét, vừa câm, vừa điếc, vừa què, nên cuối cùng ông ta không thể sống trên đời này nữa, lăn ra chết. Cần phải có người thuê nhà mới, bởi vì chúng em không thể sống thiếu người thuê nhà: chỉ có khoản đó với trợ cấp của bà là toàn bộ thu nhập của hai bà cháu. Người khách trọ mới này lại là một thanh niên, không phải người vùng này, từ nơi khác đến. Vì anh ta không mặc cả nên bà cho anh ta vào ở, rồi sau đó bà hỏi: "Thế nào, Naxtenca, người khách trọ của chúng ta có trẻ không... " Em không muốn nói dối: "Vừa vừa thôi bà ạ, không hẳn thật trẻ nhưng cũng không phải ông già". "Thế trông có dễ ưa không... " - bà hỏi. Em lại không muốn nói dối. "Vâng, trông cũng dễ ưa bà ạ! " Bà em liền nói: "Ôi, khốn khổ, khốn khổ! Đấy là bà nói với cháu, cháu ạ, để cháu đừng có ngắm nhìn anh ta. Thời buổi chẳng ra sao cả! Thế cơ đấy, một kẻ thuê nhà nhỏ mọn mà cũng trông dễ ưa, thật không như thời xưa! "

Bà em thì cứ muốn mọi cái phải như thời xưa! Và thời xưa bà trẻ hơn, và mặt trời thời xưa ấm hơn, váng sữa thời xưa cũng không chua nhanh đến thế - cái gì cũng thời xưa! Em ngồi im lặng, nhưng trong bụng nghĩ: tại sao bà lại bảo mình như thế, tại sao bà lại hỏi anh chàng khách trọ có đẹp có trẻ không... Nhưng em chỉ nghĩ thoáng qua thế thôi, rồi lại ngồi đếm mũi đan, khâu tất, và sau đó thì quên bẵng đi.

Một buổi sáng người khách trọ đến chỗ chúng em hỏi về việc trước kia bà đã hứa dán giấy bồi tường cho buồng anh ta. Nói chuyện một lúc, bà em vốn lắm lời, bảo: "Naxtenca, cháu vào buồng ngủ lấy cho bà cái bàn tính". Em lập tức đứng vụt dậy, không hiểu vì sao đỏ cả mặt lên, quên mất là đang bị đính vào áo bà, đáng lẽ phải kín đáo gỡ kim ra để cho anh khách thuê nhà không nhận thấy, thì em lại phóng vọt đi làm cho ghế bành của bà ngồi trượt đi một quãng. Khi em thấy là anh khách trọ đã biết hết về em, em đỏ mặt đứng như trời trồng rồi oà khóc - lúc đó em cảm thấy xấu hổ và cay đắng đến mức không biết trốn đi đâu cho khuất mắt! Bà em quát: "Sao cứ đứng đấy... " - còn em thì càng khóc dữ hơn... Anh khách thuê nhà thấy em xấu hổ với anh ta, liền cáo từ và đi khỏi. Từ đó hễ nghe tiếng động ở ngoài cửa là em cứ như người chết rồi. Em nghĩ là anh ta sắp đến và để phòng xa, len lén tháo chiếc kim găm ra. Nhưng mà không phải anh ta, anh ta không đến nữa. Hai tuần lễ trôi qua, anh khách mới sai Fecla đến nói rằng anh ta có nhiều sách Pháp và đều là sách hay, có thể đọc được, bà có muốn để em đọc bà nghe không cho đỡ buồn... Bà cám ơn và đồng ý nhưng cứ hỏi đi hỏi lại là sách có đứng đắn không, và nếu sách không đứng đắn, bà nói, thì Naxtenca ạ, cháu không thể nào đọc được, vì cháu sẽ học phải những điều xấu.

- Cháu học phải điều gì hả bà... Ở đấy viết cái gì thế ạ...

- À, - bà nói, - trong những sách ấy viết về chuyện những gã trẻ tuổi chuyên quyến rũ các cô gái nhà lành, lấy cớ muốn lấy các cô ấy để đưa họ đi khỏi nhà cha mẹ, rồi sau đó bỏ mặc những cô gái khốn khổ đó cho số phận và họ phải chết một cách thảm thương nhất. Bà nói, bà đã đọc nhiều những cuốn sách như thế, mọi chuyện được viết hay đến nỗi ngồi đọc lặng lẽ suốt đêm. Nên cháu, Naxtenca ạ, hãy coi chừng, đừng đọc những cuốn sách đó. Bà hỏi, anh ta gửi đến những cuốn sách gì...

- Toàn tiểu thuyết của Walter Scott bà ạ.

- Tiểu thuyết của Walter Scott... Được rồi, mà ở đấy có trò lăng nhăng gì không... Cháu xem anh ta có giấu lá thư tình nào vào đấy không...

- Không, - em nói, - không có thư bà ạ.

- Coi ở dưới tờ bìa lót ấy, bọn họ nhiều khi nhét vào dưới lớp bìa lót đấy, cái lũ kẻ cướp này!

- Không bà ạ, cả dưới bìa lót cũng không có gì.

- À, vậy đấy!

Thế là bà cháu chúng em bắt đầu đọc Walter Scott, và sau một tháng đã đọc được non nửa. Rồi anh ấy còn gửi đến thêm. Gửi cả Puskin, thành thử rốt cuộc em không thể sống thiếu sách và không còn nghĩ đến chuyện lấy chồng là hoàng tử Trung Hoa nữa. Ấy thế rồi có một lần em tình cờ gặp anh khách trọ trên cầu thang. Bà sai em đi đâu đó. Anh ấy dừng lại, em đỏ mặt lên, anh ấy cũng đỏ mặt; nhưng anh ấy cười, chào em, hỏi thăm về sức khoẻ của bà và nói: "Thế nào, cô đọc hết sách rồi chứ... " Em đáp: "Đọc rồi! " "Thế cô thích cuốn nào nhất... " - anh ấy hỏi. Em đáp: "Thích nhất là Aivanho và Puskin". Lần ấy câu chuyện chỉ có vậy.

Sau một tuần em lại gặp anh ấy ở cầu thang. Lần này không phải bà sai đi, mà em cần đi lấy một cái gì đấy. Lúc đó hơn hai giờ chiều, anh khách trọ thường về nhà vào khoảng ấy. "Chào cô! " - anh ấy nói. Em đáp: "Chào anh! "

- Thế cô không buồn khi ngồi cả ngày với bà à... - anh ấy hỏi. Nghe anh ấy hỏi, em không biết tại sao đỏ bừng mặt lên, xấu hổ, và lại cảm thấy tủi nhục, có lẽ vì rằng người ta đã bắt đầu hỏI về chuyện đó. Em đã toan không trả lời và bỏ đi, nhưng không đủ sức.

- Cô là một cô gái thật tốt, - anh ấy nói. - Xin lỗi là tôi nói với cô như vậy, nhưng tôi cam đoan là tôi mong muốn điều tốt cho cô còn hơn cả bà cô nữa. Cô không có bạn gái nào để đến chơi nhà nhau à... Em nói là không có ai cả, chỉ mỗi Masenca nhưng cô ta cũng đi Pxcov mất rồi.

- Này, cô có muốn đi xem hát với tôi không...
- Đi xem hát... Thế còn bà thì sao...
- Thì cô lặng lẽ mà đi, - anh ấy nói.
- Không, - em đáp, - tôi không muốn lừa bà đâu. Chào anh!
- Thì chào cô, - anh ấy đáp, và không nói thêm lời nào nữa. Nhưng sau bữa ăn anh ấy đến chỗ chúng em, ngồi nói chuyện rất lâu với bà, hỏi bà có hay đi đâu ra ngoài không, có người quen ở đâu không, - rồi bỗng nói: "Còn cháu hôm nay đã mua vé nghe opera, người ta đang trình diễn vở "Người thợ cạo thành Xevile", mấy người quen định đi nhưng sau lại thôi, cháu còn dư vé".

- "Người thợ cạo thành Xevile... " - bà kêu lên. - Đấy chính là vở "Người thợ cạo" mà ngày xưa người ta vẫn diễn phải không...

- Vâng, - anh ấy nói, - đúng "Người thợ cạo" ấy đấy ạ, - và anh ấy liếc nhìn em. Em đã hiểu tất cả và mặt đột nhiên đỏ bừng, trái tim nhảy rộn lên chờ đợi!

- À thế, - bà nói, - thế thì tôi biết quá đi chứ! Thời xưa chính tôi đã đóng vai Rozina trong sân khấu gia đình mà!

- Thế bà hôm nay có muốn đi xem không ạ... - người khách trọ hỏi. - Không thì vé của cháu bỏ phí mất.

- Ừ, đi cũng được, - bà nói, - sao lại không nhỉ... Đây, cô Naxtenca này chưa bao giờ được đi xem hát cả.

Lạy Chúa, em sướng quá! Lập tức chúng em sửa soạn, thay quần áo và lên xe đi. Bà tuy mù nhưng vẫn muốn nghe nhạc, thêm vào đó bà là một người tốt bụng, bà muốn làm cho em vui, còn tự mình thì bà cháu chúng em không bao giờ đi được... Em sẽ không nói với ông về ấn tượng của vở "Người thợ cạo thành Xevile", nhưng suốt buổi tối hôm đó người khách trọ của chúng em nhìn em rất trân trọng, nói năng rất lịch sự khiến em cảm thấy rằng lúc sáng anh ấy chỉ thử em khi đề nghị em đi một mình với anh ấy. Trời, vui sướng biết bao! Em đi ngủ hết sức vui vẻ, hãnh diện, tim đập loạn đến mức lên cơn sốt nhẹ, và suốt đêm cứ mơ về "Người thợ cạo thành Xevile".

Em cứ nghĩ sau lần đó anh ấy sẽ năng ghé đến thăm hai bà cháu em hơn, nhưng không phải thế. Anh ấy gần như không đến nữa. Chỉ chừng một tháng một lần, và cũng chỉ đến để mời đi nhà hát. Sau đó chúng em còn đi xem hai lần nữa. Em cảm thấy không hài lòng với điều ấy. Em thấy là anh ấy chỉ thương hại em phải sống giam hãm với bà, ngoài ra không có gì hơn. Cứ thế ít lâu sau em không chịu nổi nữa: ngồi cũng không yên, đọc sách cũng không nổi, làm việc cũng không được, đôi khi em cười và trêu chọc bà, có khi chỉ ngồi khóc. Cuối cùng thì em gầy rộc đi và thiếu chút nữa thì lăn ra ốm. Mùa diễn opera đã hết, và anh khách trọ thôi không ghé vào chỗ chúng em nữa; khi em và anh ta gặp nhau, - tất nhiên, vẫn trên chiếc cầu thang ấy, - anh ấy im lặng gật đầu chào một cách nghiêm nghị, dường như không muốn nói gì với em cả, và khi anh ấy đã xuống đến bực thềm thì em vẫn đứng ở lưng chừng cầu thang, mặt đỏ như mận chín, vì rằng mỗi khi gặp anh ấy máu em dồn cả lên đầu.

Bây giờ đến đoạn kết. Đúng cách đây một năm, vào tháng Năm, người khách trọ lại ghé vào và nói với bà rằng anh ấy đã làm xong việc ở đây và sắp tới phải đi Moxcva một năm. Em nghe thấy thế choáng váng cả người, ngã phịch xuống ghế như xác chết. Bà em không nhìn thấy gì cả, còn anh ấy sau khi thông báo sẽ rời khỏi chúng em liền chào và đi ra.

Em phải làm gì đây... Em nghĩ, nghĩ mãi, buồn rũ rượi, và cuối cùng quyết định. Ngày mai anh ấy đi, và em quyết định ngay tối hôm nay ấy sẽ kết thúc mọi chuyện, sau khi bà đi ngủ. Và đã xảy ra đúng như vậy. Em gói một bọc gồm tất cả áo váy, đồ lót, và ôm bọc, nửa sống nửa chết, đi lên tầng lầu gặp người khách trọ của chúng em. Em nghĩ là mình đã đi cả tiếng đồng hồ trên cầu thang. Khi em mở cửa vào phòng, anh ấy nhìn em và kêu thốt lên một tiếng. Anh ấy nghĩ em là một bóng ma, đâm bổ đi lấy nước vì em đứng không còn vững nữa. Tim em đập đến nghe nhức váng cả đầu, trí óc mụ đi. Khi tỉnh lại, em bắt đầu ngay bằng việc đặt cái gói lên giường của anh ấy, tự mình ngồi xuống bên cạnh, hai tay ôm mặt và khóc như mưa như gió. Anh ấy hình như đã hiểu ngay mọi chuyện, đứng trước mặt em, người tái nhợt và buồn bã nhìn em khiến tim em như tan ra thành từng mảnh.

- Này, Naxtenca, cô hãy nghe tôi nói, - anh ấy cất tiếng. – Tôi không thể làm gì được cả, tôi là một kẻ nghèo túng, hiện nay tôi chẳng có gì hết, dù chỉ là một chỗ tàm tạm tử tế; chúng ta sẽ sống ra sao nếu như tôi lấy cô...

Chúng em nói với nhau rất lâu, cuối cùng em như phát điên lên, nói rằng em không thể sống với bà em nữa, rằng em sẽ trốn nhà đi, rằng em không muốn bị đính kim găm vào áo bà, rằng em, nếu như anh ấy muốn, sẽ theo anh ấy đi Moxcva, vì rằng em không thể sống thiếu anh ấy. Cả cảm giác nhục nhã, cả tình yêu, cả lòng tự trọng - tất cả cùng một lúc gào thét trong em, và em thiếu chút nữa thì lên cơn động kinh ngã vật xuống giường. Em quá sợ bị từ chối!

Anh ấy ngồi im lặng mấy phút, rồi đứng dậy, bước đến bên em và cầm lấy tay em.

- Nghe anh đây, Naxtenca tốt bụng và yêu quý của anh! – anh ấy nói qua nước mắt. - Hãy nghe anh nói. Anh thề với em là nếu như đến lúc nào có thể lấy vợ thì nhất định em sẽ là hạnh phúc của anh; anh cam đoan bây giờ chỉ có em mới có thể mang lại hạnh phúc cho anh. Em nghe đây: anh sẽ đi Moxcva và ở đó đúng một năm. Anh hi vọng là sẽ thu xếp xong việc của mình. Khi anh quay lại, nếu em còn chưa hết yêu anh, anh thề là chúng ta sẽ hạnh phúc bên nhau. Còn bây giờ thì không thể được, anh không thể, anh không có quyền dù chỉ là hứa hẹn một cái gì đấy. Nhưng, anh nhắc lại, nếu như sau một năm chuyện đó không thành, thì đến một lúc nào đó nhất định sẽ thành, tất nhiên trong trường hợp em không bỏ anh mà yêu người khác, vì rằng ràng buộc em bằng một lời nào đó thì anh không thể và cũng không được phép.

Anh ấy đã nói với em như vậy rồi ngày hôm sau ra đi. Chúng em quyết định không nói gì với bà cả. Anh ấy muốn vậy. Đấy, bây giờ câu chuyện của em đã gần như kết thúc. Đã trôi qua đúng một năm. Anh ấy đã trở về, anh ấy đã ở đây cả ba ngày, và, và...

- Và sao... - tôi kêu lên, nóng lòng muốn nghe kết cục.

- Và vẫn không thấy đến! - Naxtenca đáp, dường như phải gắng hết sức lực của mình. - Chẳng thấy tăm hơi đâu cả.

Nàng dừng lại, im lặng một lúc, cúi thấp đầu và bỗng nhiên hai tay ôm mặt, oà khóc nức nở khiến tim tôi như nghẹn lại vì tiếng khóc ấy...

Tôi hoàn toàn không đợi một kết cục như vậy.

- Naxtenca! - tôi cất lời bằng một giọng rụt rè, nghẹn ngào. - Naxtenca! Vì Chúa, cô đừng khóc nữa! Tại sao cô biết... Có thể anh ấy chưa về...

- Ở đây! Ở đây rồi! - Naxtenca cướp lời. - Anh ấy đang ở đây, em biết điều đó. Chúng em đã giao hẹn, năm ngoái, vào tối hôm ấy, trước ngày anh ấy đi, khi hai người đã nói hết những gì em vừa kể cho ông nghe, và chúng em giao hẹn, chúng em ra đây dạo chơi, chính trên bờ sông này. Lúc đó đã mười giờ đêm, chúng em ngồI trên chiếc ghế dài này, em không còn khóc nữa, em ngây ngất nghe anh ấy nói... Anh ấy nói rằng ngay lập tức sau khi về tới đây sẽ đến nhà chúng em liền, và nếu em không từ bỏ anh ấy chúng em sẽ nói hết với bà. Bây giờ anh ấy đã về, em biết như vậy, mà anh ấy không đến, không đến!

Và nàng lại khóc.

- Lạy Chúa! Chẳng lẽ không thể nào làm nguôi nỗi đau khổ ư... - tôi hét lên, nhảy bật dậy khỏi ghế trong cơn tuyệt vọng tột cùng. - Này Naxtenca, ít ra tôi có thể đến gặp anh ta được không.....

- Chẳng lẽ có thể như vậy được sao... - nàng bỗng ngửng đầu lên hỏi.

- Không, tất nhiên là không, - tôi chợt sực tỉnh. - Nhưng mà cô hãy viết một lá thư.

- Không, không thể, như thế không được! - nàng đáp dứt khoát nhưng lại đã cúi đầu và không nhìn tôi.

- Sao lại không thể... Vì sao không thể... - tôi nói tiếp, bám lấy ý tưởng của mình. - Nhưng, Naxtenca, cô biết không, một bức thư như thế nào! Thư cũng có ba bảy loại, và... Ôi, Naxtenca, đúng như vậy đấy! Cô hãy tin tôi, hãy tin cậy nơi tôi! Tôi không khuyên dạI cho cô đâu. Tất cả chuyện này có thể thu xếp được! Cô đã bắt đầu bước đầu tiên, thì tại sao lại...

- Không được! Không được! Khi đó như là em cố bám...

- Ôi Naxtenca tốt bụng của tôi! - tôi ngắt lời nàng, không giấu nụ cười, - không đâu, không phải thế đâu, tất nhiên cô có quyền làm như vậy, vì anh ta đã giao hẹn với cô mà. Mà theo như tôi thấy, anh ta là người lịch sự, anh ta xử sự đúng đắn... - tôi nói tiếp, mỗi lúc một hưng phấn thêm bởi tính lôgic của những lí lẽ và lời thuyết phục của mình, - anh ta đã hành động như thế nào... Anh ta đã nói rằng sẽ không lấy ai ngoài cô nếu như anh ta lấy vợ, còn cô thì anh ta để cho hoàn toàn tự do, cô có thể ngay bây giờ từ bỏ anh ta... Trong trường hợp đó cô có thể đi bước đầu tiên; cô có quyền đó, cô có ưu thế đối với anh ta, ít ra là, thí dụ, nếu

Những Đêm Trắng Fyodor Dostoevsky như cô muốn giải thoát anh ta khỏi lời hứa...

- Nhưng mà nếu là ông thì ông sẽ viết như thế nào... - Viết cái gì...
- Lá thư ấy mà.
- Nếu là tôi thì tôi sẽ viết: "Thưa quý ông"...
- Nhất thiết là phải "thưa quý ông" sao...
- Nhất thiết! Nhưng sao... Tôi nghĩ...
- Thôi được, ông nói tiếp đi!

- "Thưa quý ông! Xin lỗi quý ông là tôi... " Nhưng mà không, không cần xin lỗi gì hết. Bản thân sự việc sẽ nói ra tất cả, cô hãy viết đơn giản như sau: "Tôi viết cho ông đây. Hãy bỏ quá cho sự nôn nóng của tôi, nhưng suốt cả năm qua tôi được hạnh phúc là nhờ vào một niềm hi vọng, vậy tôi có lỗi gì không nếu như bây giờ không thể chịu nổi lấy một ngày nghi ngờ... Bây giờ, khi ông đã về đây, có lẽ ông đã thay đổi dự định của mình. Nếu thế thì lá thư này sẽ nói vớI ông rằng tôi không phàn nàn và không buộc tội ông. Tôi không buộc tội ông vì tôi không có đủ quyền lực đối với trái tim ông, số phận của tôi là như vậy!

Ông là một người đứng đắn. Ông sẽ không mỉm cười và không bực bội vì những dòng thư nôn nóng của tôi. Ông hãy nhớ rằng người viết những dòng này là một cô gái nghèo, rằng cô ta đơn độc một mình, rằng không có ai để dạy dỗ, khuyên bảo cô ta và rằng cô ta không bao giờ biết làm chủ trái tim mình. Hãy bỏ quá cho tôi nếu dù trong một thoáng sự nghi ngờ đã len vào tâm hồn tôi. Ông không thể thậm chí chỉ trong ý nghĩ xúc phạm đến người con gái đã yêu và đang yêu ông đến vậy".

- Vâng, vâng! Điều đó đúng như em vẫn nghĩ! - Naxtenca thốt lên, và một niềm vui ánh lên trong đôi mắt nàng. - Ồ, ông đã giảI thoát cho em khỏi những nghi ngờ, chính Chúa Trời đã ban ông cho em! Cám ơn, cám ơn ông!

- Vì cái gì... Vì Chúa Trời đã ban tôi cho cô... - tôi đáp, hân hoan nhìn vẻ mặt vui sướng của nàng.

- Vâng, ít ra là như vậy.

- Ôi Naxtenca! Có những người mà ta phải cảm ơn họ chỉ vì họ sống cùng chúng ta. Tôi cám ơn cô vì tôi đã được gặp cô, vì suốt đờI tôi sẽ nhớ đến cô!

- Thôi, đủ rồi, đủ rồi. Còn bây giờ ông nghe em nói đây: lúc đó chúng em giao ước là hễ anh ấy về, anh ấy sẽ báo cho em biết liền bằng cách để lại cho em một lá thư ở một chỗ đã định trước, ở nhà mấy người quen tốt bụng, chất phác và không hề biết gì về chuyện của chúng em; còn nếu như anh ấy không thể viết thư cho em, vì không phải trong thư bao giờ cũng nói hết mọi chuyện, thì anh ấy ngay trong ngày đầu tiên về tới thành phố này đúng mười giờ sẽ đến đây, nơi chúng em đã hẹn gặp nhau. Em biết anh ấy đã về rồi, nhưng cả ba ngày nay chẳng thấy thư cũng chẳng thấy mặt. Buổi sáng thì em không thể bỏ bà em đi được. Ngày mai nhờ ông đưa thư của em cho mấy người quen tốt bụng mà em đã nói với ông, họ sẽ gửi cho anh ấy. Còn nếu như có thư trả lời, ông sẽ lại mang đến cho em vào mười giờ tối.

- Nhưng thư, lá thư! Bởi vì trước hết phải viết thư đã! Cho nên phải ngày kia mới có thể làm được...

- Thư... - Naxtenca nói, vẻ hơi bối rối, - thư... nhưng... Nàng không nói hết câu. Thoạt đầu nàng ngoảnh nhìn sang hướng khác, mặt đỏ lên như bông hồng, và bỗng nhiên tôi cảm thấy trong tay tôi một lá thư, chắc là đã viết xong từ lâu, dán kín. Một kỉ niệm quen thuộc, thân thương và duyên dáng lướt qua đầu tôi.

- R, o - Ro; s, i - si; n, a - na - tôi nói.

- Rosina! - cả hai chúng tôi cùng cất tiếng hát, tôi suýt nữa ôm chặt lấy nàng vì vui mừng; còn nàng, mặt đỏ lên đến mức không thể nào đỏ hơn được nữa, cười qua những giọt nước mắt như những hạt châu long lanh trên đôi hàng mi đen.

- Thôi đủ rồi, đủ rồi! Bây giờ ta chia tay nhau nhé! - nàng nói nhanh. - Đây là thư, đây là địa chỉ nhờ ông đưa đến. Chào ông nhé! Tạm biệt! Hẹn ngày mai!

Nàng xiết chặt cả hai tay tôi, gật đầu và vút đi như một mũi tên vào con ngõ của mình. Tôi đứng tại chỗ nhìn theo một lúc lâu.

"Hẹn ngày mai! Hẹn ngày mai! " - trong đầu tôi vẫn âm vang khi nàng đã khuất hẳn khỏi tầm mắt tôi.



(1) Naxtenca là cách gọi thân mật của Anaxtaxia. Người Nga khi mới làm quen phải gọi nhau đầy đủ tên và phụ danh, chỉ khi thân thiết mới gọi tên không hoặc tên thân mật.

(2) Trong tiếng Nga, danh từ có ba giống: giống đực, giống cái, giống trung.

(3) Bùa dấu: một motip truyện dân gian, thường một sức mạnh nào đó (ma quỷ, phù thuỷ...) bị nhốt vào trong bình yểm bùa và ném xuống biển, sau được vớt lên giải thoát. Xolomon là vị vua huyền thoại trong Kinh thánh, thông thái, hùng mạnh và giàu có. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro