Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 4. Kẻ lang thang

Chạy. Tôi cắm đầu chạy. Chạy không biết là bản thân mình đang chạy đi đâu nữa.

Mưa. Mưa rất lớn. Mưa trắng trời. Mưa xối tới tấp vào mặt vào người tôi, cuốn trôi tất cả những vết máu dính trên thân thể tôi.

Sợ. Tôi sợ. Tôi rất sợ. Tôi sợ người ta nhìn thấy tôi. Lần đầu tiên, tôi - một đứa trẻ tám tuổi - đã...giết người.

Gió thổi. Sét đánh. Tiếng sấm rền vang.

Nhà? Tôi không dám về. Tôi không dám gặp bố mẹ nuôi tôi. Tôi đã là một cái mầm hoạ. Tôi cứ hướng theo con đường phía trước mà chạy mặc cho con đường đưa tôi đến nơi nào nó muốn.

Dưới chân tôi không phải đất trơn như mỡ nữa mà là con đường bằng phẳng chắc chắn. Tôi đã ra đường lớn rồi sao? Không cần biết, chỉ biết rằng tôi phải chạy thật nhanh.

Người tôi run lên, hai chân tôi đá vào nhau. Chốc chốc tôi lại ngoái lại phía sau xem có ai đuổi theo tôi không? Nhưng không. Chẳng có ai cả. Chỉ có giông tố vẫn đang vẫy vùng, trút xuống thân thể bé nhỏ của tôi mà thôi.

Dốc hết sức để chạy đi thật xa nhưng rồi tôi cũng không thể chịu nổi mà gục xuống bên vệ đường.

- Này cháu bé! Tỉnh lại đi cháu! Cháu bé!...

Ai đó lay người và gọi tôi. Tôi vội mở mắt ra thì ngay lập tức phải nhắm lại vì ánh nắng chiếu làm loá mắt tôi.

Lần thứ hai, đôi mắt tôi từ từ mở ra và đập vào mắt tôi lúc này là mấy người đang xúm lại, bao quanh tôi.

- Đừng! Đừng bắt cháu! Cháu không muốn..... - Tôi vừa lắc đầu vừa nói trong run sợ.

- Không! Không ai bắt cháu đâu! - Người phụ nữ với nhiều mụn cơm trên mặt dịu dàng nói với tôi.

Thế nhưng tôi vẫn rất sợ. Vừa ngồi dậy, đôi chân tôi vừa đẩy người lùi ra phía sau, ánh mắt hoảng loạn nhìn những người lớn mà tôi nghĩ rằng ai cũng có thể bắt giam tôi kia.

- Sao cháu ở đây? Bố mẹ cháu đâu? - Một người đàn ông khác hỏi.

Tôi nép người lại, chỉ liên tục lắc đầu không dám trả lời.

Một vài tiếng thở dài vang lên:

- Tội nghiệp!

Có lẽ họ nghĩ rằng tôi là đứa trẻ bị bỏ rơi chăng? Lúc đó, đầu tôi chẳng nghĩ được gì ngoài nỗi sợ đang ngự trị.

- Chúng ta có nên đưa thằng bé đến đồn công an không? - Một người nói.

Nghe vậy, tôi vội lắp bắp nói:

- Không!... Cháu không muốn tới đó đâu! ...Cháu không muốn!... Cháu không muốn!.... - Cả chân và tay đầy người tôi lùi về phía sau theo vô thức.

Thấy tôi như thế, một bà lão xoa vào đầu tôi, nói nhỏ:

- Ừ! Không! Bà biết rồi! Thế cháu đã đói chưa?

Tôi chẳng biết tôi đã ngất đi bao lâu nữa, bây giờ thì bụng tôi đang sôi lên. Nhìn bà, tôi gật đầu.

Bà lão cũng gật đầu, bà bảo tôi:

- Ừ! Thế bây giờ cháu đi theo bà nhé, bà cho cháu ăn!

Nói rồi, bà cầm tay tôi đứng dậy. Tôi run run đi theo bà và mắt thì vẫn sợ sệt nhìn những người kia. Họ bàn tán gì đó nhưng tai tôi ù đi và chẳng nghe được gì. Nỗi sợ đã xâm lấn con người, lán át lý trí của tôi.

- Tới chợ rồi! Cháu muốn ăn gì nào? - Bà chỉ lên phía trước và nói với tôi sau vài phút đi bộ.

Tôi ngẩng mặt lên nhìn thì thấy đó là một cái chợ lụp xụp, tạm bợ kiểu giống như chợ trong xã tôi nhưng không phải. Tôi đã chạy đến nơi nào rồi đây? Cảnh vật và mọi người đều xa lạ đối với tôi, tôi không biết những người kia là ai và họ cũng vậy.

- Bà mua bún cho cháu ăn nhé! - Bà lão cúi gần mặt tôi và nói.

Tôi ậm ừ gật đầu. Bà dẫn tôi đến một gian hàng nhỏ hẹp và gọi cho một bát bún lớn.

- Cháu ăn đi! - Bà đưa cho tôi một đôi đũa.

Tôi nhận lấy, đưa mắt nhìn xung quanh một vòng rồi cắm đầu vào ăn. Tôi gắp lấy gắp để cho cái miệng của tôi căng phồng ra. Cái bụng đói cồn cào khiến tôi chẳng biết món bún kia là ngon hay không nữa, chỉ biết rằng nó có thể thoả mãn cơn đói của tôi thôi.

Bà lão nhìn tôi ăn, lẳng lặng không nói gì, thỉnh thoảng thở dài khe khẽ.

Ăn xong bát bún đó, bà lão hỏi tôi:

- Cháu còn đói không? Bà gọi thêm cho cháu nhé!

Tôi lắc đầu, chỉ vào cái bụng đã căng tròn của mình:

- Cháu no rồi ạ!

Bà lão mỉm cười:

- Thế bây giờ cháu muốn đi đâu?

Câu hỏi của bà xoáy đúng vào nỗi lòng tôi lúc đó. Một đứa bé tám tuổi thì biết đi đâu và làm gì bây giờ? Tôi không biết và không có câu trả lời.

- Hay là cháu về ở với bà nhé. Con cái của bà đi làm xa hết rồi, bà chỉ sống một mình nên cũng buồn.

Sau một hồi suy nghĩ, tôi lắc đầu. Đó đúng là một lựa chọn tốt cho tôi nhưng tôi đã từ chối. Tôi biết giờ đây tôi đã là một kẻ giết người, một tên tội phạm. Bà lão tốt với tôi như vậy thì sao tôi có thể làm bà bị liên luỵ được chứ.

- Bà có thể chỉ đường cho cháu lên thành phố được không? - Tôi hỏi bà sau cái lắc đầu ấy.

Bà lão thắc mắc:

- Cháu lên đó làm gì? Bố mẹ cháu ở đó à?

Một lần nữa, tôi lắc đầu. Lời của bà làm tôi thấy nao lòng. Giờ này không biết bố mẹ nuôi sao rồi nữa? Liệu bố nuôi tôi có qua khỏi không? Không thể biết, tôi chỉ biết rằng tôi nên đi xa họ mà thôi. Vì thế, tôi lựa chọn đến thành phố, nơi mà tôi đã từng đến một lần duy nhất trước cái chết của mẹ tôi.

- Từ đây đến đó còn 30 cây số nữa, một mình cháu sao đi nổi. - Ánh mắt đầy thương cảm, bà nói.

Đi nổi hay không với một đứa trẻ con như tôi? Thực sự tôi chẳng biết chút gì. Đi và cứ đi thôi, đó là điều tôi muốn.

- Cháu đi được! - Tôi trả lời cho bà yên tâm.

Chẳng còn cách nào khi nghe tôi nói vậy, bà đành chỉ đường cho tôi rồi nói:

- Ở đây bà chỉ có ít tiền thôi, cháu cầm lấy!

Tôi xin và cảm ơn bà rồi bước đi. Bà lão nhìn theo tôi, lắc đầu xót xa.

- Này cháu! Nếu không đi được thì hãy quay lại đây với bà nhé! Cháu cứ hỏi bà Hoà thì trong chợ này ai cũng biết. - Bà dặn với theo khi tôi đã đi được một đoạn.

Tôi mỉm cười, nụ cười thật lòng cuối cùng của tôi: (chưa cuối cùng đâu)

- Vâng ạ! Cháu cảm ơn bà!

Nói rồi, tôi quay đầu bước đi, rời xa người đối xử với tôi một cách hiền từ cuối cùng.

Lúc này, mặt trời đã lên, con đường lớn nâng bước chân tôi đến với một miền đất mới. Con dao trên tay tôi đã biến mất tự khi nào tôi không biết. Có thể rơi lúc tôi chạy chăng? Hoặc cũng có khi ở nơi tôi ngất đi. Tôi không quan tâm đến nó nữa. Nó đã giúp tôi thoả mãn lòng thù hận trong chốc lát nhưng đã đưa cuộc đời tôi sang một hướng hoàn toàn khác.

Tôi đi. Đôi chân trần bé nhỏ của tôi cứ bước đến một nơi mà tôi không biết cuộc sống của tôi sẽ thế nào nữa. Chẳng sao cả, cùng lắm là chết. Tôi đã giết người thì phải đền mạng thôi nên tôi chẳng quan tâm chuyện sống chết nữa. Một đứa bé đã sớm bỏ qua ý nghĩa của cuộc sống đã chọn con đường đi mà không màng đến tương lai.

Trận mưa lớn đêm qua giúp cho thời tiết khá mát mẻ. Theo lời chỉ dẫn của bà thì tôi cứ thẳng đường mà tiến thôi và cho đến chiều tối thì thành phố tấp nập đã hiện ra trước mắt tôi.

Cánh đồng, dòng sông, con đê đã không còn nữa, tôi chỉ thấy toàn người là người với những ngôi nhà san sát. Thành phố có đẹp không? Tôi không trả lời được nhưng tôi đã lựa chọn nó thì tôi phải đi thôi.

Tôi rẽ hết con phố này sang con phố khác, mắt mải mê nhìn những cửa hàng, biển hiệu sang trọng mà tôi cũng chẳng biết nó là gì nữa. Cuộc sống xa hoa nơi thị thành hoàn toàn xa lạ đối với tôi, nó cuốn hút trí tò mò của tôi. Thế nhưng, nỗi sợ thì vẫn không sao dứt ra được, mỗi lần nhìn thầy công an, tôi lại có cảm tưởng như họ muốn bắt tôi và tất nhiên tôi vội vàng chạy đi sang một nẻo đường khác.

Đói bụng, tôi mua một cái bánh mì và ngồi xuống một góc phố mà ăn. Nhìn dòng xe cộ qua lại như mắc cửi, tôi lại nghĩ đến những con đường vắng vẻ nơi thôn quê. Nếu như ở làng có gió mát thì nơi này có khói bụi, nếu ở làng là cuộc sống yên bình thì nơi này....

- Thằng kia! Mau nôn (đưa)tiền ra đây! - Ba bốn tên lớn hơn tôi đứng chắn trước mặt tôi và doạ dẫm.

Tôi ngơ ngác nhìn chúng. Tôi đã từng nghe đến bọn trẻ con lang thang nơi thành phố thường trấn lột của nhau mà sống. Và có lẽ giờ đây, một đứa trẻ con quê mùa như tôi đã thành một con thỏ dại trước mắt chúng sao?

- Em không có tiền! - Tôi đáp.

Thắng lớn nhất trong bọn lập tức sai hải tên đứng cạnh hắn:

- Không có hả? Xét người nó cho tao!

Hai đứa kia vâng lệnh đến khám xét người tôi.

- Buông ra! - Tôi gắt.

Nghe vậy, hai tên đó cười nhạo:

- Để tao xem mày làm được gì tao?

Nói rồi, hắn tiếp tục tiến vào và tất nhiên một cuộc ẩu đả là không thể tránh khỏi. Gì chứ đánh nhau thì tôi đã quen từ nhỏ nên chẳng sợ bọn chúng. Tôi đấm thẳng vào mặt tên một tên làm cho mũi nó chảy máu.

- Mày dám đánh tao? Mày chán sống rồi à?

Ngay lập tức, nó chùi vết máu đi và lăn xả vào đánh tôi. Nếu như là một đánh một hoặc thậm chí hai đánh một thì bọn chúng đâu thể làm gì được tôi nhưng ba bốn tên lớn hơn tôi thế này thì tôi làm sao đánh lại được bọn chúng. Chẳng mấy chốc, tôi trở thành một cái bao cát để chúng đấm đá. Vừa đánh, chúng vừa chửi:

- Thằng ranh con!

- Mới đến mà dám đánh lại bọn ông hả?

- Cho mày chết này!

- ....

Và rồi, trước khi đi, chúng không quên lấy hết số tiền bà lão tốt bụng đó cho tôi, một đứa còn nhổ nước bọt vào người tôi cho hả dạ và cười đắc ý.

Tôi gượng dậy và lết đến dựa vào bức tường gần đó. Cả người tôi lúc này là thương tích. Mặt mũi chân tay tím bầm lên nhanh chóng. Người ta nhìn tôi, có người thương hại, có kẻ lắc đầu, có người dửng dưng nhưng tựu chung lại tất cả chỉ dành cho tôi một ánh nhìn không hơn không kém. Có lẽ người ta đã quá quen, đã chứng kiến quá nhiều những trận tranh giành, đánh nhau của trẻ con đường phố nên chẳng còn cảm giác gì nữa. Từ lúc đó, tôi cũng nhận ra một điều rằng: thành phố đông người nhưng thiếu tình thương đặc biệt là tình thương cho những người xa lạ.

Đau đớn! Đói bụng! Tôi nhặt lại chiếc bánh mì dang dở của tôi đã lấm đầy đất cát. Tôi ăn dẫu rằng nó đã thành thứ bẩn thỉu. Chẳng sao cả, khi con người ta đã đói thì có thể ăn bất cứ thứ gì. Miếng bánh nghẹn ứ trong cổ họng tôi nhưng tôi không khóc. Nước mắt tôi đã sớm cạn và giờ đây sự đau đớn, khốn cùng này chỉ có tác dụng làm cho con tim đầy thù hận của tôi dần chai sạn mà thôi.

- Thằng ăn mày ngồi ở cửa nhà mình này mẹ ơi! - Một cậu bé tầm tuổi tôi chỉ vào tôi và nói. Cả nhà cậu ta vừa đi chơi về thì phải.

Ngay sau đó, mẹ cậu bé quát tôi:

- Biến đi! Thứ bẩn thỉu ngồi đây ám nhà tao hả?
(Mợ ._. Mất dạy vỡi)

Tôi nhìn họ, họ đang dành cho tôi những ánh mắt coi thường và khinh bỉ. Tất nhiên, tôi phải đi thôi. Tôi đứng dậy và tập tễnh rời khỏi đó.

Đêm ấy, tôi ngủ trong một con ngõ nhỏ. Sương gió tôi đã sớm quen nhưng muỗi và mùi hôi thối đưa lên từ những cái cống nơi thị thành thì chẳng thể quen được. Giấc ngủ chập chờn với những cơn ác mộng đeo bám tôi. Kí ức ùa về, cả những điều tốt đẹp lẫn những thứ xấu xa, hận thù. Chúng tranh giành sáng tối trong trí não non nớt của tôi.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy với một cơ thể ê ẩm, nhức nhối. Cả người tôi chỗ nào cũng đau. Mặt tôi đã sớm sưng vù lên với những vết bầm. Một đêm ngủ lề đường đã cho tôi biết thế nào là một đứa trẻ phải rời xa gia đình.

Tôi nên đi đâu và làm gì bây giờ đây? Có chỗ nào cho tôi đi không? Sẽ chẳng nơi đâu chứa chấp một kẻ giết người cũng như chẳng có việc gì cho đứa trẻ tám tuổi làm cả. Phải chăng tôi nên ngồi đây cho đến khi nào mẹ tôi đem tôi về với thế giới lạnh giá của mẹ? Đúng vậy! Tôi nhớ mẹ, tôi muốn gặp mẹ. Biết đâu sang thế giới bên kia tôi được mẹ che chở, được sống trong vòng tay của mẹ. Người ta vẫn thường nói như vậy mà.

Mẹ ơi! Giờ này mẹ ở đâu? Tôi tự hỏi và nhìn lên bầu trời không mây, toả ánh nắng nhẹ của mùa thu. Chẳng có gì cả, làm sao mẹ có thể nghe thấy tiếng gọi của tôi được chứ? Mẹ và em đã sớm ra đi để lại một mình tôi đơn côi trên cõi đời này với một lòng thù hận không thể dứt dành cho chính người cha của mình - người mà đáng lẽ nên thương yêu.

Không! Làm sao tôi có thể thương yêu ông ta được? Tôi phải giết chết ông ta. Chính ông ta đã giết mẹ tôi, giết em tôi và làm cho cuộc đời tôi ra thế này đây. Tôi không thể cho ông ta sống hạnh phúc được. Song đó thật là một chuyện nực cười. Mặt mũi ông ta tôi còn chẳng biết. Dẫu có biết thì làm gì được đây? Ông ta sống ở đâu? Tôi không hay. Một đứa trẻ đói rách làm gì được ông ta?

Không! Chẳng lẽ tôi lại nhụt chí vậy sao? Không được và không bao giờ! Tôi phải sống, sống để làm cho con người bội bạc đó phải trả giá cho những gì ông ta đã gây ra cho ba mẹ con tôi. Tôi nhất định phải làm cho ông ta nếm mùi của tận cùng đau khổ trước khi chết.

Tôi đứng dậy. Lòng thù hận đã khơi dậy lòng ham sống của tôi và cũng từ đây lòng thù hận thành động lực sống cho một con người là tôi. Nếu như người ta sống vì bản thân, vì gia đình, vì tình thương thì tôi sống vì hận thù. Nếu như người ta có cha mẹ, người thân nuôi dưỡng thì thù hận nuôi dưỡng tôi. Chỉ có thù hận là có ý nghĩa duy nhất với tôi trên cõi đời này mà thôi.

Trời xanh. Mây trắng. Nắng thu vàng. Tôi đi lang thang khắp các con phố của Hà thành nhưng không phải là ngắm cảnh mà là... kiếm ăn. Còn kiếm ăn thế nào ư? Tôi là đứa trẻ ăn xin, một thằng móc túi và một tên cướp giật. Bất cứ việc gì có thể cho cái bụng tôi no là tôi sẽ làm, chẳng cần biết nó đúng hay sai, tốt hay xấu. Bởi đúng thì cũng chẳng ai khen tôi, sai cũng chẳng ai chê tôi, tốt cũng chẳng ai thương tôi và xấu cũng đâu có ai ghét tôi. Họ chửi tôi, mắng tôi thì tôi quen rồi. Họ đánh tôi thì tôi đánh lại, còn không thì bỏ chạy. Đã bao phen tôi bị rượt đuổi, đã bao lần tôi bị đánh đập và tất nhiên cũng chẳng thể nhớ nổi có bao người sỉ vả tôi. Nhưng tôi vẫn sống tốt bởi lòng thù hận giúp tôi "miễn dịch" tất cả.

Cuộc đời lang thang đưa đôi chân bé nhỏ của tôi đến từng ngõ ngách của Hà thành. Chẳng có nơi nào là nơi dừng chân của tôi cả. Có khi là một cái hẻm, có lúc là một mái hiên, có khi là gầm của một cây cầu hay cũng có thể là một ngôi nhà hoang... Chỉ cần có thể che mưa là tôi sẽ ngủ qua đêm ở nơi đó. Có lẽ cũng vì vậy mà tôi yêu mùa hè và đặc biệt ghét mùa đông.

Mùa hè, sương gió đêm khuya không những không thể làm cho tôi bị cảm mà còn là chiếc quạt diệu kỳ xua đi cái nóng oi ả. Những cây cầu lộng gió luôn là địa điểm lý tưởng cho tôi nghỉ ngơi. Nhưng đông về, bất cứ nơi đâu của thành phố này cũng là sương giá, gió rét. Chúng làm cho tôi tê tái từ thể xác đến cõi lòng. Chiếc áo rách mong manh của tôi làm sao có thể chống chọi với cái lạnh của mùa đông chứ? Đã vậy, nhiều lúc vừa mới tìm được một nơi tạm gọi là ấm áp với trẻ con đường phố thì lại bị vài kẻ lớn hơn đến cướp mất. Tôi phải co ro đi tìm chỗ trú ẩn mới, có khi đi cả đêm cũng đâu có nơi nào dừng chân. Những lúc ấy, tôi nghĩ nữ thần mùa đông thật độc ác nhưng tôi không ghét bà mà còn ngưỡng mộ bà bởi tôi cần trở thành một người như vậy.

Cuộc đời này luôn tồn tại một cách sống: cá lớn nuốt cá bé. Tôi bị những kẻ mạnh hơn tôi đánh đuổi doạ nạt thì tôi cũng cần kiếm những đứa bé hơn mình để tranh giành với chúng. Như vậy là xấu xa, tệ hại đúng không? Tôi biết nhưng tôi đâu thể làm gì khác. Khi con người đã quá đau thì người ta sẽ chẳng thể quan tâm đến nỗi đau nào của người khác nữa. Nếu tôi không chèn ép bọn chúng thì chính bản thân tôi sẽ chết, sẽ bị loại bỏ ra khỏi một cái xã hội còn đầy bóng tối này. Tất nhiên tôi không muốn điều đó đến với tôi.

Mười tuổi, tôi không làm ăn mày nữa mà chuyển qua đi đánh giày. Có đứa nói tôi khờ dại bởi trẻ con ăn xin dễ sống hơn và có khi kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng tôi biết đó là những đứa trẻ có khuôn mặt đáng thương, gợi được lòng trắc ẩn trong lòng người khác. Còn tôi thì không. Lòng hận thù hun đúc cho tôi một khuôn mặt lạnh lùng, một đôi mắt có thể giết người. Lẽ tất yếu, chẳng ai muốn cho đứa trẻ như tôi. Và vì vậy, tôi phải chuyển qua làm một công việc để sống dễ hơn.

Một ngày ế ẩm, tôi phải chạy vội vào mái hiên trú bởi trời đổ mưa lớn - mưa mùa hạ. Những hạt mưa to rơi lộp độp trên mái và nhanh chóng tìm đến con đường. Đường trắng lên với nước mưa, với bong bóng trôi dạt. Người ta nói bong bóng thật đẹp nhưng chóng tan, mưa tạnh thì bong bóng cũng biến mất. Phải chăng cái gì đẹp, cái gì tốt thì ngắn ngủi, chỉ có những thứ xấu xa mới vĩnh cửu? Tôi không biết và cũng không quan tâm bởi thù hận ăn sâu bén rễ trong tôi không cho phép tôi để ý đến những xúc cảm đem đến từ ngoại cảnh.

Mưa hoài không dứt. Đã quá trưa rồi mà trời vẫn chưa tạnh. Tôi đành cứ ngồi đó thôi - ngồi ngắm mưa và xác định cho một ngày không kiếm nổi một xu.

Bụng đói, tôi lấy chiếc bánh mì đã ăn một nửa từ sáng ra ăn nốt. Vừa đưa bánh lên miệng thì có một cô bé chừng năm, sáu tuổi, quần áo rách rưới đã ướt đẫm nước mưa ngồi xuống cạnh tôi. Tôi chưa gặp cô bé ấy bao giờ nhưng chắc chắn cô bé đó cũng là một đứa trẻ lang thang như tôi.

Tôi ăn miếng đầu tiên nhưng chẳng thể trôi được bởi cô bé cứ giương mắt nhìn tôi chằm chằm, dõi theo cái bánh của tôi. Có lẽ cô bé đã đói lâu ngày. Tôi hiểu cái cảm giác đó như thế nào bởi không ít lần tôi đã bị đói đến suýt lả đi.

Tôi bẻ đôi cái bánh còn lại một nửa của mình và đưa cho cô bé. Cô bé nhoẻn miệng cười nhận lấy, một nụ cười vô cùng đẹp, nụ cười mà sau này có thể làm điêu đứng vô số chàng trai.

Không nói lời nào, cô bé ngấu nghiến ăn hết trong giây lát và lại nhìn tôi. Tôi đành đưa cả cho cô bé, dẫu sao hôm nay tôi cũng không đói lắm trong khi cô bé đã rất đói rồi.

Và cũng không mất bao lâu, cô bé ăn xong. Trời vẫn mưa, cô bé nhìn tôi cười trong khi khuôn mặt tôi thì chẳng biết thể hiện cảm xúc gì ngoài sự thù hận. Hồi lâu, chúng tôi không ai nói lời nào, chỉ có tiếng mưa rả rích tuôn rơi.

- Anh thật đẹp! - Bất chợt cô bé nói.

Tôi ngạc nhiên nhìn cô bé, thì ra từ lúc mới đến tới giờ, cô bé chưa rời mắt khỏi tôi khi nào. Tôi đẹp sao? Chưa ai nói với tôi điều đó bao giờ. Và tôi càng không ngờ lời đó lại thốt ra từ một cô bé năm tuổi. Một bé gái thì coi người thế nào là người đẹp? Nghĩ vậy, tôi hỏi cô bé:

- Vì sao em nói anh đẹp?

Cô bé cười nói bằng một chất giọng trong trẻo, hay đến lạ thường:

- Mẹ em bảo ai tốt thì người đó đẹp. Anh đối tốt với em nên anh rất đẹp.

Bất cứ ai được khen cũng đều thấy vui và tôi không ngoại lệ. Trong lòng tôi dấy lên một niềm vui nhẹ nhưng mau chóng tan biến. Tôi lạnh lùng đáp:

- Anh chẳng tốt với ai cả.

Cô bé thoáng nghĩ điều gì đó rồi nói:

- Anh cho em ăn trong khi bụng anh vẫn đói là rất tốt với em rồi.

Tôi không đáp. Tốt hay không tôi cũng không biết nữa. Tôi cũng thấy tôi thật lạ, bình thường tôi chẳng cho ai cái gì bao giờ nhưng cô bé này lại có một sức hút kỳ lạ. Phải chăng là ở đôi mắt biết nói kia của cô bé. Tôi không dám chắc.

- Anh là người đẹp nhất mà em từng gặp! - Cô bé khen tôi một lần nữa.

Tôi hiểu ý cô bé là gì và hỏi:

- Không lẽ trên đời này không ai đối tốt với em sao?

Nếu như vậy thì chẳng phải cô bé còn khổ hơn tôi nhiều bởi ít ra tôi còn có một người mẹ hết mực thương yêu, cha mẹ nuôi cũng rất chiều chuộng tôi và cả bà lão đó nữa. Nhưng không phải vậy, cô bé đáp làm tôi ngẩn người:

- Không phải thế đâu. Khuôn mặt của anh rất đẹp kia.

Lần này là cô bé khen bề ngoài của tôi sao? Tôi đẹp đến mức người ta ai thấy tôi cũng không dám nhìn ư hay nói đúng hơn là ai cũng nhìn và tránh mắt đi ngay lập tức khi tôi nhìn họ.

- Thật không? - Tôi hỏi lại cô bé.

Cô bé cười với hàm răng trắng sáng:

- Thật! Anh trai của em đã được mọi người khen là rất đẹp nhưng em thấy anh ấy còn kém xa anh. Chỉ có điều là...

Thấy cố bé ngập ngừng, tôi hỏi:

- Có điều gì?

Nhìn sâu vào mắt tôi, cô bé đáp:

- Ánh mắt của anh....

- Rất đáng sợ đúng không? - Tôi tiếp lời.

Cô bé gật đầu song mau chóng cười tươi:

- Nhưng em không sợ đâu vì anh rất tốt với em.

Cô bé liên tục nói với tôi rằng tôi đối tốt với cô bé dẫu tôi chẳng thấy tôi có điểm gì tốt cả. Tôi im lặng, gật đầu không đáp.

Cô bé nói tiếp:

- Chỉ cần anh cười thì thực sự anh sẽ đẹp như một thiên thần vậy đó. Khi ấy ánh mắt của anh sẽ đẹp hơn bao giờ hết.

Nghe vậy, tôi cười nhạt:

- Em đã gặp thiên thần bao giờ chưa?

Lắc đầu buồn bã, cô bé đáp:

- Chưa. Em chỉ nghe bà nói rằng các thiên thần là đẹp nhất thôi.

Rồi nụ cười với hai lún đồng tiền lại hiện trên môi cô bé:

- Nhưng bây giờ thì em gặp được rồi!

Tôi ngạc nhiên:

- Ở đâu?

Cô bé nhìn tôi cười tinh nghịch:

- Là người ngồi cạnh em này! Anh đó!

Tôi nhếch mép cười cho sự hồn nhiên của cô bé. Cô bé hỏi:

- Anh tên là gì?

Tôi đáp:

- Vũ Phong! Còn em?

- Em tên là Hạ Băng.

Tôi gật đầu:

- Thế bố mẹ và anh trai em đâu?

Một thoáng buồn, cô bé đáp:

- Họ mất cả rồi!

Tôi lặng người, không nói gì. Những đứa trẻ lang thang như chúng tôi thì đâu đứa nào còn cha mẹ chứ hoặc nếu không thì cũng bị cha mẹ bỏ rơi. Và tốt nhất chẳng nên nhắc đến họ làm gì để buồn lòng.

Nhìn trời đã tạnh mưa, tôi nói:

- Trời tạnh rồi, anh phải đi đây!

Và rồi tôi đứng dậy bước đi. Ánh mắt buồn buồn, cô bé nhìn theo tôi, rồi bất chợt cô bé chạy theo tôi.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Em đi theo anh làm gì?

Hạ Băng lắc đầu, cô bé không có câu trả lời.

Tôi quay đi, tiếp tục trên nẻo đường lắm nỗi gian truân cho một thằng bé của tôi. Nhưng một lần nữa, cô bé chạy theo tôi.

Tôi nhìn cô bé, ánh mắt cô bé đang trông đợi một câu nói của tôi:

- Vậy em đi cùng anh nhé! - Tôi nói.

Cô bé lập tức cười tươi trước nụ cười gượng gạo hiếm hoi của tôi. Và kể từ đó, trong kiếp đời lang thang, tôi đã có một người đồng hành.

----

Hết chương 4 :))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro