40.075km - c

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 10

Ánh nắng buổi sớm làm tôi lóa mắt. Tôi hít một hơi thật sâu, khẽ chớp mắt. Tôi giật mình nhận ra có cái gì đó động đậy bên cạnh.

Bé Ni nằm ngọ nguậy trong lòng Tuấn, còn cậu ta vẫn đang ngủ say như chết.

Trời ơi. Tuấn.

Tôi hoảng hồn ngồi bật dậy, lay cái xác to như voi của cậu ta. Tôi quay sang bé Ni lo lắng:

"Ba đâu rồi?"

"Ba đi làm rồi." Mẹ đáp, tay vén tấm màn lớn trong phòng. Nắng ấm tràn vào phòng qua lớp cửa kính loang lỗ nước mưa đọng lại. Tôi cúi gầm mặt, đầu óc hoạt động hết công suất, cố tìm lí do để giải thích. Cảm giác giống như lần tôi bị bắt quả tang làm vỡ cái bình mà mẹ yêu quí nhất: một chút tội lỗi, hối hận và lo sợ.

Mẹ vẫn bình thản nhìn tôi rồi cất giọng nhẹ nhàng:

"Con gọi Tuấn dạy rửa mặt rồi hai đứa ra ăn sáng." Mẹ ngoắc bé Ni: "Lại đây nào, mẹ cho coi con thằn lằn này."

Bé Ni chau mày: "Con thích ở đây cơ." Rồi nó dụi mặt vào lòng Tuấn.

Mẹ đến kéo nó đi, nó tức tối phản đối giãy nảy khiến Tuấn cũng phải choàng tỉnh.

Tôi và Tuấn líu ríu vào phòng rửa mặt rồi lầm lũi dắt nhau ra ngồi xuống bàn ăn, đứa nào cũng lấm lét nhìn đứa kia mà chẳng biết phải làm gì.

Mẹ đặt hai tô cháo xuống bàn rồi ngồi đối diện hai đứa tôi. Tuấn hồn nhiên cắm cúi ăn ngon lành, còn tôi thì vừa nuốt từng thìa cháo vừa sợ sệt dò xét nét mặt của mẹ.

"Hai đứa... như thế này được bao lâu rồi." Cuối cùng mẹ cũng mở lời.

Tôi còn đang phân vân không biết mẹ có ý gì thì Tuấn nhanh nhảu đáp:

"Dạ được ba năm rồi ạ. Từ hồi lớp 10."

Mặt mẹ thoáng chút ngạc nhiên rồi trở lại bình thường. Mẹ thở dài:

"Chẳng còn bao lâu nữa thì thằng Tuấn đi du học rồi. Mẹ cũng không nỡ cấm cản hai đứa trong thời gian ngắn ngủi còn lại này."

Tôi thở phào nhẹ nhõm, lắp bắp: "Cảm ơn mẹ."

Giọng mẹ vẫn nghiêm nghị: "Nhưng đó là về phần mẹ thôi. Vuốt mặt cũng phải nể mũi, đừng làm trò gì khiến cho ba con nổi điên lên, như chuyện sáng hôm nay. Đến lúc đó mẹ cũng không cản ba con nổi đâu."

Tôi lí nhí: "Dạ con biết rồi."

"Còn nữa." Mẹ tiếp tục. "Hai đứa vẫn còn đang đi học, chuyện học là trên hết. Quen nhau nhưng mà phải trong sáng. Mẹ biết ở cái tuổi này mấy đứa thích tò mò tìm hiểu nhiều thứ lắm..."

Ôi trời . Có một bà mẹ là chuyên viên tư vấn tâm lí trẻ vị thành niên vừa là điều tuyệt vời vừa là một thảm họa. Tôi cúi gầm mặt, má nóng bừng xấu hổ khi nghe mẹ thao thao bất tuyệt về những chuyện "khám phá thân thể nhau", "hậu quả của việc quan hệ thiếu suy nghĩ",... Trong khi Tuấn thì chăm chú lắng nghe, mặt còn ra vẻ... hứng thú.

Tôi đưa mắt nhìn Tuấn đầy thù hằn, cậu ta chỉ khẽ nhún vai đáp trả. Mẹ hối hai đứa ăn nhanh để khỏi phải trễ giờ học. Tôi vẫn ôm cục tức trong bụng suốt buổi đến khi rời khỏi nhà.

Hai đứa sóng bước bên nhau đến trạm xe buýt. Tuấn phải về nhà để thay đồ, còn tôi thì đón xe đến trường. Tôi gầm gừ trước khi chia tay Tuấn:

"Cậu quên ngay những chuyện mẹ tôi vừa nói đi nhé."

Cậu ta chỉ mỉm cười rồi xoa đầu tôi: "Chó con đi học ngoan."

Xe lăn bánh. Tôi ngoái đầu lại nhìn dáng Tuấn khuất dần sau khúc quanh. Một lần nữa khoảng cách kéo dài ra và lòng tôi chùn xuống.

---o0o---

Chủ nhật là ngày tồi tệ nhất trong tuần. Kể từ sau khi có chuyện với Uyên, tôi chẳng còn mong mỏi gì trong ngày này cả. Dần dà tôi cũng quen được nổi buồn chán khi mất nó. Thật ra nếu tôi ra khỏi nhà đi lang thang cũng chẳng sao, vì từ sau ngày đánh tôi, ba quăng cho tôi cục lơ to đùng. Tôi làm gì, nói gì cũng như hoàn toàn vô hình đối với ba. Nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn quanh quẩn trong nhà để khỏi gây phiền phức.

"Anh hai ơi. Có anh nào tìm anh kìa." Bé Ni khều vai tôi.

Tôi gấp cuốn truyện đọc dở lại theo chân bé Ni. Quân đợi tôi ở cửa, mỉm cười:

"Tuấn kêu tôi đến đón cậu."

Tôi thắc mắc: "Sao cậu ấy không tự đến?"

Quân lúng túng: "Làm sao tôi biết được."

Tôi đoán là Tuấn sợ giáp mặt ba tôi. Hôm nay ba mẹ đều vắng nhà, tôi nhờ nội trông hộ bé Ni rồi trèo lên xe đi cùng Quân. Cậu thuộc tuýp người ít nói, còn tôi lại mắc bệnh lúng túng trước... trai đẹp nên cả hai cứ giữ im lặng suốt.

Quân chạy băng qua những bãi rộng xanh um cỏ, lau sậy mọc đầy trên những khoảng đất chi chít biển báo rao bán. Cuối cùng chúng tôi dừng lại trước nhà thi đấu đa năng, nó lọt thỏm giữa những trụ nhà chung cư đang xây dở.

Tôi hồi hộp theo chân Quân bước vào qua một cửa phụ khép hờ. Sân xi măng rộng và sáng loáng màu sơn mới. Những cửa khác vẫn đóng chặt, nhìn những hàng ghế trơ trọi dưới ánh nắng mờ nhạt hắt từ những ô thông gió cao tít, khung cảnh gợi cho tôi cảm giác u ám.

"Tuấn đâu?" Tôi quay sang hỏi Quân.

Từ trong bóng tối ở góc khuất của sân, cái đầu chia chỉa lù lù xuất hiện. Mặt hắn đầy những vết bầm tím mà tôi đoán là kiệt tác của Tuấn. Hắn cất giọng trầm đục:

"Xin lỗi nhé. Tuấn không có ở đây."

Tôi ngỡ ngàng quay sang Quân, cậu ta cúi mặt tránh ánh mắt tôi.

Một tên khác cười khoái trá: "Xem ra có người bị bán đứng nhỉ?"

Từ sau lưng tôi, Quân lí nhí: "Xin lỗi cậu. Xin lỗi."

Tôi nghiến chặt răng:

"Cậu đi mà nói với Tuấn ấy."

Cả đám khoảng chừng mười đứa chầm chậm tiếp cận tôi. Cơn hoảng loạn hối thúc tôi chạy trốn, nhưng lí trí cho tôi biết cơ may ra khỏi đây là con số không. Tôi hít vào một hơi thật sâu cố làm dịu trái tim đang nhảy điên loạn trong lòng ngực. Tôi lùi lại, cúi người nhặt lấy một cây sào tre gãy nát dưới chân. Tôi lừ mắt nhìn một lượt rồi gầm gừ:

"Lên đi."

Những bước chân tì trên nền xi măng kêu vang xoèn xoẹt.

Một nấm đắm lao thẳng đến. Tôi né. Tiếng những cú đòn khác xé gió vụt qua kẽ tai. Tôi vung gậy tre đập quơ quào trong không trung.

Bịch.

Tôi cảm nhận một vật cứng đập mạnh vào trán. Tôi loạng choạng, mùi tanh của máu xộc vào mũi. Những vệt ấm nóng kéo dài trên khuôn mặt. Mắt tôi hoa đi.

Bịch.

Lại một cú đập mạnh vào lưng. Tôi khụyu xuống. Cố trụ lại bằng hai tay.

Bịch.

Tôi ngã quỵ xuống sàn. Cắn chặt răng, co người chịu những cú chí tử. Tôi nhắm chặt mắt, nín thở chờ đợi cơn đau qua đi. Mỗi một khoảnh khắc trôi qua tôi cảm giác da thịt bị châm đốt bởi hàng ngàn mũi kim và xương cốt trong người đang bong ra.

"Được rồi." Giọng ồ ề vang lên.

Một bàn chân dẫm mạnh lên ngực tôi. Tôi cố nheo mắt trông. Tên đầu tóc dựng ngược cười khoái trá nhìn tôi:

"Về nói lại với Tuấn của mày tránh xa bọn tao ra. Nếu không thì... chậc!" Hắn khẽ lắc đầu. "Chỉ còn nước kêu ba nó đi hốt xác nó về thôi."

Cả đám cười rần lên rồi theo chân hắn đi xa dần.

Tôi nằm yên, cố hít thở đều đặn và quên đi những vết thương đang nhói lên.

"Cậu còn đứng dậy được không?" Giọng Quân nghe như văng vẳng từ một nơi xa xăm.

Tôi nghiến chặt răng, cố lấy hết sức lực còn lại gầm lên, nhưng âm thanh nghe cứ như một tiếng rên rĩ: "Cút đi! Cút..."

Quân khẽ thở dài: "Tôi để điện thoại trước mặt cậu nhé." Cậu ta đặt chiếc di động xuống đất rồi lặng lẽ rời đi.

Còn lại một mình, tôi cố xoay người lại, quơ tay với lấy chiếc điện thoại.

Không thể gọi về nhà. Tôi không muốn gây thêm phiền phức nào hết. Nếu gọi cho Tuấn, cậu ta hẳn sẽ lao đi tìm bọn chúng tự sát. Trong vô thức, tay tôi bấm những số quen thuộc.

"A lô?" Giọng Uyên ngái ngủ vang trong điện thoại.

Tôi lấy hết hơi sức, thều thào:

"Mày lại nhà thi đấu đa năng ngay. Tao chết mất."

Hình như giọng tôi nghe thê thảm lắm nên Uyên hét ầm lên trong điện thoại lo lắng, nhưng tôi chẳng còn hiểu nó nói được gì cả. Đầu óc tôi quay cuồng, tay chân tôi lạnh toát.

Một lúc lâu sau Uyên đến nơi, thấy bộ dạng tôi nằm thoi thóp trên sàn nhà nó lại lắp bắp hỏi đủ thứ, tôi vẫn chẳng nói năng được gì. Nó dìu tôi ngồi lên chiếc cúp 50 của nó rồi rồ máy. Uyên kéo hai tay tôi quàng qua người nó dể giữ tôi khỏi ngã. Tôi gục đầu vào lưng Uyên, nhận thấy máu mình loang dần trên nền vải trắng tinh của áo nó.

Tôi lầm bầm trong cơn mê sảng:

"Đừng chở tao về nhà. Đừng nói cho ba mẹ tao biết. Đừng..."

Tôi dần tỉnh ra khi nằm trên chiếc giường trắng toát ở một trạm xá. Tôi loáng thoáng nghe cô y tá nói phải khâu lại trán tôi. Nhìn mũi kim lăm le trước mặt, người tôi run lên.

Uyên giữ lấy tay tôi, trấn an: "Không sao đâu. Không sao mà."

Tôi nghe tiếng kim đâm phập vào trán mình, từng mũi, từng mũi một.

Tôi lịm dần.

Quạt trần uể oải đánh vòng. Mùi chua của cồn sát trùng nồng nặc. Tôi mơ màng nhận ra Uyên đang nhìn mình lo lắng. Tôi lẩm bẩm:

"Tao chết chưa?"

Nó phì cười: "Chưa. Nhưng mà sắp."

"Tao nằm được bao lâu rồi?"

"Vài tiếng thôi."

Tôi cố ngồi dậy, nhận thấy sợi dây nước biển quấn quanh tay mình. Uyên cằn nhằn: "Mày nằm yên một chút đi."

"Tao không muốn nhà tao lo." Giọng tôi chỉ nghe được hơi.

"Cần thì tao gọi về nói mày ở nhà tao chơi đến tối. Mày cứ nằm yên đi."

Tôi gật gù, ngoan ngoãn nằm xuống, nhìn nó áy náy:

"Xin lỗi đã làm phiền mày."

Nó nổi cáu: "Mày điên à? Bạn bè để làm gì hả?"

Tôi cười như mếu nhìn nó cảm kích. Nó thở dài:

"Tao xin lỗi." Nó nhìn sang một chổ khác. "Tao thật là ngốc khi đã đối xử với mày như vậy. Tao hối hận lắm. Tao chia tay Tân rồi. Cái thằng ấy cũng thật là nông cạn. Chẳng hiểu sao tao có thể thích một thằng như thế."

Uyên rươm rướm nước mắt, tôi có thể đoán được nó đau khổ thế nào khi phải chia tay cái thằng mỏ nhọn ấy. Tôi im lặng nhìn nó, lòng lâng lâng. Bao nhiêu muộn phiền trong mấy ngày qua tan biến hết. Tôi dang tay ra, mỉm cười gọi:

"Lại đây."

Nó cúi xuống ôm lấy tôi thút thít:

"Tao nhớ mày lắm."

Tôi thều thào: "Ngực mày đè tao đau muốn chết."

Uyên cốc nhẹ vào đầu tôi. Tôi giả vờ hét lên đau đớn, thế là nó sợ lấm lét xin lỗi.

Chương 11

Tôi nhìn mình trong gương một lần nữa. Không sao. Chỉ có một vết bầm tím nhỏ xíu trên khóe mắt bên phải. Năm mũi khâu trên trán nằm sát chân tóc, chỉ cần vét cái mái xuống thì có thể che mất. Cũng nhờ thế mà tôi qua mặt được ba mẹ, hi vọng hôm nay mọi chuyện cũng êm xuôi với Tuấn.

Tôi ngồi trên xe buýt mà lòng dạ nôn nao. Tôi sắp được gặp lại Tuấn rồi, sau đúng 42 tiếng 35 phút kể từ lúc chia tay cậu ấy vào ngày thứ bảy tuần trước. Tôi hình dung cái dáng cậu ấy đứng khoanh tay sốt suột, tựa người vào cánh cổng sắt to đùng ở trường chờ tôi đến. Bất giác tôi mỉm cười một mình khi xe chầm chậm băng qua cầu lớn bắt ngang con sông đang cuồn cuộn đổ ra biển. Một cơn gió sớm mơn man trên khuôn mặt, gió vẫn còn đượm mùi hoa keo đang nở vàng tươi cả một góc trời trên những thân cây cao vút gần đó.

Tôi bị Tuấn chộp lấy, kéo đi khi vừa đặt chân xuống xe. Cậu ta quàng vai tôi, vui vẻ huyên thuyên đủ thứ về những chuyện nhàm chán mà cậu đã làm trong hai ngày qua. Giờ tôi mới biết mình nhớ cái giọng ngô nghê ấy kinh khủng.

"Chó con bị sao thế này?"

Tuấn bất ngờ vén mái tóc tôi lên, chau mày nhìn chằm chằm vào những vết khâu trên trán. Tôi lắp bắp:

"Tôi bị té."

Tôi nín thở chờ đợi phản ứng của Tuấn, cuối cùng cậu ta cũng lầm bầm mắng tôi hậu đậu rồi kéo tôi đi tiếp. Tôi thở phào khi cậu lại bắt đầu nói sang chuyện khác.

Cả buổi học tôi có cảm giác Tuấn đang lén lút quan sát tôi. Tôi vờ như không biết và tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc được ở bên cậu ấy. Cuối buổi học Tuấn lôi tôi lên chiếc Martin của cậu rồi đạp nhanh ra khỏi trường.

"Đi đâu thế?" Tôi làu bàu.

"Về nhà tôi." Mặt cậu không biểu lộ một tí cảm xúc.

Tôi chau mày lưỡng lự. Tuấn thì thầm vào tai tôi bằng một giọng gian tà:

"Hôm nay ba mẹ tôi không có ở nhà."

Vừa đến trước cửa là Tuấn hấp tấp kéo tôi vào trong, đi thẳng vào phòng của cậu. Tôi bắt đầu hồi hộp khi Tuấn khép cửa phòng lại, tiến đến bên cạnh và đưa tay... cởi nút áo của tôi.

Tôi hét toáng lên xấu hổ:

"Cậu làm cái gì thế?"

Tuấn giận dữ, kéo tay áo tôi lên, chỉ vào những vết bầm tím và trầy xước trên tay tôi.

Tuấn nghiến răng: "Cậu bị đánh bầm dập thế này mà còn nói dối tôi là bị té nữa hả?"

Tôi cúi mặt, bối rối. Tuấn lại nói như hét:

"Còn không mau cởi áo ra cho tôi coi vết thương nữa!?"

Tôi líu ríu làm theo. Tuấn với tay lấy hộp sơ cứu trong hộc tủ, cậu trút thứ thuộc sát trùng màu đỏ ra bông băng, nhẹ nhàng quệt chúng lên những vết trầy trên người tôi.

"Có đau không?" Tuấn vừa thổi phù phù vào những vết trầy vừa hỏi.

Tôi lắc đầu nói dối, kỳ thực chúng đang rát bỏng và mắt tôi thì ngân ngấn nước.

"Là cái bọn có thằng đầu tóc chia chỉa phải không?" Tuấn hỏi.

Tôi chầm chậm gật đầu.

"Bọn chúng đã làm gì chó con thế?"

Tôi lại mím chặt môi, khẽ lắc đầu mà không nói được gì. Tuấn nhìn vẻ mặt tôi, thở dốc tức tối. Quai hàm cậu đanh lại, trông như đang chịu đựng điều gì đó đau đớn lắm. Tôi nhẹ đưa tay vuốt lấy mái tóc ngắn ngủn của cậu, thì thầm:

"Hứa với tôi là cậu sẽ không đi tìm bọn chúng nữa nhé. Tôi không muốn cậu bị thương đâu."

Tuấn ôm tôi vào lòng, giọng cậu run run:

"Chó con ngốc thế. Tôi thì làm sao mà bị thương được chứ."

Tôi cương quyết: "Cậu hứa với tôi đi. Hứa đi."

Tuấn vùi mặt vào tóc tôi, thì thào: "Ừ. Tôi hứa."

Cậu buông tôi ra, nhìn khắp người tôi một lượt rồi hỏi:

"Còn bị đau ở đâu nữa không?"

Tôi xấu hổ lắc đầu. Tuấn phì cười:

"Chó con có đói bụng không. Để tôi nấu cái gì đó nhé?"

Tôi gật đầu, đi theo Tuấn xuống nhà bếp. Tuấn bảo tôi ngồi đợi, rồi xoắn tay áo bắt nồi lên bếp.

Nắng len lỏi qua lớp cửa kính đóng chặt. Không gian yên ắng, lành lạnh trong tiết trời cuối năm. Căn bếp vuông vức và thoáng đảng. Tôi ngồi trên chiếc bàn bằng thủy tinh, nhìn lưng áo Tuấn lấm tấm mồ hôi.

Đôi tay to bè của Tuấn vụng về khua những tiếng vui tay trên bếp. Thi thoảng Tuấn quay lại nhìn tôi, rồi đưa tay quệt mồ hôi trên trán mình. Tôi cảm giác như mình đang mơ vậy, chỉ khác một điều trong giấc mơ của tôi, thay vì nhân vật chính nấu một món ngon miệng thì Tuấn lại đang loay hoay... xé mì gói.

Cậu đặt cả cái nồi đầy mì trước mắt tôi và nói: "Ăn đi."

Hai đứa tôi cắm cúi lùa mì. Phải công nhận một điều là lúc đói người ta ăn cái gì cũng ngon.

"Mặt cậu dính mì kìa." Tuấn chỉ tay.

Tôi lúng túng sờ lên mép: "Ở đâu thế."

Tuấn chồm người về phía tôi, cười nham nhở nói: "Ở đây này." Rồi đặt môi mình lên môi tôi. Tôi ngượng, nóng bừng mặt. Trông bộ dạng của tôi, cậu ta lại cười.

Ôi. Sao mà ghét thế chẳng biết.

Ăn xong Tuấn dẫn tôi ra phòng khách, ngồi xuống ghế sô-fa kéo tôi vào lòng. Tôi ngoan ngoãn nằm im trong lòng Tuấn, thích thú hít vào mùi hương quen thuộc từ người cậu. Chết thật rồi. Càng ngày tôi càng giống chó.

"Chó con cứ như thế này. Làm sao mà tôi bỏ chó con đi du học được chứ."

Tôi cố cất giọng lạc quan: "Có gì đâu."

Tuấn im lặng, mặt đăm chiêu. Tay cậu vẫn không ngừng mân mê vành tai của tôi. Tôi nằm cảm nhận sự ấm áp từ người cậu, mơ màng thiếp đi lúc nào không hay.

---o0o---

Từ ngoài sân đã nghe tiếng ba mẹ cãi nhau. Giọng ba lè nhè vì cơn say, còn mẹ thì tức tưởi như đang khóc. Tôi lầm lũi bước về phòng mình, đóng chặt cửa lại, đeo headphone vào và trèo lên giường. Cửa phòng tôi mở, bé Ni đang nhón chân đu trên nắm tay. Tôi cho ngừng nhạc, dịu dàng hỏi:

"Bé Ni đi đâu thế?"

Mặt nó buồn so. Nó trèo lên giường làu bàu:

"Anh hai cho em ngủ chung với nhé."

Tôi hơi ngạc nhiên, kéo chăn ra cho nó chui vào. Nó nằm lim dim hỏi tôi:

"Sao ba mẹ lại cãi nhau suốt thế hả anh?"

Tôi lúng búng: "À. Vợ chồng nào cũng thế hết."

"Sao này em với anh Tuấn cũng thế á?" Nó ngây ngô hỏi.

Tôi cười: "Ừ. Ừ."

Tiếng đồ vật đổ ầm ầm ở tầng trên. Giọng ba vang dội khắp nhà:

"Cũng tại cô. Cứ nuông chìu nó nên giờ nó thành một thằng đồng bóng như thế đấy."

Mẹ tôi hét: "Ông im đi. Ông là đồ nát rượu, vô tích sự..."

Tôi đeo headphone vào cho bé Ni và vặn volume để nó không nghe thấy những lời ấy. Tôi ngồi đó, vật vờ trong bóng tối, lắng nghe những lời căm phẫn từ hai phụ huynh. Tôi lờ mờ nhận ra, mình chính là nguyên nhân của vụ tranh cãi ấy.

Tiếng bước chân từ trên lầu tiến dần xuống nhà dưới. Giọng mẹ tôi thất thanh:

"Đêm hôm khuya khoắt, ông say xỉn thế này còn đi đâu nữa hả trời."

Ba gầm lên: "Tôi để nhà này lại cho cô ở. Tôi không chịu nhục với hàng xóm được."

Tiếng cửa trước đóng lại vang ầm dữ dội. Tôi rón rén bước xuống giường, hé cửa phòng mình trông ra. Mẹ đang ngồi đó giữa đống chén dĩa đổ nát, run người trong cơn nghẹn ngào.

Lòng tôi se lại, lần đầu tiên trong suốt gần ba tháng qua, tôi tự hỏi mình một câu: Có phải mình đã sai?

Chương 12

Chuông điện thoại reo vào lúc giữa đêm. Hiếm khi nào nhà tôi có cuộc gọi vào giờ này, ngoại trừ những trường hợp nguy kịch. Tôi lò mò ra phòng khách, ngồi lo lắng quan sát nét mặt của mẹ khi nghe máy.

"Có chuyện gì vậy ạ?" Tôi đi theo chân mẹ hỏi.

Mẹ hấp tấp mặc áo khoác rồi bước vội ra cửa:

"Ba con gặp tai nạn." Mẹ dịu giọng trấn an tôi. "Con vào ngủ đi, sáng mai còn đi học. Có gì mẹ sẽ gọi về."

Tôi trở vào phòng, cảm giác day dứt tràn dâng trong lòng. Tôi thao thức chờ đợi tiếng chuông điện thoại, suy nghĩ bấn loạn.

Ngoài sân trời tối mịch, tiếng côn trùng réo rắt da diết. Tôi lặng nhìn nét mặt thơ ngây của bé Ni, lòng xốn xang. Chuyện gì sẽ xảy ra đây nếu ba mẹ tôi cứ tiếp tục như thế, rồi dẫn đến một vụ li hôn tệ hại. Chỉ nghĩ đến bấy nhiêu, tôi đã thở không nổi.

Tôi không chợp mắt mãi đến lúc trời hừng sáng. Cuối cùng mẹ cũng gọi về, mẹ bảo nhờ nội đưa bé Ni đi nhà trẻ và kêu tôi mang vài thứ vào bệnh viện. Lần mò mãi khắp ba tầng lầu trong bệnh viện, tôi cũng tìm được đến phòng hồi sức. Đứng nấn ná trước cửa phòng khép hờ, tôi nghe tiếng ba vọng ra:

"Thà tôi chết đi còn hơn. Làm sao tôi sống mà nhìn mặt họ hàng, bà con đây. Trước đây tôi khi dễ, sĩ nhục con người ta bấy nhiêu, thì giờ đây con tôi lại ra nông nổi như vậy. Làm sao tôi dám ngước mặt lên nhìn đời chứ!" Giọng ba nghẹn ngào. "Rồi còn nó nữa, tôi cứ luôn mường tượng cảnh nó lấy vợ sinh con, sống yên ổn đến già. Giờ nó như vậy, xã hội ai chấp nhận nó. Nó đi đâu, làm gì... mà sống đây..."

Qua khe hở nhỏ trông vào căn phòng, tôi nhận ra những giọt nước mắt của ba. Sóng mũi tôi lại cay cay, cảm giác chồng chềnh nhẹ dâng lên. Thà ba cứ đánh, cứ chửi... tôi còn chịu được. Ba thế này khiến tôi thấy mình thật tội lỗi.Trước giờ tôi sợ ba lắm, ba lúc nào cũng nghiêm khắc. Nhưng tôi biết ba thương tôi nhiều lắm, từ đôi giày đầu tiên đến cái đồng hồ trên tay tôi lúc này, đều là của ba mua cho. Ba lựa màu đen, kiểu dáng nam tính. Ba muốn tôi lớn lên thành một người đàn ông thành đạt, sống trong một gia đình êm ấm. Tình thương của ba độc đoán là thế, nhưng chưa bao giờ là mù quáng.

Tôi đặt giỏ đồ trước cửa phòng rồi lủi thủi bước ra khỏi bệnh viện. Hình ảnh ba với cái tay bó bột và chóp mũi đỏ ửng lên vì xúc động cứ khiến tôi dằn vặt. Chưa bao giờ tôi thấy ba suy sụp đến thế. Phải tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn trong suốt thời gian qua hẳn ba đã chịu đựng nhiều lắm. Thế mà tôi chưa bao giờ nghĩ cho ba, chỉ biết nghĩ cho riêng mình.

Tuấn đón tôi ở trường, lo lắng hỏi khi thấy bộ mặt đưa đám của tôi. Tôi chỉ khẽ lắc đầu, cười gượng gạo cho qua chuyện. Cả buổi học tôi chẳng chú tâm được điều gì khác ngoài những suy nghĩ về khuôn mặt thất vọng của ba, nổi khổ tâm của mẹ và nét vô tư của bé Ni khi ngủ.

Giờ ra chơi cuối tiết hai, tôi hoàn hồn lại khi bất ngờ nhận ra Tuấn đang xếp tập vở cho vào cặp.

"Cậu đi đâu thế?" Tôi hỏi.

Tuấn cười: "À. Hôm nay tôi có hẹn chia tay với mấy người bạn. Chó con học xong rồi đi thẳng về nhà, không được lang thang nhé!".

Tuấn vuốt nhẹ cái đầu bù xù của tôi rồi quay lưng đi. Tôi chột dạ, tự trách thái độ của mình từ lúc nãy đến giờ, đinh ninh rằng mình đã làm Tuấn buồn vì cái vẻ mặt ấy. Sao tôi vô tâm thế chẳng biết, hóa ra những người xung quanh tôi luôn phải chịu đựng cái sự vô tâm ấy.

Tôi lóng ngóng đuổi theo Tuấn ra đến cổng. Ngạc nhiên nhận ra những người bạn của Tuấn đã chờ ở đó từ bao giờ, tôi thở dài rồi quay lưng trở vào lớp.

Hai tiết học trôi qua chậm chạp, tôi ngồi đấy mà cứ thấp thỏm. Tự dưng nét mặt căng thẳng của những người bạn của Tuấn lúc nãy hiện lên một cách chậm chạp. Nếu chỉ là chia tay bạn bè thì tôi cũng có thể đi theo chứ? Kể từ ngày tôi có chuyện ở nhà thi đấu đa năng, Tuấn chưa bao giờ bỏ tôi một mình như thế này.

Một ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu tôi. Tôi bật đứng dậy, cuống cuồng gom hết tập sách vào ba lô. Tôi bước vội lên nói nhanh vào bộ mặt lườm lườm của thầy dạy sử: "Em xin phép về trước ạ." Không đợi được cho phép, tôi chạy vù ra khỏi lớp trước bao cặp mắt ngạc nhiên và tiếng quát ầm lên của thầy.

Tôi lầm lũi chạy miết qua hai con đường xe cộ tấp nập trên đường xuống bến cảng. Khi nãy tôi loáng thoáng nghe họ nói sẽ gặp nhau ở đó. Một chiếc xe cảnh sát 113 chạy vượt qua mặt tôi, cảm giác bất an trong tôi càng tăng thêm. Tôi guồng chân nhanh hơn, phổi tôi rát bỏng phản đối việc làm quá sức này.

Một đám đông vây kín đường xuống cảng, mọi người xì xầm không ngớt. Tôi hớt hãi ngẩng mặt hỏi một bác luống tuổi:

"Có chuyện gì vậy ạ?"

Bác nhìn tôi chau mày: "Cái bọn học sinh bây giờ quậy hết chổ nói. Đánh nhau long trời lỡ đất ở dưới này. Kêu 113 tới kịp, chứ không thôi là chết vài đứa rồi."

Tai tôi ù đi. Sự căng thẳng khiến tôi cảm giác như đang ngồi trước nồi lửa. Tôi chen vào giữa đám đông hiếu kỳ, mặc cho bao lời rủa xả văng vẳng bên tai.

Tên đầu tóc chia chỉa bèo nhèo ngồi một góc trên chiếc xe cảnh sát. Tôi hốt hoảng lướt mắt khắp nơi tìm Tuấn.

Tuấn.

Cậu ta mở to mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Một cảnh sát đẩy Tuấn bước nhanh về phía trước.

Tôi lắp bắp không thành tiếng, nhìn Tuấn trân trối.

Cậu ta cúi gầm mặt, bước chệnh choạng lên xe.

Tôi ngồi bệt xuống đất. Mệt mỏi, hoang mang. Cảnh vật trong cơn nắng đang lên chao đảo trước mắt tôi. Tiếng đèn báo hiệu gào rú trên nóc xe cơ động tắt lịm. Xe nổ máy và chạy đi. Xung quanh tiếng người rầm rì mãi không dứt.

--o0o--

Tôi đề nghị mẹ về nhà nghĩ ngơi. Thay vào đó, tôi sẽ trông ba đến tối. Mẹ đắn đo một lúc rồi mỉm cười hài lòng. Tôi dõi theo dáng vẻ mệt mỏi của mẹ khuất dần phía cầu thang, rồi lặng lẽ trở vào phòng bệnh.

Rèm cửa phất phới bên khung trời xanh biếc ngoài cửa sổ. Tôi ngồi xuống lặng ngắm vẻ mặt tái xanh của ba đang chìm đắm trong giấc ngủ. Bất giác, nước mắt tôi lặng lẽ rơi.

"Con xin lỗi ba." Tôi thì thào. "Con sai rồi."

Chương 13

Tuấn không đến lớp nữa. Tôi có thể mường tượng cảnh cậu ấy quậy tưng bừng khi bị ba nhốt ở nhà. Cũng chỉ còn vài ngày nữa là đến lúc cậu ấy đi. Một cách chậm chạp, tôi làm quen dần với cuộc sống không có Tuấn, sau hơn hai năm. Thế mà có lúc tôi từng nghĩ mình sẽ chết mất, nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra như ngày mai mặt trời lại mọc.

Hôm nay cô văn ôn lại một bài thơ của Xuân Diệu, lúc nhàn chuyện, cô lại nói những thứ ngoài lề:

"Có tin đồn là Xuân Diệu và Huy Cận..."

Cả lớp bắt đầu rì rầm ầm lên. Vài đứa cười thích thú, một số lại trề môi khinh khỉnh. Tôi loáng thoáng nghe một đứa bàn trên xì xầm:

"Ê mày nghe gì chưa? Thằng con ông hiệu trưởng với nó cũng bị vậy đó."

Lập tức đứa còn lại lén lút đưa mắt xuống nhìn tôi hiếu kỳ. Cả lớp truyền tai nhau chuyện gì đó trông có vẻ ly kỳ hấp dẫn lắm. Thế rồi một vài đứa bắt đầu quay xuống nhìn tôi cười ẩn ý. Tôi ghét cái cảm giác này, nó giống như trần truồng đứng giữa đám đông và người qua đường thì không ngớt lời chế giễu chỉ trỏ. Tôi cúi gầm mặt, âm thanh xung quanh bắt đầu lầm rầm to hơn. Càng lúc tôi càng thấy khó thở, người nóng ran. Giá mà có Tuấn ở đây lúc này, chỉ cần một ánh nhìn của cậu ấy thôi thì cả cái bọn vô tâm ấy sẽ nín bặt. Đầu tôi nặng trịch, mồ hôi tay túa ra ướt đẫm. Tôi mím chặt môi cố kìm nén cơn run người kèm theo cảm giác buồn nôn, chếnh choáng khi đứng trên mạn thuyền.

Cuối cùng thì chuông cuối giờ cũng reo lên. Tôi lao ù ra khỏi lớp, tìm một góc khuất ở chân tường thở dốc. Tôi đưa tay vỗ lấy đầu mình, chẳng cảm thấy nhẹ nhõm hơn được chút nào. Tôi tức tối đập mạnh tay vào tường đến khi nó đỏ bầm lên. Tôi không sợ đau, tôi không sợ đổ máu, tôi chỉ sợ những ánh nhìn ấy, nó cứa nát tôi từ bên trong.

Tôi lủi thủi trở vào lớp sau giờ ra chơi. Những đứa khác vừa nhìn thấy tôi lại xì xào to nhỏ, cười khúc khích. Tim tôi như ngừng bặt, tôi nhận rõ mỗi mạch máu dẫn lên đầu đang căng cứng. Tôi nhìn thấy dòng chữ đó. Bằng phấn màu. Nguệch ngoạc trên chỗ ngồi của mình.

ĐỒ BIẾN THÁI

Tôi nghiến chặt răng, vờ bình thản, chậm chạp tiến đến chổ ngồi của mình, và lấy tay lau nó đi.

Thầy bước vào lớp. Tôi loay hoay tìm ba lô của mình. Nó không còn ở chổ cũ nữa. Một bạn nữ áy náy nhìn tôi rồi chỉ ra ngoài cửa sổ:

"Cặp của bạn ở ngoài sân kìa."

Mặt tôi tối sầm lại. Tôi thở một hơi dài run rẩy. Tôi đứng dậy, lầm lũi chào thầy rồi bước ra khỏi lớp.

Ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Tôi ngồi bệt xuống đất đưa tay gom những cuốn tập rơi vãi khắp nơi trên sân xi măng rộng rãi trong khuôn viên trường. Những trang nhật ký của tôi để mở lất phất trong gió. Nước mưa làm nhòe đi những dòng chữ tôi nắn nót.

"Mình rất thích những bạn trong lớp mình, ai cũng cởi mở và hòa đồng..."

Từ tầng trên của hai dãy nhà học ba tầng, những ánh mắt bắt đầu đổ dồn về phía tôi. Thương cảm có, thích thú có, và bàng quan. Thật hay vì trời đã mưa, tôi tha hồ khóc mà không ai biết. Tôi ngồi đó, để mặc nước mưa thấm ướt áo mình. Cảm nhận cái lạnh của những cơn gió và cái lạnh từ những ánh mắt lạ xa.

Giờ tôi đã ở quá xa để được một trái tim sưởi ấm.

---o0o---

Tôi ngã bệnh, phát sốt cao và nằm vật vờ suốt mấy ngày sau đó. Tôi thật sự chẳng muốn trở lại trường một chút nào, nên mẹ có đưa thuốc còn tôi thì lén ném chúng đi hết. Cả ngày tôi nằm thở khò khè qua cái mũi nghẹt, nhắm chặt đôi mắt cay xè vì nóng sốt.

Một trong những nguyên nhân khiến tôi càng lúc càng thấy khó chịu là do nhớ Tuấn. Tôi muốn phát điên lên được. Mỗi lần nghĩ đến cậu ấy là nỗi buồn vu vơ cứ xâm chiếm hết tâm trí tôi. Đầu óc mụ mị vì cơn bệnh cứ khiến nước mắt tôi chảy dài.

Giờ ngủ của tôi dần lệch đi, đêm đến tôi thường ngồi nhìn chằm chằm vào khoảng trời tối đen ngoài cửa kính và nghĩ ngợi. Đêm nay tôi nghĩ nhiều lắm, về gia đình, về tương lai và Tuấn. Mọi thứ cứ tối mịch như trời đêm đầu tháng. Rồi tôi thiếp đi, với giọng nói ấm áp và nụ cười ngô nghê của Tuấn trong tâm trí.

Tôi chớp mắt trước ánh sáng của ngày mới. Lại một ngày. Tôi mệt mỏi đưa ánh mắt lướt một dọc quanh căn phòng ngập nắng, đầu vẫn nóng bừng bừng vì cơn sốt.

Một ánh mắt lo lắng nhìn tôi.

Ôi. Đúng là tôi bệnh nặng lắm rồi. Ngay cả ban ngày cũng hoang tưởng. Tôi lấy tay vỗ nhẹ cái đầu đang nhức như búa bổ.

"Chó con không sao chứ?"

Cái ảo ảnh ấy biết nói nữa này. Đúng là tôi nhớ Tuấn đến điên thật rồi.

Đôi bàn tay nhẹ chạm vào má tôi. Hơi ấm của nó tỏa ra cùng mùi hương quen thuộc.

Là thật rồi.

Tôi nhìn Tuấn, tự dưng mắt nhòe đi.

"Chó con sao thế?"

Cổ họng tôi nghẹn lại, tôi không nói được lời nào thay vào đó tôi cứ nấc lên liên tục. Tuấn áp má mình vào trán tôi, thì thầm:

"Ôi. Nóng hơn cái nồi cơm điện ở nhà tôi ấy."

Tôi gục mặt vào lòng Tuấn, lấy hết sức lực từ tôi tay uể oải ghì chặt lấy tay áo Tuấn, nói trong cơn tức tửi:

"Tôi... nhớ cậu... lắm."

"Tôi biết." Tuấn nhẹ nhàng đáp.

"Tôi... mệt mỏi... lắm rồi."

"Tôi biết."

"Tôi..."

"Tôi biết rồi."

Tôi chớp mắt nhìn Tuấn. Cậu ta mỉm cười:

"Chó con muốn nói là chó con yêu tôi lắm chứ gì."

---o0o---

"Con xin phép được ra ngoài với Tuấn một chút ạ." Tôi cúi gầm mặt lí nhí.

Ba vẫn cắm cúi vào tờ báo, mặt không biểu lộ chút cảm xúc.

"Ngày mai cậu ấy phải đi rồi..." Tôi khẩn khoản.

"Con cứ đi đi." Mẹ nói vọng ra từ nhà bếp khi đang bận rộn với chồng chén đĩa dơ.

Tôi đắn đo một lúc rồi lẳng lặng bước ra khỏi cửa với Tuấn.

"Chín giờ." Ba nói mà mắt vẫn không rời khỏi tờ báo. "Về nhà trước chín giờ."

Tôi mỉm cười, giọng cảm kích: "Cảm ơn ba."

Bên ngoài trời lạnh. Những ngày này sương mù dày đặc, người đi cách nhau chừng 10 m đã không thấy được nhau. Không khí ẩm ướt và nồng nồng vị mặn. Hai đứa lặng lẽ sóng bước qua những dãy nhà chung cư được thiết kế sang trọng và bắt mắt. Một khung cửa sổ trên cao mở toang đón gió, đèn nhà ngã vàng soi căn phòng ấm cúng, những người trong đấy quây quần bên nhau trò chuyện rôm rã bên bàn ăn sau một ngày mệt nhọc. Tự dưng tôi thấy lòng mình ấm lại, những mơ ước không tên lần lượt hiện lên. Sau này, tôi sẽ ngồi trước một trong những căn bếp như thế làm món gà quay, chờ Tuấn đi làm về, cậu ấy sẽ chê thịt hơi nhạt, còn tôi thì lí nhí xin lỗi, hứa sẽ cố gắng hơn...

"Thế điều thứ ba là gì?" Tuấn hỏi.

"Gì cơ?" Tôi bàng hoàng quay trở lại thực tế.

"Cậu nói có ba điều muốn làm khi có bạn trai ấy." Tuấn nhắc.

Tôi im lặng, mãi nghĩ. Một cơn gió nhẹ thổi đến. Lạnh buốt. Cảm giác về những ánh mắt soi mói lại hiện về. Tôi ngập ngừng:

"À. Tôi muốn lên một chiếc xe buýt, rồi đi cùng người đó đến trạm cuối. Sau đó lại quay trở về."

Tuấn thở dài: "Lại cái trò dở hơi gì đây?"

Tôi lúng túng: "Tại từ nhỏ đến giờ tôi chưa ra khỏi thành phố. Tôi chỉ muốn đi cùng với người đó tới nơi xa nhất, rồi cùng trở về."

"Vậy thì đi nào." Mặt Tuấn chẳng có chút hào hứng.

Hai đứa lóng ngóng ở trạm chờ xe buýt. Gió biển vi vu thổi qua kẽ tai. Tôi cứ thở phì phì vào hai lòng bàn tay để giữ ấm.

"Lại đây." Tuấn gọi.

Tôi líu ríu bước tới gần. Cậu nắm tay bàn tay trái của tôi xoa nhẹ rồi cho vào túi áo khoác của mình. Tuấn lại không nhìn tôi, bàn tay cậu khẽ siết chặt hơn khi ánh đèn xe buýt rọi tới, nhưng tôi vội rút nhanh tay ra vì sợ người khác trông thấy.

Trên xe vắng người, ánh đèn lờ mờ rọi những tay vịn đung đưa buồn tẻ trên trần xe. Hai đứa tôi bước đến ngồi ở hàng ghế cuối cùng, cao hơn những hàng ghế khác. Xe lao đi qua màn đêm yên ắng, những ánh đèn từ con phố gần đấy lướt mờ nhạt qua làn kính đẫm hơi sương.

Tôi đã nói dối Tuấn, thật ra mơ ước thứ ba của tôi là cùng người mình yêu thương mua một cặp ổ khóa đôi khắc tên hai đứa, khóa vào lan can trên hải đăng và ném chìa khóa xuống biển. Nhưng rồi tôi nhận ra, ở bên Tuấn trong lúc này đây, được nhìn ánh mắt cậu lấp lánh trông theo ánh đèn đường vụt qua... đã là quá đủ rồi.

Tôi nhẹ ngã đầu vào vai Tuấn, thả hồn theo những tiếng rì rầm của động cơ xe.

Tình cảm này giống như một nắm thủy tinh vỡ vụn vậy, càng cố giữ thật chặt thì càng nhức buốt. Có lẽ, đến lúc tôi phải buông tay, để nước mắt ngừng chảy.

"Maybe we're trying

Trying too hard

Maybe we're torn apart

Maybe the timing

Is beating our hearts

We're empty..."

Chương 14

Ngày Tuấn đi tôi nằm lì trong phòng, dán mắt vào trần nhà, mường tượng khuôn mặt cậu ấy sốt ruột chờ tôi đến, rồi buồn bã bước vào chỗ làm thủ tục. Cảm giác như mình đang rơi xuống một cái hố sâu không đáy.

"Mày không đi tiễn Tuấn à?" Giọng Uyên vang lên ở phía cửa phòng.

Tôi không đáp, khẽ trở mình thở dài. Uyên ngồi xuống cạnh tôi, hai đứa im lặng nghe tiếng đồng hồ gõ tích tắc trên tường, những bước chân của thời gian lê đi chậm chạp.

"Không ai nói cho tao biết làm thế nào là đúng, làm thế nào là sai cả." Tôi lẩm bẩm.

Uyên nắm lấy tay tôi, nhẹ lay:

"Mày làm những gì mày cho là tốt nhất."

Tốt nhất. Tôi muốn ba mẹ tôi vui vẻ. Tôi muốn Tuấn được hạnh phúc, và đi với tôi đến hết con đường này không phải là hạnh phúc. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy mình sai, ở lại cùng cậu ấy là một sự cắn rứt, rời khỏi cậu ấy là một tiếc nuối. Tôi nhọc nhằn rơi trong lằn ranh của những cái đúng và sai.

Cứ thế tôi rơi. Rơi mãi.

---o0o---

Ngày tôi tốt nghiệp đại học trời mưa rã rít.

Bốn năm rồi.

Tôi cúi mặt lướt qua những dòng người vui mừng ôm chầm lấy nhau. Những chiếc áo thụng xanh màu lấm lấm những giọt mưa phất phới trong làn gió thốc. Không có đứa bạn nào đợi tôi chụp hình cả, trong ngày lễ trọng đại của một đời người này. Đó là kết quả của việc tôi sống khép mình suốt những năm qua.

Uyên vẫy gọi tôi từ một góc khuất của hội trường. Tôi nhớ khuôn mặt tươi cười của nó, trông nó lúc nào cũng vui vẻ.

"Có một người đặc biệt muốn gặp mày đấy." Nó nắm tay tôi kéo đi.

Những tiếng cười nói, những giọt nước mắt, những cái ôm ghì chặt... khiến tôi cảm thấy chút hụt hẫng. Vậy là cái thời sinh viên đã hết rồi, nhanh như nó chưa từng có, và ngày mai là bắt đầu của những chuỗi ngày mệt mỏi, khi tôi lại một mình lặn ngụp giữa dòng người chen chúc nhau ngoài kia.

"Lâu rồi không gặp." Một bàn tay chìa về phía tôi.

Tôi chớp mắt ngạc nhiên.

Tuấn cao hơn, tóc dài ra, còn khuôn mặt của cậu hơi gầy đi. Những nét trẻ con đã không còn trên khuôn mặt ấy nữa, thay vào đó là những đường nét của một người đàn ông trưởng thành. Chỉ có đôi mắt của cậu, vẫn sâu và thật sáng.

Tôi lúng túng bắt lấy bàn tay cậu.

"Cười lên nào." Uyên hào hứng reo lên đằng sau máy chụp hình.

Tôi luống cuống tìm thế đứng. Nhẹ nhàng, Tuấn quàng lên vai tôi.

Mùi hương quen thuộc lại một lần nữa làm tim tôi rộn lên.

---o0o---

"Mấy năm qua tao vẫn giữ liên lạc với Tuấn."

Uyên kể khi hai đứa đã yên vị trên chuyến xe trở về quê.

Tôi thở dài, lầm bầm:

"Thật không thể tin được trong khi tao cố gắng cắt đứt liên lạc với cậu ấy thì mày lại phá hết mọi nỗ lực của tao."

Uyên nổi điên.

"Thế mày nghĩ coi. Tao mà không làm vậy, thằng Tuấn dám nổi điên bay từ bên đó về đây ăn vạ lắm."

Những lá thư Tuấn gửi về vẫn còn nằm im trong một ngăn tủ trong phòng tôi. Chưa được mở và đóng đầy bụi. Đã từng có lúc, tôi thấy chúng như một loại thuốc gây nghiện, một thứ bùa chú khiến tôi mãi mơ màng trong giấc mộng không có kết thúc tốt đẹp. Thế là tôi đốt chúng đi.

"Chuyện này thật là sai lầm." Tôi mệt mỏi kêu lên.

"Không ai dám chắc chắn mình luôn đúng hết. Mười bảy tuổi, con người ta làm sai. Hai mươi mốt tuổi, con người ta vẫn sai. Già hơn nữa, già như ba mẹ mày ấy, có khi vẫn làm sai." Nó lí sự.

"Không ai nói cho mày biết thế nào là sai đến khi mày làm tổn thương người khác, và làm tổn thương chính mình đâu." Tôi bâng quơ, mắt dõi vào một điểm vô định ngoài cửa xe.

Trời lại đổ mưa. Những cơn mưa mùa vẫn thường đến và đi, thật nhanh.

---o0o---

Ba mẹ ngồi ở chiếc ghế dài đối diện, trao đổi ánh mắt với nhau một lúc lâu trong im lặng. Bé Ni ngồi cạnh tôi vẫn đang loay hoay hoàn thành nốt tờ trắc nghiệm toán lớp ba. Nắng sớm hắt vào phòng thứ ánh sáng nhẹ dịu. Không khí vẫn còn nồng hơi đất sau cơn mưa đầu tiên ở phố biển.

"Thật ra ba mẹ muốn nói chuyện này với mấy đứa lâu lắm rồi." Ba khó nhọc mở lời.

Bé Ni xếp tờ trắc nghiệm lại, chồm về phía trước chăm chú lắng nghe. Hai anh em tôi quay sang nhìn nhau thắc mắc trong một thoáng chờ đợi khi ba ngừng lời, rồi lại chăm chú lắng nghe.

"Con giờ đã tốt nghiệp đại học, đã có thể tự lập, tự lo cho mình." Ba nhìn tôi, rồi chuyển sang bé Ni. "Còn con cũng đã đủ lớn để hiểu chuyện."

Ba lại cục cựa điều gì đó trong cổ họng. Mẹ lúng túng thay ba tiếp lời:

"Từ lâu ba mẹ chỉ coi nhau như những người bạn, cố níu kéo nhau để chăm lo cho hai con."

Tôi thần người. Bàng hoàng trong một lúc lâu rồi chen vào:

"Ba mẹ muốn li dị à?"

Hai người chậm rãi gật đầu, bối rối như trẻ con bị bắt quả tang làm chuyện xấu.

"Nhưng mà hai đứa phải tin là..." Mẹ ngập ngừng tìm lời. "Ba mẹ đã thực sự rất yêu thương nhau khi muốn có hai đứa, hai con là điều tuyệt vời trong cuộc sống gia đình này."

"Vậy bây giờ hai người chán trò chơi nhà chòi và bỏ nhau sao?" Cơn giận vô cớ chèn hết đầu óc tôi.

Ba nhẹ nhàng:

"Khi đến tuổi ba mẹ, con sẽ hiểu."

"Con không hiểu." Tôi làu bàu.

Bé Ni rưng rưng nước mắt, thút thít:

"Hai người không yêu nhau nữa à?"

Mẹ bước đến xoa nhẹ đầu nó, thì thầm:

"Hai người yêu nhau không có nghĩa là phải ở cùng nhau đâu con."

Mọi người im lặng chờ đợi một điều vô hình mà không ai biết nó là gì. Ngoài kia, Một đám mây xám lừng lững vắt ngang bầu trời xanh.

Chương 15

"Ngày mai cậu đi à?" Tôi hỏi, cởi tất ra và thả chân mình xuống nước. Những con sóng nhẹ mân mê lòng bàn chân, mát rượi và dịu dàng.

Tuấn ngồi xuống bên cạnh, dõi mắt theo một điểm xa xăm ngoài khơi. Trời chiều tắt nắng, những gợn mây xám xịt ngoài khơi chầm chậm kéo về phố. Tôi như đang ở trong một bức tranh của một họa sĩ vụng về, cách phối màu biển xanh thẫm hoàn toàn không hợp với những tán cây đang nở hoa vàng tươi dọc theo bờ đá ven biển. Biển lặng gió chờ cơn giông, mù khơi mờ mịt chẳng thể nhìn thấy những hòn đảo nhỏ.

"Mọi thứ thay đổi nhiều quá nhỉ?" Tuấn không đáp mà hỏi vu vơ.

"Ừ..." Tôi lầm bầm trong cuống họng. "Hồi hơn mười năm trước, chổ mình đang đứng là biển. Mười năm sau, người ta lấn biển, cất nhà... người ta lấp được biển, thì có gì mà không thể thay đổi chứ."

"Thế cậu có thay đổi không?" Tuấn vẫn không nhìn tôi. Cậu hơi ngã người về phía sau, nhìn về vào khoảng không mờ xám.

Tôi hít một hơi thật sâu, cố lấp lửng.

"Mười năm nữa, hai mươi năm nữa... Một ngày nào đó, khi tụi mình đã già rồi..."

Tuấn chen vào:

"Tụi mình vẫn có thể ngồi lại bên nhau như thế này."

Tôi thả hồn vào dòng suy tưởng mà tôi đã khơi màu:

"Ừ. Khi đó tụi mình sẽ nhắc đến chuyện của những năm hai ngàn lẻ mấy, những chuyện mới đây thôi. Mà như lâu lắm rồi ấy..."

"Khi ấy tôi vẫn sẽ hỏi cậu một câu." Tuấn quay sang nhìn tôi. "Cậu có thay đổi không?"

Tôi cười gượng:

"Còn tôi thì vẫn sẽ cố vờ đi và không trả lời."

"Tại sao thế?"

"Vì ngày mai lại là một ngày khác. Không ai biết những gì chờ đợi phía trước..." Câu nói của mẹ tự dưng hiện lên trong đầu và vụt qua cửa miệng của tôi. "Và hai người yêu nhau không có nghĩa là họ phải ở bên nhau."

Tuấn khẽ thở dài.

"Vậy thì khi đó tôi sẽ hỏi câu khác." Giọng Tuấn nghe rất buồn. "Cậu có hạnh phúc không?"

Hạnh phúc ư? Sau chừng ấy năm sống trong dằn vặt, khổ đau, luyến tiếc. Rồi thì lãng quên, đánh mất. Tôi thì thào:

"Miễn là cậu được hạnh phúc."

Hai đứa ngồi yên bên nhau một lúc thật lâu. Ngắm nhìn hoàng hôn mà không thấy mặt trời, mãi đến khi trời sụp tối. Tôi đề nghị ra về, hai đứa lại tiếp tục lặng lẽ sóng bước ra đường lớn. Tôi đi về hướng trạm xe buýt, còn Tuấn thì đi về hướng ngược lại.

"Vậy mình chia tay ở đây nhé."

Tuấn gật đầu buồn bã.

Tôi quay mặt đi, lầm lũi bước và không một lần ngoảnh mặt lại.

Trời bắt đầu đổ mưa, một cơn mưa phùn rất nhẹ. Nổi đau ngủ vùi trong tôi mấy năm qua chợt tỉnh lại, day dứt và mạnh mẽ như những ngày đầu tiên khi chia tay Tuấn ở trạm xe buýt. Lần ấy hai đứa đi đến trạm cuối, rồi quay về. Nhưng lần này thì chỉ có mình tôi thôi.

Tôi cứ tưởng mình không thể khóc được nữa, cứ tưởng con tim mình đã chai sạn. Nhưng hôm nay nó lại bắt đầu thổn thức, lỗi những nhịp yếu ớt. Và nước mắt tôi lẫn trong những giọt mưa. Giá mà tôi đừng gặp lại cậu ấy.

Tôi gục người vào cột báo hiệu của trạm xe, khó nhọc thở trong cơn nức nở.

Chiếc điện thoại rung lên trong túi áo. Tôi bắt máy, cẩn thận dùng hai tay che lại để nó không bị ướt.

"Chó con này..." Giọng Tuấn ấm áp vang lên. Mắt tôi lại mờ đi.

"Cậu cứ chạy đi nhé." Tuấn thầm thì. "Chạy thêm một vòng trái đất nữa, hai vòng trái đất nữa... chạy hết mấy chục ngàn cây số mà cậu nói ấy."

Tôi đưa tay quệt nước mắt, ngồi bệt xuống đất và để mặc cho những tiếng nấc vang lên khe khẽ.

"Nhưng mà..." Tiếng thở dài của Tuấn rít qua tai nghe. "Tôi vẫn sẽ đuổi theo cậu, luôn đi theo cậu... Cậu nhìn đi. Chỉ cách cậu chỉ có mười bước chân thôi."

Tôi giật mình quay lưng lại. Tuấn đứng đó tự bao giờ. Người ướt sủng vì nước mưa. Tuấn mỉm cười. Gấp điện thoại lại và cho vào túi. Tuấn cất cao giọng để át đi tiếng mưa.

"Khi nào cậu chán trò rượt đuổi này, thì chỉ cần cậu đi lùi lại mười bước. Mà cũng không cần đâu, cậu cứ đứng yên đó, tôi sẽ chạy đến chổ của cậu."

Tôi im lặng, lắng nghe cảm giác ấm áp tràn khắp cơ thể.

"Bây giờ thì cậu thích chạy. Nhưng mà tôi sợ lắm, tôi sợ lạc mất cậu, tôi sợ mình mệt mỏi... Vì thế cho nên..." Giọng Tuấn khẩn khoản. "Xin cậu đừng chạy nữa nhé."

Có ai đó đã nói, mưa tháng bảy là nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ buổi tương phùng rồi ly biệt. Tôi vẫn mãi không hiểu vì sao nước mắt lại có vị ngọt như thế. Có lẽ, những khoảng cách, sự chờ mong... chỉ làm cho tình yêu của họ thêm ngọt ngào, ngọt ngào như những giọt mưa phùn tháng bảy.

---o0o---

Ông lão hít một hơi thật sâu để không khí mát lạnh buổi sớm tràn vào lồng ngực. Ông đưa ngón trỏ lên, cảm nhận hướng gió rồi khoan khoái kéo lưỡi câu ra. Cẩn thận lựa mồi cá hợp với màu nước, ông ném lưỡi câu xuống biển bằng một động tác thành thạo.

Ông ngồi rung đùi trên chiếc ghế xếp, chờ đợi.

Cuối cùng dây câu cũng động đậy. Ông hào hứng thu dây về.

Một vật lấp lánh ánh bạc trong nắng mắc vào lưỡi câu. Ông nheo mắt, lật chúng lên. Những dòng chữ chạm trổ cầu kỳ trên hai chiếc chìa khóa: ANH TUẤN. CHÓ CON.

Ông thở dài chán nản, rồi vung tay ném chúng trở lại biển. Bạn ông nói đúng, câu cá quanh hải đăng là một ý tưởng tồi. Có lần bạn ông kéo lên cả chục cái chìa khóa ấy.

Chán thật. Ông lẩm bẩm trong lúc xếp lại hộp dụng cụ, đi tìm chổ khác để câu.

Một cơn gió mát rượi thổi đến khi ông quay lưng đi.

Đằng sau, biển lăn tăn gợn sóng hắt những ánh mặt trời vỡ vụn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro