"Bằng tuổi mày, năm xưa ..."

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*hãy coi video sau khi đọc vài dòng nhật ký này nhé.



Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2021

Nay tôi ngồi nghe ông tôi kể chuyện năm xưa đi lính, ông kể với đôi mắt sáng rực rỡ, giọng vẫn tếu táo như thường ngày nhưng tôi cũng nhận ra ông có chút nghẹn ngào.

Ông tôi năm nay hơn 80, là người đi qua hai thế kỷ, cũng là người đã đi qua hai cuộc kháng chiến hào hùng nhất lịch sử dân tộc.

Ông kể ngày còn bé, lá cờ đỏ sao vàng ở quảng trường Ba Đình cùng giọng cụ Hồ chính là những ký ức đậm sâu đầu tiên. 2/9 năm ấy, Ba Đình nườm nượp người, ông nói đông lắm, ai cũng cười, ai cũng vui. Sống từng ấy năm rồi, vậy mà tới giờ ông cũng không quên được nữa.

Ngày ấy đói lắm, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc. Ông lên 5, lên 6, nhờ có Bác mới được học chữ. Trước đấy không phải ai cũng được học. Nhắc đến đây, tôi thấy mắt ông nhòe lệ. Ông nói giờ ông nhớ nhớ quên quên, lúc này ông còn nhớ mấy nữa lỡ đâu ông lại quên mất, cái cảnh vừa học vừa chạy.

Năm ấy, đói, nhưng đói đến mấy cũng quyết phải thắng bọn Pháp. Đang học, nghe tin cô giáo nói "Điện Biên Phủ thắng rồi ! Pháp đầu hàng rồi !" Là vui lắm, nhảy cẫng lên. Bé tí, chưa hiểu chính trị, chưa hiểu việc nước, chỉ biết quân ta thắng rồi, thắng rồi là vui.

Cứ ngỡ là đã được hòa bình, ai ngờ lại tới Mỹ.

"Bọn này ranh hơn bọn Pháp nhiều. Nó ác lắm"

Ông tôi xung phong đi lính năm 18 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ. Đúng là xem xem, ngày xưa bằng tuổi mình, cha ông đã cầm súng ra chiến trường vậy mà giờ tôi cũng chỉ tối ngày không Facebook thì Tóp Tóp.

Ông ở bên vận tải, là những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, tiếp tế quân nhu, lương thực cho tiền phương. Ông tôi nói năm nay trên TV hay nhắc đến câu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", người người nhà nhà hướng về miền Nam, cùng miền Nam chống dịch, làm ông nhớ lại ngày xưa lắm. Trên đường lái xe Trường Sơn ngày ấy, thỉnh thoảng đi qua mấy đoàn hành quân, đi qua những anh em dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, mở đường, lấp hố... bom thì dội trên đầu, mà người ở dưới vẫn vui vẻ làm việc. Ngoài chiến trường, mấy ông tiểu đội trưởng lắm lúc tếu lắm, kể chuyện vui cho anh em, cười cái sẽ thấy khỏe hẳn ra, tinh thần lên cao, lại tiếp tục tiến về miền Nam ruột thịt. Ông tôi lúc này lại bắt đầu ngâm nga câu

"Xe ta bon trên dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo, đồi nương, mà xe ta bon bon ra chiến trường ..."

Tới đây, giọng ông chậm lại, ông đang nhớ tới những người anh em đã nằm xuống. "Ban sáng còn vừa chào nhau, hẹn nhau ngày hoà bình lập lại, về Hà Nội sẽ cùng nhau làm bữa cơm. Thế mà tối đã nhận được tin dữ" Bạn ông nằm lại Trường Sơn, nằm lại Quảng Trị, Sài Gòn nhiều lắm. Còn có cả những người mất mãi tận bên Campuchia.

Ngày ấy í à, không nghĩ nhiều đâu, tuổi trẻ tặng Đất Nước,  tương lai là hòa bình.
"Thực ra cũng mong muốn được về nhà chứ, nhưng chưa đuổi được bọn Mỹ, dẹp bọn Diệm thì không thể về. Về cũng không cam, có anh nhiễm trùng phải cưa mất một chân, vẫn xin bên trên cho ở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu"

Nhà tôi còn treo ảnh ông chụp trên chiến trường, ông và đồng đội đứng bên chiếc xe đã móp méo vào chỗ, kính nứt toang, phủ những lá là lá, miệng cười rất tươi. Nhìn những nụ cười rạng rỡ độ tuổi 18 đôi mươi ấy ai mà nghĩ họ đang ở trong những ngày tháng bom bay đạn lạc, sinh tử khó lường kia chứ ?

Ông tôi làm lái xe, vì vậy vẫn còn may mắn hơn nhiều người, một chuyến đi, lại có một chuyến về, cách nhau không xa. Lúc ở đơn vị, thỉnh thoảng bà vẫn ghé qua thăm ông được. Ông bảo mỗi lần đón ông nghỉ phép bà lại khóc. Bà nghe đài, Mỹ - Diệm bắn phá kinh lắm, có ngày bên ta còn mất cả một đại đội trong một đợt tiến công.

Tôi hỏi ông, những ngày ở trên chiến trường ông có viết thư cho bà không ? Ông nói "Thư từ cái gì, sướt mướt quá thể. Chỉ có bà mày cứ gửi cho ông, gửi nhiều gớm cơ"

"Bằng tuổi tụi mày năm xưa người ta lên chiến trường đánh giặc ... "
...

"Bằng tuổi tụi mày năm xưa bà mày cứ miết đợi ông ở trong Nam trở về"

...

Sau năm 68, địch bắn phá ngày một ác liệt. Trong một đợt dội bom của địch, ông không may bị thương, không còn có thể tiếp tục lái xe đường dài nữa. Ông được điều chuyển lại về Bắc làm văn thư.

"Tối đêm đầu tiên về, cứ nhớ mãi thôi. Mơ đấy, mơ là mình vẫn lái xe, vẫn cùng các anh em tiến về Nam đấy. Rừng Trường Sơn âm u, sáng nhất cũng chỉ có pháo của địch. Ốm sốt liên miên, gian khổ vô cùng. Nhớ ngày đưa hàng lên tập kết qua đoạn đường 20, đoạn đường 20 Quyết Thắng ấy, có cái cua chữ A. Chỗ này phải tay lái chắc mới lái được, nguy hiểm thôi rồi. Dọc trọng điểm ATP, hy sinh nhiều lắm ...  "

Ông kể với tôi, cái ngày về Hà Nội, bom cũng vẫn dội ngay trên đầu. Năm 72, Mỹ bắt đầu đem B52 bắn phá thủ đô.

"Ngồi dưới hầm trú ẩn, còi báo hiệu vẫn ong ong lên trên đầu. Lắm lúc nín thở mà nghe tiếng máy bay"

Ông không đi sơ tán, nhưng bà đang mang thai, bà phải đi. Ông kể 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không năm đó, ông ở nội thành mà cứ ngóng, cứ lo.

"Lúc ấy căm bọn Mỹ lắm, chỉ muốn bắn bỏ mẹ hết chúng đi"

Giọng ông nghẹn lại đôi chút lúc nói về phố Khâm Thiên

"Ngày xưa có ông bạn ở đấy, thỉnh thoảng lại qua chén chú chén anh. Thế mà sấm bom rền trời xong, Khâm Thiên đi gần hết. Ông ấy cũng không còn ..."

Ông không thể tiếp tục kể được nữa, quay đi, nhìn ra vườn cây trước nhà. Tôi thấy mắt ông đỏ au. Đôi mắt ầng ậc nước ấy đã nhuốm màu thời gian, đã từng chứng kiến sinh tử cận kề, chứng kiến pháo bom trắng trời, chứng kiến những bước chuyển mình của Tổ Quốc ...

Tôi bắt đầu nhớ lại lời của một cựu chiến binh, từng chia sẻ trong bộ phim tài liệu "Chiến dịch mùa xuân"

"Tự do hòa bình không phải dễ, có được bây giờ, cố gắng mà giữ"

Ông là 1 người lính, 1 người đã chứng kiến những nỗi đau khôn tả hằn đậm trên quê hương đất nước. Cảm xúc ông truyền đến tôi chân thực tới nghẹn lòng. Tôi bất giác nhận ra, những tháng năm còn nằm lại trên sách vở ấy thực ra cũng không xa xôi lắm. Một nhân chứng sống như ông tôi vẫn còn ngồi đây, vẫn còn có thể kể về những giai đoạn hào hùng đó qua chính trải nghiệm của mình.

Năm ấy, họ cũng chỉ mười tám, đôi mươi, vẫn vác bom, dỡ mìn, cầm súng xông lên tiến về phía trước

Năm ấy, họ cũng có tình yêu, cũng có lý tưởng, vẫn sẵn sàng gửi lại thân mình ngoài chiến trận vì hòa bình Tổ Quốc.

Nỗi đau vẫn còn đây

Hào khí vẫn còn đây

Chiến tranh chưa quá xa đâu, vậy nên xin đừng quên đi mất.





---

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro