Ảo giác về quyền điều khiển

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Hải Đường Tĩnh Nguyệt / Tháng Tư 17, 2017

Ảo giác về quyền điều khiển (Illusion of control)  là khuynh hướng một người đánh giá quá cao khả năng anh ta điều khiển được các tình huống, sự kiện. Ví dụ, hiện tượng này xảy ra khi anh ta cảm giác được quyền điều khiển đối với kết quả của một sự kiện mà rõ ràng là anh ta không có sức ảnh hưởng gì. Hiệu ứng này được đặt tên bởi nhà tâm lý học Ellen Langer và được cho rằng có ảnh hưởng đến các hành vi cờ bạc và niềm tin về những điều siêu nhiên.

Ảo giác về quyền điều khiển rất thường xảy ra ngay cả trong tình huống ngẫu nhiên nhất. Và đặc biệt, nó thường xảy ra trong những hoàn cảnh có liên quan đến cá nhân, sự tương đồng, biết trước kết quả mong muốn, và sự tập trung về thành công. Khi một tình huống hoàn toàn ngẫu nhiên có những dấu hiệu vừa liệt kê xảy ra thì người ta cư xử, hành động như thể kết quả của tình huống ấy được quyết định bởi họ, hay nói chính xác hơn là những kỹ năng của họ. Những yếu tố cá nhân ảnh hưởng đến hiệu ứng này bao gồm trạng thái, khí sắc trầm uất và nhu cầu về quyền không chế. Tức là ảo giác về quyền điều khiển sẽ thấp và yếu với những người bị trầm cảm hoặc đang trong trạng thái trầm uất. Họ thường nghĩ mình sẽ không thay đổi được gì và mọi chuyện sẽ không bao giờ khá lên được. Những người trầm uất và người không trầm uất khác nhau ở khả năng họ xác nhận sự thiếu hụt quyền điều khiển. Với những người không trầm cảm, họ phô bày ảo giác về quyền điều khiển khi đánh giá mức độ điều khiển mà họ có được với một sự kiện mà hậu quả rõ ràng là không nằm trong quyền điều khiển của họ. Còn với những người trầm cảm thì họ có nhận thức chính xác hơn về sự khuyết thiếu quyền điều khiển của mình. Điều này thường được coi là thiếu hụt động lực (hoặc ngược lại, thiếu nhạy cảm về quyền điều khiển nằm trong những chuỗi nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm).  Ngược lại, ảo giác về quyền điều khiển sẽ mạnh đối với những người có nhu cầu và cảm giác cần thiết để khống chế. Ảo giác này càng mạnh hơn trong những tình huống áp lực và cạnh tranh bao gồm các vấn đề liên quan đến trao đổi kinh tế.

Trong những nghiên cứu khá thú vị về hiệu ứng này, Langer chứng minh rằng người ta thường đánh giá cao quyền điều khiển của mình trong những tình huống đơn thuần ngẫu nhiên. Ví dụ, trong một thí nghiệm, một số người được quyền lựa chọn vé xổ số cho mình, còn một số người thì được phát vé xổ số. Sau đó, những người tham gia cuộc thí nghiệm được quyền đổi vé số một lần với khả năng trúng giải cao hơn. Mặc cho sự thật rằng nếu đổi vé số thì khả năng trúng số sẽ cao hơn, nhưng những nguời được quyền lựa chọn vé số ban đầu không đổi số. Họ vẫn giữ tấm vé số mà mình chọn ban đầu. Dường như họ nghĩ rằng, tự mình chọn vé số làm tăng khả năng họ trúng giải – như thể hành động lựa chọn vé số của họ cho họ quyền điểu khiển kết quả xổ số, mà rõ ràng các số được chọn trúng giải chỉ là ngẫu nhiên mà thôi và chẳng có liên quan gì đến chuyện họ là người chọn số, hay là được phát số cho.

Sự lựa chọn được cho là gây ra ảo giác về quyền khống chế. Người ta hành xử như thể họ có quyền điều khiển nhiều hơn nếu họ tự mình thảy xúc xắc hơn là người khác thảy cho họ. Khi người ta trông chờ vào một kết quả nào đó, và kết quả ấy xảy ra như họ mong muốn thì họ thường đánh giá quá cao mức độ ảnh hưởng của mình đối với kết quả ấy, như thể nhờ có mình, hay mình là yếu tố quyết định làm nên kết quả này. Tuy nhiên, mỉa mai thay, trong những tình huống mà người ta hoàn toàn có quyền điều khiển, thì họ lại đánh giá thấp quyền điều khiển của mình.

Vậy thì do đâu chúng ta lại có ảo giác về quyền điều khiển?  Một trong những nguyên do gây nên hiệu ứng này là động lực. Ở phương diện này, sự ước đoán của một người về quyền điều khiển bị  ảnh hưởng bởi những nhu cầu chủ quan có liên quan tới việc gìn giữ và phát huy lòng tự tôn của bản thân. Một trong những nhu cầu đó gọi là nhu cầu được điều khiển đã nhắc ở bên trên. Đã có những chứng minh cho thấy cảm giác nắm quyền điều khiển có liên quan tới sức khỏe. Và nhận thức về việc không thể điều khiển thì có quan hệ mật thiết với những hệ quả tiêu cực tới cảm xúc, nhận thức và cả trầm cảm.

Với tầm quan trọng về việc nhận thức và thật sự có quyền điều khiển, một số nhà nghiên cứu cho rằng ảo giác về quyền điều khiển là một kiểu thành kiến cá nhân nhằm ngăn ngừa một người khỏi những hệ quả tiêu cực từ việc không thể điều khiển như đã nêu trên. Đồng thời, hiệu ứng này cũng cho phép người khác được hưởng lợi và danh vọng từ những tình huống thành công và từ chối trách nhiệm với những sự kiện thất bại. Theo cách này thì khi một người hành xử để đạt được kết quả như ý phải đối mặt với tình huống có xác suất thành công hay thất bại ngẫu nhiên, thì họ thường coi bản thân mình là yếu tố quyết định sự thành công và thất bại thì không phải lỗi của mình mà chỉ là xui thôi.

Hiệu ứng ảo giác về quyền điều khiển đã và đang được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Có thể thấy rõ hiệu ứng ảo tưởng về quyền điều khiển trong hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân. Đa số những người đổ lỗi cho nạn nhân, nhất là những nạn nhân bị cưỡng bức thường suy nghĩ, “nếu là mình thì chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra”, mà không nhận ra rằng chuyện bất hạnh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Trích từ một bài viết cũ của mình,

Một trong những lý do khiến mọi người đổ lỗi cho nạn nhân là để cách ly họ ra khỏi những tình huống tiêu cực này và tự nhủ rằng họ sẽ không dễ gì gặp chuyện nguy hiểm như vậy. Bằng việc dán nhãn, hay đổ lỗi cho nạn nhân, người khác sẽ nhìn nạn nhân khác hẳn với họ. Mọi người tự trấn an với bản thân bằng cách suy nghĩ, “Bởi vì mình không giống như cô ta, bởi vì mình không làm như thế, cho nên chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra với mình.”

Nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Ronnie Janoff- Bulman đề xuất ý kiến rằng đôi lúc ngay cả nạn nhân cũng tự hạ thấp bản thân họ, rằng chính những hành vi của bản thân là nguyên nhân dẫn đến sự đau đớn, bất hạnh mà họ gặp phải, chứ không phải là tính cách thường ngày của họ, để cho những sự kiện tiêu cực trông có vẻ như có thể điều khiển được, và do đó, có thể tránh được trong tương lai.

Lerner giả thuyết rằng gốc rễ của xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân nằm ở niềm tin trong một thế giới, cái thế giới mà mỗi hành động đều đoán trước được những hậu quả đi kèm, và con người có thể điều khiển được những gì xảy ra với họ. Nó nằm cả trong những câu tục ngữ, câu nói thông thường như “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, hay “ Gieo gió ắt gặt bão”. Chúng ta muốn tin rằng công lý sẽ đến với những người làm ác, trong khi người tốt, trung thực, tuân thủ luật pháp sẽ được tưởng thưởng. Nghiên cứu đã tìm ra, không ngạc nhiên gì, với những người tin rằng thế giới là một nơi tốt đẹp thì họ thường hạnh phúc hơn và ít đớn đau. Nhưng niềm hạnh phúc này đều có cái giá của nó, nó có thể làm giảm đi sự thấu cảm của chúng ta với những người gặp bất hạnh, và thậm chí chúng ta có thể làm tăng nỗi đau đớn ấy thêm bằng việc chỉ trích.

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra những người mắc trầm cảm thường có đánh giá chính xác hơn về sức điều khiển của họ với tình huống hơn người không mắc trầm cảm. Hiện tượng này được gọi là chủ nghĩa hiện thực trầm cảm (depressive realism) và có thể được phân tích như sự khuyết thiếu động lực của người mắc trầm cảm khi không dùng cơ chế tự phục vụ bản thân (self-service) dẫn đến ảo giác về quyền điều khiển.

Quá ảo tưởng về quyền điều khiển sẽ che mờ mắt và khiến chúng ta trở nên vô cảm, khuyết thiếu hiệu ứng này lại khiến chúng ta mất đi động lực và lâu dài lại trở nên trầm cảm. Từ khóa ở đây là cân bằng. Rất khó để biết đâu là điểm cân bằng. Vì thế trước khi chỉ trích thì nên ngẫm nghĩ rằng, thật sự mình có thể làm tốt hơn thế trong hoàn cảnh của họ hay không, trước khi tự trách thì nên đắn đo, liệu mình có thể làm gì để thay đổi, đồng thời nhận ra rằng có những thứ mình không thể điều khiển được.

_____________________

HẢI ĐƯỜNG TĨNH NGUYỆT

Nguồn:
Illusion of control: The Role of Personal Involvement

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4013923/

Illusion of control: How We Overestimate Our Personal Influence

https://www.jstor.org/stable/20182602?seq=1#page_scan_tab_contents

Keeping Illusion of Control under Control: Ceilings, Floors and Imperfect Calibration

https://marketing.wharton.upenn.edu/mktg/assets/File/Moore_IOC_2010-10-18.pdf

Why Do We Blame Victims

https://www.psychologytoday.com/blog/in-love-and-war/201311/why-do-we-blame-victims

_____________________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro