THAY MẸ BỎ CHỒNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tên truyện: Thay mẹ bỏ chồng (Phần 1)
Tác giả: Thạch Thảo
***

Tháng Mười một đến đột ngột, những con gió Bấc mùa đông bắt đầu đổ dồn vào thành phố. Trời lạnh nên đường xá cũng vắng vẻ, chỉ có vài người bán hàng rong chạy cho kịp xe và những người dậy sớm dọn dẹp nhà cửa. Ấy vậy mà trước cửa tòa án nhân dân huyện lại có một đứa bé tầm 9 tuổi đứng co ro ở đấy. Nó chỉ mặc một cái áo cánh nâu mỏng đã bợt màu, nhìn chăm chăm vào cánh cửa đang đóng kín với ánh mắt chờ đợi. Hình như đứa bé đã đứng đó lâu lắm rồi, đôi môi nó tím ngặt lại vì lạnh, nhưng dáng đứng trông cực kỳ kiên định, giống như chẳng có gì lay chuyển nổi.

Cái Dần hà hơi vào lòng bàn tay rồi xoa xoa chúng với nhau. Chỉ có cách này mới khiến con bé cảm thấy đỡ rét. Nó đã lén ra khỏi nhà từ lúc gà chưa gáy sáng để đến đây. Đợi suốt gần tiếng đồng hồ mà cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Nó thắc mắc sao ở trên huyện người ta làm việc muộn như thế? Không giống như ở quê, giờ này là các nhà đã cày xong mấy thước ruộng, chuẩn bị về nhà nấu cơm sáng mang ra đồng làm xuyên trưa rồi.

Dần chờ mãi, cuối cùng cũng có người xuất hiện. Đó là một người phụ nữ lớn tuổi, nét mắt nghiêm nghị. Tóc bà xoăn nhẹ, được kẹp bằng một chiếc cặp đính đá thanh lịch. Áo sơ mi lấp ló sau chiếc măng tô màu nâu, quần tây và cặp kính tròn tôn lên vẻ trí thức. Bà cũng đứng chờ ở cổng, chốc chốc lại nhìn đồng hồ.

"Ăn mặc như thế này chỉ có người nhà nước!" Dần nghĩ. Nó chạy như bay về phía người phụ nữ, lễ phép chào hỏi.

- Bà ơi. Bà có phải là quan tòa không ạ?

Người phụ nữ trung niên hơi giật mình. Nó tưởng bà chưa nghe rõ bèn hỏi lại:

- Bà có phải là quan tòa không ạ? Mấy người hay gõ búa mà cháu thấy trên ti vi ấy bà ơi.

Dần nhìn với ánh mắt mong đợi. Thực ra nhà nó làm gì có chiếc ti vi nào, hay nói đúng hơn là chả có đồ đạc gì. Ngay cả cái để nằm cũng chỉ là chiếc chõng thấp lẹt tẹt do mẹ nó đi xin từ hàng xóm. Nhưng nhà thằng Vinh con ông trưởng làng thì có, nó vẫn thường nài nỉ thằng bé dẫn mình đi xem trộm. Ông trưởng làng tính kẹt sỉ, hai đứa nhỏ phải lén lút, nếu bị phát hiện là thằng Vinh cũng no đòn ngay. Nó chỉ xem được thoáng chốc, thứ nó nhớ như in là cái búa "công lý" trên tay vị quan tòa. Mỗi khi cái búa gõ xuống, kẻ ác sẽ phải trả giá, còn người thiện sẽ được đòi lại công bằng.

Người cán bộ tư pháp ngạc nhiên khi có một đứa trẻ xuất hiện trước cổng tòa án vào giờ này. Bà gật đầu:

- Đúng rồi cháu. Cháu có gì cần giúp đỡ sao?

- Cháu muốn nộp đơn xin ly hôn!

Đứa bé rầu rĩ trả lời, rồi lấy ra từ trong túi một tờ giấy Bãi Bằng gấp tư đã nhàu nhĩ. Nó bối rối mở ra. Người phụ nữ nheo mắt lại nhìn những dòng chữ như gà bới trên đó mà đăm chiêu.

ĐƠN XIN LY HÔN.

Không có quốc hiệu gì cả, tờ giấy mở đầu với bốn chữ được viết hoa cẩn thận, nghiêm chỉnh trông khác hẳn mấy dòng nguệch ngoạc bên dưới. Có vẻ như người viết đã luyện 4 chữ này rất lâu rồi, lâu đến nỗi dù có nhắm mắt cũng viết được thật đẹp thật chuẩn. Nhưng đọc đến những dòng dưới, người cán bộ pháp lý mới ngỡ ngàng.

Đây là một lá đơn ly hôn, nhưng người viết đơn lại là đứa nhỏ trước mặt bà đây. Nó đã viết đơn để xin cho mẹ được bỏ chồng.

Trong suốt hai mươi năm theo nghề, từng xử lý bao nhiêu vụ ly hôn không đếm xuể, chưa bao giờ bà lại gặp phải tình cảnh khó tin và khó xử thế này.

Cái Dần thấy bà cứ lặng im mãi, lại lật đật lôi mấy đồng tiền nhàu nát từ trong túi ra. Mắt nó rưng rưng:

- Có đủ không bà? Cháu không có nhiều tiền. Chỗ này cháu phải tích góp rất lâu rồi bà ạ. Cháu chỉ xin phép tòa cho mẹ cháu được bỏ chồng.

***

"Chúng con là lũ vịt giời
Bé thời ăn hại, lớn thời bay đi."

Dần rất thích chơi đánh chuyền với tụi nhỏ trong thôn dưới gốc cây trứng gà gần sân bóng. Một đống con gái cứ đứng túm tụm lại với nhau, vừa đánh chuyền quả bóng làm từ trái bưởi non vừa hát như thế. Chẳng đứa nào hiểu được hết câu ca dao đó. Chúng nó chỉ thấy hay. Có đứa còn cười đùa hỏi rằng "Vịt giời bay được thật sao? Chứ cái đám vịt nuôi ở dưới ao nhà ông Toán đi lạch bạch trông buồn cười lắm."

Tụi nó đần như thế thì làm gì biết. Dần khinh bỉ ra mặt. Bởi vì nó biết. Vịt ở đây không phải là lũ vịt đâu, mà là lũ người. Gì chứ nhà nó có bốn đứa vịt giời, đủ loại lứa tuổi. Nó là đứa thứ ba, bên trên còn hai chị. Một chị lớn đã lấy chồng từ ba năm trước, một chị mười sáu cũng sắp lấy chồng. Nó chín tuổi, bên dưới còn đứa em út vừa lên hai. Bốn chị em được đặt tên Tý, Sửu, Dần, Mão, không vì lý do gì cả, chỉ để cho dễ gọi. Năm nay mẹ lại có chửa, cả nhà đều mong đó là một đứa con trai, nhưng Dần tin rằng đó vẫn chỉ là một cô em gái xinh xắn thôi. Vì sao ấy hả? Vì nó nghĩ rằng, cái gì cũng có số cả. Ông trời đã định đoạt như thế thì có cố lắm cũng chẳng thay đổi được điều gì.

Tuy vậy, Dần vẫn thầm mong mẹ mình có thể đẻ được một đứa con trai, vì bà đã khổ lắm rồi. Nhà nó có mỗi bố là con độc đinh, bà nội lúc nào cũng ra rả bảo nhà phải đẻ cho kỳ được một đứa con trai để nỗi dõi tông đường. Nhưng con trai đâu phải muốn có là có được đâu. Ngày mẹ nó đẻ em Mão, bố nó túc trực ở bệnh viện chờ đợi. Chưa bao giờ nó thấy bố mình hiền từ và kiên nhẫn như thế. Song cái vẻ hiền từ đó ngay lập tức bị vỡ tan khi bà đỡ mang em Mão ra. Ông hầm hè trong tiếng thở dài sườn sượt của bà nội.

- Lại là con gái. Tụi mày định làm khổ tao đến bao giờ nữa đây?

Cái thời đó, cố đẻ con là đồng nghĩa với nghèo đói. Trời sinh voi nhưng không sinh cỏ, khoai sắn có từng ấy, không nhiều hơn được. Nhà Dần chỉ có bốn sào ruộng, nghe thì không ít, nhưng chẳng có người làm. Chỉ có mình mẹ Dần lận đận địu theo em Mão đi tra ngô, cấy lúa. Dần và chị Sửu thì phải lẽo đẽo ra bờ mương bắt con ốc, con tép, hay nhặt trộm quả trứng vịt đẻ rớt của nhà ông Toán về làm cơm trưa.

Bà Dần đã già lắm rồi, không còn đi lại được nữa. Bố nó thì rượu chè liên miên, thi thoảng lại mang theo đám bạn nhậu của mình về nhà để "bàn chuyện chính trị". Nào là kinh tế sắp mở cửa, Mỹ bỏ lệnh cấm vận, sau này chúng ta có thể làm giàu. Nào là nhà nước đang thi hành chính sách khuyến nông. Dần chẳng thấy nhà mình giàu lên chút nào, chỉ thấy đồ đạc trong nhà dần vơi đi. Ngay cả cái xe bò chở lúa cũng bố cũng mang đi cắm để mua rượu, thì đợi đến lúc nó lấy chồng cũng chẳng giàu nổi.

Cứ như thế, mọi chuyện bếp núc đồng áng, chăm sóc con cái trong nhà cứ đổ dồn hết lên đầu mẹ Dần. Từ lúc gà chưa gáy sáng cho đến khi lũ con đi ngủ, chẳng lúc nào là bà ngơi tay. Có lẽ trong những đêm trăng buồn, bên cạnh tiếng ngáy khe khẽ của Dần, bà vẫn chong đèn khâu lại mấy bộ quần áo rách cho nó. Đời mẹ và đời nó giống như bị chôn chặt trong căn nhà lụp xụp ngấy mùi hôi này.

Cứ vẩn vơ nghĩ như vậy, Dần đã về đến nhà từ lúc nào. Hôm nay trong nhà ồn ào quá, tiếng chửi bới quát tháo cứ vọng ra. Dần hớt ha hớt hải chạy vào, thấy chị Tý đã lấy chồng hôm nay lại ở nhà. Chị ôm mặt khóc nức nở trong lòng mẹ, còn bên kia, bố vác cái điếu cày chuẩn bị đánh xuống.

Mẹ oằn lưng đỡ cho chị. Điếu cày đập vào sống lưng nghe rõ tiếng. Dần nhìn mà run rẩy. Con bé quên cả phản ứng, mãi về sau mới nhớ đến việc chạy lại đỡ mẹ lên.

- Mẹ ơi...

Bố nó nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất:

- Chó thật đấy! Lũ chúng mày định làm tao khổ đến lúc nào? Con mẹ thì vô dụng, ngay cả việc đẻ con cũng không biết làm. Giờ đến lũ con. Mày mà bỏ chồng bây giờ thì khác gì mày bôi tro trát trấu lên mặt tao hả con chó? Mày có sai thì chồng mày nó dạy nó bảo. Làm gì mà phải bù lu bù loa lên. Mày chạy về đây để con mày tranh ăn của các em, để cả họ nó chửi vào mặt tao hay cái gì?

Cái Dần ngạc nhiên nhìn chị Tý. Chị ôm mẹ, run rẩy sờ lên lưng mẹ, khóc sưng mắt. Trông chị gầy yếu và nhu nhược quá, chưa bao giờ Dần nghĩ chị dám bỏ chồng, hơn nữa còn dứt khoát đến vậy. Trước đây, chồng chị Tý là một người chân chất thật thà. Anh vẫn thường mang theo kẹo cho Dần và cái Mão, lúc nào bắt chuyện với chị Tý cũng gãi đầu cười hiền. Thế rồi chẳng biết làm sao, sau khi cưới nhau, anh sa vào nghiện ngập rượu chè. Tiền bạc trong nhà nướng hết vào thuốc phiện, anh còn đi dắt trộm trâu của người ta mang đi bán, phải đền biết bao nhiêu là lúa. Mỗi một lần chị Tý về thăm nhà, Dần lại thấy trên mặt chị đấy những vết bầm tím, ngày một nặng hơn.

Mẹ gặng hỏi, chị lại đáp:

- Con bị ngã thôi mẹ ạ. Mấy ngày là khỏi.

- Con đi đường không để ý đập đầu vào cái cây. Hì hì.

Đến khi không giấu nổi, chị lại khóc sụt sùi nắm lấy tay mẹ:

- Con chịu được mà mẹ. Mẹ yên tâm nha.

Thế mà giờ đây, người con gái từng khẳng định chắc nịch thế lại nói:

- Con hết chịu nổi rồi!

Chị Tý khóc mà nước mắt tuôn trào.

- Con là con người, chứ có phải con vật đâu mà cứ lên cơn nghiện là đánh là đập. Dù bố có đánh chết con con cũng không lại nhà đó đâu.

- Cái con khốn này!

Bố Dần nhảy bổ vào, tiếp tục lấy điếu cày đánh chị Tý. Mẹ muốn can ngăn nhưng chị đẩy mẹ ra. Lần này lưng chị hứng trọn cán điếu. Dần nhắn mắt lại, tai ù ù đi. Con bé có thể cảm nhận được chị mình đau quá, đau đế nỗi cơ mặt nhăn hết cả lại, ép những dòng nước mắt chảy ra ròng ròng. Chị Sửu ở đâu chạy ra cũng ôm lấy chị Tý, cả hai chị em che chở cho nhau. Dần thì quá sợ, cứ run lên như cầy sấy.

- Đừng đánh con. Em xin mình, mình đứng đánh con.

Mẹ Dần khóc nức nở ôm lưng chồng lại, nhưng điếu cày vẫn giáng xuống không ngừng, cho đến khi hai chị đều không khóc được nữa. Hàng xóm thấy động chạy sang, la toáng lên:

- Thằng Tuất mày không được đánh nữa! Đánh chết người bây giờ.

- Đánh cho nó chết luôn! Cái thứ con khốn nạn! Chết còn chật đất chôn.

Bố Dần lầu bầu nhưng vẫn vứt cái điếu cày xuống, đoạn cầm một can rượu tu ừng ực. Cái giọng của bố lè nhè vì cơn say:

- Lát nữa tao về mà mày còn có ở nhà. Tao chôn sống mày luôn.

Bố nói xong thì chân nam đá chân chiêu ra khỏi nhà. Năm mẹ con, tính cả em bé trong bụng mẹ Dần ôm lấy nhau. Mẹ lấy một ít bông từ cái chăn rách, ngâm nước nóng rồi lau lên những vết bầm trên mặt chị, tức tưởi khóc:

- Mẹ xin lỗi. Mẹ không bảo vệ được con.

- Mẹ ơi, số con khổ lắm rồi. Con không chịu được nữa. Con muốn bỏ chồng.

Tay mẹ ngừng lại, khuôn mặt hằn lên sự đau đớn:

- Nhưng giờ bỏ chồng thì ở đâu hả con? Bố sẽ đánh con chết mất thôi. Ở cái xứ này làm gì có chuyện bỏ chồng. Xóm giềng đàm tiếu, rồi con cũng chết mất thôi.

- Thế con phải sống ở cái nhà đó để chết dần chết mòn hay sao ạ?

- Người đàn bà được trời phú cho cái mềm mỏng. Con thử cảm hóa chồng con xem, cho nó thay tâm đổi tính. Trước đây nó thương con lắm mà. Hơn nữa con có con rồi, đứa trẻ vô tội. Nó không thể có bố. Người làm mẹ như chúng ta có thể hy sinh một chút không hề hấn gì.

Chị Tý cười cay đắng:

- Mẹ lại khuyên con chịu đựng, hy sinh. Con lấy Bình cũng vì nhà thiếu tiền trả nợ, mà Bình thì đưa tiền sính lễ cao nhất. Cả đời con đã hi sinh vì người khác rồi. Giờ con vẫn phải hi sinh vì con cái nữa hở mẹ?

Mẹ Dần ôm mặt, đau khổ đáp:

- Đời người đàn bà nào chẳng phải hi sinh. Đấy là thiên chức rồi. Mẹ cũng đâu có sung sướng gì...

Chị Tý đứng dậy, đôi mắt nhìn mẹ khác lạ lắm, Dần không hiểu nổi. Chị từ từ nói:

- Mẹ thấy sự hi sinh cả đời của mẹ mang lại thứ gì tốt đẹp cho chúng con đây? Có giây phút nào chúng con được hạnh phúc, có giây phút nào được ngửa mặt lên mà sống không?

Dần vẫn còn nhớ như in ánh mắt của chị Tý vào buổi chiều hôm ấy. Ánh mắt quá nhiều đau đớn, mông lung và bế tắc, vừa như tìm kiếm sự cứu rỗi, vừa chấp nhận rằng số phận của mình là vậy, không thay đổi được.

Chiều hôm ấy, chị Tý vẫn trở về nhà chồng. Dần chấm nước mắt cho chị, chị gục đầu vào vai con bé, buồn rầu dặn dò:

- Bé Dần ơi, chị bảo nè.

- Dạ...

- Chị không có ở đây, em phải thay chị bảo vệ mẹ, bảo vệ em Mão nghe chưa.

Dần được chị nhờ vả, nó cảm thấy mình quan trọng và tự hào ghê gớm. Con bé còn quá nhỏ để hiểu được cái thở dài não nề của người lớn.

- Em nhất định sẽ bảo vệ mẹ! Bảo vệ em Mão!

Rồi nó lại thắc mắc:

- Thế còn chị Sửu thì sao hả chị? Sao chị không dặn chị Sửu?

Chị Tý nó giấu cảm xúc trong cái ngước mắt nhìn lên bầu trời cao rộng.

- Chị Sửu thì còn được bao nhiêu thời gian nữa.

Rất lâu về sau, Dần chẳng còn gặp lại chị Tý. Làng chồng chị cách nhà mẹ đẻ xa quá, Dần không biết đường đến thăm, mà chị cũng chẳng chịu về. Nhưng nó vẫn nhớ như in lời chị dặn, phải bảo vệ mẹ, bảo vệ em Mão, bảo vệ cả em nhỏ chưa chào đời. Bố nó vẫn nát rượu như thế, vẫn mắng vợ chửi con, rồi vật vờ ở ngoài cái võng than cái phận mình quá khổ. Bà nội đã liệt hai chân như mồm miệng vẫn còn nhanh nhảu, chê trách mẹ không biết kiêng cữ. Cái mồm hại cái thân, lần này còn đẻ con gái thì vứt.

Có lần, bố thiếu rượu cáu quá, ném cả cái siêu nước còn ấm vào chân Dần. Chị Sửu hấp tấp chạy ra hỏi em có sao không.

Nó nén nước mắt cười khì khì.

- Em không sao, hơi nóng chút thôi chị ạ.

Chỉ cần mẹ và các em vẫn bình an, một tí vết thương cỏn con này chẳng là gì với Dần cả.

Trong thời gian này, Dần vẫn lang thang theo chị Sửu mò cua bắt ốc. Thi thoảng, tụi nó lén đi xé lá chuối bán cho người ta gói bánh, được 3 đồng bạc. Hai đứa định bụng để dành sau này cho mẹ bồi bổ lúc sinh em bé. Số tiền này phải giấu thật kỹ, nếu không bố lại lấy đi uống rượu mất.

Dần cũng quen được mấy đứa bạn mới, cậu nhóc Vinh con trưởng làng. Cậu nhóc béo nục béo nịch nhưng rất tốt bụng. Vinh hay dạy chữ cho Dần, rồi kể cho nó nghe những câu chuyện về thời chiến tranh. Hai đứa dắt tay nhau về nhà ông trưởng làng, lén bật ti vi lên xem. Trên vô tuyến đang chiếu chương trình luật pháp. Dần nhìn người ta gõ cái búa, mắt cứ tròn lên.

- Đấy là ông thẩm phán đó. Oách lắm. - Vinh nghiêm nghị giải thích.

- Ông thẩm phán để làm cái gì?

- Ông thẩm phán sẽ giúp người tốt đòi lại công bằng đó. À mà mày biết nhà chú bán thịt lợn ở đầu làng không?

Dần gật đầu thật mạnh.

- Nhà chú đó vợ chồng bỏ nhau rồi. Bỏ nhau, gọi là ly hôn... Hai người họ kéo nhau đến gặp ông thẩm phán để ly hôn rồi.

Dần la lên oai oái:

- Vợ chồng cưới nhau rồi mà bỏ được á?

- Được chứ sao không? Đâu phải cứ vợ chồng là phải sống với nhau mãi, vẫn có thể bỏ chứ. Nhưng muốn bỏ nhau phải viết đơn xin ly hôn.

Dần nhìn lên màn hình tivi chăm chăm, nó khều thằng Vinh, bất giác hỏi:

- Đơn xin ly hôn viết thế nào?

- Thế này nè.

Thằng Vinh xé tờ giấy rồi viết bốn chữ "đơn xin ly hôn" lên đó. Dần nhìn nét bút mực hằn lên trên tờ giấy màu ngà, chẳng biết đang nghĩ ngợi gì.

***

Thời gian thấm thoắt trôi. Khi ấy là vừa mới ăn Tết xong, mới mồng 4 Tết, mẹ đã phải dắt chị Sửu ra đồng để cấy lúa. Lúc ấy bụng mẹ đã lớn lắm rồi, mấy bà đẻ lành nghề trong làng đều bảo qua rằm tháng Giêng là sẽ trở dạ. Nhưng đồng áng đúng vụ cấy chẳng có ai làm, chỉ có thể đến tay mẹ. Lụa đi theo xách từng bó mạ non. Đất chiêm trũng lún sâu, ngập đến eo của nó, hai vai Dần trĩu nặng mãi chẳng nhấc được chân lên, nhưng mẹ thì nhanh thoăn thoắt bước.

Cấy được non nửa, mặt mẹ Dần bỗng nhiên xám xịt lại. Bà ngã ở bờ ruộng, những hạt mồ hôi to như hạt đậu bắt đầu túa ra.

- Sửu! Sửu ơi! Đỡ mẹ!

Chị Sửu và Dần bỏ cả bó mạ, chạy huỳnh huỵch lại xem mẹ. Hai tay bà đỡ lấy hông, mặt nhăn lại, méo mó vì đau đớn.

- Mẹ ơi. Mẹ sao thế ạ?

- Mẹ ơi!

Hai đứa trẻ cuồng cuồng gọi, người phụ nữ thở thều thào.

- Em bé sắp ra rồi. Dần... con... Chạy qua nhà bà Năm, nhờ bà đến... Còn Sửu, con đỡ mẹ dậy với...

Cái Dần vốn nhanh nhảu, nó biết việc mẹ nhờ phải đến tay mình chứ chẳng thể là ai khác, ngay lập tức chạy như bay về hướng nhà bà Năm đỡ đẻ. Chị Sửu thì đỡ mẹ vào một nhà dân gần ruộng. Xóm làng xưa vốn kiêng kỵ nhiều thứ, nhất là gái đẻ. Nhưng giờ chẳng ai nghĩ nhiều được đến thế. Đó là một mạng người cơ đấy!

Chẳng mấy chốc, bà Năm và bố Dần đều đến. Mọi người tản ra cho bà đỡ vào. Mẹ Dần la hét thảm lắm, đứa bé chui ra thiếu ngày, ắt hẳn đây là một ca khó sinh. Chị Sửu cứ bấu chặt móng tay vào áo em gái, hai mắt rưng rưng.

- Mẹ đau quá em ơi.

Dần chẳng đáp, nhưng trong lòng thì nó đau. Nó đã hứa với chị Tý rằng sẽ bảo vệ mẹ và các em, vậy mà... vậy mà giờ phút này nó chỉ có thể đứng ngoài cầu nguyện ông trời thương tình.

Bố nó cũng nóng lòng nóng ruột chờ bên ngoài, gọi với vào trong.

- Vợ cháu sao rồi bác Năm ơi?

- Khó đẻ rồi. Nguy hiểm lắm. Có khi phải đưa lên viện thôi.

- Giờ đưa lên viện thì làm sao mà kịp. - Mặt bố Dần cau lại. - Bà giúp cháu. Nếu có gì nhất định phải cứu được đứa bé.

Dần nghe vậy thì như tỉnh hẳn, gọi giật:

- Bà ơi, bà cứu mẹ cháu với!

Người bên trong hơi khó chịu, quát:

- Biết rồi. Im mồm hết đi.

Dần nín thở chờ đợi, tiếng rặn đẻ của người mẹ cứ văng vẳng vọng ra. Nó thấy thời gian trôi qua lâu quá đỗi.

Phải mười lăm phút sau, nó mới thấy mẹ thôi hét. Bà Năm mở cửa ra, ôm theo một đứa bé đỏ hỏn, nhăn nhúm trong cái tã.

Bố nó hỏi luôn:

- Thế nào rồi bà? Cháu có khỏe mạnh không, là trai hay gái thế bà?

Bà Năm biết tính bố Dần, đáp với ánh mắt lảng tránh:

- Trông nó giống anh chưa kìa. Khỏe lắm. Sau này xinh đáo để đấy.

Chỉ có thế thôi, bố Dần đã biết đứa trẻ lần này lại là một con vịt giời. Mặt ông sa sầm ngay xuống, bàn tay đang định đỡ con rụt lại. Còn người vợ chưa rõ sống chết nằm ở bên trong, có lẽ ông đã quên mất rồi.

Dần không thèm xem em, con bé chạy vào thăm mẹ. Tóc mẹ sũng nước, nằm li bì trong cái chăn rách tanh mùi máu. Cái mùi này làm nó khó thở và buồn bực. Mẹ run run nắm lấy tay nó.

- Em là con trai hay con con gái vậy con.

- Nếu em là con gái thì sao vậy mẹ?

Dần nghiêm mặt hỏi một câu. Mẹ nó thở không ra hơi, nhưng ánh mắt của bà thì nói lên tất cả.

Đối với mẹ, chị em tụi nó luôn là gánh nặng. Năm đứa trẻ đã trói chặt cuộc đời bà với ngôi nhà tồi tàn và đau đớn này. Nhưng liệu bà có biết rằng, chính mình cũng trói chặt tương lai chúng hay chăng?

Đã mấy tháng kể từ ngày mẹ đẻ em Bông. Bốn chị em Dần đã thống nhất đặt cho em út cái tên Bông chứ không phải Thìn. Không cần nói, bốn đứa cũng tự hiểu đứa em út là hy vọng mới cái nhà này.

Thế nhưng, sức khỏe của mẹ Dần sau khi sinh nở lần này yếu hẳn. Nhà đã mất đi trụ cột lao động chính, tất cả lại đổ dồn lên đầu của chị Sửu và Dần. Hai chị em đi vạt ngô thuê cho người ta, rồi còn cùng nhau sang làng bên cạnh kiếm việc làm thêm. Chị Sửu lên mười bảy, đã bắt đầu biết yêu. Chị để mắt đến một người lái xe chuyên chở cây đến làng đó. Anh tên Ngọc, rất đẹp trai, nghe nói là một đầu bếp rất cừ khôi.

- Hơn nữa anh í còn có chí lắm đó. Ngày xưa nhà anh nghèo lắm, bố mẹ mất sớm, một mình anh í nuôi mấy đứa em, tụi nó còn được đi học nữa cơ.

Dần nghe đến được đi học mà cười tít cả mắt.

- Thế sau này chị có em bé, em bé cũng được đi học chị nhỉ.

- Cái con bé này, biết gì mà em với bé chứ. Với cả chị với anh ấy... Chị còn nhỏ quá mà, sao đã tính đến chuyện này.

Đấy là chị Sửu nói thế thôi, chứ trong lòng, Dần biết chị thích anh Ngọc kia lắm. Thậm chí chị còn bắt đầu tích góp tiền để sau này có dấn vốn lấy chồng.

Dần nghĩ xa xăm trong vườn quýt chín, thầm tự hỏi sau này mình gặp được một người thế nào nhỉ? Sau này... tương lai của mình sẽ như thế nào nhỉ?

***
- Tao biết tụi mày giấu tiền! Mày mang ra đây!

- Em làm gì có tiền. Mấy tháng nay em bệnh triền miên, cái Sửu với cái Dần toàn lo việc đồng áng. Tụi nhỏ còn bé, có ai thuê đâu mà làm. Còn được mấy đồng thì để lo bữa nay bữa mai hết rồi.

Dần với Sửu vừa về đến nhà đã thấy mẹ lại khóc nửa nở rồi. Hai đứa không bảo nhau, chạy ù vào trong. Bố đang cầm điều cày đập hết đồ đạc trong nhà. Em Mão mới ba tuổi ném vào cột sợ hãi, còn cái Bông thì khóc lên ngằn ngặt.

Cái điếu cày kia vung lên chuẩn bị đánh vào mẹ, thì chị Sửu xông đến. Nó cầm cái ghế, nện thẳng vào chân bố.

- Ông đừng bắt nạt mẹ tôi nữa!

Chị hét lên rất to, đến cả cái Dần cũng điếng cả người. Không ai dám nghĩ chị lại to gan đến thế.

- Ông lúc nào cũng rượu chè cờ bạc. Nếu như muốn có tiền thì tự đi làm đi chứ. Trong nhà còn bà, còn hai đứa em đang tuổi lớn, ông có biết nghĩ hay không?

Mắt bố nó trợn ngược. Ông thở phì phò, chỉ tay:

- Mày được! Con chó kia mày xem con mày nói chuyện với tao như vậy đấy! Mày xem con mày đầy!

Mẹ Dần cuống quýt ôm chầm lấy chị Sửu:

- Sửu ơi con đừng hỗn. Con đừng cãi bố. Mẹ không sao mà! - Rồi bà quay sang nhìn chồng. - Mình ơi, mình tha cho con, con nó biết lỗi rồi.

Bố đã điên lắm rồi, câu xin lỗi không vào tai. Mà giờ đây, ông chỉ cần tìm một chỗ để trút hết cơm say của mình ra thôi, vì nó làm ông bứt dứt quá. Ông túm tóc chị Sửu, đập đầu chị xuống dưới dàn nhà. Nền đất ngay lập tức rớm máu chị Sửu.

- Con khốn nạn này! Tụi mày làm khổ tao bao nhiêu năm. Nếu không phải vì tụi mày, tao có khổ như thế này không? Hả! Giờ mày có đưa tiền không?

Cái Dần đánh túi bụi vào lưng bố:

- Ông thả chị Sửu ra! Thả chị ra!

Nó bị tát một cái, rồi bị xách cổ áo ném ra xa ngã sõng soài. Nhưng con mắt Dần vẫn nhìn chị Sửu. Chị bị đánh, người mềm oặt như một con rối gỗ thiếu sự sống.

- Giờ mày có đưa tiền hay không?

Bố lại gào thét lên.

Mẹ giục:

- Dần, con có biết tiền ở đâu không, con đưa ra đi.

Chỉ Sửu nói đứt quãng:

- Em... không được đưa. Không đưa.

Dần khó thở nhổm người dậy, chạm phải cái lắc đầu đau đớn của chị. Chị nó vẫn lặp đi lặp lại, máy móc:

- Không được đưa.

- Chị ơi.

- Mày gan hả?

Bố Dần lại đập đầu Sửu xuống sàn, cứ đánh thế này thì chết mất thôi. Dần hét lên:

- Đưa! Con đưa! Bố đừng đánh chị nữa!

- Không được đưa! Dần!

Chị Sửu gào lên bất lực, nhưng Dần không thể nghe lời chị. Con bé chui xuống gầm giường, lấy ra từ trong khe nứt của bức tường ra mấy đồng bạc.

Bố nó ngay lập tức cướp lấy. Ông thả chị Sửu ra, lúc này, trông người thiếu nữ ấy chẳng còn chút sức lực nào, ánh mắt tan rã như người đã chết.

- Chị đã bảo em đừng đưa mà.

Bố Dần đạp chị thêm một cái, nhổ toẹt một bãi nước bọt:

- Mày liệu chừng tao đó con chó. Tao sẽ cho mày biết tay. Đợi mấy hôm nữa, tao gả quách mày đi cho mày khuất mắt.

Ông nói xong rồi lại cầm điếu cày, vừa đi vừa kiếm tiền rời khỏi nhà. Mẹ ôm cả hai đứa con vào trong lòng. Nếu như ngày thường, chị Sửu sẽ tựa vào vai bà khóc nức nở, nhưng hôm nay, chị chỉ lặng lẽ nhìn mẹ.

- Tụi con khổ quá mẹ ơi.

- Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi.

- Mẹ vẫn muốn sống như thế này tiếp sao?

- Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi hai đứa. Mẹ không bảo vệ được tụi con.

Chị cười nhạt, nhưng đôi mắt thê lương lắm.

- Xin lỗi thì có ích gì nữa đâu?

Kể từ ngày bị cướp hết số tiền đó, chị Sửu cứ như người mất hồn. Mặc dù vẫn cùng Dần đi kiếm tiền, nhưng chị chẳng nói chẳng rằng gì cả, cứ lầm lũi quần quật như một con trâu. Chỉ khi nhìn thấy anh Ngọc, chị mới ánh lên một chút hi vọng, nhưng ánh sáng ấy chỉ le lói lên rồi tắt ngúm. Dần túm lấy tay chị khóc:

- Chị ơi, chị giận Dần sao?

- Sao chị lại giận Dần?

- Em đưa tiền chị dành dụm để cưới chồng cho bố mất rồi. Chị giận em sao?

Chị lắc đầu, giọng nói cực kỳ phức tạp:

- Chị không giận em đâu. Em muốn cứu chị mà. Nhưng mà bé Dần này...

- Dạ...

- Chị sẽ nhớ em lắm đó.

- Sao chị lại nói như chị sắp đi xa vậy ạ? - Dần thắc mắc.

- Đấy là chị nói trước thôi mà. Cuộc sống ai biết được.

Chị Sửu đánh trống lảng ngay khỏi chuyện đó, nhưng hành động của chị càng khiến Dần hoang mang hơn. Nó có dự cảm chẳng lành, hình như, người chị thân thương nhất, người cùng nó chia ngọt sẻ bùi, cùng ôm ấp vượt qua khó khăn sắp rời xa...

Thế rồi ngày đó cũng đến thật. Đó là một ngày mưa thu tầm tạ, hai chị em vừa mới về đến nhà thì thấy một người khách lạ. Bà ta gặp bà nội và bố nói cái gì đó. Sau khi nói chuyện xong, chị Sửu cũng bị gọi vào.

Dần nghe lén, thấy người ta mai mối cho chị một anh chồng. Đó là con trai cả nhà thím Tư ở xóm trên. Người đó thì Dần biết. Con trai thím Tư hơn chị Dần sáu tuổi, bị thọt một chân, tính tình thì hà tiện bủn xỉn, thêm vào cái tật lèm bèm hay chửi. Con gái mới lớn ở xóm này tránh anh ta như tránh ghẻ. Chính vì thế mà năm nay đã hơn hai mươi rồi mà vẫn chẳng có ai để ý đến.

Vậy mà giờ bà mối lại dám giới thiệu anh ta cho chị Sửu. Nói không phải tự hào, nhưng cái Dần thấy chị Sửu là cô gái xinh nhất làng, lại khéo tay giỏi giang. Nếu không phải ngại cái tính của bố thì người xin dạm ngõ đã đạp nát cổng mất rồi. Cái anh thọt kia không hề xứng với chị Sửu chút nào hết. Hơn nữa, chị còn có anh Ngọc. Phải rồi, chỉ có người như anh Ngọc mới xứng với chị Sửu mà thôi.

Dần dỏng tai chờ đợi chị từ chối, nhưng lại nghe được câu mà nó không ngờ tới:

- Vâng ạ, con nghe theo ý bà và bố mẹ hết.

- Hay mình xem xét thêm vài mối. Con còn nhỏ, chưa cần tính vội đến thế đâu.

- Dạ thôi, con thấy anh ấy cũng rất tốt. Bố mẹ cứ xem ngày, con chịu hết.

Dần chết sững, mưa rơi tí tách trên mặt mà nó chẳng hay biết. Nó không hiểu chị Sửu nghĩ gì, sao chị lại bỏ anh Ngọc để lấy một người như thế chứ?

Sửu không cho Dần hỏi, lúc nào chị cũng lảng tránh cái nhìn thắc mắc của con bé. Hai đứa chẳng còn đi xé lá chuối chung với nhau nữa. Chị Sửu sắp lấy chồng rồi, phải ở nhà để chuẩn bị rất nhiều thứ. Chỉ còn mình Dần giữa vườn quýt chín thơm lừng, nhưng sao nó thấy đời mình chua chát quá thể.

"Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non."

Một cô gái ơi hời khúc dân ca, nghe não lòng não ruột. Dần lại trộm nghĩ, tại sao đời nào cũng vậy, cò luôn phải nuôi chồng? Tại sao con cò nào cũng phải khóc nỉ non than trách cho phận mình như thế?

Chẳng mấy chốc mà ngày cưới của chị Sửu đến gần. Người nhà trai mang sính lễ đến, cũng khá đậm, một ít tiền mặt và năm tạ thóc. Bố nó vui vẻ ra mặt, cứ đếm từng bao thóc một được người ta đưa vào. Năm tạ thóc nhìn thì nhiều đấy, nhưng chỉ hơn một mùa cày cấy đã được ngần ấy rồi.

Chị Sửu càng đến gần ngày cưới càng vui vẻ, thậm chí Dần còn thấy thấy chị hát mấy khúc hát giao duyên quan họ nữa cơ. Dần nhìn xuyên qua nụ cười của chị, mà chẳng tìm thấy nổi cảm xúc thật mà chị che giấu.

- Bé Dần ơi. Chị Sửu cũng muốn em sống thật hạnh phúc.

- Vậy chị thì sao? - Dần rơm rớm nước mắt hỏi.

- Chị cũng sẽ hạnh phúc. Chúng ta không đáng phải sống như thế này. Em hứa với chị nhé. Em phải nhớ rằng, chúng ta không đáng phải sống như thế này.

Dần mơ mơ màng màng, vùi mặt trong lòng chị mà hít hà.

- Em cũng muốn chị hạnh phúc. Chị hứa với em, chị phải hạnh phúc nha.

- Ừ. Chị hứa.

Trong lúc mọi người đều tin rằng người con gái ấy đã chịu số phận rồi, thì đùng một cái, chị Sửu mất tích. Ngay cả quần áo và tiền sính lễ của đàng trai cũng mất tích luôn. Có người nói thấy một đứa con gái leo lên xe của thằng chờ quýt cho làng bên. Người ta chép miệng:

- Này đích thị là con ông Tuất rồi. Chẳng còn ai khác.

- Ơ sắp cưới rồi. Thế là bỏ nhà đi theo trai hả?

- Có chết hay không chứ? Đúng là muối mặt với tổ tiên làng xóm. Giờ sinh lễ đã đưa rồi, biết làm thế nào...

Bố Dần đứng trong lời bàn tán của dân làng, gân xanh trên trán nổi giần giật. Dần nhìn thằng vào mắt bố, chẳng biết tại sao lại nở nụ cười. Ông điên lên, kéo lê nó vào trong nhà:

- Mày biết nó ở đâu đúng không? Dần! Mày nói cho tao biết nó đang ở đâu!

- Làm sao con biết được. Có thể chị đi xa lắm rồi đó. Bố không tìm được đâu.

Một cái tát giáng xuống, máu mũi máu mồm của Dần ngay lập tức tuôn ra. Giọng nó méo mó đi vì cơn đau:

- Bố có đánh con thì cũng làm gì được đâu. Chị đi rồi, chị chẳng về nữa đâu.

- Nó không về thì cả bố mẹ con nhà mày đừng hòng yên ổn!

Bố lại nó nó xuống đất thêm một cái nữa rồi ra ngoài. Có thể bố đi trấn tĩnh đàng trai. Hoặc là đi tìm mẹ để hỏi han. Nó chẳng cần biết. Nó chỉ quan tâm một điều duy nhất thôi. Chị Sửu đã đi rồi, chị lên xe của anh Ngọc.

Tụi mình không đáng phải sống cuộc sống như thế này!

Chị ơi, chị nhất định phải hạnh phúc đấy nha!

Nó đưa tay lên ngực, che lại cảm xúc nghèn nghẹn trong lòng. Hôm ấy là một ngày loạn hết cả lên. Nhà nó loạn, nhà trai cũng loạn, xóm làng cũng loạn. Mẹ nó thơ thẩn như người chết rồi, luôn miệng hỏi "Ôi con tôi, con đi đâu mất rồi. Sao con lại dại dột thế chứ?"

Dần nhỏ gần nhất nhà, nhưng nó đủ tỉnh táo để hiểu rằng, chị mình không hề làm điều dại dột, chị chỉ đang tìm kiếm hạnh phúc mà chị xứng đáng phải có mà thôi.

Hôm ấy, cũng là một đêm mà chẳng ai ngủ nổi. Bố nó mắng chửi đánh đập chán tay thì nằm đắp trán nghĩ về số thóc và số tiền phải trả lại. Còn Dần, nó nhớ chị đến quay quắt. Nó ra chỗ cây mít gần chuồng chó, hùng hục đào dưới ánh trăng bàng bạc. Chẳng lâu sau, nó lôi ra một cái chai thủy tinh màu nâu đục.

Ba chị em nó có một bí mật. Cái Dần được thằng Vinh dạy chữ, nó biết nhiều chữ nhất. Nó sẽ thay hai chị viết điều ước vào một tờ giấy, rồi chôn dưới gốc cây mít này. Tất cả những ước mơ thơ trẻ sẽ chôn giấu ở đây.

Giờ phút này, nó nhớ hai chị quá. Chỉ có cách này nó mới có thể gặp lại chị.

Thế nhưng, khi Dần mở chai ra, nó lại thấy bên trong cồm cộm. Không chỉ có giấy nguyện ước thôi đâu. Nó móc ra... Một đồng... Hai đồng... Hai mươi đồng tiền chẵn. Nó đếm thật rành rọt. Đây là... Toàn bố số tiền sính lễ mà nhà trai đã đưa cho bố Dần. Số tiền được bọc trong một tờ giấy. Trên tờ giấy đó chỉ có vài chữ nguệch ngoạc:

Yêu các em.

Dần gục xuống, nước mắt chẳng ngăn nổi mà tuôn rơi, rơi xuống những hàng chữ của chị Sửu, rơi xuống số phận của chính mình.

"Chúng con là lũ vịt giời
Bé thời ăn hại, lớn thời bay đi."

- Chị ơi. - Nó nghèn nghẹn gọi. - Chị nhất định phải đi thật xa đó nha.

***
- Nhanh lên mày ơi!

- Cứ từ từ đã nào!

Trong đêm tối mịt, hai đứa trẻ cứ dùng dằng kéo nhau. Cái Dần thấy thằng Vinh đi chậm quá, nó cứ giục.

Thằng Vinh cũng cáu:

- Biết rồi biết rồi. Nhưng mà tao giao hẹn trước nhá, tao chỉ đưa mày đến đó được thôi. Xong mày phải tự tìm đường về. Chứ bố dậy mà không thấy tao bố giết tao mất thôi.

- Nhớ mà nhớ mà. Mày yên tâm đi. Tao sẽ tự nhớ đường về.

- Nhưng mà mày ngốc lắm. Tao sợ mày bay đi mất, không về với tao nữa. Hay mày cầm cái này đi.

Thằng Vinh nói rồi lấy mấy đồng lẻ dúi vào tay Dần.

- Lát nữa tao dặn chú xe ôm, để chú ấy chở mày về. Mầy lấy cái này trả người ta.

Dần lắc đầy nguầy nguậy:

- Không! Tao không lấy tiền của mày đâu! Tao có tiền mà!

- Im mồm. Trên huyện người ta lấy tiền nhiều lắm đó. Mày cứ cầm lấy coi như tao cho mày vay. Để cho mày phải nhớ lấy tao mà trở về.

- Sao mày lại nói thế? - Dần hỏi.

Vinh nhìn nó hơi buồn:

- Nếu mẹ mày mà bỏ chồng, mày có quay lại đây không?

- Có chứ sao không? Mày ở đây, các chị các em tao đều ở đây. Tất nhiên là tao phải ở đây rồi.

Thằng Vinh mặt vẫn nặng xị, vỗ lên gác ba ga xe đạp:

- Con bé ngốc. Thôi mày lên đi tao chở.

Cứ như vậy, hai đứa đạp xe theo những cung đường quê nhỏ hẹp. Nửa đêm gần về sáng, tụi nó càng đi, trời càng bắt đầu sáng tỏ.

Nhưng hôm đó, lại là một ngày gió Bấc thổi lạnh lùng.

Đi mất hơn một tiếng, Vinh và Dần mới đến trước cửa tòa án. Phố huyện quá xa lạ với những đứa như Dần, nhất là nhà ở đây cao quá là cao, đường xá to quá là to. Nếu như ngày thường, con bé sẽ phải tò mò thăm thú đó đây một phen, nhưng giờ phút này, nó chỉ quan tâm đến cánh cổng tòa án. Thằng Vinh cứ ngần ngừ mãi, đến nỗi Dần phải đuổi.

- Mày đi về đi không trưởng làng la đó.

- Mày ở đây một mình được à?

- Tất nhiên rồi. Mày yên tâm đi nha. Tao tinh ranh hơn cái đồ mọt sách nhà mày nhiều đó.

- Mày hứa với tao mày phải về đó nha. - Vinh vẫn nấn ná.

- Tao hứa! Tao hứa được chưa?

Dần phải nói như thế thẳng Vinh mới chịu lên xe đạp đi về. Nó đứng tựa lưng vào bờ gạch vàng của cổng tòa án, nghiêm túc chờ đợi. Đơn xin ly hôn và tiền đều ở trong túi. Nó đã nhờ thằng Vinh viết mẫu cho một tờ đơn ly hôn và chép lại.

Mẹ nói rằng vì tụi nó mà bà mới phải cam chịu sống trong ngôi nhà kia. Vậy thì, chính tay Dần sẽ trả lại cho mẹ sự tự do. Nó sẽ xin quan tòa cho mẹ được ly hôn, không biết sau này cuộc sống sẽ như thế nào, nhưng với nó lúc này, nó chỉ muốn được tự do.

Dần đã gặp vị cán bộ pháp lý kia, rồi đưa cho bà đọc lá đơn mình viết. Bà đăm chiêu rất lâu, nó sợ bà không nhận, lại dúi thêm tiền. Nhưng bà ấy vẫn nhìn nó đầy e ngại:

- Bà không nhận đơn của cháu được.

- Tại sao vậy bà? Người ta nói viết đơn ly hôn là có thể bỏ chồng mà. Cháu đã viết rõ ràng lý do trong đơn rồi. Tụi cháu không cần có bố, không cần mẹ phải hi sinh chịu đựng, không cần các chị phải lấy người không thích. Tụi cháu có thể chịu được đói khổ, chịu lang thang.

Nó càng nói càng hoang mang, nói đến khản đặc cả cổ. Người cán bộ phải ôm nó vào trong lòng, vỗ về trấn an nó.

- Đơn xin ly hôn phải do mẹ cháu viết. Người viết đơn là cháu thì bà không nhận được.

Nó đứng trong vòng tay của người bà xa lạ, cứng hết cả người lại.

- Đời nào mẹ chịu ly hôn.
Dần khóc.

Mẹ nó chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ chồng, đời bà chỉ có hai chữ: nhẫn nhịn và cam chịu.

Giờ Dần biết làm thế nào đây? Chuyến đi này sẽ công cốc. Nó sẽ trở về với cuộc sống khổ sở trước kia. Mà hôm nay, sự mất tích bất ngờ của nó sẽ làm bố phát rồ lên. Bố sẽ lại lao vào đánh mẹ, đánh nó.

Nó quá sợ hãi, co rúm lại như con diều đứt dây mất phương hướng.

- Vậy là tụi con sẽ phải sống thế này mai sao?

- Con có thể đưa bà đến nhà con được không?

Vị "thẩm phán" chợt hỏi.

- Bà muốn gặp mẹ con.

- Bà có thể giúp tụi con ạ?

- Có thể chứ. Nhưng bà phải gặp mẹ con đã.

Dần chẳng hiểu thế nào nhưng nó mừng rơn, vội dắt tay bà kéo đi. Bà cười hiền, xoa đầu nó:

- Từ từ đã nào, để bà báo cáo với cấp trên. Rồi chúng ta thuê xe về nhà con nhe. Con ăn uống gì chưa?

Dần chưa ăn uống gì, nhưng nó vẫn ngoan ngoan gật đầu:

- Con ăn rồi ạ. Con chờ bà.

Nó đáp rồi yên lặng chờ đợi. Thế rồi, tự nhiên, quanh sống mũi, nó ngửi thấy mùi bánh mì nóng hổi, thơm phức.

- Ơ thằng Vinh. Sao mày còn ở đây?

- Thì tao sợ mày bị bắt đi mất đó. Mày gặp được thẩm phán chưa?

- Tao gặp được rồi. Bà tốt bụng lắm, bà bảo bà sẽ theo tao về nhà nữa đó. Còn mày không sợ bị đánh hả?

- Xời, bị đánh thì bị đánh có hề hấn gì? Tao chả sợ.

- Mày nhớ mồm đấy tí đừng có khóc.

Hai đứa trẻ ăn bánh mì rồi rít rít nói chuyện ngoài cổng tòa án. Khung cảnh này vừa kỳ lạ vừa ấm áp, chẳng mấy chốc, bà Đoàn, người cán bộ tư pháp bước ra. Bà gọi một chiếc xe tải, rồi bảo thằng Vinh để cả xe đạp lên đó. Ba người cũng ngồi trên thùng xe trở về làng trong mùi bánh mì và quýt chín thơm lừng.

Cả cái làng này chưa bao giờ thấy người có chức vụ lớn như thế. Thẩm phán đó! Họ gọi mà chẳng hiểu chức vụ của bà Đoàn là gì. Người của tòa án! Người có thể tống họ vào tù, có lý do hoặc không có lý do. Cho nên khi thấy bà Đoàn, ai cũng lo sợ cả. Nhưng họ cũng tò mò ghê gớm, chẳng hiểu lý do gì mà thẩm phán lại đến nhà ông Tuất thế nhỉ?

Bố mẹ Dần cũng đang ở nhà, còn đang om sòm lên vì cái Dần mất tích. Thấy người ở trên huyện xuống thì bàng hoàng. Dần nép vào lưng bà Đoàn, bố nó trừng mắt, nhưng chỉ cần một cái cười của bà ông đã phải thu mắt ngay. Mẹ thì khóc đỏ mắt, liên tục gọi Dần.

- Dần ơi. Con biết mẹ lo cho con thế nào hay không? Mẹ tưởng con lại bỏ mẹ chứ.

- Tôi muốn nói chuyện với chị, không biết có tiện không?

Mẹ Dần hoang mang gật đầu, mời bà Đoàn ngồi xuống, còn bố Dần thì bị bà mời ra ngoài. Chẳng ai dám cãi lời.

Lụa nhìn qua liếp cửa, tai nó rất thính nhưng vẫn không nghe thấy người bên trong nói gì. Chỉ thấy bà Đoàn chìa là đơn của nó ra cho mẹ xem. Mẹ không biết đọc, bà Đoàn lại lẩm bẩm gì đó, như là đọc cho mẹ nghe.

Mẹ Dần nghe xong khi bụm tay lên mặt khóc rấm rứt. Hai vai mẹ buông xuống bất lực, Dần thấy mà đau lòng. Con bé chạy ào vào, hỏi:

- Bà nói gì mà làm mẹ cháu khóc thế?

- Tí ơi! Sửu ơi! Dần ơi!

Mẹ gọi tên ba đứa với giọng khản đặc. Bà ôm Dần vào lòng, gục đầu lên mái tóc xơ xác của nó.

- Dần ơi. Mẹ nhớ các chị của con quá.

- Con cũng nhớ các chị.

Nó sụt sùi.

- Mẹ cứ tưởng, mẹ cứ tưởng đời mẹ phải hi sinh vì các con. Nhưng hóa ra, chính đời mẹ mới làm khổ các con.

- Không phải đâu mà mẹ ơi.

Bà Đoàn ngồi bên cạnh nói thêm vào:

- Chị thương các con, nhưng thương sai cách rồi. Ở trên phố huyện, tụi nhỏ được đi học. Tụi nó sẽ biết đến những vùng rất xa trên thế giới, nhưng nơi mà bố mẹ ông bà nó không hề biết. Không có ai sẽ bàn ra tán vào về những đứa trẻ không có bố. Vì tụi nhỏ là tương lai của đất nước.

- Nhưng bỏ chồng thì biết đi đâu về đâu. Chúng tôi không có nơi nào để đi cả. Ở chỗ nào thì cũng thế thôi, con gái lấy chồng như vịt giời bay đi. Đàn ông vô dụng đi chăng nữa thì cũng là điểm tựa gia đình, người ta nhìn vào, người ta thấy, nhà có đàn ông đó, đáng tin cậy. Người ta còn nhường nhịn, còn chịu bắt chuyện.

- Chị có thấy ba đứa nhỏ không? - Bà Đoàn chỉ vào Dần. - Tụi nó vẫn làm được đó thôi. Chỉ cần kiên định, sỏi đá cũng thành cơm. Tụi nó làm được. Chẳng lẽ người mẹ như chị lại không chịu được?

Cuộc nói chuyện hôm ấy rất lâu, Dần nghe mà không bỏ sót chữ nào cả. Nó thấy trước mắt mình mở ra một thế giới mới. Thế giới này xa lạ và đẹp đẽ quá, nó không biết phải gọi tên thế nào cho phải.

Có lẽ là thế giới của bà Đoàn, thế giới của người thẩm phán ở trên ti vi, thế giới của thầy giáo Phan dạy ở trường làng. Họ toát ra thứ ánh sáng khác lạ, có sức cảm hóa người ta. Nó lắng nghe, mà dần chìm vào giấc ngủ.

Làng này xưa nay làm gì có chuyện bỏ chồng, ấy vậy mà năm nay có tới hai vụ. Trước là vợ chồng nhà bán thịt lợn, sau là nhà mẹ Nhữ có năm đứa vịt giời. Câu chuyện này được người ta bàn tán rất lâu. Nghe đồn, hôm ấy, người vợ đã đọc đơn ly hôn cho cán bộ tư pháp viết ngay trước mặt chồng.

Cái Tý hai mươi tuổi, là hai mươi năm sống chung, bao nhiêu cái khổ, cái sở tuôn hết ra dưới ngòi bút của bà Đoàn. Ông Tuất căm hận ra mặt, nhưng đố có dám động vào người nhà nước. Nhưng nghe đến đoạn, "Tôi xin quý tòa chấp thuận cho tôi được ly hôn" thì cay cú lắm, vác cả cái ghế để nện người ta cơ.

Song đâu có dễ gì, cán bộ tòa án xuống làng nghèo, kể cả trường làng, to hơn là anh chủ tịch xã cũng phải đến. Ông Tuất chưa kịp đánh thì bà Đoàn đã đưa giấy ly hôn cho mẹ Dần ký rồi cất đi. Anh chủ tịch xã thấy ông Tuất sắp gây họa cho mình đến nơi, bèn hú người dân vào can ngăn.

Bà Đoàn vẫn điềm tĩnh:

- Có người chứng kiến ở đây đông lắm đấy nhé. Anh đe dọa đánh tôi đấy. Sau vụ này, tôi sẽ lo chuyện với anh sau.

Thế rồi, cả nhà đó bắt đầu kéo nhau lên huyện kiện tụng. Cái nhà của ông Tuất phải chia làm đôi ra, làm bà nội Dần cứ chửi mãi cho qua ngày đoạn tháng. Chân bà không đi lại được, cũng không còn con dâu lo chuyện nặng chuyện nhẹ, con trai say khướt mướt nào biết lo cho mẹ. Bà ăn đâu đi luôn ở đó, hết ăn rồi lại chửi. Đến khi thằng con trai bị bắt vào tù vì tội hành hung thì sức bà cũng cạn. Bà được đưa vào viện tình thương nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Sau đó, ngay cả chị Tý cũng biết làm giấy bỏ chồng. Cả nhà lớn bé sáu người, tính cả đứa con của chị Tý cũng bỏ đi. Căn nhà được chia nửa kia bỏ hoang, chẳng có ai ở cả.

Thằng Vinh đứng bần thần hồi lâu bên gốc mít, khóc bù lu bù loa:

- Tiên sư con Dần! Mày lừa tao.

***

Thời gian thấm thoắt trôi qua, mười năm có đáng là bao, Vinh thò lò mũi xanh ngày xưa đã trở thành một sinh viên ưu tú. Anh chọn học khoa Luật, đỗ đại học một cái là làng mở tiệc to lắm. Cái làng nghèo này có duy nhất anh là đỗ đại học đó thôi. Vinh cũng tự hào, nhưng chẳng vui cho nổi. Anh vẫn thường vô thức đi đến nửa căn nhà bỏ hoang kia. Chú Tuất đi tù về thì cũng biệt xứ, lang thang ở đâu chả biết. Căn nhà và vườn tược không có ai chăm sóc. Nhưng cây mít thì vẫn trĩu quả. Anh trèo lên cây, nhìn về phía dưới đồi. Bên kia đồi là ngôi làng có vườn quýt chín thơm lừng. Ngày trước, Dần vẫn thường hái quýt nhà người ta mang cho anh.

Người bạn thuở xưa đã khuất sau ngọn đồi, chẳng biết đi về đâu nữa. Liệu, cô ấy có còn nhớ tới Vinh, thằng nhóc hay rủ rê mình đi chơi ngày xưa không?

Vinh rời làng vào ngày gặp Dần lần đầu tiên để lên thành phố học. Nơi này quá choáng ngợp với Vinh, mặc dù anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi. Thành phố quá đông, những tòa nhà cao tầng san sát. Ở nơi này thì càng khó để người ta gặp lại nhau nếu có lỡ chia xa.

Do thành tích thi đứng đầu, nên Vinh được chọn làm lớp trưởng. Thầy trưởng khoa gọi anh vào hôm nhập học, đưa cho anh một tờ danh sách lớp để điểm danh. Anh cầm theo nó về phòng tiếp sinh viên.

Cô gái đầu tiên đến nhập học có nụ cười rất duyên dáng, nhìn nụ cười này, không biết tại sao Vinh lại có cảm giác quen thuộc.

- Chào thầy, em đến nhập học.

- À không. - Vinh gãi đầu. - Mình chỉ là sinh viên thôi, thầy nhờ mình điểm danh hộ.

- Thì ra là vậy. Cậu tên gì?

- Gọi mình là Vinh là được rồi.

Cô gái cười càng thêm tươi tắn:

- Vinh hả? Ngày trước mình cũng có một người bạn tên Vinh. Tụi mình hay chơi chung, không biết bạn ấy còn nhớ đến mình không.

Vinh hơi giật mình nhìn lên, thì thấy cô gái chợt cười khúc khích, đồng thời chìa giấy báo nhập học của mình ra.

Nguyễn Thị Dần.

Ba chữ in đậm rất chói làm Vinh giật mình hoảng hốt.

Một đứa con gái tên Dần, trên đời này làm gì có chuyện trùng hợp đến như vậy chứ. Nhìn ánh mắt của cô gái, Vinh càng thêm khẳng định:

- Là Dần phải không?

- Là Dần nè!

- Con Dần! - Vinh lỡ miệng! - Dần, cậu đi đâu mấy năm nay, sao không về làng?

Dân hơi hoài niệm đáp:

- Dần được bà Đoàn giúp đi học ở trên thành phố, do phải chạy chương trình với kiếm tiền học nên không được nghỉ ngơi lúc nào. Dần đã hứa là tụi mình sẽ gặp nhau rồi mà. Nhưng Dần muốn làm cái gì đó thật đặc biệt rồi mới gặp lại Vinh. Ai mà biết Vinh cũng đỗ trường luật, lúc Dần về thì cậu đi rồi...

Giây phút gặp lại vỡ òa hơn Vinh tưởng, anh cũng không nghĩ tới, anh có thể gặp lại cô bạn năm xưa trong hoàn cảnh này. Anh còn không nghĩ rằng cô ấy đã đi được một bước rất xa như thế.

Năm ấy, chị Tý đã làm chủ một cửa hàng bán hoa nhỏ ở trên thành phố.

Năm ấy, chị Sửu và anh Ngọc đã đón đứa con gái thứ hai.

Năm ấy, tụi vịt giời nhà mẹ Nhữ đều đã lớn, đều được cắp sách đến trường.

Năm ấy, có hai đứa trẻ từ làng nghèo đến thành phố, mang theo biết bao nhiêu kỳ vọng của những phận đời bất hạnh.

"Chúng con là lũ vịt giời
Bé thời ăn hại, lớn thời bay đi"

Dần đã bay thật, nhưng là bay thật cao, thật xa. Nơi cô được tự do làm chủ cuộc sống của mình, được học những điều mới lạ và viết nên những kỳ tích. Con tạo vẫn xoay vần, một thời khó nhọc của đất nước lùi lại phía sau lưng. Những con người tiến bố tiếp tục tiến về phía trước, để thay đổi chính cuộc đời mình.


đề cập đến một người dùngđề cập đến một người dùng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#nxnd