Chương 18

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà họ Thôi vừa được phong thưởng thì cả làng cả tổng này, nhà nào nhà nấy cũng được hưởng sái vinh quang.

Đoàn người khâm sai mới khuất bóng cuối phố thì nhóm người đứng cung kính trang nghiêm ở ven đường như được sống lại lần hai, nhiệt tình lao đến cửa nhà họ Thôi. Triệu Ứng Lân vốn đã đứng sát cổng ngay từ đầu, uốn éo tỏ vẻ nói: "Chúc mừng Thôi thế huynh được triều đình ban thưởng, sáng nay tôi có chút xúc động nên trách nhầm người tốt, còn mong huynh bỏ quá cho."

Tuổi của cậu ta không lớn hơn tuổi nguyên chủ là bao nhiêu, trong mắt người đã tốt nghiệp đại học như Thôi Tiếp thì lời nói của đám Triệu Ứng Lân chẳng khác gì mấy thằng nhóc cấp hai đang thi đua chém gió.

Thôi Tiếp cũng chẳng hề bận tâm kiểu nói năng ghen ăn tức ở như thế làm gì, thấy một đứa bé ngoan ngoãn ra vẻ người lớn đang chắp tay xin lỗi mình như vậy, cũng đáp lễ lại, ôn hòa nói: "Chuyện nhỏ như vậy thế huynh không cần suy nghĩ nhiều đâu."

Cậu thực sự không để ý mấy lời kia đâu mà.

Đáng nhẽ Triệu Ứng Lân nên vui vẻ vì Thôi Tiếp không để tâm cậu ta lỡ miệng nhưng vừa nhìn thấy dáng vẻ tùy ý của người kia lại cảm thấy khá bực mình.

Cậu ta còn đang định bảo dù lúc kẻ hầu kia vạch trần chuyện xấu ở Thôi gia nhưng cậu ta vẫn tin tưởng Thôi Tiếp là người ngay thẳng, không hề nghe theo lời nói chửi bới phiến diện của đồng môn. Nhưng chuyện đó còn đang nghẹn ở họng thì người phía sau đã xô cậu ta ra, nhiệt tình nắm tay Thôi Tiếp tay nói: "Chúc mừng chúc mừng! Tiểu Tiếp sau này là nghĩa sĩ được triều đình phong tặng rồi đấy nhé, để tôi xem sau này ai còn dám nói chuyện huyên thuyên, trách móc cậu không tốt với người nhà."

Thôi Tiếp cảm ơn ông ta đã quan tâm, nhìn dòng người rộn ràng đang không ngừng đổ về cổng Thôi gia, cảm thấy mình phải xã giao với từng người sẽ mệt chết mất, đành quay mặt ra phố hét to rằng: "Hôm nay nhờ có các vị láng giềng giúp đỡ, tôi đây mới có thể bắt kẻ thủ ác thưa kiện với nha môn, cũng cảm ơn các vị đỡ đần dọn dẹp nhà cửa mới nghênh tiếp được khâm sai thuận lợi tiếp chỉ. Cứ rề rà chọn ngày không bằng đúng dịp hôm nay, tôi muốn làm một bữa tiệc rượu cảm ơn tất cả bà con làng xóm, chỉ mong các vị không chê đồ ăn đạm bạc mà nể mặt đến uống một li chung vui với gia đình chúng tôi."

Tất cả mọi người cùng nói: "Làm sao lại có chuyện bắt công tử tiêu tốn tiền bạc! Hôm nay là ngày vui của ngài, chúng tôi nên mời mới là phải đạo đấy."

Mấy nhà trên phố đều hùm tiền lại, gọi quán rượu mang đến mấy vò rượu mát, tìm hàng thịt đến mổ một con heo thiến béo tròn và hai con linh dương thịt thơm mà thợ săn mới bắt. Có nhà còn chuyển đến cá vược của sông Thanh Long, lươn nuôi trong suối nước nóng, ngó sen tại miếu Hiền Cô, cua thịt sông Tam Lý... Lại thêm vào nhiều loại hoa quả đặc sản của địa phương như hạt dẻ quạt, lê cát, sung ngọt, lựu đỏ, đào tươi, mận tím, nho xanh v.v, các loại hạt khô: hạch đào, hạt thông, hạt phỉ thì nhiều vô kể, tổng cộng cũng phải tốn chừng mười lượng bạc.

Chủ tiệm cơm mà hôm vừa đến nhà họ Thôi đã từng mua cũng hoan hỉ mang đầu bếp tới, vỗ ngực tự đề cử: "Không phải tôi đây khoe khoang đâu chứ đầu bếp nhà tôi mà so với bếp trưởng trong kinh cũng không kém chút nào, tôi cũng không có gì giúp cả nên nếu Thôi công tử muốn chuẩn bị tiệc rượu lại dùng hàng xóm như chúng tôi chẳng phải sẽ tận tâm hơn đám người ngoài hay sao?"

Thôi Tiếp không chối nổi, không thể làm gì khác đành cảm ơn từng người rồi bảo Phụng Nghiễn ghi sổ lại, sau này hàng xóm nếu có việc hiếu hỉ còn biết trả lễ.

Tất cả mọi người hỉ hả ra mặt, đều coi đây là chuyện lớn trăm năm nên không tiếc vung tiền.

Còn có đám thư sinh lúc trước thì kênh kiệu lo rằng quen biết với con trai quan lang trung ngũ phẩm sẽ bị người ta đàm tiếu là đi cửa sau, thế mà giờ cũng kéo đến cổng chúc mừng. Kẻ có tiền tặng giấy và bút mực, người văn hay chữ tốt thì đưa tặng thơ văn của bản thân, ít nhất cũng biết mang đôi câu đối vịnh tấm hoành phi như "Tiếng thơm truyền ngàn dặm, ơn vua xuống chín trùng" "Phượng hoàng bay đến nơi tiến sĩ, thánh ân truyền lại chốn nghĩa dân", không thấy ai tay không mà đến cả.

Lúc khai tiệc, Dương phú hộ mở tiệm vải ở phố đối diện cũng mời hai cô kĩ nữ xinh xắn đến ca múa, ăn mặt yểu điệu, vóc dáng nở nang, đứng lên ngồi xuống đều làm đám thư sinh trốn đi hét lớn "Sai trái, không nhìn".

Tiệc rượu hôm đó vui ca từ lúc chiều muộn đến tận đêm khuya, bàn tiệc bày dài tới tận cổng lớn nhà họ Thôi. Thôi Tiếp ngồi ở chủ vị, thỉnh thoảng lại có người mò đến chúc rượu, tuy lúc đầu cậu uống rượu trái cây độ thấp nhưng chỉ mới xã giao vài vòng mà mặt cũng đỏ tới mang tai, ngồi ngả nghiêng trên ghế.

Lúc sau Thôi Tiếp nghĩ kế bảo Thôi Nguyên đổi rượu trong bình của cậu thành sữa mơ đặc, màu sữa trắng nhạt khá giống rượu gạo nhưng thử nhấp vị lại thơm ngọt thoang thoảng mùi hạnh nhân, khi ấy mới có thể gánh được hết bữa.

Trong tiệc rượu lần này cậu cũng coi như nhớ gần hết hàng xóm láng giềng, còn may mắn gặp được vị Lâm tú tài mở trường dạy học kia. Ông tuổi độ ba bốn chục, là người có danh vọng cao lại theo nghiệp Kinh Thi, học vấn cũng coi như khá giỏi, hai lần đi thi thành tích đều xếp thứ nhất nhì.

Giáo làng mà được như thế là tốt lắm rồi. Thôi Tiếp nhân lúc ông đến chúc rượu mình liền kính ông mấy ly rồi tỏ vẻ muốn xin theo học.

Trên trán cậu còn được vầng sáng nghĩa sĩ giúp dân chiếu rọi nên dù có chút khuyết điểm cũng mờ đi. Tuy Lâm tiên sinh còn cảm thấy căn bản của cậu hơi yếu, nhưng phẩm chất hiếu học lại thêm sự cố gắng cần cù cũng coi như là người đoan chính, ông nói: "Trường của ta không có quy định nghiêm ngặt về chuyện thu học sinh, nếu con đã có ý đó thì cứ chọn ngày mà đến thôi."

Thôi Tiếp đáp: "Con mới được nhận thánh chỉ phong thưởng nên còn muốn đến mộ phần tổ tiên thắp nén hương báo công. Nếu không có gì ngoài ý muốn thì chờ con đi viếng mộ trở về sẽ đến xin tiên sinh cho vào lớp."

Lâm tiên sinh vuốt bộ râu dài nói: "Trung hiếu vốn là gốc rễ làm người, con cứ lo việc nhà cho thỏa đáng còn chuyện bên này ta sẽ để ý cho."

Thôi Tiếp mỉm cười cúi đầu.

Cậu muốn đi viếng mộ tổ, một phần là muốn tổ tiên Thôi gia được chung hưởng thánh ân hoàng đế, nhưng quan trọng hơn, là cậu muốn nhìn kĩ tên khắc trên bia mộ. Khi thi khoa cử, việc phải làm đầu tiên là viết tên tổ tông ba đời lên đầu bài thi, cậu lại không biết tên cụ và ông nội, chuyện này lại càng không thể hỏi cha con Thôi Nguyên được. Nếu có thể đi đến phần mộ tổ nhà họ Thôi thì từ tên bia cậu có thể biết chính xác.

Vui chơi đến tận giờ giới nghiêm ban đêm mọi người mới giúp cậu thu dọn bàn ghế, bát đũa, tiếng mõ canh vang lên thì ai cũng về nhà nấy. Tờ mờ sáng hôm sau, bọn họ đều dậy sớm chuẩn bị ra cổng thành đưa tiễn khâm sai về triều.

Bầu trời hãy còn nhá nhem tối, đội ngũ khâm sai đã xuất hiện trên đường lớn cổng tây. Xe ngựa Thôi gia bị các xe của quan lại và phú hộ trong huyện đẩy về phía sau, cậu vẫn còn thấp nên đành kiễng chân đứng ở chỗ ngồi của phu xe, ngóng trông nhìn đoàn khâm sai đi ra từ trong thành, nối thành dòng không ngừng chạy qua chỗ cậu đứng.

Cao thái giám vén rèm xe lên, nhẹ giọng nói lời từ biệt với quan chức địa phương và võ tướng canh phòng đến đưa tiễn ông, Cẩm y vệ cưỡi ngựa chạy dọc bảo vệ hai bên xe, nghiêm ngặt không có chỗ hở nào nên cậu đứng từ xa không thấy rõ được.

Thương thay cái chiều cao này, muốn lộ mặt tỏ vẻ cũng không có cơ.

Chẳng qua thân phận cậu còn thấp, nhận ban thưởng xong cũng vẫn chỉ là thường dân, làm sao còn cơ hội gặp mặt khâm sai nữa. Nhìn cổng thành người ngựa tấp nập, nhưng quá nửa là muốn lộ mặt trước khâm sai mong tạo quan hệ để dễ dàng lên kinh, giữa biển người ấy chỉ có đúng một thiếu niên thật lòng đến đưa tiễn, ánh mắt ngay thẳng sáng ngời, không có chút biểu hiện muốn làm thân với thái giám khâm sai.

Ánh mắt Tạ Anh dừng lại trên khuôn mặt ấy, thấy cậu cũng đã nhận ra mình bèn gật đầu với cậu, khẽ nói tạm biệt. Vốn chỉ là chuyện cá bèo gặp mặt, nước chảy thoáng qua, quan hệ cứ bình thản như vậy lại càng hợp ý.

Nếu cậu ấy thật sự có khả năng thì sẽ có một ngày gặp lại.

Đoàn xe chậm rãi khởi hành sau đó tăng nhanh tốc độ phóng ngựa chạy hướng kinh đô. Đủ loại xe đẹp ngựa hay chạy tiễn phía sau, không biết còn muốn đi đến bao nhiêu cái phủ cái thành nữa. Thôi Tiếp dần kéo ngựa chậm lại phía sau, ẩn vào trong làn khói bụi, không hề quyến luyến đi vào xe nói: "Quay về thành thôi."

Đoàn người tiễn đưa đã chạy xa rồi, đường lớn trống trải càng thoải mái cho họ quay đầu. Ngay đúng lúc muốn quất ngựa lại bị một vị nha lại chạy đến cản, vén rèm lên thưa rằng: "Thôi công tử hãy chậm đã, đại lão gia chúng tôi muốn mời ngài đến huyện gặp mặt ."

Thôi Tiếp kinh ngạc hỏi: "Đại lão gia tìm tôi ư, chẳng lẽ chuyện vụ án còn chỗ nào chưa thỏa?"

Nha lại cười nói: "Một vụ án chủ kiện kẻ hầu thì có ai rảnh động tay chân gì, mà có thì còn chúng tôi giúp đỡ kia mà, bảo đảm lên đến bộ Hình cũng thuận lợi kết án cho ngài. Đại lão gia tìm công tử đương nhiên phải là chuyện tốt rồi, chỉ phiền công tử phải lên huyện ngồi chờ một lúc đã."

Thôi Tiếp mời ông ta lên xe, cả hai cùng về huyện nha.

Cậu ngồi đợi trong phòng khách chừng nửa tiếng liền thấy Thích huyện lệnh tự mình đi đến thăm hỏi, phía sau ông là hai thư lại trên tay nâng khay gỗ đựng mấy thỏi bạc lớn và vài cuộn lụa gấm.

Thích huyện lệnh trịnh trọng nói: "Thôi nghĩa sĩ vì nước quên thân, chính là tấm gương cho nhân dân huyện Thiên An ta, triều đình đã có ân chỉ để khen ngợi và khuyến khích thì bản huyện cũng nên có chút quà nhằm tuyên dương tấm lòng thiện này. Trên khay có năm mươi lạng bạc ròng, hai thất lụa Hàng Châu, hai thất vải Tam Thoa Tùng Giang, chút quà nhỏ nhưng là ý tốt của huyện ta, ngươi hãy nhận lấy không nên chối từ."

Thôi Tiếp vội vàng đứng lên hành lễ: "Tiểu nhân cảm ơn huyện tôn ban thưởng."

Thích huyện lệnh đỡ lấy cánh tay cậu, cũng không nhận lễ, khuôn mặt nghiêm trang chợt mỉm cười hòa ái, thăm hỏi tình hình gia đình cậu trong kinh, lại hỏi lý do cậu về quê một mình.

Lý do về quê học tập Thôi Tiếp đã nói quen miệng, bây giờ trả lời lại càng kín kẽ không một lỗ hổng nào, đến chính bản thân cậu cũng đều tự huyễn hoặc bản thân rằng vợ chồng Thôi lang trung vô cùng yêu thương cậu, vì lo lắng mới đưa cậu về quê yên tâm học hành.

Thích Thắng thoáng suy nghĩ rồi trầm ngâm nói: "Nếu như chỉ mới thi Đồng Sinh thì ta vẫn có thể giúp ngươi một tay —— năm sau Lại bộ chấm quan, sau khi kiểm tra ta sẽ phải chuyển sang địa phương khác nhậm mệnh nhưng vẫn kịp chủ trì kì thi huyện năm nay. Không biết Thôi công tử là học theo sách nào, đã có thể viết thành thục văn bát cổ chưa, nếu được thì lấy cho bổn huyện tham khảo chút?"

Việc này Thôi Tiếp thực không thể không nói dối, mắt cụp xuống đáp: "Tiểu nhân vốn đọc không nhiều sách lại chưa từng viết văn bao giờ, nhưng đã học thuộc hết một quyển "Tứ Thư chương cú" và có thể đọc làu làu không vấp ạ."

Chỉ mới học Tứ Thư? Dù có học thuộc làu làu thì có ích gì hả, cả kì thi không chỉ thi có một quyển Tứ Thư đâu! Cậu Thôi công tử này học bao nhiêu năm mới có thể đọc thuộc Tứ Thư, thế ta còn trông chờ được việc hai năm là luyện văn bát cổ và sách luận ư?

Tri huyện không có lỗi lầm gì nên cấp trên cũng thả cho một chút, chỉ cần bài thi không quá ngu đến bất cập, ông muốn nâng tay đưa một số học sinh lên cũng không phải việc gì khó. Nhưng nếu ông chấm cho cậu thanh niên này thi huyện mà sau lại thi rớt phủ thì còn mặt mũi nào nữa đây?

Huyện tôn lo lắng trước sau, cũng không còn quá để tâm đến cậu nữa, tùy ý hỏi: "Vừa thấy cậu nói là thuộc làu làu vậy cậu thử đọc "luận ngữ" một lần cho ta xem nào."

Trong Tứ Thư thì "Luận ngữ" là cuốn ghi lại những lời hay ý đẹp của bậc thánh nhân, quan trọng là nếu thực học thuộc lòng thì kiểu gì cũng có lỗi sai, không thể thuộc chính xác toàn bộ được, vậy để ta thử xem đứa bé này có khả năng thế nào.

Thôi Tiếp đáp: "Con có tật phải nhắm mắt mới có thể tập trung tinh thần, mong lão gia tha cho tội thất lễ ạ."

"Tùy thôi vậy, ngươi đọc thế nào cũng được." Thích huyện lệnh cũng không để ý cậu đọc đúng sai ra sao, dựa người vào ghế tùy ý lắng nghe, Thôi Tiếp đọc từ "Chương một: Sự học", nói toàn bộ nguyên văn và chú thích vậy mà giọng vẫn rõ ràng rành mạch, lưu loát như đang cầm sách học thuộc, đọc liền mấy chương mà không sai chữ nào.

Thích Thắng ban đầu còn xem thường giờ mới chú tâm, xua tay nhắc ngừng, hỏi cậu: "Chỉ cần ta lấy trong Tứ Thư thì chỗ nào ngươi cũng đọc lưu loát như vậy à?"

Thôi Tiếp thu lại quyển PDF đến mức nhỏ nhất rồi mở ra mấy chục trang giấy xếp trong đầu, đảm bảo chỉ cần liếc mắt là nhìn rõ. Lại may mắn vì chính tay mình chép lại lưu vào ổ cứng nên không có chuyện chữ xấu nhìn không ra, phấn khích phát cuồng nói to: "Tất cả các chương học sinh đều nhớ rõ, đại nhân cứ tùy ý kiểm tra đi ạ."

Hết chương 18

Tuyên dương chuyện cóp bài thiệt đáng xấu hổ.

Sao lúc tôi đi học không có phao công nghệ kiểu này huhu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro