Đi mạnh giỏi nhé

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ngọn gió lay lay mấy nhành cỏ xanh xanh, phía xa xa nơi chân trời trên cái sắc nền màu lơ giấu mình e dè sau vầng mây bồng bềnh là những cánh chim lúc ẩn lúc hiện. Một thời tiết tuyệt vời cho những buổi rong chơi, tôi thầm cảm thán trong khi vẫn đang híp mắt lại tận hưởng cơn gió len qua khe cửa sổ mơn man da mặt mình.

Nhìn trời ngắm đất chán chê, tôi lại quay đầu về phía ngược lại, hơi ngước mặt lên để hình ảnh đứa con gái bên cạnh lọt toàn bộ vào mắt của mình. Nhỏ là Bạch Dương, một cây hài thực thụ. Đó là cách tụi trong lớp gọi nhỏ, không phải bởi vì Dương có lối nói chuyện hài hước hay bất cứ thứ gì đó tương tự, chỉ đơn giản là với gương mặt lúc nào cũng ngơ ngơ như bò đeo nơ của mình, nhỏ hoàn toàn đã có đủ khả năng làm người khác bụm miệng ôm bụng mà cười. Cái dáng thấp thấp nhưng vì Dương đang đứng nên tôi phải hơi nghênh đầu lên mới nhìn được mặt nhỏ, tuy nhiên mái tóc chấm vai chỏm ngắn chỏm dài che khuất gương mặt Dương phũ phàng gạt đi những nỗ lực của tôi.

- Thôi được rồi, em ngồi xuống đi.

Tiếng thầy trên bục vang vọng xuống, như một sợi dây cứu mạng mà một Bạch Dương sắp rơi xuống vách đá đang cần, và chỉ chờ có thế, nhỏ túm ngay lấy sợi dây, vội vã và đầy hứng khởi. Bạch Dương ngồi phịch xuống ghế, lấy tay quệt quệt mũi, môi hơi mím lại trông thương hết sức, nhưng ngay lập tức nhận thấy mình đang bị tôi nhìn chằm chằm, Dương quay phắt sang, lườm nguýt một cái sắc lẻm, rồi còn hếch hếch cằm lên, như thể nhỏ nghĩ rằng tôi đang phóng ra một ánh mắt cười cợt vì nhỏ đã không trả lời được câu hỏi của thầy và điều đó khiến Bạch Dương vốn sẵn tính hung hăng không ngại ngần gì lao vào đánh tôi vài cái nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy rằng điều nhỏ nghĩ là sự thật.

Nhỏ lườm thì lườm vậy, chứ tôi nào có sợ, tôi còn thấy buồn cười nữa là. Kỳ lạ. Phải chăng vì cái điệu bộ dữ tợn đang doạ nạt tôi kia chẳng thích hợp chút nào với một gương mặt trẻ con búng ra sữa? Tự nhủ lòng không sợ thế thôi, chứ ngay lập tức tôi liền đảo mắt lòng vòng vô ý, đánh ánh nhìn qua cái đồng hồ vô dụng vì hết pin, rồi bảng đen loang lổ mấy vệt trắng, lại đến quạt trần vừa quay vừa lắc lư tựa như bất cứ khi nào cũng có thể rớt xuống. Nhìn đâu thì nhìn chứ tôi tuyệt nhiên chẳng dám đưa mắt qua đứa bạn ngồi cạnh, nhìn thêm lần nữa thì chắc Dương tẩn tôi thật, nên tốt nhất vẫn nên tự giữ an toàn cho mình.

Cơ mà tôi không thể không thừa nhận rằng cô bạn cùng bàn này gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Một sức hút tôi hoàn toàn có thể cảm nhận nhưng đến giờ thì vẫn chưa tìm được điểm xuất phát của nó. Dù vậy, có một điều tôi khẳng định, nét cuốn hút của Bạch Dương là một cái gì đó rất riêng, rất đặc biệt, khác với nét đằm thắm và ngọt ngào thường thấy ở mấy đứa con gái làng Xi mà tôi đã từng gặp qua. Bởi lẽ với cái gương mặt lúc nào cũng cau có vênh váo nhìn muốn đánh cùng với mái tóc được cắt tỉa kỳ lạ hơi cháy nắng ấy, chiếc áo dài thướt tha đặc những dịu dàng của người phụ nữ Việt dần ngả vàng và sờn đôi ba chỗ mà Dương đang khoác lên chẳng thể níu kéo nổi chút nữ tính ít ỏi trong người nhỏ, ngược lại nó còn làm Dương trông buồn cười hơn. Một chiếc áo dài phản chủ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tôi chẳng hiểu Dương có gì mà thu hút tôi đến thế, có thể là dáng vẻ giang hồ nửa mùa của nhỏ, hay là một cái gì khác, chính tôi cũng chẳng biết nữa.

...

- Nắng rơi trên vai em...

Tôi vừa phi trên con xe đạp màu xanh vừa nghêu ngao hát. Tôi mê hát, dù phải đớn đau thừa nhận rằng tiếng hát của tôi chẳng lọt tai cho lắm. Và nếu xung quanh tôi hiện tại không phải là một cánh đồng vắng vào buổi mặt trời hãy đang mệt mỏi thì tôi thật chẳng có đủ can đảm để tiếng hát của mình được cất lên với một âm lượng không nhỏ như thế này.

Tôi chợt ngừng hát, vội bóp thắng làm chiếc xe đạp cũ khựng lại đột ngột kèm theo tiếng kít dài, cả cơ thể nãy giờ đang đung đưa theo lời bài hát của tôi theo quán tính bổ nhào về phía trước. Nhảy xuống xe, dắt nó đi bộ thêm quãng nhỏ về phía trước, nơi xuất hiện điều vừa có khả năng kéo tôi ra khỏi những đắm đuối khi chìm trong việc ca hát ưa thích. Đó là một bóng dáng nhỏ bé chẳng còn xa lạ gì. Bạch Dương đang ngồi xếp bằng trên nền đất, hai tà áo dài lấm lem bụi bẩn được kéo qua bên hông và buộc lại với nhau, đôi tay đen sì vì dầu nhớt của nhỏ di chuyển thoăn thoắt, có vẻ là đang lắp xích xe.

- Dương có cần Giải giúp gì không?

Có vẻ Bạch Dương đang quá tập trung, đến mức chẳng nhận ra sự hiện diện của tôi, hoặc có thể nhỏ biết, nhưng lại cố tình phớt lờ. Dù là với lý do gì, tôi cũng nghĩ mình nên nói gì đó để phá tan bầu không khí chỉ có tiếng sửa xe lách cách và tiếng gió rít khẽ này.

- Thôi.

Tôi trố mắt, không phải vì câu trả lời cụt lủn nhỏ vừa dành cho một người tốt bụng đang có ý giúp đỡ là tôi đây, mà là vì Dương đã đáp lại, tôi còn tưởng nhỏ sẽ chỉ lắc đầu thôi chứ. Dương vốn kiệm lời, và điều đó luôn là một trong những điều khiến tôi đau đầu. Nhỏ học kém, và với cương vị là một lớp trưởng, tôi vinh dự được cô giao cho nhiệm vụ kèm cặp Dương. Một viễn cảnh về đôi bạn cùng tiến cứ thế được vẽ nên trong đầu tôi, nhưng thẳng thừng tạt xô nước lạnh làm trôi màu đi cái bức hoạ quá đỗi đẹp đẽ ấy, Bạch Dương chẳng có ý định hợp tác gì. Nhỏ chẳng bao giờ hỏi tôi bất cứ thứ gì về bài học, vậy nên tôi cũng chẳng biết phải giúp làm sao cho được. Khác với những con người ngoài kia đang ngày một cố gắng, Dương gạt phăng đi những cơ hội để hoàn thiện bản thân có sẵn ngay trước mặt mình.

Lạ lùng. Cứng đầu.

Đó là những điều tôi nghĩ về Bạch Dương.

Tôi leo lên xe, một lần nữa chuẩn bị lướt qua như bao lần nhỏ từ chối sự giúp đỡ của mình trước đó. Nhưng lia mắt lại lần cuối nơi Bạch Dương đang dùng bàn tay gạt đi mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán trong khi tay còn lại đang cầm lấy bàn đạp xoay chầm chậm, tôi không thể nhướn chân lấy đà để đẩy xe nổi nữa.

Cứng đờ.

Dù chỉ mới lướt mắt qua nhưng cũng đủ để tôi biết rằng chiếc xe đạp tróc sơn với cái khung xiêu xiêu vẹo vẹo và cái yên gần như bị rách đôi ra này sẽ chẳng dễ gì mà sửa được, dù cho nhỏ có ngồi đó tới tối. Nhưng cái ánh mắt hi vọng ấy, cái ánh mắt hi vọng đến tha thiết cùng cực, dù cho là kết quả đã quá rõ ràng, nhưng Dương vẫn nuôi những mong chờ như thế.

Và chính cái ánh mắt ấy, nó làm tôi không đành lòng.

Mặc cho cái nắng gay gắt của những ngày đầu hạ làm tôi chỉ muốn về nhà và sà ngay vào trước quạt, tôi gạt chân trống xe, bước về phía Dương. Mọi thứ diễn ra vỏn vẹn trong một khoảnh khắc, chỉ vì sự không đành lòng của tôi, và điều đó khiến con người luôn suy xét cẩn thận mọi chuyện, hay nói đúng hơn là ưa việc đặt lợi ích của bản thân lên trước tiên như Cự Giải này, chính tôi cũng chẳng hiểu mình đang làm cái hành động quái quỷ gì nữa.

- Dương né ra một chút đi, để Giải.

Tôi ngồi thụp xuống bên cạnh Dương, bắt đầu đưa mắt xem xét tình hình chiếc xe. Đang tập trung hết sức có thể thì Dương huých vai vào tôi một cái đau điếng. Theo quán tính tôi ôm lấy vai mình xoa lấy xoa để, cố làm dịu đi cơn đau, đồng thời nhíu mày giương ánh mắt khó hiểu nhìn nhỏ, và đáp lại tôi là cái trừng mắt của Dương. Sau một trận đấu mắt cân tài cân sức, Dương hất cằm về phía chiếc xe đạp của tôi.

- Đã bảo là Giải làm được mà, khỏi lo.

Dù gì cũng ngồi cùng bàn với nhau gần một năm học, tôi đã quá quen với cái cách dùng cử chỉ để nói chuyện này rồi. Không để nhỏ kịp làm ra thêm hành động nào nữa, tôi vươn tay vào xoay xoay mấy cái mắt xích.

Nắng xuyên qua lớp bông lúa lười biếng cùng màu, và xuyên cả qua lớp áo đồng phục trắng tinh mỏng dính của tôi.

Tôi chẳng biết đã bao lâu trôi qua, cho đến khi phải nheo mắt mới nhìn kỹ được vị trí lắp xích, tôi giật mình ngẩng đầu lên, nhận ra trời đã nhá nhem tối.

- Giải về trước đi, Dương tự dắt xe về được.

- Một chút nữa thôi, Giải sắp sửa xong rồi.

Tôi lại cặm cụi vào công việc dang dở. Nhìn thì tưởng thế chứ chỉ có tôi mới biết được mình chỉ đang khua tay loạn xạ. Nói gì thì nói, tôi là người đã đề nghị sửa xe giúp Dương, và nếu bây giờ phải thừa nhận rằng mình cũng chỉ có cái miệng biết hứa và tấm lòng tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ người khác chứ về chuyện sửa xe thì hoàn toàn là một tay mơ, hẳn nhỏ phải thất vọng lắm. Hoặc cũng có thể Dương sẽ nhào vào đánh tôi túi bụi vì đã lỡ mất của nhỏ hàng giờ đồng hồ. Hơn nữa, con trai mà không biết làm mấy chuyện đơn giản như lắp xích thì quả là một thằng thất bại.

- Cảm ơn Giải, nhưng trễ rồi, Giải cứ về đi.

Cảm ơn trời vì Dương đã nói thế, chứ để lộ việc tôi mù tịt về sửa xe nhưng vẫn cứ thích thể hiện thì chao ôi, còn nỗi nhục nào bằng cơ chứ. Ngay lập tức tôi bật dậy, phủi phủi tay, rồi lại đá đá chân để đỡ mỏi cơ. Nhưng tôi nhanh chóng dừng chuỗi hành động của mình lại, vừa hồi tưởng lại một Bạch Dương vốn cục súc vừa nói mấy câu hoàn chỉnh với tôi, thậm chí còn cảm ơn tôi nữa cơ. Không một lý do nào cả, tôi cứ thế quên đi sự khó chịu của tấm lưng đẫm mồ hôi và đôi bàn tay lem luốc, có lẽ bản thân còn đang bận lạc trong những bất ngờ Dương vô tình tạo ra.

Tôi đứng như trời trồng. Bất động và ngơ ngác.

Tiếng động thật khẽ nhưng nổi bật giữa cái không gian yên ắng kéo tôi trở về thực tại, Dương dắt con xe đạp cùi bước qua tôi. Chẳng kịp nghĩ gì, tôi vội vã dắt xe mình đuổi theo nhỏ.

Tôi đuổi kịp, Bạch Dương xem chừng bất ngờ lắm, nhưng nhỏ lại quyết định im bặt, có lẽ vì nhận ra hôm nay mình đã nói quá nhiều rồi. Chúng tôi đi song song nhau bên cánh đồng thơm mùi lúa chín mà quạnh quẽ quá thể, dưới cái sắc trời dần ngả đen, và trong cái không khí yên lặng thường trực.

...

- Trời ạ.

Tôi rít khẽ qua kẽ răng, thầm thương chính bản thân mình vì cái cớ sự xui xẻo đang diễn ra. Tôi vung tay lên xuống liên tục, cố hi vọng vẫn còn chút mực ít ỏi trong ống viết. Nhưng không, sau khi quẹt quẹt mấy đường dài lên tấm bìa cuốn tập, chẳng có gì xuất hiện cả. Vết mực tôi hằng chờ đợi cứ thế tàn hình, và con điểm của bài kiểm tra toán vào tiết sau cũng tàn hình nốt.

Đang vò đầu bứt tóc sau khi hỏi mượn bút đám bạn xung quanh và chỉ toàn nhận được cái lắc đầu thì một tiếng cạch dừng hành động của tôi lại trước khi đầu tôi chẳng còn mớ tóc nào. Tôi xác định được ngay vị trí phát ra âm thanh đó, một cây bút bi được đặt trên bàn.

- Cảm ơn Dương nhé.

Còn ai vào đây cho được, chắn chắn là cô bạn cùng bàn của tôi rồi. Cũng chẳng biết có phải do bản thân nhạy cảm hay không, mà từ sau buổi chiều hồi tuần trước tôi về với nhỏ, tôi thấy Dương lạ đi hẳn. Nhỏ không dùng phấn trắng chia đôi bàn và lấy cây thước sắt khẻ vào tay tôi mỗi khi tôi "xâm chiếm lãnh thổ" của nhỏ nữa, và bây giờ thì Dương đang cho tôi mượn bút, nếu là thường ngày nhỏ sẽ mặc kệ và hí hửng nhìn tôi gặp nạn.

Tuy vậy, Dương vẫn cứ im ỉm không nói với tôi câu nào, và điều này làm những suy đoán của tôi cuối cùng cũng chẳng có một sự khẳng định chắc chắn.

Bạch Dương không vì câu cảm ơn của tôi gián đoạn việc đang làm. Không có tiếng đáp lại, hơi ngượng, tôi nghiêng đầu tò mò ngó xem điều gì có thể làm Dương tập trung đến thế. Nhỏ đưa bút chì hoay hoáy trên cái trang giấy hơi ố vàng nổi bật một nhân vật hoạt hình dễ thương vui nhộn. Té ra là đang vẽ à, trước đây vốn nghĩ Bạch Dương làm gì có mấy cái thú vẽ vời này, ai dè nhỏ biết vẽ, còn vẽ rất đẹp là đằng khác.

- Đẹp phết đấy, Dương định thi vào Đại học Mỹ Thuật à?

Tôi giở giọng bông đùa, tuy vậy lời khen thì là thật.

- Dương không định học đại học.

...

Tôi đang đạp xe nhanh nhất có thể, và điều đó khiến cho những cơn gió vốn nhẹ nhàng mềm mỏng nay lại mạnh mẽ thổi ngược mái tóc tôi, chúng còn tạt vào mặt tôi nữa, đau rát. Nhưng tôi nào có cái tâm trạng mà lo cho việc đó chứ, tôi còn bận vui kia mà. Tôi vui vì cái gì ấy nhỉ, phải chăng vì điểm đến của tôi hiện tại là nhà Bạch Dương, tôi đặt ra lý do rồi lại ngay lập tức lắc đầu nguầy nguậy phủ nhận nó.

Sáng nay là ngày tổng kết, và Dương vắng mặt. Nhỏ làm tôi tức lắm, ngày cuối cùng mà lại không đến, và còn có chút thất vọng nữa, vì tôi đã đưa mắt dáo dác kiếm tìm bóng hình nhỏ bé đó trong sân trường suốt cả một buổi sáng nóng như đổ lửa. Nhưng tôi nhận được gì chứ, không gì cả.

Và bây giờ tôi đang mang giấy khen và phần thưởng nhà trường phát sáng nay đến cho Bạch Dương. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại nhận công việc này nữa, trong khi nhà tôi ở xóm trên và nhà nhỏ lại ở tuốt xóm dưới, có thể vì tôi là lớp trưởng, hoặc vì tôi ngồi cạnh Dương, cũng có thể đơn giản chỉ là vì tôi thích làm thế.

- Bạch Dương!

Sau một hồi ngó ngó nghiêng nghiêng trông hết sức buồn cười, tôi dừng trước hàng rào gỗ sẫm màu ván cao ván thấp, gọi vọng vào với cái chất giọng lớn nhất có thể để át đi tiếng quét sân xào xoạc. Không để tôi đợi quá lâu, Dương bước ra. Bộ dạng của nhỏ không lúc nào là thôi làm tôi buồn cười, áo thun rộng thùng thình dài ngang gối trông thật dị khi phối cùng cái quần bà ba đen xắn lên lưng cẳng chân, nhìn xuống dưới lại là đôi tông kẹp ngón chiếc màu hồng chiếc màu xanh lá. Tay cầm cái chổi tre, có lẽ nghe tôi gọi vội quá nên chưa kịp cất, nhỏ vén tóc mai vào bên tai, mái tóc bình thường vốn đã ngắn nhưng hôm nay lại được Dương cố buộc lên, lại còn buộc cao nữa cơ, vì thế có mấy lọn tóc rơi xuống bên vai nhỏ.

- Này, phần thưởng của Dương.

Tôi chồm người về phía trước với lấy gói quà được bọc giấy kính màu đỏ và một tờ giấy ra từ trong rổ xe. Bạch Dương có vẻ vui lắm, nhỏ đặt nhanh cái chổi tre xuống đất, chùi chùi tay vào vạt áo rồi đưa tay nhận lấy đồ của mình, nụ cười vẫn cứ không ngớt.

- Phiền Giải quá, sáng nay nhà có việc nên Dương không dự lễ tổng kết được. Cảm ơn Giải nhé.

- Ừ không có gì đâu.

Nhìn Dương ôm quà và giấy khen vào trong ngực, rồi nở một nụ cười hiếm hoi, tự nhiên tôi cũng thấy mình lâng lâng. Tôi thì năm nào mà chẳng có phần thưởng của trường, thành ra mấy việc này bị tôi biến thành lẽ dĩ nhiên, và tôi cũng chẳng hào hứng hay bất ngờ mấy mỗi khi tên mình được xướng tên trong danh sách học sinh xuất sắc, nhưng sáng nay cầm phần thưởng trên tay mà tâm trạng tôi hạnh phúc lạ kỳ. Tất nhiên, nó chẳng phải là của tôi mà là của Dương, nhỏ hẳn đã mong chờ phần thưởng của nhà trường từ lâu rồi, nên cứ nghĩ đến nét vui vẻ của Dương khi tự tay cầm lấy món quà này, tôi cũng vui lây.

- Con Dương đâu? Lại lười biếng trốn việc à?

Một giọng nữ trung niên the thé phát ra từ nhà trong, Dương giật mình vội cúi xuống nhặt cái chổi lên.

- Thôi Dương vào nhé.

Chẳng đợi tôi ú ớ câu nào, nhỏ quay lưng lẹ bước vào trong. Người vừa rồi mới nói tôi dám chắc là dì của Dương. Khắp cái làng Xi này, từ xóm trên đến xóm dưới, từ mấy bác với gánh bánh đa ngồi bên cổng chợ cho đến những ông thầy bói thích tụ tập ở sân đình chơi cờ, không ai là không biết chuyện nhà Dương. Tôi cũng biết, nhưng cũng chẳng phải vì tôi là người nhiều chuyện gì, tại má tôi cứ kể cho cả nhà nghe miết, thành thử ít nhiều cũng có chữ lọt tai.

Hồi xưa nghe đâu má Dương đẹp nhất làng, khối anh theo. Nhưng má nhỏ kiêu lắm, chẳng vừa mắt ai. Vì má Dương nghĩ chỉ có mấy gã trai nhà giàu mới xứng với mình, sau này được như ước nguyện, má nhỏ cưới con trai của chủ một cửa tiệm bán vải lớn trên huyện. Nghe đâu nhà chồng má nhỏ lại không vừa ý cô con dâu này, bởi vì không môn đăng hộ đối, nếu không thương con trai thì còn lâu họ mới đồng ý cho đám hỏi này.

Chừng năm sau, ba nhỏ băng qua cây cầu tre, lại đương lúc đó say rượu, trời tối, ba Dương rớt xuống sông, bị nước cuốn đi, đến giờ vẫn chưa thấy xác. Ông bà nội nhỏ đau buồn thì cứ đau buồn, đau buồn xong thì lại muốn nhanh đuổi cô con dâu này đi, vì ba nhỏ chết rồi thì cũng chẳng còn lý do gì mà giữ người ta ở lại, nhưng ngẫm lúc ấy má nhỏ đang mang thai, nên họ cũng chẳng dám vội gì.

Định chờ má Dương sinh con xong rồi hẵng đuổi đi, mà nếu đó là con trai thì nhà ấy mới nuôi, còn con gái thì thôi bỏ. Thế là má nhỏ sinh con gái, không đợi con dâu khoẻ hẳn, họ từ mặt hai má con nhỏ luôn. Đau buồn, uất hận và nhục nhã, má Dương bỏ đi biệt tích, nghe phong phanh là lên thành phố tìm việc, trước khi đi còn đem Bạch Dương đặt trước cổng nhà em gái.

Vậy từ đó, nhỏ sống với chú và dì, mặt ba thì chẳng rõ mà mặt mẹ lại cũng quên.

...

- Giải ăn nhiều vào con, sắp thi đại học tới nơi rồi nên ăn vào cho nó có sức mà học.

Má tôi vừa nói vừa gắp vào chén tôi khúc cá kho.

- À đúng rồi, hôm nay tôi đi chợ thấy con Dương cháu bà Nhậm ở xóm dưới đấy.

Má tôi giật mình nhớ lại gì đó, quay qua nói với ba tôi. Ba tôi cũng tò mò dừng ăn mà ngẩng đầu lên, gật gù chờ nghe tiếp câu chuyện. Nghe đến tên Dương, tôi cũng ngước mặt lên.

- Ôi chao con bé nó thương lắm, nó phải đi bán rau ấy. Tội nghiệp, chắc là không định thi rồi, cũng phải thôi, nhà nó nghèo thế tiền đâu mà trả nổi học phí đại học.

Má tôi nói thương thì thương thế, chứ có trời mới tin là má tôi thương thật, nhìn cái bĩu môi đó tôi lại càng tin vào khẳng định của mình. Sau đó má và ba còn nói chuyện với nhau một hồi, nhưng tôi chẳng nghe được gì cả. Tai tôi ù đi, miếng cá kho mằn mặn tan trong miệng trở nên nhạt nhẽo lạ thường. Hồi tưởng lại trước đây bản thân đã nhiều lần vô tư hỏi về những dự định ở đại học của Dương, dù nhỏ tỏ vẻ không quan tâm và chưa từng cho tôi một câu trả lời nào, nhưng lờ kiểu gì cho được chứ, ắt rằng nhỏ đã phải tủi thân lắm. Cứ ngỡ Bạch Dương đối xử với mình khác hơn, tôi được nước lấn tới, hỏi một câu mà bị mặc kệ thì sẽ dai dẳng mà hỏi tiếp, câu thứ hai, rồi thứ ba.

Trách mình một thì tôi lại thương Dương mười. Tôi đã từng thấy nhỏ bần thần cầm tờ giấy điền nguyện vọng vào giờ ra chơi, tiếc nuối và buồn bã. Được đi học, ai mà chẳng muốn cơ chứ, nhưng không phải cứ muốn là được.

Cổ họng tôi nghẹn ứ lại.

Đắng ngắt.

...

- Này lấy cặp bánh giò ra tí nữa mà ăn. Má lên xe xếp đồ trước, mày cứ ở dưới đây cho thoáng.

Má vừa hỏi vừa dúi vào tay tôi cặp bánh giò mới lấy ra từ túi bóng, rồi lại lật đật quay đi. Tôi không đáp, đưa tay nhận lấy cặp bánh, rồi lại đánh mắt nhìn cổng làng.

Thẩn thờ.

Cái làng Xi này, nơi tôi đã chân trần chạy khắp cánh đồng để thả diều năm sáu tuổi, nơi tôi đã ngồi vắt cẳng ở quán chè trước cổng trường luyên thuyên với mấy thằng bạn năm mười bốn tuổi, và cũng là nơi tôi gặp được người con gái thật đặc biệt năm mười tám tuổi. Lần đầu tiên xa làng, có chút gì đó bồi hồi và không nỡ, nhưng tôi vẫn sẽ trở về. Dù tôi biết rằng mai sau có trở về thì những cảm xúc này sẽ khó được nguyên vẹn.

Tiếng dép kẹp lạch xạch làm tôi hoàn hồn, quay qua thì tự bao giờ Bạch Dương đã ở đối diện mình. Nhỏ chống gối thở hồng hộc, có lẽ vì phải chạy nhanh, liếc xuống dưới thì tôi thấy nhỏ chỉ còn một chiếc dép, mà chiếc dép còn bị đứt quai. Tôi cứ nhìn nhỏ thế, ngậm ngùi. Tôi biết nói gì bây giờ, hay nói đúng hơn tôi chẳng thể thốt nổi nửa từ. Chẳng biết thế nào, tôi lại có một suy nghĩ, có thể sau này quay trở lại làng, tôi không thể vô tư với các trò chơi tuổi thơ được nữa, cũng không thể có những buổi xôm tụ hàng quán, nhưng tôi biết chắc rằng, những cảm xúc tôi dành cho Dương vẫn cứ như thế, trong sáng mà da diết. Bầu không khí ngượng ngùng bị phá tan, chỉ có điều là không phải tôi làm như thường lệ.

- Đi mạnh giỏi nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro