Đời con mọi - Nháp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HAI MẢNH ĐỜI KHÔNG THỂ GHÉP LẠI

truyện dài: Hàn Băng Vũ

PHẦN 1

Chương 1 – Thiết

Thiết tên là Thiết, nhưng không ai gọi Thiết là Thiết, cũng không ai nhớ tên Thiết là Thiết, người cuối cùng ngoài Thiết nhớ tên Thiết là Thiết đã mất rồi, nên mọi người chỉ gọi Thiết là mọi và Thiết cũng đã quên với từ mọi đó, dù nó chẳng phải là tên.

Thiết được sinh thiếu tháng, bị vàng da, lại nhiễm lạnh nên Thiết bị viêm phổi, bé nhỏ và gầy còm chỉ như một nhúm thịt nhăn nhó. Thiết khát sữa nên quằn quại, khóc đến lả đi, mặt mũi đỏ hỏn đầy nước mắt. Bà ngoại ôm Thiết vào lòng, nước mắt giàn giụa bảo với dì của Thiết:

-         Chắc phải đặt cho nó một cái tên con ạ

-         Ôi dào, mẹ cứ vẽ chuyện. Chắc gì đã sống được mà tên với tuổi, gọi nó là gì thì gọi.

-         Không được. Phải cho nó một cái tên – Bà ngoại ôm Thiết chặt hơn

-         Mẹ đem cho ai không có con, người ta nuôi. Mẹ ôm vào làm gì cho mệt, mẹ nó còn chẳng cần nó thì mẹ lo làm gì. – Dì Thiết vẫn lanh lảnh, chua chát

-         Nhưng nó vẫn là cháu mẹ. Phải đặt cho nó một cái tên – Bà ngoại Thiết lẩm bẩm như không nghe thấy dì Thiết nói.

-         Có phải con ông cháu cha gì đâu. Mẹ đặt là gì thì đặt.

Bà ngoại Thiết lẩm nhẩm hồi lâu rồi thốt ra một từ “Thiết”. Cái âm của từ Thiết kéo dài và đanh lên, như một tiếng ai oán đau xót hơn là hạnh phúc của yêu thương, bà ngoại đặt tên cho Thiết là Thiết theo tên của ông chủ tịch xã vì sự ít học của bà chẳng thể nào tìm được cái tên nào hay hơn cho cháu mình nữa, chỉ có cách hay nhất là đi bắt chước người khác. Và thế là Thiết tên là Thiết. Vậy là một đứa trẻ chưa từng được chào đón trên đời cũng đã có một cái tên, tên nó là Thiết.

Thế nhưng tên Thiết chưa từng có ai gọi vì bà ngoại bệnh nặng qua đời từ năm Thiết mới 2 tuổi, Thiết ở với dì. Dì Thiết gọi Thiết là mọi rồi tất cả mọi người đều gọi Thiết là mọi, nên mọi người đã quên hẳn cái tên thật của Thiết đi. Dì Thiết là em gái của mẹ Thiết, con của dì là em họ của Thiết nhưng Thiết và em họ giống như Tấm và Cám trong câu chuyện cổ tích, dì Thiết giống như là dì ghẻ trong câu chuyện cổ tích đó. Tuổi thơ Thiết cứ như thế mà lớn lên.

* * * * * *

“Hắt xì”

“Bốp”

Thiết vừa hắt xì xong thì bị cái tát đau điếng giáng vào mặt. Thì ra Thiết vừa làm dì Thiết giật mình. Nước dãi trong miệng Thiết cũng muốn văng theo cái tát mà may Thiết ngậm lại được. Thiết quay ra liếc nhìn dì rồi vội cúi gằm mặt xuống, cố lùa miếng cơm vào miệng nhai nhệu nhạo trước khi bị đuổi ra ngoài vì lý do nào đó.

Dì Thiết giờ đã là một người đàn bà ngoài 30 tuổi, dáng gầy quắt lại, da sạm đen. Mắt dì Thiết sâu hoắm như mắt cú vọ, hình lông mày xăm xếch lên với cái mỏ xăm nửa nâu nửa đỏ, chìa ra mấy cái răng thừa nhìn gớm ghiếc. Mới ngày nào, Thiết chào đời, dì Thiết mới ngoài 20 tuổi, còn chưa chồng, vậy mà giờ cũng đã gầy sọm lại như những người đàn bà khác ở trong vùng.

Thiết thấy cay cay ở mũi, vội đặt bát xuống, bịt miệng để khỏi hắt hơi tiếp thì dượng Thiết đạp cho một cái làm Thiết ngã, nghiêng hẳn ra ngoài. Mâm cơm thấp lè từ dưới đất cũng xô lệch theo cái níu tay của Thiết làm dì dượng càng thêm bực mình.

-         Cút ra ngoài cho tao ăn. – Tiếng dượng Thiết ồm ồm, nghe hơi ái ái.

Dượng Thiết cũng gầy quắt, lúc nào da dẻ cũng đỏ tía tai, lưng hơi còng và cái bụm lõm vào, râu ria thì để xồm xoàm như gã ăn mày. Thế thôi, nhưng dì dượng Thiết là gia đình giàu có nhất vùng đấy. Họ có một quán ăn khách ra vào suốt ngày, lại là đại lý bán than tổ ong nên tiền chẳng bao giờ tiêu hết.

Thiết không khóc mà thấy mắt cũng hoe đỏ, đứng lên, bám sát bức tường mà ra ngoài, vẫn thèm thuồng bữa cơm chưa kịp ăn. Họng Thiết nghẹn đắng. Thằng em họ Thiết thì mặt tròn như cái bánh bao, hai mắt tít lại, còn kịp lè lưỡi lêu lêu khi Thiết quay lại nhìn.

Thiết ra ngoài đầu nhà đứng, gió rét căm căm luồn qua lớp áo rách đùa giỡn vào da thịt Thiết đầy những vết sẹo và vết thâm tím. Vạn vật xung quanh đều phủ một màu bụi đen óng ánh, không khí loãng ra mà sương mù dày đặc vây lấy Thiết.

“Hắt xì”.

Thiết bị cảm lạnh mấy ngày nay không khỏi, đầu ngây ngấy sốt. Bụng đói cồn cào. Thiết cúi mặt xuống, nhổ một bãi nước bọt vào cái bóng liêu xiêu của mình và lẩm bẩm “cuộc đời này thật là nhầy nhụa”. Câu ấy là Thiết vô tình nghe được của ai đó, thuận miệng mà nói theo chứ thực Thiết cũng không hiểu. Thiết là thằng bé ranh con đầy bất mãn, từ lúc vắt mũi chưa sạch đã biết oán giận cuộc đời và căm hận số phận mình.

Tiếng lũ trẻ hàng xóm nô đùa khi đi học về làm Thiết ngó đầu ra, đôi mắt nhìn theo với cái nhìn dại dại. “Không biết ở trường, người ta có dạy làm thế nào để cười không mà sao mặt đứa nào cũng hớn hở thế”. Thiết chẳng được đi học nên từ nhỏ, Thiết cũng chẳng biết cười là gì.

-         Ê cu. Vào rửa bát. – thằng em họ Thiết béo núc ních, đứng giữa sân vẫy ngón trỏ gọi nó kèm theo tiếng “êu êu” như gọi chó.

Thằng em họ Thiết vẫn thế, và Thiết cũng vẫn cứ cam chịu thế, không phải vì Thiết hiền, cũng không phải vì Thiết không có sức để phản kháng, chỉ là dì Thiết bảo Thiết là con hoang thì đừng ngẩng mặt lên. Thế nên quanh năm suốt tháng, Thiết cúi đầu lầm lũi, khuôn mặt thì luôn buồn rười rượi, chẳng biết khóc, chẳng biết cười.

******

Nơi Thiết sinh ra là một vùng đất mỏ, nơi có những người khốn đốn mà vẫn lao mình vào những cuộc đổ xô sống chết với thứ "vàng đen" quý giá, ngay tại các bãi than thổ phỉ, ngày ngày người ta vẫn chém giết nhau vì tranh giành quyền lợi từ các bãi mỏ. Những người nai lưng ra làm việc, hít đủ thứ bụi đen ngòm vào phổi chỉ để kiếm lấy ba bữa cơm ăn mỗi ngày. Nơi mà người ta vẫn sống trong các túp lều lán lụp xụp trú tạm vào ban đêm rồi ban ngày lại chui vào lòng đất tối tăm mà chẳng biết nó sập xuống đầu mình bao giờ. Nơi ấy có đầy đủ mọi loại hạng người, lưu manh trộm cướp và cả những người đàn bà đĩ điếm, sẵn sàng chung chạ với bất cứ gã đàn ông người lấm đầy bụi than nhem nhuốc nào chỉ để có tiền. Và Thiết chính là sản phẩm khuyến mãi ngoài ý muốn của một lần chung chạ như thế.

Mẹ Thiết làm đĩ. Cả vùng mỏ đều biết điều đó, đàn bà thì nguyền rủa còn đàn ông thì khinh bỉ nhưng vẫn thèm khát được ném mấy đồng tiền vào mặt mẹ Thiết để cùng phè phỡn trên giường rồi ngày hôm sau sẽ lại phỉ nhổ vào mặt mẹ Thiết những lời coi khinh. Bây giờ nhiều người không còn nhớ mặt mẹ Thiết nữa nhưng ai cũng nhớ Thiết là con rơi của một con đĩ, một con đĩ không hơn không kém.

Ngay sau khi sinh Thiết ra, mẹ Thiết vứt bỏ Thiết ngay từ lúc còn đỏ hỏn rồi lại vội vã lao vào những cuộc mây mưa với những người đàn ông xa lạ cùng những ê chề sau đêm chơi trác táng. Rồi thì mẹ Thiết bỏ luôn vùng mỏ đó mà đi, chẳng ai biết mẹ Thiết đi đâu. Có người cho rằng mẹ Thiết đi theo chủ cai mỏ rồi bị bán sang Trung Quốc, có người cho rằng mẹ Thiết lên thành phố làm gái, có người lại cho rằng mẹ Thiết bị si đa mà đã chết ở đâu đó. Mẹ Thiết biệt tăm biệt tích luôn, chẳng mảy may đoái hoài gì đến Thiết, mới đó mà đã mười năm rồi.

Lúc Thiết mới sinh, Thiết gào khóc đến khản cổ, đánh thức cả khu mỏ sau một ngày làm việc mệt mỏi, lúc ấy cả xóm lại tha hồ mà lẩm bẩm chửi rủa một thằng bé con vừa mới nứt mắt ra cùng với người đàn bà tội lỗi. Mỗi lần Thiết khóc là những lời đay nghiến về thân phận làm đĩ của mẹ Thiết lại được vẳng lên từ miệng dì dượng như một điệp khúc không bao giờ dứt khiến cho khuôn mặt Thiết cũng đầy những giọt nước mắt đắng ngắt của bà ngoại. Năm Thiết 2 tuổi thì bà ngoại Thiết vì bệnh nặng qua đời, Thiết lại được tiếp tục "nuôi nấng" và "dạy dỗ" bằng những lời xỉ vả cay nghiệt. Thiết gánh luôn cái tội gây ra cái chết cho bà ngoại vì dì Thiết cho rằng nếu không phải vất vả vì Thiết, bà ngoại sẽ không đổ bệnh mà chết sớm như thế.

Khuôn mặt Thiết tỏ rõ sự ương nghạnh, cái trán dô bướng bỉnh với những nếp nhăn xô vào nhau, gờ lông mày cao trên cặp mắt lồi nhìn rất dữ tợn. Mái tóc của Thiết xoăn tít, cắt cụn ngủn sát cái đầu nhỏ thó, đôi môi dầy thâm xì cùng với một vết bớt lớn trên má phải làm Thiết càng có vẻ thô kệch và lấc cấc.

Thiết bỏ học ngay từ năm lớp 1, ở nhà quanh quẩn trong xó bếp để làm những việc lặt vặt nấu cơm rửa bát và đóng những viên than tổ ong đen óng. Thiết làm từ sáng sớm tới tận khuya, cho đến khi cả người Thiết đen nhẻm đi, lẫn vào trong đống than mới thôi. Cuối ngày đống than ấy vơi đi như an ủi dỗ dành Thiết vào giấc ngủ rồi sáng hôm sau lại được phù phép cho cao chất ngất hơn đầu người chờ Thiết, tưởng chừng chẳng bao giờ hết được. Thiết chỉ biết cúi mặt vào làm mà chẳng mấy khi ngẩng mặt lên nhìn xem bầu trời xanh như thế nào, mây trắng bay ra sao. Bình thường thì cậy miệng Thiết ra, Thiết cũng chẳng thèm nói lấy một câu. Thiết quen với đòn roi và những lời cay nghiệt của dì dượng, nếu không thì cũng là:

- Mọi dọn cái này đi

- Mọi vào đổ bô cho em

- Mọi nấu cơm đi

- ....v.v...

** * * *

Thiết đặt tay vào cái đĩa, đang định lấy miệng đậu phụ còn thừa thì đã nghe tiếng thở hồng hộc và cái lưỡi dài ngoằng ướt át liếm bàn tay. Thằng em họ Thiết và con chó đang đứng ngay trước mắt, cái mặt hớn hở nhìn Thiết thỏa mãn. Sống mũi Thiết cay xè, lầm lũi quay đi buồn tủi, nhúng bàn tay vào chậu nước lạnh như đá, tay run cầm cập, phải khéo lắm mới không làm rơi cái bát. Hai bàn tay Thiết bị cước, sưng lên tấy đỏ đến nứt cả da. Nước lạnh vừa làm Thiết đau buốt, vừa làm cho vết thương tay Thiết sưng to lên, cả đêm nhưng nhức, nóng ran không ngủ được.

Xong việc, Thiết định chui lên nhà thì cửa nhà đã đóng kín, Thiết chẳng dám mở. Chỉ cần hé cánh cửa ra, gió rét sẽ lùa thốc vào, Thiết sẽ tha hồ bị ăn chửi. Thiết lại ngậm ngùi quay ra, chui vào xó bếp dựng tạm bằng mấy viên ngói xi măng không có cửa. Bếp than đã lụi, nguội tanh nguội ngắt.

Thường thì Thiết vẫn tránh mặt dì dượng và cả thằng em họ hỗn láo bởi lẽ cái mặt Thiết dễ gây ra sự chướng mắt mà đón nhận lấy những cái vả bôm bốp đến khi in hằn những ngón tay trên má mới thôi. Thiết chịu khó và cũng biết chịu đựng, chẳng bao giờ cãi lấy một câu, cũng chẳng phản kháng hay bỏ chạy, người Thiết đầy những vết sẹo như từ thời trung cổ mà Thiết cũng coi nó như một điều tất nhiên, đôi khi cười một cái nhạt thếch, nhổ toẹt một bãi nước bọt, lầm bầm mấy câu khinh rẻ cuộc đời rồi thôi.

Chương 2 – Hưng

Hưng tên là Hưng, nhưng không ai dám gọi Hưng là Hưng. Ở nhà mọi người gọi Hưng là cậu Hưng, cậu chủ. Đi học mọi người gọi Hưng bằng cái tên đầy kiêu hãnh là Gia Hưng, ngay cả cô giáo của Hưng cũng phải gọi Hưng là Gia Hưng nếu không thì Hưng không chịu. Hai người duy nhất được gọi Hưng là Hưng thì họ chẳng mấy khi gặp Hưng để gọi, họ đi vắng suốt ngày để kiếm tiền, họ là bố mẹ của Hưng.

Hưng chào đời được cả dòng họ chào đón, vì Hưng là cháu độc tôn, cháu trai duy nhất, người thừa kế duy nhất của cả một tập đoàn lớn. Nên việc đặt tên cho Hưng cũng được ông nội Hưng tổ chức họp gia đình mấy lần, tra cứu đủ các loại sách rồi mới chọn được một cái tên xứng đáng, cái tên đầy kiêu hãnh và tự hào của một ông chủ tương lai.

-         Cái tên phải thật sang trọng quý phái – Ông nội Hưng nhắc đi nhắc lại

-         Đặt tên là Khánh Kiệt được không ạ? – Mẹ của Hưng lên tiếng

-         Chị muốn gia đình khánh kiệt không còn đồng xu nào hay sao mà đặt tên là Khánh Kiệt? Phải đặt một cái tên xứng đáng, thể hiện ước mơ và mang ý nghĩa tốt lành chứ - Ông nội Hưng càu nhàu

-         Vậy thì đặt tên là Quốc Bảo được không ạ? – Cô của Hưng nói

-         Quốc Bảo người ta lại nhầm là diễn viên hài, không được.

-         Cát Lợi – ý kiến khác của bà nội Hưng

-         Còn mỗi lợi thì mất răng hả? Không được. – Ông nội Hưng vẫn phản đối

-         Tên là Hùng Anh được không ạ? – một ý kiến khác

-         Tên là Anh thì tôi cũng phải gọi là anh à? Tôi ghét cái tên này lắm – ông nội Hưng vẫn không hài lòng.

Qua bao nhiêu ý kiến, mấy buổi họp cả nhà cùng suy nghĩ, cuối cùng ông nội Hưng cũng quyết định chọn cái tên Gia Hưng, thể hiện một gia đình bề thế và giàu có. Vì thế nên bất cứ ai cũng phải gọi Hưng là Gia Hưng, không được thiếu một từ.

******

-         Cậu chủ, cậu uống sữa đi không thì ông bà chủ lại mắng tôi. – Bà giúp việc của Hưng nhăn mặt nhăn mũi nom đến khổ sở cầm cốc sữa còn đầy nguyên trên tay

-         Nhạt lắm, cháu không uống. Cháu ghét uống sữa. – Hưng vừa nói vừa cầm cây kiếm nhựa tập võ giống như trong phim hoạt hình

-         Cậu uống một hơi là hết thôi mà. Rồi bố mẹ cậu về lại mua đồ chơi cho – Bà giúp việc nói nhẹ nhàng, dỗ dành Hưng

-         Cháu đầy đồ chơi rồi. Cháu chẳng thèm – Hưng đáp lại vẻ xấc láo, không hề tôn trọng bà giúp việc

-         Cậu không uống là bố mẹ cậu mắng đấy

-         Bố mẹ cháu có mắng cháu bao giờ đâu, mà mắng cũng chẳng sao, mấy tuần cháu mới gặp bố mẹ cháu cơ mà – Hưng vẫn để ý đến bộ phim hoạt hình

Vừa lúc đó thì bố mẹ Hưng về và bước vào nhà. Cả bố mẹ Hưng đều mặc trên người những bộ quần áo sang trọng và đắt tiền, đồ trang sức trên người mẹ Hưng sáng lấp lánh.

-         Mẹ mua gà rán cho con trai này – tiếng mẹ Hưng ngọt ngào

-         Lại gà rán. Con ngán gà rán lắm rồi – Hưng không quay ra chào bố mẹ, chỉ mải nghịch với thanh kiếm nhựa.

-         Con không ăn cũng được, thế con trai mẹ thích ăn gì nào? – Mẹ Hưng kéo Hưng lại gần để Hưng đẩy ra, khó chịu vì mùi mỹ phẩm

-         Bố đưa con trai đi ăn nhà hàng nhé

-         Bố ra để con xem tivi, chắn hết màn hình của con rồi – Hưng phụng phịu

-         Thôi được rồi. Bố mẹ lên phòng nghỉ nhé. –Bố Hưng nói rồi quay ra người giúp việc – Chị chịu khó chăm cháu giúp chúng tôi nhé

Nói rồi bố mẹ của Hưng đi lên phòng, còn Hưng vẫn cầm cây kiếm nhựa múa may theo màn hình tivi. Người giúp việc vẫn cứ nài nỉ Hưng uống hết cốc sữa, Hưng bực mình hất văng ra, cốc sữa rơi xuống vỡ tan tành, bắn tung tóe khắp sàn nhà. Hưng cười khúc khích:

-         Cháu nói không thích uống mà, đừng ép cháu

-         Để tôi đi pha cốc khác.

Thế rồi Hưng vẫn bị ép uống hết cốc sữa bằng được.

Hưng có nước da căng mịn và láng bóng, hai mắt híp lại và cả thân hình tròn ủng ỉnh. So với các bạn bè cùng trang lứa thì Hưng cao lớn hơn hẳn, như một người khổng lồ. Thế nhưng mọi người chỉ dám nói xấu sau lưng chứ chẳng ai dám trêu chọc gì Hưng cả.

Sau bữa tối, bà giúp việc lại mang lên phòng cho Hưng một đĩa hoa quả lớn. Hưng đang chơi điện tử trong phòng. Âm thanh chíu chíu từ dàn loa kê sát máy vi tính khiến Hưng thích thú, cười rinh rích một mình. Trong phòng riêng của Hưng có một chiếc tivi lớn gắn sát tường, có cả đầu đĩa để Hưng có thể xem tùy thích. Dàn máy vi tính của Hưng cũng thuộc loại mới nhất, đắt tiền nhất. Tất cả mọi thứ trong phòng của Hưng đều là thứ đắt tiền nhất có thể, kể cả cái xô đựng rác cũng là hàng đắt tiền. Phòng Hưng gọn gàng ngăn nắp, không có lấy một vết bám bụi. Quần áo Hưng cũng đầy chật tủ bằng đủ các kiểu, riêng đồ chơi của Hưng có mấy hộp đầy, phải cất cả ở trong nhà kho và đem cho bớt đi.

-         Cậu chủ ra ăn hoa quả đi. – Bà giúp việc lại nịnh nọt nài ép Hưng

-         Cháu không ăn đâu.

-         Không được. Phải ăn nhiều hoa quả thì mới có nhiều vitamin và chất xơ, tốt cho sức khỏe chứ, lại đẹp da nữa. – Bà giúp việc cầm miếng thanh long đưa lên miệng Hưng cưng nựng.

-         Cháu có phải con gái đâu mà cần đẹp da. Cháu không thích ăn. – Hưng phụng phịu gạt phắt tay bà giúp việc đi.

-         Cậu phải ăn. Bà chủ đã dặn rồi. Phải ăn đủ theo đúng khẩu phần dinh dưỡng. Cậu mà không ăn thì bà chủ đuổi tôi về quê – giọng bà giúp việc níu xuống, buồn tủi

-         Thôi được rồi cháu ăn

Hưng ném cái điều khiển xuống giường rồi nhăn nhó, cố ăn hết phân nửa đĩa hoa quả mà bà giúp việc mang lên.

-         Cậu học bài đi. Đừng chơi nữa – Bà giúp việc nhắc nhở

-         Học làm gì ạ? – Hưng ngẩng đầu lên hỏi, tỏ ra ngây thơ

-         Học để cho giỏi chứ để làm gì nữa – Bà giúp việc nói

-         Đằng nào cháu chẳng được học sinh giỏi, học làm gì nữa. – Hưng thản nhiên

-         Không học làm sao mà giỏi được. Đấy là cô giáo cho thế thôi. Phải học thì mới giỏi được chứ. Học giỏi rồi làm giám đốc như bố cậu ấy.

-         Bố cháu bảo sau này bố cháu cho cháu làm giám đốc rồi. Cháu không làm thì ai làm. Ông nội cháu bảo thế - Hưng lại tiếp tục say mê với trò điện tử mới.

Đúng là Hưng đi học năm nào cũng được học sinh giỏi, lên lớp cô giáo cũng chẳng bao giờ kiểm tra bài của Hưng hay gọi Hưng lên phát biểu ý kiến xây dựng bài. Trường học của Hưng là trường điểm, công ty của bố Hưng lại xây tặng cho trường Hưng cả một dẫy nhà 3 tầng, tặng cho nhà trường của một phòng học tin học với những chiếc máy vi tính xịn nhất mà chỉ có một yêu cầu nho nhỏ là để ý đến Hưng, thế nên Hưng nghiễm nhiên được học sinh giỏi mà chẳng phải khó khăn vất vả gì.

-         Ngày mai bác cho cháu mặc cái áo xanh cháu thích nhé – Hưng sực nhớ ra, quay ra bà giúp việc

-         Cái áo đấy bị rách một ít ở tay áo rồi. Không được đâu. Cậu mặc cái áo mới mẹ cậu mua đi, cũng là áo màu xanh đấy

-         Nhưng cháu thích cái áo xanh kia cơ. – Hưng giãy ra

-         Cậu mặc áo rách là mẹ cậu mắng cho đấy. Không được đâu.

-         Chỉ rách một tí ở tay thôi mà. Có mỗi một centimet

Hưng nài nỉ nhưng vẫn không được mặc chiếc áo Hưng thích, chỉ vì lần trước Hưng lỡ làm rách một ít ở tay nên chiếc áo ấy bị bỏ đi ngay. Hưng hơi phụng phịu rồi nằm xuống trùm chăn kín đầu hờn dỗi, sau đó ngủ tít luôn, ngày hôm sau Hưng vẫn phải mặc chiếc áo mới đi học.

Hôm sau, lái xe chờ Hưng ở cổng trường để đón Hưng về. Hưng chạy ra năn nỉ bác lái xe:

-         Bác cho cháu đi chơi đá bóng với bạn của cháu nhé. – Giọng Hưng hồ hởi, Hưng cười để lộ ra hàm răng sún, hai mắt híp lại

-         Không được đâu. Tan học là phải về nhà.

-         Cho cháu đi đá bóng một hôm nay thôi mà

-         Lần trước cậu đi đá bóng bị ngã xước tay, ông bà chủ suýt nữa đuổi việc tôi rồi đấy. Để chủ nhật tôi đưa cậu đến công viên chơi

-         ở công viên có gì đâu mà chơi. Chán phèo. Có mấy con thú thì xem đi xem lại, cũng chẳng có trò chơi nào. – Hưng lại tiếp tục phụng phịu

-         Thôi đi về nhé.

Hưng chạy ra chỗ đám bạn đang chờ bảo:

-         Tớ không được đi đá bóng rồi. Các cậu về nhà tớ chơi nhé – Hưng gật gật đầu, rủ các bạn

-         Về nhà cậu thì có trò gì?

-         Về nhà tớ, tớ bảo bác giúp việc mua gà rán cho. – Hưng hứa hẹn

-         Tớ thích ăn pizza cơ – Một bạn khác lên tiếng

-         Thì mua cả pizza nữa. – Hưng quả quyết

-         Mua bim bim nữa nhé.

-         Ừ. Các cậu thích ăn gì, tớ cũng chiều hết, về nhà tớ chơi nhé. Tớ không được ra ngoài đâu.

Vậy là Hưng cũng rủ được các bạn về nhà mình. Tất cả lên phòng Hưng chơi điện tử và nghịch robot của Hưng. Bạn nào cũng xuýt xoa khen tất cả mọi thứ.

-         Nhà cậu đẹp thế

-         Tivi nhà cậu to thế

-         Sao cậu nhiều đồ chơi thế?

-         Cậu sướng thật đấy

-         ..v.v..

Hưng lấy làm tự hào vì được các bạn khen nhiều, chỉ các bạn chơi từng trò chơi một. Lần nào Hưng cũng rủ được các bạn về nhà theo cách ấy, mời các bạn đồ ăn ngon và cho các bạn chơi đồ chơi của mình.

-         Hôm nay các cậu về nhà tớ chơi điện tử nữa nhé – Hưng lại hớn hở mời mọc

-         Bố tớ không cho đi đâu. Bố tớ bảo là chơi điện tử hỏng mắt. – Một bạn nói, e dè

-         Mẹ tớ bảo là ăn gà rán với pizza nhiều là bị béo phì, xấu lắm. – Một bạn khác lại nói

-         Thế thì về nhà tớ chơi đồ chơi – Hưng nói

-         Sao cậu không đi chơi với bọn tớ đi? Bọn tớ đi ra ngoài chơi trốn tìm, chơi đuổi nhau vui lắm

-         Tớ không được đi – Hưng buồn nói

-         Thế thì hôm khác bọn tớ đến nhà cậu nhé

-         Các cậu đến nhà tớ đi mà. Đến nhà tớ rồi tớ tặng cho mỗi cậu một con robot nhé. Đi mà – Hưng nài nỉ.

Thế rồi hôm đó, Hưng vẫn rủ được các bạn về nhà thêm một lần nữa. Ở nhà, chẳng ai chơi với Hưng, Hưng cũng không được đi chơi. Ở nhà Hưng, lúc nào cũng chỉ có lời của ông bà chủ là mệnh lệnh, thỉnh thoảng bố mẹ Hưng về mang cho Hưng quần áo và đồ chơi mới. Hưng thích thú nhưng rồi lại nhanh chóng chán ngay, tủ quần áo và đồ chơi của Hưng thì cứ đầy chật dần. Ngày nào Hưng cũng bị ép ăn món này, món kia nên Hưng càng ngày càng mập ra. Hưng cũng chẳng thích nói chuyện với ai, chỉ thích rủ được các bạn về nhà, nhưng dần dần, lời mời chào của Hưng cũng không còn hấp dẫn nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hbv