2. Những chân trời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguồn: Báo Văn học và Tuổi trẻ, số 9 (458+459) năm 2020

Nguyễn Minh Duyên (GV Trường THPT Chuyên Bắc Giang)

--------

Trong cuộc đời, chúng ta có nhiều cách để đi và để đến. Cũng có nhiều cách để quan sát, khám phá vẻ đa sắc của những chân trời.

Có người chọn cách đi thật xa để khám phá những chân trời mình chưa từng thấy: bầu trời Paris xanh biếc in hình tháp Eiffel; bầu trời bang Alaska (nước Mỹ) đầy tuyết trắng, bầu trời nước ở ngoài khơi vùng cực mênh mông... Có người thong dong thu vào lòng mình khung cảnh những chân trời ngay trước mắt: nơi có những cánh diều vi vu hát trên cao, những tán cây lao xao gọi mùa hè gọi mùa gió mới, những cánh cò chao nghiêng mời ta về tít tắp đồng quê... Và cũng có nhiều  người chọn văn chương làm ô cửa để nhìn ngắm những chân trời.

Bước vào thế giới của văn chương, ta sẽ gặp những chân trời đâu đó ở những nơi chốn xa xôi, là Xứ Tuyết của Kawabata, là vùng "Đaghetxtan của tôi" mà Gazatov yêu thương, là mảnh đất Cao Mật- Sơn Đông của Mạc Ngôn với bạt ngàn cây cao lương đỏ... Hành trình văn học, cũng mở ra trước mắt ta bao chân trời dài rộng. Ta gặp những chân trời vời vợi khát vọng sử thi xưa ta ngỡ ngàng nhận ra những chân trời tựa pha lê, đo bằng ngàn vạn năm ánh sáng trong những tác phẩm phiêu lưu giả tưởng sau này. Tìm ra những chân trời như thế, chúng ta mới hiểu vì sao: Ngoài bầu trời lại có những bầu trời.

Trên đôi cánh thơ ca dân tộc, chúng ta cũng nhận ra bao sắc vẻ trời cao. Đây là bầu trời trung đại in trong gương nước: Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Đây là sắc trời xanh từng gợi nguồn thi cảm cho bao người: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo (Thu điếu - Nguyễn Khuyến), Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá/ Thu đến nơi nơi động tiếng huyền (Thơ duyên - Xuân Diệu). Và những chân trời còn mang sắc trắng vẫn còn đó trong thơ, từ thơ của Trạng Trình ở thế kỉ XVI (Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi) đến thơ Huy Cận (Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa), Ngô Văn Phú (Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng) sau này. Khi dân tộc đau thương vì khói lửa chiến tranh, bầu trời quê hương cũng mang đầy thương tích: Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều ( Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Càng xót xa khi nhìn thấy bầu trời trong những hố bom: Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ (Khoảng trời, hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ)...

Tạo hóa thật ưu ái và công bằng khi đã cho tất cả chúng ta một bầu trời để ngắm nhìn và mơ mộng. Đó thực là một nét đẹp mà tự nhiên không thu phím xung là một tấm gương soi làm hiển hiện đời sống tâm hồn của mỗi chúng ta. Và văn chương đã giúp ta nhìn thấy sự đa sắc của những chân trời, như thế!

-----

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro