Dinh tu huong 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phân tích nhân vật vợ Tràng trong truyện "Vợ nhặt" của Kim Lân

Gợi ý:

Tác phẩm Vợ nhặt xoay quanh câu chuyện của ba người trong một gia đình ngụ cư. Điều lạ là một người làm nên chính cái tên của truyện lại không có tên, không biết tuổi. Đó chính là vợ Tràng. Người phụ nữ ấy chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn thân phận phụ nữ cùng thời. Do đó, người ấy rất rễ bị lãng quên, ít ai chú ý tới nhưng với nhà văn đó là một số phận không thể bỏ qua, một số phận gây nhức nhối, trăn trở. Sự hấp dẫn của nhân vật nữ này phải chăng là từ một người trong cõi mù mịt, không đâu vào đâu trở thành một nàng dâu hiền thục của bà cụ Tứ?

1.Lai lịch, ngoại hình:

- Vợ Tràng là người đàn bà không rõ lai lịch, không có gia đình, không có nhà cửa. Cô ta thậm chí không có tên và khi xuất hiện lúc được gọi là thị, là cô ả, lúc là người đàn bà. Chỉ có bà cụ Tứ xem vợ Tràng là nàng dâu, con dâu, là con và được Tràng gọi là nhà tôi mà thôi. Trước khi về nhà bà cụ Tứ, cô ta cùng với mấy chị con gái ngồi vêu ra ở cửa nhà kho thóc Liên đoàn chờ nhặt hạt rơi, hạt vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm. Trong nạn đói hồi ấy, thân phận con người thật rẻ rúng. Đâu phải vợ Tràng mới là người không tên, không tuổi, còn biết bao chị gái như thế.

- Vợ Tràng xuất hiện với một chân dung thảm thương. Lần đầu tiên Tràng trông thấy, thị mới chỉ gầy yếu xanh xao (ngồi vêu trước cửa kho thóc), nhưng gặp lần hai, anh ta không nhận ra. Vì đói rách mà chỉ hôm, áo quần rách thị tả tơi như tổ đỉa, gày sọp hẳn đi, trên cái mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Chả trách anh cu Tràng không nhận ra thị là phải.

2.Tính cách:

- Khi mới gặp Tràng:

+Thị là người đanh đá, táo bạo tới mức trở nên trơ trẽn. Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc (Muốn ăn cơm trắng mấy giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì), thị đã cong cớn bám lấy rồi vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng. Gặp lần thứ hai, khi Tràng vừa trả hàng xong, thị đâu xầm xầm chạy đến. Thị đứng trước mặt mà sưng sỉa nói: Điêu! Người thế mà điêu! Khi thấy anh Tràng có vẻ dễ bắt choẹt, thị tiếp tục cong cớn. Thấy có miếng ăn, hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên rồi thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chạp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng mà thở.

+Phải chăng đấy là tính cách cốn có của người đàn bà này? Không, từ đầu đến lúc theo Tràng về nhà, người phụ nữ ấy hành động hoàn toàn theo bản năng của mình. Thị làm tất cả chỉ để được… ăn!

- Khi đã chấp nhận làm vợ Tràng:

+Trên con đuờng trở về nhà của Tràng, thị thay đổi hẳn. Trong khi Tràng mặt có một vẻ gì phớn phở khác thường, hay tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh, thì thị lại đi sau hắn chừng ba bốn chục thước, cắp cái thúng con, cái nón tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Rõ ràng so với người đàn bà mới ban trưa, bây giờ thị đã là người khác. Ban trưa, lúc ở ngoài chợ, thị sấn sổ, cong cớn để được ăn, còn bây giờ, thị đang về nàh chồng (ai mà chẳng e thẹn!). Vả lại, thị bắt đầu ý thức về thân phận mình, là người vợ theo không. Té ra, thị chẳng có chút quyền uy nào, kể cả quyền lựa chọn và đành chấp nhận số phận khi đã đến bước đường cùng.

+Song, dù cố đấm ăn xôi đi nữa, thị vẫn là người có ý thức về giá trị của bản thân. Trên đường về nhà chồng, khi anh Tràng lấy làm thích thú trước cảnh lũ trẻ con chọc ghẹo, thì thị có vẻ khó chịu lắm, đôi lông mày nhíu lại, đưa ta y lên xóc lại tà áo. Trẻ con nghịch ngợm chọc ghẹo còn được, đằng này đến người lớn cũng tò mò, thị càng ngượng ngiụ, chân nọ diíucả vào chân kia. Anh Tràng đến là vô tư, cứ lấy vợ vậy làm thích thú. Thị càu nhàu trong miệng và lầm lũi đi đến nỗi nhầm đường. Thị mong sớm đến nhà “chồng” để tránh sự dòm ngó của mọi người.

+Về nhà của Tràng, thị càng khác hơn. Người đàn bà ấy có cái tò mò của nàng dâu mới. Thị đảo mắt nhìn chung quanh. Quả là nghèo quá. Thị nén tiếng thở dài. Anh Tràng muốn vợ mình được tự nhiện, cứ giục ngồi, nhưng thị chỉ dám ngồi mớm xuống mép giường. Khi bà cụ Tứ về, người đần bà ấy chủ động chào bà bằng u. Trước mặt người mẹ chồng, thị càng rụt rè, vẫn đứng nguyên chỗ cũ, khẽ nhúc nhích. Chính thái đọ ấy cùng hoàn cảnh của thị đã khiến bà cụ Tứ , trái với sự dò xét thông thường của những người mẹ chồng đối với nàng dâu, nhìn thị lòng đầy thương xót. Bà nhanh chóng chấp nhận thị là dâu dù chỉ mấy phút trước đó cả hai đều hoàn toàn xa lạ.

+Sáng hôm sau, thị đã trở thành người vợ đảm đang. Cùng với bà cụ Tứ , thị thức dậy sớm, lo dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sạch sẽ. Người vô tâm như anh Tràng vẫn nhận ra sự thay đổi kỳ lạ ở thị: Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không có vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần gặp ngoài tỉnh. Không những thế, thị còn tỏ ra là người biết tu chí làm ăn. Khi thị hỏi bà cụ Tứ về tiếng trống ồn ã ngoài đình và biết đó là tiếng trống thúc thuế, thị đã khẽ thở dài. Rồi chính thị là người đầu tiên kể cho cả nhà nghe chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc Nhật, chia cho người đói. Câu chuyện ấy khiến Tràng ân hận và tiếc rẻ khi nhớ lại mình đã từng có dịp làm như thế mà chẳng làm. Ai biết rồi đây, để chăm lo cho cuộc sống gia đình của mình, người phụ nữ này có khi cả gan hơn cả anh cu Tràng! Bữa cơm nghèo buổi sáng hôm ấy, thị cũng như bà cụ Tứ và anh Tràng đều thấy một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mình khi phải cố nuốt những miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Song, thị cũng như hai mẹ con Tràng, đều cố tránh nhìn mặt nhau, đều không muốn làm người khác phải buồn đau hơn. Phải ý nhị lắm, phải tinh tế đến nhường nào mới có thái độ ứng xử đầy chất nhân bản như thế!

Hoá ra cái đanh đá, trở trẽn trước kia ở người đàn bà Tràng lấy làm vợ chẳng qua là do đói khát mà ra. Khi được sống trong tình thương, trong mái ấm gia đình, người đàn bà ấy đã sống với bản chất tốt đẹp của mình, của một người phụ nữ Việt Nam.

3.Số phận:

- Vợ Tràng tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ trong nạn đói 1945: nghèo đói, bị rẻ rúng.

- Khi người đàn bà ấy may mắn được sống trong tình người, trong mái ấm gia đình mặc dù cuộc sống còn nhiều đe doạ của sự đói khát, thì những phẩm chất tốt đẹp đã sống lại.

4.Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Kim Lân đã khắc hoạ nhân vật người phụ nữ rất điêu luyện. Nhà văn không tập trung miêu tả tâm lý nhân vật để giữ vẻ xa lạ, phù hợp với hoàn cảnh của thị, một người vợ nhặt (khác với nhân vật Tràng được miêu tả tâm lý hết sức tỉ mỉ).

- Tác giả lại chú trọng khắc hoạ hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật để người đọc tự hiểu tâm trạng của người phụ nữ. Chẳng hạn, chi tiết thị lấy nón che mặt diễn tả tâm trạng xấu hổ vì biết mình là người phụ nữ theo không về nhà chồng; hoặc thị nén một tiếng thở dài khi đảo mắt nhìn chung quanh căn nhà của Tràng; hay chi tiết thị đón lấy bát cháo cám, đưa mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại rồi điềm nhiên và vào miệng là thái độ chấp nhận số phận khi đến bước đường cùng... Nhiều chi tiết nho nhỏ, vụn vặt như thế nhưng đã nói được khá rõ về tâm tư, tình cảm của một con người.

5.Kết luận:

- Xây dựng nhân vật vợ Tràng, nhà văn đã gián tiếp tố cáo một xã hội đẫ đẩy con người đến sự rẻ rúng, tha hoá về nhân phẩm chẳng qua vì sự đói khát. Thế nhưng, trong cảnh ngộ của mình bi đát, con người vẫn luôn vươn tới sự sống, hướng tới tương lai và ở một hoàn cảnh nhân đạo hơn, phẩm giá con người đã sống dậy.

- Ba nhân vật chính trong Vợ nhặt đã được nhà văn xây dựng theo cách thức khác nhau. Chính sự khác nhau đó đã góp phần tạo nên giá trị đọc đáo của tác phẩm. Ba nhân vật trở thành ba mảng đời của một xã hội tối tăm, đói khát và cũng từ đó ánh lên tia sáng của chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

Bài 2.

Ai nói chiến tranh là âm thanh dữ dội của bom đạn hay tiếng gào thét của dân đen vô tội ? Không, nó im lặng. Vì khi đã chết, chúng ta không thể lên tiếng. Phát xít Nhật càn qua quê hương ta, đất Việt lầm than với hai triệu người con chết vất vưởng. Nhưng chính trong tận cùng ta thấy đối cực, trong cái chết và màu đen, chúng ta thấy tình yêu và sắc sáng. Truyện "Vợ nhặt" là thế, một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của sự sống, sống với nhọc nhằng khổ ải, sống với cái nghèo đến tột độ về vật chất, nhưng chỉ cần hi vọng, một sự hi vọng trù phú và vững chãi. Họ, chúng ta, tất thảy sẽ vượt qua.

Tràng xấu, xấu là xấu trai, nhưng được cái tốt bụng và dễ gần. Xóm làng nghĩ Tràng không thể có vợ. Cũng đúng, với cái thời đói đến ăn cám hay ánh sáng vào đêm là thứ xa xỉ vậy người vừa nghèo vừa xấu thì ai dám gởi thân ?

Xóm tản cư nheo nhóc và hoang tàn. Đông thì có đông nhưng xóm làng như vẻ không người, chỉ là những cái bóng nhếch nhác lê gót trên những con đường quanh co. Xác chết nhiều hơn thực thể di động. Bóng đen gần như chiếm lĩnh cả, mặt trời vẫn sáng đó, nhưng đôi mắt của dân chúng ở đây cứ tối sầm sầm lại.

Ấy vậy mà Tráng có vợ. Xóm làng bị đói quật mà biểu hiện rõ nhất là lũ trẻ. Sự hoạt bát bình thường thay cho cái im ỉm thụ động, chắc không ai dạy nhưng chúng biết bớt vận động là bớt bầu bạn với đói. Nhưng Tràng lấy vợ ! Bản năng làm chúng tò mò. Chúng nhốn nháo cả một đoạn.

Đường dài quanh co, sự dài ấy như trêu chọc cái e thẹn ban đầu của đôi uyên ương. Nghĩ chữ uyên ương cũng không hợp trong hoàng cảnh này, khi người ta hay dùng chữ mĩ miều đó cho những đám cưới linh đình. Nay, trên con đường về nhà chồng với xác chết cạnh đường đủ gần để nhìn thấy sự phân hủy hoặc cứ văng vẳng bên tai tiếng khóc tang gia; thiết nghĩ ngày cưới cũng đáng nhớ thật.

Tình yêu luôn là trò phiêu lưu. Vì rằng chúng ta không biết sẽ gặp ai, hoặc chi chúng ta không biết sẽ đi về đâu và kết quả thế nào với sự chọn lựa đó. Tràng và vợ đã tham gia cuộc phiêu lưu đó. Tràng vẫn lo đau đáu về tương lai. Một miệng nuôi không xong, giờ gánh thêm chẳng phải hại lấy thân và cả người ? Đến với nhau tốt đẹp thì đó là duyên lành, nhưng lôi nhau xuống cùng cực thì lại là nợ đời với nhau. Tràng lại nhớ về cái sự chẳng biết duyên hay nợ kia. Một câu hò cho quên khổ lao động, một cái đáp của tuổi trẻ thanh xuân, hai người quen nhau. Lại cộng hưởng giữa đói và sự tốt bụng, họ lại gần nhau hơn. Giờ quay lại với sự thật ngay trước mắt, Tràng có vợ và mẹ anh thì vẫn chưa về.

Sự xuất hiện của người mẹ là cái nhấn cho sự khổ của đôi bên. Qua người *** như tấm gương, ta nhìn thấy cả ba gương mặt đói hốc trong đấy. Và như mọi bà mẹ Việt Nam, bà đã khóc. Khóc vì thương, thương cho đứa con mình đã có vợ, thương cả đứa con dâu cũng cùng quẫn chẳng khác gì con mình. Khóc vì tủi, tủi cho cái phận nghèo không dễ có được một đám cưới đủ nghi thức hay gần hơn là đủ no, chỉ vài câu chào, vài ánh mắt nhìn thẳng nhau, vậy là họ thành gia đình. Và khóc với một chút nghi ngờ, phải chăng vì đến đường cùng, người ta mới gởi thân cho con trai nhà mình ? Nước mắt tuông ra cho lời định nói đến. Bà chỉ chúc cho hai con sống bình yên bên nhau, còn tương lai là sự bấp bênh không muốn nghĩ.

Vợ Tràng, thành viên mới của gia đình, chắc cũng lo xốn xang trăm bề. Mà không, phải chắc chắn chứ. Phụ nữ Việt vốn giỏi lo toan; công, dung, ngôn, hạnh là vốn liến mà họ lận lưng khi về nhà chồng. Nhưng với cái quá mới thế này chị chưa thể chứng minh gì.

Rồi trời cũng tối. Chu kì vẫn thế. Sáng giăng mắt ra Tràng mới dậy. Đời hay nói mỗi ngày là một ngày mới, và điều đó ập ngay cho Tràng thấy. Nhà cửa gọn hơn, có cái gì đó ấm cúng hơn, chỉnh chu và cảm giác như đang và sẽ chuẩn bị cho tương lai.

Bữa cơm tới. Biết rằng đói thì luôn đói nhưng cơm thì vẫn phải theo bữa. Và họ, dùng từ cơm như thói quen, chứ đáng ra bữa ăn chỉ là cháo và cám. Trời đánh tránh bữa ăn, thằng Nhật thì không. Lại vang lên tiếng đòi thuế. Thuế, thuế, lại thuế !

Như vết thưởng mở miệng, mỗi ngày một bào mòn đến cùng kiệt sức khỏe. Thuế từng ngày là nỗi ám ảnh của dân đen, dân đói. Ruộng vẫn còn, nhưng chúng bắt trồng đay. Lúa vẫn có, nhưng là cho chúng nó. Dân ta chết, làm phân bón cánh đồng.

Tràng đờ ra. Cái đờ ra như sự nhu nhược không đề kháng. Cuộc sống của anh là sự chịu đựng và ám ảnh riết thành thói quen, anh qui đồng tương lai cho cái hiện tại khốn khổ này. Không riêng anh, mà có lẽ xóm làng này, không riêng xóm làng này, mà có lẽ cả một nước Việt này sự đờ ra kia như bao phủ tất thảy.

Việt Minh !

Hả !? Việt Minh ! Tràng như sực tỉnh. Cái tên này nghe mang máng ở đâu. Anh đã từng sợ, vì anh không hiểu gì. Nhưng vợ nói, rồi phong phanh tin nghe đồn, sao anh thấy họ thân quen.

Tràng như bị cuốn vào dòng suy nghĩ đó, với quật khởi, với cờ đỏ. Họ chính là ta, ta hòa với họ. Việt Minh không xa lạ mà chính là bản thể này. Tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Nhưng ! Không còn là tiếng trống hoang mang lo sợ, âm thanh như tức lồng ngực giờ là tiếng trống trận cho cả một tầng lớp bị chà đạp. Sống với niêm tin, họ sẽ sống !

Truyện kết lững lơ, với Tràng còn ngồi với bữa cơm dang dở. Nhưng cái dang dở kia là khởi đầu cho trường kì kháng chiến của một dân tộc, mà trong đó hình thành từ từng cá thể. Tràng, vợ Tràng và cả mẹ già, giờ tay sẽ cùng chung sức cho hành trình dài của triệu dân đất Việt. Pháo đài hòa bình và độc lập vững chãi trên từng viên gạch tin tưởng và hi vọng

Bài 3

Nhân vật tự sự thường có tên cụ thể, đôi khi vô danh vì họ chỉ xuất hiện

lướt qua trong tác phẩm. Nhưng không vì thế mà hình ảnh họ mờ nhạt. Có

nhân vật chỉ xuất hiện một lần nhưng góp phần làm sang tỏ chủ đề như nhân

vật mụ mối trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có nhân vật nói lên quan

điểm nghệ thuật về con người, quan điểm về nhân sinh của nhà văn như ông

Tiều, ông Ngư trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, nhân vật quản

ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Nhiều khi nhân vật không tên

thể hiện ý đồ sáng tạo của nhà văn như hình ảnh người vợ nhặt trong truyện

ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Qua nhân vật này nhà văn đã phản ánh

được thân phận đói nghèo và phẩm chất tốt đẹp của người lao động trước

Cách mạng.

Người đàn bà này xuất hiện thật ấn tượng trong cảnh ngộ gặp Tràng.

Không biết cô ta ở đâu sầm sập chạy đến, đứng trước mặt Tràng sưng sỉa

mắng: Điêu! Người thế mà điêu!. Cái giọng điệu ấy thật chát chúa, hành vi

ấy thật táo tợn, lỗ mãng. Tràng hơi bất ngờ, choáng váng… nhưng hắn bỗng

nhớ ra rồi. Quả là hôm trước hắn đã thất hứa. Tràng đã cười hiền lành như

hối lỗi và mời trầu xã giao nhưng cô ta không cần. Cái có thể ta cần lúc này

là được ăn nên đề nghị: ăn gì thì ăn, chả ăn giầu. Ngay cái gật đầu của

Tràng, cô ta sà vào hàng bánh đúc, cắm đầu ăn một hơi bốn bát liền. Hành

vi sống sượng ấy thật mất lịch sự, chẳng có chút gì tế nhị trong giao tiếp,

không có chút ý tứ gì của một người phụ nữ. Trong nạn đói, trên đường tìm

miếng ăn cô ta đã làm rơi nhân cách. Đói đến đầu gối phai bò. Thật trớ trêu

và cũng thật chua xót cho thân phận con người trong hoàn cảnh lúc đó. Chi

tiết này gợi liên tưởng đến nhân vật bà nội cái Tí trong truyện ngắn Một bữa

no của Nam Cao.

Trên đường theo Tràng về nhà, khi đi ngang qua xóm ngụ cư, thấy những

ánh mắt nhìn tò mò, cô ta bối rối và cảm thấy xấu hổ, kéo nón che nửa mặt

và bước đi rón rén. Hành vi ấy biểu hiện lòng tự trọng, ý thức về danh dự.

Một nhân cách đáng thương mà đáng trọng. Trong khi hai người đi trong

lặng lẽ, ngượng nghịu thì cô ta là người chủ động bắt chuyện: - nhà có ai

không? – Có mình tôi với u. Trước cách trả lời hồn nhiên theo kiểu trẻ con

của Tràng, cô ta bỗng cười tủm tỉm. Tác giả miêu tả rất nhiều nụ cười của

Tràng trước đó. Bây giờ mới thấy cô ta cười. Một nụ cười kín đáo và duyên

dáng. Nhưng nụ cười không tròn môi ấy cho ta thấy phía trước chưa hứa hẹn

gì niềm vui trọn vẹn. Khi Tràng đưa chai dầu con lên khoe, cô ta có khen

nhưng lại nhắc nhở: Hoang nó vừa vừa chứ. Ấy không phải lời người bắt

đầu yêu mà là lời của một người vợ nhắc nhở chồng. Một người vợ đảm

đang biết lo toan vun vén cho gia đình. Dần dần người đàn bà này đã bộc lộ

những đức tính đáng quý, đã phục sinh về sự sống và nhân cách. Cảnh đón

dâu với hai con người nghèo khổ rách rưới, lẳng lặng, ngại ngùng, xấu hổ,

vội vã dắt nhau về trong bóng tối nhá nhem gợi biết bao thương cảm về thân

phận người lao động trước Cách mạng. Hành trình về nhà của Tràng và

người đàn bà là hành trình đi tìm lại sự sống và nhân cách cho dù còn đang

trong tăm tối.

Về đến nhà Tràng, đảo mắt nhìn quanh một lượt, thấy ngôi nhà trống

toang, tuyền toàng, cô ta nén tiếng thở dài thất vọng. Niềm hi vong le lói lúc

trước bây giờ đã tắt ngúm nên cô ta chỉ nhếc mép cười nhạt nhẽo trước sự

phân bua của Tràng. Nụ cười hờ hững của một người lạc lõng, hụt hẫng. Cô

ta ngồi tạm ở mép giường, tay vẫn ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần lộ vẻ

phân vân, đắn đó không biết đi hay ở. Nếu đi, thì đi về đâu? Còn ở lại thì…

Thôi đành nhắm mắt đưa chân… Rơi vào tình cảnh bi đát cùng đường

nhưng chưa hẳn cô ta đã mất hết niềm tin.

Đến lúc cụ Tứ đi làm về. Cô ta đứng lên lễ phép chào mẹ. Tưởng cụ

không nghe, cô ta chào lần nữa: U đã về ạ!. Rất nhã nhặn và thành kính

khác hẳn người đàn bà cong cớn ngoài chợ. Cách ứng xử có văn hóa ấy đẹp

biết bao. Cụ Tứ không đáp lời, ngồi lặng thinh, không khí gia đình thật nặng

nề. Điều đó làm cho cô ta hơi sợ, đứng cúi mặt xấu hổ, hai tay vân vê tà áo

rách bợt trông rất thương tâm. Tâm trạng cô ta lúc này có cái tủi thân đang

ngào nghẹn trong lòng, có cái hối lỗi vì sự đường đột, có cái lo sợ nếu tình

hình biến chuyển xấu: cụ Tứ không chấp thuận, nhưng cũng vì hoàn cảnh

đưa đẩy mà thôi. Cô ta ý thức rất rõ cảnh ngộ và thân phận của mình lúc này

làm cho nhân cách thêm đáng quý. Cuối cùng thì cụ Tứ cũng lên tiếng đồng

tình cho Tràng lấy vợ nên đã giải tỏa nỗi lo lắng của hai người và rút ngắn

khoảng cách xa lạ. Cụ Tứ khuyên bảo hai con rồi cất tiếng mời ngồi: Con

ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân. Nghe những lời dịu ngọt,

ấm áp tình người ấy, người đàn bà thật sự yên tâm. Nhưng cô ta vẫn đứng

khép nép tỏ rõ thân phận dâu con, vẻ ngoan hiền của nàng dâu thảo.

Như vậy, cô ta không tìm được chỗ nương tựa về mặt vật chật nơi gia

đình Tràng nhưng bù vào đó cô ta đã tìm được nơi nương tựa về tinh thần,

tình cảm. Con thuyền đời rách nát đã tìm được nơi neo đậu là bến bờ tình

thương. Tình người cao cả lai thắp sáng niềm tin và giúp người đàn bà này

vượt qua hoàn cảnh đói khát, ngặt nghèo. Đó là ý nghĩa nhân văn cảm động

của tác phẩm.

Sáng hôm sau cô ta cùng mẹ chồng dậy sớm lo quét dọn, sắp xếp lại nhà

cửa gọn gàng, sạch sẽ. Áo quần của Tràng được đem đi phơi, hai ang nước

thường vẫn khô giờ đã kín nước đầy. Hôm qua, cô ta đã mang niềm hạnh

phúc đến cho ngôi nhà này. Tràng ngủ dậy muộn nhìn ngôi nhà gọn gàng

ngăn nắp, nhìn mẹ và vợ đang làm việc chăm chỉ, hắn rất cảm động. Tràng

thấy vợ mình là người khác hẳn: hiền hậu, đảm đang đúng mực. Mẹ chồng

nàng dâu cùng làm việc, nói chuyện với nhau như đã quen thân tự bao giờ.

Có lẽ cùng cảnh ngộ nên họ nhanh chóng trở thành thân thiết. Cách cư xử

của cô ta trong bữa ăn cũng thật tế nhị, khôn khéo. Nhìn bát cháo cám người

mẹ vui vẻ đưa cho mắt thị tối lại những vẫn điềm nhiên và vào miệng. Cô ta

đã dấu kín nỗi thất vọng chua chát để khỏi làm phật ý mẹ, gìn giữ không khí

vui vẻ ấm cúng đang có của gia đình. Trong khi đó, Tràng quá đỗi vô tâm

nên cái nhăn mặt của hắn đã thổi tắt niềm vui của người mẹ, khơi dậy nỗi

ám ảnh của cái đói. Trong khi cái hụt hẫng chơi vơi, lo âu bao trùm ngôi nhà

thì người đàn bà này lại đưa tin: Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người

ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá kho thóc của Nhật chia

cho người đói nữa đấy. Lần này cô ta lại nhen lên ánh sáng của niềm tin. Cả

gia đình lại khấp khởi hi vọng cách mạng sẽ giải phóng cuộc đời họ.

Vợ nhặt là câu chuyện về lòng nhân ái, người vợ nhặt được đón nhận

lòng nhân ái của người đời. Nếu chỉ có bấy nhiêu thì chắc nhân vật này

chẳng có gì để bàn nữa. Nhưng Vợ nhặt còn là câu chuyện hôn nhân, chuyện

về mối lương duyên của hai người nghèo khổ. Hoàn cảnh đói nghèo đưa họ

đến với nhau. Những sự cảm thông, tình thương và nhân cách là hai cái gốc

để họ xây đắp hạnh phúc và chiến thắng đói nghèo. Qua hình tượng người

đàn bà vô danh này, Kim Lân đã đóng góp thêm tiếng nói nhân đạo khi âm

thầm ca ngợi vẻ đẹp cao quý của người lao động bé nhỏ trong khi thoạt nhìn

tưởng họ như là thứ bỏ đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro