Không Tên Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tô Hoài là nhà văn có những hiểu biết phong phú về mọi lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là phong tục và sinh hoạt đời thường của con người, ông có lối kể chuyện tự nhiên, sinh động, miêu tả giàu chất tạo hình, ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ, hơn hết ông có khả năng phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc và tinh tế. Trong thời gian mà Tây Bắc trở thành chủ đề lớn của các nhà văn, nhà thơ, Tô Hoài cũng đã đặt chân đến đây để tìm nguồn cảm hứng. Và nhờ đó, tài năng của ông một lần nữa được tỏa sáng bằng tập truyện "Truyện Tây Bắc" mà trong đó, vợ chồng A Phủ là câu chuyện xuất sắc nhất. Vợ chồng A Phủ thành công nhờ ngòi bút đầy nghệ thuật của Tô Hoài, nổi bật lên chính là bút lực của nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật. Điểm nghệ thuật ấy thăng hoa trong từng đoạn đường đời của Mị, và bừng lên trong đêm tình mùa xuân, khi Mị muốn đi chơi rồi bị A Sử trói đứng vào cột cùng đêm mùa đông, cái đêm mà người đàn bà có tâm hồn tưởng như hoàn toàn tê dại ấy bất ngờ cứu thoát A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài

Mị là nhân vật trung tâm mà Tô Hoài bạn cho rất nhiều yêu thương gần. Mị có nhan sắc, tài năng, tình yêu, có tâm hồn đẹp, khát khao hạnh phúc, có sự chăm chỉ, hiếu thảo, thích tự do. Mị là hình tượng đẹp về người thiếu nữ Tây Bắc, là một đóa hoa ban tinh khiết. Ở cô toát lên cái vẻ đẹp vừa tự nhiên giản dị, vừa phóng khoáng thẳm sâu như thiên nhiên núi rừng. Thế nhưng "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen", bi kịch ập đến phũ phàng bởi thần quyền hủ tục và cường quyền bạc lực. Món nợ nhà giàu truyền kiếp cướp đi tuổi trẻ dào dạt khát vọng của Mị. Đó là một quãng đời đầy nghịch lý, tủi cực, sống như đã chết. Mị trở về làm dâu của nhà thống lí Pá Tra, trở thành con dâu gạt nợ, thậm chí có lúc cô nghĩ rằng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Mị thu mình lại trở thành một cỗ máy chỉ biết lặp đi lặp lại một vài hành động, giống như một ngọn lửa cháy rực nay chỉ còn đốm điểm hồng. Thế nhưng nếu như điểm hồng ấy có những cơn gió, ngọn lửa sẽ lại bùng lên. Sự bùng lên ấy, thể hiện bắt đầu từ đêm tình mùa xuân năm gió rét

Tác giả chọn thời điểm khi đất trời Tây Bắc vào xuân. "Gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng" mở ra một không gian mùa xuân, mùa gắn liền với sự sống, với những ước mơ, hy vọng, với tình yêu đôi lứa. "Những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe ra như con bướm sặc sỡ", đó là màu sặc sỡ của những cô gái đang yêu, khi mùa xuân đến đem váy ra phơi để chuẩn bị đi chơi với bạn tình. "Đám trẻ đợi Tết chơi quanh cười âm trên sàn trước nhà, đó là những âm thanh hồn nhiên náo nức báo hiệu mùa xuân, mùa vui đã về. Và chi tiết ngoại cảnh đặc biệt nhất, đó chính là tiếng sáo: "Đầu núi lấp ló đã có ai thổi sáo rủ bạn đi chơi

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Tao không có con trai con gái

Tao đi tìm người yêu"

Không phải ngẫu nhiên mà Tô Hoài miêu tả sự chuyển mình của đất trời từ mùa đông khắc nghiệt sang mùa xuân ấm áp. Đó là ẩn dụ cho tâm hồn con người đang sống lại. Cuộc đời Mị tuy đã bị đẩy vào mùa đông lạnh giá nhưng vẫn tiềm ẩn một sức sống. Mùa xuân đất trời giống như một ngọn gió trong lành đã thổi bùng lên ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong Mị.

Nghe thấy tiếng sáo, Mị tha thiết bồi hồi, ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi. Đây là tiếng hát đầu tiên trong quãng đời Mị khi ở nhà thống lý Pá Tra; dù chỉ là lời nhẩm thầm nhưng khúc hát Mị khơi dậy để hát cho cuộc đời mình, cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Tô Hoài rất dụng công khi miêu tả về tiếng sáo. Đây là chi tiết được lặp đi lặp lại nhiều lần trong quấ trình hồi sinh của Mị có tác dụng lay tỉnh tâm hồn Mị. Tiếng sáo hiện thân cho khát vọng: khát vọng tình yêu và hạnh phúc. Tiếng sáo giống như ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa tưởng như đã nguội tắt trong Mị. Nhờ tiếng sáo, tâm hồn Mị bắt đầu hồi sinh, sức sống tiềm tàng bắt đầu vươn dậy.

Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Dường như cách uống rượu của Mị không phải để thưởng thức mà đó là hành động nổi loạn, uống để chô vùi thực tại đắng cay, uống cho niềm vui, hy vọng sắp tới. Sau khi uống rượu, Mị như được sống lại quá khứ tốt đẹp đã qua, Mị thấy phơi phới trở lại. Mị nhận ra bản thân mình còn "trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi" để rồi lại thấm thía cho hoàn cảnh đau xót của mình. Mị nghĩ "nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn hết chứ không còn buồn nhớ lại nữa". Như thế nhận thức của Mị đã quay trở lại, thoát khỏi trạng thái tê liệt về tinh thần. "Mị đến góc nhà lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Mị muốn thắp sáng căn phòng bấy lâu chỉ là bóng tối. Thực chất Mị đang thắp sáng cho chính cuộc đời tối tăm của mình. Và chí ít, thứ ánh sáng của thực tại này khiến Mị cảm thấy mình không phải là đồ vật bị bỏ quên, không phải con rùa trong xó tối. "Mị cuốn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trước vách". Chiếc váy hoa đó có lẽ bao nhiêu mùa xuân rồi Mị không biết đến sự tồn tại của nó. Chiếc váy giống như thanh xuân của Mị, đã có thời dần dần bị đẩy vào xó tối rồi lãng quên đi, nay lại được mang ra sửa soạn để làm đẹp cho chủ nhân của nó. Những hoạt động tiến triển cho thấy Mị đang có ý thức hơn về bản thân mình, nhận ra quyền sống, quyền được tự do, quyền hạnh phúc của cá nhân. Từ những hành động ấy đã đẩy tới hành động thực sự nổi loạn: "Mị muốn đi chơi. Mị cũng sắp đi chơi". Mị muốn đi chơi đồng nghĩa với việc Mị muốn thoát ra khỏi địa ngục tăm tối để tìm lại những ngày tháng tươi đẹp.

Như vậy, bằng hàng loạt câu văn diễn tả hoạt động sâu sắc và tinh tế, được sắp xếp theo cấp độ tăng tiến, Tô Hoài diễn tả hành động thức tỉnh và nổi loạn của Mị trong đêm tình mùa xuân. Ở trong tâm hồn Mị luôn có một sức sống tiềm tàng. Nay cơ hội đã đến, sức sống ấy bùng lên thật mạnh mẽ và mãnh liệt

Vậy mà, thứ quyền lực đè nặng trên vai cô gái ấy vẫn không buông tha cho số phận của Mị. Đang chuẩn bị đi chơi thì A Sử bắt gặp. A Sử đã dùng một thúng đay trói đứng Mị vào cột, cuốn luôn tóc lên cột làm cho Mị không cúi không nghiêng được nữa. Hành động của A Phủ chứng tỏ khi sức sống, ý chí của con người đang vùng lên đấu tranh mãnh liệt thì giai cấp thống trị luôn tìm mọi cách để chà đạp và dập tắt sức sống ấy.

Còn Mị, Mị không biết bản thân mình đang bị trói, hơi rượu vẫn nồng nàn, Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi những đám chơi

"Em không yêu quả pao rơi rồi

Em yêu người nào, em bắt pao nào..."

Mị vẫn cứ vùng bước đi dù đã bị trói chặt. Dây trói của giai cấp thống trị có thể trói thân xác Mị nhưng không thể trói tâm hồn Mị. Chính tiếng sáo là cơn gió tốt lành duy trì và thổi bùng lên sức sống trong Mị. Bởi vậy Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo, đi theo những cuộc chơi, những đám chơi, quên đi thực tại đang đau khổ của mình.

Cuối cùng, chi tiết kết thúc đêm tình mùa xuân lại là "Mị nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên gãi chân nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Âm thanh tiếng chân ngựa là biểu hiện của hiện thực xót xa, đưa Mị về thực tại. Mị nhận ra tình cảnh trớ trêu, rối ren của mình. Và lại một lần nữa sức sống của Mị bị lắng xuống.

Ngòi bút của Tô Hoài đã rất tinh tế khi miêu tả sức sống âm thầm bền bỉ mà vô cùng mạnh mẽ. Nó giống như một hạt mầm căng tròn, thức dậy xuyên qua lớp đất đá để vươn đến bầu trời tự do. Hạt mầm ấy luôn bị nhiều thế lực chà đạp nhưng nó chưa bao giờ ngừng nảy mầm.

Lần hồi sinh thứ nhất kết thúc. Mị quay trở lại với ý thức bất cần thế nhưng đã cho ta thấy sức bật mạnh mẽ của cô. Như vậy để đến đêm mùa đông, Mị mới bùng cháy lên một cách mạnh mẽ nhất.

A Phủ, một con nợ của nhà thống lý Pá Tra, do mải bẫy nhím đã sơ ý để hổ ăn mất một con bò. Thống lý Pá Tra vì tức giận không bắt được hổ đã để A Phủ bị trói đứng cho đến chết. Tô Hoài đang vẽ ra một tình huống co tác dụng như một chất xúc tác đối với Mị. Nhà văn đang tìm kiếm một "phản ứng" trong tâm hồn Mị.

Ban đầu, Mị thản nhiên, thờ ơ, vô cảm trước cảnh A Phủ bị trói đứng. "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi, Mị vẫn trở dậy, Mị vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa". Tâm hồn Mị lúc này đây vì chịu đựng quá nhiều đau khổ nên chai lì, câm lặng, dửng dưng với nỗi đau của người khác. Có khi, Mị ngồi sưởi lửa và bị A Sử đánh ngã ngay xuống cửa bếp nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước. Mị sưởi lửa để xua đi lạnh giá của mùa đông chứ không quan tâm đến xung quanh mình có chuyện gì, có ai nữa.

Thế nhưng sau đó, "Mị bắt gặp một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Dòng nước mắt ấy là dòng nước mắt của uất ức, nỗi đau và sự tuyệt vọng, của cái chết đang đến gần. Nhìn dòng nước mắt của A Phủ, Mị nhớ lại cảnh ngộ của chính mình khi bị A Sử trói, từ đó Mị thấy thương mình và đồng cảm với cảnh ngộ của A Phủ. Từ thương mình đến thương người, Mị nhận ra "chúng nó thật độc ác". Như vậy Mị đã nhận ra bản chất của bọn thống trị và sự bất công mà những người như Mị và A Phủ phải chịu đựng. Tất cả suy nghĩ của Mị đên một cách tự nhiên, dồn dập, đưa Mị đến với một quyết định táo bạo. Mị quyết định cắt dây trói cho A Phủ.

Mặc dù biết rằng nếu A Phủ trốn được, Mị sẽ bị trói thay vào đấy. Nghĩ đến cảnh đó Mị cũng thấy sợ, thế nhưng "Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây, cắt dây trói cho A Phủ". Mị đã hành động quyết liệt mạnh mẽ trước hoàn cảnh của A Phủ, bất chấp hoàn cảnh của bản thân. Hành động này là tự phát nhất thời nhưng nó là một quyết định tất yếu. Bởi vì từ bản chất sâu thẳm trong con người Mị là một cô gái có khát vọng tự do, hạnh phúc và có sức sống mãnh liệt, tiềm tàng. Đây là hành động bộc lộ rõ nhất sức sống tiềm tàng của Mị. Cắt dây trói giải thoát cho A Phủ đồng nghĩa với việc Mị đang cắt dây trói vô hình để giải thoát cho chính cuộc đời mình. Chính vì thế khi A Phủ đã chạy đi, Mị đứng im lặng trong bóng tối nhưng rồi vụt chạy ra. Câu nói của Mị với A Phủ ngắn gọn mà đầy khát vọng tự do: A Phủ cho tôi đi" "Ở đây thì chết mất"

Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tô Hoài thật sâu sắc. Nhà văn đã thành công trong việc miêu tả thế giới nội tâm, diễn biến tâm trạng của Mị trong mọi hoàn cảnh. Ông đã phát hiện ra hai mặt đối lập tưởng chừng như mâu thuẫn mà lại tồn tại thống nhất trong tâm hồn Mị: đó là tấm lí cam chịu và tinh thần phản kháng, sự dửng dưng vô cảm nhưng có lúc lại tha thiết bổi hổi rạo rực mãnh liệt tột cùng. Cùng với việc miêu tả tâm lý của Mị,  Tô Hoài khẳng định một chân lí: Có áp bức, có đấu tranh. Từ đó bộc lộ sức sống mãnh liệt, tiềm tàng của người lao động miền núi trước hoàn cảnh khó khăn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro