Quyển 1 - Chương 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dịch: Duẩn Duẩn

Bùi Tân Di cười càng lúc càng tươi, lực nhấn dưới chân lại càng lúc càng mạnh: "Những lời lúc trên thuyền là em cố ý nói cho tôi nghe ư?"

"Cô, cô.... cô Bùi, không phải vậy đâu, không phải vậy đâu ạ." Tiếng Phổ thông mà Mai nói vốn dĩ phát âm đã không chuẩn bấy giờ nghe càng thêm lộn xộn. Nó muốn che giấu nữa cũng vô ích, chuyện đã bại lộ rồi, và thế là nó cũng toi đời rồi.

Bùi Tân Di như thể đọc thấu tâm tư nó, bèn xốc nó đựng dậy, rồi nói bằng một giọng mà chỉ hai người nghe thấy: "Đừng lo, anh ta cố ý để tôi biết em làm chuyện này cho ai."'

Bùi Tân Di lùi lại một bước, đoạn đổi lại nói bằng tiếng Phổ thông: "Cảm ơn em. Báo với Nguyễn phu nhân một tiếng, chuẩn bị xong tôi sẽ xuống dưới liền."

Mai há hốc mồm: "Nguyễn phu nhân..."

Bùi Tân Di ra dấu 'khóa miệng' với Mai, tỏ ý nó cứ thoải mái đi, sau đó đóng cửa lại.

Cô vấn lại tóc, đổi trang phục, đeo một đôi găng tay lụa đen. Đợi đến khi ngoài hành lang đã im hơi lặng tiếng, cô mới xách rương hành lý đi ra ngoài.

Một lúc sau, nghe thấy tiếng đùng đùng huyên náo, Bùi Tân Di vừa xoa lỗ tai vừa bước vào tiền sảnh.

Mọi người đang tập trung quanh sân, tất cả như hiểu ý cùng chừa lại một khoảng trống chính giữa. Những bánh pháo được bọc bằng giấy đỏ trải dài thành một tấm thảm đỏ. Nguyễn Quyết Minh một tay cầm bật lửa, tay kia bịt lỗ tai. Đốm lửa vừa châm, lập tức vang lên tiếng đì đùng ầm ĩ. Nam Tinh và một người đàn ông khác cũng đang rất bận rộn, nom dáng vẻ có lẽ là Lương Khương.

Bùi Tân Di quả tình chưa từng thấy tang sự nào lại đốt pháo trước khi thực hiện lễ di quan bao giờ, nhưng ít nhiều cũng biết đây là tập tục của một số vùng ở Đại lục. Những nhà bình thường sẽ không đốt nhiều pháo như vậy.

Mặc dù văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Trung Hoa, nhưng những gì mà nhà họ Nguyễn làm lại không thuộc những nghi thức lễ lạt đã giao thoa tiếp biến của văn hóa Việt Nam, mà nó thật sự thuộc về phong cách Trung Quốc chính thống.

Đồn rằng, tổ tiên của Phật gia vốn không phải họ Nguyễn, mà cụ thân sinh ông là người từ phía Bắc Đại lục, không biết vì cớ gì lại chạy xuống Vân Nam, sau đó thì tẩu thoát vượt biên qua Lai Châu. Nghĩ lại thì "Phật gia" đúng là có nguồn gốc từ ba chữ "Lão Phật gia" - danh xưng đặc biệt của Hoàng đế nhà Thanh(*), hoặc cũng có lẽ bắt nguồn từ tiếng lóng "Phật gia" ở Bắc Kinh, biến đổi từ cụm danh từ "Phật nghìn mắt nghìn tay", ý chỉ phường trộm cắp, móc túi.

(*) Phật giáo Tây Tạng tin rằng hoàng đế Trung Hoa (đặc biệt là hoàng đế nhà Thanh) là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, là vị vua chuyển luân giúp thế giới hòa bình, thế nên các nhà sư kính cẩn gọi hoàng đế nhà Thanh là Hoàng đế Văn Thù, và người Mãn Châu gọi hoàng đế của họ là Phật gia

Cụ thân sinh Phật gia đã cắm rễ ở Lai Châu từ nửa thế kỷ trước. Ông cướp họ, trộm đất của người ta rồi sinh sống bằng nghề nuôi trồng hoa anh túc. Người Trung Quốc xưa nay vẫn luôn giữ truyền thống biết ơn tổ tiên và "hướng về cội nguồn", hơn nữa vừa để che giấu những mánh khóe và ngón trò bất lương, cũng như không quên tổ tiên mình từng làm nghề bốc thuốc, ông đã đặt tên cho con trai mình là Thương Lục(*). Sau đó Nguyễn Thương Lục "mở mang bờ cõi" và trở thành vị Phật Gia "cắt cứ một phương", đồng thời vẫn lưu giữ truyền thống đặt tên con theo dược điển Đông y.

(*) Cây Thương lục còn có tên là trưởng bất lão, kim thất nương, là một vị thuốc trong Đông y. Trong sách thuốc đầu tiên "Thần Nông bản thảo kinh" có ghi chép tỉ mỉ về loại thuốc này nhưng xếp nó vào nhóm "hạ phẩm" vì là thuốc có độc. Thương lục có tác dụng giảm ho, bình suyễn... và đặc biệt là thông đại tiểu tiện, nhưng vì có công hạ (tẩy xổ) mãnh liệt nên không dùng cho phụ nữ có thai và người già

Vô ác bất tác(*) vẫn quyết xưng thành "Phật", tang sự đau buồn lại phô trương như hỷ sự lâm môn, đổi trắng thay đen, hắc bạch điên đảo dường như là bản lĩnh thiên bẩm của đám người nhà này.

(*) Không việc ác nào mà không làm

Bảy bảy bốn chín dây pháo nổ, đoàng đoàng đùng đùng, đinh tai nhức óc, như muốn đánh thức toàn bộ sinh vật ngụ trên bán đảo này.

Bùi Tân Di không chịu nổi tiếng kêu phá trời ấy, bèn nhanh chóng để rương hành lý xuống, bịt tai lại đứng quay mặt vào tường.

Bẵng qua một lúc, tiếng ầm ĩ giảm dần, bên tai bỗng vang lên một tiếng kêu giật thột, "Này". Bất thình lình nhảy ra một giọng to như vậy, làm cô giật bắn mình, Bùi Tân Di bèn lạnh lùng quay lại.

Nguyễn Quyết Minh thõng mắt, bên môi hơi cong cong: "Lạ chưa, em cũng biết sợ à."

Bùi Tân Di hơi nghiêng nghiêng đầu đi, hơi thở tựa như ve vuốt vành tai anh: "Anh sai người đưa giày tới cho tôi như vậy, không sợ Nguyễn phu nhân biết sao?"

---- Tại sao lại cho tôi biết Mai là người của anh, không sợ tôi nói ra ư?

Nguyễn Quyết Minh cười bảo: "Tại sao tôi phải sợ?"

---- Tôi biết em sẽ không nói.

Xung quanh không có ai để ý đến chuyện ở góc tường, mà nếu có nghe cũng chẳng hiểu những ẩn ý mà bọn họ đang nói.

Bùi Tân Di nhướng mày: "Anh chắc chắn thế à?"

Nguyễn Quyết Minh chỉ nói: "Lên đường thôi."

Bọn họ tách ra, giống như những người lần đầu tiên gặp mặt sau một phép hàn huyên lịch sự.

***

Chừng ba giờ rạng sáng, tiếng pháo thưa dần, mọi người lại đổ vào linh đường. Bùi Phồn Lâu ôm di ảnh, Nguyễn Quyết Minh cùng với bảy thuộc hạ năm xưa được Nguyễn Nhẫn Đông trọng dụng cộng lại thành tám người cùng nhau khiêng quan tài. Phía trước có người đi dẫn đường, giơ cao chiếc gậy vong, thực chất là một chiếc gậy tre phía đầu có quấn tấm giấy trắng, bên trên treo một mảnh lá phướn, theo sau đó là đội cầm nhạc cụ, khua chiêng gõ trống, vừa đi vừa rải tiền giấy hai bên đường. Bố trí theo sau là đoàn thân hữu và tùy tùng, xếp hàng dài dằng dặc uốn lượn theo đường núi khúc khuỷu, chầm chậm đưa tiễn người quá cố một đoạn đường cuối cùng.

Bùi Tân Di đi đầu đoàn thân hữu, phía trước cô là những người giúp việc vác vòng hoa chia buồn, trước nữa là đội khiêng quan tài. Mượn chút đèn đuốc đang lập lòe sáng tối, cô nhìn thấy một nửa bóng lưng anh, bờ vai đang khiêng quan tài ấy, vững chắc và mạnh mẽ.

Mới vừa khi nãy thôi, nhân lúc mọi người trong sân còn đang chuẩn bị thực hiện lễ di quan, Bùi Tân Di đã lẻn đi kiểm tra những căn phòng khác của ngôi biệt phủ này.

Đúng như dự đoán, hai vợ chồng nhà họ quả có chia phòng ngủ, Nguyễn Nhẫn Đông ngủ ở lầu một, phòng ốc rộng rãi, cửa sổ xây nhằm về hướng Đông. Vật dụng hàng ngày của người mất phải đợi sau khi an táng xong mới có thể xử lý nên căn phòng vẫn được giữ nguyên trạng. Trong con mắt của Bùi Tân Di, căn phòng này có vẻ quá đơn sơ, phong cách bài trí cũng nhạt nhẽo vô vị, chỉ có gạch lát hình thoi xen kẽ màu xanh đỏ dưới nền nhà mới mang chút ý nghĩa hướng tới cái đẹp của cuộc sống.

Cô kéo tất cả những ngăn tủ và ngăn kéo có thể mở ra được, nhưng chẳng phát hiện thứ gì cả. Không giống với căn phòng của Bùi Phồn Lâu mà cô đã "ghé thăm" trước đó, phía trong một cái hộc của tủ sách, cô đã phát hiện đủ các loại "đồ chơi", thành thử giờ đây cô lại càng mong chờ vào những phát hiện mới lạ khác của mình. Mặc dù bản thân cô lúc này có vẻ giống với kẻ biến thái chuyên đi theo dõi chuyện đời tư người khác, nhưng cô chỉ muốn tìm thấy chút manh mối có liên quan đến cái chết của Nguyễn Nhẫn Đông mà thôi.

Một cuộc hôn nhân không tình dục và cũng không tình yêu có thể là động cơ giết người, có điều Bùi Phồn Lâu quá yếu đuối, tuyệt đối không thể giết người chỉ vì lý do này. Lúc trên thuyền, Mai đã cố ý tiết lộ Bùi Phồn Lâu thường hay bị bạo lực gia đình, Bùi Tân Di không thể trực tiếp kiểm tra vết thương nằm trên người chị ta, thành ra cô nhất thời không tin.

Cuối cùng còn sót lại một cánh cửa nhỏ nằm cạnh tủ đầu giường, Bùi Tân Di vặn mở chốt cửa, phát hiện ra nó đã bị khóa. Mọi thứ bị cấm đoán trên đời đều ẩn chứa cám dỗ, càng cấm kỵ bao nhiêu thì lại càng làm con người ta ham muốn bấy nhiêu, không mở được chính là để người ta phải tìm cách mở được. Cô lấy ra một chiếc chìa khóa, nhẹ nhàng tra vào lỗ.

"Buồng tắm" tối và kín, phải mượn ánh sáng của que diêm mới miễn cưỡng nhìn thấy. Bên trong có thể đứng sóng vai ba người cùng một lúc, trên tường treo đủ loại dụng cụ bằng da và dây thừng, cái bàn nhỏ phía dưới để đầy các loại dụng cụ của anh ta, từ "đồ chơi" hình nón cho đến kiểu "đồ chơi" hình cầu. BDSM - cô có hiểu biết khá mơ hồ về nhóm người này. Nhưng nếu cả hai bên đều thực sự tự nguyện thì sở thích của một người cũng không nên bị kỳ thị như vậy.

Bùi Tân Di từng giao tiếp với Nguyễn Nhẫn Đông, rõ ràng anh ta có khuynh hướng thích ngược đãi, nhưng cô không ngờ là trong số những loại dụng cụ này có dụng cụ kiểu chèn - khả năng cao anh ta thích đàn ông.

Bùi Phồn Lâu có biết đến sự có mặt của căn phòng này không? Hoặc thể căn phòng này được chuẩn bị dành cho Bùi Phồn Lâu, bạo lực gia đình mà những người giúp việc ám chỉ thực chất là bạo lực tình dục? Mai cố ý tiết lộ để mọi người nghĩ rằng Bùi Phồn Lâu có đủ động cơ để giết người, vậy chẳng lẽ hung thủ không phải Bùi Phồn Lâu?

Nếu Mai là người của Nguyễn Quyết Minh, thế thì anh đang cố tình cho cô xem tất cả những điều này, thậm chí có thể bao gồm căn phòng đó.

Tại sao?

Có quá nhiều ẩn số.

"Bùi tiểu thư đang nhìn gì thế?"

Trên đường xuống con dốc chật hẹp, bả vai Bùi Tân Di và Nam Tinh suýt nữa đụng phải nhau. Nghe thấy cậu ta hỏi, cô thu lại tầm mắt đang ngắm bóng lưng kia, sau đó vu vơ đáp: "Nhìn xem mũ tôi còn ở đó hay không."

Lúc tới đây cô có đội một cái mũ mềm, phải nỗi vì ai đó mà lại rơi mất trên đường núi.

Nam Tinh nghe thấy sự đâm thọt trong câu trả lời của cô, bèn cười khúc khích bảo: "Tôi đền cho chị một cái khác thay Đao ca nhé?"

"Không cần."

"Hay để tôi xách hành lý giúp chị?"

Bấy giờ Bùi Tân Di mới nhìn Nam Tinh chằm chặp, hỏi: "Mấy người thật sự cho rằng phụ nữ thì cần phải dựa vào đàn ông à?"

Nam Tinh im bặt. Đêm qua lúc đi đưa thuốc, cậu ta đã lĩnh giáo được sự khó ở của cô Bùi, nhưng Đao ca lại muốn cậu ta chăm sóc Bùi tiểu thư thật tốt. Đại ca, trong tiếng Phổ thông là "Đại lão", lời "Đại lão" nói thì không thể không nghe.

Cậu ta đành nói thẳng: "Chẳng qua tôi thấy chị bị thương, trông có vẻ không tiện."

"Tiện."

Nam Tinh hoàn toàn cạn lời, lúi húi xách ngọn đèn dầu soi đường cẩn thận.

***

Được sự chiếu rọi của đèn đuốc, bến tàu đơn sơ trông sáng như ban ngày, mọi người nối tiếp nhau lên thuyền. Trước hết họ sẽ đi thuyền lên Sài Gòn, sau đó đáp chuyên cơ ra Hà Nội, cuối cùng đổi xe tới Lai Châu. Toàn bộ hành trình từ Nam ra Bắc dài hơn một ngàn cây số.

Sài Gòn đến Hà Nội hơn 700 cây số, Bùi Tân Di mừng thầm vì đoạn này họ không đi đường bộ, nếu không chuyến này lại trở thành về thăm lại chốn xưa.

Năm 1986, chính phủ Việt Nam ra lệnh cải cách mở cửa. Bên kia eo biển, tin tức về chính thất của "thuyền Vương" cũng lên trang nhất các tờ báo giải trí.

Con trai trưởng của Bùi gia mất mạng trong một vụ tai nạn xe hơi ở Lyon, Pháp. Con gái lớn thì mất đi cậu con trai yêu quý, vì quá thương tâm mà đau bệnh qua đời.

Điều mà phóng viên không biết và không viết là cô con gái út của chính thất Bùi gia đã rơi vào cảnh tứ cố vô thân, nhiều lần tự tử nhưng bất thành, cuối cùng lại bị cha đẻ "thả" đến nhà chú Lương ở Hà Nội.

Mùa hè khi hoa dâm bụt nở, cô thiếu nữ làm quen với chàng thiếu niên nọ, bọn họ quyết định rời Hà Nội, cùng nhau đi từ Bắc vào Nam.

Người Trung Quốc bất kể có mê tín hay không thì họ vẫn tuân thủ các quy tắc mà tổ tiên để lại trong việc tang sự cũng như việc hỷ sự. Việc chôn cất không nên được thực hiện khi dương khí đang thịnh, thành thử ở lộ trình cuối cùng họ phải đi đường vòng, kéo dài chút thời gian, rốt cuộc cũng đến được Lai Châu.

Lai Châu nằm ở biên giới Tây Bắc của Việt Nam, phía Bắc giáp Vân Nam Trung Quốc, phía Tây giáp Lào - thuộc vùng Tam giác vàng. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp trở lại với "Liên bang Đông Dương", dạy nông dân người Mèo trồng cây thuốc phiện rộng rãi khắp vùng Tây Bắc Việt Nam, thậm chí còn công khai hợp pháp hóa việc buôn bán nha phiến, biến Sài Gòn thành trung tâm phân phối nha phiến lớn nhất của thế kỉ 20.

Bùi Tân Di vốn biết Việt Nam nằm về phía Nam của vùng chí tuyến Bắc, thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa nên miền Nam thường chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô, còn miền Bắc tuy có đủ bốn mùa nhưng mùa hè vẫn kéo dài hơn hẳn. Thế mà cho đến tận mùa Đông năm ấy, cô mới biết thì ra Việt Nam cũng có đợt tuyết rơi.

Ở biên giới Tây Bắc Việt Nam có một dãy núi tên gọi Hoàng Liên Sơn. Dãy núi này chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, chia cắt hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai; trong đó có đỉnh Phan Xi Băng nằm ở giáp biên giới Lào Cai là đỉnh núi cao nhất ở Bán đảo Đông Dương, với độ cao hơn ba ngàn mét so với mặt nước biển, còn được gọi là "Nóc nhà Đông Dương".

Vào mùa đông, những cánh rừng chạy dọc theo dãy núi trập trùng khoác lên mình một tấm áo màu bạc - xứ Nam tuyết rơi quả nhiều hơn xứ Bắc(*). Vào mùa hè, trong rừng lại tập hợp đủ các loại chim muông kỳ thú.

(*) Xứ Nam ở đây chỉ đỉnh núi nằm ở Pha Xi Băng của Việt Nam, xứ Bắc hàm ý chỉ Trung Quốc

Dù lấy yếu tố địa lý hay yếu tố lịch sử ra bàn thì nơi đây vẫn là chốn ẩn náu tuyệt vời của các loại tội phạm như tội phạm buôn lậu, lâm tặc hay vận chuyển trái phép chất ma túy... Những tưởng nhà họ Nguyễn đã vớ phải vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" mà cuối cùng lại nở ra hoa ra lá, cũng bởi thế mà Phật gia mới được hưởng cái "vinh dự" họ đứng đầu Lai Châu.

Lúc này cách núi non đại ngàn còn một khoảng khá xa, mấy chiếc xe tải quân đội chạy vào trong vùng núi, mặc dù đã tận lực giảm tốc nhưng dáng xe vẫn tròng trành xóc nảy.

Bùi Tân Di nhìn ra ngoài cửa xe, nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ rất đỗi yên bình của miền sơn cước khoảng nửa thế kỷ trước. Với những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp, uốn lượn theo sườn núi, xa xa lác đác vài ngôi nhà nghi ngút làn khói lam chiều vươn chái bếp, và đâu đó trong những khoảng sân nhà, mấy chị em phụ nữ người Mông ngồi bệt trên bậc thềm đang cặm cụi vo gạo, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu quan sát những chiếc xe chở hàng chạy trườn qua con dốc.

Một cậu bé bận trang phục dân tộc, phía trên là cái áo đen ngắn chỉ đủ che phần ngực, tay áo dài đáp những khoảng vải màu, bên trong lồng cái áo lót dài hơn, phía dưới là chiếc quần kiểu chân què, cạp rộng lá tọa, quanh eo thắt "lăng dua la" (thắt lưng của nam giới người Mông), với cặp má hây hây đỏ cậu hồn nhiên bước ra khỏi căn buồng bằng đá. Cậu bé ngửa đầu nói chuyện với người lớn rồi chốc chốc lại nhìn ra hướng chiếc xe tải.

Bùi Tân Di kiềm lòng chẳng đặng cong khóe môi cười mỉm, trong lòng như có sợi tơ dịu dàng vuốt ngang qua, cô khẽ thốt một câu: "Tôi từng đến đây rồi."

Trên suốt quãng đường đi, Nam Tinh sợ cô ngồi một mình buồn chán nên hay tán gẫu với cô đôi ba câu, song cô chẳng bao giờ tiếp lời. Lần duy nhất thấy cô chủ động mở miệng nói chuyện, thế là cậu ta bèn vội vàng hỏi tới: "Chị đến đây lúc nào?"

Sau một chốc im lặng, cô lại hỏi: "A Tinh, tôi có đủ tư cách làm chị dâu cậu không?"

~~~
P/s: Ảnh mạng ~

Lời người dịch: Đủ! ^^

*Khúc đính chính:
Khoảng cách từ Sài Gòn ra Hà Nội theo đường bay là 1190 cây số với tầm 1 giờ 50 phút bay; theo đường bộ là 1726 cây số; đường sắt là 1730 cây số. Tóm lại không phải 700 cây số như tác giả đã viết. Chỉ có thông số này là hơi sai một chút, còn lại rất khen ngợi tác giả đã tìm hiểu về Việt Nam một cách chi tiết và khách quan như vậy, không dính vào yếu tố chính trị (mặc dù có nhắc tới chiến tranh biên giới nhưng chỉ nhắc đúng 1 câu đó thôi, không đề cập đến ai đúng ai sai hay ngấm ngầm bày tỏ ý chủ quan) mà chỉ viết về thực trạng xã hội cũng như vẻ đẹp của một số nơi ở Việt Nam trong những năm 80 90 của thế kỉ 20. Tinh thần học hỏi này rất đáng khen, phải không? ^^

Nếu bạn nào biết tiếng Trung thì lên Tấn Giang đọc sẽ thấy mấy bạn đọc phía dưới ngoài việc "kêu gào" tác giả viết ko hiểu gì cả vì trước đó tác giả viết xen lẫn tiếng Quảng và tiếng địa phương miền Bắc Trung Quốc rất nhiều (sau đó có chỉnh sửa lại) thì có kha khá bình luận viết "đọc xong muốn đến Việt Nam du lịch", "Việt Nam đẹp quá!" ~~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro