Tớ và kỉ niệm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 5 tháng 4 năm 2024 ...
Hôm ấy là thứ sáu, nắng vàng, gió to, hơi lạnh, tớ đang tận hưởng nốt những ngày cuối cùng của tuần nghỉ này. Có nhiều điều muốn nói, muốn kể ...
Lâu rồi cũng không viết gì quá dài ... không phải là không có gì để viết. Chỉ là tự nhiên hứng lên, nhưng đến lúc gõ được đôi chữ lại phải chạy đi làm việc khác. Hoặc là hình như, vốn từ của tớ đang bị hơi ít thì phải, bị hơi phiến diện và thiếu ý tưởng để ghép chúng lại với nhau.
...
Tuần rồi tớ được đi ăn giỗ nhà thầy Khải. Được nhìn ngắm cách sinh hoạt của một gia đình ba đời là nhà giáo, ba đời học cao, khi mà những con người thuộc tầng lớp tri thức nhất của các thế hệ khác nhau cùng sống chung dưới một mái nhà. Vợ thầy Khải là cô Lan Vân, một nhà báo kinh tế bằng tiếng Anh, viết rất nhiều về những điều khó đọc khó suy luận. Con gái thầy là chị Lan Thục, một giảng viên ngôn ngữ học. Tớ đã tưởng tượng rằng cuộc nói chuyện giữa gia đình này là một thứ gì đó khó hiểu và không giống những gia đình bình thường. Hôm đó tớ đi một mình, và cũng một mình tớ là khách. Có cả chồng của chị Thục, một anh trai người Thuỵ Điển cao lớn và ít nói. Mọi người gọi là anh Khoa. Một cái tên sẽ được đặt nếu như trời cho vợ chồng thầy thêm một đứa con trai. Ừ thì không có trai, lấy con rể làm con trai. Như thế cũng tốt. Thầy hay đùa thế mỗi khi tiếc nuối về cái sự ít con cái của mình.
...
Mọi người nói chuyện bằng tiếng Việt. Anh Khoa ngồi nghe, hình như hiểu, đôi lúc cũng nói được vài ba câu. Thầy Khải bảo về nhà là thời gian hạnh phúc nhất, vì được nói tiếng Việt. Vì được bày tỏ quan điểm của mình bằng tiếng mẹ đẻ. Thầy và vợ thầy yêu tiếng Việt hơn bất kì loại ngôn ngữ nào được học. Chị Thục cũng nhìn thật sâu vào ngôn ngữ bằng tình yêu tiếng Việt. Hình như càng học cao, càng biết nhiều, những con người ấy càng quay trở lại điểm bắt đầu. Bình thường cái mồm tớ chẳng bao giờ để lên da non. Nhưng hôm ấy tớ ngồi yên, để nghe, để nhìn, nhìn người ta nói chuyện về nhau, về kỉ niệm của hai mươi ba mươi năm trước. Giọng Hà Nội ấm áp và ngọt như cách những người trong cùng một gia đình nhìn nhau.
...
Tớ được xem cả những kỉ vật. Những thứ mà thầy nói nó sẽ theo ta cả đời. Những thứ ràng buộc ta với thời gian. Những thứ làm cho ta sống biết quay đầu lại.
...
"Gửi Vân của anh,
Ở đây đủ lạnh để anh thấy mình muốn quay về với em. Chắc đây là lá thư cuối cùng. Rồi mình sẽ không còn phải viết thư cho nhau nữa. Chúng ta sẽ ngồi cùng nhau, nói chuyện, nắm tay nhau. Anh chờ đợi từng ngày để được quay về gặp em, được ăn cơm em nấu và kể cho em nghe anh đã làm gì với bài tiểu luận khô khan nhất anh từng làm.
... "
...
"Lần đầu" là một trong những từ kì diệu nhất được xuất hiện trong đời. Người ta có thể lấy mọi lí do với chữ "lần đầu". Người ta thấy mình chưa trưởng thành lắm sau mỗi "lần đầu" và cũng có thể thấy mình mất mát thật nhiều sau mỗi "lần đầu".
...
"Ừ thì lần đầu dễ để bao biện cho những gì sai trái. Nhưng nó cũng là cầu nối để người ta thấy mình xuất phát cùng nhau tại một điểm. Anh yêu vài lần trong đời. Nhưng lần đầu anh là người yêu của em. Em cũng vậy. Có thể chưa yêu ai. Nhưng là lần đầu làm người yêu của anh. Lần đầu em nấu cơm. Không ngon lắm. Nhưng là lần đầu anh được ăn cơm em nấu. Lần đầu chúng ta sống chung thì cũng là lần đầu anh không phải ở một mình. Chúng ta có hàng trăm hàng ngàn cái lần đầu trong đời. Chúng ta bước qua lần đầu này để chạm chân vào lần đầu khác. Và có khi. Thậm chí đến lúc chúng ta sang thế giới bên kia. Chúng ta cũng lần đầu được "mất". Lần đầu biết được cái cảm giác không tồn tại. Không ai biết nó thế nào cả. Chỉ đến khi thực sự chạm vào nó. Người ta mới có lần đầu cho mình câu trả lời. Rốt cục thì, đời người chả có điểm kết thúc. Kết thúc sao được khi mọi điều trong đời ta làm đều là lần đầu. Đều là khởi sự. Chẳng ai đủ can đảm, đủ lớn để tự nhận mình chẳng còn cái lần đầu nào nữa ... "
...
Dạo này giữa tớ với My và Long có vài chuyện khá vui để nói. Nói đi nói lại. Nói nhiều quá đâm ra hơi ám ảnh. Nhưng mà vui. Thế mà đâu đó sau ấy tớ lại cũng nghĩ về nó hơi nhiều. Tớ nhìn thấy hình ảnh của tớ trong ai đó. Hơi buồn. Tớ không dám tự tin là tớ hiểu được cảm giác của tất cả mọi người. Chỉ là đâu đó, tớ biết cái cảm giác ấy. Nó mong manh nhưng đủ lớn làm con người ta lộn xộn, mất kiểm soát. Hi vọng sau cùng, những người cần phải lớn sẽ lớn, những người cần phải nhìn thẳng vào con người mình sẽ nhìn thẳng, không né tránh nó nữa, bao biện là con đường ngắn nhất để ta đánh mất chính mình. Tớ đã bao biện trong một thời gian dài. Đến tận giây phút cuối cùng tớ vẫn bao biện. Lí do sẽ mãi là lí do nếu nó không được hình thành từ một câu hỏi chính đáng. Và hậu quả của đống lí do ta tạo ra trong đời sẽ ở lại rất lâu. Từ bao giờ việc đi tìm lí do lại khiến người ta dằn vặt. Tớ không tìm được cách chấp nhận tất cả. Ai rồi cũng sẽ biết mình sống hai cuộc đời. Một cuộc đời khác hơn thua và chấp nhặt.
Dạo gần đây tớ nghe bài hát gì đó về chuyện ai cũng có trong mình một đứa trẻ. Một đứa trẻ không bao giờ lớn. Nó là tấm gương tham chiếu chính xác nhất cho quá trình lớn lên của ta. Nó mãi là đứa trẻ đứng lấp ló, nhìn ngắm và tò mò về thế giới quan rộng kinh khủng khiếp mà ta sẽ chạm mắt trong cả cuộc đời.
...
Nhắc đến trẻ con. Lại nhớ đến em Pam. Dạo này em lớn trông thấy. Tớ và một người bạn lớn trong đời tớ đã từng ngồi khá lâu để nói chuyện về mấy em bé trên mạng. Có vài điều thực tế là cách người lớn tiếp xúc và mang thế giới rộng lớn vào thế giới nhỏ bé của bọn trẻ con hình thành nên con người chúng nó. Hôm rồi tớ thấy khá vui. Vì sau hai năm theo dõi, tớ vẫn thấy em Pam là em gái nhỏ ngọt ngào và hạnh phúc nhất. Thực sự ngọt ngào. Hi vọng năm mười năm sau vẫn vậy. Dù biết tốc độ lớn của trẻ con bây giờ nó thực sự quá khủng khiếp.
...
Kết lại bằng thầy Khải. Thầy hỏi tớ thế sau hai năm gì đó, có lý tưởng gì mới chưa. Tớ bảo vẫn chả có gì. Tớ chỉ mong cuối đời tớ được ngồi một chỗ, ăn đồ ăn thật ngon và tay chân thì không bị chậm chạp. Để được viết thêm nữa. Còn nếu tay chân khó viết thì hi vọng cái mồm không bị khó nói. Để còn mở mồm ra mà nhờ vả được. Nhờ ai đó ghi lại.
Cuối cùng thì nhu cầu chia sẻ của con người vẫn vậy. Tớ mất đi một hai đọc giả tớ tự phong trong tháng này. Nhưng không vì thế mà tớ ngại chia sẻ. Tớ hay nói vui với bạn tớ là cuộc đời tớ bây giờ là cái phòng trà. Tớ là ca sĩ mới vào nghề. Tớ hát không hay lắm. Nhưng thích hát. Tớ muốn được nhiều người nghe. Tớ cũng muốn được nghe từ nhiều người. Càng lớn, cái sân khấu ấy càng bị nới rộng ra. Càng nhiều người đi ngang qua đời tớ. Nghe tớ hát một hai lần. Rồi bỏ đi. Có những người ở lại. Làm người nghe dài hạn của tớ.
Càng sống lâu hơn, càng nhiều chuyện, càng nhiều điều muốn nói. Ai cũng muốn nói. Những không phải ai cũng muốn nghe. Suy đi suy lại. Cái nhu cầu được nói vẫn lấn át cái nhu cầu được nghe. Có vài người tìm đến ta chỉ để nói. Rồi họ bỏ đi. Không lắng nghe khi ta bắt đầu câu chuyện của mình. Sự thông cảm thật sự nó xuất phát từ cách chúng ta lắng nghe mỗi khi ai đó mở lại. Thật may mắn trong đời tớ là mẹ tớ là một người lắng nghe kinh khủng khiếp, khác với bố tớ. Đuợc lắng nghe là một đặc ân mà cuộc đời thường chọn lọc rất kĩ để đem lại cho ta một người bạn tuyệt vời.
...
Từ giờ sẽ bớt nói về Hà Nội lại. Để không phải nhớ quá nữa. Nhớ Hà Nội mới là cái thứ khủng khiếp.
...
Thầy Khải với cô Vân nhận lời tuần sau sang nhà tớ ăn cơm. Cả chị Thục và anh Khoa nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro