Rối loạn tâm lý và tài năng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

linkid / Tháng Tư 22, 2015

Theo Charles Darwin (người gần như đã bị “tê liệt” bởi chứng kinh sợ không gian rộng (Agoraphobia) đã khiến ông chỉ quanh quẩn ở nhà hàng năm trời sau chuyến du hành của ông trên tàu Beagle), những giống loài mà trải qua một lượng thích hợp sự sợ hãi sẽ tăng khả năng sống sót. Những người mắc rối loạn lo âu hoặc hay lo âu thường ít có khả năng tự loại bỏ chính mình ra khỏi nguồn gen, ví dụ họ sẽ không bao giờ làm những việc “nguy hiểm” như vui đùa trên vách đá hoặc trở thành phi công chiến đấu.

Một nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng lớn được tiến hành cách đây 100 năm bởi hai nhà tâm lý học tại Đại học Harvard là Robert M. Yerkes và John Dillingham Dodson, đã đặt nền móng cho ý tưởng rằng mức độ lo âu vừa phải sẽ cải thiện hiệu suất. Dĩ nhiên quá nhiều lo âu thì hiển nhiên sẽ làm giảm hiệu suất, nhưng nếu không lo lắng thì chắc chắn hiệu suất làm việc cũng sẽ giảm đi tương đối. “Nếu không có lo âu, hẳn là sẽ có rất ít việc được hoàn thành”, David Barlow, nhà sáng lập đồng thời là giám đốc danh dự của Trung tâm rối loạn lo âu và các rối loạn liên quan tại Đại học Boston, đã viết.

Hiệu suất của các vận động viên, nghệ sĩ, nhà điều hành, các nghệ nhân, và học sinh sinh viên sẽ bị ảnh hưởng; sức sáng tạo sẽ giảm. Và sau đó tất cả những gì chúng ta có thể đạt được đó là trạng thái “bình yên” sau một thời gian dài sống trong xã hội có nhịp độ phát triển nhanh. Điều này có thể nguy hiểm tương đương với cuộc chiến tranh hạt nhân (nói về sự phát triển của xã hội nếu con người không có sự lo lắng thôi thúc)

Bằng chứng lịch sử cho thấy chứng lo âu có thể liên quan mật thiết tới những thiên tài nghệ thuật và sáng tạo. Ví dụ như những tài năng văn học của nhà văn nữ Emily Dickinson, đã gắn bó chặt chẽ và ràng buộc với sự tách biệt xã hội của bà, mà theo như một số người nói đó là sản phẩm của sự lo âu (Bà ấy chỉ tuyệt đối ở trong nhà sau 40 tuổi). Franz Kafka mang theo sự nhạy cảm trong thần kinh của mình đến với sự nhạy bén về nghệ thuật, và Woody Allen cũng vậy. Jerome Kagan, một nhà tâm lý học nổi tiếng ở Harvard đã dành hơn 50 năm nghiên cứu tính cách con người, cho rằng chứng lo âu, lo lắng của T. S. Eliot và “phản xạ mạnh” về mặt tâm sinh lý khiến ông trở thành một nhà thơ vĩ đại. Kagan quan sát rằng, Eliot là một “cậu bé ngượng ngùng, cẩn trọng và nhạy cảm” – nhưng vì ông ấy được gia đình hỗ trợ, được giáo dục tốt, và với “khả năng khác thường về ngôn ngữ”, Eliot đã có thể “sống thoải mái với bản chất tính khí của mình bằng một cuộc sống đơn độc và hướng nội”.

Marcel Proust, có lẽ nổi tiếng nhất về việc chuyển hóa sự nhạy cảm trong thần kinh của mình vào nghệ thuật. Cha của Proust, ông Adrien, là một bác sĩ có mối quan tâm mạnh mẽ đến sức khỏe thần kinh và là đồng tác giả của cuốn sách có ảnh hưởng lớn tên là “The Hygiene of the Neurasthenic”Marcel đã đọc cuốn sách của cha mình cũng như đọc rất nhiều những cuốn sách khác từ các bác sĩ thần kinh hàng đầu vào thời điểm đó, và kết hợp thành quả của họ vào các tác phẩm của mình. Đối với Proust, sự tinh tế về cảm thụ nghệ thuật gắn liền với phẩm chất thần kinh (bẩm sinh). Dean Simonton, một giáo sư tâm lý ở Đại học California đã dành hàng chục năm nghiên cứu về tâm lý của sự thiên tài, đã viết rằng “sức sáng tạo vượt trội” thường đi cùng với các rối loạn về tâm lý/tâm thần; và các cơ chế về nhận thức hoặc thần kinh sinh học gây ra rối loạn lo âu ở một số người có thể đồng thời tăng khả năng suy nghĩ sáng tạo của họ.

Nhiều người trong số những nhà khoa học lỗi lạc nhất trong lịch sử cũng mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm, hoặc thậm chí cả hai. Khi Isaac Newton phát minh ra môn giải tích, ông ấy đã không công bố tác phẩm của mình trong suốt 20 năm – bởi vì theo một số phỏng đoán, ông ấy đã quá lo lắng và tuyệt vọng để có thể nói cho bất cứ ai (Hơn 5 năm kể từ khi ông bị suy nhược thần kinh vào khoảng năm 1678, lúc đó ông đang ở độ tuổi ngoài 30, và ông ấy hiếm khi rời khỏi phòng mình ở Cambridge.) Có thể nếu Darwin không bị housbound (buộc phải ở nhà) bởi chứng lo âu kéo dài hàng chục năm cho tới lúc mất, ông ấy đã không thể hoàn thành công trình vĩ đại của mình trong lĩnh vực tiến hóa. Sự nghiệp của Sigmund Freud gần như bị trật bánh bởi chứng lo âu tồi tệ và tâm lý tự nghi ngờ bản thân của mình; nhưng sau đó ông ấy đã vượt qua được, và khi danh tiếng của ông ta được mô tả như một người đàn ông vĩ đại của khoa học, Freud và các trợ lý của mình đã tìm cách mô tả ông như một người đàn ông cả đời khôn ngoan và tự tin. Nhưng những lá thư trước đó lại tiết lộ điều ngược lại.

Không, chứng lo âu hay lo lắng thái quá không tự làm cho bạn biến thành một nhà thơ nhà văn giành giải Nobel hay nhà khoa học đột phá gì gì đó. Nhưng nếu bạn khai thác chứng lo âu của mình đúng cách, nó có thể khiến bạn trở thành một nhân viên tốt hơn. Jerome Kagan nói rằng ông ta chỉ tuyển những người có phản xạ cao, tính khí nhạy cảm làm trợ lý nghiên cứu của mình. “Họ bi cưỡng chế, họ không mắc lỗi” (Nguyên văn: “They are compulsive, they don’t make errors”. Giải thích: Cưỡng chế ở đây là bị cưỡng chế bởi những nguyên tắc, tiêu chuẩn của chính họ), ông ta nói với tờ The New York Times. Có nhiều nghiên cứu khác hỗ trợ phán đoán của Kagan. Một nghiên cứu năm 2013 của tờ Academy of Management, đã cho thấy rằng các rối loạn thần kinh, tâm lý đóng góp vào sự thành công của các dự án nhóm nhiều hơn, và những người hướng ngoại thì đóng góp ít hơn.

Thật không may, sự tương quan tích cực giữa lo lắng và hiệu suất lao động biến mất khi người lo lắng có chỉ số IQ thấp. Nhưng khá nhiều bằng chứng cho thấy sự lo lắng thái quá, bất thường thì lại có liên kết với trí thông minh. Jeremy Coplan, tác giả chính của một nghiên cứu hỗ trợ luận điểm trên, nói rằng sự lo âu là thích nghi về mặt tiến hóa. Khi những mối hiểm nguy phát sinh, những người hay lo âu thường sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để thích nghi và tồn tại. Ông có nói rằng lo âu có thể là một đức tính tốt ở các bậc lãnh đạo – và thiếu sự lo âu có thể dẫn đến nguy hiểm.

Như thường lệ, tất cả những điều này đều đi kèm với điều kiện rằng nếu sự lo âu không quá mạnh đến mức gây ra suy nhược thì nó sẽ rất hiệu quả. Nhưng nếu kể cả bạn có hơi lo âu quá mức một tí, bạn vẫn cứ yên tâm và có thể thấy can đảm hơn sau khi đọc những nghiên cứu trên.

Tôi đã hiểu rằng sự lo lắng bẩm sinh của mình có thể là một phần cơ bản của bản thể con người tôi – và không phải nó lúc nào cũng tệ. “Em ghét chứng lo âu của anh”, vợ tôi từng nói, “và em ghét vì nó làm anh không vui vẻ. Nhưng nếu nhỡ đâu những điều ở anh làm cho em yêu anh lại là những thứ liên hệ tới chứng lo âu đó?”

“Nếu”, cô ấy hỏi, đi thẳng vào vấn đề, “nếu như anh chữa khỏi hoàn toàn chứng lo âu của mình và sau đó anh trở thành một thằng khốn?”

Tôi nghĩ có thể lắm chứ. Những phi công quân sự đều nổi tiếng khi được biết đến là “không có khái niệm về lo lắng”. Một nghiên cứu nhỏ vào những năm 1980 cho rằng cứ 9 trên 10 vụ di lị ở giữa những phi công trực thuộc Không quân, thì đều là do li hôn từ phía vợ. Có thể hai điều đó liên quan đến nhau. Có thể chứng lo âu của tôi đã cho tôi sự nhạy cảm với xã hội và sự tiếp nhận tốt hơn, dẫn tới việc tôi hòa hợp với những người khác tốt hơn và là người bạn đời tốt hơn, thấu hiểu hơn.

Các khái niệm về mối liên hệ giữa lo âu và chuẩn mực đạo đức xuất hiện trước đây rất lâu, trước cả những nghiên cứu khoa học hiện đại hay trực giác của vợ tôi. Thánh Augustine đã tin rằng sự sợ hãi là thích nghi bởi nó giúp con người hành xử có đạo đức hơn. Tiểu thuyết gia Angela Carter gọi lo âu là “sự khởi đầu của lương tâm”.

Chứng lo âu của tôi có thể rất khó chịu. Nhưng nó có thể là một món quà, một sự ban tặng, hoặc ít nhất là mặt trái của đồng xu mà tôi nghĩ mình phải suy đi tính lại trước khi đánh đổi. Mặc dù lo âu thường kéo tôi khỏi những cơ hội, hay những chuyến du lịch đáng lẽ ra tôi phải đi, hoặc những rủi ro nhất định – nhưng không nghi ngờ gì nữa, nó cũng khiến tôi tiến về phía trước. “Nếu như một ai đó là quái thú hay thiên thần, anh ta/cô ta có thể sẽ không lo âu”, Søren Kierkegaard viết năm 1844. “Nhưng vì con người là tổng hòa, nên anh ta/cô ta có thể ở trong sự lo âu. Mối lo âu càng lớn, thì người đó càng vĩ đại” (“The greater the anxiety, the greater the man”)

Trong bài luận năm 1941 mang tên “The Wound and the Bow”, nhà phê bình văn học Edmind Wilson viết về người anh hùng Philoctetes người Sophoclean – người đã bị một vết rắn cắn ở lòng bàn chân không bao giờ lành – rằng vết thương đó có liên hệ với việc bắn tên bách phát bách trúng của anh ta – “Căn bệnh hôi thối” đó của anh ta là không thể tách rời với kỹ nghệ siêu phàm trong tài thiện xạ. Tôi đã rút ra châm ngôn này: trong lo âu, sự yếu đuối và xấu hổ cũng là yếu tố tiềm năng cho sự siêu việt, chủ nghĩa anh hùng, hoặc sự cứu rỗi, “the nearness of the wound to the gift”. Chứng bệnh lo âu của tôi vẫn là một vết thương chưa lành, đôi khi, cản trở tôi và mang đến cho tôi sự tủi hổ – nhưng cũng đồng thời là nguồn sức mạnh và là thứ mang phước lành đến cho tôi.

Tác giả: Scott Stossel

Dịch và chú thích: Khánh Linh

*Link:
https://beautifulmindvn.com/2015/04/22/roi-loan-tam-ly-va-tai-nang/

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro